BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bà quả phụ Nguyễn Thị Hoài Trang

30 Tháng Ba 20171:39 CH(Xem: 3410)
Bà quả phụ Nguyễn Thị Hoài Trang
57Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
57
Quả phụ trung trinh, lưu danh muôn thuở,
Anh hùng liệt sĩ, thương nhớ ngàn năm.

Chú thích: sau khi đọc bài này từ một đồng hương Sóc Trăng gửi,...tôi không thể không viết một bức thư gửi chị Hoài Trang để tỏ lòng chia sẻ nỗi niềm đau đớn của chị, đồng thời để tỏ lòng hâm mộ chị, một người quả phụ đáng khâm phục.

Vì muốn có sự liên tục để cho dễ hiểu, tôi trích lại toàn bộ từ email đã nhận, trong đó có cả lời giới thiệu của hội cựu SVSQ khóa 16 Thủ Đức.

Lạc Long Huỳnh Quốc Phú.
***

Lời giới thiệu: Nhân dịp các cựu SVSQ Khóa 16 Trừ Bị Thủ Đức tổ chức cuộc họp mặt tại quận Cam, California vào ngày thứ bảy 28 tháng 11-2009 (1), chúng tôi nhận được bài viết sau đây của bà Nguyễn Thị Hoài Trang, quả phụ cố Trung Úy Nguyễn Tấn Kế, nguyên SVSQ K.16. Trung Úy Nguyễn Tấn Kế đã hy sinh tại Kiến Hòa cùng với người anh ruột của bà Hoài Trang, cũng tốt nghiệp K.16 Thủ Đức. Cùng một lúc, bà Hoài Trang đã mất một người anh và chồng, trở thành góa phụ khi tuổi đời mới hai mươi.

Anh thương!

Chiều nay nơi em ở, trời đã se se lạnh, gió giao mùa và những chiếc lá xanh đồng loạt đổi màu, tất cả những rừng cây trong một vùng rộng lớn đã chuyễn thành màu vàng rực, nhất là lúc chiều về, ráng chiều đỗ dài trên những tàng cây tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Tiếc rằng em không là họa sĩ, hoặc nhà thơ, để vẽ tranh và làm thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên ấy.

Và anh, cũng không có đây để cùng em đứng nhìn phong cảnh hữu tình của Mùa Thu Đông Bắc Hoa Kỳ.

Còn gì nữa đâu, đã hơn bốn mươi ba năm rồi. Em không thể đếm được có bao nhiêu đêm em chắp tay cầu nguyện, linh hồn anh có lẽ đã siêu thoát, hoặc đã đi đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng trong em, người còn nơi dương thế, không thể nào phai nhòa những kỷ niệm thuở ban đầu chúng mình gặp gỡ, để rồi duyên nợ đưa đến, sợi dây tơ hồng đã kết chặt đôi ta, nhưng sao anh không cho em làm tròn bổn phận vợ hiền mãi mãi đến khi răng long đầu bạc, mà anh nỡ bỏ em để ra đi biền biệt không về khi chúng mình còn quá trẻ?!

Anh biết không? Chiều qua em nhận được một cú phone, người bạn cho biết khóa 16 sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức của anh sẽ có cuộc hội ngộ tại Cali trên đất Mỹ này. Em bồi hồi xúc động khi người bạn nhắc đến tên anh. Bao nhiêu người sẽ gặp gỡ, nhắc chuyện năm nào khi tóc hãy còn xanh, bây giờ đã bạc. Và tên anh cùng một số anh em đồng ngũ khác vẫn còn được nhắc nhở với “nén hương tưởng niệm”! Em nghĩ mình không còn nước mắt để khóc nữa vì đã trải qua bao nhiêu năm tháng với ngần ấy nỗi truân chuyên, sóng gió cuộc đời. Nhưng không, em đã khóc anh ạ! Tuy không rũ rượi, thất thần như ngày nào em nhận được tin anh và anh ruột của em đã anh dũng hy sinh trước sự tấn công biển người của những người mệnh danh là “giải phóng” nhưng thật sự là đi xâm lấn miền nam.

Ngày đó, trời xui đất khiến làm sao người anh ruột của em đi trình diện nhập ngũ cùng ngày với anh, để rồi anh Xuyên của em và anh vào cùng khóa 16 SQTB Thủ Đức, hai người lại ở cùng một tiểu đội, trung đội và đại đội trong suốt chín tháng quân trường. Hai người bạn đồng ngũ đã chia sẻ từ cà-mên cơm nhà bàn, từng miếng bánh ngọt tiếp tế sau những buổi thăm nuôi gia đình. Đến ngày ra trường, anh đã không ngần ngại theo anh của em chọn về đơn vị Địa phương quân tỉnh Kiến Hòa, dù quê anh mãi tận Đại Ngãi-Sóc Trăng.

kienhoaxua-1970-trungtrunghocconglapkienhoa
Khi về tỉnh, dù anh của em và anh không còn chung đơn vị, nhưng mối giao tình từ ngày mới nhập ngũ đến khi mãn khóa, đã kéo anh lại gần gia đình em hơn, tình cảm thân thiết của hai người bạn đã đưa đường dẫn lối cho anh dành nhiều cảm tình cho cô em gái nhỏ của bạn. Mỗi buổi tan trường về, cô nữ sinh mười bảy tuổi của trường trung học công lập Kiến Hòa đã có người lính lẽo đẽo theo sau làm...bảo vệ. Em sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp, nhưng cũng vui sướng vì biết anh đã để ý thuong em, cô em út dễ thương của người bạn đồng ngũ của minh, ngay cả ngầm hãnh diện với chúng bạn. Ngày đó, quen biết được một thiếu úy tốt nghiệp từ quân trường Thủ Đức, đâu phải là chuyện dễ!

Thật tình ba má em không muốn em lấy chồng là lính! Ông bà cứ lo sợ em sẽ thành góa phụ khi tuổi đời còn non nớt. Một đứa con trai làm lính, đã khiến ông bà lo sợ, hồi hộp từng đêm, mỗi khi có tiếng súng từ trong những khu làng xa xa vọng về. Thời gian 64-65, những cuộc chiến ác liệt đã xảy ra, người dân thường cũng còn bị tai bay vạ gió mà thiệt mạng, huống gì những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng vì em đã trót thương anh, em cũng không biết tự bao giờ, và vì đâu. Tình yêu đến đâu cần phải giải thích. Sự oai hùng của người lính chiến đã phá tan bức rào ngăn cản của ba má và cả gia đình em, cuối cùng ông bà chấp nhận cho anh làm con rễ.

Ngày cưới em! Ôi làm sao em quên được khi em lên xe hoa mà không có chàng rễ dìu đi như những đám cưới thường tình. Em bước thấp bước cao trong buồn vui lẫn lộn. Em vui vì từ nay đã là vợ một chiến sĩ can trường mà em thương, buồn vì anh đang nằm trong Quân y viện không biết khi nào bình phục? Anh đã bị thương trong một trận giao tranh ác liệt trước ngày đám cưới hai tuần. Và mãi đến gần trọn năm sau, anh mới xuất viện về lại đơn vị. Anh may mắn không bị tàn phế vĩnh viễn, nhưng với những thương tích còn tồn đọng, anh được thuyên chuyển về trung tâm huấn luyện Nghĩa Quân Hưng Điền. Lần này hai anh em, anh vợ-em rể lại có dịp sát cánh bên nhau cùng làm huấn luyện viên cho lính.

Nhưng anh đã bỏ em để ra đi không bao giờ trở lại. Sự lo sợ của ba má em đã biến thành sự thật. Ba má em đã chết điếng và em đã ngất xỉu khi hung tin báo đến gia đình. Ba em đã hớt hơ hớt hải đạp xe hằng mấy cây số chạy đến trung tâm huấn luyện, để thấy anh của em nằm sấp trên giao thông hào, một viên đạn xuyên qua ót, cái nón sắt không đủ bảo vệ mạng sống con người, mà đạn dữ thì vô tình xuyên suốt. Còn anh, anh nằm chết trên vũng máu với nhiều vết đạn qua người. Đêm ấy, đêm 23 tháng 3 năm 1966, với chiến thuật biển người, cả một trung tâm huấn luyện nghĩa quân với 13 vị Sĩ quan huấn luyện viên, chỉ còn sống sót một Đại úy vì...vắng mặt có phép(?) Năm ấy, anh và anh trai của em cũng vừa tròn hai mươi ba tuổi.

Hai cái hàng (hòm) nằm song song trước cửa nhà, những tiếng khóc than não nuột của gia đình đã không đem hai người con yêu trở về với đời sống được. Má em đã chết ngất mấy lần, và em, bước đi sau hai cỗ áo quan như kẻ không hồn. Em đã thành quả phụ khi vừa tròn hai mươi tuổi. Cuộc chiến tranh do những người mệnh danh “giải phóng” đã mang đến và cướp mất không biết bao nhiêu mạng sống những con người “tự vệ” một cách tàn nhẫn và vô lý.

Để hôm nay, bốn mươi ba năm có lẻ, em ngồi đây viết những hàng chữ này trong ngấn lệ để nhớ về anh: Cố Trung Úy Nguyễn Tấn Kế! Người yêu tuổi nhỏ và người chồng chưa trọn hai năm. Anh đã yên phần trong ngần ấy năm dài. Nhưng em, dù muốn quên, nhưng sao hoài vẫn nhớ. Không biết đến bao giờ, hình bóng với tên anh thôi lởn vởn trong đầu em? Có chăng là ngày em xuôi tay nhắm mắt! Nếu có kiếp sau, không biết mình có cơ duyên gặp lại?

Maryland, tháng 10, 2009
Nguyễn Thị Hoài Trang
Quả phụ cố Tr/Úy Nguyễn Tấn Kế

***
THƯ GỬI CHỊ HOÀI TRANG

Kính gửi chị Hoài Trang,

Thời tiết vùng bắc Cali mấy ngày nay trở lạnh bất thường. Trời mùa đông làm cây cối đổi màu trông xơ xác. Những tia nắng vàng yếu ớt không đủ để sưởi ấm lòng người: những người đã đến với xứ Mỹ này với danh hiệu là “Tỵ Nạn Cộng Sản.”

Đọc bức thư của chị từ anh Thạnh gửi tới, lòng tôi bồi hồi xúc động. Có lẽ tất cả những giác quan trong người tôi đều bị ảnh hưởng: tim tôi đập thoi thóp như bị rỉ máu. Mắt tôi không khóc nhưng tất cả hình ảnh trước mắt đều mờ đi. Tai tôi vẫn bình thường nhưng nó không còn muốn nghe những gì chung quanh nữa.

Nhưng có lẽ bộ phận trong cơ thể tôi bị trục trặc nặng nhất là “Tâm tư.” Nó cảm thấy tê dại, một cảm xúc dâng lên mãnh liệt đã làm cổ họng tôi nghèn nghẹn. Đã hai mươi bốn giờ sau khi đọc bức thư của chị, tôi không làm gì được cả, vì vậy tôi quyết định viết bức thư này, trước là để chia xẻ những nỗi đau khổ của chị, sau là để trút ra những oán hờn trong tôi. Những oán hờn này vẫn nằm sâu tận đáy lòng, và mỗi khi gặp việc gì khích động, nó lại tràn ngập tâm tư một người tỵ nạn cộng sản như tôi.

Tôi và chị là hai người xa lạ. Khi biết Anh Kế là người đồng hương Sóc Trăng, tôi cảm thấy gần chị hơn. Sau khi đọc xong bức thư của chị, tôi cảm thấy tâm hồn tôi thật gần gũi với chị, xin chị chấp nhận tôi là một người bạn. Hơn nữa, vì Anh Kế lớn hơn tôi năm tuổi tính theo thời gian chị kể trong thư, xin chị chấp nhận tôi là một người em, và kể từ đây em sẽ gọi chị là chị và xưng em cho thân mật...

Chị Hoài Trang ơi,

Trên cõi đời ô trọc này, có rất nhiều chuyện mình không biết trước, không giải thích được. Những chuyện đó đều được chúng ta gọi là “định mệnh,” là “duyên số” hay nói nôm na như chị là “Trời xui đất khiến.”

Định mệnh:

Đã đưa đẩy Anh Xuyên gặp Anh Kế trong cùng một tiểu đội Sinh Viên Sĩ Quan khóa 16 SQTB Thủ Đức. Kể từ đó, cả hai trở thành huynh đệ chi binh và hơn thế nữa anh em một nhà...

Duyên số:

Thay vì Anh Kế xin về phục vụ tại quê nhà Ba Xuyên, anh lại xin về Kiến Hòa vì tình thắm thiết huynh đệ chi binh, và cũng vì duyên số đó nên anh chị mới kết thành duyên nợ.

Anh không ngại tốn thời giờ để đón chị mỗi khi tan học. Chị e thẹn, sượng sùng mỗi khi có người bắt gặp anh đi kế bên. Để rồi chị đã yêu anh từ lúc nào cũng không biết, và vì đâu? Đã yêu thì cần gì giải thích phải không chị? Em thật sự hâm mộ Anh Kế vì “Sự oai hùng của người lính chiến” mà chị diễn tả, cùng niềm hãnh diện của chị khi khoe anh là “Một chiến sĩ can trường” mà chị thương. Mối tình của Anh Chị đẹp như mơ.

Chị Hoài Trang ơi,

Đã hơn bốn mươi ba năm kể từ ngày Anh Kế bỏ cuộc chơi. Anh đã bỏ chị để ra đi mãi mãi... Mười bảy tuổi, chị e ấp mỗi khi anh đón chị tan trường về, hai mươi tuổi chị đã trở thành một quả phụ cô đơn. Chị đã đau đớn đến tận cùng khi phải đưa cả hai người anh của mình đến mộ huyệt an giấc nghìn thu, trong đó một người là chồng của chị!

Em viết đến đây cảm thấy một nỗi xúc động. Em tự hỏi, trên cõi đời này, còn thứ gì có thể làm cho người ta đau đớn hơn những gì mà chị đã gặp phải? Chắc là không có.

Tuổi hai mươi, tuổi của mộng đẹp và ước mơ nhất của một người con gái. Tuổi của yêu và được yêu nồng nàn nhất của một kiếp người. Vậy mà, Thượng Đế ơi, sao ông lại sinh ra một lũ người hung tợn, để họ cướp đi người chồng thân yêu của chị? Ông có thấy như vậy là quá đáng không?

Đã hơn bốn mươi ba năm trời không có anh, những mộng ước ngày xưa vẫn nằm trong ký ức của chị. Có phải chị đòi hỏi cái gì quá đáng đâu? Chị chỉ ước mơ làm bổn phận của một người vợ hiền, để được trọn đời lo lắng cho anh thế thôi... Vậy mà cũng không được!

Đã hơn bốn mươi ba năm trời, bao nhiêu đêm chị chắp tay nguyện cầu. Chị nguyện cầu linh hồn anh được siêu thoát, để đầu thai trở lại kiếp con người. Nhưng thật sự trong tâm tư chị, chị vẫn muốn anh ở bên chị, vẫn phù hộ chị qua những nỗi khó khăn nhất của cuộc đời, vẫn muốn anh đến với chị trong những đêm dài cô đơn, cho dù đó chỉ là trong một giấc mơ ngắn ngủi mà thôi... Vậy mà cũng không được!

Chị Hoài Trang ơi,

Đã hơn bốn mươi ba năm trời, niềm đau của chị vẫn còn đó.

Đã ba mươi bốn năm nay người dân miền nam sống trong nỗi uất hờn.

Tại vì đâu? Ông Trời sao lại sinh ra một lũ vô thần để gây họa nước mất nhà tan: vợ chồng, cha mẹ, con cái phải chia lìa đôi ngã!

Sao trên cõi đời này lại có một lũ người độc ác đội lốt hiền lành để đi “giải phóng” người dân vô tội? Một lũ ngu dốt, nghèo mạt rệp lại đi giải phóng những người có một nền văn minh cao hơn? giải phóng gì mà lạ vậy? Hay chỉ là đội lốt mà thôi...

Chị Hoài Trang à,

Người ta thường nói: thời gian là liều thuốc tốt nhất. Nhưng em cũng biết rằng, hơn bốn mươi ba năm chịu đựng bao nỗi truân chuyên, liều thuốc đó vẫn không thể trị lành hẳn vết thương của chị, cho dù nó là thuốc tiên. Vết thương đó vẫn âm ỉ, cứ tưởng là lành, nhưng rồi lại nứt ra khi có gì khích động.

Định mệnh đã bắt chị chịu đựng một số phận nghiệt ngã. Nước mất nhà tan, một dân tộc bị đọa đày, chúng ta cùng là nạn nhân của định mệnh. Tuy nhiên, một điều chúng ta nên mừng là, dưới bầu trời của một nước tự do, mình có thể lấy yêu thương và chân thật để đối xử với nhau. Điều này làm gì có được đối với cái lũ người độc ác đó hở chị.

Cho dù là đã hơn bốn mươi ba năm qua, những Sinh Viên Sĩ Quan khóa 16 SQTB Thủ Đức vẫn còn điểm danh Anh Kế và Anh Xuyên trong hàng quân, dưới lá cờ vàng của người lính miền nam nước Việt. Hai anh không chết. Hai anh vẫn sống mãi trong lòng những chiến hữu đã từng sát cánh bên hai anh.

Hai anh vẫn không chết, ít nhất trong lòng chị, người quả phụ can trường của một Sĩ Quan QLVNCH. Không ai có thể giết chết “Người lính chiến oai hùng” của chị được. Anh Kế sẽ sống mãi mãi trong chị, một người vợ làm anh hãnh diện. Chị đã làm cho người em này hâm mộ Anh Kế vô cùng. Em nghĩ, anh ấy cũng đang mỉm cười mãn nguyện vì chị, nơi chín suối.

Ngoài kia trời lại lạnh, màn đêm buông xuống nhanh vào những ngày mùa đông. Trời Cali mà còn lạnh như vậy thì ở Maryland của chị chắc phải lạnh hơn nhiều. Chỉ còn hai tuần nữa là đến Giáng Sinh. Nhạc mùa lễ này đem lại sự an lành trong tâm của tất cả mọi người, kể cả người không có đạo như em.

Em hy vọng rằng mùa đông này chị sẽ sánh vai cùng anh để ngắm cảnh tuyết rơi miền đông bắc Hoa Kỳ. Cầu mong mùa chúa ra đời năm nay sẽ mang lại sự an lành cho chị để bù vào những gì chị đã mất.

Anh Kế sẽ không chết đâu chị.

Không ai có thể giết anh được nếu đồng đội của anh vẫn còn điểm danh anh mỗi lần họp mặt.

Không ai có thể giết anh được bởi vì anh vẫn ngự trị trong trái tim sắt son của chị đã hơn bốn mươi ba năm...anh vẫn còn sống đó, và mãi mãi trong tim của chị.

San Jose, CA. Mùa giáng sinh 2009
Lạc Long Huỳnh Quốc Phú.
(Hiền nội edit)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn