Bộ lịch sử Việt Nam xuất bản ở Việt Nam mới đây đã chính thức đề cập tới danh xưng Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thay vì gọi là “ngụy quân,” “ngụy quyền” như trước đây.
Tuy nhiên, điều này có lẽ cũng không mới mẻ gì, vì kể từ thời ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đương chức, những năm trước cũng đã dùng danh xưng này tại Quốc Hội Cộng Sản. Nhân lúc ông ta nói về sự xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông do Tàu Cộng hung hãn gây ra.
Tuy vậy, danh xưng VNCH vẫn bị không ít người bảo thủ tỏ vẻ khó chịu, thậm chí phản ứng gay gắt. Như mới đây, có một ông trung tướng quân đội Cộng Sản đã viết bài gọi những người chủ biên bộ sử Việt Nam này là “hèn nhát,” “phản bội”… và đòi truy tố. Trong khi giới chuyên môn trong nước đanh giá bộ sử này không có gì mới, ngoài tên gọi VNCH ra, thì quan điểm về thể chế chính trị tại miền Nam trước kia hầu như vẫn không thay đổi.
Một nhà văn nữ của Sài Gòn (nổi tiếng từ trước 1975), đã nói với cán bộ văn hóa Cộng Sản, khi những người Cộng Sản cực đoan mới tràn vào thành phố: “Các anh có thể nói Văn Học Miền Nam là ‘phản động’, ’đồi trụy’… hay gọi như thế nào là quyền của các anh. Nhưng các anh không thể nói miền Nam không có Văn Học-Nghệ Thuật.”
Bây giờ thì mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Nhưng lúc đó, phải can đảm lắm và cũng rất hiểu biết mới có thể nói với những người Cộng Sản ở rừng về như vậy. Nói “rõ như ban ngày” là vì những trường hợp cực đoan nhất, như Lê Hiếu Đằng thời còn ở trong rừng, nghe lời nhạc của Trịnh Công Sơn – “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã tuyên bố, khi nào về thành thì ông ta sẽ “lấy máu” của Trịnh Công Sơn vì tội “xuyên tạc” chính nghĩa cách mạng, là “giải phóng dân tộc” thành… nội chiến.
Nhưng ai ngờ, sau bao nhiêu năm chính Lê Hiếu Đằng đã tuyên bố bỏ đảng. Lại còn kêu gọi các đảng viên khác không lặng lẽ bỏ đảng, mà phải tuyên bố rõ lý do trước khi… thoát đảng.
Lịch sử luôn phải có “độ lùi” tương đối về thời gian để đánh giá, thẩm định lại. Mặc cho sự “đổi trắng thay đen” nhưng sự thật lịch sử chắc chắn sẽ không thể nào chối bỏ được. Như triều đại Gia Long sau khi thống nhất được giang san đã “bôi xóa” triều đại Tây Sơn, gọi đó là “nhà ngụy Tây sơn,” đào mồ cuốc mả để trả thù, để hả giận. Trong khi Cộng Sản lại ca ngợi anh em nhà Nguyễn Huệ là “anh hùng áo vải” là “anh hùng dân tộc.”
Sử Cộng Sản cũng bôi nhọ triều Nguyễn, gọi Nguyễn Ánh-Gia Long là “cõng rắn cắn gà nhà.” Trong khi cả Châu Á rơi vào tay tư bản phương Tây (trừ Nhật Bản đã theo học thuyết phương Tây tự cường từ thế kỷ 17 và Thái Lan nhờ “đu dây” trong chính sách ngoại giao giữa các cường quốc phương Tây mà giữ được độc lập). Vậy hóa ra cả Châu Á này “cõng rắn cắn gà nhà” hay thực ra nền kinh tế phong kiến lạc hậu không đủ sức chống lại sức mạnh kỹ thuật vượt trội của phương Tây thời đó?
Chép sử một chiều, hoặc đem “tâm tình viết lịch sử” đều có hại. Thí dụ như tác giả N.G.K một cựu công chức cao cấp của VNCH, trong cuốc sách “Tổ quốc ăn năn,” đã gọi người quốc gia là kết quả của “cuộc tình” giữa cô Tư Hồng và một viên thiếu tá Pháp. Viết “khơi khơi” như vậy, “bị đập” thì cũng khó lòng mà kêu… oan. Nhưng nếu đọc cuốn “Lịch Sử Quân Lực VNCH” do Phòng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH biên soạn. Thì ý kiến của N.G.K tuy rất phiến diện nhưng cũng có chứa “một chút” sự thật. Mà “một chút” sự thật thì không hẳn là sự thật lịch sử, mà phải nói rộng ra từ thời Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, với những tấm gương của Cô Giang, Cô Bắc… Cho tới bao nhiêu người Việt Quốc Gia đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp đòi độc lập. Cuối cùng bị Cộng Sản thanh trừng, cướp công, bôi nhọ, xóa sạch lịch sử để biến lịch sử kháng chiến của dân tộc thành ra… lịch sử đảng.
Ngày 30 Tháng Tư năm 1975, khi xe tăng Cộng Sản húc đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập (dù cánh cửa đã được mở sẵn và chính phủ Dương Văn Minh đang chờ bàn giao). Cộng Sản xông vô và tuyên bố “không còn gì để bàn giao!,” họ đã là người thắng cuộc và đòi chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Dù vậy, trong những lời nói cuối với bên “thắng cuộc,” người đại diện cuối cùng của VNCH vẫn bày tỏ, mong muốn những người thắng cuộc sẽ là những người “mã thượng”…
Tiếc rằng, mong muốn của Tướng Dương Văn Minh cũng như mong muốn của bao nhiêu người Việt Nam sau chiến tranh đã không được bên thắng cuộc thể hiện. Nếu như người thắng cuộc mà “mã thượng” thì việc hòa hợp hòa giải dân tộc đã diễn ra từ trưa ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Và lịch sử Việt Nam hiện đã đi theo một hướng khác, chắc chắn là tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn và dân chủ hơn…
Dù bên thắng cuộc đã không mã thượng, nhưng bên buông súng lại tỏ ra rất mã thượng.
Vùng 4 chưa rơi vào tay Cộng Sản, các cấp chỉ huy VNCH sắp xếp bàn giao, cho binh sĩ trở về với gia đình, chiến tranh đã kết thúc và phải buông súng theo lệnh của thượng cấp. Sau đó các tướng chỉ huy đã tuẫn tiết để thể hiện khí tiết mà không trái với quân kỷ:”Tổ quốc-Danh dự-Trách nhiệm.”
Cổ nhân có câu: “Không ai lấy thành bại để luận anh hùng.” Phe thắng cuộc đã tỏ ra không mã thượng, khi nuốt lời hứa hòa giải dân tộc bằng cách vội vàng giải tán MTGPMNVN… để mau chóng tiến lên “thiên đàng XHCN.” Chính tà thuyết “xã ngãi” đã ngăn cản sự hòa hợp giữa hai người “anh em,” mà trong cuộc huynh đệ tương tàn mỗi bên ngã xuống đều là người Việt.
Lý thuyết Cộng Sản của ngoại bang không có chỗ cho tình anh em, tình dân tộc. Học thuyết Cộng Sản chỉ có đấu tranh giai cấp và cướp chính quyền bằng mọi cách, mọi giá gọi chung là “cứu cánh biện minh cho phương tiện,” tức là đê tiện mà thắng vậy là tốt!
Cho tới khi tà thuyết Cộng Sản bị nhân loại lên án là chống lại loài người, Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu tan rã. Trung Cộng chuyển sang kinh tế thị trường dưới sự chỉ huy của một nhóm quân phiệt, đề cao sức mạnh quân sự và chủ nghĩa anh hùng dân tộc cực đoan có nguy cơ trở thành một nhà nước kiểu – Đức Quốc Xã thứ hai.
Lúc này, mà nhà cầm quyền CSVN không mau thức tỉnh xa lánh con đường của quốc xã Trung Hoa, để về với dân tộc, hòa giải anh em, liên kết sức mạnh với phe yêu chuộng hòa bình-dân chủ-tự do trên toàn cầu thì việc đi đến mất nước hay diệt vong trong cuộc chiến sắp tới là điều không thể tránh khỏi.
Văn Lang
Nguồn Người Việt