Chiều chiều ra đứng trông về Bắc
Chỉ thấy mây thôi chả thấy gì
NGUYỄN BÍNH
I.
Tôi có một ông bố giang hồ. Tuổi trẻ của bố tôi tiêu pha cho một chuyến đi vô định. Tôi không biết mẹ tôi đã khóc bao nhiêu đêm. Khi tôi lớn khôn, bố tôi dừng bước giang hồ. Vì chiến cuôc. Một phần bố tôi đã già. Và, chắc chắn, ông nhìn rõ vạt nắng chiều thoi thóp trên cuộc đời mẹ tôi để định cư, để quên chuyện bồng bềnh và để thương vợ con. Bố tôi vẽ một bản đồ Đông Dương thật lớn, treo tường. Những vạch bút chì xanh đỏ chằng chịt. Bố tôi bảo đó là những con đường bố tôi đã ghi lại dấu giầy phiêu lãng. Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đồng Hới... Có con đường dài nhất, xuyên qua Trung kỳ, con đường đưa ông bố giang hồ của tôi vào Sàigòn. Con đường ấy cũng dẫn bố tôi về Bắc, về quê hương Thái Bình của tôi. Như thế, con đường không dài. Mang trong cơ thể giòng máu giang hồ, những năm còn bé, tôi cũng đã trốn nhà làm những chuyến giang hồ vặt. Thường thường, mẹ tôi phải đi dón tôi về, đánh vài chục roi và khóc suốt đêm vì hối hận đã đánh con quá đau. Tôi chỉ vẽ được bản đồ tỉnh Thái Bình mười hai phủ huyện với giòng sông Trà Lý hiền hòa, thơ mộng. Vệt bút chì xanh ghi chuyến đi xuống Tiền Hải, ra bãi biển Đồng Châu ở với chú. Vệt bút chì đỏ ghi chuyến đi sang Thái Ninh thăm bác. Tôi không bao giờ mơ ước một vệt bút màu kỷ niệm chuyến đi vô Sàigòn. Thế mà tôi đã vô tận Sàigòn. Năm đó, tôi mười chín tuổi.
II.
Những buổi chiều mưa, túi rỗng không và lòng cũng rỗng không, đứng ngoài hiên một căn nhà, ngó trộm vào, thấy ngọn lửa nấu cơm, tôi nhớ nhà đến ứa nước mắt. Tôi mơ hồ nhìn rõ những giọt nước mắt của mẹ tôi, của em tôi. Bố tôi thì yên lặng. Ông không nghĩ là thằng con giang hồ của ông có thể nhịn đói hai ba ngày liền giữa một Sàigòn no ấm. Ngày xưa, bố tôi ra đi, luôn luôn tay trắng. Thế mà mỗi lần về, ông đều chở về rất nhiều kỷ niệm và kỷ vật. Đàn dê mạn ngược. Dao quắm đường rừng. Đặc biệt nhất, bộ bà ba lụa Lèo, cây đàn ghi ta và bốn chiếc răng vàng. Kỷ niệm và kỷ vật Sàigòn của bố tôi đấy. Ông còn cả tấm ảnh chụp chung với Tư Chơi, một danh tài vọng cổ Nam kỳ. Bố tôi đã theo vài gánh hát cải lương lưu diễn. Ông thất bại vì người Bắc kỳ không thể hát vọng cổ tuyệt diệu bằng người Nam kỳ. Dù sao, bố tôi cũng là tay giang hồ. Thằng con giang hồ của ông thật đoảng vị. Nó nằm bẹp trên gác ba Nhà Hát Tây, sống bằng gạo, bánh mì phát chẩn và đói rách rạc dài. Sàigòn khi tôi vô không giống Sàigòn khi bố tôi vô nữa. Tôi muốn trở về, muốn mãi mãi bé bỏng, muốn được mẹ tôi nọc ra, quất vài chục roi vào mông rồi nghe mẹ tôi khóc thương tôi suốt đêm để sáng sau đền trận đòn bằng đĩa bánh cuốn nhiều giò nhất. Tôi muốn trở về, muốn nghe bố tôi bênh tôi bằng câu nói ấm áp : "Tôi, ngày xưa, còn hư gấp mười nó". Nhưng làm sao trở về ? Làm sao trở về mái nhà xưa ? Con đường từ Bắc vô Nam không dài đối với bố tôi mà thật dài, dài mười bảy năm thương nhớ, dễ chừng, dài suốt cả đời thương nhớ của tôi.
III.
Mười bảy năm rồi đấy. Mười bảy năm tôi xa quê, xa nhà. Bố mẹ tôi chắc gì còn sống. Quê nhà tôi chắc gì còn như xưa. Mẹ tôi vẫn tưởng tôi bé bỏng, khờ dại. Tại sao người mẹ Việt Nam nào cũng cứ tưởng con mình bé bỏng, khờ dại mãi mãi. Tưởng thế để thương yêu con mình hơn. Mẹ tôi không thể ngờ tôi đã lấy vợ, có con và đeo đuổi nghề viết lách tầm thường sau mười bốn năm cắm sừng vào đầu húc thí mạng với cuộc đời oan nghiệt. Vợ tôi người miền Nam, đã đau khổ, đã khóc lóc vì tôi, vì cái máu giang hồ của tôi như mẹ tôi đã đau khổ, đã khóc lóc vì cái máu giang hồ của bố tôi. Tôi không còn nhớ nhà, nhớ quê. Y hệt con chim đã đủ lông cánh, ngày kia, nó chuyền sang cây khác, rời tổ, bay xa hơn và làm tổ khác. Tôi đã Xin nhận nơi này làm quê hương vì tôi biết chỉ có thể gặp lại bố mẹ tôi ở một thế giới khác. Ngày về không phải là xa. Mà không có. Không có ngày về. Ôi, biên giới của lòng người, biên giới của thù hận, lởm chởm móng vuốt ưu phiền.
IV.
Con tôi đã lớn. Một ngày, tôi nhớ không rõ, thằng con trai đầu lòng của tôi bỗng cảm thấy thiếu tình thương quê nội, cầm tay tôi, mắt mở to tròn, hỏi tôi : "Bố ơi bố, ông nội, bà nội của con ở đâu" ? Tôi vuốt tóc nó : "Ở ngoài Bắc, Bắc kỳ ấy mà". Nó hỏi tiếp : "Quê ngoại con ở Long Xuyên thế quê nội con ở đâu" ? Tôi bảo nó lấy giấy bút, vẽ cái bản đồ Việt Nam và chấm đại một dấu trong miền đồng bằng miền Bắc, viết hai chữ Thái Bình, rồi nói : "Quê nội con ở Thái Bình". Con tôi cười tươi : "Bố kể chuyện quê nội Bắc kỳ cho con nghe đi, bố" ! Tự nhiên, tình hoài hương vụt thức trong hồn tôi. Tôi nhớ nhà, nhớ quê chị lạ. Nhớ từng bóng nắng. Nhớ từng hàng cây. Nhớ từng viên gạch. Tôi nghĩ tới những đứa trẻ chỉ biết quê ngoại miền Nam, những đứa trẻ quê nội ở miền Bắc mà không hề biết quê nội, quê ngoại mình ra sao. Những đứa trẻ đã hai mươi mấy năm thiếu quê hương. Bài thơ thương nhớ quê hương nào diễn tả hết nỗi buồn thiếu quê hương ấy ? Bản nhạc thương nhớ quê hương nào dài bằng thời gian hai mươi năm thiếu quê hương ? Tôi vỗ nhẹ vai con tôi : "Bố sẽ kể dần dần quê nội Bắc kỳ cho con nghe. Bố kể theo trí nhớ. Con nghe nhé, quê nội Bắc kỳ của con thật nhiều đau khổ"...
V.
Một năm có hai mùa lúa : Vụ chiêm, vụ mùa. Hai mùa lúa, đối với người quê hương miền Bắc, đều cấy trên đất khô cằn thẩm ướt mồ hôi, nước mắt. Những bông lúa vàng tương lai ấy, để có nó, có những ngày mùa náo nhiệt, ngày hội linh đình, ngày xuân êm đềm; có những đêm trăng kéo lúa thơ mộng, đêm chèo tình tự nên thơ, đêm đông ổ rơm nồng ấm, người quê nhà tôi đã phải trải qua những ngày tháng hồi hộp, lo âu. Nắng tháng hạ gay gắt cho luống cầy ải khô ròn. Nhưng nếu mưa chưa kịp đổ thì nắng chỉ là tai họa. Đai hạn đó. Người quê tôi, đêm đêm, ngẩng mặt nhìn trời, xem trăng sao mà đoán điềm... thiếu nước. Và ông Trời luôn luôn là Đấng linh thiêng giáng phúc. Chắp tay lạy bốn phương Trời, mười phương Phật.
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Những ngày cầu mưa, nếu bầu trời vần vũ và xuất hiện một cơn mây đen hay cơn mây trắng ở góc trời giống hình cái vòi con rồng, nỗi vui buồn gửi lên mây.
Rồng trắng lấy nước thì mưa
Rồng đen lấy nước chúa, vua cũng buồn
Thường thường, vụ lúa chiêm chỉ phải lo giặc hạn hán, giặc châu chấu. Trời không thương thì những con sông nhỏ, những con ngòi được vét hết nước lên ruộng.
Ruộng thấp thì tát gầu dai
Ruộng cao thì phải tát hai gầu sòng
Năm nào trời hành hạ, trời hành liên miên. Tát nước đêm ngày để bừa ruộng, cấy lúa. Vừa cấy xong buổi chiều, cả đêm trời trút mưa. Công lao tát nước, vét nước kể như công dã tràng. Mưa làm bật rễ mạ vừa cấy. Lại phải tháo nước ruộng cho chảy xuống sông ngòi. Nước chở theo phân bón. Và ruộng mất hết mầu mỡ. Vụ chiêm năm đó, người nhà quê miền Bắc, dù phải dùng bèo hay phân, vẫn chẳng được mùa. Cho nên lại :
Lạy trời mưa nắng phải thì
Nời thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản lâu đâu
Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng
Vụ chiêm bết bát nhưng "đêm tháng năm chưa nằm đã sáng", hy vọng dành cho vụ mùa. Vụ mùa, vụ lúa kéo dài nỗi lo lắng. Cơn gió heo mau trải dài trên đồng lúa con gái như trải dài niềm sợ hãi mất mùa. Trời không thấy đâu. Và sức người không đủ chống với sức trời. Bão táp vài trận. Nhà trốc nóc. Cây cối ngã nghiêng. Lúa vừa có đòng đòng, lúa có mang đó, mùi sữa vừa quyến rũ đã đành chịu gió cuồng vùi dập. Bão không làm mất mùa nhưng bão vẫn đủ khả năng xô đổ mộng ước của người quê nhà tôi.
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió, trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng
Người quê nhà tôi, quê nội Bắc kỳ của con tôi, khổ thế đó. Từ tận đáy của đau khổ, sức chiến đấu vươn lên. Chiến đấu suốt đời. Chiến đấu với kẻ thù truyền kiếp Hán tộc. Chiến đấu với thiên nhiên. Không nản chí. Và luôn luôn chiến thắng. Bão tố qua rồi, lại lo nước lũ. Nước lũ phăng phăng chảy về đồng bằng. Phù sa béo bổ lắm. Không ai ham. Nước sông dâng lên đáng ngại. Mỗi giờ mực nước lên một chút. Nước chảy xiết phũ phàng. Những con đê yếu đuối loang lở và khuất phục từ nghìn năm. Quê nhà tôi có tiếng trống ngũ liên, đánh từng năm tiếng, liền liền, là tiếng động mà tôi cho là kinh hoàng nhất thế giới. Tiếng trống canh đê ở quê nhà tôi lôi cuốn dân quê miền đồng bằng vào nỗi sợ hãi muôn thuở. Tiếng trống phải nổi lên đều đều, rõ ràng suốt ngày đêm qua mùa nước lũ. Không được ngừng. Không được im. Ngừng và im là đê đã vỡ. Là nhìn thấy tương lai chết đói, chết rét. Mùa nước lũ thường đi đôi với mùa mưa. Những trận mưa hãi hùng toa rập với nước lũ. Nước lũ xoáy vẹt chân đê. Nước mưa xối lở mặt đê. Người quê tôi thúc thủ nhìn kẻ thù hoành hành. Tre đã chặt sẵn. Chòi đã dựng cao khỏi nóc nhà. Trâu bò ưu tiên ở chòi. Mất mùa cũng được nhưng đừng mất trâu bò. Gia tài của nông dân miền Bắc là trâu, bò. Quý trâu, bò hơn quý vợ con, hơn quý cả bản thân mình. Mùa đông, những ngày có sương muối làm buốt da thịt, đưa trâu bò ra đồng gặm cỏ, áo tơi cởi ra chịu lạnh, khoác cho trâu bò kẻo trâu bò cóng rét, mang bệnh. Lương thực chứa sẵn trên chòi nếu năm nào nhãn được mùa. Được mùa nhãn là mất mùa lúa. Là nước lũ dâng ngập mặt đê. Là có thể vỡ đê. Đê mà vỡ, thảm cảnh kể ra không xiết. Nữ sĩ Anh Thơ tả cảnh đê vỡ :
Đê đã vỡ một đêm mưa tầm tã
Nước băng sông ồ ạt chảy qua đồng
Làng xóm lụt chìm đi bao mái rạ
Bao cây vườn mất tích giữa mênh mông
Qua ngày rằm tháng bẩy, ngày xá tội vong nhân, nước lũ chảy yếu dần và nước sông rút vợi là tai họa đã trôi hết ra biển đông. Dân quê thở phào, cám ơn Trời, Phật. Vụ mùa chắc được gật lúa rồi. Tết nguyên đán vui lắm đây. Nếu mưa thuận, gió hòa, công việc quanh năm của người quê nhà tôi diễn tiến như vầy :
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm
Sáng ngày vác cuốc ra thăm
Hết nước thì lấy gầu sòng tát lên
Hết mạ ta lại quẩy thêm
Hết thóc ta lại mang tiền đi đong
Nữa mai lúa tốt đầy đồng
Gặt về đập xẩy bỏ công cấy cầy
Và hạnh phúc, cái hạnh phúc khiêm tốn ấy được diễn tả thật bình dị :
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn bấc bán bông
Tháng một tháng chạp nên công hoàn toàn
VI.
Quê nhà tôi, tôi muốn viết về "nó" cả một cuốn sách dài thương nhớ đủ bốn mùa. Tôi muốn tả cái màn sương thơ mộng, êm đềm bao phủ lấy nỗi đau khổ muôn đời. Như tiếng sáo diều lơ lững giữa trời hạ. Như tiếng tu hú buồn lan tỏa không gian kéo dài thời gian tít tắp. Như con đường trăng đêm chèo. Như mùi thuốc pháo. Ôi, mùa thuốc pháo thơm ngát một mùa xuân thanh bình. Mùa xuân níu kéo sương lạnh mùa đông. Khói pháo bị sương lạnh giữ lại. Mặt trời lười biếng thức giấc. Sương không tan. Sương là đà. Sương ấp ủ khói pháo. Và mùa xuân thơm hoài mùi pháo tết. Tôi muốn viết về người quê nhà tôi, tình người quê nhà tôi và tình quê nhà tôi.
Tình quê hương thắm thiết. Lãng mạn lắm, đau khổ nhiều. Lãng mạn bao giờ cũng tìm cách vươn lên cho tiếng thầm tình tự lấn át tiếng buồn cố hữu. Và đó là thơ lục bát, là ca dao, là sáo diều vi vu. Người ở quê nhà tôi gửi thương yêu lên trời. Thương yêu bàng bạc không gian, thương yêu bàng bạc thời gian. Không làm sót sa, rơi lệ. Không làm thổn thức, bồi hồi, man mác, lơ lửng. Cái chất lãng mạn ấy chỉ tìm thấy ở quê nhà tôi. Thơm mùi hoa lan, xanh màu hoa lý. Rồi tôi sẽ viết. Tôi sẽ viết về quê hương tôi ngàn năm chịu đựng, ngàn năm độ lượng. Bởi không biết hận thù. Tôi sẽ viết về quê hương hiền hòa và người quê hương thượng võ. Tôi sẽ tả một anh đô vật trẻ tuổi đi mấy chục dặm đường, qua nhiều con đò trong mùa xuân hội hè dự giải vật. Tốn bao nhiêu tiền, phí bao nhiêu sức chỉ để nhận một mảnh lụa điều vinh dự nếu thắng cuộc. Kẻ thua, người thắng quì gối lạy nhau. Tôi sẽ tả tiếng trống vật, tả quang cảnh vật không hề gây chết chóc, đổ máu ở quê nhà tôi. Tôi sẽ tả trận đấu trung bình tiên ngoạn mục mà Thế Vận Hội chẳng bao giờ có. Ôi, quê hương không thù hận đó, tôi phải viết, cần phải viết. Vì "nó" đã mất, đã mất rồi.
VII.
Những người thân thích, những bạn bè miền Nam của tôi.
Những em bé sinh ra đời trên máy bay, trên tàu thủy mười bảy năm trước.
Những em bé năm bảy tuổi đã xa quê nhà.
Những em bé chỉ biết quê ngoại miền Nam như con tôi.
Những bà mẹ không biết quê nội Bắc kỳ của con mình.
Những ông bố không biết quê ngoại Bắc kỳ của con mình.
Rồi tất cả sẽ biết, sẽ được thưởng thức miếng cùi dừa kẹp lấy bánh đa nướng. Rồi tất cả sẽ thấy hình ảnh Bắc kỳ thân yêu. Chúng ta sẽ làm lại một quê hương Việt Nam lãng mạn và thơ mộng. Quê hương ấy, giữa mùa đông thê lương, trong đồng nước bao la, một người khoác áo tơi, đội nón trông giống hệt con cò đứng thu một cẳng trên bãi sông rộng, đìu hiu. Người ấy là người Việt Nam. Là con cò cần cù, nhẫn nại. Là con cò cao thượng, dám chọn cái chết vinh dự lúc sa cơ.
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con
Với tinh thần dân tộc đó, chúng ta sẽ làm lại quê hương rách nát hôm nay. Và biên giới quê nội Bắc kỳ, quê ngoại Nam kỳ, và sự tưởng thiếu quê hương, mất quê hương sẽ phai nhòa. Chỉ còn lại một quê hương muôn thuở. Quê hương Việt Nam yêu dấu. Quê hương Việt Nam không xa cách, không hận thù.
Duyên Anh
(20-7-1971)
Tuổi Ngọc số 9