BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ gì khi đọc “Tại Sao Chúng Ta Thua?” của Trần Văn Kha (Kỳ cuối)

02 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1213)
Nghĩ gì khi đọc “Tại Sao Chúng Ta Thua?” của Trần Văn Kha (Kỳ cuối)
51Vote
40Vote
31Vote
21Vote
10Vote
3.33
Trong phần II của cuốn sách, tác giả Trần Văn Kha viết khá nhiều đến cuộc chiến Pháp-Việt Minh (1946-1954) và cuộc chiến tranh Mỹ-Việt Cộng (1968-1975). Trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt, tác giả có đề cập đến những trận đánh quan trọng, từ trận Pháp nhảy dù Bắc Kạn, Đường Thuộc Địa Số 4, trận Vĩnh Yên, trận Mao Khê và Sông Đáy cho đến trận cuối cùng Điện Biên Phủ quyết định số phận của quân đội Pháp ở Việt Nam và cuộc đấu tố cải cách ruộng đất, một vụ giết người lớn lao nhất trong lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong trận đánh Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh và dân công thiệt hại rất nặng, nhưng do "tiêu máu của dân như tiêu bạc giả" và một phần vì sự kiêu căng của một số tướng lãnh Pháp chỉ huy mặt trận, Việt Minh đã chiến thắng tại Điện Biên Phủ sau khi thiệt hại 25,000 quân. Hồ Chí Minh và tướng Giáp tuyên bố chiến thắng, nhưng ngay sau chiến thắng không lâu, họ đã giết chết khoảng 300,000 nông dân mà họ gọi là địa chủ, những người đã bỏ tiền bỏ của giúp đỡ và che chở cho quân đội Việt Minh kháng chiến chống Pháp.

Trong giai đoạn chiến tranh ở Miền Nam mà người ta thường gọi là cuc chiến Mỹ-Việt Cộng, tác giả Trần Văn Kha trình bày khá kỹ những trận đánh có tính cách quyết định như trận Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, Trận Khe Sanh và trận cuối cùng trước khi Saigon thất thủ. Tác giả trình bày khá chi tiết khía cạnh chiến lược và chiến thuật trong trận Tết Mậu Thân, nhưng ông có một lập luận khác với lập luận của phần đông các cơ quan truyền trông báo chí Hoa Kỳ vào thời điểm đó. Họ cho rằng VNCH đã thua đậm trong trận tổng tấn công. Tác giả Trần Văn Kha lại đánh giá báo chí Mỹ chỉ căn cứ vào những tin do Việt Cộng cung cấp mà Việt Cộng cũng chỉ nói đến thắng trận, nói về những thiệt hại mà họ gây ra cho Mỹ và VNCH. Thực tế phía VNCH cũng đã tổ chức những chiến dịch để đánh tan dư luận này, nhưng kết quả chỉ có giới hạn vì báo chí và nhất là hệ thống truyền thông của Hoa Kỳ đang thúc ép chính phủ Richard Nixon phải rút quân ra khỏi Việt Nam bằng những tin tức cân não đó.

Chỉ mới đây, những thông tin sai lầm của giới truyền thông Mỹ mới lần lần được soi sáng và theo như lời tác giả Trần Văn Kha, có lẽ là nhờ Peter Braestrup, một nhà báo và đồng thời là nhà sử học, người theo dõi rất kỹ các trận đánh lịch sử trong chiến tranh Việt Nam. Ông viết trong tác phẩm "Viet Nam At War" của Mark P. Bradley như sau: (phần dịch của Trần Văn Kha trang 232):

"Rất ít khi sự khủng hoảng báo chí hiện đại quay đầu nhìn lại là họ đã đi quá xa sự thật. Đặc biệt là những đề tài bằng lời và bằng phim (tái phát thanh, phát hình trong những bài bình luận, xã thuyết và đa số các cuộc thảo luận ở nhà) làm tăng thêm hình ảnh thua trận của đồng minh. Những sử gia, trái lại, đã kết luận rằng tấn công Tết Mậu Thân là một thảm bại quân sự cho Hà Nội ở Miền Nam. Khi mô tả sự thảm bại của bên này như là thất bại của bên kia--trong cuộc khủng hoảng ở nước ngoài--không thể coi như thành công của báo chí Mỹ". (Tại Sao Chúng Thua Trận?-Trần Văn Kha-tr.232).

Năm 1978 là năm mà giới trí thức Mỹ duyệt lại những sự kiện trong chiến tranh Việt Nam rất tích cực để tìm những câu trả lời cho những thắc mắc: Tại sao Mỹ thua? Theo tác giả Trần Văn Kha, người ta đã phỏng vấn khoảng 240 nhà báo và nhân viên các đài truyền hình làm việc cho các cơ quan báo chí như New York Times, Washington Post, Wall Street Jornal, Time, Newsweek, Us News &World Report và các hệ thống truyền hình lớn của Mỹ như CBS, NBC, và ABC.

Cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp tục cho đến nay, nhưng với cách nhìn tương đối dễ chịu hơn của giới báo chí truyền thông Mỹ, một thế hệ báo chí truyền thông bắt đầu không còn liên hệ gì đến quá khứ chiến tranh Việt Nam. Tác giả "Tại Sao Chúng Ta Thua?" đưa ra một vài con số thống kê như một cách khẳng định quan điểm của ông: Việt Cộng chết 50,720 người (chỉ riêng Tết mậu Thân) trong khi Mỹ 2,000 và VNCH 11,000 (tài liệu của N.A.M trang 537), dân chúng nạn nhân: 14,000 và 80,000 người mất nhà. Nhưng có một chi tiết mà tác giả Trần Văn Kha nhấn mạnh, đó là: "Trong trận tấn công Tết Mậu Thân, MTGPMNVN thiệt hại nhiều nhất. Quân và cán bộ lãnh đạo chết gần hết. Đó là dụng ý của giới lãnh đạo Miền Bắc, vì họ lo ngại MTGPMNVN có thể thỏa hiệp với VNCH để chấm dứt chiến tranh".

Ở các trang 255, 256, 257 cho đến trang 312, tác giả Trần Văn Kha duyệt lại những trận đánh có tính chất quyết định cho những biến chuyển mà chúng ta có thể nhìn thấy là tất yếu cho đến Tháng Giêng 1975. Những trận như Khe Sanh, cho đến cuộc hành quân Lam Sơn 719, Mùa Hè Đỏ Lửa và các trận cuối cùng đều được tác giả đánh giá lại với cách nhìn khách quan hơn. Báo chí ít để ý đến một chi tiết rất quan trọng trong cuộc tấn công ở căn cứ Khe Sanh, nhưng tác giả cho rằng quyết định bao vây và tấn công Khe Sanh vào năm 1967 và 1968 của Võ Nguyên Giáp là một sai lầm rất nặng nề. Vẫn theo tác giả "Bắc Việt đáp ứng đúng như sự chờ đợi của tướng Westmoreland, họ mang tới 2 sư đoàn quân đội chính qui, sư đoàn 304 và sư đoàn 325 với quân số tổng cộng 23,000 người. Quân Bắc Việt được trang bị rất tốt với pháo 130 ly, 152 ly và hỏa tiễn 122 ly do Liên Xô chế tạo. Nhưng sự thiệt hại của Giáp nặng nề với 15,000 quân chết so với Mỹ là 205 thiệt mạng và 500 bị thương. Giáp đã ước tính sai sự hữu hiệu của không quân Hoa Kỳ (từ Đà Nẵng và Đệ Thất Hạm Đội) và B-52 (từ căn cứ Utapao và Guam)...Nhờ có hệ thống radar ở dưới đất, gọi là Combat Skypot, người chỉ huy không những có thể liên lạc hướng dẫn máy bay bay tới mục tiêu mà còn có thể ra lệnh cho phi công khi nào thả bom. Sự chính xác thật đáng ngạc nhiên."

Trong các trận chiến khác chẳng hạn như trận đụng độ trong cuộc hành quân ở Hạ Lào hay những cuộc ném bom Miền Bắc trước Noel 1972, theo cách đánh giá của tác giả dựa vào những tài liệu được tiết lộ sau này trong nhiều tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là cuốn sách rất dầy "Vietnam At War" của Mark Philip Bradley, người ta có thể thấy những hình ảnh các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và VNCH sáng sủa hơn, nhưng đồng thời nó cho thấy một trong những yếu điểm của Hoa Kỳ, đó là Mỹ không thật tâm muốn chiến thắng và sự thiếu cương quyết của Hoa Thịnh Đốn để có một chính phủ ở Miền Nam Việt Nam đàng hoàng hơn, được lòng dân hơn chính phủ của ông Thiệu. Lòng hoài nghi và sợ bị đảo chánh, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã biến chính phủ của ông thành một chính phủ thiếu hữu hiệu và chung quanh nịnh thần nhiều hơn người thực tâm làm việc giúp ông.

Cái lý do khiến chúng ta thua, theo cách nhìn của tác giả Trần Văn Kha chính là các nhà lãnh đạo quan trọng của Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa là Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đã không có được cái nhìn xa, đã quá tin và ngủ quên trong chính sách của người Hoa Kỳ. Tệ hơn là có thể họ không bao giờ nghĩ rằng Hoa Kỳ lại bỏ rơi VNCH nên không tiến hành các nỗ lực tạo một nền dân chủ vững chắc ở Miền Nam để khi biến vẫn có thể trông chờ vào sự hy sinh của toàn dân. Đến khi Mỹ thay ngựa giữa đường thì đành xuôi tay, không còn biết trông cậy vào đâu.

Ở trang 343, tức là trang gần kết thúc tác phẩm "Tại sao chúng ta thua?", tác giả Trần Văn Kha nêu một câu hỏi có tính chiến lược trong cuộc chiến bằng lời: Tại sao chúng ta chống Cộng? Đừng tưởng câu hỏi này là dễ trả lời. Sự thua trận của Hoa Kỳ và VNCH chưa hẳn là do quân sự mà là do nhiều yếu tố góp lại. Trong cuộc chiến kéo dài từ 1954 đến 1975, theo tác giả, Việt Cộng cũng đã từng thua dài và đã có lúc người ta nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ hành quân sang Lào, Cam Bốt và Bắc Việt sớm hơn và hành động cương quyết hơn, cơ hội thắng trận của Hà Nội không làm gì có được với một tình trạng xã hội như xã hội Miền Bắc. Nhưng "chiến tranh luồng sóng" theo như cách gọi của tờ US News & World Report, sự lừa phỉnh, bưng bít, tàn nhẫn và gian dối của Hà Nội thì vượt trội. Cũng vì thế mà người dân Miền Bắc mù quáng đóng góp máu cho Hà Nội tiêu dùng không thương tiếc. Điều này có nghĩa là CSBV sợ sự thật còn hơn sợ vũ khí của Hoa Kỳ. Trong khi đó VNCH cũng như Hoa Kỳ không cung cấp được thứ vũ khí của sự thật cho người dân Miền Bắc. Chính quyền ở Miền Nam từ Tổng Thống Diệm cho tới Tổng Thống Thiệu rõ ràng đã coi thường "cuộc chiến tranh bằng lời". Không những thế, sự thiếu dân chủ khiến dân của những chính quyền Miền Nam khiến dân chúng mất niềm tin vào chính phủ và quân đội. Chỉ cần một biến cố nhỏ, dân chúng có thể tự tạo ra hoảng loạn.

Tác giả Trần Văn Kha cho rằng, những giai đoạn sau này khi ở hải ngoại rồi, một số nhân vật tự coi mình là lãnh tụ chống cộng cũng vẫn không thể giải thích được là tại sao mình chống cộng. Trong cuốn "Yoga 2008" nơi trang 23 của cùng một tác giả, người ta có thể đọc một đoạn sau đây: "Thế giới sẽ không bị hủy diệt bởi những người làm điều xấu, nhưng bởi những người nhìn họ hành động mà không chịu can thiệp". Chúng ta nhìn chế độ Staline ở Liên Xô, Pol Pot ở Căm Bốt, Bắc Hàn (để dân chết vì thiếu dinh dưỡng, vì đói) và CSBV tiêu máu của dân như tiêu bạc giả, ai mà không thấy một điều gì đó thúc đẩy chúng ta phải chống Cộng. Nhưng chống như thế nào?

Tác giả nhận định: "Chống bằng bạo động thì không có khả năng mà ở Mỹ thì bạo động với ai?... Cho tới bây giờ những hội đoàn chống Cộng ở đây mới chỉ có thể tổ chức những cuộc biểu tình chống những nhà lãnh đạo Việt Nam sang thăm Mỹ, chống Trần Trường, chống VAALA có trưng bày tác phẩm của Brian Đoàn... Biểu tình như thế thì không ảnh hưởng gì tới Việt Cộng ở trong nước. Nó cũng không làm giảm uy tín của Việt Cộng trên trường quốc tế..."

Mới đây trong cuộc phỏng vấn của đài BBC với Linh mục Nguyễn Văn Lý, ngài cũng đã trả lời: "Cái cần nhất là phải tìm ra nguyên nhân tại sao những người Cộng Sản không đưa đến hòa bình và an vui cho dân tộc Việt Nam. Rồi chính những người của phe quốc gia trong 35 năm nay cũng gần như bất lực không tìm ra được con đường nào để giải quyết các vấn đề đạo đức, hòa bình, công lý và dân chủ cho Việt Nam"

Nhưng quả thật là hiện nay người ta thắc mắc "tại sao Cộng sản lại có thể yên ổn lương tâm để giết người hàng loạt như thế?". Trong bài "Free Fall", tác giả Alan Block đã viết: "Lịch sử gợi ý rằng người ta có thể nhân danh Thượng đế để giết người với lương tâm yên ổn và lịch sử Cộng Sản gợi ý rằng người ta có thể giết và tra tấn nhân danh ảo tưởng về tương lai với lương tâm yên ổn"

Tác giả cho rằng, cuộc chiến chống Cộng tương lai chính là một thử thách lớn lao ở điểm sau đây: người Cộng Sản đã bị giáo dục nhồi sọ, suy nghĩ sai. Vậy thì đường lối chống Cộng hữu hiệu nhất là giúp cho họ suy nghĩ đúng. Cộng Sản đã yên ổn lương tâm để giết người do một ảo tưởng, vậy muốn chống Cộng điều cốt lõi là thức tỉnh lương tâm họ, nói cho họ biết là họ sai và sai như thế nào.

Nói một cách khác, chúng ta chống Cộng bất bạo động, chống ngay tại Việt Nam, thức tỉnh sự u mê của người Cộng Sản ngay ở Saigon, Hà Nội hay bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này khó đấy, vì sẽ bị chính người Cộng Sản phản ứng bắt giam, đánh đập, tra tấn, thủ tiêu nên cuối cùng có thể người dân Việt Nam phải đóng vai trò của người dân Ấn Độ trong thời kỳ theo Gandhi chống lại cường quyền Anh. Nhưng trước hết cần có những người đốt lên ngọn đèn thức tỉnh ở Việt Nam, chứ không phải ở Little Saigon nơi chúng ta được hưởng đầy đủ tự do, dân chủ và không tên Việt Cộng nào ở đây dám chà đạp lên quyền này. Nhưng bao giờ ngọn đèn thức tỉnh được đốt lên?

Vũ Ánh

01-09-2010

Theo Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn