BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

DUYÊN ANH và NHỮNG ĐỨA TRẺ CON KHÔNG MUỐN LỚN …

20 Tháng Tư 20178:18 SA(Xem: 4560)
DUYÊN ANH và NHỮNG ĐỨA TRẺ CON KHÔNG MUỐN LỚN …
54Vote
44Vote
31Vote
21Vote
14Vote
3.214

Dưới đây là lời giới thiệu “DANH NÁ”, quyển sách đầu tiên được xuất bản 20 năm sau khi tác giả Duyên Anh qua đời, và 35 năm sau khi nó được viết xong, đang chờ đợi đến tay bạn đọc khắp nơi.

duyenanhdanhna

Sàigòn, hè 74. Cũng như những mùa hè trước, bãi trường rồi là tôi được tiền bố tôi thưởng cho một năm học chăm chỉ, đủ mua một quyển truyện mới để đọc trong những ngày hè nhàn hạ. Tôi nằm thẳng cẳng trên chiếu đọc ngốn nghiến “Hạ ơi”, truyện mới nhất về bọn Dzũng Đakao của Duyên Anh mà hè nào tôi cũng đón đọc. Trời hè nóng oi ả. Và trước sau vẫn thế, sách úp trên mặt, tôi trôi vào giấc ngủ trưa hè, trôi vào thế giới mộng mơ hồn nhiên của tuổi thơ, vào một thế giới mà tôi, một con nhóc tì, cũng được mơ thành người Quang Trung…

Tôi bàng hoàng tỉnh dậy. Trời sao ren rét, ngủ thiếp đi không đắp chăn làm hai bàn chân tôi buốt lạnh. Trên mình tôi trải bao nhiêu tờ giấy mỏng vàng khè, chi chít chữ viết tay… Tôi dụi mắt như tỉnh dậy từ một giấc ngủ tăm tối dài trên 42 năm. Những tờ giấy mà tác giả gọi là “bản thảo viết trên giấy xã hội chủ nghĩa”, đang ngổn ngang trên giường tôi, là truyện phiêu lưu của “Danh ná” ! À phải rồi, thằng “Danh ná” mà tôi đã làm quen từ những trang Hạ ơi của mùa hè huy hoàng cuối cùng của đời tôi, mùa hè 74…

Đã mấy lần ở viện dưỡng lão, bố tôi cứ nhắc nhở : “Con nhớ nhé, nhớ ghé thăm vợ con chú Long cho bố nhé. Chú Long là nhà văn Duyên Anh, mà ngày xưa con hay đọc sách đấy.” Bố tôi cứ nhắc đi nhắc lại vì cứ nói trước lại quên sau. Nhưng làm sao tôi quên được chuyện ông kết bạn với ‘chú Long’ trên cái tầu há mồm, khi cả hai ông “thanh niên đơn thân độc… áo” như nhau, theo đoàn người di cư vào Nam năm 54. Rồi đường đời họ hai ngả… Bố tôi sống khiêm nhường với nghề vẽ. Chú Long thành nhà báo, nhà văn, với bao nhiêu bút hiệu khét tiếng ở Sàigòn. Lúc ấy còn bé tôi chỉ đọc tủ sách “Tuổi Ngọc”, nên chỉ biết chú Long là nhà văn Duyên Anh thôi. Rồi sau biến cố 75, sau trại cải tạo, trại tập trung, khám Chí Hòa, và sau ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh vượt biển, họ lại một lần nữa hội ngộ trên con đường tỵ nạn cộng sản, lần này tại Paris. Ở xứ người, tên tuổi của Duyên Anh lại một lần nữa nổi lên như cồn. Giới văn chương Pháp từng gọi ông là “một thiên tài quốc gia”, là một Solzjenitsyn của Việt Nam… Thật chính đáng, vì ông viết sách như ông thở, không ngừng nghỉ. Sau khi bị đánh trọng thương ở Mỹ, liệt tay phải ông luyện tập tay trái để tiếp tục viết. Ông chỉ ngừng viết khi ông đã ngừng thở… thấm thoát nay đã hai mươi năm.

Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé thăm gia đình Sơn, người con trai út của ông. Không bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày tôi nhận lấy cái trách nhiệm to tát mà Sơn dò hỏi tôi : “Chị Lan ơi, chị xem trong bộ sách của bố em coi có gì chưa xuất bản, mình đem ra in được hông chị ?” Tôi đâu bao giờ tưởng tượng nổi rằng trong cái kho tàng văn chương mà nhà văn Duyên Anh để lại, có thể còn những quyển truyện chưa xuất bản ! Hạnh phúc sao, khi tôi soạn ra và tìm thấy năm bản thảo hoàn tất mà chưa bao giờ được ấn bản, và hàng chục những bút ký về những nhân vật mà tác giả cảm phục, từ cụ Nguyễn Khuyến, Hàn Mạc Tử,… qua nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, đến nhạc sĩ Phạm Duy, hay cô ca sĩ Bích Thuận… Duyên Anh viết rất nhiều, về rất nhiều đề tài, viết nhiều truyện cùng một lúc, nên khi ông bất chợt ra đi, ông bỏ lại rất nhiều tác phẩm dở dang… Tôi bùi ngùi hối tiếc… Nhưng rồi khi nhìn lại những gì mình có trên tay, tôi bồi hồi sợ hãi, vì cả đời tôi chưa viết được bài nào huống hồ là in sách, mà lại là sách của một văn hào như Duyên Anh !

Sau bao tháng vừa hì hục làm vừa tập tễnh học nghề, vừa xin thủ tục in sách theo luật của Pháp, truyện phiêu lưu của “Danh ná” ra đời, ngót 43 năm kể từ ngày Duyên Anh đặt bút viết hàng chữ đầu tiên của câu truyện.

Truyện ‘Danh ná’ tôi khởi viết ngay sau khi Trung Cộng tấn chiếm đảo Hoàng Sa, và Hoàng Sa, thuở đó còn thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa. Thuở đó, Hà Nội đã cúi gầm mặt, im hơi lặng tiếng trước cuộc xâm lăng bỉ ổi này. Chương thứ nhất của Danh náđã đăng trên Tạp chí Tuổi Ngọc.

Tôi không biết nguyên do nào đã đưa đẩy đến sự lãng quên “Danh ná” trên kệ sách của tác giả cho đến ngày hôm nay. Khi ông hoàn tất bản thảo năm 1982, sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, Thiên Hương, con gái ông đã viết :

« Thưa bố, những trang bản thảo Danh ná con biết bảo vệ năm con mười một tuổi. Năm nay, con đã mười tám rồi. Con xin bố tha thứ cho con cái tội đã trót giấu bố đem thằng Danh ná sang Pháp mong cho xuất bản công khai, không cần ký ẩn dưới bút hiệu nào khác. Xuất bản Danh ná, mục đích khờ khạo của con gái bố chỉ muốn nói lên điều này : “Bố tôi viết chuyện con nít đòi chiếm lại đảo Hoàng Sa, không chịu để mất một tấc đất cho kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa mà tại sao người ta dám bảo bố tôi phản động !”»

Phải chăng, năm 1986, sau khi Thiên Hương cùng chồng là D. McAree – cả hai đều là những nhà hoạt động nhân quyền đầu tiên của người Việt tỵ nạn trong tổ chức Ân Xá Quốc Tế – đã tử nạn hàng không ở Thái Lan, trong đau đớn tột cùng đó, ông Duyên Anh đã gác sách và đóng Tủ sách Dzũng Đakao lại, không xuất bản một quyển sách tuổi thơ nào nữa, dù trước đó ông đã hoàn tất hai truyện (Danh ná ; Nhóc tì phản động) và còn dự tính viết thêm bốn truyện trẻ thơ nữa (Giặc cờ đỏ; Hoàng tử trên sân cỏ; Tâm gạc ổi; Những thằng bé quốc lộ một).

Như Thiên Hương đã viết : « Truyện Danh ná thuộc loại truyện “những đứa trẻ con không muốn lớn” mà bố tôi có ý định viết hàng trăm cuốn. Mỗi cuốn bố tôi giới thiệu một nhô con cự phách và dễ thương ở một địa phương. Để nhô con cả nước Việt Nam hiểu nhau, yêu nhau và thấy được rằng quê hương mình chỗ nào cũng đẹp, chỗ nào cũng hiền hòa. Nhưng việc làm của bố tôi bị ngừng lại từ tháng 5 năm 1975. »

Giờ đây “Danh ná”, quyển sách đầu tiên được xuất bản 20 năm sau khi tác giả Duyên Anh qua đời, và 35 năm sau khi nó được viết xong, đang chờ đợi đến tay bạn đọc khắp nơi. Tôi đã giữ được chặng đầu của lời hứa của tôi với Sơn và với bố tôi. Nhưng trên hết đó phải là nguyện ước của tôi đối với “những đứa trẻ con không muốn lớn”, những đứa trẻ đã từng cùng tôi trải qua bao giấc mộng tươi sáng hồn nhiên của miền Nam dấu yêu trước 75, và một lần nữa chúng đã cho tôi sống lại những ngày tháng huy hoàng đó qua “Danh ná”. Và qua “Danh ná” tôi cảm thấy như mình cũng thuộc vào “những đứa trẻ con không muốn lớn”.

ttlan,
viết cho chú Long, cho Thiên Hương, và cho bố.
08/04/2017

Ps : Để đặt mua sách, xin liên lạc thẳng với Vũ Thiên Sơn qua email : duyen.anh.and.sons@gmail.com. Giá €20 + tiền cước, chỉ nhận trả qua Paypal.

Nguồn Bảo vệ Cờ Vàng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn