Tải xuống để nghe.
Công an đàn áp dân ở xã Lộc Hải, Thị trấn Lăng Cô, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. Photo courtesy of lamphong72Blog
"Con kiến kiện củ khoai"
Và nông dân đã kéo nhau lên Ủy ban Nhân dân Tỉnh kêu oan. Nỗ lực của dân oan có hy vọng gì không? Thanh Quang tìm hiểu tiếp tình hình này và trình bày hầu quý vị:
Lập An là một thôn nhỏ tọa lạc phía Bắc Thị trấn Lăng Cô, dưới dân núi Phú Gia hướng ra biển và thuộc khu du lịch Chân Mây-Lăng Cô. Nơi đây, cách nay khoảng 1 năm, sau khi 31 hộ dân đồng ý giao ruộng cho nhà nước tiến hành 1 dự án, chỉ còn giữ lại nương rẫy với những chòi trại thiết yếu mà họ chắt chiu xây cất để làm rẫy, xuống đầm mò hàu kiếm sống. Nhưng họ vẫn không được yên thân.
Sau khi 11 chòi trại ở Lập An đã bị phá sập, dân làng bị hành hung khiến họ quyết định lên quan đầu tỉnh kêu oan, thì, theo nhiều người dân ở đây kể lại, họ nhận được lệnh trên là 20 chòi trại còn lại sắp cùng chung số phận bị cưỡng chế, và chuyện kêu oan của họ lâm cảnh “con kiến kiện củ khoai”. Một dân oan Lập An cho biết:
“Người dân bây giờ không hy vọng gì cả. Người ta kêu cho có kêu, để kéo dài thời gian vậy thôi. Chính quyền địa phương đã có quyết định rồi. Nên dân không bao giờ có hy vọng gì nữa.
Người ta vẫn biết rằng đau lòng, xót ruột, tức giận nên kêu lên tới cấp tỉnh thôi, còn thực sự thì tỉnh, huyện, xã họ bao che nhau. Từ xưa tới nay chuyện khiếu kiện đất đai cũng lên tới Trung ương nhưng có ra sao đâu? Trước hết người ta trả lời một cách nhẹ nhàng để dân an lòng thế thôi, rồi từ từ người ta cũng hành động. Trong trường hợp thôn Lập An, 11 nhà bị phá rồi mà họ không làm tiếp thì họ sẽ mất mặt. Hơn nữa, nói là quyền lợi của nhân dân nhưng mà thật sự sống trong chế độ này thì quyền lợi của họ chứ không phải của người dân.”
Công an cưỡng chế, đập phá nhà trại của nông dân ở xã Lộc Hải, Thị trấn Lăng Cô, Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế. Photo courtesy of lamphong72Blog.
Một giáo sĩ đặc biệt theo dõi sát và sẵn sàng giúp đỡ dân oan, LM Phan Văn Lợi ở Huế, nhân dịp này nhắc lại vài nét về tình cảnh dân Lập An:
"Ông Lê Văn Tình là Chủ tịch Thị trấn Lăng Cô, người cai quản cả vùng đó, đã dẫn công an, dân phòng, đem xe múc tới để mà giải tỏa những ngôi nhà của dân Lập An. Nghĩa là ông Lê Văn Tình dẫn người tới mà không hề báo cho họ biết trước, không hề cho họ thời gian để tháo dở, không hề cho họ cơ hội để trình bày. Ông ta cùng với người của mình xông vào, dùng xe, các phương tiện khác để phá dở nhà, rồi dùng dùi cui và roi điện để hành hạ những người dân đó. Khi dân bị thương, có những người yêu cầu chở họ đi bệnh viện nhưng trước khi đi phải làm biên bản, thì lúc đó có xe cứu thương của chính thị trấn Lăng Cô, nhưng họ không chở đi bởi vì họ không chấp nhận làm biên bản để trở thành tang chứng.”
Dân oan Lập An vừa nói từng chứng kiến hành động đàn áp của giới cầm quyền mô tả thêm:
“Cách cưỡng chế này như một trận giặc, như cướp ngày. Người ta dùng uy lực của phía công an theo lệnh của chủ tịch thị trấn Lê Văn Tình để đập phá. Người dân họ quỳ xuống lạy, những bà già quỳ xuống lạy tha cho họ, xin đừng đập phá, để họ làm ăn. Nhưng người ta không chấp nhận.”
Không còn biết tin ai
Theo một phụ nữ ở Lập An thì người dân nơi đây giờ lâm cảnh cam chịu, chờ những khó khăn có thể xảy đến cho họ chứ không biết làm gì hơn:
“Họ phá làng phá xóm thế này, trong đó cũng có gia đình tôi đau khổ. Dân làng ở đây đau khổ lắm. Tôi nói thật, bây giờ tôi không thể nói gì được nữa. Bây giờ ở đây dân chúng không biết tin ai. Chúng tôi ở đây bây giờ kêu cũng không thấu trời. Mà có viết đơn tố cáo lên tỉnh thì tỉnh đưa về huyện, huyện đưa về xã, xã đưa trở lên tỉnh… Chúng tôi ở giữa chịu đau khổ thôi, không làm gì được!”
Dân oan Lập An tiếp tục đề cập tới quyền hành độc đoán của giới cầm quyền:
“Người ta đã nói rất rõ ràng rồi là người dân tự ý xây nhà trái phép, không được phép của chính quyền địa phương cấp xã, cấp thị trấn, và người dân tự ý đổi từ đất lâm nghiệp qua nông nghiệp. Nhưng thực tế thì bên chính quyền, họ cho là đất nông nghiệp hay lâm nghiệp là quyền của họ, họ có quyền cho rằng trái phép hay vi phạm pháp luật. Rồi cưỡng chế cũng quyền ở nơi họ. Người dân không có cái quyền gì cả. Cho nên chi phía cầm quyền gọi gì cũng được. Người ta gọi gì cũng có lý hết cả.”
Thưa quý vị, chúng tôi có liên lạc với một quan chức chủ chốt trong vụ này, Chủ tịch Thị trấn Lăng Cô Lê Văn Tình, để tìm hiểu vấn đề, như quý vị nghe sau đây:
…Điện thoại reo…
Ô. Lê Văn Tình: A Lô.
Thanh Quang: Xin được gặp Chủ tịch Thị trấn Lăng Cô Lê Văn Tình.
Ô. Lê Văn Tình: Tôi là Lê Văn Tình đây.
Thanh Quang: Thưa ông, tôi là Thanh Quang của Đài RFA bên Mỹ. Chúng tôi được tin dân làng Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế bị ông ra lệnh công an, dân phòng thẳng tay đàn áp, rồi phá chòi, nương rẫy của dân, đánh nhiều người trọng thương…
Ô. Lê Văn Tình: Khoan, khoan,tôi ngắt ngang. Bây giờ tôi nói với ông thế này. Ông cứ có văn bản, bây giờ tôi không nói chuyện với ông. Tôi nói trước này, có 2 việc là ông không nên: Bây giờ ông không biết tình hình ở Việt Nam hiện đang phát triển, tất cả đang phát triển, điều kiện đang phát triển. Còn các ông ở Việt Nam sao các ông ngu thế? Các ông dốt thế? Các ông không lo phát triển Việt Nam mà các ông chống đối Việt Nam thế? Thế nhé, chào.
(Cúp điện thoại.)
Khu du lịch Chân Mây - Lăng Cô. Photo courtesy of lamphong72Blog
Nhưng, theo LM Phan Văn Lợi, thì lâu nay người dân “điêu đứng” vì các quan chức lợi dụng danh nghĩa phát triển để “lấy đất, lấy nhà” của dân:
“Chúng ta thấy rằng từ lâu nay, bao nhiêu vụ từ Nam chí Bắc, người dân phải điêu đứng khổ sở bởi vì bị cán bộ, bị nhà nước cướp đất, cướp nhà, cướp cả ruộng vườn để hoặc họ chia nhau hoặc họ cho các công ty trong nước hay ngoài nước thuê. Điều này chúng ta đã thấy rõ một cách đau đớn qua vụ Cồn Dầu với những người bị sát hại, những người bị bắt bớ. Rồi chúng ta cũng thấy thảm cảnh tương tự qua rất nhiều vụ khác khắp nước. Nhà nước cho rằng mình có quyền sở hữu trên tất cả mọi đất đai. Và trên thực tế chính các cán bộ địa phương luôn luôn tìm cách chiếm đoạt thêm đất đai để làm sao thu về cho mình hoặc là kinh doanh, cho người khác thuê, hoặc bán cho nước ngoài. Đây là một thảm trạng ở Việt Nam, bởi vì người dân không có quyền sở hữu đất đai.”
Thưa quý vị, giữa lúc vô số dân oan khắp nước kêu oan nhưng luôn lâm cảnh “chạy vòng quanh” khi “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, thì người ta e rằng dân thôn Lập An muôn đời mang kiếp “con kiến mà kiện củ khoai”.
Thanh Quang, phóng viên RFA
06-10-2010
Ý kiến bạn đọc
07 Tháng Mười 20107:00 SA
huong
Khách
Thật là đau xót ,họ tự làm hại họ, dồn nhân dân vào bước đương cùng . Cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có dạy răng : " Ngựa cùng thì đá , chim cùng thì mổ, thú cùng thì chạy" .Con người cùng đường sẽ tranh đấu mà thôi . Họ không chịu tỉnh cơn mê , thì nhân dân sẽ làm người làm cho họ tỉnh đó là điều tất yếu .
07 Tháng Mười 20107:00 SA
bao loi
Khách
chung to thang nay da tung hoc tai truong dang.