BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồi Ký Chí Hoà (11-15)

06 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 4884)
Hồi Ký Chí Hoà (11-15)
58Vote
40Vote
30Vote
21Vote
12Vote
411

Chương 11
Chuyển Xuống Khu Kiên Giam


Sau lần làm việc với chấp pháp lần thứ tư khoảng hơn 2 tuần. Thời gian này Phan Văn Ty và tôi ở chung với nhau tại biệt giam 2 được gần 1 tháng thì có một sự kiện xảy ra. Lúc ấy đã gần Tết Nguyên Đán. Một buổi sáng sớm, công an Hùng, cán bộ khu ED lên mở cửa cho chúng tôi ra tắm rửa, làm vệ sinh trong ngoài biệt giam sạch sẽ. Thấy sự viêc có vẻ khác lạ với mọi hôm, tôi nói với Phan Văn Ty:

- Chắc hôm nay có gì đặc biệt đây.

Tên công an đợi chúng tôi tắm rửa và chà rửa biệt giam trong ngoài sạch sẽ, hắn nhốt chúng tôi vào lại biệt giam 2 rồi mở cửa cho biệt giam 1 và 3 đi ra tắm rửa và làm vệ sinh sạch sẽ như chúng tôi đã làm. Tôi nói với Phan Văn Ty:

- Tôi bảo đảm hôm nay sẽ có chuyện khác thường xảy ra.

Phan Văn Ty cũng tin như vậy nhưng chỉ có điều chúng tôi không biết là chuyện gì thôi.

Đến giờ phát cơm trưa, chúng tôi ngạc nhiên vì hôm nay thay vì canh rau muống cọng già như mọi hôm, chúng tôi được phát cải luộc và thịt heo kho. Tuy mỗi người chỉ có một miếng thịt heo nhỏ xíu nhưng phải gọi đây là một điều đặc biệt lắm. Quả nhiên trong khi người tù lao động phát cơm cho tôi và Phan Văn Ty, cán bộ Hùng công an khu ED nói với chúng tôi rằng:

- Hôm nay có phái đoàn đến thăm, họ có thể thăm viếng bất cứ nơi nào. Các anh phải ăn mặc cho chỉnh tề vào, không được mặc quần đùi. Nếu họ hỏi gì thì các anh phải lựa lời mà trả lời cho đàng hoàng chứ không phải bạ đâu nói đó, linh tinh lên cả đâu.

- Trả lời đàng hoàng là trả lời như thế nào? Tụi tôi đâu biết họ sẽ hỏi những gì, vả lại nếu họ có hỏi thì tôi phải trả lời đúng những gì chúng tôi biết thôi chứ không lẽ cán bộ bảo chúng tôi phải trả lời láo.

Tên công an Hùng hầm hầm nhìn tôi nhưng không nói thêm tiếng nào.

Chúng tôi ăn cơm xong, tôi bảo Phan Văn Ty:

- Kệ mẹ tụi nó, cứ mặc quần đùi cho mát, chừng nào có phái đoàn tới thì tự nhiên tụi nó phải cho mình hay thôi, tới lúc đó mặc quần dài vào cũng chưa muộn. Chứ buổi trưa, trời nóng như vầy mà mặc quần dài, áo sơ mi vào rồi ngồi đợi phái đoàn tới thì có nước đem luộc luôn cho rồi. Vả lại nếu phái đoàn đến, chưa chắc họ ghé vào cái biệt giam chết tiệt này?

Như vậy mà phái đoàn đến chỗ chúng tôi thiệt!! Lúc đó cũng đã chiều lắm rồi, chúng tôi không nghĩ là có phái đoàn nào tới cả và cũng không thèm để ý đến nữa. Bỗng cửa biệt giam mở toang, rồi tên cán bộ Hùng xuất hiện, điệu bộ hắn quính lên như gà mắc đẻ:

- Nhanh lên đi, phái đoàn đã đến ở phía dưới cả rồi. Nhanh lên đi. Tôi đã bảo các anh ăn mặc cho chỉnh tề rồi cơ mà.

Hắn mở cửa biệt giam 1 và biệt giam 3 và cũng thúc hối mấy người trong đó như vậy.

Chúng tôi lẵng lặng mặc quần áo vào. Trong bụng tự dưng buồn buồn khi thấy cái quần dài tôi xỏ vào, nếu không có hai bên xương hông nhô ra giữ lại, chắc đã tự động tuột xuống đất rồi!!! Kể từ lần được gọi lên "làm việc" lần chót đến nay, tôi đã không có dịp xỏ cái quần này vào lại. Ai ngờ chỉ mới có một thời gian ngắn tôi đã ốm đi khủng khiếp! Không có dây nịch, tôi phải cuộn lưng quần lại để nó dầy cộm thêm lên cho khỏi bị tuột xuống nữa, hai ống quần bỗng trở nên cụt ngẩn đến thảm thương, nhưng tôi không mặc kệ thì còn làm được gì hơn!!

Tên Hùng hối chúng tôi ăn mặc chỉnh tề xong bảo chúng tôi đứng đợi trong biệt giam, hắn sẽ trở lại với phái đoàn ngay. Nói xong hắn khoá vội cửa phòng giam lại rồi chạy hối hả xuống dưới lầu. Khoảng mấy phút sau, chúng tôi nghe bước chân của nhiều người đi lên cầu thang và tiếng đàn bà nói chuyện lao xao rồi nghe cửa bên biệt giam 1 mở. Sau đó một lúc có tiếng nói chuyện rì rầm không rõ là gì, tôi chỉ nghe mang máng hình như tiếng hỏi tên họ… thời gian ở bao lâu… bên biệt giam 1. Chỉ biết người hỏi là một người đàn bà. Tôi không nghe rõ tiếng trả lời của anh chàng "hàng xóm". Độ 10 phút sau thì nghe tiếng cửa biệt giam 1 đóng và khoá lách cách lại.

Có tiếng nói chuyện lào xào rõ dần trước phòng chúng tôi, rồi nghe giọng cán bộ Hùng giới thiệu:

- Đây là biệt giam 2. –Sau đó hắn mở cửa ra và bảo chúng tôi – Hai anh ra đứng trước cửa này, nếu phái đoàn có hỏi gì thì hai anh cứ trả lời.

Chúng tôi thấy trước bực thềm đi lên chỗ 3 phòng biệt giam, đang đứng lố nhố 5, 6 người đàn bà ăn mặc như những người đi làm việc bình thường. Người thì cầm giấy tờ, người thì cầm sổ sách… Cán bộ Hùng sau khi mở cửa xong, lùi lại phía sau nhường chỗ cho những người đàn bà này. Còn Phan Văn Ty và tôi bước ra đứng trước cửa theo lời chỉ dẫn của tên cán bộ. Một bà ghé mắt nhìn vào trong biệt giam 2 quan sát một lúc rồi quay ra hỏi:

- Hai anh ở chung một chỗ này bao lâu rồi?

Tôi ngó Phan Văn Ty, thấy anh ta đứng im lặng, nên tôi trả lời:

- Chúng tôi ở chung cũng gần được 1 tháng rồi.

Tôi nhìn thì thấy người đàn bà đứng phía đàng sau ghi chép gì đó trên cuốn sổ, chắc là đang ghi lại những câu hỏi, đáp.

Người đàn bà lúc nãy lên tiếng tiếp:

- Chúng tôi đại diện cho Hội Phụ Nữ TPHCM đến thăm viếng và tìm hiểu đời sống của các phạm nhân ra sao? Hai anh có thể cho chúng tôi biết hai anh tên gì, bao nhiêu tuổi và bị bắt vì tội gì không?

Phan Văn Ty nói tên tuổi rồi cho biết anh bị bắt về tội "Tham Gia Tổ Chức Chống Phá Chính Quyền Cách Mạng". Còn tôi sau khi nói tên tuổi. Tôi nói tiếp:

- Tôi bị ghép vào tội: "Tuyên Truyền Thơ Ca Phản Cách Mạng" một tội danh mà tôi không biết đến và chưa hề dính dáng đến chút nào cả. Tôi bị bắt oan.

Tôi thấy tên Hùng nhìn tôi trừng trừng, nhưng hắn không nói câu nào cả. Một người đàn bà khác nói với tôi:

- Rất tiếc nhiệm vụ chúng tôi hôm nay chỉ là thăm viếng và xem xét về đời sống của các phạm nhân xem nếu có gì không đúng với đường lối chủ trương khoan hồng của Đảng, Nhà Nước thì chúng tôi sẽ góp ý khắc phục sửa chữa khuyết điểm để làm cho tốt hơn. Ngoài ra chuyện các anh bị bắt như thế nào thì chúng tôi không can thiệp được. Đó là việc của bộ phận khác, nhưng tôi có thể nói với anh rằng, nếu anh nghĩ anh bị bắt oan thì anh có thể xin điền đơn khiếu nại.

- Thưa bà, tôi bị nhốt vào biệt giam như thế này, không có một sự liên hệ với bên ngoài, cũng như không được thông báo gì hết về việc khiếu nại thì tôi biết khiếu nại ở đâu?

- Anh bị nhốt ở đây bao lâu rồi?

- Hơn 10 tháng rưỡi rồi?

- Anh bị nhốt hơn 10 tháng rưỡi ở một chỗ biệt giam này thôi hả? Anh có được gọi đi làm việc không?

- Phải. Tôi bị nhốt chỉ một nơi này hơn 10 tháng rưỡi rồi. Có được gọi đi làm việc 4 lần, nhưng không có kết quả gì cả. Cứ sau khi nghe tôi trả lời là tôi không biết gì về việc tôi đã bị ghép tội cả, thế là tôi bị dẫn lên nhốt tiếp, không biết thời hạn là bao nhiêu?? Thật là quá oan ức cho tôi và quá vô lý. Ít ra cũng phải xét xử tôi cho công bằng và phải cho tôi đối chứng chứ. Đằng này tôi chỉ bị nhốt miệt mài mà không ai cho biết vì lý do gì cả.

Tôi nhận thấy người cầm sổ sách ghi chép lia lịa những lời khai của tôi. Tôi cũng biết tên Hùng chắc là đang tức tối lắm nên tránh không nhìn ngay hắn.

Người đàn bà khi nãy hỏi lảng sang chuyện khác:

- Đời sống các anh ở đây như thế nào? Chế độ ăn uống, tắm rửa như thế nào? Có được thăm nuôi không?

- Mỗi ngày chúng tôi được phát cơm hai lần, thức ăn thì thông thường chỉ là canh rau muống. Tắm rửa thì tôi không biết các nơi khác như thế nào chứ ở biệt giam chúng tôi thì thiếu kém lắm... Chúng tôi quả cần được tắm giặt nhiều hơn nữa. Vấn đề thăm nuôi thì hơn 10 tháng nay tôi chưa được gặp mặt gia đình. Chỉ nhận được quà mỗi tháng mà thôi. Cũng không được viết thơ từ gì cả.

Người đang ôm cuốn sổ lại ghi ghi chép chép.

Sau đó người đàn bà quay sang hỏi Phan Văn Ty:

- Anh có muốn trình bày gì thêm về sinh hoạt hằng ngày ở nơi đây không?

- Không. – Anh ta trả lời.

- Anh có muốn nói gì thêm không?

- Tôi muốn có cơ hội được người nhà thăm viếng. Nếu được vậy thì tốt và tôi cám ơn quí vị lắm. –Anh ta trả lời.

- Chúng tôi chỉ có thể góp ý đề nghị với cấp trên, nhưng kết quả như thế nào thì chúng tôi không biết chắc, vả lại việc đó ngoài trách nhiệm thẩm quyền của chúng tôi. Thôi như vậy là đủ rồi, cám ơn các anh.

Người đàn bà quay sang cán bộ Hùng:

- Phòng kế bên này có người không? Chúng ta tiếp đi.

- Phòng kế bên là Biệt Giam 3. Có một người.

Tên cán bộ công an bảo chúng tôi bước trở vào phòng rồi khoá cửa lại. Sau đó cửa mở bên biệt giam 3 và phái đoàn hội Phụ Nữ tiếp tục hỏi người bên đó.

Cả buổi chiều hôm đó, Phan Văn Ty và tôi cứ bàn tán với nhau hoài, một mặt chúng tôi không tin tưởng buổi thăm viếng của phái đoàn hội phụ nữ nầy sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho tù nhân, một mặt khác chúng tôi vẫn ngấm ngầm hy vọng. Tự an ủi dẫu sao có người quan tâm tới tù nhân chúng tôi còn hơn là không.

Qua sáng hôm sau, đích thân cán bộ Hùng mở cửa cho chúng tôi đi đổ bô và rửa ráy nữa. Lần này, sau khi đi trở lên lại Biệt Giam 2 hắn bảo tôi đứng ở ngoài, một mình Phan Văn Ty bước vào phòng thôi. Rồi khoá cửa lại, hất hàm bảo tôi đi theo hắn xuống tầng dưới cùng, đến trước một căn phòng nhỏ, ra dấu cho tôi theo hắn bước vào. Té ra đây là văn phòng làm việc của công an sĩ quan Chí Hòa. Một người mang cấp bậc Đại Uý đang ngồi trước bàn viết ngước lên nhìn rồi giơ một ngón tay ra dấu tôi tiến lại gần:

- Anh đến đứng ngay đây, tôi có chuyện muốn hỏi anh.

Tôi bước lên mấy bước đứng ngay vào chỗ hắn vừa chỉ, trên người vẫn ở trần, chỉ mặc quần sà lỏn và trên tay còn cầm cái ca nhựa với bàn chải, kem đánh răng trong đó.

Tôi linh cảm biết là dính líu tới chuyện phái đoàn phụ nữ hôm qua, nhưng không rõ là chuyện gì. Tên Đại Uý Công An hỏi tôi:

- Anh là L.V.K. phải không?

Tôi trả lời: "Phải"

- Tại sao anh dám trả lời linh tinh với phái đoàn ngày hôm qua những chuyện mà lẽ ra anh không nên nói.

Tôi nói ngang với hắn:

- Tôi trả lời như thế nào mà cán bộ bảo là tôi trả lời linh tinh? Hôm qua cán bộ Hùng bảo tôi nếu phái đoàn có hỏi gì thì cứ trả lời.

Tên Đại Uý công an, vỗ bàn đứng dậy sủa vào mặt tôi:

- Anh còn ngoan cố, bố la bố lếu hở? Đâu có ai hỏi gì về chuyện anh bị bắt như thế nào? Anh có làm gì nên tội thì mới bị bắt vào đây chứ, còn nếu không thì ai mà bắt anh vào đây làm gì? Anh tưởng Đảng và Nhân Dân thừa cơm lắm nên bắt anh vào đây để anh ăn không ngồi rồi, không lao động gì cả mà có cái ăn hằng ngày à? Anh đã gây nên tội lỗi với Nhân Dân, Đảng và Nhà Nước… nhưng vẫn được Nhân Dân, Đảng và Nước khoan hồng. Thế mà anh lại không biết hối lỗi. Lại còn bướng bỉnh không thật thà khai báo… Lại nhân dịp có phái đoàn đi thăm, bày đặt ta thán làm như anh đây vô tội lắm vậy? Anh vô tội thì tại sao lại phải ngồi tù. Anh vô tội thì tại sao Đảng, Nhà Nước, Nhân Dân lại bắt anh vào đây để phản tỉnh...v...v…

Úi cha! Tên Đại Uý này sủa vào mặt tôi một thôi một hồi thật lâu. Hắn phùng mang trợn mắt lên quát tháo thiếu điều văng cả nước bọt ra ngoài, mỗi câu mỗi chữ đều sặc mùi sách giáo khoa của nhà nước XHCN. Tôi nhìn chăm chú vào mặt hắn trong lúc hắn đang lồng lộn diễn thuyết cho tôi nghe bài học vở lòng XHCN và cảm thấy tội nghiệp hắn vô cùng. Một sĩ quan đeo lon Đại Uý, mặt mày cũng khá bảnh trai, nhưng đầu óc của hắn thì đặc sệt một thứ bột được nhào nặn rập khuôn bởi chế độ. Một thứ bột nhào nặn được đúc ra từ cùng một cái khuôn như chúng ta đã từng thấy qua ở những cái bánh in, cái nào cũng giống hệt như nhau… và than ôi ở đất nước tôi bây giờ không biết có bao nhiêu cái đầu đang chứa đựng cùng một thứ bột nặn ra từ một cái khuôn như thế.

Họ luôn nói Tư Duy, nhưng thực sự họ không có, hoặc không dám suy nghĩ gì riêng tư khác hơn những gì họ được bảo phải suy nghĩ. Cứ một chiều mà đi. Cứ một điều mà suy nghĩ… Như con ngựa kéo chiếc xe thổ mộ, bị bịt hai mắt lại, không thể nhìn thấy hai bên, cứ thế bị người xà ích quất roi cho chạy đi về một phía trước mặt mà thôi. Tôi nhìn hắn và thật tình thấy tội nghiệp hắn thật. Tôi thấy hắn đáng thương hơn đáng ghét. Vì làm sao tôi có thể ghét một cái máy cho được! Cái đầu của hắn bây giờ, nếu so sánh ví von một cách khác, thì nó giống như một cái máy thâu băng, đến lúc nhấn nút thì chỉ có việc phát ra y chang những gì đã thâu từ trước, không thể phát ra điều gì khác hơn được. Đã là một cái máy thì ai mà ghét làm gì!

Sau khi làm giảng cho tôi một hồi, có vẻ thấm mệt. Hắn ngồi xuống lại và hỏi tôi:

- Anh không nói gì sao?

Tôi muốn bật cười với câu hỏi này, trong bụng nghĩ thầm: "Tổ mẹ mày. Mày nói liên tu bất tận như vậy thì còn ai mà xen vào nói cho được", tuy nghĩ thế nhưng tôi trả lời:

- Tôi không có gì để nói.

Hắn vừa thở lấy hơi, vừa hỏi:

- Vậy chứ anh nói anh bị bắt vào đây là bị bắt oan. Anh đã có yêu cầu cán bộ quản giáo khu cho xin điền đơn khiếu nại chưa?

- Đâu có ai cho tôi biết là tôi có thể điền đơn khiếu nại được đâu?

- Anh về lại phòng giam đi. Tôi cảnh cáo anh lần này. Nếu lần sao mà còn cái kiểu bạ đâu nói đó, phát biểu linh tinh không trật tự nữa thì tôi sẽ cho anh biết tay. Nói xong hắn khoát khoát tay ra dấu tên Hùng dẫn tôi đi ra.

Một điều thật là bất ngờ, trước khi đưa tôi về nhốt lại Biệt Giam 2, cán bộ Hùng bảo tôi đến ngồi trước bàn làm việc của hắn rồi đưa tôi một mẫu: Đơn Xin Khiếu Nại và một cây bút bảo tôi ngồi điền ngay tại chỗ, khiếu nại những gì tôi muốn khiếu nại… rồi nộp lại cho hắn.

Đại khái đây là một mẫu đơn đã in sẵn những câu hỏi mẩu như là: Tên họ, ngày tháng năm sinh. Nghề nghiệp … cho tới những mục như: Ngày bị bắt, tại sao bị bắt… hiện đang bị nhốt ở khu nào. Xin khiếu nại vì lý do gì…

Thú thật đây là một điều khá bất ngờ và ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi thật sự không tin đơn khiếu nại này sẽ được cứu xét thoả đáng, nhưng tới nước này thì có còn hơn không? Tôi cắm cúi viết vào tờ đơn, trả lời những câu hỏi đã in sẵn… đến mục lý do tại sao khiếu nại, tôi cũng trình bày sự việc là tôi bị bắt oan Tôi yêu cầu được cứu xét và được đối chứng, hoặc được đưa ra Toà xét xử đàng hoàng chứ không thể nhốt tôi một cách không minh bạch như thế này. Sau đó tôi ký tên và đưa tờ đơn lại cho tên Hùng, thú thật lòng tôi rất dửng dưng và không tin vào lá đơn này chút nào cả. Tôi nghĩ lý do tôi được điền lá đơn này, chẳng qua vì một áp lực nào đó của phái đoàn ngày hôm qua đó thôi. Nếu thật sự trong nhà giam có tiêu chuẩn như thế, thì tù nhân đã được thông báo các quyền lợi này từ trước rồi. Quả nhiên từ ngày điền đơn đến khi được thả về, tôi hoàn toàn không nghe một tin tức, hoặc hiệu quả nào của lá đơn này cả. Chắc có lẽ nó đã nằm trong một sọt rác nào ngay sau đó rồi.

Sau buổi thăm viếng của phái đoàn Hội Phụ Nữ TPHCM, khoảng 1 tuần sau chúng tôi được chuyển khỏi biệt giam 2. Buổi sáng hôm đó, sau khi chúng tôi đi đổ bô và làm vệ sinh xong, vừa lên lại biệt giam không bao lâu thì công an cán bộ trực tên Lợi mở cửa phòng bảo hai chúng tôi lấy hết đồ đạc đi theo hắn. Chúng tôi ngơ ngác không biết sự việc gì xảy ra, chỉ âm thầm thu gọn mấy thứ đồ đạc cá nhân ít ỏi của mình. Đang thu vén đồ đạc, tôi chợt ngước mắt lên trên vách, thấy ngay mấy câu viết của những tử tù để lại lúc trước. Tôi thúc cùi chỏ, chỉ cho Phan Văn Ty câu viết trên tường:

"Chúng tôi bị tội hình sự, tội tử hình. Từ Đại Lợi chuyển về. Xin các anh hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ phù hộ cho các anh. "

Không ai bảo ai, tôi và Phan Văn Ty thầm cầu nguyện trong lòng và cầu xin khi ra khỏi chốn này sẽ gặp nhiều điều may mắn, sớm về đoàn tụ với gia đình... Sau đó chúng tôi xách đồ đạc bước ra khỏi Biệt Giam 2. Hôm đó là khoảng cuối tháng 1 Dương Lịch năm 1983. Tính ra tôi đã ở Biệt Giam 2 này khoảng 11 tháng .

Cán bộ Lợi dẫn chúng tôi đi xuống tầng 2 vào khu Kiên Giam. Đến trước phòng Kiên Giam 1, hắn mở cửa rồi bảo một mình tôi vào rồi khoá cửa lại, sau đó dẫn Phan Văn Ty qua Kiên Giam 2 kế bên.

Phòng Kiên Giam 1 này khá rộng, khi tôi vào thì đã có 3 người ở trong đó rồi. Hai người trung niên đang chơi cờ tướng, một thanh niên trẻ đang nằm có vẻ như đang ngủ bị đánh thức dậy vì tiếng mở cửa, anh choàng dậy gương mắt nhìn tôi bước vào. Tôi chào xã giao ba người trong phòng rồi bước vào hỏi người đang nằm:

- Tôi có thể trải chiếu nằm ở đâu?

Anh ta ngồi dậy kéo chiếc chiếu của anh sát vào vách trong cùng, rồi chỉ tôi chỗ trống hồi nãy anh đã nằm:

- Anh cứ trải nằm ngay đây.

Lúc ấy trên nền phòng đã có 3 chiếc chiếu trải, nhưng vẫn còn rộng lắm. Tôi lẵng lặng trải chiếu ngay chỗ anh ta chỉ rồi đặt cái túi xách và giỏ đồ ăn thăm nuôi ngay dưới chân. Hai người đang đánh cờ tướng, ngừng chơi quay lại nhìn tôi, một người lên tiếng hỏi:

- Anh ở đâu chuyển tới vậy?

- Biệt giam 2.

- Ở Biệt giam hả! Anh ở biệt giam bao lâu rồi mới được chuyển xuống đây?

- Gần 11 tháng.

Cả ba người ngồi nhích lên hỏi tiếp:

- Gần 11 tháng biệt giam? - Người có vẻ lớn tuổi nhất buột miệng - Chắc là "mệt "dữ lắm phải không? Anh bị tội gì vậy?

- Họ khép tôi vào tội chính trị.

Chúng tôi xã giao qua lại, giới thiệu lẫn nhau. Tôi được biết:

- Người lớn tuổi nhất là bác sĩ Huỳnh T. Hoà chuyên khoa về phổi từ trước năm 1975, ông có phòng mạch riêng tại Thị Nghè, bị khép tội "Tuyên Truyền Mê Tín Dị Đoan" vì đã tham gia một tổ chức tôn giáo do một người tên Nguyễn Thành Công đứng đầu. Tôn giáo này cũng thờ Phật, ăn chay trường và chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân. Qua những cuộc nói chuyện tiếp theo sau này, tôi được biết vợ của bác sĩ Hoà cũng là bác sĩ về sản khoa. Cả hai vợ chồng bác sĩ đã chứng kiến ông Nguyễn Thành Công chữa dứt bệnh cho nhiều người với những phương pháp chữa bệnh lạ kỳ mà cả hai vợ chồng vị bác sĩ này không tưởng tượng nỗi, từ đó họ tin và tu theo trường phái của ông Nguyễn Thành Công. Cả hai vợ chồng bác sĩ Hoà cũng ăn chay trường. Từ khi theo tôn giáo mới, ông đã kết hợp giữa Tây y và những điều học được của ông Nguyễn Thành Công để chữa bệnh cho người đời. Tiếng đồn vang đến tay chính quyền, thế là nhà nước ra lệnh bắt ông Nguyễn Thành Công và bác sĩ Hoà cùng một số môn đồ khác với tội danh: "Tuyên Truyền Mê Tín Dị Đoan".

- Người thứ hai trong phòng tên Nguyễn Phước Lộc, can tội "Tổ Chức Vượt Biên", anh chàng này rất to con, là một trong những tay tổ chức vượt biên chuyên nghiệp. Mặc dù ở chung nhưng anh này rất kín đáo nên tôi cũng không biết gì nhiều về anh. Anh không tự động kể, tôi cũng tế nhị không hỏi.

- Người thứ ba là một thanh niên khoảng 27, 28 tuổi tên Trần Văn Ngô, can tội Kinh Tế với tội danh "Đánh Cắp Tài sản Nhà Nước XHCN". Đại khái anh chàng này là tài xế xe Forklift làm việc ở một kho hàng. Anh cùng với mấy người nữa âm mưu đánh cắp hàng trong kho, cuối cùng bị đổ bể và bị bắt.

Đang từ biệt giam 2 chật chội, tù túng, khó khăn đủ mọi thứ. Được chuyển xuống Kiên Giam 1 này, tôi cảm thấy thoải mái nhiều. Phòng Kiên Giam 1 này khá lớn, tôi có thể đi bộ đếm bước từ góc này đến góc kia mười mấy bước. Có một cầu tiêu ngay gần cửa ra vào, một sàn nước ở bên dưới một cái bồn nước rửa mặt đúc bằng xi măng nhưng đã lâu bị hư, không còn sử dụng được. Những tù nhân trong phòng dùng sàn nước này đặt mấy cái sô nhựa lớn chứa nước, tiêu chuẩn một người ở Kiên Giam được một sô nước xài trong một ngày, nên có thể tắm rửa sơ sơ và lau mình mẩy hàng ngày được…

Đến Kiên Giam tôi mới thấy ở đây có nhiều điều mới mà tôi chưa hề biết đến khi còn ở Biệt Giam. Ở đây chúng tôi có thể nói chuyện với Kiên Giam 2 bên cạnh và phòng giam tầng lầu 3 bên ngay trên phòng chúng tôi qua cái ống nước cho cái bồn nước rửa mặt. Ống nước này chắc có từ lâu đời rồi và đã lâu không còn sử dụng nữa. Ai đó cũng đã gỡ đi cái vòi nước mất tiêu, chỉ còn trơ lại một ống sắt tròn nhô ra, nhờ vậy chúng tôi mới dùng đường ống này như là ống liên hợp của máy truyền tin để nói chuyện qua lại với nhau. Phải nói cái ống nước này là một phương tiện liên lạc tuyệt diệu vô cùng giữa phòng này qua phòng kia và ngay cả với phòng trên lầu nữa. Mỗi lần muốn nói chuyện với Kiên Giam 2 bên cạnh, chúng tôi chỉ việc lấy gót chân đạp vào tường 2 cái "Binh Binh" rồi đến kê tai vào ống nước sẽ có tiếng người bên đó trả lời. Đến khi mình muốn nói thì sẽ kê miệng vào nói và bên kia sẽ ghé tai vào nghe… Muốn nói chuyện với trên lầu thì dọng vào tường 3 cái "Binh Binh Binh", phòng trên lầu sẽ biết là chúng tôi có chuyện muốn nói và sẽ trả lời. Ngược lại nếu họ muốn liên lạc với chúng tôi thì cũng làm y như thế.

Ngoài ra chúng tôi còn có thể chuyền đồ đạc quà cáp ngay trong phòng, từ phòng này qua phòng kia mà không sợ bị bắt, an toàn hơn là lối đi xe bên ngoài. Giữa Kiên Giam 1 và Kiên Giam 2 là vách tường dày, bên dưới vách tường có một ống nước bắt ngang thông thương qua các phòng, chính nơi đây là nơi chúng tôi chuyển quà cáp, thuốc lá, mồi lửa chuyền cho nhau. Không biết từ hồi nào, những tù nhân trước đây đã dùng dây kẽm gai bẻ ở phía trên các song sắt trên cao và cứ thế đâm qua thọc lại dọc theo ống nước, đục thông qua phòng bên kia thành một kẽ hở đủ rộng để cho tù hai bên chuyền đồ qua lại bằng một sợi kẽm dài thông qua hai phòng, trên dây kẽm có cột vật mình muốn chuyền qua phòng khác như thuốc lá mồi sẵn, những đồ vật nhỏ…và ngay cả thức ăn bỏ vào trong bao nylon ép cho dẹp lại theo chiều dài của sợi dây kẽm rồi đút một đầu dây kẽm qua phòng bên kia, người bên kia sẽ đón bắt lấy đầu dây kẽm bự này và từ từ kéo nguyên phần còn lại gồm cả đồ vật được cột sẵn trên đó qua phía mình.

Khi phát giác ra những điều mới lạ "thần kỳ" này, tôi lấy làm thích thú lắm. Như vậy đời sống ở dưới Kiên Giam này ít bị nhàm chán và ít có cảm giác cô đơn như thời gian tôi ở trên biệt giam 2 nhiều. Đang từ một chỗ tù túng, được đổi xuống đây, tôi cảm thấy thoải mái hẳn ra. Điều an ủi nữa là Phan Văn Ty ở ngay bên Kiên Giam 2 ngay kế bên nên tôi và anh ta nói chuyện qua lại mỗi ngày.

Những người bạn tù mới ở Kiên Giam 1 này cũng rất tốt. Bác Sĩ Huỳnh T. Hoà rất ít nói. Mỗi ngày ông cầu nguyện 2 lần sáng sớm và tối trước khi đi ngủ, thời gian còn lại cả ngày, âng đánh cờ tướng, chuyện vãn và mặc thiên hạ chung quanh, ông không tỏ vẻ gì lo lắng lắm. Anh chàng to con tổ chức vượt biên tên Nguyễn Phước Lộc thì cũng có vẻ phây phây, vì ở nhà có tiền và qua những cuộc nói chuyện thì hình như ở nhà đang lo lót cho nên anh ta cũng không lo âu lắm. Chỉ có chàng thanh niên trẻ tên Trần Văn Ngô thì lúc nào cũng có vẻ rầu rỉ, anh ta cho biết vừa có con nhỏ không bao lâu thì bị bắt, ở nhà lại không có tiền nên không biết sẽ ra sao?

Phan Văn Ty ở Kiên Giam 2 kế bên với một người bị tội Kinh Tế có biệt danh là Bồ Câu, tay này là một cán bộ trẻ miền Bắc vào làm trong ngành báo chí, không hiểu phạm tội Kinh Tế gì mà bị bắt. Ban đầu Phan Văn Ty phác giác y là cán bộ miền Bắc vào, nên cũng e ngại bị gài ăn ten, nên lo âu và cẩn thận đủ mọi thứ Phan Văn Ty liên lạc qua ống nước nói nhỏ cho tôi biết điều này. Tôi cũng an ủi anh và khuyên cũng nên cẩn thận đừng nói gì về những chuyện bị bắt của anh cho Bồ Câu nghe… nhưng ở một thời gian, dần dần phát giác ra tay Bồ Câu này cũng dễ thương và hiền lắm, anh ta cũng xông xáo trong những "dịch vụ" bị cấm đoán trong tù để liên hệ và sinh hoạt với mọi người nên Phan Văn Ty cũng đỡ lo bớt. Tuy vậy Phan Văn Ty cứ nói với tôi hoài: "Tiếc quá không được ở chung với Sáu Khổ, ở với người hợp "rơ" dầu sao cũng thoải mái hơn". Tôi cũng nói với anh những lời tương tự. Dẫu sau chúng tôi ở một thời gian chung trên biệt giam nên có một tình thân đặc biệt hơn các người khác.

Buổi trưa đầu tiên, hôm chúng tôi chuyển xuống khu Kiên Giam, sau khi đợi cán bộ đóng cửa đi xuống dưới, các phòng bên trong đã lên tiếng hỏi thăm ơi ới:

- Hồi sáng này "Gà mới" ở đâu tới vậy?

Bên Kiên Giam 2 có tiếng Bồ Câu trả lời:

- Không phải "Gà Mới". Gà này chuyển chuồng. Từ Biệt Giam xuống, bệnh "Xê Tê".

Bên Kiên Giam 1, anh chàng Lộc cũng báo cáo:

- Ở đây cũng vậy, không phải "Gà Mới" cũng từ Biệt Giam chuyển xuống. Cũng bịnh "Xê Tê" luôn. Yên trí đi, tụi tui cũng đang huấn luyện Gà cho quen chuồng mới ở đây.

Bỗng có tiếng hỏi:

- Mấy Gà chuyển chuồng hồi sáng có ai là Sáu Khổ không?

Tôi đang ngồi nói chuyện với bác sĩ Hoà, cũng giật mình vì không ngờ có người gọi đích danh mình. Tôi bước tới cửa gió trả lời:

- Sáu Khổ đây. Ai đó?

- Em đây nè. Sáu Thạnh đây nè, anh có nhớ không?

Tôi nhớ ra liền:

- À Sáu Thạnh đó hả. Khoẻ không? Kim Cương có khoẻ không?

Có tiếng một người khác trả lời ngay sau đó:

- Kim Cương đây Sáu Khổ ơi. Khoẻ lắm, anh xuống được dưới đây là đỡ lắm rồi. Có cần gì không, nói cho em biết em chuyển qua cho.

Tôi thấy vui vui trong lòng vì tình cảm của anh em đối với mình mặc dù chỉ mới biết qua lần đầu lúc Sáu Thạnh và Kim Cương bị biệt giam kỷ luật hôm Noel:

- Cám ơn Kim Cương. Tôi không cần gì hết, có gì thì sẽ cho Kim Cương hay sau nghe.

- Được rồi, tối nay anh nhớ hát nghen.

Khi quay trở lại, Bác Sĩ Hoà và Lộc cùng Ngô đều nói:

- Té ra anh là Sáu Khổ đó hả? Tối tối dưới này nghe tiếng anh hát hay lắm. Rồi lúc Kim Cương, Sáu Thạnh bị kỷ luật về có nói nhiều về anh. Mấy tay đó nói lên biệt giam gặp được anh giúp đỡ này nọ… Tôi cũng nói giả lả cho qua:

- Thật tình đâu có gì đâu.

Qua hôm sau, khi tới giờ phát cơm trưa, lao động Xáng chuyển cho tôi 2 bịch đồ ăn và thuốc rê của Kim Cương nhờ chuyển tới tiếp tế cho tôi. Tôi rất cảm động về nghĩa cữ này.

Xuống dưới khu Kiên Giam này tôi được biết những người có tiền có thể móc nối với cán bộ qua lao động Xáng làm trung gian để mua đồ từ bên ngoài vào, thậm chí còn gửi thư từ qua lại với người nhà bên ngoài… Anh chàng Lộc trong phòng tôi liên lạc thư từ với nhà hoài. Tôi thấy lâu lâu, lao động Xáng lại rì rầm nói chuyện riêng gì đó khi buổi sáng ra lấy nước. Thỉnh thoảng hắn ta trao cho Lộc thư từ chuyền từ nhà qua đường dây cán bộ mà lao động Xáng làm trung gian. Nói chung có tiền thì chuyện móc nối ở đây để liên lạc với bên ngoài cũng không có gì là khó. Còn "bạch đinh" như tôi thì chuyện này coi như không bao giờ xảy ra rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn