Còn nhớ rõ trong tâm trí tôi ngày niên thiếu 14, 15 vừa tỉnh táo sau cơn bệnh thương hàn ác liệt, làm mê man và đôi khi la hét hốt hoảng trong cơn sốt nghiệt ngã của một Hà Nội xáo trộn, tôi được bà cô lay tỉnh và nói thì thào, sau khi gọi tên tôi nhiều lần: “Có mấy ông đến tìm cháu, còn đứng đợi dưới đường.”
Nơi tôi ở là một căn phòng nhỏ ngay đầu cầu thang trên lầu ba của một ngôi nhà 14 phòng rộng lớn bên hồ Halais, nó vốn trước kia là một khách sạn, tôi đã đọc thấy sát trên mái ngói của tầng cao nhất mấy chữ đắp nổi cũ kỹ mờ nhạt nằm ẩn sâu trong bóng tối của mái nhà – lẽ ra nó đã hiện ra rực rỡ nếu các bóng điện trên hiên ngói và từ các cột đèn đường Goussard không bị dỡ mất: Hotel Shanghai (khách sạn Thượng Hải).
Ngôi nhà ba tầng to lớn bên bờ hồ, một trong bốn cái hồ lớn nhất Hà Nội: Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Gươm, và hồ Halais nơi gia đình ông chú chiếm ngự. Chú tôi không ở Hà Nội, ông đang nhiệm chức phó tỉnh trưởng một tỉnh miền duyên hải, ngôi nhà trên đường Halais cho thuê, chỉ dành lại lầu trên cùng cho đại gia đình: ông bà nội tôi, các cô chú khác, và ba đứa cháu nội, trong có tôi.
Dậy đi! Người ta đợi…
Rồi cô chạy ra ngoài lan can, hai tay nắm vào khung sắt của hàng rào cổ kính thiết kế thường thấy của những ngôi biệt thự cũ kỹ của kinh thành Hà Nội thời Pháp thuộc, ngó nhanh xuống tầng dưới, ngó xuống đường rồi bước rảo vào cạnh giường cháu:
-Ba ông! Cháu làm gì mà người ta đến tìm?
Nét mặt cô có vẻ lo ngại khiến tôi buồn cười. Ở tuổi niên thiếu chắc chắn tôi không làm gì nguy hại để có kẻ thù kiếm tìm tận nhà, nhưng vẻ băn khoăn của người cô khoảng hai mươi tuổi khiến tôi bình tâm lại, nói để cô yên tâm: “Không có gì đâu cô, nhưng sao lại những mấy ông tìm?”
Chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi vẫy họ lên và dù còn chưa khỏi bệnh hẳn, cũng ráng bước về phía cầu thang đón họ. Họ chỉ có thể là người thuộc mấy tòa báo, vì tôi không liên lạc với ai ngoài việc gửi bài đóng góp cho mấy tờ báo ở Hà Nội lúc đó: Báo Hồ Gươm, báo Tia Sáng, báo Giác Ngộ, báo Tiếng Dân, báo Cải Tạo,… Và nếu đúng họ là người có liên hệ với mấy tờ báo đó, thì đó là tin mừng cho tôi: Cuối cùng sau mấy cái phong bì bài vở gửi đi, nay tôi có lẽ đã sắp nhận được hồi âm?
Nhưng không phải hồi âm của một tờ báo nào, họ chỉ là mấy người như tôi: Những thanh thiếu niên gửi bài cho các tờ báo văn nghệ ở thủ đô. Chỉ có một điều khác, tất cả đều lớn tuổi hơn tôi, họ là thanh niên 18, 19, người nào cũng lớn tuổi hơn tôi.
Trường Giang lớn nhất, Hương Việt Hương cũng hơn tôi hai ba tuổi, chỉ có Ngô Mạnh Thu làm thơ soạn nhạc là cỡ tuổi tôi. Hương cũng như Ngô sinh ở làng Mậu Hòa, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, sau vào Sài Gòn bỏ làm thơ, chuyên viết văn, đổi bút hiệu khác là Dương Nghiễm Mậu.
Trong khoảng thời gian những năm 50 ở Sài Gòn, thỉnh thoảng Mậu còn cho tôi tin tức về những người bạn thiếu thời, như khoảng 1956 cho tôi hay Trường Giang không còn nữa: Giang bơi qua sông Lương (Bến Hải) về miền Nam Việt Nam tìm tự do, đã bị bắn chết trong dòng nước, đương nhiên không ai còn biết thân xác trôi dạt ra sao.
Chúng tôi cũng không ai hỏi thêm được gì, cho dù sau này cũng thắc mắc: Lúc đầu họ bắn những người bơi qua vĩ tuyến bằng súng đạn, sau họ nghĩ ra cách khác, súng đạn gây tiếng nổ, gây dư luận, họ không dùng súng nữa, mà dùng cung tên. Còn khi vượt tuyến, họ cũng đi vài người, có khi có tới nhóm bốn, năm người cùng đi, không bơi qua sông được nữa thì men theo biên giới phía Lào, phía Cao Mên…
Thời Mậu làm thơ ký Hương Việt Hương, gia đình còn trú ngụ trong khuôn viên Tòa Án Hà Nội, vì ông bố làm việc trong tòa án. Sau vào Nam, anh ở Nha Trang, tôi không hỏi song cũng đoán vì lý do tương tự. Anh là người thận trọng, quá thận trọng, trong tất cả các công việc, thao tác. Một trong những việc ấy là anh chỉ đi xe buýt, suốt đời đi xe buýt, từ Hà Nội tới Nha Trang tới Sài Gòn. Và dù mưa hay nắng lúc nào bên mình cũng có một cái ô, không cầm tay thì kẹp nách.
Chúng tôi có vài thời kỳ cùng làm việc với nhau trong một cơ quan, một trụ sở, chẳng hạn trong Đài Tiếng Nói Tự Do, một cơ quan truyền thông do Hoa Kỳ tổ chức và tài trợ; tôi làm biên tập ngay từ khi đài còn đặt trong một biệt thự ở đường Chi Lăng bên Gia Định, mãi sau này mới rời về số 7 đường Hồng Thập Tự, gần Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Lúc ở số 7, Dương Nghiễm Mậu vẫn làm bên đài Tự Do, riêng tôi rời đài từ lâu đi làm báo, các nhật báo và tuần báo, nhưng Tháng Mười Một, 1974, khi được Giải Văn Chương Toàn Quốc bộ môn văn, do có địa chỉ mới, tôi được mời trở lại làm việc thay thế cho một chỗ trống bất ngờ, song không ngồi bên đài Tự Do, mà ngồi bên đài Mẹ Việt Nam.
Chúng tôi vẫn liên lạc và ngoài công việc ở đài, tôi còn làm nhà in làm báo và xuất bản, và Dương Nghiễm Mậu là một cây bút thường xuyên của tạp chí Thời Tập cho tới Tháng Tư, 1975.
Dưới đây là những dòng cuối cùng của Dương Nghiễm Mậu, nhan đề “Một Lời,” in trong số báo Thời Tập chót tôi làm ở Sài Gòn, Thời Tập số 23, từ trang 77 tới trang 80, ra vào 15 Tháng Tư, 1975: “Sống tự do hay là chết. Điều đó được viết bằng xương và máu. Tôi mong ước mọi người cùng tôi góp lời cầu nguyện: cho chúng ta được sống làm người và thoát qua cơn thử thách này.” Tôi sẽ vẫn cầu nguyện cùng bạn tôi dù xa cách.
(18 Tháng Bảy, 2017)
Viên Linh/Người Việt