BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73325)
(Xem: 62235)
(Xem: 39424)
(Xem: 31169)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ngày Ấy Đã Qua Rồi

08 Tháng Năm 20177:10 SA(Xem: 4420)
Ngày Ấy Đã Qua Rồi
53Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
4.34
Chuyện đã qua gần nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn nhớ nó như vừa xảy ra chiều hôm trước. Tôi tạm ghi vài dòng về những ngày cuối cùng của cuộc chiến bi thương kéo dài gần 20 năm kể từ ngày hiệp định Genève được ký kết qua ký ức của riêng tôi tại vùng tôi sống.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức. Phó tổng thống Trần Văn Hương trở thành tổng thống VNCH trong giây phút ngột ngạt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Bộ đội miền Bắc và các chiến binh MTGP trên đường tiến về Sài Gòn. Tổng thống Trần Văn Hương bị áp lực tứ phía phải nhường chức tổng thống cho đại tướng Dương Văn Minh với hy vọng hòa giải hòa hợp với phe bên kia, từ ngữ của ông Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và Lý Quí Chung hay dùng, qua trung gian của thượng tọa Thích Trí Quang như tướng Minh tin tưởng.

28-04-1975

Trưa ngày 28-04-1975 tôi uống cà phê với anh Phạm Gia Pháp tại quán của anh Tư. Anh Tư chuẩn bị radio để nghe tường thuật lễ bàn giao giữa tổng thống Hương và tướng Minh tại đình Độc Lập. Anh Pháp và tôi không có dấu hiệu lạc quan nào. Tôi không có thành kiến gì với tướng Minh nhưng không kỳ vọng gì nơi ông. Trưa hôm 28-04 trời rất nóng. Tôi chào anh Pháp và anh Tư, chủ quán cà phê và nước giải khát trước cửa trường Lý Thường Kiệt cạnh ngôi đình. Tôi dùng đường Nhị Bình để về nhà ở Lái Thiêu. Đây là một con đường đất vắng vẻ đi ngang qua một vùng ruộng ngập nước. Xa xa có nhiều lùm cây. Từ đó vọng lên những tiếng kêu khắc khoải và buồn thảm của bìm bịp khi chiều về. Qua cầu Bà Hồng tôi nghe những lời tường thuật lễ nhậm chức từ các nhà cất dọc theo hương lộ đất đỏ. Sau hai cuộc chiến tranh trên quê hương dân mình bắt đầu thích chánh trị. Người thì chủ trương đánh tới cùng. Người thì chủ trương kêu Mỹ thả bom nguyên tử. Người chủ trương có hòa bình, người Việt hòa giải với nhau, sống yên vui một nhà ăn mắm ăn muối gì sống cũng được. Những người khác thực tế hơn âm thầm tìm cơ hội và phương tiện để rời khỏi miền Nam trước khi tướng Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng. Không lẽ Cộng Sản đánh từ vĩ tuyến 17 vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Phan Rang, cao nguyên di tản; Quân Khu I di tản; quân Cộng Sản trên đường tiến về Sài Gòn để thương thuyết với tướng Dương Văn Minh qua trung gian thượng tọa Thích Trí Quang mà tướng Minh tin tưởng và hy vọng sao? Thương thuyết về chuyện gì? Tôi suy nghĩ miên man nên suýt lọt vào một lỗ hổng trên chiếc cầu xe lửa bắt ngang qua sông Sài Gòn nối liền Thạnh Lộc và Phú Long. Chiếc cầu này bị giựt sập năm 1949 và được chắp vá tạm bợ cho xe nhỏ chạy qua. Thực tế xe cam nhông chở mía cũng chạy qua cầu này về lò đường Nhị Bình để rút ngắn khoảng cách hầu tiết kiệm xăng dầu. Mỗi lần xe tải nặng đi qua, cầu rung rinh như sắp sửa sập!

Về đến nhà tôi thấy dân trong xóm đứng đầy đường trước nhà, mắt hướng về phía Sài Gòn. Có những tiếng nổ lớn lấn át lời tường thuật trong radio. Anh Henri, người cho tôi miếng đất thành phố để cất nhà, chờ tôi trước nhà. Tôi vừa ngừng xe thì anh hỏi: Mày thấy tình hình ra sao? – Tuần tới dép râu sẽ đến. Tôi vừa đáp vừa ghé vào tai anh nói nhỏ, dặn anh ra ngân hàng rút tiền. Cái gì lẹ dữ vậy? anh Henri nói. Tuy nói vậy, anh vội vã cởi chiếc Honda về nhà. Không thể rút tiền được vì lúc ấy khoảng 06:30 giờ chiều. Vả lại ngân hàng lớn nằm trên Bình Dương. Tôi vội vã sang nhà mẹ tôi với những lời dặn như đã nói với anh Henri. Không thấy chiếc xe La Đà Lạt tôi liền hỏi mẹ tôi và được biết cháu trai con trưởng của anh tôi chở các em về Sài Gòn. Tôi trải qua một phen xanh mặt vì anh tôi gởi các cháu cho tôi vì sợ Sài Gòn bị pháo kích. Bây giờ các cháu lại bỏ về Sài Gòn giữa tiếng bom đạn chiều ngày tổng thống Trần Văn Hương trao quyền cho đại tướng Dương Văn Minh. Lúc ấy con trưởng của anh tôi mới lên 16 tuổi, chưa có bằng lái chi cả!

Tôi cảm thấy mệt nhưng không đói bụng. Nhiều ý nghĩ lộn xộn nhảy múa trong đầu tôi một cách ngỗn ngang, vô trật tự. Tôi tự trấn an mình và sắp đặt trong đầu những gì cần phải làm theo thứ tự ưu tiên để đáp ứng kịp thời với diễn biến bên ngoài.

Trời vừa sụp tối. Người tập trung ngoài đường lúc chiều đã tản mác. Tôi lặng lẽ đem một số sách vừa xé vừa đốt. Lửa và khói táp lên cây nhãn của người láng giềng. Thấy ánh sáng người láng giềng của tôi chạy ra thì thấy tôi đốt sách. Ông không nói gì cả mà bỏ vào nhà như là một dấu hiệu cảm thông nào đó. Đến khuya áo của tôi ướt đẫm mồ hôi. Các sách cần đốt đã đốt xong. Bức tường phân ranh nhà tôi và nhà người láng giềng bị nám đen. Có hai nhánh cây nhãn bị lửa táp nên chết khô.

Đêm hôm ấy tôi không ăn uống gì cả nhưng tôi không thấy đói. Tinh thần nặng chĩu làm cho tôi thấy no. Tôi ngủ một giấc ngủ dài, nặng nhọc chớ không thoải mái dễ chịu. Đó là một đêm dài yên tĩnh, cái yên tĩnh của người như đang chờ đợi sự bất an đang đe dọa. Thành phố đặt trong tình trạng giới nghiêm. Đường sá vắng tanh. Vài con đường bị rào giây kẽm gai. Thỉnh thoảng nghe tiếng dép nện trên đường nhựa của nhân dân tự vệ và vài tiếng hô hoán vì hình như họ nghe tiếng xe tăng Cộng Sản tiến về Sài Gòn! Đêm vẫn dài cho người chờ sáng. Thành phố Lái Thiêu được yên ổn trong đêm 28 rạng 29. Không thấy xe tăng Cộng Sản xuất hiện như lời tri hô hốt hoảng của nhân dân tự vệ.

Trong đêm khuya tôi mở đài VOA và nghe lặp đi lặp lại câu Ngày 30-04-1945 thành Bá Linh (Berlin) bị vây hãm. Tôi tự nhủ thầm rằng Sài Gòn sẽ thất thủ ngày 30 nghĩa là 5 ngày trước sự dự đoán của tôi hồi chiều?

29-04-1975

Lối 09:30 giờ sáng ngày 29 mẹ tôi nhờ tôi chở lên ngân hàng Bình Dương rút tiền. Quốc lộ 13 vắng tanh sáng hôm ấy. Dọc đường thỉnh thoảng tôi thấy có nhiều cuộn dây kẽm gai bên vệ đường. Lên đến Bình Dương thì ngân hàng mới vừa đóng cửa. Các ty, sở trong tỉnh đều đóng cửa. Tôi chạy xe gần Ty Thanh Niên thì gặp một vài người quen chận xe lại và hỏi thăm tình hình. Cũng tại đó tôi gặp anh Henri. Anh lên sớm nên đã rút được tiền. Mẹ tôi lên muộn một chút nên không rút được đồng nào. Các bạn quen hỏi tôi tình hình sẽ về đâu? – Nhẹ là liên hiệp với MT. Nặng thì bị xích hoá. Vốn quân sự của Mặt Trận rất yếu sau năm 1968. Những người đang chiến đấu ở Quân Khu I, II và tiến về Quân Khu III là bộ đội Cộng Sản miền Bắc. Bây giờ tôi phải về Lái Thiêu nếu trễ về không được. Tôi vừa nói vừa chào các bạn quen ở Bình Dương. Anh Henri cho rằng tôi vội vã thái quá nên vẫn đứng nói chuyện với các bạn.

Tôi chở mẹ tôi về Lái Thiêu suông sẻ như bận đi. Đến phiên anh Henri về đến cầu Bình Nhâm thì bị chận lại. Anh phải năn nỉ nhân dân tự vệ tháo dây kẽm gai cho xe anh chạy qua.

Chiếc Vespa của anh Thưởng, anh của Võ Thành Hạng (phó tỉnh trưởng Bình Long), chở chú Khinh, thân sinh của gs Kiệt, không dùng Quốc Lộ 13 để về Bình Nhâm và Lái Thiêu được nên phải chạy vòng tỉnh lộ Bình Dương-Biên Hòa rồi theo hương lộ Bình Chuẩn-Búng để nối lại Quốc Lộ 13. Đến ngã tư Bình Chuẩn gần vườn cao su bỗng có loạt súng AK từ vườn cao su nhắm bắn vào hai người trên xe Vespa. Anh Thưởng và chú Khinh chết tại chỗ. Hai gia đình người chết đều không hay biết chi cả. Dân trong làng Bình Chuẩn chôn cất cho hai người xấu số. Ít lâu sau gia đình mới tìm được nơi chôn cất tạm thời của anh Thưởng và chú Khinh. Tôi viết đến đây như gởi một nén hương cho chú Phạm Tấn Khinh, người có nhiều kỷ niệm rất đẹp gắn bó với tôi lúc ấu thời. Chú Khinh gọi tôi bằng chú lớn mặc dù tôi nhỏ hơn chú 14 tuổi. Khi còn nhỏ tôi gọi chú bằng anh và chú xem tôi như em. Khi lớn lên mới xưng hô nhau đúng theo vị thứ trong dòng họ. Nhờ thân sinh của giáo sư Kiệt mà ông tư Hòa Liềm tử tế với tôi. Ông cho tôi đến gần các lu cá lia thia của ông trong khi các đứa trẻ đồng lứa như tôi không được đến gần. Ông tư Hòa Liềm còn cho tôi nhiều cặp cá lia thia tuyển của ông. Chú Khinh sẵn sàng cho tôi con cá tuyển nào của chú mà tôi muốn. Khi còn trẻ tôi thường đến nhà chú vì chú nuôi chim, sáo, cưỡng, nhồng, bồ câu. Vài con nhồng ăn ớt và nói như trẻ nít học nói. Những kỷ niệm đẹp ấy phai dần khi tôi rời Lái Thiêu đi học ở Sài Gòn.

Tôi ngậm ngùi nhớ đến người cháu lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Nhớ đến anh Thưởng, một nhà giáo âm thầm xuất thân từ một gia đình giàu có và nhân hậu ở Bình Nhâm. Càng lớn tôi càng có cảm tình nhiều với chú Khinh. Chú là một nhà hành chánh liêm khiết, nguyên tắc nhưng phúc hậu. Chú rất thương mẹ sống góa bụa vào tuổi 50 khi cuộc chiến vừa bắt đầu. Với đồng lương khiêm tốn chú lo cho mẹ, vợ, con, em, cháu và hai em họ bên ngoại. Chú nuôi người em họ tên là Khọt (không biết là tên hay biệt danh). Khọt bị bịnh trái trời nên cặp mất gần như mù. Khọt rất vui tính. Anh ấy không làm gì để sống, không vợ con gì cả. Chỉ biết uống rượu mà thôi. Khi say rượu Khọt chỉ sợ anh hai tức chú Khinh mà thôi. Chú Khinh khá cực với người em họ mồ côi cha mẹ này. Một hôm Khọt nhậu rượu say mèm, trong người nóng bức, anh nhảy từ cầu xe lửa bắt ngang qua sông Sài Gòn để tắm mát. Khốn thay! anh không biết lội nên bị chết chìm và bị nước cuốn đi mất tích.

* * *

Mẹ tôi rất buồn vì mất một số tiền lớn trong ngân hàng. Ông nhạc tôi còn mất nhiều hơn mẹ tôi. Ông bà nhạc tôi còn bồn chồn lo ngại vì chưa có tin tức gì của người con là một sĩ quan đóng quân ở phía bắc tỉnh Bình Dương.

Tôi buồn bã nhìn đống tro tàn của các cuốn sách mà tôi ưa thích. Từ Bình Dương về tôi càng ít nói. Các giác quan của tôi như tạm thời ngưng làm việc. Tôi không thấy đói bụng, không buồn ngủ. Sự lo lắng lấn át tất cả. Một luồng gió thổi mạnh cũng làm cho tôi có cảm giác có xe tăng Cộng Sản xuất hiện. Không biết do tin tình báo từ đâu mà người ta quả quyết Cộng Sản pháo kích chi khu Lái Thiêu. Rồi có tin nhà nào cũng phải mua một khúc xương rồng treo trước nhà. Để làm gì? Đừng hỏi. Không biết để làm gì nhưng nhà nào cũng làm tròn bổn phận kỳ dị này. Nhiều người thất vọng vì không mua được xương rồng để treo trước nhà như vật trừ tà. Vợ tôi đề nghị về nhà ông bà nhạc tôi ở để tránh pháo kích. Tôi đồng ý đưa vợ con về nhà ông nhạc tạm né tránh tầm pháo nhằm vào chi khu Lái Thiêu. Riêng phần tôi, tôi không đi đâu cả.

Bỗng nhiên con trai trưởng của tôi lên cơn sốt nặng. Trời nhá nhem tối. Tôi không biết chở con đi đâu bây giờ. Thành phố im lìm như một người bịnh chờ chết. Vợ tôi nghĩ ngay đến nhà bảo sanh của cô Mười Bình Dân. Bình Dân là bảng hiệu của nhà bảo sanh. Cô Mười có chồng là một bác sĩ hồi chánh. Đó là trạm y tế được vợ chồng tôi tín nhiệm lúc bấy giờ. Vợ tôi phải ở lại đây để chăm sóc cho cháu. Tôi phải chạy sang nhà ông nhạc để lấy khăn làm mền cho vợ và con tạm ngủ trong nhà bảo sanh. Đến đầu cầu đúc thì xe không chạy được vì cầu được rào bằng những cuộn dây kẽm gai dày đặc. Các nhân dân tự vệ ra lịnh cho xe lùi lại. Một trong những người chỉ huy nhân dân tự vệ thấy tôi và nói: “Chú Lân hả? Tụi bây mở dây kẽm cho chú Lân đi.” Đó là con của thiếu tá Ẩn. Tôi cảm ơn các anh em nhân dân tự vệ gác cầu và nói với con thiếu tá Ẩn làm ơn cho tôi qua cầu sau khi lấy mền cho vợ con tôi đang ở trong nhà bảo sanh cô Mười.

Bốn cháu nhỏ ngủ ở nhà ông bà ngoại. Vợ tôi và cháu lớn ngủ ở nhà bảo sanh để nhờ vợ chồng cô Mười chăm sóc bịnh cho cháu trai lớn. Tôi về nhà một mình. Tôi nằm trước bàn thờ Quang Trung. Nước mắt tự dưng trào như mưa. Linh cảm cho thấy đời tôi và gia đình tôi sắp bị bao trùm bởi một màn đen rộng lớn mênh mông. Người bình thường sẽ nói tôi không làm gì có tội với nhân dân, với xã hội. Tôi có chức vụ gì quan trọng trong chánh quyền Sài Gòn đâu mà sợ. Lập luận ấy chỉ đúng 25% vì có ai nghĩ rằng toàn dân sẽ sống trong một xã hội mà kẻ thiện nặng tội hơn kẻ ác; người bị tình nghi chánh trị nặng tội hơn người phạm tội giết người!?

Tôi lắng nghe từng tiếng động ngoài đường. Yên tĩnh và vắng lặng dị thường. Không nghe pháo kích. Không nghe những phát đạn bắn lẻ tẻ. Cũng không nghe tiếng xe tăng của Cộng Sản. Mệt quá tôi ngủ thiếp lúc nào không hay biết. Đến gần sáng tôi nghe tiếng chân người chạy dồn dập ngoài đường. Đó là các nhân dân tự vệ tháo chạy vì thấy bóng bộ đội Cộng Sản lặng lẽ vào thành phố. Một chiếc tàu chở đầy quân nhân công chức, nhân viên cảnh sát trong đó rể của tiệm chụp hình Tân Quang, cháu Long, con của một người chị họ của tôi, bị bắn chìm trên sông Sài Gòn dọc theo địa phận An Phú Đông. Hình như không có người nào trên tàu sống sót vì du kích bắn xối xả xuống sông sau khi tàu bị trúng đạn và chìm.

30-04-1975

Thú thật cho đến bây giờ tôi không biết bộ đội Cộng Sản vào Lái Thiêu vào lúc nào? xuất phát từ đâu vào? địa điểm xuất hiện đầu tiên trong thành phố? Quốc Lộ 13? Khu lò chén Bình Nhâm?

30thang4Sáng ngày 30-04 thành phố yên tĩnh nhưng bị bao trùm bởi một luồng không khí nặng nề và ngột ngạt. Tôi đến nhà bảo sanh Bình Dân thăm vợ con tôi rồi về bên nhà ông nhạc để thăm bốn cháu nhỏ ở đó. Vợ tôi theo tôi về vì sợ cháu nhỏ nhất mới 03 tuổi nhớ mẹ. Có người chỉ tôi bóng dáng người bộ đội Cộng Sản đầu tiên bên kia sông gần đình Bình Nhâm. Bỗng có tiếng nổ to long trời. Ông Trai, chủ nhà thuốc Ánh Minh cho biết bộ đội Cộng Sản vào nhà làng Tân Thới và bị lựu đạn gài trên cửa nổ chết nên đồng đội của họ tức giận đốt cháy ngôi nhà làng kiên cố này. Đây là một kiến trúc Tây Phương đầu tiên ở Lái Thiêu. Nhà làng mang dòng chữ Pháp Commune de Tân Thới được xây cất vào thập niên 1920 bằng bê-tông cốt sắt rất kiên cố. Gạch và ngói đều được đưa từ Marseille vào. Chính nhà làng này trông uy nghi và bề thế hơn cả văn phòng quận Lái Thiêu chỉ là một căn nhà của một người Hoa giàu có, chủ nhà máy ép dầu, bị sung công để làm văn phòng làm việc của quận trưởng (Délégué) người Pháp.

Vợ ông Trai có họ hàng bên vợ tôi. Ông chạy sang nhà ông nhạc tôi để báo tin tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng. Ông nhạc tôi và ông Trai đều lo lắng cho số phận của hai người con trong quân đội. Cả hai đều là trung úy ra trường được hai năm: một người thuộc trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt; một người tốt nghiệp trường Hải Quân Nha Trang. Gia đình ông Trai rất khá giả. Ông có nhà thuốc Tây, cửa hàng bán thức ăn và thuốc bổ và ngừa bịnh cho gia súc và tiệm uốn tóc. Ông có 2 người gái và một người con trai duy nhất là trung úy Hải Quân. Viên trung úy trẻ này không chịu di tản khi tàu trên đường ra biển. Anh nhảy xuống sông – mặc cho những tiếng súng bắn chỉ thiên của đồng đội – để lội vào bờ tìm đường về Lái Thiêu với gia đình. Sau một thời gian học tập ngắn anh được tự do. Gia đình anh bị đánh tư sản, hai đợt đổi tiền nên bắt đầu thấm mệt và nhận thức rằng họ khó sống trong xã hội mới này. Năm 1979 gia đình ông Trai đăng ký vượt biên bán chánh thức ở Cà Mau dưới tên người Hoa. Tàu chở ông bị bão đánh chìm. Cả gia đình 5 người bị chôn dưới lòng biển.

Trở về chuyện của gia đình tôi. Các con nhỏ của tôi mới ngủ ở nhà ông bà ngoại một đêm mà đã nhớ nhà. Tôi chở vợ và các con nhỏ về nhà. Trời hôm ấy nắng gắt. Hay tại tinh thần của mình mê mệt nên mới có cảm giác như vậy?

Lúc về đến nhà thì có những tiếng súng vang rền pha lẫn với những tiếng nổ long trời lở đất như đã nổ trên nóc nhà tôi vậy. Cha mẹ và bốn con nhỏ núp dưới bộ ván dày dưới 10 cm với hy vọng tránh được đạn AK và B-40 nổ vang rền. Trong giây phút căng thẳng này tôi lo cho con trưởng của tôi đặt dưới chăm sóc của vợ chồng cô Mười. Một chiếc xe tăng chạy loạn xạ trước nhà suýt đâm vào cổng nhà tôi. Lần này tôi mới nghe tiếng la hét ầm ĩ của bộ đội Cộng Sản tải thương đồng đội. Những tiếng súng nổ vừa rồi là cuộc đụng độ đẫm máu giữa đoàn quân xa của Sư Đoàn 25 từ Đồng Dù mở đường máu chạy về phía Nam bằng Xa Lộ Đại Hàn và Quốc Lộ 13. Cuộc chạm súng bắt đầu từ khoảng dọc truông nhà đỏ, nhà của thầy tám Sanh, và Tịnh Xá Minh Đăng Quang đến Mộc Tổ Miếu ở Phú Long trên 1 km. Nhiều quân xa và vài xe tăng bị bắn cháy. Nhiều quân sĩ trên quân xa chết. Nhưng không có người dân nào bị thương hay chết trong cuộc đụng độ chớp nhoáng nầy. Một tiệm tạp hóa của người Hoa gần đầu cầu đúc gần bến xe đò Lái Thiêu bị trúng đạn B- 40 bốc cháy. Một trận mưa nhỏ dập tắt ngọn lửa.

Tôi tạm gởi 4 cháu nhỏ ở nhà ông bà nhạc tôi. Các cháu được sự chăm sóc của người dì họ rất thương các cháu. Vợ tôi phải ở nhà bảo sanh Bình Dân chăm sóc cho cháu lớn. Ở đây có vợ chồng cô Mười và nhà thuốc của ông Trai. Vợ chồng ông Trai tận tình giúp đỡ thuốc men cho cháu. Hai ông bà và các con rất mực thương yêu các con tôi nhất là thử sự thông minh của con gái út của tôi. Tôi vẫn ở nhà một mình như một người giữ bàn thờ và tin tưởng vào sự linh thiêng huyền nhiệm của người anh hùng sống khôn thác thiêng.

Đêm 30-04 là đêm đầu tiên chấm dứt cuộc chiến dai dẳng ở miền Nam. Giữa đêm tự nhiên có tiếng kêu thất thanh: “Đ.M. Hồ Chí Minh!” Trời ơi! có thằng ăn gan rồng hay thành phần có 100% huyết thống chống chủ nghĩa Marx-Lenin mới dám chửi như vậy. Có tiếng la chát chúa, ì ầm trên đường trước nhà tôi. Đó là tiếng la hét của bộ đội lên cò súng sắp nã vào người thanh niên ghiền ma túy đang chửi lãnh tụ. Có tiếng van xin, lạy lục của người mẹ xin bộ đội đừng bắn con bà. Không nghe tiếng súng mà nghe những cú đấm nhắm vào người thanh niên đang la thét. Thì ra đó không phải anh hùng chống Cộng hay chống Hồ Chí Minh gì cả mà là một thanh niên nghiện xì-ke. Khi bộ đội Cộng Sản vào những người bán ma túy lo sợ bộ đội sẽ xử tử những ai bán ma túy để làm sạch xã hội. Vì vậy những người bán ma túy tại địa phương không bán cho người thanh niên nghiện ngập nầy viện lẽ xã hội của Bác Hồ là xã hội cực kỳ lành mạnh. Người thanh niên nghe vậy oán ghét Bác Hồ vì cho rằng ông ấy cấm bán thuốc giữa lúc cơn ghiền của anh ta đang dâng cao. Anh ta trở nên hung dữ, chạy ra kéo lá cờ Mặt Trận (Xanh, Đỏ với ngôi sao vàng) xuống và chửi bới Hồ Chí Minh liền miệng. Bộ đội chạy theo anh định bắn cho anh ta chết. Một thanh niên khác tên Sáu hút ma túy bị bắt đưa đi đâu không thấy về. Chuyện xảy ra chớp nhoáng khiến tôi nhớ chuyện AQ sau cách mạng Tân Hợi thành công ở Trung Hoa. Để chứng minh cách mạng tốt đẹp và lành mạnh người ta phải kiếm đối tượng để hy sinh. Đối tượng đó là thằng AQ ngủ ở miễu thần hoàng, cha mẹ là ai không rõ, tài sản không có gì ngoại trừ cái đầu đầy mụt chốc. AQ không có học hành gì, không nghề nghiệp, không gia sản, không có chỗ nương thân và không có họ hàng thân thuộc nhưng hắn ta rất tự hào về các mụt chốc trên đầu. Khi ở thế thượng phong thì hiu hiu tự đắc hách dịch. Khi ở thế yếu thì dùng triết lý người quân tử không nên dùng tay chân. Câu chuyện AQ trước cách mạng Trung Hoa năm 1911 và câu chuyện hai thanh niên ghiền ma túy ở Lái Thiêu ngày 30-04-1975 cũng có vài nét hơi hơi giống nhau. Họ là những con cờ thí để tạo ánh sáng rực rỡ cho cách mạng trong những ngày đầu của nó.

01-05-1975

Sáng ngày 01-05 tôi đi Sài Gòn thăm anh tôi, anh Khiêm rồi thăm trường Sao Mai, Chân Phước Liêm, Thanh Liêm, Tân Phú (cha Thiều). Tôi không thăm trường Bồ Đề Bình Dương vì không nằm trên tuyến đường đi về hướng nam của tôi. Tôi không ghé thăm trường Cơ Đốc vì được biết mục sự hiệu trưởng, giám học và tổng giám thị của trường đã rời Sài Gòn trước ngày 30-04. Trên Quốc Lộ 1 và Xa Lộ Đại Hàn vòng quanh Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung có nhiều quân phục và nón sắt liệng vung vãi trên đường. Khi vào cổng Quang Trung tôi giựt mình khi nghe anh bộ đội la to: “Bỏ kính xuống!” Tôi ngơ ngác chưa hiểu gì? và anh nói với ai? Nhìn qua nhìn lại không thấy có ai ngoài tôi. Tôi biết người bộ đội ra lịnh cho tôi lột kiếng mát một cách giận dữ. Tôi đâu có ngờ anh ấy được dạy hận thù người mang kiếng đến như vậy. Một người bạn của tôi anh bị ban quản giáo trong trại học tập trừng phạt chỉ vì không chịu bỏ cặp mắt kiếng cận! Lời quát tháo của người bộ đội Cộng Sản làm cho tôi hoảng hồn phải đem liệng đôi dép mới mua màu đỏ vì tôi nhớ đến một người cậu bị kết án tử hình vì treo bông giấy xanh, trắng, đỏ trong nhà vào dịp Tết. Nguyên nhân chỉ vì cậu là một nhà thầu thành công trong đệ nhị thế chiến. Về cá tánh bản thân tôi không thích ông cậu này vì cậu không tốt với bà tôi cũng không được lòng anh em trong nhà và người dân trong làng. Cậu cư sử theo phong cách ngạo nghễ của người giàu có. Nhưng không vì vậy mà cậu xứng đáng với cái chết chỉ vì bông giấy ba màu xanh, trắng, đỏ mà bị khép tội làm dấu cho Tây (Pháp). Kinh nghiệm thời thơ ấu này giúp cho tôi thời trung niên rất nhiều.

Chiều ngày 01-05 tôi đưa con trai trưởng của tôi về nhà. Vừa bước ra khỏi nhà bảo sanh của cô Mười cháu buột miệng hỏi: “Lá cờ này là lá cờ gì? Không giống lá cờ cũ.” Tôi không biết phải trả lời thế nào cho cháu hiểu mà chỉ yêu cầu cháu đừng hỏi nữa. Chiều hôm đó tôi dặn người láng giềng bán cho tôi một con gà đưa qua cửa sổ ở sau nhà. Đó là một buổi ăn cháo gà và gỏi gà kém hương vị nhất trong đời tôi.

* * *

Người Pháp định nghĩa văn hóa giản dị rằng Văn hoá là cái gì còn sót lại sau khi đã quên. Tôi thực hiện câu này bằng cách ghi lại sơ lược những gì đã xảy ra gần nửa thế kỷ trước sau khi đã quên một số. Tôi ghi lại các sự kiện như một ảnh chụp để người trong chuyện nhìn lại hình ảnh của chính mình trong quá khứ. Vẫn tươi đẹp? Lố lăng khi tuổi trẻ? hổ thẹn vì sự lố lăng? Trên lãnh vực lịch sử và chánh trị sự lố lăng và ấu trĩ dẫn đến những tai hại khủng khiếp biết dường nào.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Nguồn Người Việt Boston

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn