BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76302)
(Xem: 63007)
(Xem: 40404)
(Xem: 32000)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thời thế trong một bài thơ Tô Thùy Yên

06 Tháng Tư 20176:37 SA(Xem: 1636)
Thời thế trong một bài thơ Tô Thùy Yên
51Vote
40Vote
31Vote
21Vote
11Vote
2.84

Ở đây địa ngục chín tầng sâu
Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.

Bước tới, chân không dè đá sắc,
Vai trần chín rạn gánh oan khiên,
Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc,
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng.

Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc.
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!
Nắng kim khí chảy, đá ran nứt
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn.

Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng.
Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn.
Dân làng lũ lượt kéo lên rú
Lùng sục đào khoai củ đã khan.
(Tô Thùy Yên, Mùa Hạn)

Nhà thơ Tô Thùy Yên sinh năm 1938 tại Gia Định, như thế trước hết, xứ sở bối cảnh của bài thơ Mùa Hạn là thuộc một nơi ông đã từng sống. Có thơ đăng và nổi tiếng từ tạp chí Sáng Tạo (tờ báo xuất bản và đóng cửa trong khoảng 5 năm 1956-1961), nhưng bài thơ trên không thuộc giai đoạn đó, nó được viết gần 20 năm sau, đúng ra là năm 1979, nhưng phải 15 năm nữa nó mới được in ra, không phải ở trong nước mà ở Hoa Kỳ, trong thi tập “Thơ Tuyển” của ông, 1995.

nhathotothuyYen
Nhà thơ Tô Thùy Yên tại tòa soạn Khởi Hành và bìa cuốn “Thơ Tuyển” của ông in năm 1995. (Hình: Viên Linh)

Tập thơ dày 224 trang, gồm có 37 bài, chỉ có ba bài ghi nơi sáng tác, một bài ghi “Saigon 1988-Saint Paul 1994,” một bài ghi “Trại biệt giam 3C Tôn Đức Thắng, 1991” và may thay, bài Mùa hạn ghi rõ: “Nghệ Tĩnh, 1979.” Tôi chưa có dịp hỏi tác giả song tin chắc đây là nơi anh bị chế độ mới giam cầm.

Vào bài ngay câu đầu tác giả đã nói: ở đây là tầng thứ 9 của địa ngục, người ta bị xiềng chung với nhau, không dám nhìn nhau nữa là nói với nhau, răng cắn chặt, mắt ứa máu, những kẻ bị tù tội vô cớ – hay trót dại – chỉ mong chết cho xong (Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng). Trong 16 câu thơ trên, cụ thể chưa từng thấy: nước khe, cơm độn, nắng cháy, cát bay, rừng khô rụm, sông hồ nẻ, đá nút lở, trên núi non muông thú đã không còn, nhưng thấy dân làng “lùng sục” đào bới tìm củ khoai củ sắn đã quá hiếm hoi khó thấy.

Trong các nhà thơ của phong trào thơ tự do, Tô Thùy Yên có một thi-ngữ riêng biệt không thể lẫn, đặc nét miền Nam, và nổi bật trong thể thơ 7 chữ. Từng chữ trong câu thơ của anh sáng một ý nghĩa của chữ, ráp vào thành một câu từ một đến bốn dòng có thể tách riêng thành một đoạn rất dễ thuộc; đây lại là những chữ mộc mạc ít khi là những danh từ Hán Việt, mà là những tiếng nói trong một câu nói hàng ngày:

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cảm ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
(Tô Thùy Yên, Ta Về)

Đôi bàn tay vỗ nháng âm thanh
Loan báo trần gian buổi thượng trình
Của các vương tôn miền trí tuệ
Lần sau cùng phó hội u minh.
(Tô Thùy Yên, Mòn Gót Chân Sương…)

Trở về bài thơ Mùa Hạn, một trong những bài thơ dài: 47 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tức là 118 câu, in trọn 16 trang trong tập thơ. Khi thi sĩ làm một bài thơ dài như thế, nó đã được viết rất kỹ, kết cấu bố cục và dàn trải như một công trình suy niệm, cho dù có thể tác giả có hứng khởi ở một đoạn nào đó. Nhưng sau khi viết câu đầu: “Ở đây địa ngục chín tầng sâu, Cả giống nòi câm lặng gục đầu…” tôi tin Tô Thùy Yên đã bắt đầu việc kể ra tất cả những gì người thi sĩ thấy cần phải kể, một khi người cầm bút nhắc đến giống nòi. Không mấy ai làm thơ về giống nòi, mà một khi đã đụng đến giống nòi, người thi sĩ biết mình sẽ phải làm gì.

Sau mới 8 dòng, anh viết một câu không ai nghĩ là thơ Tô Thùy Yên:

Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!

Câu đó nghe như lời của một lão trượng, hay tiếng than của một vị già làng không còn đủ nhẫn nhục chịu đựng được nữa. Cái chết đến mảnh đất đó bắt đầu từ con giun cái kiến trở đi. Người thi sĩ bắt đầu kể một đoạn sử của dân tộc, của mảnh đất đau thương đầy tội ác đang bị nguyền rủa bị trừng phạt bởi Thần linh:

Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng.
Ác điểu ngày đêm gào xáo xác
Cơ hồ cả thế giới lâm chung.

Cây đa râu tóc già thiên cố
Trụi lá. trơ cành, xương nám đen
Khiến lũ ma hoang hằng ẩn náu
Bỏ đi nhường chỗ cho chim kên.

Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
Mọi người nghe chính mình kêu rú…
Liệu sáng mai còn ai nữa không?

Sau 7 đoạn mở đầu (28 dòng), thi sĩ bắt đầu tả đến các nhân vật. Tôi có thể kể sơ sơ như sau: 1-Đám chủ mới y trang xúng xính. 2-Có gã hề cuồng ra giữa chợ. 3-Người mẹ trẻ buồn đôi mắt trũng. 4-Ta khóc lẻ loi, cười một mình. 5-Em. 6-Ông lão mù lòa. 7-Chú bé. 8-Quê ta. 9- Nhà ta biết có còn nguyên vẹn? 9-Trở về.

Đoạn kết trong có hai đoạn:

Những ai hôm trước từng gây tội
Hãy lắng tâm tha lấy tội mình
Tự tại, thời gian chôn chính nó
Đời lên lại mãi tựa bình minh.

Sẽ lo chẳng những cho người sống.
Lo cả cho người khuất mặt kia.
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ
Chung lời thương tiếc khóc trên bia.

“Mùa Hạn” của Tô Thùy Yên là một tiểu phẩm thi ca hơn là một bài thơ như những bài khác trong tập.

Viên Linh
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn