BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73229)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sự minh bạch trong hệ thống hành chính và thư lại

06 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 846)
Sự minh bạch trong hệ thống hành chính và thư lại
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Đã có nhiều người nói về hai bộ phim tập “Trần Thủ Độ” và “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vốn nằm trong dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ở cả hai bộ phim ấy, điều người ta chú ý nhiều nhất là ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc. Theo nhiều nhà bình luận, những người trực tiếp xem toàn bộ hoặc một phần hai bộ phim ấy thì đó là những cuốn phim Tàu nói tiếng Việt.



Tuy nhiên, liên quan đến chuyện làm phim này còn có hai khía cạnh khác ít có người đề cập: Thứ nhất, năng lực lãnh đạo và quản lý các dự án lớn và thứ hai, cách thức tiến hành các dự án lớn của chính phủ Việt Nam.

Trước hết, nói về vấn đề năng lực. Xin lưu ý: kế hoạch kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã được hình thành từ cả 10 năm trước. Năm 2002, tức cách đây 8 năm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã mời 15 nhà biên kịch viết đề cương kịch bản cho một phim truyện lịch sử về Thăng Long. Kết quả là kịch bản “Hội thề Đông Quan” của Nguyễn Quang Thân đoạt giải nhất và “Thái tổ Lý Công Uẩn” của Đinh Thiên Phúc đoạt giải nhì. Ba năm sau, Ban tổ chức công bố kịch bản của Đinh Thiên Phúc được chọn và bắt đầu cho tiến hành việc “đấu thầu đạo diễn”. Công việc này kéo dài ba năm với những cãi cọ, gấu ó om sòm giữa các đạo diễn và giữa các đạo diễn và Ban tổ chức. Ban tổ chức thì lúc nào cũng lúng ta lúng túng; cuối cùng, đến giữa năm 2008 thì có vẻ phủi tay, không tiếp tục dự án làm phim với ngân sách ban đầu lên đến 200 tỉ đồng Việt Nam nữa. Hay nói theo lời của nhà sử học Dương Trung Quốc, “Nhà nước đã phó mặc cho người làm phim phục vụ cho một chủ trương lớn, sau khi đã bất lực không tổ chức nổi việc làm phim về chủ đề kỷ niệm”.

Người ta giải thích sự thất bại của dự án làm phim lịch sử về Hà Nội là do chưa thể thống nhất về kế hoạch thực hiện và đặc biệt, do những xung khắc không thể hóa giải nổi giữa các đạo diễn.

Nói thế chỉ là một cách chạy làng vụng về. Mười năm mà vẫn chưa xây dựng được một kế hoạch thống nhất, vậy người ta cần bao lâu nữa? Về chuyện xung khắc, thì ở đâu lại chẳng có? Xung khắc về quan điểm. Xung khắc về quyền lợi. Xung khắc về cá tính. Đó là những chuyện muôn thuở. Ở các nước Tây phương, những sự xung khắc ấy lại càng dữ dội, càng quyết liệt, và càng không khoan nhượng, vậy tại sao người ta vẫn làm việc được, hơn nữa, làm một cách vô cùng có hiệu quả?

Cứ nhìn vào Tổng thống Mỹ mà xem. Được xem là người có quyền lực nhất thế giới, nhưng đâu phải ông muốn làm gì thì làm. Ở đâu và việc gì, hầu như ông cũng phải thương lượng và nhân nhượng. Trước mặt ông là đảng đối lập lúc nào cũng rình rập, phê phán, phản đối và tìm mọi cách để phá tan mọi kế hoạch của ông. Chung quanh ông, ngay trong những người thân cận nhất cũng trăm người trăm ý: bản thân những người ấy cũng chịu sự tác động của các nhóm lợi ích khác nhau. Nhiệm vụ của ông là phải đàm phán. Lúc nào cũng đàm phán.

Có thể nói, một trong những năng lực quan trọng hàng đầu của các nhà lãnh đạo và quản lý là phải biết cách đàm phán, thương thảo và hóa giải các xung khắc để có thể hiện thực hóa các hoài bão của mình. Thủ tướng Úc hiện nay, bà Julia Gillard, trong cuộc vận động tranh cử trong tháng 8 vừa qua, để thuyết phục cử tri, lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại một trong những mặt mạnh nhất của bà là khả năng thương thảo, đàm phán, khả năng làm việc với những người bất đồng ý kiến. Trong các khóa học về nghệ thuật lãnh đạo, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng đặc biệt của những năng lực ấy. Không có chúng, không thể lãnh đạo, ít nhất là không thể lãnh đạo trong một môi trường dân chủ, nơi mọi khác biệt đều được tôn trọng.

Theo tôi, đó có thể là một trong những khuyết điểm lớn nhất của giới lãnh đạo các cấp ở Việt Nam hiện nay. Người ta chỉ quen với việc một mình mình quyết định và ra lệnh một cách độc đoán. Khi đối diện với những công việc đòi hỏi phải thảo luận và đàm phán, người ta đâm ra lúng túng, và cuối cùng, bó tay, hoặc làm những điều vô cùng dại dột.

Khía cạnh thứ hai là cách thức tiến hành các dự án lớn.

Thay vì cố gắng thương lượng và thuyết phục những người liên hệ để tìm một giải pháp khả thi cho dự án làm phim lịch sử, giới cầm quyền Hà Nội đã quyết định một cách nông nổi là làm lén. Không có một cuộc hội thảo nào nữa cả. Không có quyết định nào được công khai hóa cả. Cả hai bộ phim chính do nhà nước tài trợ, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” gồm 19 tập và “Trần Thủ Độ”, 30 tập, đều được sản xuất một cách bí mật.

Thiên Sơn, trong bài “Chuyện phim Lý Công Uẩn và Trần Thủ Độ, bây giờ mới kể”, cho biết:

“Người ta dấu nhẹm đi chuyện Trung Quốc cùng hợp tác, đồng sản xuất mà chỉ nói đến công ty Trường Thành sản xuất phim “Đường tới thành Thăng Long”. Kịch bản này do ai viết và cài vào đó những chi tiết nào không hay, không đúng cũng chẳng thấy ai làm rõ. Và tại sao nó lại được làm một cách bí mật che dấu hết mọi thông tin? Khi bộ phim khởi quay ở Trường quay Hoành Điếm, chỉ một mẩu tin nhỏ được đăng. Rồi sau đó không lâu, báo chí đưa tin, nó được xếp vào số những tác phẩm phục vụ ngàn năm Thăng Long, nhưng mọi chi tiết đều bị giữ bí mật.”

Kết quả của các dự án bí mật ấy như thế nào thì chúng ta đã biết: phim Trần Thủ Độ bị dìm lại đến sau đại lễ mới chiếu; còn phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” thì bị Tàu hóa đến độ, dưới áp lực của dư luận, chính phủ quyết định cấm phát sóng.

Một lệnh cấm như thế làm rất nhiều người vui mừng. Hầu như ai có chút tự ái dân tộc cũng đều mừng. Nhưng không nên vì mừng quá mà quên đi một khía cạnh khác: bao nhiều tiền bạc đã đổ ra cho những dự án chết non ấy? Đây đó, trên báo chí trong nước, có người tiết lộ số tiền dành cho bộ phim “Trần Thủ Độ” là 30 tỉ đồng Việt Nam, cho bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” là 100 tỉ đồng.

Tổng cộng 130 tỉ đồng, tương đương với sáu triệu rưỡi Mỹ kim, bị lãng phí.

Có nhiều câu hỏi có thể và cần được đặt ra: Ai chịu trách nhiệm về sự lãnh phí ấy? Tại sao đang có nhiều tranh chấp về lãnh thổ và chính trị với Trung Quốc mà người ta lại vô cảm đến mức để cho Trung Quốc thao túng như vậy? Tại sao chỉ có mấy dự án tương đối đơn giản như vậy mà người ta vẫn không làm được?

Tuy nhiên, liên quan đến khía cạnh cách thức tiến hành dự án mà chúng ta đang bàn, một câu hỏi căn bản là: Nếu giới lãnh đạo Hà Nội công khai bàn bạc với giới chuyên môn về việc thực hiện hai bộ phim ấy ngay từ đầu thì có tránh được sai lầm nghiêm trọng này hay không? Có tránh cảnh ném cả mấy chục triệu đô la vào sọt rác một cách phí phạm như vậy hay không?

Nhìn rộng sang các dự án khác cũng vậy. Nếu chính quyền bàn bạc với, ít nhất giới chuyên môn, thì những dự án lãng phí và thất nhân tâm như dự án xây dựng cổng chào vào thủ đô, dự án sơn mặt tiền những ngôi nhà nằm ở các khu phố chính và dự án thay gạch dọc bờ hồ Hoàn Kiếm sẽ không phải bị chỉ trích kịch liệt, cuối cùng, phải bỏ dở như vậy. Phải không?

Bởi vậy, bài học lớn nhất chung quanh sự thất bại của một số dự án chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội kỳ này, theo tôi, chính là bài học về năng lực cũng như cơ chế lãnh đạo và quản lý tại Việt Nam. Trong cái gọi là năng lực, có ba vấn đề trầm trọng nhất: tầm nhìn, tài tổ chức và khả năng hóa giải các bất đồng. Về cơ chế, có nhiều vấn đề, nhưng trong đó, nổi bật nhất là nhu cầu về sự minh bạch (transparency) tức việc công khai hóa các mục tiêu, tiến trình cũng như kết quả của các dự án lớn.

Có thể nói sự minh bạch không những là yêu cầu chính của dân chủ mà còn là điều kiện cần yếu để xây dựng một hệ thống hành chính và thư lại (bureaucracy) có hiệu quả.

Một dịp nào đó, tôi sẽ bàn tiếp về chuyện minh bạch này.

Nguyễn Hưng Quốc

05-10-2010

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn