“Cơn Uất Hạ Lào” là một cuốn hồi ký của cựu Trung Tá Mũ Đỏ Bùi Đức Lạc được phát hành cách đây khoảng 10 năm. Cuộc đời quân ngũ của tác giả hầu hết ở trong đoàn quân Mũ Đỏ và chỉ huy các đơn vị pháo binh Nhảy Dù nên cuốn sách này khét mùi thuốc súng đại bác, và chắc phải dùng màu đen của thuốc súng để viết lên nổi uất ức không nói nên lời của người lính Quốc Gia trong đó có Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ là những người lính đầu đội trời chân đạp đất, trong lăng miếu ra tài lương đống, ngoài sa trường rạch mũi can tương, tứ bề thọ địch, và đau đớn thay, đã lãnh nhận những nhát gươm không phải đâm sau lưng chiến sĩ mà đâm trực diện từ người bạn đồng minh Hoa Kỳ, cùng với các thế lực phản chiến, giới truyền thông báo chí trong và ngoài nước xuyên tạc trắng trợn tinh thần anh dũng của người lính quốc gia.
Họ biết nhưng vẫn bình thản đi vào cơn binh lửa bằng cửa chính, dùng chính sinh mạng của mình để cố gắng làm cho máu của đồng bào bớt đổ, phải là người trong cuộc trực tiếp tham dự các trận đánh mới có đủ khả năng viết chính xác các sự kiện này, và Bùi Đức Lạc là một. Không phải chỉ có “Cơn Uất Hạ Lào,” mà còn có những cơn uất Charlie, Chư Pao, Mậu Thân nữa…
Sau ngày Hoa Kỳ bắt tay Trung Cộng để bỏ của chạy lấy người, phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, đưa đến việc bức tử miền Nam Việt Nam ngày 30 Tháng Tư 1975, cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ James Baker đã khuyến cáo, “Tự hậu chúng ta đừng bao giờ tham gia vào một cuộc chiến mà chúng ta không có ý định thắng.” Cái ý định “không thắng” này chính là nguyên nhân của những chiến trận bị tiết lộ bí mật trước ngày hành quân như Lam Sơn 719 (trang 135 dòng thứ 8-17), hay là vụ những vụ cầm chân để cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù tan nát trên đồi Charlie, Kontum, ngày 14 Tháng Tư 1972 để cho Sư Đoàn 320 Cộng Sản Bắc Việt làm bia tập bắn pháo binh, mà dư luận cho là quà tặng của Henry Kissinger cho Lê Đức Thọ ngã giá trên bàn hội đàm Paris.
Nên nhớ điều này, Nhảy Dù là một trong những đơn vị thiện chiến và anh dũng nhất Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nếu Cộng Sản Bắc Việt mà tiêu diệt được một tiểu đoàn Nhảy Dù thì báo chí phản chiến là cái loa tuyên truyền hết sức bất lợi trong cuộc hội đàm Paris và dư luận Hoa Kỳ. Chưa hết, sau trận Charlie chỉ vài ngày, Quân Đoàn II có cố vấn John Paul Vann không biết gì là chiến thuật và chiến lược còn âm mưu đập nát luôn Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù bằng cách áp lực đi chiếm lại đồi Chư Pao nằm trên con đường huyết mạch giữa Kontum và Pleiku, mặc dù đây là nhiệm vụ của Quân Khu II đã để mất ngọn đồi chiến lược này. Bộ Tổng Tham Mưu cũng đã đòi Lữ Đoàn 2 Dù về Saigon để ra tái chiếm Quảng Trị, nhưng vẫn bị Quân Khu II giữ lại theo sách lược vắt chanh bỏ võ, giết hết đứa con này đến đứa con khác của Nhảy Dù với mục đích làm cho Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Trần Quốc Lịch phải bó tay chịu tội. Nhưng Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đã áp dụng lối đánh thần tốc lấy lại Chư Pao, và Quân Đoàn II cũng không còn lý do gì giữ Nhảy Dù lại để hành hạ nữa (trang 135-136-137).
Danh Tướng Mac Athur, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã đánh lui liên quân Trung Cộng và Bắc Hàn tới tận bờ sông Áp Lục năm 1592 đã từng nói một câu nội dung, “Tôi thương những người lính bộ binh, hàng ngày 24 giờ/24 giờ chẳng những trực diện với cái chết nơi chiến trường, mà còn gánh chịu những nỗi bất công từ nơi thượng cấp.” Những nỗi bất công trong quân đội nào cũng có nhưng thường là để tỏ cái uy của cấp trên mà thôi, nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì chịu tất cả những oan trái, xuyên tạc, và bất công không chỉ từ thượng cấp mà còn bị báo chí phản chiến trong và ngoài nước, những chính khách xa lông, những người tập viết sử, những phóng viên báo chí Việt Nam đã nhiều lần “anh dũng” xông pha vào những nơi “không hề nguy hiểm” để lấy tin từ các hay thông tấn nước ngoài, hoặc từ các phóng viên ngoại quốc tưởng tượng và phê phán không trung thực về các trận đánh của quân đội Quốc Gia, mà trận Hạ Lào có thể là thí dụ. Lệnh hành quân rõ ràng với nhiệm vụ “Phá hủy kho tàng; tiêu diệt tiềm năng tiếp vận của địch,” QLVNCH đã hoàn thành và rút ra. Ngày rút quân ra khỏi Hạ Lào, hai đài VOA và BBC đã thông báo trước cho địch quân biết trước (từ trang 53 đến 56).
Thực tế, cuộc hành quân Lam Sơn 719 không có cố vấn Mỹ và phóng viên chiến trường đi theo mà chỉ đợi ở Đông Hà lấy tin, báo chí thấy ta tản thương hoặc tử thương bèn suy diễn ra và phê phán cuộc lui binh mất trật tự, binh sĩ đeo càng trực thăng (chỉ là cá nhân). Đọc “Cơn Uất Hạ Lào” từ trang 140 đến trang 143 để xem cuộc lui binh của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đáng được gọi là “kinh điển” cho một cuộc rút quân trật tự còn hơn là trong binh thư nữa. Nếu rút lui theo đường số 9 sẽ bị pháo kích, toàn thể tiểu đoàn rút quân theo lối vận động bậc thang trong rừng. Đại đội này làm “bloking force” cho đại đội kia vừa chạy vừa tìm bãi đáp, và trực thăng cứ theo đường rút quân hàng chục cây số mà bốc từng toán cho đến chiếc trực thăng cuối cùng bốc vị Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Trần Đăng Khôi. Đơn vị trưởng rút sau cùng. Đây là lý do tại sao lính Nhảy Dù kính trọng và tuyệt đối tuân lệnh cấp chỉ huy như vậy.
Sau trận Hạ Lào, không cần biết QLVNCH đã hoàn thành nhiệm vụ của cuộc hành quân này, đã phá hủy kho tàng, trại huấn luyện binh sĩ và cơ sở tiếp vận của địch quân, báo chí Saigon ca tụng địch quân và phê phán QLVNCH đã thất bại (trang 15 dòng thứ 13 đến 29). Nếu Sư Đoàn Nhảy Dù bị thiệt hại nặng thì làm sao cử Lữ Đoàn 2 Dù ngay sau Hạ Lào, không bay về Saigon bổ sung quân số mà bay thẳng về Dakto hành quân trực thăng vận nhảy ngay trên đầu địch giải tỏa Căn cứ 6, đánh tan Sư đoàn 986 của Cộng Sản Bắc Việt chỉ trong vòng chỉ 13 ngày của Tháng Tư năm 1971.
Phải đọc cuốn sách này mới thấy được “nghệ thuật sử dụng pháo binh” của các vị chỉ huy Nhảy Dù, mới thấy được tại sao nhiều phi cơ trực thăng của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa được gọi là “quan tài bay” khi chở các vị Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù thị sát mặt trận, hoặc các vị tiểu đoàn trưởng Pháo Binh Nhảy Dù len lỏi trong rừng phòng không, diệt pháo hoặc phòng không địch, và tại sao mà Việt cộng lại sợ “pháo bầy” của Pháo Binh Nhảy Dù vì công hiệu không kém B52 là bao nhiêu.
Nếu độc giả đã từng đọc tài liệu hoặc hồi ký của bốn Mũ Đỏ: Phan Nhật Nam, Đoàn Phương Hải, Nguyễn Văn Lập, và Bùi Đức Lạc viết về trận Charlie, Kontum của Tiểu Đoàn 11 Dù để đời trong Quân Sử Việt Nam Cộng Hòa, thì phải đọc cuốn sách “Cơn Uất Hạ Lào” của Bùi Đức Lạc trong đó có phần: “Trận Diệt Chiến Xa” của Tiểu Đoàn 11 Dù tại Mỹ Chánh, Quảng Trị, để xem mưu lược và kế hoạch của Sư Đoàn Nhảy Dù sửa soạn cho tiểu đoàn này phục thù trận Charlie như thế nào? Chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên dương Tiểu Đoàn 11 Dù là đơn vị diệt tank hạng nhất của QLVNCH, vừa bắn cháy vừa bắt sống 26 chiến xa của địch, và đánh tan một trung đoàn địch quân có tùng thiết chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ, làm cho viên thượng tá trung đoàn trưởng trung đoàn chiến xa này bị thượng cấp của chúng xử tử tại La Vang (trang 240 dòng 23-26).
Quân sử thế giới cũng không có trận diệt tăng nào thần sầu quỷ khốc đến như vậy. Cả hai trận Charlie và diệt chiến xa này, chỉ huy tổng quát yểm trợ hỏa lực chính là tác giả Bùi Đức Lạc. Nếu quý vị và các bạn đã từng nghe bản nhạc “Anh Không Chết Đâu Anh” và DVD “Trên Đỉnh Mùa Đông” của Nhật Trường Trần Thiện Thanh nói về Trung Úy Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương tự sát trên Đồi 30 để khỏi rơi vào tay giặc, thì phải đọc cuốn sách “Cơn Uất Hạ Lào” để nghe lại những lời nói cuối cùng của người hùng Mũ Đỏ trăng trối với tác giả Bùi Đức Lạc.
Tác giả Bùi Đức Lạc, Khóa 7 Thủ Đức, là một sĩ quan Nhảy Dù, một người lính Mũ Đỏ trực tính rất được anh em Nhảy Dù thương yêu, không phải vì ông là một Sĩ quan Pháo Binh được anh em tác chiến gọi là “ông thầy” như nhiều sĩ quan tiền sát viên khác, mà vì tác giả có máu Nhảy Dù, chết bỏ chứ không bỏ chiếc Mũ Đỏ. Là quân đội phải cắn răng nghe lệnh cấp trên, là Mũ Đỏ phải rơi lệ khi gọi pháo bắn trên đầu quân bạn theo yêu cầu, cuộc đời người Pháo thủ Bùi Đức Lạc hay bất cứ một người lính Nhảy Dù nào đều tâm niệm “Một ngày Nhảy Dù là một đời Mũ Đỏ.” Ông viết tập sách này như một hồi ký của người thực sự tham dự các mặt trận, nhớ rõ ràng ngày giờ nhật ký hành quân không thể chối cãi được, và chính mình làm việc gì thì viết việc đó, không có tính cách khoa trương cá nhân cho mọi người biết ta đây là ai như những người tập viết sử, hay những ngòi viết vay mượn tin thất thiệt để câu độc giả.
Đành rằng lịch sử ngàn người viết, những âm mưu bí mật trong bóng tối khi đã được giải mã đi rồi cũng khó thể nói chính xác 100%, nhưng các trận đánh trong quân sử thì đầy tiếng súng và hàng ngàn hàng triệu con mắt nhìn vào soi mói, kết quả thế nào thì trận địa bày ra trước mắt không giấu giếm được. Không tham dự trực tiếp thì không bao giờ thấy được sự thật. Thế mà đã có nhiều người viết sai chỉ để tỏ bày cái tôi. Cho nên, những nhân vật được nêu tên trong cuốn sách này hoặc không nêu tên mà trước đây có những nhận định hoặc bài viết sai lầm về quân đội hay là những cuộc điều quân, khi đọc cuốn sách này chắc sẽ rút ra một kinh nghiệm “sự thật luôn luôn là sự thật,” vì viết sai sẽ di hại đến muôn đời sau.
Thí dụ như trận Tân Cảnh chỉ sau có trận Charlie vài ngày, có bài viết hay cuốn sách hồi ký viết rằng Trung Đoàn 42 Bộ Binh và Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 BB đầu hàng Cộng Sản, có sách còn viết là Đại Tá Lê Đức Đạt được trực thăng bốc ra ngoài. Sự thực không có việc đầu hàng và Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB đã tử trận tại chỗ (trang 294-295). Chính tác giả Bùi Đức Lạc đã chỉ huy bốn pháo đội bắn yểm trợ theo yêu cầu trực tiếp từ miệng vị tư lệnh trên điện đàm, và chỉ ít phút sau thì ông bị tử trận. Tác giả còn nhớ nơi Đại Tá Đạt nằm theo báo cáo sau cùng. Viết sử sai thì ảnh hưởng tai hại vô cùng, đời sau con cháu sẽ nghỉ gì về tinh thần chiến đấu của ta? Đó là mục đích trong cuốn sách “Cơn Uất Hạ Lào.”
Tác giả Bùi Đức Lạc viết trước năm 1975 trên nhật báo Ngôn Luận, bán nguyệt san Phổ Thông, Thời Luận, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Khởi Hành, với các truyện ngắn, bút ký, ký sự, và sau này viết hồi ký. Hiện ông là chủ nhiệm, chủ bút đặc san Mũ Đỏ, Chuông Việt.
Nhân sắp lại đến 30 Tháng Tư, đọc lại “Cơn Uất Hạ Lào” của Bùi Đức Lạc, người cựu quân nhân nhẩy dù lại càng cảm thất uất hận.
Nguyễn Văn Lập
Nguồn Người Việt
Mua sách “Cơn Uất Hạ Lào” xin liên lạc về:
Bùi Trần Ninh
3808 Forestwood Dr.
San Jose, CA.95121
Tel.: (408) 238- 4445.
Email: btranninh@yahoo.com