BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xin hãy để cha, anh chúng tôi được ngủ yên

31 Tháng Năm 20178:09 SA(Xem: 2350)
Xin hãy để cha, anh chúng tôi được ngủ yên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52

Viết để tưởng nhớ anh linh của ba tôi, của các chú, các bác, các anh hùng tử sĩ đã hy sinh vì lý tưởng tự do. Kính xin các vị hãy độ trì cho chúng con trọn ước nguyện và đền ơn các vị.

Hiu hắt bốn mùa sương gió rơi!!!
Người đi đi mãi giữa trùng khơi
Mưa đêm thấm lạnh mồ hoang phế
Ai khóc thương chi một kiếp người?

Trong nghĩa trang buồn im tiếng súng
Bình yên ta ngủ giữa lưng trời
Vẳng nghe tiếng gọi hờn sông núi
Gác súng lâu rồi sao chẳng nguôi?

Xin ngủ bình yên, ngủ bình yên
Bên trời gió lộng giấc cô miên
Hận chi cây cỏ ven đường vắng
Sông núi ngàn năm ngạo tiếng cười
(Maryland, 21.5.2007)

Miền Nam Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Mỗi tỉnh, mỗi thành phố có những nét đặc thù riêng. Nhiều người cho rằng Sài Gòn là nơi quan trọng nhất. Riêng tôi, ba địa danh có vai trò trọng yếu ảnh hưởng đến văn hóa, kinh tế, chính trị tại Miền Nam Việt Nam đó là Sài Gòn, Đồng Bằng Sông Cửu Long, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Nhắc đến Sài Gòn ai cũng nhớ đến một thời vang bóng đã được cả thế giới ca ngợi là “Hòn Ngọc Viễn Đông,” nơi tập trung cơ quan đầu não của miền Nam Việt Nam. Sài Gòn cũng là trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cao nhất miền Nam dù đã trải qua biết bao biến cố đau thương. Điều đó đã chứng minh cho Bắc Bộ Phủ thấy chủ thuyết ngoại lai đã thất bại hoàn toàn. Và nó không thể xóa bỏ được nền văn hóa giàu tính dân tộc và nhân bản, đã bén rễ lâu đời trong tư tưởng tình cảm người miền Nam.

Đồng Bằng Sông Cửu Long là vựa lúa miền Nam đã nuôi sống cả nước. Nói đến dòng Cửu Long Giang là nói đến mạch sống của cả dân tộc Việt. Nơi đây đã biến miền Nam Việt Nam thành một trung tâm nông nghiệp có tầm vóc quốc tế vì sự trù phú của đất đai, sông ngòi, cây trái, tôm cá, và các loại thủy sản từ dòng Cửu Long Giang đã mang lại cho người dân miền Nam có một cuộc sống sung túc, ấm no.

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nơi thiêng liêng mang dấu ấn lịch sử của miền Nam Việt Nam. Đó là nghĩa trang lớn nhất với diện tích trên 58 hecta đất, đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa (trận Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, trước và sau 1975). Nếu sau 75, Cộng Sản cho phép dân miền Nam chôn thêm xác chết vào nghĩa trang thì nghĩa trang không còn chỗ trống. Nhắc đến nghĩa trang QĐBH là nhắc đến niềm đau của biết bao gia đình tử sĩ, nơi chôn cất những người con anh dũng hy sinh vì lý tưởng tự do. Họ không còn là những người tự ngụy biện là nhân danh dân chủ, tự do mà lịch sử hôm nay đã chứng minh lý tưởng cao cả của họ là chân lý của thời đại. Trong trái tim của người dân miền Nam, nghĩa trang QĐBH là một di tích lịch sử trang trọng cần phải được bảo vệ, và đó còn là một chiến tích oai hùng còn sót lại của những người mang lý tưởng tự do. Nơi đó, trái tim người sống còn gởi lại trên từng tấm mộ bia với tất cả lòng trân trọng và kính yêu. Chạm đến nghĩa trang là chạm đến trái tim và niềm đau khôn cùng của miền Nam Việt Nam.

Tôi còn nhớ ngày Đại Hội Quốc Gia Nghĩa Tử Toàn Quốc Tháng Sáu năm 2005, tại Texas, tôi đã gặp được thầy cô bạn bè cũ. Tập san Quốc Gia Nghĩa Tử “30 Năm Nhìn Lại” ra đời có đăng bài của anh Đỗ Ngọc Vinh “Thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa” (trang 80 đến 82), bài viết đã làm tôi xúc động. Anh đã viết: “…Tôi bâng khuâng thầm nghĩ đến những bãi tha ma đã đi qua, tất cả đều có chiều cao của các ngôi mộ và màu sắc rõ rệt, nhưng sao bãi tha ma này như chìm lún xuống mặt đất? Có lẽ vì quá nhiều cỏ dại? Cộng thêm cảnh xiêu vẹo của bia đá và mộ phần làm mất vẻ trịnh trọng của một nghĩa trang. Quả nhiên các mộ phần này đã bị bỏ quên trong nhiều năm qua. Thân nhân có lẽ vì lo sợ bị liên lụy hay quá nghèo đói để nghĩ đến người chết! Những người nằm yên nghỉ nơi đây đã một lần được vinh danh là anh hùng trận mạc, được anh dũng bội tinh với nhành Dương Liễu, nhưng thế sự đã đổi thay và ngay cả người chết cũng không được mồ êm mả đẹp!!! Lịch sử sẽ phê phán những kẻ thất nhân tâm chấp nhất cả với những người đã ngã ngựa… Không bao xa một nghĩa trang liệt sĩ nằm bên kia đường rạng rực như muốn phơi bày hai thái cựu người chiến thắng và kẻ thất trận. Đã 30 năm mà dấu vết hận thù vẫn còn đây! Thậm chí ngay cả với người đã chết!!!”

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa-2
Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.

Mấy tháng gần đây, vấn đề Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa đã trở thành một đề tài sôi động cả trong nước và hải ngoại. Thủ Tướng VC Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định trả Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cho Tỉnh Ủy tỉnh Bình Dương quản lý.

Có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Một số người cho rằng việc trả lại Nghĩa Trang Quân Đội trở thành nghĩa trang dân sự để thân nhân có điều kiện thăm viếng, chăm nom mộ phần người chết. Một số ý kiến khác thì cho rằng Cộng Sản Việt Nam muốn bán khu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa cho ngoại bang để lấy tiền đô chia nhau xài. Cơn sốt đất đai ở Việt Nam ngày càng căng thẳng. Hàng loạt những cuộc biểu tình của nhân dân hai miền Nam-Bắc tại vườn hoa Xuân Thưởng và khắp nơi đã tố cáo cán bộ, nhà nước chiếm đất, chiếm nhà, đào mồ cuốc mả nhiều nghĩa trang dân sự. Với cách cai trị, đối xử với người dân hai miền Nam-Bắc, ý kiến thứ hai có thể đúng và hợp lý.

Bởi 32 năm qua, người dân Miền Nam sống trong những cơn ác mộng. Nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã hành hạ người sống bằng cách đem cả quân dân, cán chính Miền Nam Việt Nam nhốt vào trại tập trung cải tạo để tẩy não, người chết bị quật mồ để trả thù. Họ chết rồi mà vẫn chưa được tha. Lòng thù hận đã khiến cho nhà cầm quyền Hà Nội đã ra lệnh san bằng những Nghĩa Trang Quân Đội trên toàn Miền Nam. Riêng Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa với dáng vẻ uy nghi, linh thiêng và kiên cố, Cộng Sản Bắc Việt đã chùn tay. Nghe dân chúng ở Dĩ An, Biên Hòa truyền miệng rằng Cộng Sản đem xe ủi đất đến phá sập “Bức Tượng Thương Tiếc” nhiều lần, nhưng bức tượng không ngã xuống. Người lính vẫn đứng sừng sững giữa trời như quyến luyến đồng đội không muốn rời xa. Dù không tin dị đoan, nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản đã phải mướn một thầy Pháp đến ếm bùa và cầu nguyện mới có thể phá sập bức tượng. Riêng Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, nhiều người dân thấy hình bóng lung linh của các chiến sĩ vẫn đi về lảng vảng quanh nghĩa trang cho đến khi bị Cộng Sản san bằng.

Ai chết cũng muốn mình mồ êm, mả đẹp. Ai cũng muốn con cháu tưởng nhớ đến và thắp cho một nén nhang. Vậy tại sao những người Cộng Sản lại đào mồ, cuốc mả những người đã trở thành tro bụi? Theo luật nhân quả của nhà Phật hay quy luật tự nhiên của sự phát triển lịch sử và xã hội, người Cộng Sản có chắc chắn rằng đời họ và đời con cháu sẽ giàu sang, quyền thế vĩnh viễn để cướp đoạt và trả thù chăng? Hay đến lúc ác lai ác báo thì mồ mả của họ cũng sẽ không còn nguyên vẹn và cái chết của họ có thể tàn khốc hơn những gì họ đã làm? Con người sống ngày hôm nay chưa phải là trọn vẹn và chấm dứt, mà quá khứ-hiện tại-tương lai là một chuỗi mắc xích có liên hệ mật thiết với nhau trong sự tuần hoàn của đất trời. Nhất là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt là lòng nhân đạo và sự rộng lượng đối với kẻ thù. Vậy những việc Cộng Sản làm là hợp với lòng Trời và lòng Người chăng?

Khi đọc đến quyết định của Nguyễn Tấn Dũng nơi điều 1: “Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân Khu 7, Bộ Quốc Phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương.” Các anh Đỗ Ngọc Vinh, Larry Nguyễn Hà Nguyễn, Tăng Lý Công và một số anh chị trong đại gia đình QGNT đều nhấn mạnh đến điều 1, và lo rằng với cơn sốt đất và lòng tham vô tận, Cộng Sản Việt Nam sẽ bán 58 mẫu đất này cho ngoại bang.

Hai năm trước tại Texas, anh Đỗ Ngọc Vinh đã nói với tôi về chuyện vận động để trùng tu NTQĐBH, và anh vẫn luôn ấp ủ, đeo đuổi mơ ước đó. Anh nói: “Chỉ có con em tử sĩ của chúng ta đứng ra làm mới có ý nghĩa vì chúng ta phải đền ơn cho cha anh chúng ta đã đổ xương máu hy sinh cho tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam.” Vừa qua, tôi nghe được bản tin trên đài BBC và đọc được trên báo điện tử Việt Báo về việc con em tử sĩ trường QGNT gởi thư kiến nghị với chính phủ Việt Nam về việc trùng tu NTQDBH. Thứ Năm vừa qua, ngày 5/07, Đỗ Ngọc Vinh, Nguyễn Hà và Larry Nguyễn đã đến Hoa Thịnh Đốn để đi gặp Đại Sứ VC Nguyễn Tâm Chiến và một số dân biểu nghị sĩ. Tối Thứ Sáu, các anh tham dự kỷ niệm năm thứ 13, ngày Nhân Quyền cho Việt Nam để phát biểu, và lên tiếng đòi quyền nghỉ yên cho các tử sĩ trong Nghĩa Trang Quân Đội.

Trong cuộc gặp gỡ giữa các anh và Tòa Đại Sứ Cộng Sản Việt Nam tại Washington D.C, các anh đã trình bày ý nguyện của tất cả con em tử sĩ và đồng bào trong và ngoài nước. Các anh nói rằng đó là di tích lịch sử của cả nước, để thế hệ con em chúng ta nhìn vào đó mà rút ra một bài học. Nếu có xung đột nên dùng phương pháp đối thoại hơn là dùng vũ lực. Vì xương máu đã đổ quá nhiều và đau thương đó không có gì bù đắp nổi.

Nói đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, tôi vẫn còn nhớ đến những ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong trọng thể diễn ra hàng năm nơi đây. Từ trên không nhìn xuống, nghĩa trang giống như một lá bùa bát quái với những con đường thẳng tắp, uốn khúc xen kẽ bao quanh những ngôi mộ tử sĩ. Nghĩa Dũng Đài nằm nơi cao nhất với một cột cờ cao vời vợi. Lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đó tung bay phất phới trong gió. Nghĩa Dũng Đài là nơi chôn cất một số tướng lãnh cao cấp của miền Nam. Từ Nghĩa Dũng Đài nhìn xuống, có thể thấy Đền Tử Sĩ, Cổng Tam Quan dẫn ra xa lộ Biên Hòa tập nập xe cộ ngược xuôi. Ai đã từng đến NTQDBH sẽ không quên vẽ vĩ đại, bi hùng của nơi đây. Chốn thiêng liêng của những người đã khuất nhưng anh linh còn vang vọng với núi sông.

Hơn 30 năm trôi qua cùng sự nổi trôi của vận nước, Nghĩa Trang QĐBH tưởng chừng đã biến khỏi mặt đất, bị san bằng, mồ mả bị quật lên, và vong hồn người chết cũng bị hành hạ cùng người thất trận. Nhưng vẻ uy nghi và hùng tráng của nó khiến kẻ thất nhân tâm không dám ra tay. Tôi đã hai lần đến đây. Hàng năm, đến ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong, học sinh trường QGNT phải đến dự lễ Chiến Sĩ Trận Vong trên Nghĩa Dũng Đài. Tôi còn nhớ hàng hàng lớp lớp các binh chủng Việt Nam Cộng Hòa ăn mặc đủ các sắc áo đứng nghiêm trang trong hàng ngũ của mình. Nhiều người mang những vòng hoa chiến thắng còn đỏ thắm. Mỗi lần đến đây, tôi và các bạn thường viếng thăm bức tượng người lính “Thương Tiếc” ngồi ôm súng canh gác nghĩa trang. Chiếc bóng lẻ loi in trên nền trời xanh phản chiếu ánh nắng lấp lánh. Tôi nghe nhiều câu chuyện huyền thoại về anh.

Sau 75, bức tượng người lính Thương Tiếc đã bị phá sập. Khu nghĩa trang đã bị Cộng Sản trao cho Quân Khu 7 chiếm đóng. Những người miền Nam bị cướp đất, cướp nhà đuổi đi vùng kinh tế mới, trở về thành không chốn nương thân đã phải sống chui rúc vào nghĩa trang. Người chết lại phải che chở người sống. Bạn bè sống ở Biên Hòa gởi thư thăm tôi đã nói rõ tình trạng xuống cấp thảm hại của nghĩa trang. Trịnh Ngọc Thủy đã viết: “…Phong Thu biết không, ai có thân nhân nước ngoài, có tiền đút lót cho mấy cha gác nghĩa địa thì mồ mả người chết mới được viếng thăm. Còn không thì cỏ mọc um tùm, bia mộ xiêu vẹo, mốc meo… rất nhiều ngôi mộ đã sụp lở thành những cái hố nước. Lớp trâu bò của mấy ông quân đội thả và giẫm đạp lên mộ, một số người dân vô gia cư, nghèo khổ cũng vào đây cất chòi làm bạn với người chết. Thảm thương lắm nhỏ ơi.”

Khát vọng trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là một điều chính đáng. Bởi đó là một di tích lịch sử đã đánh dấu một giai đoạn nội chiến khốc liệt giữa hai miền Nam-Bắc. Và cho đến hiện nay, di hại đó còn ảnh hưởng sâu đậm trong lòng dân tộc Việt Nam và chắc chắn còn để lại nhiều hệ lụy cho nhiều thế hệ. Tôi hy vọng nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội nên chấp thuận để chúng tôi có thể làm theo ước nguyện của người chết và người sống. Người chết đã trở về cõi lặng thinh với cây cỏ, đất trời. Họ chỉ còn là những chiếc bóng xa mờ trong quá khứ.

Xin hãy để cha anh chúng tôi được ngủ yên.

Maryland, 21.5.2007
Phong Thu
Nguồn Người Việt

Người viết không dám mạo muội đại diện cho toàn thể các anh chị em QGNT toàn thế giới. Tôi chỉ nêu lên suy nghĩa cá nhân tôi, và tôi ủng hộ những việc làm tốt đẹp có ý nghĩa của một số anh em QGNT. Trân trọng.

Chú thích:
(*): Bài thơ cảm tác từ ý tưởng của anh Đỗ Ngọc Vinh, Larry Nguyễn, Hà Nguyễn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn