BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đà Nẵng, một chuyến về có thực

18 Tháng Chín 20178:36 SA(Xem: 2366)
Đà Nẵng, một chuyến về có thực
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
12Vote
2.85

          Trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1985 đến tháng 8 năm 2002, gần như tháng nào tôi cũng có một vài lần về Đà Nẵng. Bất chấp mọi rào cản chính trị, không lệ thuộc vào những thủ tục căn bản như visa, passeport, tôi thong dong, tùy hứng đi đi về về.  Khoảng cách giữa hai thành phố Montréal và Đà Nẵng cũng không là một vấn đề nan giải. Không âu lo túi tiền, không bận tâm bọc hành lý, chỉ cần lận lưng một chút tĩnh lặng, tôi thực hiện những chuyến hồi hương thật gọn nhẹ, tốt đẹp. Một trong những chuyến về thăm nhà kỳ thú ấy, tôi đã ghi lại cảm xúc của mình, vào năm 1989, qua một bài thơ bảy chữ, dài một trăm lẻ bốn câu. Xin chép lại 24 câu đầu  để làm bằng:

 

          Phi cơ đang giảm dần cao độ

          bay giữa làn hương nắng sớm mai

          lòng tôi phơi phới ngoài khung cửa

          mây trắng nghiêng đầy lên bả vai

 

          tôi thấy con đường qua Non Nước

          giữa lòng cát trắng dương liễu xanh

          bùi ngùi thoảng tiếng Tường Linh thở

          lúc-thúc quanh chân cụm Ngũ Hành

 

          tôi thấy con đường ra Hòa Khánh

          lòng Cầu Đỏ chở một vòng tay

          tóc cù sau gáy, đùa lên má

          khúc khích em cười: “khéo gió bay...!”

 

          tôi thấy vườn cây chùa Bà Quảng

          chỗ ngồi mòn lẵng gốc cây cau

          lắng nghe lời nguyện em thầm khấn

          lẩn thẩn đốt nhang suýt lộn đầu

 

          phi cơ dừng bánh trong phi cảng

          run run tôi đứng vẫy tay chào

          bốn mươi tám tuổi còn được khóc

          như đứa trẻ con, thú biết bao !

 

          Đà Nẵng của tôi, ơi Đà Nẵng

          đâu ngờ còn có bữa hôm nay

          vẫn hồn thuở trước, bàn chân cũ

          tôi dẫm lần trong bụi đất này...

          (CƠĐĐTT,LTHBVVBH)

 

          Lần ấy cũng như những bận đã về trước và sau năm 1989, tôi đều thả bước thăm viếng từng góc cạnh của thành phố, những nơi còn ưu ái lưu giữ một chút ít hơi thở, bóng dáng tôi.

 

          Rời phi cơ, chân tôi chạm mặt đất sân bay. Đây là một phi trường bề thế một thời cả dân sự lẫn quân sự. Phi trường đứng thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa này, vào thập niên 80, thừa đất để cho tôi cùng Vĩnh Kha (cựu chủ tịch tổng hội sinh viên Huế) và Nguyễn Thanh Ngân (cựu giáo sư trường Kỹ thuật Đà Nẵng) thực hiện việc trúng thầu đào “ao cá bác Hồ”. Chúng tôi đã tiêu phí hơn cả tháng trong công trình này, nhưng nghe đâu không có con cá nào được nuôi dưỡng ở đây.

 

          Từ sân bay, tôi lội bộ qua cống Mê Linh để đến Chợ Mới. Khi đến đầu cống, tôi không quên ngó lại con đường đất chạy bên những vạt ruộng rau muống-nước. Con đường đất này dẫn vào nhà Lê Văn Phương, bạn tôi. Đồng thời cũng dẫn đến bàu sen Thạc Gián, nhà bạn Đặng Văn Hải. Con đường cho riêng tôi thật nhiều kỷ niệm. Ngoài những lần lên chơi với Phương để hít thở không khí đồng quê ngay trong thành phố, con đường còn xui khiến tôi đưa cô ba Lý Phước Ninh vào cuộc phiêu lưu ái tình, nếu thiếu duyên nợ đã có thể vác chiếu ra hầu tòa.

 

danangxua-1966-1
Đà Nẵng 1966

          Chợ Mới, có lẽ được gọi là mới từ thập niên 40. Tuy ra đời sau, nhưng Chợ Mới không được phương phi như người chị cả Chợ Hàn. (chợ Hàn khởi công xây dựng vào năm 1900,  khánh thành tháng 1-1901).  Tôi cũng có được một kỷ niệm rất đáng nhớ với Chợ Mới. Vào đầu năm 1954, với bản tính tò mò ham vui, tôi đã theo chân một đoàn biểu tình, đòi chồng, đòi con của thị dân Đà Nẵng kéo lên hướng phi trường. Khi đoàn biểu tình đến Chợ Mới, quân lê dương Pháp đã nổ súng...chỉ thiên. Trong cảnh tan hàng khá lộn xộn, tôi đã cùng năm bảy người lớn trốn vào một trại hòm, nằm sát mặt đường, bên cánh phải ngôi chợ. Sau khi tình thế đã an toàn, tôi lò dò ra đường để về nhà thì giật mình phát hiện cái mũ bê rê đen đội trên đầu đã biến mất. Tôi lật đật chui trở vào trại hòm tìm kiếm. Quanh quẩn một hồi bên các chiếc quan tài gỗ mới, tôi chợt có cảm tưởng không gian mình đang đứng có những con ma. Hoảng hốt, tôi chạy ra đường, bỏ lại cái mũ yêu quí.

          Từ Chợ Mới về nhà tôi, có thể chọn một trong hai ngã đường. Nếu nhớ những cổng nhà của Trân Châu, Như Thoa, Kim Uyên, Minh Xuân...tôi đi theo đường Trưng Nữ Vương. Nếu nhớ những cánh cửa của Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phan Thị Hồng Hạnh...tôi chọn đường Hoàng Diệu. Đấy là những lộ trình tôi tùy hứng dành cho mình vào những chuyến trở về thăm nhà trước năm 2002.

 

          Chuyến về Đà Nẵng vào ngày 12 tháng 8 năm 2002 của tôi khác rất nhiều so với những lần về thăm trước.  Thứ nhất, tôi đã không còn một mình một bóng lặng lẽ đi về. Người đàn bà lâu nay đi bên cạnh người đàn ông thất bại, không những tháp tùng mà còn là đầu tàu của chuyến đi. Thứ hai, với lần về thăm nhà mới này, tôi phải xếp mình vào mọi thứ trật tự đã được qui định. Cụ thể diễn tiến tỉ mỉ, rườm rà như sau.

 

          Nhân nghỉ hè, tôi và Lý cùng gia đình con gái thứ, Bích - Dũng, qua thăm thành phố Toronto, Mississauga và thác Niagara. Những nơi này, chúng tôi đã thăm viếng nhiều lần, nhưng chuyến đi được thực hiện cho đứa cháu ngoại Lyna vừa tròn một năm tuổi, có cơ hội đi xa lần đầu tiên. Khi trở lại Montréal, Lý nhận được điện thoại từ Việt Nam, về tai nạn đứt mạch máu não của phụ thân.

 

          Cha vợ tôi xuất thân là một lao động khoẻ mạnh. Năm 1996 ông có qua thăm chúng tôi và vui chơi với thành phố Montréal trên 6 tháng. Ở tuổi 74, ông còn có thể đạp xe đạp 14 cây số mỗi vòng hàng tuần, để về thăm làng Mân Quang, quê ông. Không ngờ sức khỏe con người diễn biến đột ngột.

          Sau khi nhận được hung tín, chúng tôi xúc tiến việc xin hồ sơ để về thăm. Hãng bán vé máy bay chúng tôi chọn là Voyages HT Travel của vợ chồng ông Trương Sĩ Thực. Thỏa thuận giá vé qua điện thoại xong, (3100 $Can cho 2 vé từ Dorval về Tân Sơn Nhất; 310 $Can cho 2 vé từ Sài Gòn về Đà Nẵng, cộng thên 138 đồng thuế = 3410 $) chúng tôi đến văn phòng của ông bà Thực nằm trên đường Victoria, số 5497 suite 101. Tại đây, ông Thực đã chụp cho chúng tôi những tấm ảnh 4 x 6. Là một kỹ sư, nên ông Thực được quyền ký chứng nhận sau lưng mỗi tấm ảnh, theo luật định của Canada. Ông Thực đã rất cởi mở, vui vẻ làm công việc này. Mươi phút sau, chúng tôi đến Bureau Des Passeports,  số 3330 đường Côte Vertu. Lệ phí mỗi passeport bình thường, gởi đến tận nhà sau một tuần lễ, lúc bây giờ là sáu mươi đồng Canada. Chúng tôi cần gấp, đứng chờ nhận ngay tại chỗ, nên phải trả đến 155 đồng. Một trong những điều kiện khi làm thông hành, phải có hai người chứng nhận có quen biết với mình.  Tôi ghi tên hai người bạn: nhà văn Song Thao và nhà văn Hồ Đình Nghiêm tuy chưa hề báo trước cho hai anh ấy. Trong khi đứng chờ đợi, tôi nghe cô nhân viên sở thông hành gọi điện thoại đến nhà anh Song Thao để xác định lời khai của tôi. Ông tác giả Chân Mang Giày Số 6 dĩ nhiên đang ở sở làm. Chị Tạ Trung Sơn lại đi vắng. Bắt điện thoại là cô con gái út, dĩ nhiên rất mù mờ về chuyện bạn bè của ông bà già, cũng may cô bé xác nhận có tên Châu là bạn của bố mình, nhưng không rõ họ. Nghe lén được như vậy vì đứng ngay ngoài quày bàn giấy, tôi lật đật dùng điện thoại di động gọi đến nhà Nghiêm. Tác giả của Vầng Trăng Nội Thành, dĩ nhiên cũng ở sở làm, rất may cô con gái rạp chiếu bóng Châu Tinh ở Huế trước 1975, là vợ của ông nhà văn có nhà, tôi dặn đôi ba điều cần thiết. Cô nhân viên lo passeport gọi đến Bích ngay sau đó. Khi đã có thông hành, chúng tôi trở lại phòng vé của ông bà Thực để nhờ họ lo cho lẹ hai cái hộ chiếu, thay vì chúng tôi phải xuống thủ đô Ottawa. Dĩ nhiên cũng phải tốn chút đỉnh. Yên tâm được một việc chúng tôi đến phòng mạch của trung tâm y tế Minh Châu, số 6655, suite 240 trên đường Côte Des Neiges, để chủng ngừa một số  bệnh có thể mắc phải.

         

          Chuyến bay từ Sài Gòn về Đà Nẵng của hãng hàng không Việt  Nam khởi hành vào khoảng 4 giờ chiều thay vì 10 giờ sáng như đã ghi trên vé. Chuyện chậm trễ đã làm tôi mất dịp ghi hình chân dung thành phố Đà Nẵng từ trên cao như đã dự định. Qua cửa sổ, trong ánh sáng chạng vạng, tôi thấy lờ mờ con đường bò giữa ngọn đèo Hải Vân, mặt biển đến dòng sông Hàn đều bất động, rồi những ánh đèn khiêm nhường chợt sáng như một chào đón. Dĩ nhiên chẳng thể để đón chúng tôi. Tôi nắm chặt bàn tay Lý như tự trấn an mình, nhưng trong lòng không ngớt hồi hộp. Chỉ một lát nữa, tôi sẽ gặp những khuôn mặt thân yêu, đã bao năm  xa cách . Anh Lê Ngọc Hiển, chị Lê Thị Kim Anh (Kiều Liên), các em Lê Hoàng, Lê Quốc Hùng, Lê Phước Hưng và đông đủ những đứa cháu Mỹ Hạnh, Tấn Dũng, Kiều Loan, Hiền, Hòa, Hải, Hương....không nhớ hết. Đó là phần bên tôi. Phía Lý chắc chắn sẽ không thiếu anh Tâm, các em Lan, Định, An và nhiều nữa...Những người bà con của chúng tôi ai cũng giàu lòng thân thiện. Mười tám năm xa cách rồi còn gì. Chắc chắn ai cũng náo nức xem thử chúng tôi mập ốm, già trẻ thế nào. Có thể có những so sánh ngộ nghĩnh, cái thứ Việt kiều Canada có gì khác với các loại Việt kiều Mỹ, Việt kiều Úc, Việt Kiều Đài Loan, Việt kiều Cam bốt...Tôi chợt thấy lo lo. Hẳn chúng tôi sẽ làm cho đa số bà con ruột thịt thất vọng, ngay cả cái vỏ bên ngoài. Thật ra ngoài vỏ, trong ruột chúng tôi đều thể hiện rất trung trực những gì có thật của mình.

          Tôi vuốt lại mái tóc đã có năm, mười sợi bạc rất kín đáo. Tôi sờ lại hàng ria mép. Những sợi râu như chưa bao giờ biết trưởng thành. Tôi tháo kính, dụi mắt, luôn tiện thăm dò hai quầng mở nổi cộm dưới mắt. Hai quầng mở ác ôn, ít có với những người cùng tuổi khác, thậm chí có người hơn tuổi tôi cũng không làm chủ được chúng. Tôi xoay qua trở lại, chẳng phải khó chịu vì sợi dây nịt an toàn mà vì cái nôn nao kỳ lạ. Hình như tôi có mập ra chút ít, da dẻ có phần hồng hào hơn xưa. Tuy vậy, căn bản, tôi vẫn là tôi với những lè phè, luộm thuộm thân quen. Thêm vào đó cái bàn chân gỗ, tạo dáng đi cà nhắc đặc biệt, bà con, anh chị em tôi sẽ dễ nhận tôi ra ngay. Từng người sẽ chạy đến ôm chặt tôi, chuyền tay nhau không cho tôi kịp thở.

 

          Nhưng không, dưới ánh đèn vàng yếu của sân bay Đà Nẵng, tôi nghe tên tôi, tên Lý được gọi lên khe khẽ vài tiếng. Rồi anh tôi tiến đến vỗ nhẹ mấy cái lên vai tôi, gọi gọn một chữ: - “ Chú ”. Chị tôi, vụng về hơn, cứ xoa xoa cánh tay tôi, chẳng nói được tiếng nào. Chị ứa nước mắt. Tôi nhìn quanh, đọc được niềm vui trong mắt những người thân. Tôi vui sướng mỉm cười vói tay chạm vào người này, người kia để san chia hạnh phúc vừa bắt gặp. Vài cái va li hành lý, đã theo tay các cháu dành đẩy đi. Tôi và Lý được thân mật “áp tải” ra một cái xe car thuê sẵn. Thân phụ của Lý và anh tôi, trước 1975 đều là những ông chủ garare, kinh doanh xe hơi, nhưng bây giờ đón chúng tôi, anh tôi phải cố gắng lắm mới thuê bao chiếc xe vài giờ. Ngồi bên anh về nhà Lý, tôi ứa nước mắt trước sự già yếu của người anh, giàu lòng thương yêu hai đứa em ở xa, và vẫn thản nhiên trước những sa sút về vật chất bất ngờ của riêng mình.

 

          Ngôi nhà thời trẻ thơ của Lý nằm ở đầu một hẻm dài chừng một trăm thước, rộng rãi, nối giữa hai đường Phan Thanh Giản (bây giờ là Hoàng Văn Thụ, 930m, x 9m) và Lê Đình Dương (510m x 9m). Cả xóm có vẻ bất ngờ sự về thăm của chúng tôi, nhưng có khá nhiều đôi mắt tò mò. Tôi đã điện thoại dặn trước các em Lý đừng đưa tin chúng tôi về và các em đã thực hiện theo.

          Vào nhà chưa tới năm phút, tôi và Lý tạm chia tay anh Hiển chị Liên (Kim Anh) để theo các em, các cháu đến bệnh viện Đa khoa, nơi nhạc phụ tôi đang nằm điều trị đã hơn một tuần qua.

          Lộ trình từ nhà Lý đến bệnh viện Đa khoa, vẫn như trí nhớ của tôi: chạy ra đường Hoàng Văn Thụ rẽ trái, qua chừng ba chục thước, quẹo phải vào Hoàng Diệu. Độ bốn ba phút sau  gặp Ngã Năm. Tại đây có thể chạy thẳng vào Lê Lợi, hoặc rẽ qua hướng đường Trần Bình Trọng. Nếu chạy thẳng Lê Lợi, có thể quẹo trái qua Hùng Vương, hoặc chạy thẳng miết xuống gặp Hải Phòng (Nguyễn Hoàng, trước 1975), là con đường có một cửa vào của bệnh viện Đa Khoa. Trước 1975, cửa này là cửa chính, nhưng hiện nay, cửa chính của bệnh viện nằm trên đường Quang Trung. Lộ trình chạy thẳng này, không được các em chúng tôi dùng. Lối đi quen thuộc của chúng là rẽ qua Trần Bình Trọng, từ Ngã Năm, để chạy qua Ngô Gia Tự (Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi có nhà thân phụ tôi) đến Hải Phòng. Hoặc rẽ qua Hùng Vương, nơi có nhà cũ của tôi và Lý. Đêm hôm đó mấy đứa em đưa tôi theo hướng Trần Bình Trọng. Khi xe gắn máy chạy ngang ngôi nhà một thời trẻ tuổi của mình, tôi tạm thời đưa mắt nhìn, chưa ghé vào.

 

          Bệnh viện Đa Khoa là một cơ sở y tế qui mô với 750 giường căn bản, nhưng có thể chứa 1200 bệnh nhân, được xây cất năm 1961, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, trên nền đất cũ của trường trung học Bán Công. Đảm nhiệm chức Giám đốc đầu tiên là bác sĩ Trương Đình Trí. Một thời gian ngắn sau chức Giám đốc được giao cho bác sĩ Đinh Văn Tùng (đã qua đời tại Hoa Kỳ). Bác sĩ Phùng Văn Hạnh (hiện ở Montréal) giữ chức phó giám đốc. Sau 1975, một người bà con bên họ mẹ lớn tôi, bác sĩ Ông Ích Tưởng, từ Hà Nội vào làm Giám đốc. Năm 1979, ba tôi đột ngột qua đời tại bệnh viện này, chính bác sĩ Tưởng, đã đi bộ ra gọi tôi vào gặp người cha 84 tuổi của mình, tự ý bỏ cuộc chơi.  Nằm cạnh bệnh viện Đa Khoa còn có bệnh viện Việt Đức, cũng được thành lập từ thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975 đổi tên thành bệnh viện C, dành riêng điều trị cho cán bộ, công nhân viên cao cấp của đảng và nhà nước. Không rõ ngày nay có còn sự phân biệt này không.

 

          Khi chúng tôi đến bệnh viện Đa Khoa, cửa vào trên đường Hải Phòng, không mở, chúng tôi chạy luồn vào một con hẻm để qua cửa chính. Tôi thấy rất nhiều người tụ tập từng nhóm trước cổng vào. Họ đứng cả trong khu vực giữ xe nằm bên ngoài hàng rào bệnh viện, và trong những hàng quán được dựng tạm bợ. Phía trong cổng còn có một khu vực giữ xe nằm bên tay trái. Một nhà bán thuốc nằm đối diện với bãi giữ xe, mặt hướng ra đường Quang Trung. Những hành lang bệnh viện thật rộng rãi, thông thoáng gió mát.

          Ba của chúng tôi vẫn còn phải nằm phòng đặc biệt, cạnh phòng cấp cứu. Tại phòng này, bệnh nhân chỉ được chấp nhận một thân nhân duy nhất ở bên cạnh. An, em gái út của Lý đang túc trực bên người cha. Phải rất lâu chúng tôi mới nhắn được An xin phép ra để cho Lý vào thăm. Không được vào, tôi đứng nói chuyện cùng em Hoàng và chị Ánh, chị dâu của Lý. Bệnh tình của nhạc phụ tôi được kể là trầm trọng. Tuy qua thời kỳ nguy hiểm nhưng việc sống đời thực vật khó tránh khỏi. Nguyên nhân có thể do ông sơ ý khi thức dậy sớm, lo mở dẹp mùng màn và vướng ngã, đầu va vào cạnh divan gỗ cứng. Cũng có thể ông bị áp huyết cao dẫn đến việc đứt gân máu não. Bệnh trạng của ông không được bệnh viện xác định nguyên nhân. Ngoài chuyện gia đình, tôi còn biết được nguyên nhân tạo đám đông trước cửa Nhà Thương. Hóa ra có một vụ công an giao thông rượt đánh trọng thương một thanh niên vi phạm luật đi xe chở ba. Theo dư luận, người xấu số khó thoát bàn tay tử thần sau khi không qua được bàn tay của một người “bạn nhân dân”.

          Sự bất mãn của quần chúng rất ôn hòa, chỉ tụ tập bàn tán, nhưng cũng tạo cho tôi nhiều ngạc nhiên. Nếu chuyện này xảy ra trước 1984, năm tôi chưa ra khỏi Việt Nam, chắc chẳng mấy ai dám ra hóng chuyện thiên hạ. Có lẽ trong thời buổi kinh tế đổi mới, con người được sống trong xã hội chủ nghĩa, sớm nhớ ra mình vốn có một chút quyền đứng về phía lẽ phải. Mở cửa kinh tế không bao hàm mở những cánh cửa tự do, nhân quyền, nhưng trước sự hiện diện của những thế lực nước ngoài đến làm công việc thương mại, xây dựng, khó lòng duy trì guồng máy công an trị một cách hoàn hảo như thời mới tiếp quản miền Nam. Dám có một tụ tập trầm lặng đã là một dấu hiệu đáng mừng cho quần chúng lẫn độc đảng lãnh đạo.

          Khi Lý rời phòng nằm của thân phụ, đã gần ba giờ sáng. Chúng tôi đi đến một chỗ ăn khuya ngoài trời. Địa điểm này, một phần nằm trên nền nhà cũ của hiệu ảnh Lê Hậu. Ngồi hờ hững nhai những cọng bún thịt nướng khô cứng, tôi không quên ngó loanh quanh, và chợt nhận ra nơi này, tôi suýt bị thương trong một tai nạn giao thông, khi tham gia trong cuộc tranh đấu chống hiến chương Vũng Tàu năm 1964 (Hiến chương Vũng Tàu được tướng VNCH Nguyễn Khánh, sinh ngày 08-11-1927 tại Trà Vinh cho ban hành ngày 16-8-1964, sau khi truất phế chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ ngày 28-02-1964. Bị chống đối Tướng Khánh tuyên bố xé hiến chương Vũng Tàu, thành lập tam đầu chế với các tướng Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, nhưng cuối cùng, ông phải đi làm đại sứ lưu vong, ngày 25-02-1965). Lúc đó tôi ngồi trước cabine, bên cạnh anh tài xế Tư “Quẹo”, đang điều khiển chiếc xe đò hiệu Renault  của gia đình Lý,  thì bị một chiếc GMC đâm nhẹ vào ngay phía tôi ngồi.Cửa xe móp vào chút ít nhưng huề cả làng vì đám đông hỗn loạn chung quanh. Đống báo Đứng Đầu Gió còn khá nhiều trên xe. Tôi sớm bỏ cuộc trong lần tham gia tranh đấu tùy hứng này.

 

          Dù đã quá khuya, chúng tôi cũng ghé về thăm ngôi nhà nhỏ của ba má tôi tạo dựng. Tôi đứng sững trong cái sân rộng bằng bàn tay. Nhìn cánh cửa dẫn vào căn nhà trên, nơi ba tôi năm nào đã đứng lặng lẽ đón tôi về trong tàn phế. Ông đã dìu tôi bước lên bậc thềm thấp này trong im lặng. Tôi biết, nếu mở lời, ông sẽ bật khóc. Những giọt lệ quí hiếm của một người đàn ông với 74 năm cực nhọc, không phải dễ dàng để nhỏ ra. Ba tôi đã khóc thầm vào cái bất hạnh của chúng tôi. Trong khi tôi đã khóc thành tiếng trong nhịp bàn tay run rẩy sờ nắn của ba tôi. Ông vừa là cha vừa là mẹ tôi trong một thời gian dài, rất dài.

 

          Tôi đi từ nhà trên, vào phòng của Hoàng, qua phòng của Hưng, xuống nhà dưới, qua nhà hông, nơi gia đình chị Liên đang cư ngụ. Tôi ngồi trên cái giường tôi đã từng ngủ, nhịp nhịp bàn chân phải lên nền nhà. Không thắp một ngọn hương nào lên bàn thờ xây cao quá tầm tay. Tôi sờ vào những chữ Hán mạ vàng trên mấy câu liễng xưa cũ. Mùi thịt da tôi, mùi hơi thở tôi đã đọng ngủ bao lâu trên những vật thân yêu trong nhà đang tìm về, thầm thì hỏi thăm tôi. Tôi nghe hết, tôi nhận ra hết, tất cả còn y nguyên như mới ngày hôm qua. Và rõ ràng tôi chưa hề bỏ đi xa nơi này bao giờ. Một con thằn lằn nằm phơi lưng trên tấm hoành phi một cách bình an. Hình như nó cũng đang nhìn tôi, đang ngóng chuyện. Đêm sâu quá, nên chưa gặp được những con ruồi tinh nghịch, thường quấy rầy tôi vào những buổi trưa thiu thỉu.

 

A, cái bàn cờ tướng bằng miếng ván ép, đang được lót dưới cái màn hình máy vi tính, 14 inch thật thân quen. Thời gian dẫu dài bao lâu, ngó lại chỉ trong tí tắc. Tôi gặp cả ở đây những thằng bạn thời trung học Phan Châu Trinh, những Trần Lục, Châu Văn Tùng, Phan Quảng, Trần Hữu Chí...chúng đến để làm những chiếc lồng đèn, cho đêm chào mừng quốc khánh. Chúng đến để rủ tà tà xuống phố, ngắm những mái tóc thề, rung chân uống trà Thành Ký, hoặc nhâm nhi ly kem Diệp Hải Dung. Và rồi những Vương Thanh, Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Nho Sa Mạc, Phan Trước Viên, Thái Tú Hạp, Lam Hồ.. .thay nhau  ghé đến với những tin viết lách lăng nhăng, tỉnh lẻ. Dưới mái nhà này, còn có cả bàn tay dịu dàng, thon mượt của Hồ Thị Hồng, sè sẹ bịt mắt tôi, khi tôi chăm chú thay nước hồ cá. Có cả tiếng văng vẳng cười nói của Quyên mang hơi biển Thanh Bình ghé chơi. Tôi nhớ cả những bài thơ đã ngồi bệt trên nền nhà để viết. Những nơi em tôi, Lê Hân ngồi chăm chú thiết kế ô chữ cho trang báo Tuổi Xanh ở Sài Gòn, hoặc làm thơ, hoặc đánh cờ tướng cùng Phạm Vũ Thịnh (hiện ở Úc). Thật tuyệt vời trong đêm hội ngộ ngắn ngủi với căn nhà thân yêu. Tôi hí hửng mừng tôi mãi mãi là chàng con trai trẻ tuổi, ham nhớ nhung.

                                               

          Sau ba hôm chúng tôi có mặt tại Đà Nẵng, cha chúng tôi được đưa lên phòng nằm điều trị bình thường, dù tình trạng của ông không có gì khả quan. Tôi đã được vào đứng bên cạnh giường. Nhìn sự tiều tụy của một người vốn có sức khoẻ hơn mình tôi cảm thấy chua xót, buồn bã lẫn âu lo vẩn vơ. Năm 1996 tôi từng phải đứng, phải thất vọng nắm tay một người bạn thân, nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, cũng rơi vào thảm nạn như ba tôi, may mắn, anh ấy sớm dứt khoát cuộc dằng co với tử thần để  ra đi nhanh chóng.

          Ba chúng tôi nằm giữa sự quây quần của các con. Đứa này khẽ gọi, đứa kia thầm thì kể chuyện, nhưng ông không nghe thấy gì, không mở mắt nhìn bất cứ ai. Tuy vậy sức sống trong cơ thể ông, cùng sự tận tụy chăm sóc của hai người con gái Lan và An, chắc ông còn phải trải qua một thời gian lâu chịu đựng. Những ngày kế tiếp, chúng tôi dành mỗi ngày hơn một giờ để thăm ông. Thời gian còn lại, chúng tôi cần phải đi thăm đây đó, nhất là mồ mả ông bà, thân quyến.

 

          Đà Nẵng trong chuyến về có thực của tôi, đã có quá nhiều đổi thay. Sự phát triển mau chóng về kiến thiết đô thị đã đem đến cho thành phố thân yêu của tôi một khuôn mặt mới. Không những củng cố vững vàng vị trí số một tại miền Trung mà còn có khả năng đe dọa đến uy tín một vài thành phố lớn khác trong cả nước.

          Trước ngày tôi phải rời Đà Nẵng, thành phố chỉ có 3 quận, gọi tên bằng số thứ tự 1, 2 và 3. Ngày nay Đà Nẵng đã vươn mình ra những khu ngoại vi để lập thành 6 quận với các tên gọi: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và thòng thêm huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa. 

          Tổng diện tích và dân số của Đà Nẵng vào năm 2004 được giới thiệu trên trang vi.wikipedia.org là 1.255, 53 cây số vuông và 764.549 nhân khẩu, chia rõ như sau: Quận Hải Châu rộng 24, 08 km2 với 211.414 dân. Quận Thanh Khê rộng 9, 3 km2 với 160.559 dân. Quận Sơn Trà rộng 60,78 km2 với 112.613 dân. Quận Ngũ Hành Sơn rộng 36,52 km2 với 50.351 dân. Quận Liên Chiểu rộng 82,37 km2 với 72.780 dân. Quận Cẩm Lệ và Hòa Vang rộng 737,48 km2 với 156.652 dân. Huyện đảo  Hoàng Sa 305 km2.

 

           Sự bành trướng lãnh thổ và dân số đòi hỏi sự phát triển và xây dựng. Những cấp lãnh đạo hành chánh của Đà Nẵng đã thực hiện rất khả quan công việc này. Đứng đầu có thể kể sự đóng góp tích cực của ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

          Công việc phát triển trước tiên có lẽ là mở mang đường, cầu, xây dựng cao ốc, chỉnh sửa nhan sắc mặt tiền của thành phố. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi đi trên con đường mang tên Lê Duẩn mà hỏi đứa em về cái dốc Cầu Vồng ở đâu.  Tuổi trẻ của tôi đã đi qua. Cái duyên dáng của một con đường cũ đã bị xóa bỏ. Ngay cái tên con đường cũng đã được thay đổi, tôi dễ gì nhận ra trong một vài ngày về lại chốn cũ. Đường Lê Duẩn (2050m x 9m) chính là con đường mang tên Thống Nhất của tôi. Tôi đã quen biết con đường này từ hồi nó còn được gọi là Rue Pigneau De Béhaine. Dốc Cầu Vồng ngay dưới chân tôi đây. Nó đã bị san bằng. Thật đáng tiếc, rất đáng tiếc, nhưng nghĩ cho cùng cũng hợp lý trong công việc mở mang, làm rộng lớn thành phố, trong khả năng còn hạn chế của một nước chưa được giàu có những kỹ thuật tân tiến lẫn kinh phí.

 

          Đà Nẵng ngày hôm nay có trên 260 con đường lớn nhỏ. Theo tài liệu tôi đọc được, chiều dài tổng cộng lên đến 181.672 cây số, không kể những con đường đất, đường hẻm, đường kiệt. Chiều rộng trung bình mỗi con đường được ước đoán là 8m. Dù có mê đường đến đâu, tôi cũng khó lòng lang thang khắp cả thành phố như ngày nào. Tôi chọn đi ngắm lại một số đường quen thuộc, và khoe ngay với bạn những con đường liền với cuộc sống tôi một thời. Đây là đường Hùng Vương, nơi có quán sách Ngôn Ngữ của tôi, nơi có quán cà phê Từ Thức, tôi mở chung cùng Đặng Văn Ngoạn (hiện ở Hoa Kỳ) Nguyễn Văn Xuân (không phải tác giả Bão Rừng...), Nguyễn Văn Nôi, trong thập niên 70. Nơi vợ tôi chạy theo nhu cầu thị trường, thay đổi các mặt hàng từ hàng áo quần, qua quạt máy, đến phụ tùng và xe đạp. Ngày tôi về, đoạn đường trước nhà cũ tôi đang được tu sửa lòng cống. Nhưng số lượng người, xe vẫn đông vui. Tôi gặp lại bảng  hiệu  nhà  ảnh  Phụng  Ký nguyên vẹn như xưa. Chẳng biết hai người đẹp Phương Lan, Thủy Tiên, con chủ nhân, giờ ở đâu.

Cái cổng nhà thân phụ giáo sư Lê Văn Hảo (hiện ở Pháp) không còn cái biển tên Lê Văn Tập bắt ngang, nhưng ngôi nhà vẫn như cũ, kín đáo, lặng lẽ với bảng hiệu mới, sát tường: “Khách sạn Dịch vụ Hùng Vương”

          Tôi đi suốt chiều dài 3.200 thước của con đường. Đã dừng lại trước căn nhà cụ Song Châu, nơi anh bạn Trần Gia Phụng (hiện ở Toronto, Canada) chưa bạc tóc vì những tháng năm nghiên cứu sử học. Tôi cũng đứng nghỉ chân trước vị trí cũ của phòng vẽ Nguyễn Viết Hậu, thân phụ họa sĩ Khánh Trường (hiện ở Hoa Kỳ). Tôi gõ những bước chân bên mé chợ Cồn, đang mang bảng tên Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Tiếng người, tiếng còi xe hỗn loạn. Tôi băng ngang 9 thước mặt đường, để tìm lại cái quán sách nhỏ, chuyên cho thuê sách kiếm hiệp ngày nào. Dù những cao ốc đang khoe khoang đứng liền nhau, tôi cũng nhận ra cái nền phòng ngủ Bình Dân, nơi tôi từng theo một cô gái gặp trên chuyến xe An Lợi từ Huế về đây. Hương ấm như còn trong bàn tay. Những đoạn vỏ xe hơi, những đôi dép râu, tiện nghi thời đại Bác đã không còn phơi đầy bên đoạn đường sắt vắt ngang qua đường nhựa như thời sau 29 tháng 3. Tôi tiếp tục lội bộ. Không ngửi ra nhưng rất nhớ mùi hương cà phê Xướng. – “Lên xe thôi anh Châu” ,- “Ừ thì lên”. Hoàng chở tôi chạy tiếp đoạn đường.

 

          Qua giáp ranh Lý Thái Tổ, tôi ngó lui để tìm phòng mạch của bạn Nguyễn Ngọc Lang (hiện ở Montréal Canada), tìm nơi đặt bàn máy đánh chữ thuê của bạn Đặng Văn Hải (vẫn ở Đà Nẵng). Bè bạn tôi thật nhiều nghề. Đứa sang, đứa bình thường, nhưng hầu hết đều là những ông bà triệu phú tình thương.

          Tiến lên chút nữa ngôi nhà đông y sĩ Võ Hoán, sui gia với ông già tôi, thường cư ngụ vẫn còn đó. Cái ngã ba Cai Lang bây giờ đã thoáng mát sạch sẽ. Quảng trường 29 tháng 3 ra đời sau biến cố lịch sử 75 hình như ngày nào cũng rộn rã. Đối diện chênh chếch với quảng trường, cái siêu thị mới toanh ba tầng đang chào đón khách hàng. Tôi mua một bình cắm hoa làm kỷ niệm. Khi rời siêu thị, tôi tần ngần đứng định hướng cái xa lộ Ruồi ngày trước. Mất bãi thực phẩm đàn ruồi phân tán về đâu ? Không chừng nơi tôi đang đứng, chính là cái điểm tôi đã đứng cùng phế binh Nguyễn Văn Xuân, để hoạch định kế hoạch, chận bắt các xe chở rác có đồ dùng của Mỹ tuồn ra, nhằm tạo áp lực cho một cuộc đấu thầu đổ rác. Ghê thật, hiền lành như tôi mà cũng đã có lúc theo thời làm ăn rất “xã hội đen”. 

          Không còn giờ đi ngược lại cuối đường, để thăm Ty Thông Tin cũ, nơi ca sĩ Duy Khánh gây ấn tượng đẹp đầu tiên với làn hơi phong phú, làm mất của Đà Nẵng một Kiều Oanh. Thông Tin cũ cũng là điểm lạng quạng của nhiều chàng đa tình vì những cái tên gọi bốn mùa. Chẳng biết anh bạn Khanh, chủ nhà in Da Vàng của tôi đã đưa con thuyền hạnh phúc của mình cùng một trong bốn người đẹp Xuân Hạ Thu Đông đến đâu ? Hoàng hẹn với tôi ngày mai đi tiếp.

 

          Con đường thứ hai, tôi muốn nhắc đến là đường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là con đường tuổi 14, 15 của tôi. Ngôi nhà ba má tôi tạo dựng vẫn còn đó, nằm lấp ló nửa bên sau nhà ông Thái Trữ, một thi sĩ viết khá nhiều kịch thơ với bút hiệu Việt

 

Trữ, một công chức có xe hơi riêng từ thập niên 50, gợi cho tôi nhiều mơ mộng. Ngày nay tôi đã biết lái xe, có xe riêng, chỉ tiếc không được lái chạy một lần trên con đường này đế lấy le với cái sân vận động, với cái chateau d’eau ngất ngưởng. Chỉ với chiều dài khiêm nhường 720 thước, rộng 8 thước, đường Đông Kinh Nghĩa Thục đã từng nuôi dưỡng “ngũ long công chúa”: Diệu Minh, Bích Hà, Quỳnh Diên, Quỳnh Cư, Quỳnh Chi. Trong tên gọi mới Ngô Gia Tự, không rõ con đường này có sinh sản được bóng hồng nào ngào ngạt sắc hương ?

 

          Để giới thiệu đường Quang Trung (1250m x 8m), con đường một thời được mệnh danh là “con đường tình nhân” với cây xanh bóng mát, tôi xin trích mấy đoạn thơ:

 

          1.

          lang thang đi dạo cả ngày

          con đường nhẵn gót, ngọn cây nhẵn mày

          thuộc lòng từng nhúm bụi bay

          đâm ra chán ngấy cái thây vô hồn

          sờ tay chợt thấy như còn

          câu ca dao, chợt bồn chồn không yên

 

          2.

           không đi xuống phố thấy buồn

          nhưng đi xuống phố như tuồng buồn hơn

          con đường nhân ảnh chập chờn

          ngôi nhà, ô cửa chờn vờn nhân sinh

          đi đâu cũng gặp chính mình

          với ưu tư đã tượng hình bên trong

 

          3.

          vẩn vơ ngó lá trên đầu

          lá xanh chen với lá sâu lá già

          lá xanh phơi phới mượt mà

          lá sâu khúm núm, lá già co ro

          tôi đi cổ rụt vai so

          sâu nhoi trong bụng, già thò mặt phơi

 

          4.

          con đường mang tên Quang Trung

          cái tên cả nước dùng chung, bình thường

          ở đâu cũng có Quang Trung

          nhưng không đâu giống Quang Trung nơi này

          chẳng phải vì có nhiều cây

          đặc biệt ở chỗ: mỗi ngày có tôi

 

          5.

          cũng chính trên con đường này

          cái xe đạp vật tôi trầy tay chân

          nhớ lần mới nắm guidon

          ngón tay cứng ngắc cái mông nặng nề

          tội nghiệp cả hai bờ lề

          bị tôi đo đến đá ê đất bầm

 

          6.

          hướng này dẫn đến bờ sông

          hướng này đường dẫn đến hông ga và

          ngôi nhà có một con ma

          hớp hồn  tôi thuở đỏ hoa phượng buồn

          hụt người, được thú-dễ-thương:

          thành phu lục lộ đo đường không công

 

          7.

          trăm vạn lần qua đường này

          mỗi lần đều thấy đổi thay diệu kỳ

          lắng nghe thử gió mách gì

          gắng tìm hiểu bụi có chi phật lòng

          đường ơi, có hiểu ta không

          ngươi như một mạch máu hồng trong ta

 

          8.

          con đường có sáu ngã tư

          hai ngã ba với một tôi nối vào

          ngã tôi là ngã chiêm bao

          ngã tôi là ngã dẫn vào tình yêu

          em đừng sợ mất giờ nhiều

          một đời đã đủ mọi điều hiểu nhau

 

          9,

          đường này dẫn tôi đến đâu

          Tam Tòa, Ga Lớn, Thanh Châu, Thuận Thành...

          Thanh Bình, Thanh Hải, Thanh Thanh

          (Thanh Thanh là cõi chưa khoanh bản đồ)

          cuối cùng vạt đất Thanh Bồ

          mới thừa công lực đá nhào, tôi đau

 

          10.

          nắng xô ngã bóng xuống đường

          chiều rồi, chuẩn bị người tôi thương về

          tôi ngồi vẽ cái chữ P

          lên chân trụ điện, chỉnh tề chờ em

          chờ em không để gọi tên

          chỉ để liếc mắt một bên hông và....

          cái lưng khi em  vượt qua

          nếu trời có gió thật là thần tiên

          hai tà áo trắng bay nghiêng

          khoảnh lưng da sáp ong hiền hiện ra

          lằn dây lưng ẩn nhạt nhòa

          thế thôi, em đã vụt xa mất rồi

          đứng lên, tôi lại là tôi

          thảnh thơi về ngược hướng nơi em về

          giữ nguyên được vẻ chỉnh tề

          (Trôi Sông )

 

 

          Nối dài đường Quang Trung là đường Trần Cao Vân, dài 3,970 mét. Chiều rộng đã được nới ra đến 10 mét 50, Tôi có rất nhiều kỷ niệm với con đường này, bởi thời 12, 13 tôi cư ngụ ở xóm Thuận Thành, một xóm nằm sát bãi biển Thanh Bình, đoạn ít người tắm. Năm 1954, đoàn người từ miền Bắc vào Nam mang cho trường trung học Phan Châu Trinh một cô học sinh. Lê Thị Quỳnh Như, với mái tóc dài, kẹp thành một dòng thả nghiêng một bên vai  ngay trước ngực, là một hình ảnh thật tuyệt vời.  Quỳnh Như ngày nào cũng qua lại con đường này vì chỗ cư ngụ của Như nằm trong xóm đạo Tam Tòa. Nhưng đoạn lục bát đưới đây không dành cho Quỳnh Như, mà dành cho người nào tình cờ đọc được có một chút bâng khuâng vu vơ. Người đó dĩ nhiên cũng từng cư ngụ trên con đường này:

 

          Nguyễn Hoàng rẽ lên Tam Tòa

          tình tôi ở rể nóc nhà cửa xanh

          những con chim sẻ hiền lành

          chợt bay,  chợt đậu

                        loanh quanh bờ rào

           tôi đi qua, liếc mắt,  chào

          cái xe đạp dựng nghiêng vào chậu hoa

          thế là... em có ở nhà

          tôi vói chốt cổng thật là tự nhiên...

          bây giờ , đã biết:  nàng tiên

          sống bên Mỹ quốc vẫn ghiền ngó qua

          ngôi nhà quả thật đã già

          vách tường rêu bụi sẫm da thịt đời

          trước hiên có chiếc ghế ngồi

          ánh mắt tôi gặp hơi người thuở xưa

 

          lạ kìa, đã vụng từ xưa

          vẫn còn trở lại đong đưa ngóng tình

          đã lâu mình mới gặp mình

          gặp con đường ngập bóng hình cố nhân

          tưởng người đang ở rất gần

 

          Chẳng thể nào mỗi con đường viết năm ba dòng, rồi trích thơ như làm giảng văn thời trung học. Dù con đường nào tôi cũng thừa kỷ niệm để nhắc nhở. Tôi xin kể tên vài con đường mới hình thành trong hơi thở xã hội chủ nghĩa.

          Đường Cách Mạng Tháng Tám, rộng rãi với 4 dòng xe chạy, nối từ đường 2 tháng 9 ở Đò Xu, qua đường Núi Thành đến ngã tư Hòa Cầm. Đường dài 3650m rộng 21m. Con đường này đã xóa bỏ hình ảnh một thuở tôi cùng vài ba người bạn đi truy lùng những trái ổi xanh vào những cuối tuần.

          Đường Điện Biên Phủ rộng 20m6, dài 3200m  đi từ Ngã Ba Cai Lang đến ngã ba Huế, đây là con đường chính dẫn vào thành phố, ở phía tây.

         Đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu sông Hàn dẫn đến bãi tắm Mỹ Khê, dài 1600m, cố chiều rộng lớn nhất tại Đà Nẵng, lên đến 56m, con đường này  khá đẹp, hai bên lề đường trống vắng, chưa xây cất nhiều nhà ở. Bãi tắm Mỹ Khê, khu vực này, trước 1975 dành riêng cho người Hoa Kỳ, nhưng tôi cũng có vào đây vài ba lần.

 

          Đường Liên Chiểu-Thuận Phước chạy từ đường Bạch Đằng dọc bờ biển theo hướng Bắc đến chân đèo Hải Vân.

          Đường Điện Ngọc Sơn Trà chạy dọc bờ biển theo hướng Nam dẫn tới Hội An. Con đường này tôi đã đi trong chuyến vào Hội An, ngày 23-8-2002. Trên đường đi, tôi được mục kích đám tang của người thanh niên bị công an rượt đánh chết hôm chúng tôi mới về đến Đà Nẵng. Đám tang thật lớn. Số người đưa tiễn có  trên vài ngàn, với nhiều xe hơi được trang trí uy nghiêm. Tôi không muốn nói đây là một cuộc xuống đường. Nhưng rõ ràng đoàn người trầm lặng đi theo sau quan tài là một biểu lộ thái độ hơn là tình cảm. Thỉnh thoảng đoàn đưa tang dừng lại nhiều nơi. Nạn nhân chắc chắn không phải là một người hoạt động chính trị. Cái chết của anh cũng có thể vì sự quá tay bất ngờ của một nhân viên công quyền, không nằm trong chủ trương, chính sách. Sự hiện diện đông đảo của quần chúng như một nhắc nhở quí báu. Giới hữu trách của Đà Nẵng, cũng đã rất khôn khéo, giữ thái độ im lặng, giả lơ.

 

          Đường Bạch Đằng (2550m x 9m) nằm ở phía tây sông Hàn. Đường đi từ đường 2 tháng 9 xuống Đống Đa. Một thời trên con đường này có những điểm nổi tiếng: Bến Mía, Bến Xe Vàng, Cầu tiêu Ông Phước, Bến Cá. Những biệt thự trên đồi cây xanh do người Pháp xây dựng, Ty Bưu điện chính , Văn phòng công ty xăng dầu Shell, Tòa thị Chính, sân quần vợt, Tòa án, bãi bốc vác...Ngày nay bến Mía, bến xe Vàng, cầu tiêu ông Phước đã cáo chung. Nhắc đến con đường cũ này để giới thiệu con đường mới nằm ở bờ sông bên kia. Vì nằm hướng đông, nên được gọi là Bạch Đằng Đông. Lòng đường rộng trên mười thước. Lề đường sát sông rộng rãi có xây những bồn lớn, khá nghệ thuật, để trồng hoa giữa những lối đi dạo, có cả ghế đá. Ở lề đường bên kia, một số cao ốc đã được xây, không đồng nhất, đứng hàng ngang cùng những căn nhà lụp xụp tồi tàn. Một số cửa hiệu đã có mặt như: nhà hàng Nguyệt Ca, nhà hàng Bạch Đằng Đông, restaurant Alexandre, khách sạn Việt Anh, câu lạc bộ billard B.A cà phê Bolson, Salon Hiệp Thành, cà phê Ánh Ngọc...Nhưng ngay sau dãy nhà này rất nhiều mái tôn thấp bé chen chúc giữa những cây dừa nghiêng nghiêng. Đình làng An Hải lúc này cũng hiện ngay trước lề đường. Tôi có dừng lại đây, ghi mấy tấm hình. Không định trích thơ, nhưng con đường này là hạt giống nở bài lục bát, không nỡ bỏ quên:

         

          Rong xe trên Bạch Đằng Đông

          chợt thấy đàn cá dưới sông  theo mình

          những con cá nhỏ xinh xinh

          không quen, không biết,nhưng hình như thân

          bao nhiêu thế hệ xoay vần

          tâm dung,  thi ảnh, vẫn ngần ấy thôi

           ngàn năm nước đối diện trời

          mây tan hợp mấy kiếp đời vân vi

          bóng nằm nhưng dạng vẫn đi

          rớt liên tiếp những xuân thì phía sau

 

          có là một cuộc bể dâu ?

          con đường mới mở, cây cầu mới xây

          thịt xương của sỏi đất này

          vẫn đầy hương vị cỏ cây tình người

 

          chẳng ai gọi cũng ngoái lui

          cảm ơn cơn gió lên lời hỏi thăm

 

          liếc ngang em có hỏi thầm :

          ai ngây thơ giống dòng sông quá chừng ?

          hẳn em nghe ấm sau lưng

          cảm ra thơ níu đòi chung với lòng ?

 

         *

          ơi con đường Bạch Đằng Đông

          mở trăm vạn ngã phiêu bồng gọi tôi

          rong xe tôi kiếm tình người

          rong xe tôi lượm mắt cười nuôi thơ

 

          mười tám năm, chợt...bất ngờ

          được đi dọc sát đôi bờ sông xưa

          giữa trưa tháng tám giọt mưa

          rớt nhằm mí mắt xốn vừa đủ say

 

          con đường như một sợi giây

          cột tôi treo giữa gió bay lưng trời

          tìm đâu để có chỗ ngồi

          cho thân thể chịu nghe tôi thở dài

 

         

          Do đa số đường phố được sửa chữa, nới rộng cùng lúc hình thành nhiều con đường mới, nhà cửa của thị dân có được nhiều mặt tiền. Nhu cầu thay đổi cho thích hợp với khuôn mặt mới, đồng thời để tạo điều kiện cải tiến cuộc sống, dân thành phố đã đua nhau sửa sang, tạo dựng lại nhà cửa thành những hàng quán, hiệu buôn. Điều này phù hợp với chính sách cởi mở về thương nghiệp của nhà nước. Sau hơn một thập niên bị cầm chân trong nghề buôn bán, có được ngọn đèn xanh, đa số thị dân của Đà Nẵng hết mình tạo dựng nên thời đại kinh tế thị trường. Hàng quán san sát từ đường này qua đường khác. Đường lớn, đường nhỏ đều là phố thương mại. Những bảng hiệu đủ màu sắc, đủ kiểu chữ với hàng ngàn danh xưng góp phần mang lại sự tươi tỉnh cho phố thị. Chỉ tiếc một điều, do chênh lệch về tài chánh, sự khập khễnh của những hàng quán nằm cạnh nhau, cái cao lớn phương phi, đi liền với cái thấp bé đuối sức, đã không giúp cho thành phố có khuôn mặt khang trang đồng đều.

          Nghề kinh doanh đa số là buôn bán lẻ, đặc biệt những quán nhậu mọc lan tràn trên mọi ngã đi. Và một điều rất đáng kinh ngạc: số dân biết ngồi quán lai rai quá đông với đủ mọi lứa tuổi, và tuổi trẻ chiếm đa số. Không lúc nào ra đường, tôi không bắt gặp những quán nhậu đông khách. Sự nhàn nhã, tự tại của đa số tuổi trẻ trên các bàn nhậu mà tôi thấy, đôi khi làm tôi suy nghĩ vớ vẩn. Người ta học được những bài gì trong những giờ thư giãn kéo dài suốt ngày đêm như thế. Tôi đoan chắc không có những trao đổi chính trị, tranh đấu như thời tuổi trẻ chúng tôi. Tôi cũng tin không có những tư duy về giáo dục, đạo đức  được góp ý với nhau tại những nơi này. Mặc dù tôi biết tại những tụ điểm đó mới thật giàu không khí thoải mái. Tuổi trẻ trong giai đoạn đất nước thanh bình thật vô cùng hạnh phúc.

 

        Là một người không có năng khiếu ăn uống lại lo sợ vu vơ về bệnh tật, nên tôi chỉ có hai lần ghé vào những giang sơn này. Một lần cùng những đứa cháu trẻ có họ hàng bà con. Một lần với mấy thằng bạn học già Nguyễn Văn Pháp, Châu Văn Tùng, Hoàng Anh và Nguyễn Hữu Nuối. Lần đi với đám bạn già, chỗ ngồi từng được coi là một quán bia ôm, nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng (550m x 6m). Nhưng chúng tôi không đến quán với mục đích tìm vui. Theo Tùng, đây là một chỗ có thể ngồi uống và nói chuyện “vô tư”. Bà chủ đươc giới thiệu là một goá phụ vừa mới quá tuổi ba mươi nửa năm. Người miền Bắc. Tuy không ôm, không xoa gì, nhưng chủ quán và một cô gái nữa cũng ngồi uống cùng chúng tôi. Men bia làm câu chuyện tán dóc quanh đời thường đi lạc qua chuyện văn thơ, báo chí. Tôi ngạc nhiên về sự hiểu biết của cô chủ quán trong lãnh vực này. Cô nhắc đến nhiều nhà thơ, nhà văn của đất Bắc, có cả tên nhà thơ nữ đang nổi Vi Thùy Linh. Câu chuyện văn chương tầm phào bên bàn nhậu rồi cũng qua nhanh sau cái bắt tay với những lời ân cần mời tái ngộ của cô chủ. Tôi đã không có thì giờ để ghé lại như đã vui miệng hứa.

 

 

          Mở mang đường sá, tu bổ, xây dựng nhà cửa, công sở chưa phải là những việc cuối cùng của giới điều hành thành phố chủ trương. Dựa vào tiềm năng lao động của người dân cùng lợi thế về vị trí địa lý như:  nằm ở trung độ Việt Nam, trên tuyến đường huyết mạch Bắc Nam, bao gồm đường biển, đường hỏa xa, đường bộ, đường hàng không;  cửa ngõ của cả miển Trung, Tây Nguyên. Nơi mở đường giao dịch thương mại qua các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào; nằm giữa các di sản văn hóa thế giới: Mỹ Sơn, Hội An, Huế, giới hữu chức Đà Nẵng quyết tâm đẩy mạnh thành phố mình lên hàng “đô thị loại một” của “cả nước”(mục tiêu này đã đạt được). Công việc xây dựng cầu cống do đó được tích cực thực hiện. (Trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay có 656 thành phố. 4 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng - 2 thành phố thuộc loại đô thị đặc biệt: Hà Nội, Sài Gòn - 2 thành phố thuộc loại đô thị loại 1: Đà Nẵng, Hải Phòng ,-  10 thành phố thuộc loại đô thị loại 2 -  13 thành phố thuộc loại đô thị loại 3 - 59 thành phố thuộc loại đô thị loại 4 -  570 thành phố thuộc loại đô thị loại 5)

 

          Trước năm 1975, tôi có rất nhiều lần ngồi hóng gió bờ sông Hàn, không chỉ để làm thơ, mà còn để ước mơ: một thành phố sẽ mọc lên ở bờ bên kia, bên quận ba. Chiều chiều tôi sẽ rong xe qua đó bằng một cây cầu vững chắc, đẹp đẽ hơn cả cầu Tràng Tiền ở Huế. Ước mơ của tôi ngày nay một phần nào đã được nhìn thấy. Một cây cầu mới đã được bắt qua sông Hàn, khởi từ cuối đường Lê Duẩn (Thống Nhất cũ). Chiếc cầu không thuộc loại bình thường, mà là cầu quay (độc nhất ở Việt Nam) để tạo được hai dòng lưu thông tàu khi cần. Cầu được khánh thành vào ngày 29 tháng 3 năm 2000, do sự đóng góp tài chánh của toàn thị dân và khả năng thiết kế, thi công của công binh Việt Nam. Ngoài cầu quay này, trên mặt sông Hàn thuộc lãnh thổ Đà Nẵng hiện nay, còn có  những cây cầu đang được sử dụng:  Cầu Nguyễn Văn Trổi (các tên cũ: Trịnh Minh Thế, De Lattre de Tassigny), Cầu Trần Thị Lý (vốn là cầu dành cho tàu hỏa được sửa lại, chỉ cách cầu Nguyễn Văn Trổi 10 thước), Cầu Tuyền Sơn, Cầu Cẩm Lệ. Ngoài ra một cây cầu mang tên Cầu Thuận Phước, bắt đầu từ cuối đường Nguyễn Tất Thành chạy đến bán đảo Sơn Trà đang trong giai đoạn thi công. Cây cầu này sẽ là cây cầu dài nhất của Đà Nẵng. Việc xây cầu không rõ có sinh lợi riêng tư cho cá nhân hay tập thể nào không, nhưng gần đây tôi có nghe tin một cây cầu nữa sẽ được xây gần Cổ Viện Chàm (Bảo tàng Điêu Khắc Champa, tên gọi hiện nay), đang tạo ra nhiều dư luận không thuận lợi.

 

                                               

 

        Về  Đà  Nẵng, một  địa  chỉ tôi nôn nao đến thăm là trường trung học Phan Châu Trinh. Tôi đã có 3 lần ghé đến ngôi trường cũ, không kể những lần đi ngang ngó vào.

          Theo bài viết của ông Vương Ngọc Hà, trên trang điện toán Phanchautrinhdanang.com, trường Phan Châu Trinh được chính thức thành lập vào ngày 06 tháng 5 năm 1954, theo nghị định số 95-GD/ND của Bộ Quốc gia Giáo Dục và Thanh Niên. Đây là trường trung học công lập đầu tiên của Đà Nẵng. Tôi đã đến học trường này từ đầu năm Đệ Ngũ (Ngũ 3) và ra đi cuối năm đệ nhị (nhị C). Với chiều dài bốn niên khóa, có lẽ tôi chưa đủ tư cách  để hân hạnh làm một cựu học sinh trọn vẹn. Hơn nữa, không thành đạt gì trong cuộc sống, tôi càng ngại nói đến nơi xuất thân căn bản của mình. Nhưng tôi vô cùng biết ơn những thầy cô đã cho tôi những kiến thức phổ thông. Trí nhớ tôi không tệ lắm, ngày nay tôi vẫn có thể hình dung được khá rõ những khuôn  mặt  kính  yêu, từng dạy dỗ tôi: thầy Nguyễn Đăng Ngọc, thầy Bùi Tấn,  thầy Trần Tấn,  thầy Lý Châu, thầy Lê Văn Nhân,

thầy Hoàng Toại, thầy Hoàng Bích Xuân, thầy Phạm Hữu  Khánh,  thầy Trần Ngọc Quế, thầy Nguyễn Văn Đáo, cô Trần Ngọc Liễng, cô An Hà Châu, cô Đặng Thị Liêu, cô Phạm Bội Hoàn, Cô Phùng Khánh, cô Trần Kim Đính... Thú thật tôi có thể vẽ chân dung bằng chữ viết những thầy cô vừa kể trên ngay ra đây, nhưng tôi ngại sự vụng về của ngòi bút có thể gây nên nhiều sơ suất  nên đành bỏ qua ý định vẽ vời. 

          Là một người kém xã giao, trong suốt bốn năm học, tôi chỉ có một nhúm bạn học ít ỏi, có thể gọi tên không sót người nào: Châu Văn Tùng (hiện ở ĐN), Phan Quảng (SG), Hoàng Trọng Bân (SG), Hoàng Trọng Biền (đã qua đời +), Trần Ngọc Giao (+), Nguyễn Văn Pháp (ĐN), Trương Văn Phương (+), Lê Văn Phương (SG), Trần Lục(+), Trần Hữu Chí, Trần Vinh Anh (+), Nguyễn Đức Cung (Hoa Kỳ), Nguyễn Hữu Nuối (Lam Hồ, ĐN), Nguyễn Phụng (HK), Nguyễn Văn Thơ (SG), Bửu Chánh, Lê Đình Đức (HK), Lê Viên Côn (HK), Hứa Bút.

          Bước chân lần đầu tôi ghé lại trường vững vàng và vội vã. Cổng trường mở có lẽ dành cho học sinh đến xem thông cáo vì năm học mới sắp bắt đầu. Một vài em có mặt trong sân trường nhìn tôi vui vẻ. Hy vọng họ không xem tôi là một phụ huynh của bạn nào đó, mà xem tôi như một anh bạn học hơi lớn tuổi. Tôi bước những bước dài trong hành lang, một cảm giác bất an làm tôi lừng khừng. Tôi muốn vào trong lớp, nhưng cửa khóa. Tôi muốn nhìn lại hội trường, nơi thầy hiệu trưởng Thái Doãn Ngà cho tôi mượn để ra mắt tập thơ nhạc Lục Bát Ca (thơ LH, Lê Vĩnh Thọ, nhạc Vĩnh Điện) năm 1970. Tôi muốn vòng ra mặt sau nhưng lại ngại. Rồi tôi ra về.

          Lần thứ hai tôi đến vào quá trưa. Cổng khép nhưng không đóng. Tôi đẩy cổng. Trường không có ai ngoài ngôi tượng đá của cụ Phan Châu Trinh đứng gần cổng vào. Tôi hơi cúi đầu chào cụ. Không dám nhìn lâu mặt Người, không hiểu vì sao. Tôi bấm máy chụp hình, tôi mở nắp đậy cái super VHS, digital zoom. Vẫn vội vã như lần đến hôm trước, dù muốn đứng thật lâu, muốn tìm một chỗ ngồi. Tôi ngại có người ra gặp với những câu hỏi: Anh làm gì đây ? Chú là ai vậy ? Bác đã học trường này à ? Tôi đã viết một vài câu lục bát ngay trên đường về nhà:

 

          vào trường  chụp ảnh, quay phim

          vội vàng như sợ ai tìm  đuổi ra

          giữa trưa,  chợt nổi da gà

          cả tâm thân dậy  khúc ca học đường

 

          con chim se sẻ thân thương

          bay nghiêng đầu ngó,  như tuồng nhận ra

 

          nhón chân  phủi sợi bụi già

          đóng trên khung cửa mở ra hững hờ

           tôi nhìn  trong nỗi bơ vơ

          không thấy mà gặp thầy cô bạn bè

 

          tim tôi ngó,  lòng tôi nghe

          gót guốc,  quai nón,  săm se sợi tình

          tôi đi lững thững một mình

          bóng nghiêng  chìm giữa ảnh hình ngát hương

 

          lòng không ngăn nổi buồn buồn

          vô danh  trở lại thăm trường, hổ ngươi

          ngắt lòng ươm cụm ngậm ngùi

          ước chi  xanh mãi tình người thư sinh                  

        

          Tôi không rẽ qua đường Thống Nhất như ngày xưa, để về Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng tôi đứng lại ở ngã tư, bên mé rào trường Nam Tiểu Học. Nhìn về hướng Cầu Vồng dù quang cảnh con đường có đổi thay, khác xưa rất nhiều, tôi vẫn nhớ ra trụ sở Nghiệp Đoàn Lao Công Việt Nam với tượng con trâu đen. Vồng đất cao khi chưa có trường Nữ trung học Hồng Đức, nơi tôi đứng chờ xem đoàn đua xe đạp toàn quốc. Và kỳ lạ, tôi nhớ cả anh cựu chiến binh cụt một ống chân đang chống nạng, đứng nhìn tôi như ngày nào. Thời đó, nhiều lần  tôi gặp anh trong thảng thốt. Anh hiền lắm. Nhìn tôi anh chỉ mỉm cười. Còn tôi chỉ thoáng nhìn anh rồi vội vã ngó lơ. Không hiểu vì sao tôi sợ, tôi lo. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn giật mình. Phải chăng nỗi bất hạnh của mình từng được báo trước ?

          Tôi ngó vào trường Nam Tiểu Học, nay mang tên Phù Đổng, nơi nhà thơ Chu Tân đã ở. Ông bạn này cũng mất một chân ngoài mặt trận, chẳng biết anh ở đâu để ghé thăm. Tôi nhìn qua trường nữ. Tấm biển Đại Học Đà Nẵng chắn bước trí nhớ của tôi. Rồi tôi đi thẳng trên đường Lê Lợi, về hướng rạp Trưng Vương.

          Lần thứ ba tôi ghé trường chỉ là một tình cờ, có cả Lý đi theo. Tôi gặp một cô giáo đương thời. Một đám học sinh đàn em. Tôi chụp hình với tất cả họ. Cô giáo nói chuyện vui vẻ, không tò mò. Đám bạn trẻ hơi e dè, thiếu cởi mở. Cũng vui thôi. Không có đám họ chắc tôi đã không dừng xe ghé vào. Lúc bấy giờ đã 6 giờ chiều.

          Ngày tổng khai giảng các trường trung học, tôi nhờ cháu Khoa, sinh viên, con em Lan, đèo đi loanh quanh ngắm học sinh đi học. Các em nữ sinh vẫn mặc áo dài trắng đồng phục. Có tóc thề. Có tóc ngắn. Có tóc uốn. Có tóc kẹp...như xưa. Nhưng sao tôi có cảm tưởng các em trưởng thành hơn lớp đàn chị năm nào. Các em có giấu thư tình trong cặp không nhỉ ? Những trái ổi, trái cốc, trái me có đến trường cùng các em ? Thời đại “ a còng ” rồi còn gì. Ngôi trường Phan Châu Trinh ngó bề thế, nhưng đã già yếu. Màu vôi tường vàng sậm quá. Màu vàng này ở trên tường rào càng bi đát hơn. Nhiều nơi ố đen. Bàn chân tháng ngày phơi đậm những nét nhem nhuốc. Những chấn rào sắt, phần trên của tường rào, đã sét gỉ. Một số tấm tôn kẹp ngang thêm bên trong, xanh có, xám có, chừng đã lỏng lẻo. Không riêng gì khu vực quanh trường Phan Châu Trinh, cơn mưa đêm hôm trước để lại nhiều vũng nước trong đa số lề đường cùa thành phố. Thêm vào đó rất nhiều nhánh cây, lá rụng nằm ngổn ngang, bừa bãi không được thu dọn, làm thành phố không được sạch sẽ. Đây là khuyết điểm khá lớn của Đà Nẵng, dù đường nào cũng thấy nhiều thùng rác nhựa lớn, có nắp hẳn hoi.

 

          Đã hơn một tuần lễ ở Đà Nẵng, bệnh tình ba của chúng tôi vẫn không có dấu hiệu nào khả quan. Ông vẫn nằm với bình nước biển và thở oxy. Mỗi ngày chúng tôi ít nhất một lần ghé thăm, giờ giấc tùy nghi. Bệnh viên Đa Khoa sạch sẽ, nhân viên phục vụ nhỏ nhẹ, tử tế. Nhưng vào nhà thương, dù chỉ vào thăm bệnh, cũng là  chuyện bất đắc dĩ của tôi. Chẳng vui vẻ gì nhìn những cảnh đau ốm, cùng những lo buồn của những người chăm nuôi bệnh nhân. Sinh Lão Bệnh Tử, điều tự nhiên này tôi thấy có cái gì chưa ổn. Nếu trong tương lai có việc đầu phiếu để chọn một ông Trời, giữ ngôi thượng đế, tôi sẽ cố gắng làm một ứng cử viên. Với chủ trương thực hiện sẽ là: loại bỏ mọi bệnh tật cho tất cả các sinh vật. Riêng với con người sẽ chỉ có hai giai đoạn sinh và trưởng thành, không có giai đoạn già yếu. Việc tử vong giao cho mỗi cá nhân được toàn quyền quyết định và tự xử lý. Điều kiện bắt buộc, mọi người phải biết yêu thương tất cả mọi sinh vật. Tuyệt đối không được giữ trong lòng một ý nghĩ thù hận nào. Nếu bất tuân đương sự sẽ tự động tan biến tức khắc. Đây là tâm nguyện của tôi, không phải là những lời giễu, lời đùa vô duyên, nhạt nhẽo đâu các bạn đọc thân mến ạ.

          Ngày hôm ấy, sau khi ghé bệnh viện, chúng tôi bắt đầu đến thăm bạn bè, người quen thân. Vì nhiều nguyên nhân, một số bằng hữu của tôi không còn hiện diện ở Đà Nẵng, nhưng tôi muốn được nhắc nhở đến họ, như một cuộc họp mặt đầy đủ, tuy không qua một buổi tiệc tùng sang trọng, có chụp ảnh, quay phim như tôi thấy đa số Việt kiều khác, khi về thăm thực hiện. Việc làm này rất đẹp, nhưng tôi không có điều kiện bắt chước.

 

          Trong thập niên 60, số bạn chơi thơ văn ở Đà Nẵng gồm  Vương Thanh, Yến Nguyên Thanh, Phương Tấn, Lam Hồ, Mặc Mai Nhân, Phan Duy Nhân, Huy Giang, Hồ Cư, Tô Yên, Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Đoàn Minh Hải, Chu Tân, Lôi Tam, Lê Đình Phạm Phú, Uyên Hà, Đoàn Huy Giao... Tuy có qua lại với nhau, nhưng tôi không sinh hoạt trong bất cứ thi văn đoàn nào của các bạn ấy thành lập. Nhóm của Phương Tấn, chuyên về thi ca và thơ của họ thường xuất hiện ở các nhật báo, tuần san...ở Sài Gòn. Họ cũng cho phát hành được một vài tuyển tập thơ như “Rừng”, “Sau Lưng Các Người”. Nhóm Cùng Đi Một Đường với Phan Duy Nhân (bút hiệu khác Dương Phù Sao), Huy Giang, Hồ Cư, Lam Hồ, Tô Yên, sáng tác cả thơ và truyện ngắn, bài được đăng tải ở các tạp chí Gió Mới, Thời Nay, Bách Khoa, Văn Học...tại Sài Gòn. Nhóm của Đoàn Minh Hải, hình như có Đoàn Huy Giao, Khanh chủ nhà in Da Vàng...họ thực hiện được một tạp chí mang tên “Cùng Khổ” phát hành được vài ba số. Tôi cùng các bạn Vương Thanh, Đynh Hoàng Sa, Hà Nguyên Thạch, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Lôi Tam...mỗi người có sinh hoạt riêng, và bài viết chủ yếu  gởi đăng các tạp chí văn học ở Sài Gòn.

          Ở thập niên 70, Đà Nẵng và tôi có được một số bạn sáng tác: Nguyễn Văn Xuân, Phạm Thế Mỹ, Vĩnh Điện, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Lê Vĩnh Thọ, Hạ Quốc Huy, Hồ Đắc Ngọc. Các nhà văn Duy Lam, Phan Du, nhà thơ Cao Mỵ Nhân, họa sĩ Cao Bá Minh...có mặt ở Đà Nẵng, nhưng những sinh hoạt của họ hình như không hòa đồng trong dòng sinh hoạt nghệ thuật chung của Đà Nẵng, na ná như những cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Đinh Cường, Trịnh Cung... trong thập niên 60..

          Trong đám bạn văn của cả hai thập niên trên, tôi ghé thăm nhà văn Nguyễn Văn Xuân trước tiên. Ông là một tác giả đã có tác phẩm và thành danh từ thời tiền chiến. Đám trẻ chúng tôi ngày ấy đều gọi ông bằng thầy, dù chẳng có anh nào là học trò của ông. Gia đình ông cư ngụ trong một con hẻm ngắn trên đường Thái Phiên. Khi tôi tôi đến, không gặp ai. Qua cửa sổ tôi nhận ra bộ phản bằng gỗ dày, lên nước đen bóng. Bộ phản này nhiều lần tôi thấy nhà văn Nguyễn Văn Xuân dùng làm bàn viết. Nhất là giai đoạn ông sinh hoạt tích cực trong hội Khuyến học Đà Nẵng.

(Hội Khuyến Học, qui tụ được đông đảo các giới cầm bút, luật gia, giáo chức, bác sĩ, nhân sĩ hiện có mặt tại địa phương. Việc điều hành mọi sinh hoạt của hội, được đặt trong tinh thần làm việc hăng say, không vụ lợi của một ban chấp hành gồm: chủ tịch, nhà văn kiêm giáo sư Nguyễn Văn Xuân (hiện ở ĐN). Đệ nhất phó chủ tịch, đặc trách văn hoá nghệ thuật: Trung Tá Nguyễn Kim Tuấn, tức nhà văn Duy Lam (Hoa Kỳ) . Đệ nhị phó chủ tịch, đặc trách xã hội: nhà văn Phan Du (qua đời +). Và các ủy viên trong ban chấp hành: Trung Tá Thẩm phán Hồ Minh (+), Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Lang (Montréal), Nhà thơ Thái Tú Hạp,(HK) Nhà giáo Trần Đình Thanh Lam (SG), Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật (VN), Luật sư Hồ Công Lộ (Úc), Ông Nguyễn Rô,(HK) chánh ty kiểm duyệt vùng I chiến thuật., Nhà Thơ Hoàng Quy (VN), quản đốc đài phát thanh Đà Nẵng.

Các hoạt động chủ yếu của Hội Khuyến Học đã thực hiện : Thành lập Thư Viện, Mở Lớp Đêm, Mở Quán Cơm Học Sinh, Tổ chức những buổi sinh hoạt công cộng, bao gồm:  diễn thuyết, ra mắt sách, triển lãm. Tổ chức những chuyến đi thăm, để tìm hiểu về việc canh tác vv.).

 

          Sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, tôi gặp thầy Xuân nhiều hơn. Ông rủ tôi đến thăm nhà văn Phan Du, khi nhà văn này nằm bệnh tại tư gia ngoài bãi biển Thanh Bình. Ông nghiên cứu cùng tôi bản lý lịch mấy mươi trang phải viết sau tháng ba tan đàn. Cũng giai đoạn này, con trai ông mất việc, phải làm nghề chân tay. Tôi có dành cho anh ấy một chỗ ngồi trước hiên nhà để sinh hoạt, nhưng rồi anh bỏ cuộc.

          Khi tôi bỏ nước, không dám tin trước với ai, kể cả thầy Xuân. Nơi xứ người, tôi nghe nói người vợ với nét đẹp quí phái của thầy, mắc bệnh mất trí nhớ, đã đem lại cho thầy nhiều buồn phiền. Khoảng năm 1990, tôi còn nhận lầm tin thầy qua đời, và nói với Thái Tú Hạp đi một ô chia buồn trên Saigontimes của Hạp. Thầy biết tin, có viết cho tôi một lá thư với vui buồn lẫn lộn. Xin trích đoạn vài câu với thủ bút của tác giả “Khi Những Lưu Dân Trở Lại”:

          Mấy năm gần đây qua báo chí điện tử, tôi mừng biết thầy sinh họat văn học trở lại, và thu hoạch được ít nhiều thành công. Thầy có thêm một vài chữ mới đi kèm với danh xưng: “Nhà Quảng Học”, kết quả sau nhiều nghiên cứu về quê hương Quảng Nam của thầy, của tôi.

          Không gặp được thầy Xuân và cũng chẳng có ai để hỏi. Con hẻm buồn đến não nùng. Tôi lên xe của đứa em ra đường, chưa biết nên đi đâu.

 

          Đường Thái Phiên không dài quá 50 thước, nằm không xa ngân hàng Trung Việt trước 1975. Tôi không là nhân viên của ngân hàng này, nhưng có mặt ở đấy đến mấy năm, khi Ngân hàng đổi thành Ngân Hàng Thành Phố. Tình bè bạn đồng nghiệp rất tốt đẹp, nên tiện đường tôi ghé thăm. Được gặp lại cô bé mắt tròn  Đỗ  Thị Hoa, chị Thu mất một cánh tay, nhưng xuất thân từ   công  chức  Ngân Khố của  Việt  Nam  Cộng  Hòa  và một số chị khác. Dĩ nhiên chụp ảnh, quay phim...những cái trò có lẽ rất đáng ghét, nhưng với tôi thì quí lắm. Sau bữa trưa cùng với các chị đồng nghiệp ở một quán gần đó. Tôi một lần nữa theo vào ngân hàng. Nhìn không ra chỗ ngồi cũ của mình. Ngó không thấy những Trương Xếp, Phan Minh Khóa, Hoàng Xuân Dung, Hoàng Xuân Ba, Lê Thị Thư Nguyệt, Lê Thị Hồng Lê, Scotte Jeanne, Trần Thị Hy, Trần Cảnh Ngà...tôi thầm hít một hơi thật sâu. Bất chợt thấy đĩa trái cây, ly nước trong và một bát hương đang tỏa khói. Tôi hỏi trống không trong vui mừng: -“Cũng cúng à ? Cúng gì vậy ?” Một chị cho tôi biết hôm nay ngày rằm, và việc cúng kiến tùy nghi mỗi người, cơ quan không cấm. Đây có phải là hình thức tự do tôn giáo ?  Tôi rời ngân hàng cũ, nơi tôi làm việc từ giai đoạn đổi tiền lần thứ nhất đến năm tôi xin nghỉ để nộp hồ sơ xuất cảnh, năm 1983.

          Chúng tôi chạy thẳng trên đường Trần Quốc Toản (470m x 7m) về hướng Ngã Năm, qua luôn Trần Bình Trọng (460m x 7,2m) để ghé về nhà tôi trước sân Chi Lăng. Mặt tiền sân Chi Lăng ngày nay không còn bức tường cao quá đầu và hai cánh cửa chính rộng lớn như xưa. Một dãy nhà cao tầng đã đứng thay vào vị trí bức tường cũ, do đó khó nhận biết cái sân vận động, có đèn quay nằm bên trong. Bên cạnh Cổng số 5 Trung Tâm, tôi đọc thấy những bảng hiệu của dãy nhà, đa số là những cơ sở có liên quan đến ngành thể thao thể dục. Rất mê bóng đá, nhưng tôi về không nhằm mùa tranh tài, nên không có dịp ngắm chân cẳng của các tuyển thủ Đà Nẵng. Thời của những Câu-đen, những Niên-móc-sắt, những Dũng-đít-vịt, những Tu-chữ-bát, những Sung-lò-rèn... đã quá xa. Thời huy hoàng đá vang tên tuyển Thanh Niên Việt Nam, tập huấn từ Liên Xô về của Vũ, Quang, Chức, Đức, Trung lùn... cũng không còn. Dân Đà Nẵng chắc vẫn giữ được vị trí hàng đầu về cái ghiền bóng đá.

          Cạnh sân vận động là những tổ ấm của láng giềng tôi, không có mấy nhà. Tôi ghé thăm nhà ông Thái Trữ, nhà ông Vui, nhà ông Bôn, kể đôi ba câu chuyện, lượm vài mẩu tin đời thường của từng nhà, tuy lấy lệ nhưng rất ấm tình nghĩa.

          11 giờ tối, tôi trở về nhà cha vợ. Lý quở:  - “Đầu tóc anh ghê quá, đi hớt đi ”. Cháu Nguyệt, 17 tuổi, con anh cả Tâm, tình nguyện đưa tôi đến phòng hớt tóc. Cháu chạy rất nhiều nơi, trên nhiều con đường khác nhau, nhưng những quán hớt tóc bình thường đều đóng cửa. Tôi bảo về. Cháu chẳng nghe, nhất quyết đưa tôi tới một quán hớt tóc có massage. Tôi cảm thấy ngại ngùng ngay khi rời yên xe, bởi những con mắt đứng đợi khách hàng của mấy người thợ, có cả nam lẫn nữ. Tôi độ chừng họ đoán ông già đang được bồ nhí đưa đi chỉnh trang nhan sắc. Đã lỡ, tôi theo Nguyệt vào tiệm, và cố ý lớn tiếng bảo – “Cháu ngồi chờ dượng ở đây ”. Câu nói của tôi có lẽ chẳng tác dụng gì. Những nụ cười khéo kín của đám thợ cho tôi nghĩ như vậy. Mặc kệ, tôi bình thản lên lầu.

          Phòng hớt tóc chỉ có một khách hàng đang được xoa bóp, bên phòng trong, không có cửa ngăn. Một thanh niên cặm cụi với mái tóc khá dày của tôi, sau khi hỏi han vài điều. Cháu Nguyệt lên đứng bên cạnh từ bao giờ. Phần việc của anh thợ vừa xong, tôi được chuyển qua phòng nằm để sấy tóc. Một cô gái lớn tuổi hơn Nguyệt một chút làm công việc này. Tôi từ chối những dịch vụ thư giãn khác sau khi tóc khô, nhưng không quên tặng cô gái một chút tiền, không nhớ là bao nhiêu. Khi xuống lầu thanh toán tiền công, tôi có tặng anh thợ, số tiền được thối lại. Anh không nhận. Trên đường về tôi khen với Nguyệt về sự tử tế của người thợ. Cháu Nguyệt hỏi – “Ông dượng cho bao nhiêu? ”. Tôi nói: “ 500 đồng ”. Nguyệt cười vang. Hóa ra món quà của tôi chỉ có 5 xu, ma nào nhận. Tôi giật mình, thẹn vô cùng. Nhưng chẳng lẽ quay lại. Cũng may mái tóc của tôi không được như ý nên cũng đỡ ân hận. Anh hớt tóc cố tình cho tôi trẻ lại, đã lấy của tôi rất nhiều tóc, cho cao ráo ra, nửa tân binh Việt Nam Cộng Hòa, nửa cán bộ mới từ Bắc vào. Thôi cũng được. Dù sao cũng rất nhẹ đầu.

 

          Tiếp tục thăm viếng bạn cũ. Tôi tìm được đến Đặng Văn Hải. Nhà anh chị Hải vẫn ở chỗ cũ trong một con hẻm rất dài của vùng Thạc Gián. Tôi quen Hải từ những năm tiểu học ở trường Hoàng Diệu. Hải bỏ học sớm, làm nhiều nghề để sinh sống, trong đó có việc đánh máy thuê ở vỉa hè. Vợ Hải , y tá của bệnh viện Đa Khoa, từng có một thời gian dài chích thuốc cho tôi không lấy tiền công. Hải cũng chính là người đưa ý kiến trong việc nên dẫn Lý bỏ nhà, nếu yêu nhau thật. Ngày đó Hải còn ủng hộ chúng tôi tiền tiêu, tiền lộ phí cho cuộc “tị nạn ái tình”. Tuy là bạn, nhưng anh tự xem như là anh tôi. Trong chùm lục bát viết về bằng hữu, tôi đã dành phần anh mấy câu:

 

          kết bè đảng từ lớp ba

          đánh bi, đá bóng, độ gà, lang thang

          đã nhiều bận muốn đầu hàng

          lòng anh thòng cánh tay vàng đỡ lên

 

          Anh chị Hải không có nét già. Khuôn mặt cả hai đều như xưa. Có lẽ sự lạc quan, bình thảng trong cuộc sống giúp họ nuôi dưỡng được lâu bền sự trẻ trung. Gặp nhau vẫn nói chuyện trên trời dưới đất, cười vui, xuề xòa. Dĩ nhiên chúng tôi có nhắc đến mái trường Hoàng Diệu trong sân chùa Hải Châu, mà tôi vừa được Châu Văn Tùng đưa đến thăm trong mấy ngày trước. Trường không còn cả cái nền, nhưng vị trí vẫn dễ nhận ra. Cái hồ nhân tạo với hòn non bộ thật lớn vẫn còn đó. Căn nhà của bé Lai không chỉnh trang. Trần Công Viên, Nguyễn Chí Thiệp, Phan Nhật Nam, Nguyễn Văn Qui, Nguyễn Văn Phụng, Trần Văn May...đều từ nơi này tiến xa trong cuộc sống.

          Chúng tôi chia tay anh chị Hải cùng Sơn, em của anh, vào buổi trưa. Tôi đi ra con đường mới, trên mặt một hồ sen cũ. Tôi chợt phát hiện thành phố Đà Nẵng lúc này rất ít các loại chim, kể cả se sẻ. Tôi nhớ những tiếng hót. Tôi thèm nhìn những đường bay chuyền cành. Màu nắng chói chang trên mặt đường nhựa rộng, chẳng thể nào bằng cái óng ánh vàng trên những cành cây. Đà Nẵng cũng giàu cây lắm, nhưng sao cây nào cũng thấp bé quá. Cái nhếch nhác mà nhà văn Nguyên Ngọc dành cho Đà Nẵng không biệt thuộc giai đoạn nào, nhưng bây giờ tôi thấy thành phố của chúng ta trống trống, lành lạnh ngay trong ánh nắng. Có lẽ tôi đang mất một cái gì. Tuổi trẻ chăng ?

          Tôi còn ghé thăm một số khuôn mặt thân quen khác như chị Lưu Ái Liên, anh Nguyễn Ngọc Lễ...họ là những cán bộ thứ thiệt của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngành ngân hàng. Tôi được quen biết họ sau 1975. Tình người giúp chúng tôi sớm xóa bỏ những dị biệt trong quan niệm chính trị. Gặp nhau lần này đã có thể là lần cuối. Chúng tôi mừng chúc nhau những câu rất thật lòng. Tôi cảm thấy mình mỗi ngày một hạnh phúc, khi được quen biết thêm nhiều người tử tế.

          Vợ chồng tôi cũng đến thăm người bạn cũ nhỏ tuổi như con mình vào ban đêm. Nguyễn Phú Dũng, thằng bé thường xách lồng chim mồi theo tôi trong những lần đi bắt chào mào trước 1985, đã là một thanh niên, có vợ hai con. Chững chạc, làm ăn thành công, nhưng vẫn nuôi chim. Những con đội mũ của Dũng khéo chọn, dài đòn, đầu nhỏ, mũ đứng, sẽ hót rất hay rất bền. Dũng cho biết không còn đi đánh bắt chim nữa, không phải vì thiếu ham thích, thiếu thời gian, nhưng vì những con chim đã di tản đến những vùng quá xa. Hơn nữa, nghề chơi không có bạn hiền, bạn đồng điệu cũng giảm đi rất nhiều hứng thú. Dũng nói, nuôi chim bây giờ cốt để nghe hót khi uống trà. Ông cụ non ba mươi có một ngôi nhà, một khu vườn ấm áp lắm. Tôi thật tình cảm động khi mở máy computeur của Dũng, thấy khuôn mặt mình hiện lên trước tiên trên màn ảnh. Tấm ảnh tôi gởi tặng cháu đã lâu, từ ngày mới đặt chân đến thành phố Montréal. Nét ngơ ngác, hoang mang hiện rõ dù cặp môi có vẻ như cười. Tôi quên tấm ảnh này đã lâu, giờ thấy lại, ngờ ngợ đến mấy giây.

               

          Bên cạnh những lần thăm viếng bè bạn, bà con, dĩ nhiên, chúng tôi cũng dành thời gian cho một vài nơi cần thăm lại. Cổ Viện Chàm, Ngũ Hành Sơn, một vài nhà sách. Với Cổ Viện Chàm, chúng tôi có những giây phút thật tĩnh lặng, cung kính.  Tôi đã vào thăm cái nghĩa địa hình tượng này rất nhiều lần trong đời mình. Chẳng dám bàn đến vấn đề nghệ thuật, lịch sử ở đây. Nhưng phải thật tình cảm ơn người Pháp đã xây dựng, thiết kế một vị trí để trung bày những cổ vật thật thích hợp, thật trang trọng. Góc cạnh nào trong phòng trưng bày này cũng đầy đủ ánh sáng. Nó vừa có cái ấm áp của ánh nắng đương thời, vừa toát ra cáo lạnh lẽo của cả một dân tộc quá vãng. Cũng như rất nhiều người con dân của Đà Nẵng, tôi sẽ rất chua xót, nếu dự án một cây cầu qua sông Hàn, được bắt đầu từ khu văn hóa này.. Xin trích lại bài thơ viết đã lâu như một lời nguyện cầu bền vững cho ngôi cổ mộ tượng Chàm:

 

          ai giam Chiêm quốc vào trong đá

          cho đá ngàn năm ngậm máu người

          tủi hận cũng theo đời hóa thạch

          còn không tinh huyết giống dân Hời ?

 

          thao thức buồn chi Chiêm nương hỡi

          thân vàng vóc ngọc thấm về đâu

          tim ngừng giữa điệu Tây-Thiên-Khúc

          nhói buốt không gian nỗi hận đời

 

          trằn trọc sầu chi Chiêm tướng hỡi

          ngậm ngùi thương ngực nở vai u

          đất nước phân qua, dân tộc diệt

          sử mấy dòng đau một giống người

 

          cuồng rống gọi ai bầy thạch tượng

          Mỵ Ê, Sạ Đẫu, Chế Bồng Nga...

          phò vương cõng tướng đời vinh nhục

          dấu lửa binh vương mấy tất ngà

 

          nào đâu Châu Lý Châu Ô cũ

          ai đổi danh thành đất Hóa Châu

          tình nghĩa em đâu Huyền Trân hỡi

          hồn Chế Mân ta khắc khoải đau

 

          đứng vịn tay dài lưng ngựa đá

          thả hồn vuốt mắt triều đại Chiêm

          bồi hồi ngắm chiến công tiên tổ

          thấm thía lòng vang tiếng khóc cười

 

          ngoài kia màu nắng vàng muôn thuở

          đang vuốt ve từng ngọn sứ xanh

          mơ hồ nắng thoảng mùi hương lạ

          có phải hương da thịt Chiêm Thành ?

 

          Chiêm vương ơi, đá còn mưng lệ

          hận đến bao giờ vỡ đắng cay

          ta nghe nức nở hồn ai oán

          sầu sống muôn thu Nghĩa Địa này

         (CƠĐĐTT,LTHBVVBH)

 

          Với Ngũ Hành Sơn, lần đến thăm này, chúng tôi chỉ đứng dưới chân núi. Những hang động, những chùa miếu trên kia, nhắm mắt lại chúng tôi vẫn thấy ngay được. Làm sao khỏi có những tu bổ, những chỉnh trang nhưng hy vọng mọi di tích vẫn mang hình dạng như thời chúng tôi từng được chiêm ngưỡng nhiều lần. Với Ngũ Hành Sơn thưởng ngoạn một lần hay nhiều lần nữa cũng chẳng thừa nhưng điều kiện đôi chân tôi, thật đã đến lúc không dám mạo hiểm. Để bù lại thiếu sót, chúng tôi ghé thăm những gian hàng trưng bày và bán những sản phẩm điêu khắc. Chúng tôi có mang về Montréal được một cặp rồng đá trắng, ban ngũ nhạc đá nâu với 5 vị nhạc công rất nghệ thuật, một tượng Thích Ca chạm khắc rất tinh vi, một tượng thiếu nữ khỏa thân nõn nà. Túi tiền ít, chất liệu đá khá nặng nên lòng ham muốn của chúng tôi bị hạn chế đến tối đa. Là một người ghiền làm thơ, dĩ nhiên Ngũ Hành Sơn khó tránh khỏi bị tôi hành hạ, bạn đọc chịu khó chia sẻ nhé:

 

          tay ai lót đá thành thang bước

          càng bước lên cao càng bâng khuâng

          chân run ngỡ dẫm đau tay cũ

          ngờ ngợ như vừa gặp cố nhân

 

          Thủy, Kim, Mộc, Thổ, Hỏa sơn ơi

          hít thở bao nhiêu thế kỷ rồi

          những gì trong đá vôi già ấy

          sinh dưỡng cỏ cây thanh tú vui

 

          nghe chừng bát ngát Mâu Ni Phật

          lộng lẫy Thiên Y A Na Nương

          Vích Nu, Thổ Địa, Sơn Thần nhập

          hồn vào đá tỏa ngát trầm hương

 

          bay theo chuông mõ Tam Thai Tự

          lạc vào tranh lụa của người xưa

          bồng lai tiên cảnh trong huyền thoại

          hẳn cũng cau mày, ấm ức, thua

 

          này đây vòi vọi Vận Thông Động

          em muốn lên trời một chuyến không ?

          ngửa mặt, mây vờn ngang sống mũi

          trời xanh nằm gọn ở trong lòng !

 

          này đây huyền ảo Thiên Linh Động

          ai nhốt gió vào hang đá vôi ?

          hay gió đi tìm hương sắc lạ

          thở nhầm hơi thở của em tôi ?

 

          Ôi những Huyền Không, Nham Linh Động

          mái đời, mưa nhẽo vệt rêu xanh

          đứng bên bờ miệng hang Âm Phủ

          rùng mình tưởng hụt phận mong manh

 

          kìa ai trần trụi hồng da thịt

          ai lụa là choàng, khô khốc xương

          môn đồ tiếp nối trong thiên hạ

          cười khóc còn mang vững lập trường ?

 

          ta đi ngắm kỹ từng gân đá

          từng lá bồ đề , từng rễ cây

          mỗi hạt bụi đời như có máu

          giai nhân, hào kiệt từng đến đây

 

          hỡi ơi du khách, hề du khách

          danh khắc, thơ đề, loạn vết dao

          đến đi đi đến luân lưu mãi

          có thấy lòng ta đọng chỗ nào ?

          (CƠĐĐTT.LTHBVVBH)

 

       Trong 18 năm dài lận đận ở quê người, tôi đã không ngớt ao ước được về thăm nhà để có một lần ngồi trước hiên nhà cũ, nhìn dòng người ngược xuôi qua lại như ngày xưa, để được cỡi honda chạy một vòng qua suốt mấy đường Hùng Vương, Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo... Bây giờ tôi đã thật sự có mặt trên mảnh đất tôi thương yêu nhất, nhưng hai niềm ước mơ trên vẫn không thể nào thực hiện. Nhà cũ của tôi đã do chính tay tôi ký bán với giá tượng trưng, dĩ nhiên tôi có đến, có được ngồi trên nền nhà cũ, trong cái co ro, giới hạn của một người khách, ngại cả nhìn loanh quanh. Lấy đâu hứng thú để nhìn người qua lại Ngồi trong căn nhà mình hẳn nhiên tâm trạng khác hẳn khi ngồi trong nhà một người khác, nhất là ngôi nhà đó trước đây là của mình tạo dựng. Những kỷ niệm một thời rõ ràng trước mặt, nhưng không vói tới.

           Một chiếc honda, mấy đoạn đường, dễ thực hiện hơn, nhưng tôi không dám đùa với đường giao thông tử thần hiện tại. Đà Nẵng bây giờ số lượng xe đạp đã giảm đi hơn nửa, thay vào đó nhiều loại xe gắn máy chen lấn nhau thật khủng khiếp, không khác Sài Gòn bao nhiêu. Dù sao trong mười mấy ngày vừa qua tôi đã thực hiện được nhiều việc, bên cạnh mục đích chính thăm bệnh ông già chúng tôi.

          Chúng tôi đã đi được Hòa Cường, Cẩm Lệ, Miêu Bông, Quá Giáng, Liêm Lạc, Hội An, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Phú Thượng. Đã thăm được bia mộ má tôi ở Phú Sơn, bia mộ ba, mẹ lớn và mộ anh chị tôi ở Liêm Lạc, cả mộ người chị ra đời cùng lúc với mình. Đã thăm được bia mộ của bà mẹ hiền hậu đã cho mình một người vợ tuyệt vời. Cuộc đời của người sống đổi mới, chỗ nằm của người chết một phần nào cũng thay đổi theo, đó là điều đáng mừng. Ngoài ra chúng tôi còn đến với Cổ Viện Chàm, Ngũ Hành Sơn, Khổng Miếu, Chùa Cầu, Chùa Tỉnh Hội, Chợ Hàn, Chợ Cồn và những cửa hiệu sách rất qui mô, như Nhà sách Đà Nẵng trên đường Bạch Đằng. Rất tiếc, tôi đã bỏ sót không ghé vào thư viện trong khung viên hội Khuyến học cũ. Thư viện nằm trên một ngọn đồi, trong ngôi nhà do người Pháp tạo dựng, rất tĩnh lặng, trang trọng. Khu vực này, ngôi dinh thự này đáng làm nơi lưu giữ những tâm huyết, những công trình sáng tạo. Cũng là nơi có không khí rất lý tưởng để tập trung tiếp thu, học hỏi những kiến thức của hàng ngàn người gởi lại hậu thế. Một cái nơi thích hợp, đẹp đẽ như vậy sao có tin đồn sẽ hủy bỏ, di dời. Nhà văn Nguyên Ngọc với chỉ một câu, đã nhắc nhở giùm cho nhiều người: “ Một thành phố văn minh luôn biết dành chỗ đẹp nhất cho văn hóa” Đà Nẵng chẳng lẽ thiếu văn minh từ những thành phần có thẩm quyền ?

 

          Cuối cùng ngày trở vào Sài Gòn để chuẩn bị cho chuyến trở qua Canada đã đến. Những gì diễn ra trong cuộc chia tay lâu dài chắc chẳng cần tường thuật. Ông già chúng tôi vẫn nằm bệnh viện cho đến hai tháng sau mới về nhà, trong tình trạng lúc mê lúc tỉnh. Lúc tỉnh cũng chỉ ngơ ngác nhìn, ú ớ không ra lời. Nhưng mãi đến 31 tháng 7 năm 2005, ông mới ra đi. Chúng tôi dâng hương lên ông từ ngôi chùa Quán Âm tại thành phố Canada.

 

          Chuyến hẹn trở về tiếp theo của tôi vào năm 2006 này, nhưng chưa biết có thực hiện được không. Lạ một điều, sau chuyến đi năm 2002 về, tôi gần như không có dịp trở về quê xưa bằng tâm tưởng như trước. Có lẽ Đà Nẵng đã thật gần bên tôi. Mà gần thật, với điện thoại, tôi có thể nghe được ngay những giọng nói từ Đà Nẵng. Với máy điện toán, tôi đọc biết nhiều diễn biến đang xảy ra tại Đà Nẵng từ những điều bình thường nhất. Với VTV4, tôi thấy được những hình ảnh sinh hoạt chọn lọc, tuy không đảm bảo một trăm phần trăm trung trực. Tôi cũng từng theo chân cô Võ Sông Hương viếng những thắng cảnh thu hút rất nhiều du khách của Đà Nẵng vào thời điểm nay. Cảm ơn cuộc sống. Cảm ơn mọi phương tiện. Tôi cũng tin rằng việc bày tỏ đã nghe, đã xem đôi ba chương trình phát hình, phát tin từ trong nước có thể gây xốc đến một số bạn đọc, nhưng tôi vẫn cho đây là một điều cần thiết. Nói dông dài không khéo bị hiểu lầm ngụy biện. Chuyện về Việt Nam vào thời điểm 2002 tuy chưa được xem là chuyện bình thường, nhưng cũng không còn nhiều trở ngại, tai tiếng. Tại hải ngoại những chỉ trích chuyện “Áo Gấm Về Làng” đã có phần lắng dịu. Có lẽ không phải ai cũng có Áo Gấm. Và không phải ai về làng cũng có thái độ không được bình thường. Tại quốc nội những buổi “làm việc” đặc biệt với công an cũng có phần giảm bớt. Đó là những nhận xét có thể rất hời hợt của tôi.

          Sẽ lải nhải hoài những điều riêng tư nhạt nhẽo, làm chán bạn đọc, nếu không chịu rời máy, bỏ cây bút chì thay ngón tay xuống. Tôi save lại bài viết.

          Trước khi đóng máy, tôi mở hộp thư gởi lời chúc Tết đến một số bạn hữu xa gần qua email: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, USA, Canada, Nhật Bản, Úc Đại Lợi ...Câu chúc của tôi đại khái giống nhau:

          Luân Hoán đây, Xin mở cửa cho tôi xông đất. Có mang đến cho qúi bạn một bao lì xì thật lớn: Sức Khỏe, Niềm Vui Và Mọi Điều Tốt Đẹp, vui vẻ nhận giùm nhé!

          Đã đúng giờ giao thừa năm Bính Tuất, 2006, tại Montréal. Trong nhà tôi phảng phất hương trầm. Đêm quá đẹp, không có giọt tuyết nào. Trời ở 1 độ âm. Trận hockey kết thúc với chiến thắng 4/3 nghiêng về đội của thành phố tôi Canadien de Montréal. Tôi vào giường không cần uống nửa viên Ativan như thường lệ.

Luân Hoán
2006

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn