Hà Tĩnh: Một ngày đầy biến động
Từ mấy hôm trước, người dân Thạch Bằng và các xã lân cận thuộc huyện Lộc Hà đã cùng nhau đi ra UBND Xã đòi hỏi về quyền lợi mà nhà nước đã không đền bù thỏa đáng cho họ khi họ chịu thảm họa Formosa. Việc đến hôm nay vẫn chưa xong. Ngược lại, càng ngày càng xảy ra chiều hướng bạo lực: Đẩy người dân đến cuối đường hầm của sự phản kháng.
Đêm nay, súng đã nổ, máu đã đổ, hàng đoàn người dân đã hò nhau đi trong đêm để ứng cứu đồng bào mình trong cơn khốn cùng. Đêm nay, khoảng 5000 người dân không chỉ giáo xứ Trung Nghĩa mà còn các giáo xứ lân cận như Cửa Sót và các giáo họ đã nhất loạt lên đường.
Như vậy, hình như nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã quyết định tuyên chiến với chính người dân mình?
Tại Kỳ Anh, người dân xã Kỳ Lợi ngày hôm nay lại mang lưới ra thả trên đường Quốc lộ 1. Đơn giản là với họ thì biển đã chết, và người thì... đang chết. Do vậy lưới vó chẳng để làm gì, đành ôm ra đường để thả... ô tô. Mục đích của họ là phản đối việc đền bù tiền thiệt hại bởi thảm họa môi trường Miền Trung.
Cũng sáng nay, trong một diễn biến khác, hàng chục ô tô mang theo đống tiền lẻ đến Trạm thu phí Cầu Bến Thủy chặn đường để phản đối việc cướp tiền trắng trợn của trạm BOT khi họ không hề sử dụng đường BOT.
Như vậy, đã đến lúc người dân xứ Nghệ không còn thụ động, hết cả sợ hãi và đã biết đứng lên đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời họ đã ý thức được đâu là những hành vi cướp bóc không thể chấp nhận được.
Đó là chuyện trên thực địa. Còn trên mạng Internet, trang mạng thamhoaformosa.com đến đêm nay đã có 89.000 người ký tên online ủng hộ kiến nghị đuổi cổ Formosa.
Cũng ngày hôm qua và hôm nay, tại Giáo xứ Thái Hà, hàng ngàn người đã cùng nhau ký tay vào các bản văn để nói lên tinh thần của mình vì một môi trường sống không bị hủy diệt.
Chỉ trong một ngày 2/4/2017, hoàn toàn không phải chuyện "cá tháng tư" mà là chuyện hàng ngàn, chục ngàn người dân nổi sóng cơn bão hờn căm và cùng... xuống đường bất chấp nguy hiểm, mưa bão và mọi sự đe dọa.
Điều đó, chắc nhà cầm quyền CSVN không thể không biết?
Đền bù? Đền bù như thế nào? Đến bao giờ?
Việc nhà nước Việt Nam tự nguyện nhanh nhảu đứng ra ôm lấy đống xả thải của Formosa với 500 triệu đola mà chưa hề điều tra hậu quả cũng như những điều gì đã xảy ra là một hành động ngu dại và liều lĩnh. Hình như nó được hình thành trong cơn hoảng loạn bởi nhà cầm quyền phần nào lường được lòng dân và hậu quả của thảm họa mà Formosa đã gây ra cho đất nước, dân tộc này.
Trong cơn hoảng loạn đó, họ nghĩ rằng với hệ thống độc tài từ truyền thông đến nhà tù và chó, công an, đạn dược... tất cả sẽ êm như đã bao nhiêu vụ đã êm xưa nay.
Thế nhưng, thời đã khác, thế cũng đã không còn như xưa. Duy chỉ có sự tự tin đến mức ngớ ngẩn, thái quá của nhà cầm quyền vào quyền lực của mình thì vẫn như cũ.
Và hậu quả là điều tất yếu.
Mặc dù nhà nước đã tự nguyện đứng ra ôm lấy đống nợ mà thực chất là đống thải Formosa đã thải ra nhưng việc đền bù đối với người dân đã diễn ra muôn vàn lắt léo. Nhiều nơi, vẫn là căn bệnh Cộng sản: Dối trá và ăn bớt. Thế nên nó góp phần thêm câu chuyện về lòng tin, về sự rối rắm và nhất là nó đập thẳng vào chính sách tuyên truyền xưa nay cả vú lấp miệng em nói lấy được của các cơ quan báo đài nhà nước.
Họ cứ nghĩ rằng với vài thằng cán bộ lẻo mép xúi dân "Cứ ăn cá và tắm Vũng Áng thoải mái" thì dân Hà Tĩnh vẫn cứ ngu dại như xưa mà tin để ăn và tắm?
Xin thưa! Chẳng còn vậy nữa đâu.
Họ cứ nghĩ rằng xúi vài thằng cán bộ chui xuống biển tắm ào ào quay phim, chụp ảnh xong chạy về thì bà con dân tình cứ thế xong xuống tắm biển và ăn cá ư?
Xin thưa họ đã nhầm! Cái thời tuyên truyền rằng "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" để rồi "Xe chưa qua, nhà không tiếc"... xúi dân vào chỗ chết đã qua từ lâu.
Có lẽ điều mà hình như nhà cầm quyền chưa hoặc ít khi nghĩ đến, đó là chưa khi nào họ đặt câu hỏi rằng: "Hình như trong đầu người dân vẫn có một bộ não"?
Giấu diếm? Tội ác tày trời với dân tộc
Điều mà cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam chưa hề dám trả lời, công bố một cách công khai, thành thật để người dân khả dĩ có thể tin là "Biển đã sạch chưa? Cá loại nào đã ăn được, vùng nào đã có thể khai thác cá biển để dùng mà không sợ bị nhiễm độc?"
Tất cả những câu hỏi đó là sự thiết thực nhất trong tất cả những việc hết sức cần làm ngay từ khi xảy ra thảm họa. Cũng cần khẳng định luôn là nhà cầm quyền Việt Nam thừa khả năng để làm được điều đó.
Thế nhưng, họ đã không làm.
Đơn giản là họ không dám thừa nhận trước quốc dân đồng bào về sự nguy hiểm của thảm họa môi trường tại Miền Trung khủng khiếp như thế nào.
Họ không dám thừa nhận sự thật là để biển sạch, thì các nhà khoa học đã tính toán cũng như trong thực tế đã chứng minh là cần ít nhất... 50 năm.
Họ không dám đưa ra công khai mức độ ô nhiễm của môi trường miền Trung bởi những chất độc Formosa đã xả thải. Ngược lại họ loanh quanh hết đổ cho tảo nở hoa lại đến sứa độc hay "thủy triều đỏ"...
Chỉ vì nếu sự thật được công nhận và phơi bày, nhà cầm quyền Việt Nam biết rõ rằng lòng dân phẫn uất sẽ không để họ yên. Bởi chính họ chứ không phải ai khác là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khi đã cam tâm "rước voi về giày mả tổ".
Và điều họ lo sợ nhất, có lẽ là nếu Formosa không thể tồn tại ở đó, thì trình trạng "Trạng chết, Chúa cũng băng hà" là rất dễ xảy ra. Những bí mật đằng sau những bản hợp đồng và việc rước Formosa vào Việt Nam ra sao, sẽ có nguy cơ lộ sáng?
Việc không công bố mức độ nhiễm độc biển, là một hành động dã man đối với người dân Việt và giống nòi Việt Nam. Các phương tiện nhà nước khuyến khích người dân ăn cá, đánh bắt rồi bán ra thị trường, cố tình giảm nhẹ hậu quả của chất độc đối với công luận.
Nhưng, thực chất họ đã âm thầm tìm cách đưa chất độc vào từng bữa ăn, từng hạt muối của người dân Việt. Hàng trăm tấn cá, hàng triệu tấn muối từ vùng nhiễm độc, sẽ âm thầm lan tỏa theo mọi ngõ ngách để ngấm vào từng dòng máu Việt rồi thấm đến từng tế bào mà gây hại cho giống nòi.
Phải coi rằng đây là một tội ác tầy trời của chế độ Cộng sản. Chỉ vì muốn lấp liếm tội ác của tập đoàn tội ác Formosa mà họ đã đang tâm đầu độc giống nòi, con cháu và tương lai Việt Nam.
Thế nhưng, như đã nói ở trên,nếu không công bố chính thức chỗ nào biển sạch, chỗ nào cá độc... một cách rõ ràng, thì người dân vẫn cứ thất nghiệp dài dài.
Và con bài "đền bù" sẽ vẫn cứ phải tiếp diễn. Bởi người dân bây giờ không còn ngu cứ "đài báo đã nói là nghe" như xưa nữa.
Và điều nhà cầm quyền Việt Nam sẽ nhận được là ngoài 500 triệu đola của Formosa đã trót nhận, nếu đủ chi dùng cho công an, chó, thiết bị và nhà tù đi đàn áp người dân, phần còn lại đền bù hiện tại và lâu dài, chưa rõ nhà nước sẽ tự lo bằng... vay nợ hay tăng giá xăng dầu?
Những đòn phản chủ của đám dư lợn viên không não
Mấy hôm trước, người dân giáo xứ Trung Nghĩa đòi quyền lợi của mình, những quyền lợi chính đáng của họ mà nhà nước chính là con nợ. Bởi chính nhà nước đã te tẩy nhận đền bù thay thủ phạm Formosa.
Việc đòi hỏi được người dân tiến hành trong trật tự, lớp lang và kiên quyết. Điều đó đã làm những kẻ đối diện người dân hoảng hốt, bởi những luật lệ, lý lẽ và điều đương nhiên người dân đã hiểu và sẽ làm một cách bài bản để đòi hỏi quyền lợi cho mình và cộng đồng.
Vẫn theo lối truyền thông "cả vú lấp miệng em" trong việc vu cáo, bịa đặt và thóa mạ các linh mục như Nghệ An đã từng làm. Hà Tĩnh dùng hệ thống "Dư lợn viên" hết sức hung hăng đã đánh phá một cách bất nhân và đầy sự độc ác trắng trợn đối với hàng ngũ linh mục tại đây.
Thế là những kẻ lương tâm đen tối lại sử dụng con bài vu cáo, bịa đặt và nhục mạ, nói xấu cha xứ Giuse Nguyễn Công Bình.
Điều rất nực cười ở đây là chính những kẻ theo đóm ăn tàn kia đã áp dụng một cách ngu xuẩn đến mức nhầm đối tượng. Linh mục Bình vốn là người hiền lành, chăm lo việc đạo đức cho người dân xưa nay là chính. Những chuyện kiện tụng hoặc đấu tranh ngài ít khi tham gia.
Thế nhưng, cây muốn lặng, gió cũng vẫn không đừng. Hệ thống truyền thông dư lợn viên" của đảng đã bất chấp tất cả để cắn càn. Và ngài được lấy làm đích ngắm. Những cú cắn bẩn thỉu độc địa của đám chó nuôi kia đã buộc ngài tỉnh thức trước thực tế.
Thế là điều đó đã phát huy tác dụng ngay chứ không như ở Nghệ An. Người dân Hà Tĩnh kiên quyết bảo vệ chủ chăn của mình theo cách riêng của họ, nhất là khi chủ chăn của họ là người hết lòng vì cuộc sống của họ mà bị xúc phạm.
Và điều gì phải đến sẽ đến.
Đêm nay, 2/4/2017, súng đã nổ, máu người dân đã đổ.
Và nhà cầm quyền đã buộc người dân có một chọn lựa: Đứng lên đoàn kết, hay tự tiêu diệt. Bởi hôm nay, họ đã rõ ràng từng bộ mặt của cái chính quyền "của dân, do dân, vì dân" là như thế nào.
Sự đoàn kết của người dân hôm nay, nhất là giáo dân Hà Tĩnh trong cuộc chiến bảo vệ môi trường và vạch mặt kẻ thủ ác cũng như những kẻ bao che, lấp liếm cho chúng là một cuộc đấu còn dài và gian nan.
Thế nhưng, họ đã không còn một con đường hoặc một lối rẽ nào khác.
Nhà cầm quyền đã đặt họ trước một lựa chọn duy nhất: Tiến lên để tồn tại hay là chết.
Hẳn nhiên, bản năng sinh tồn sẽ mách bảo họ đi theo con đường nào.
Hà Nội, ngày 2/4/2017
J.B Nguyễn Hữu Vinh