BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73338)
(Xem: 62240)
(Xem: 39425)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ta vẫn chờ họ trước cổng trại giam

14 Tháng Bảy 200812:00 SA(Xem: 949)
Ta vẫn chờ họ trước cổng trại giam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Một ngày tù bằng nghìn thu…

Tôi vẫn chờ họ. Theo dõi những động thái mở ra khoá vào của cánh cổng trại giam.
Sao mà xa quá. Mòn mỏi cái ngày những bạn Nguyễn Văn Hải, những Nguyễn Việt Chiến, những người bị truy tố oan sai, những người bị quy tội nọ tội kia mà bị giam giữ, chung quy lại cũng chỉ vì bất đồng chính kiến với một số ai đó trong những nhà cầm quyền, ra khỏi trại giam.

Có ai cùng chờ như tôi không ?
Hẳn rằng không ít.
Vì lương tâm và trái tim con người thường “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.
Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài…”. Cụ Hồ đã viết thế mà.
Năm nay mưa giông nhiều. Và lòng người cũng xót xa mưa.
Những đêm mưa bất ngờ. Tiếng mưa xối trên máng nhà, gõ vào lòng người những thương tổn và đăm chiêu.

Tôi nhớ họ. Ngày nào cũng nhớ. Bữa ăn cũng nhớ. Viết báo viết văn cũng nhớ. Và tôi không chỉ nhớ Hải, nhớ Chiến, mà còn nhớ nhiều người khác mặc dù khi họ chưa bị bắt, chẳng mấy khi tôi gặp họ, thậm chí chưa gặp. Những người chung bào thai Việt cùng tôi đang bị giam giữ trong tù hoặc đang bị quản thúc đâu đó vì bị ai đó khép vào tội nọ tội kia nhưng chung quy lại chỉ vì bất đồng chính kiến.

Những hao mòn thân thể. Những đau đớn linh hồn. Bao nhiêu dự định và công việc dở dang, đổ vỡ. Những tra tấn về tinh thần mà những người thân yêu, đặc biệt là những đứa con của họ phải chịu. Đặc biệt là trong cơn bão lạm phát này, trước sự sụp đổ của rất nhiều cá nhân bị ảnh hưởng trong nền kinh tế suy thoái, gia đình họ sẽ sống ra sao ?

Nhớ cả những người cùng bào thai Việt từ ngàn xưa của một đất nứơc chất chồng chiến tranh và thiên tai địch hoạ, chưa kể trong đó có cả đêm dài mà nền pháp lý chỉ còn mới ở dạng sơ khai và mông muội đầy thiên lệch.

* Sao cứ phải nhớ về những oan hồn

Ôi, tại sao tôi hay viết về những oan hồn? Tại sao không hơn hớn mà viết. Tại sao không làm lành với hiện thực ? Tại sao không vờ bị bệnh quáng gà. Không nghe không thấy không biết đến những hồn oan. Tại sao không chỉ mưu cầu cho mình, vinh thân phì gia lên xe xuống ngựa ?

Tôi là một người đàn bà yếu đuối! Tôi tôn thờ cái đẹp. Tôi thích múa, thích hát, thích đi chơi và mong manh như một người đàn bà sinh ra chỉ để yêu và để viết.

Thế mà tại sao tôi cứ phải nhớ họ. Lại cứ nghĩ về những người oan và những oan hồn ?!

Vì không khí đất nứơc này dày đặc những oan hồn. Hình như hễ tôi động đến cây bút, thì oan hồn qua tôi mà lên tiếng !

Tôi nhớ cụ Lê Công Ngự- cụ già mà riêng tôi đã trông thấy hai lần ôm đầu máu, do đi xe đạp, bị tai nạn trên con đường mang đơn kêu oan từ khoảng bảy chục cây số- từ thôn Đìa xã Bình Dương tỉnh Bắc Ninh lên Hà Nội mà bị tai nạn, hồi tôi còn làm ở Văn phòng đại dịên Báo Phụ nữ TPHCM tại Hà Nội.

Vài chục năm nay cụ đạp chiếc xe đạp cà khổ có lúc buộc cả lốp bằng dây thừng đi kêu oan. Đơn kêu oan của cụ phải chứa trong những bao tải. Tôi đã điều tra, đã viết và đưa ra những chứng cứ không thể bác bỏ được về nỗi oan của cụ. Nhưng những người có trách nhiệm vẫn thờ ơ! Họ chỉ cần chịu thừa nhận một chút sai, thậm chí đổ cho nhầm lẫn cũng được, họ có mất gì đâu, một lời xin lỗi họ cũng không cần phải thốt ra, vì dân ta hiền lắm và bao dung lắm. Họ chỉ cần một lời giả oan để khi chết mắt khỏi mở trừng trừng là đủ thôi mà.

Một lời thừa nhận từ một vài nhà chức trách nho nhỏ nào đó, là đã đủ để cứu mạng một người, một gia đình, thậm chí nhiều người. Nhưng họ đã không, Kiên quyết không. Khinh khỉnh và “im lặng đáng sợ” ! Đâu đâu cũng gặp. Thậm chí họ không trực tiếp gây ra cái sai đó, nhưng khi việc đến tay họ, họ không giải quyết, vì ngại “đụng chạm”. Nhiều khi, tôi ngờ rằng trong lồng ngực của ai kia không phải là trái tim ! Họ không việc gì phải thừa nhận và trả lại công bằng cho ai đó. Vì chính họ đã trở thành một tầng lớp quyền lực không ai dám phản bịên, không ai làm gì nổi. Họ cấu kết và bao che cho nhau !

Trời ạ, nếu tôi là một nhà báo có trái tim và tôi chịu lắng nghe công chúng của mình, đời tôi sẽ không đủ nứơc mắt để thương khóc họ. Cho đến lúc trái tim mong manh của tôi không thể chứa nổi những nỗi oan của họ.

Số kiếp văn nghệ sĩ là như vậy. Cái số kiếp mà những kẻ ác nhảy lên sân khấu múa may và diễn xong vai kịch của họ rồi rút lui.
Chỉ những xác chết và thương tật thật là ở lại.
Và văn nghệ sĩ lại là người trả cho dân chúng những món nợ không phải do mình gây nên. Vì không thể không ứa ra từng lời từ trái tim linh nghiệm.
Khi ta chưa viết ra được. Khi ta chưa nói được sòng phẳng nỗi đau của nhân sinh và đồng loại, ta còn mắc nợ.
Và với văn chương, tôi có thể kể về những người oan và những hồn oan !
Còn sống không ? Cụ Lê Công Ngự ! Cụ bị vu oan giá hoạ chỉ vì một lời nói thẳng. Tôi nhớ bộ râu dài đẫm máu của cụ !

Tôi nhớ ngôi nhà nghèo chỉ có giàn mướp là đáng giá của cụ và bà vợ già còng lưng ngay từ thời trẻ vì bị lính Lê dương đánh, bắt khai ra chỗ trú của du kích mà gia đình cụ đã chứa dưới hầm bí mật ngay dưới gốc tre trong vườn nhưng người đàn bà dũng cảm và cả gia đình ấy đã kiên quyết không khai. . . Gia đình cụ có ba bát cơm chỉ ăn một, còn để lại nuôi cán bộ Việt Minh. Tôi biết những điều này qua chữ ký chứng nhận của những đồng chí của cụ.

Cụ Ngự ơi! Cụ còn sống không? Tôi quá nhỏ bé và quá mong manh để đủ sức cứu được cụ. Người đọc tin những bài báo tôi viết. Nhưng để trả lại cho cụ sự công bằng, phải là những người hữu trách.

Cụ còn sống không? Nếu còn sống, cụ không còn hơi sức đi kêu oan nữa. Cụ đã quá già yếu, tai nạn nhiều lần, tiền uống nứơc dọc đừơng cũng không có. Nỗi oan chừng ấy đủ để khiến người ta chết mười lần!

Mà nếu cụ đã mất, hẳn rằng cụ trở thành oan hồn.

Vâng! Thưa cụ! Người viết này, đã lâu biết mình mong manh bé nhỏ, biết mình không thể hoà làm một với sự nói một đằng làm một nẻo, đã tự nguyện đứng ra ngoài hệ thống. Nhưng từ đó đến nay không quên nổi hình ảnh cụ.

Chao ôi! Đã sống trên đời, cầm đến cây bút, thật nặng gánh thay !

* Công dân phải được thoải mái phát biểu chính kiến

Tôi nhớ họ ! Những người còn sống, những người đã chết. Những người trong trại giam mà tôi vừa kể trên !
Vì tôi biết, họ chịu khổ nạn không chỉ vì quyền lợi của bản thân họ.
Và đừng nghĩ rằng những người đi kêu oan cho bản thân họ không vì cộng đồng.
Nỗi oan của một người, phải quan niệm là của cả cộng đồng.

Hãy cảm ơn những người kêu oan, những người dám khiếu nại oan sai. Vì bằng cách đó, họ đã thực sự giúp các nhà chức trách nhận ra lỗi và có cơ hội sửa chữa công việc họ đang làm. Họ đương nhiên phải làm tốt. Đương nhiên phải có lương tâm, phải công bằng minh bạch. Vì họ đã cam kết và họ ăn lương của dân cơ mà.

Nếu họ không làm thế, chính bản thân họ mới là “phản động”- một cái từ mà người Việt Nam rất hay quy cho nhau những không hiểu nghĩa là mấy. Phản động, là phản lại tiến bộ xã hội. Kìm hãm bứơc đi tự nhiên của sự vật, chứ không là cái tội đi làm “gián điệp”.

Tại sao ta không chỉ ra những kẻ phản động, những kẻ phản quốc bằng cách nói một đằng làm một nẻo, tiêu cực và tham nhũng ? Tại sao ta cứ bao che mãi bằng những mỹ từ “cố ý làm trái” hay “chưa đầy đủ trách nhiệm”, hoặc “thiếu trách nhịêm gây hậu quả…” ?!

Người Việt Nam ta, sau quá nhiều năm rèn luyện, sau quá nhiều chuyện nhỡn tiền, sua quá nhiều kinh nghiệm đau lòng, đã trở nên khôn khéo quá. Quá nhiều người đã mất đi hầu hết tính bộc trực và sự hồn nhiên.

Khi chúng ta không bằng lòng, chúng ta hậm hực nói sau lưng và chờ kẻ khác dại dột hơn nói hộ và làm hộ. Khi thấy kẻ khác làm điều gian dối, ta im lặng để được yên thân, coi đó là đạo đức, coi bao che và bè phái là đạo đức, đánh tráo khái niệm, gọi đó là “đoàn kết nội bộ”, trong bụng khinh rẻ mà ngoài mặt cười bả lả lấy lòng, tranh thủ “đục nứơc béo cò”. Thậm chí, ta còn lưu manh đến mức chê trách dè bỉu những người đã dám phát hiện ra và tố cáo hoặc không đồng lõa với những hành vi trộm cắp và gian dối !

Nếu ở đâu đó mà con người phải lấy lưu manh làm phương châm sống, thì còn gì để nói ?!

Trời ạ, nếu cứ mãi như thế, thì sự việc sẽ càng ngày càng tồi tệ, thì ta nên đổi tên. Loài người nên có thêm một tên khác để tỏ ra biết cung kính tạo hoá và biết hổ thẹn trước muôn loài.

Kìa nhìn xem con gà trống và muôn loài. Chúng hồn nhiên và bộc trực biết bao. Tạo hóa đã sinh ra muôn giống loài, và chỉ đặt vào gan ruột loài người sự quá khôn ngoan mà thôi. Nếu tạo hóa cũng thả một chút bã đậu mánh khóe vào trong bộ não các loài vật, thì sự giết chóc trên trái đất này đã hoàn tất việc tuyệt diệt các sinh thể từ xa xưa lắm.

Đêm mưa hoài. Đêm đêm lại mưa. Trước những cơn oi nồng là cơn nực nội. Và tiếng mưa với những người tù hẳn là tiếng của những dòng a xít xuyên thấu vào trái tim.

Đến bao giờ, thì người Việt Nam mới được hưởng một điều tối thiểu trong quyền làm người, tức là được thoải mái nêu lên những chính kiến của mình, dù chính kiến đó có đồng thuận hay không đồng thuận với những người đang nắm quyền lực và sức mạnh quyết định số phận người khác mà không bị trừng phạt ?

Đến bao giờ, những nhà quản lý ở Việt Nam mới có thể nhận thức được và chấp nhận, như đương nhiên phải thừa nhận một chân lý là mặt trời mọc đằng đông lặn đằng tây, rằng tối thiểu phải tôn trọng những chính kiến khác nhau của mọi công dân?! Và trong khi lắng nghe những chính kiến bất đồng từ phía công dân, là họ đã học được những bài học và biết được nhiệt độ của cái nồi áp suất quyền lực để can thiệp đúng lúc, đúng chỗ, và thực hiện tốt trách nhiệm quản lý xã hội mà họ đang hưởng quyền lợi từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân, từ những máu xương của ngàn năm tiền nhân đã đổ để bảo về và khai phá nên một rẻo đất gọi là Tổ quốc ?!

Ai cũng biết rằng, sẽ là một sự hổ thẹn lớn cho bất kỳ một nhà quản lý nào ở bất kỳ đâu trên thế giới, nếu nơi đó, công dân của họ không dám nói lên chính kiến của mình.

Tôi theo dõi động thái cánh cổng sắt trại giam, và tin rằng mình không đơn độc.

Võ Thị Hảo

Dân Báo 14.07.2008
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn