BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Bóng Đêm và Sứ Mạng" - Biệt Hải - Chiến Tranh Ngoại Lệ

07 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 4353)
"Bóng Đêm và Sứ Mạng" - Biệt Hải - Chiến Tranh Ngoại Lệ
58Vote
43Vote
310Vote
21Vote
11Vote
3.723
Người ta gọi chiến tranh ngoại lệ hay chiến tranh phi qui ước là một loại chiến tranh trong bóng tối, chiến tranh không tuyên chiến, chiến tranh tình báo và có thể là chiến tranh phá hoại.

Định nghĩa như thế mới nghe có vẻ giản dị, nhưng thực hiện một cuộc chiến tranh trong bóng tối hết sức phức tạp. Trước đây, một số nhà phân tích chiến tranh lạnh thường cho rằng cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến ý thức hệ, nhưng một số khác lại gọi cuộc chiến Việt Nam là một cuộc nội chiến, một cuộc chiến tương tàn giữa hai miền nam và bắc Việt Nam.

Cách phân tích thứ hai có vẻ ước lệ và bị nhiều người phản đối. Nhưng rõ ràng nhất là lực lượng Miền Bắc đại diện cho khối Cộng Sản và nhận viện trở súng đạn từ Nga và Trung Cộng để thực hiện kế hoạch nhuộm đỏ Việt Nam và sau đó là đến những quốc gia Đông Nam Á, và lực lượng của Miền Nam Việt Nam đại diện cho khối tự do mà Mỹ là quốc gia được coi như lãnh đạo. VNCH được mệnh danh là tiền đồn của Thế Giới Tự Do có nhiệm vụ ngăn làn sóng đỏ, được Mỹ và đồng minh yểm trợ vũ khí, đạn dược và gởi quân sang chiến đấu ở Miền Nam Việt Nam. Như vậy, một số nhà phân tích gọi cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến ý thức hệ giữa hai khối tự do và cộng sản xem ra đúng với thực tế hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến ý thức hệ ấy, cả hai bên vẫn không gạt bỏ được cuộc chiến trong bóng tối, một cuộc chiến phi qui ước hay cuộc chiến tranh ngoại lệ (Unconventional Warfare). Cuốn sách "Bóng Đêm và Sứ Mạng" sắp ra mắt độc giả quận Cam vào tuần tới là một tập hợp lời tự thuật của một số nhân chứng trong cuộc chiến tranh phi qui ước này. Những nhân chứng còn sống của Lực Lượng Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải tự thuật về cuộc đời của họ, về công tác vào sanh ra tử của họ--hoàn toàn trong bóng tối âm thầm sau bức màn tre ở Miền Bắc Việt Nam--không phải là những áng văn chương, nhưng từ trong những bài viết này, người ta hiểu được tầm quan trọng, những thành quả cũng như sự thất bại của những người lính tham dự vào cuộc chiến trong bóng tối ở Việt Nam.



Trước đây do luật lệ và trong lúc cuộc chiến đang diễn ra, không người nào trong số những nhân chứng này có quyền nói đến những gì từng xảy ra trong bóng đêm của cuộc Chiến Tranh Ngoại Lệ ấy. Nhưng sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc được 35 năm, khi Hoa Kỳ bắt đầu giải mật những tài liệu về chiến tranh Việt Nam, những người còn tồn tại được đến ngày nay đã có thể an toàn kể lại những gì họ đã làm trong cuộc chiến tranh phi qui ước.

Trải dài trong 580 trang sách, in ấn rất mỹ thuật với bìa cứng và một phần bộ sưu tập những ảnh kỷ niệm của các chiến sĩ trong Lực Lượng Biệt Hải thời còn trai trẻ và lòng còn đầy nhiệt huyết. Khi nói đến cuộc Chiến Tranh Ngoại Lệ, chúng ta nên hiểu rằng đây là một cuộc chiến với cơ cấu rất phức tạp và bí mật đến nỗi trong một số trường hợp, bộ phận hoạt động nọ không biết hoạt động của bộ phận kia.

Cuốn "Bóng Đêm và Sứ Mạng" tuy là một tác phẩm chung của những chiến sĩ trong Lực Lượng Biệt Hải, nhưng nó cũng có những trang mô tả khá chi tiết cơ cấu của cuộc Chiến Tranh Ngoại Lệ nói trên từ những năm 1955, 1956, 1957 cho đến 30 tháng 4 năm 1975. Dĩ nhiên cuộc chiến ngoại lệ được VNCH thực hiện ở Miền Bắc Việt Nam không kéo dài quá lâu đến như thế và những năm cuối của thập niên 60, cuộc Chiến Tranh Ngoại Lệ đã chuyển hướng sang những mục tiêu khác. Tuy nhiên, dấu ấn của cuộc chiến tranh trong bóng tối ở Miền Bắc Việt Nam rơi vào những năm giữa của thập niên 50 và gần trọn thập niên 60.

Ở những trang từ (16) đến trang (67) trong "Bóng Đêm và Sứ Mạng", người đọc sẽ không thể nào nhớ nổi mạng lưới tổ chức và những thay đổi danh xưng của nó theo từng giai đoạn, nào là Sở Liên Lạc hay còn gọi là Sở 32, nào là Sở Bảo Vệ hay còn gọi là Sở 42, nào là Sở Công Tác hay còn gọi là Sở 52, rồi Phòng 35, Phòng 45 hay Phòng E hoặc Sở Bắc, rồi Phòng 55 hay Sở Nam, rồi các phòng 65, 75,78, 95 cho đến sự hình thành của Nha Kỹ Thuật và Sở Phòng Vệ Duyên Hải với khá nhiều toán hoạt động. Dĩ nhiên, hình ảnh của những sơ đồ trận liệt nói trên chỉ là cách khác để mô tả tính chất không qui ước của một cuộc chiến mà cho đến nay những sự thật chưa được nói đủ. Những tài liệu này của các tác giả Trần Kim Khánh, Bùi Thượng Khuê, Nguyễn Thanh Hoài cũng tạm đủ cho chúng ta thấy những hình ảnh rất phức tạp và tế nhị khi tổ chức mạng lưới chiến tranh bí mật.

Cách đây khoảng 10 năm, trong cộng đồng đã có một cuộc tranh luận khá gay go về các lực lượng tham gia cuộc chiến không qui ước là bởi vào thời gian đó, vẫn chưa có nhiều tài liệu được giải mật để có thể đối chiếu với những nhân chứng còn đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng, Biệt Hải chính là một bộ phận công tác của Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Ở trang (26), tác giả Trần Kim Khánh và Bùi Thượng Khuê viết:

"Tháng 3 năm 1961, để chuẩn bị cho một chuyến công tác dài hạn xâm nhập Miền Bắc, Sở Bắc gởi một điệp viên đơn độc là Vũ Công Hồng, bí danh Hirondelle vượt sông Bến Hải qua Vùng Phi Quân Sự hoạt động dọc theo vĩ tuyến 17. Hai tuần lễ sau, điệp viên Hirondelle trở lại Miền Nam cùng với một số tin tức về đường đi nước bước và hệ thống an ninh của Miền Bắc. Chuyến công tác này coi như thành công để đến Tháng Tư/1961, một điệp viên đơn độc khác của sở Bắc là Phạm Chuyên bí danh Ares hay Hạ Long được Thuyền Nautilus-1 đưa ra vùng biển Quảng Ninh rồi sau đó chèo xuồng đổ bộ vào một làng đánh cá gần Cẩm Phả, Hòn Gai (Bắc Việt) khởi sự thi hành một công tác dài hạn. Khoảng 2 tuần sau, điệp viên bí danh Ares đã gởi bức điện văn đầu tiên cho Sở Bắc và cơ quan CIA tại Saigon. Chuyến xâm nhập coi như thành công. Sau đó, điệp viên Ares gởi thêm 22 bản báo cáo nữa cho đến tháng 6 năm 1961 thì đột nhiên mất tích. Nhưng ngày 8 tháng 8 năm 1961, Sở Bắc lại nhận được một điện văn nữa của Ares sau gần 2 tháng mất liên lạc, cắt nghĩa về sự vắng mặt của mình và yêu cầu gởi tiếp tế. Từ đó, thỉnh thoảng điệp viên Phạm Chuyên vẫn liên lạc với trung ương tại Saigon báo cáo những tin tức quan trọng về nhà máy điện Uông Bí, hệ thống cầu cống, đường xe lửa, hệ thống xa lộ và hải cảng Hải Phòng cho đến mãi năm 1968 mới mất hẳn liên lạc..."

Trên đây chỉ là bản mô tả công việc của Sở Bắc, một trong nhiều cơ sở căn bản vào giai đoạn đầu cho cuộc chiến tranh bí mật tại Miền Bắc Việt Nam. Những cơ sở này thuộc cơ cấu đầu tiên cho cuộc chiến tranh không qui ước. Những năm sau đó, do tình hình có nhiều thay đổi và khi Nha Kỹ Thuật được thành lập thì nó thuộc Bộ Tổng Tham Mưu và đó chỉ là cái tên vỏ bọc (cover name) của Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ. Các đơn vị trực thuộc bộ tư lệnh này là do nhu cầu chiến lược của hai chính phủ VNCH và Hoa Kỳ, theo lời Nguyễn Thanh Hoài, cựu Trưởng Phòng Nhì thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Nói một cách khác, vì là một cơ quan Tình Báo Chiến Lược nên vấn đề "Ngăn Cách và Bảo Mật" của Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật và các đơn vị trực thuộc được bảo mật tối đa. Do đó tuy có thể có những quân nhân cùng phục vụ trong một đơn vị, hàng ngày vẫn liên lạc với nhau, nhưng mọi công tác đều được giữ kín, không ai được biết trừ những người được chỉ định đảm nhận những công tác đó. Ở trang (42) trong "Bóng Đêm và Sứ Mạng" , Nguyễn Thanh Hoài viết thêm:

"Trước khi thực hiện công tác, toàn thể nhận viên liên quan đến công tác đều được tách riêng, tập trung vào khu cấm (Isolation Camp). Sau đó, sĩ quan trưởng công tác hay đích thân Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Biệt Hải thuyết trình công tác theo lệnh hành quân, kiểm soát vũ khí, trang bị kể cả trang bị đặc biệt. Kế đến, trưởng toán thuyết trình cho các toán, ấn định thêm nhiệm vụ của từng toán viên. Trước giờ xuất phát, CHT/LLBH kiểm soát lần chót, xong xuôi đưa toán đến địa điểm xuất phát. Ở đó, thủy thủ đoàn đã chờ sẵn. Trong suốt thời gian ở khu cấm, mọi liên lạc với bên ngoài đều tuyệt đối cấm..."

Phải nói rằng, những hoạt động trong chiến tranh ngoại lệ thay đổi nhiều lúc đến chóng mặt. Điều này cũng có thể hiểu được, bởi vì chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến mà tốc độ thay đổi của tình hình lên cao nhất. Do đó mà sau khi Sở Phòng Vệ Duyên Hải thuộc Nha Kỹ Thuật được chính thức thành lập, thì sở được tổ chức như sau: trước hết là Bộ Chỉ Huy Sở Phòng Vệ Duyên Hải, thứ hai là Lực Lượng Hải Tuần và thứ ba là Lực Lượng Biệt Hải. Lực lượng Biệt Hải có quân số khoảng trên 200 người và được phân phối vào các phần hành như hành động, yểm trợ và huấn luyện.

Phải nói một cách thẳng thắn là cho đến khi có dịp tham dự một lễ giỗ dành cho các đồng đội Biệt Hải đã âm thầm hy sinh vì tổ quốc tại nhà riêng của Biệt Hải Nguyễn Trâm cách đây trên một thập niên, tôi cũng vẫn chưa hiểu rõ công việc của từng toán thuộc thành phần hành động của Biệt Hải. Sự lẫn lộn giữa lực lượng Biệt Hải và các lực lượng khác tham gia cuộc chiến tranh trong bóng đêm ở miền Bắc Việt Nam là điều khó tránh nổi nếu không có những tài liệu dẫn giải khả tín.

Trên nguyên tắc, những chuyện này thuộc về quá khứ. Người ta có thể nghĩ rằng, chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, thì cũng không cần gì phải quan tâm quá đáng đến tổ chức của một thành phần trong cuộc chiến bí mật. Nhưng cá nhân, tôi nghĩ khác. Khi những điều mà dư luận và người Việt Nam chưa biết được giải mã thì quá khứ ấy trở thành hết sức quan trọng. Nó biện hộ cho cuộc chiến tự vệ của Miền Nam Việt Nam, nhưng đồng thời nó còn cho thấy trong cuộc chiến tự vệ ấy, chúng ta không chỉ chống trả mà còn tấn công vào nguồn gốc cuộc chiến tranh được những người Cộng Sản đẩy vào Miền Nam Việt Nam. Quan điểm ấy không có gì sai với bản chất của cuộc chiến mà chúng ta điều hành với điều kiện có thể đối chiếu kho dữ kiện được giải mật với những nhân chứng còn sống. "Bóng Đêm và Sứ Mạng" góp một phần không nhỏ vào những hiểu biết của chúng ta về cuộc chiến ngoại lệ hay còn gọi là cuộc chiến không qui ước.

Thực tế, khi nói về tổ chức của Biệt Hải trong cuốn “Bóng Đêm và Sứ Mạng”, chúng ta có thể gặp những điều phức tạp vì mỗi toán là một nhiệm vụ. Nhưng khi nói tới các công việc của Biệt Hải trong cuộc chiến tranh ngoại lệ vào thập niên 60 thì suốt trong 580 trang sách, chúng ta có thể nhớ hết những người hùng vô danh, người hùng trong bóng tối vào thời ấy. Họ hy sinh cho lý tưởng quốc gia, với lòng nhiệt thành và trung thành tuyệt đối. Gần nửa thế kỷ sau, những người lính ấy mới được biết tới. Những thiệt thòi của những người lính chiến hoạt động trong bất cứ một cuộc chiến tranh bí mật nào đều là điều khó tránh được.

Ở trang 151 của hồi ức “Bóng Đêm và Sứ Mạng”, tác giả Kim Cương Hoàng Trọng cho chúng ta biết một phần nhỏ cuộc chiến đấu của những người lính Biệt Hải:

“Thế rồi việc gì đến đã đến. Chiếc tầu ô mang ám số N:1 (Nautilus) có thủy thủ đoàn gồm 9 hay 10 người và ông Hoàng Ngô được giao trách nhiệm thuyền trưởng (nay đã qua đời) và thuyền phó là ông Hoàng Mường. Hướng dẫn viên là ông Hoàng Hoa còn thợ máy là Nguyễn Phương (Dụ). Nhìn lại thủy thủ đoàn như tôi còn có Trần Đình Thiện, Nguyễn Bút, Đậu Kính, Hoàng Điều và Nguyễn Khồng.

“Khoảng tháng 2 năm 1962, sau khi mọi người trên thuyền N:1 đã thực tập khá chu đáo tất cả các vấn đề như hải trình, hải bàn, nhiệm vụ và địa điểm công tác. Sau đó kiểm soát lại vũ khí, quân trang và chú ý đặc biệt đến cách thức ngụy trang như thế nào để khi chiếc thuyền vào vùng hoạt động mà hải quân CSBV và ngư dân Miền Bắc không thể nào phát giác. Toán thủy thủ chiếc thuyền N:1 được lệnh của chỉ huy trưởng Đỗ Văn Tiên (bí danh Phan) tới tọa độ 334 vĩ Bắc, xuyên qua vĩ tuyến 17. Chuyến này có nhiệm vụ chở một điệp viên bí danh Tâm (sau này tôi được biết tên thật của anh là Nguyễn Châu Thanh). Anh bị bắt và chết tại trại Quyết Tiến, thường được gọi là Cổng Trời thuộc tỉnh Hà Giang. Tôi không nắm vững địa điểm đổ điệp viên Tâm vì không phải trách nhiệm của mình. Nhưng chuyến đi bất thành vì thuyền đã bị một trận bão kinh hồn thổi tới. Trong lúc chịu đựng gió bão kinh hồn như vậy, nhưng điệp viên Nguyễn Châu Thanh không tỏ ra nao núng. Anh cùng thủy thủ đoàn chúng tôi hết sức chiến đấu đã thoát được cơn bão và đưa con thuyền trở lại Miền Nam bình yên".

Chuyến đổ điệp viên Tâm lần thứ nhất bất thành, trở về nghỉ ngơi và sau đó thuyền Nautilus N:1 lại lên đường để hoàn thành công tác dang dở. Tác giả Kim Cương Hoàng Trọng viết tiếp ở trang 152:

"Qua hai đêm 1 ngày, khi thuyền chạy qua khỏi đảo Cồn Cỏ phía ngoài khơi biển Đồng Hới và Cửa Ròn thuộc Quảng Bình tôi đã thấy tất cả cảnh vật nằm lại phía sau thuyền mình khá xa. Khi đã cân nhắc kỹ càng, hướng dẫn viên Hoàng Hoa liền ra lệnh: đổ bộ! Lúc đó khoảng độ 10 giờ 40 phút khuya (giờ Hà Nội). Thuyền trưởng bảo tài công cho bẻ vòng tay lái 90 độ kinh Tây. Trên thuyền nhìn vào bờ mọi người đã thấy dãy Hoành Sơn trên đó có Đèo Ngang thuộc tỉnh Hà Tĩnh mờ mờ trong đêm. Tôi bắt đầu thao tác làm bổn phận cùng với Nguyễn Khồng, Trần Đình Thiện, và Đậu Kính cho bơm xuồng cao su. Sau khi thuyền lớn đã bỏ neo đậu ở ngoài khơi, chúng tôi phụ giúp đẩy chiếc xuồng cao su nhỏ có điệp viên Tâm trên đó. Anh có dáng dấp như một Kinh Kha của thời đại mới, không chút xao xuyến, sợ hãi. Ngày nay, nhìn lại sự việc của anh mà cứ tưởng như mới hôm qua. Tôi không khỏi ngậm ngùi khâm phục sự can đảm và lòng hăng say với nhiệm vụ của người điệp viên Miền Nam Việt Nam đã được huấn luyện kỹ càng để gởi ra Miền Bắc hoạt động...Chuyến đầu tiên, thủy thủ đoàn chúng tôi (trên thuyền N:1) đã làm tròn nhiệm vụ, nhưng người anh hùng Nguyễn Châu Thanh thì vĩnh viễn đi vào lịch sử".

Sau công tác đổ điệp viên Tâm thành công, thủy thủ đoàn của chiếc Nautilus N:1 đổi sang Nautilus N:4 để đổ những điệp viên khác vào vùng đèo ngang, trong đó có một điệp viên sau này rất nổi tiếng đó là Trần Quốc Định tức Đặng Chí Bình (tác giả Thép Đen). Tác giả Kim Cương Hoàng Trọng cho biết dáng dấp của Đặng Chí Bình rất thư sinh, nhưng ý chí của anh cao vợi. Chuyến đổ Đặng Chí Bình cũng thành công, nhưng đến chuyến N:4 đổ Toán Vulcan Biệt Hải tại sông Gianh, Quảng Bình ngày 29 tháng 6 năm 1962 thì thất bại nặng. Chuyến đi này, Toán Vulcan được trao một nhiệm vụ khá quan trọng: đổ bộ vào cửa sông Gianh Quảng Bình để tập kích phá các tầu Swatow của Hải Quân CSBV đang đậu tại đó. Theo mô tả của tác giả Kim Cương Hoàng Trọng thì thuyền N:4 có thủy thủ đoàn gồm 12 người kể cả thuyền trưởng Nguyễn Văn Tình và Vi Tiến Anh, thuyền phó. Trên thuyền có 4 nhân viên toán Vulcan (Hỏa Thần) trong đó một số vừa học xong khóa học Người Nhái thì được gởi qua huấn luyện tại Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc). Vừa về nước họ đã được Trung Ương gởi ra toán Vulcan để đổ bộ vào cửa Sông Gianh, Quảng Bình ban đêm, rồi lặn vào để triệt hạ các tầu Swatow. Vẫn theo lời tác giả, Toán Vulcan gồm các Biệt Hải hành động: Nguyễn Văn Chuyên, trưởng toán, Nguyễn Hữu Thảo, Lê Văn Kinh và Nguyễn Ngọc. Toán Vulcan làm xong được nhiệm vụ, nhưng trong số 16 con kình ngư trên chiếc N:3, chỉ có một mình Biệt Hải Nguyễn Ngọc là sống sót trở về. Tác giả nhấn mạnh ở trang 156 của "Bóng Đêm và Sứ Mạng" như sau:

"Đa số chúng ta chẳng biết Nguyễn Ngọc ở đâu và tổ quốc sau bao thăng trầm có lẽ đã quên tên anh, kể cả những người đã hy sinh trong chuyến công tác năm đó...Kẻ viết bài này được biết anh đang sốn bên cạnh chúng ta với cuộc sống hết sức âm thầm đúng với tinh thần của người biệt kích không khoe khoang tự mãn".

Câu chuyện mà Nguyễn Ngọc kể lại gồm nhiều chi tiết khiến chúng ta phải bàng hoàng. Những ai có cuốn "Bóng Đêm và Sứ Mạng" trong tay có thể đọc câu chuyện đầy tính bi hùng tráng này từ trang 157 cho đến 160 để hiểu thêm vai trò của những người lính Biệt Hải trong cuộc chiến tranh ngoại lệ, cuộc chiến trong bóng đêm giữa lòng đất địch.

Ở trang 241 của "Bóng Đêm và Sứ Mạng", tôi thấy có một bài nhan đề "Bầu Tró rực sáng trong đêm" của tác giả Sơn Khê làm tôi chú ý bởi cái tên Bầu Tró. Vào năm 1964, tôi vẫn còn đang trong giai đoạn huấn luyện để trở thành phóng viên tiền tuyến của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia nên phải đọc rất nhiều tài liệu trong cái kho lưu trữ trong đó có hàng núi tài liệu kiểm thính các đài phát thanh Hà Nội và MTGPMN. Những địa danh Bầu Tró, Cửa Lò thường được nhắc nhở tới trong các bản tin nhất là bản tin của đài phát thanh Hà Nội. Các bản tin ấy chỉ mang tính chất cảnh báo với dân chúng về tình trạng "địch xâm nhập để lũng đoạn và phá hoại". Vào khoảng thời gian đó, sự hiểu biết của chúng tôi về cuộc chiến Việt Nam vẫn còn giới hạn huống chi là cuộc chiến trong bóng đêm của những biệt kích từ trong Nam gởi ra Bắc. Nay đọc được "Bầu Tró rực sáng trong đêm" của Sơn Khê mới hiểu tại sao đài phát thanh Hà Nội hay đưa ra những tin tức khuyến cáo lực lượng an ninh và dân chúng thuộc vùng cực nam Bắc Việt phải đề phòng "kẻ địch xâm nhập". Sơn Khê viết trên trang 243 như sau:

"Ngày 30 tháng 6 năm 1964, lúc 8 giờ tối, 3 chiến đĩnh PTF bắt đầu rời bãi Tiên Sa trực chỉ hướng Đông, rẽ sóng chạy ra hải phận quốc tế. Khi đến nơi, các hạm trưởng liền quay mũi tầu hướng về phía Tây tìm mục tiêu Đồng Hới phóng tới. Dưới ánh trăng mờ mờ, hai chiến đĩnh mở đường chạy trước, mũi tầu nhấp nhô lên xuống theo chiều sóng lượn như những chú cá voi vui đùa với đại dương biển cả... Gần 10 giờ đêm, các mũi tầu đổi hướng đâm thẳng vào hải phận Đồng Hới. Khi tới mục tiêu, tất cả các tầu dừng ở ngoài khơi và hạm trưởng cho lệnh thả xuống cao su xuống lúc 11 giờ đêm. Trong chuyến này vì có hai toán phối hợp (Cummulus và Mercury) nên có hai trưởng toán đi chung. Người chỉ huy tổng quát là trung sĩ nhất Nguyễn Duy Y. Ông điều khiển 3 xuống cao su chạy vào trong bờ hướng mục tiêu Bầu Tró...Khi còn cách bờ 400 mét, ở trên xuồng cao su chúng tôi nghe được tiếng mõ đánh lốc cốc từng hồi, hướng Bắc làng Phú Hội dội xuống. Càng tới gần bờ, mọi người càng nghe rõ mồn một. Anh em xì xầm bàn tán hay là bọn chúng tuần tiễu trên bờ đã thấy bóng dáng 3 xuồng đổ bộ nên chúng đánh mõ báo động từng hồi ?

"Thấy tình hình chung quanh không mấy yên tĩnh nên nên trưởng toán Nguyễn Duy Y ra lệnh lấy dầm chèo tay âm thầm tiến vào bờ. Tiếng mõ lúc ấy càng lúc càng xa dần rồi tắt hẳn. Trưởng toán thả hai anh Chút và Lạc làm tiền sát viên, lội vào trước thám sát bờ biển để xem xét tình hình. Sau đó 3 chiếc xuồng trở ra ngoài xa đậu nối theo đội hình và mọi người nhìn vào trong bờ để theo dõi trong trường hợp tiền sát viên trong bờ bấm đèn ra tín hiệu. Thời gian chờ đợi khá lâu, nhưng vẫn biệt vô âm tín không thấy dấu hiệu gì cả khiến tất cả mọi người đều lo sợ không biết việc gì xảy ra cho 2 tiền sát viên đang trên bờ. Bỗng trưởng toán Y vội vàng ra lệnh cho ba chiếc thuyền cao su đồng loạt tiến nhanh vào bờ theo dấu của đèn hiệu từ các tiền sát viên. Khi mũi thuyền chạm đất tất cả lấy sức vừa chạy vừa khiêng thuyền lên bờ tìm một bụi cây rậm rạp gần đó để cất giấu, đồng thời cắt cử 4 người trang bị tiểu liên K của Thụy Điển gắn nòng giảm thanh ở lại canh giữ 3 thuyền. Mười tám người trong đó có 2 trưởng toán cùng 3 khẩu 57 ly và một súng cối 60 ly dùng để bắn trái sáng đi theo đội hình hàng dọc, tất cả tiến sát vào mục tiêu...Phút chốc nhà máy nước Bầu Tró hiện rõ trước mắt. Tính từ bở biển đi vào mục tiêu khoảng 500 mét, mọi người đều tìm lối rẽ trái để đặt súng cho gần hơn. Vừa đặt súng xong là có lệnh của trưởng toán khai hỏa. Lập tức 18 người đều hành động hết sức nhịp nhàng theo đúng những điều đã được huấn luyện trước đây. Xạ thủ súng cối tiếp tục nạp đạn bắn hỏa châu lên trời để giúp chúng tôi quan sát mục tiêu Bầu Tró chính xác hơn. Những trái đạn 57 ly rời khỏi nòng súng tàn phá nặng nề nhà máy nước Bầu Tró. Chúng tôi đứng ngoài nhìn vào có thể thấy nhà máy nước Bầu Tró bắt đầu sụp đổ. Ngọn lửa bốc cháy dữ dội làn tận ra ngoài. Tác xạ xong chúng tôi đã được lệnh thu vác tất cả các khẩu 57 ly rút thật nhanh ra ngoài..."

Kế hoạch tấn câu Bầu Tró của lực lượng Biệt Hải vạch ra rất thận trọng và dù dùng tới hai toán để tấn công, nhưng nhịp độ tác chiến được điều hợp nhịp nhàng nên đã tạo thành quả do tấn công nhanh và rút gọn của Biệt Hải. Tuy trong tác chiến không thể tránh hết được những rủi ro, nhất là khi rút ra bờ biển để tìm cách trở lại tầu lớn ngoài khơi. Mặc dù bị truy đuổi và bao vây bởi lực lượng Cộng quân phòng vệ duyên hải, nhưng do lòng quả cảm và đã trải qua những ngày tháng được huấn luyện kỹ lưỡng về chiến thuật, hai toán của lực lượng Biệt Hải tấn công Bầu Tró rút ra được tầu lớn, chỉ thiếu mất 2 Biệt Hải là Bẩy và Sắc. Bẩy đã bị tử thương ngay trên bãi biển còn Sắc thì bị bắt sống. Tuy nhiên, ngoại trừ các đồng đội, lòng quả cảm và sự hy sinh ấy của những chiến sĩ Biệt Hải không được ai biết đến cho đến khi những tài liệu được giải mật.

Dĩ nhiên, những cựu binh trong lực lượng Biệt Hải không muốn và cũng không được phép dương danh suốt trong thời kỳ chiến tranh. Trong bài “Ước muốn trở thành chiến sĩ Biệt Hải” ở trang 90 của tác phẩm hồi ức “Bóng Đêm và Sứ Mạng,” tác giả Nguyễn Trâm đã kể lại rất chi tiết khóa học của anh và nhiệm vụ của Biệt Hải sau này. Theo tác giả, những người lính Biệt Hải đều là lính tình nguyện và nhấn mạnh rằng dù những hoạt động của Biệt Hải diễn ra ngay trong lòng đất địch là công tác rất nguy hiểm, nhưng gia nhập Biệt Hải không phải là điều dễ dàng. Ưu tiên gia nhập chỉ dành cho những ai phục vụ trong đơn vị và người ký giấy chứng nhận đơn khóa sinh cũng phải là người hoạt động trong Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Gia nhập đã khó, nhưng trải qua được giai đoạn huấn luyện càng khó hơn. Nguyễn Trâm viết ở trang 101 của “Bóng Đêm và Sứ Mạng” về khóa 1/68 Biệt Hải như sau:

“Khóa này có 36 khóa sinh tình nguyện, đa số là dân chính ở các giáo xứ. Số còn lại gồm một số anh em thuộc đơn vị Dân Sự Chiến Đấu trên Đồi Hoa Sim, cộng thêm với số nhân viên trong Nha Kỹ Thuật gởi ra học dưới sự hướng dẫn của các thông dịch viên và huấn luyện viên Người Nhái (Seal Team) của Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. 36 khóa sinh cùng các thông dịch viên luân phiên xếp hàng hai chạy ra tập họp ở bãi biển trước Trại 9 khoảng 500 mét. Tại đây, chúng tôi học bài học về thể dục cơ bản của Biệt Hải. Trong 3 ngày tuần đầu tiên, mọi người còn hăng hái, sau giờ huấn về phòng còn cười nói hết sức thoải mái, lòng đầy tự tin. Nhưng bước sang ngày thứ tư thì tứ chi bải hoải, đau nhức lạ thường. Các bắp thịt trong người đã bắt đầu chuyển động và nở nang đến nỗi khi nuốt nước miếng cũng đau. Tất cả khóa sinh đâm ra biếng ăn, biếng nói giống như gà mắc dịch cúm vậy. Mỗi lần ra đến bãi tập là chúng tôi mong cho mau hết giờ để về phòng nghỉ ngơi. Nhưng qua được tuần lễ đầu thì mọi người đã thích ứng được với hiện tượng nở nang và đau đớn cơ thể. Sang tuần lễ thứ nhì thì cơ thể bắt đầu trở lại bình thường. Bấy giờ các cố vấn Hoa Kỳ mới bắt đầu giảng dạy các kiểu bơi lội, rồi khóa sinh được chở ra khơi để thả và tập bơi vào bờ... Thấm thoát chúng tôi bước vào tuần lễ thứ 6 tức là Tuần Lễ Địa Ngục (Heel Weeks). Trong tuần lễ này, tất cả các khóa sinh đều phải có mặt tập luyện ngoài bờ biển 24 giờ mỗi ngày. Các huấn luyện viên thay phiên nhau dùng nhiều 'độc chiêu' để hành xác hầu tập cho khóa sinh sự cứng cỏi. Khóa sinh nào yếu thể chất và tinh thần rất dễ bỏ cuộc.

“Ngoại trừ 10 phút cho mỗi bữa ăn và từ 40 cho đến 50 phút để ngủ vào ban đêm. Thời gian còn lại được dành hết cho phần huấn luyện và thực tập. Trong giai đoạn này, khóa sinh phải ngủ dưới nước ban đêm, nằm lăn lộn trong đống cát biển, sóng gió thổi vào khiến hai lỗ tai lúc nào cũng dính đầy cát. Người nào nâng đầu lên khỏi mặt sóng là bị huấn luyện viên đạp xuống sâu hơn. Khi về phòng, huấn luyện viên còn hành xác các khóa sinh thêm, bằng cách lấy những cục nước đá to cỡ viên bi, bỏ đầy người khiến chúng tôi bị lạnh không tài nào ngủ được. Có một số chịu được ba bốn ngày đầu nhưng rồi sau đó đuối sức, không chịu nổi và đành chấp nhận bỏ cuộc nửa chừng... Kết thúc tuần địa ngục, chúng tôi có 4 ngày nghỉ phép dưỡng sức. Về đến nhà, mọi người đều nhìn tôi ngạc nhiên khi thấy thân hình tôi ốm đen, hai mắt lõm sâu vì thiếu ngủ... Cuối cùng khóa 1/68 Biệt Hải chỉ còn 26 khóa sinh trụ lại được cho những ngày mãn khóa.”

Những đoạn mà tôi trích dẫn từ cuốn “Bóng Đêm và Sứ Mạng” của lực lượng Biệt Hải/VNCH chỉ là cái cớ để một lực lượng tác chiến mà trong thời chiến ít có người biết tới vì cuộc chiến mà họ phải đương đầu là một chiến bí mật hay là cuộc chiến ngoại lệ. Trong suốt trong 580 trang sách, người đọc có cơ hội khám phá ra được những tài liệu quí giá, những đánh giá thẳng thắn của những nhân chứng. Ký ức của nhân chứng, cộng với những tài liệu được giải mật đã giúp cho người ta có thể hiểu được một phần thực chất của cuộc chiến tranh ngoại lệ ở Việt Nam cách đây gần nửa thế kỷ. Từ “Nha Kỹ Thuật” của Trần Kim Khánh-Bùi Thượng Khuê, “Sự Hình Thành và Hoạt Động của Sở Phòng Vệ Duyên Hải thuộc Nha Kỹ Thuật (Nguyễn Thanh Hoài), “Lực Lượng Biệt Hải” (Nguyễn Thanh Hoài), “Trại Phượng Hoàng DoDo, Phong Trào Gươm Thiêng Ái Quốc, Cù Lao Chàm” (Trần Kim Khánh), “Dũng Khí Người Biệt Hải” (Voòng Mẳn Biu, Mọc A Tài), “Ước muốn trở thành chiến sĩ Biệt Hải (Nguyễn Trâm), “Chuyến công tác trắc nghiệm” (Hoài Thương), “Cửa khẩu một lần trở lại tháng 5/64” (Vũ Bảo). “Chuyện Vui Buồn Trong Tù” (Kim Cương Hoàng Trọng)... cho đến “Chuyến công tác cuối cùng của Biệt Hải Võ Chàng” (CRT-14), “Chuyến công tác Toán Cumulus” (Trần Văn Từ), “Đường đi của những người trai thời ly loạn” (Từ Đông Lành), “Chuyến đột kích tấn công đồn Công An Quảng Bình” (No Sơn), “Chuyến xâm nhập để phá một trạm công an Bắc Việt ở Hà Tĩnh năm 1966” (Trần Văn Từ), “Chuyến công tác bắn truyền đơn” (Nguyễn Bắc Bình), “Chuyến đột kích vào trại đóng quân Đồng Hới” (Nguyễn Văn Trạch), “Những chuyến công tác giải cứu tù binh bất thành” (Nguyễn Văn Kha-Phong Trần), “Chuyến giải cứu phi công Hoa Kỳ lần thứ ba” (Phong Trần) và “Toán Biệt Hải đổ bộ lên đảo Hoàng Sa” (Nguyễn Trâm)... mới chỉ là những hình ảnh điển hình về hoạt động của Lực Lượng Biệt Hải thuộc Nha Kỹ Thuật.

Những ai có trong tay cuốn “Bóng Đêm và Sứ Mạng” tất sẽ đọc được nhiều câu chuyện khác được viết ra từ trong ký ức của những Biệt Hải còn sống tại Hoa Kỳ, hay ở các nước khác và ngay tại Việt Nam. Những ký ức chất chứa trong mỗi trái tim của người Biệt Hải nay mới có cơ hội được bộc lộ ra cho những thế hệ sau biết được cha ông họ thời trai trẻ đã sống và chiến đấu như thế nào cho tổ quốc Việt Nam. Trong cuộc chiến Việt Nam cách đây 35 năm, mỗi con người miền Nam yêu nước chiến đấu bằng những con đường khác nhau để phục vụ cho một cuộc chiến thông thường hay còn gọi là cuộc chiến qui ước. Tuy nhiên, trong sử sách không thiếu những bằng chứng cho thấy, cuộc chiến ngoại lệ trong nhiều trường hợp đã quyết định chiến trường. Vì thế cuộc chiến tranh ngoại lệ tuy chỉ là một cuộc chiến phụ, nhưng lại giữ vai trò quan trọng. Khi mở cuộc xâm nhập miền Nam, Hà Nội đã đưa chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Họ tin rằng hậu phương miền Bắc của họ sẽ tiếp tục “bình yên” và bất khả xâm phạm. Niềm tin của Hà Nội không phù hợp với sự thật, bởi vì Việt Nam Cộng Hòa đã mở cuộc chiến tranh ngoại lệ, tuy không có khả năng lật đổ chế độ miền Bắc, nhưng cũng đủ lũng đoạn, gây ra một tình trạng bất ổn thường xuyên ở hậu phương của họ. Những người lính Biệt Hải, những điệp viên do Sở Bắc thả vào miền Bắc Việt Nam bị tử trận hay sa cơ là một niềm đau cho miền Nam Việt Nam, nhưng đồng thời cũng gây cho Hà Nội sự hoảng sợ. Cho đến khi Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ quyết định oanh tạc vào những vị trí quân sự ở miền Bắc, rõ ràng niềm tin vào sự an toàn của hậu phương miền Bắc bị phá vỡ hoàn toàn.

Chúng ta chỉ tiếc một điều là người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã giúp chúng ta dựng lên một cơ cấu hoạt động hữu hiệu ngay trong lòng đất địch, nhưng chính sách và kế hoạch của cuộc chiến ngoại lệ do Hoa Kỳ chủ trương lại chỉ có tính chất nửa vời và hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình chính trị ở Washington. Không đủ viện trợ, ngân sách ngoại viện bị cắt, viện trợ quân sự giảm dần cho nên các hoạt động của chiến tranh ngoại lệ tại Việt Nam Cộng Hòa bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cho nên, nếu đọc hết 580 trang của tác phẩm “Bóng Đêm và Sứ Mạng” của cựu chiến binh Biệt Hải, người đọc mới thấy thương những người lính chiến đấu trong bóng tối này. Lòng yêu nước, nhiệt tình và khả năng của họ không thua bất cứ một người lính nào của các quốc gia khác trong cuộc chiến tranh ngoại lệ. Ấy thế mà chỉ vì sự thay đổi ở Washington và tầm nhìn rất ngắn của những nhà lãnh đạo đầu sỏ ở Việt Nam Cộng Hòa, nhiệm vụ của tất cả những người lính can trường trong cuộc chiến tranh ngoại lệ nói chung trở thành dang dở, dang dở cũng như chính tuổi thanh xuân bất hạnh của họ. Những người lính ấy chiến đấu âm thầm nhưng lẫy lừng biết bao! Cho nên, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về những dang dở ấy của tất cả những người lính Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có lực lượng Biệt Hải?

Cho tới nay chưa có câu trả lời dứt khoát và vì thế “Bóng Đêm và Sứ Mạng” chính là nỗi ngậm ngùi cho cả một thế hệ thanh niên Việt ở miền Nam cách đây 35 năm.

Vũ Ánh

Theo Việt Herald
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn