BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73315)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Có Đường Phố Nào Vui

22 Tháng Ba 20176:32 SA(Xem: 2224)
Có Đường Phố Nào Vui
55Vote
40Vote
34Vote
22Vote
12Vote
3.313

Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình như chuyến xe.*

Nhiều khi thấy mình như những chuyến xe thật, cứ đi về tất bật ngược xuôi. Thân thể này mệt nhoài, một chiều ngồi xuống và viết vu vơ về PHỐ.

Khi từ trong thành nội đi ra, thành phố dấu yêu xưa đó chừng như chỉ có 3 đường phố chính: Trần Hưng Đạo, Gia Hội và Phan Bội Châu. Cũng quanh mấy cửa thành rồi cũng về lại nhà. Phố sao nhỏ như lòng bàn tay. Phố sao gần gũi bước qua hằng ngày để quen tên cả gạch ngói từng căn nhà. Những căn nhà bạn bè bà con hay lối xóm, lô nhô cao thấp như hàm răng người có tuổi. Con phố xưa đó không cao thấp đi lên đi xuống, nên chỉ có tàng tàng "ra phố". Chiều nay em ra phố về! Cách một bờ tường thành rong rêu thì bên ngoài là Phố, bên trong là Nội. Bên ngoài phố là náo nức hội hè mua bán tiệm tùng. Bên trong là yên ắng phủ cung lắng trầm tiếng vọng.

Ở nhà quê như Truồi, như Thuận An thì lên Huế là lên phố chơi. Mà không phải xa xôi, ngay như từ Vĩ dạ ngập đầy bóng cau thì qua con sông, qua cái đập Đá cũng là lên phố. "Đông Ba Gia Hội hai cầu. Ngó về Diệu Đế bốn lầu hai chuông." Lên không phải là từ thấp đi lên nơi cao, mà có ý quê mùa đi chơi nơi sang thị thành đô hội. Như nhà quê thì không có phố. Chỉ có tỉnh thành là có phố.  Như là chỉ có phố mới vui, chỉ có phố mới ngập tràn hò hẹn...Vì vui nên phố đầy cám dỗ, nên phố đầy ghen tuông, trách móc: Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. (Nguyễn Bính) 

huexua1963lacovietnamconghoamuonnam
Ra phố, thì cũng có qua phố. Qua là đi qua, lướt qua phố trong chiếc xe đò chạy xuyên Nam Bắc, chạy qua những thành phố dọc theo quốc lộ 1, như những chuyến tàu đêm mê mãi đi vùi qua thành phố còn ngái ngủ. Qua cũng là đi qua chiếc cầu con sông để đến phố, như từ quận Ba qua phố Hùng Vương, chợ Hàn.    
         
Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em*. Đi qua phố một mình mà âm thầm nhớ tên người yêu, thì hẳn là đi với tâm trạng buồn lơ ngơ, nhìn lác đác các cửa hiệu và chắc là trong túi không tiền. Vì âm thầm nhớ nhớ mà thôi, không mua gì cho em, dù nhớ. Nhớ lắm.  

Lại nhớ về tiếng hát ngây ngất những gót chân, tay trong tay lên xuống những con dốc rợp bóng thông già. Áo khoác mỏng, khăn quàng phu-la và những sợi khói thuốc la đà theo sương. Theo em xuống phố trưa nay. Đang còn chất ngất cơn say. (Lê Uyên Phương) Từ các con hẻm nhỏ, từ những đồi thông cao se lạnh, men rượu chát ngây ngấy, hương cà phê Tùng bay bay. Con phố chợ Hòa Bình đó để đôi bàn chân nghỉ. Phố đó nằm dưới lòng đồi, nằm gần mặt hồ, nên theo em xuống phố. Nhất cận thị, nhị cận giang. Phố chợ thường gần sông hồ cho tiện những chuyến đò hàng, tiện những đổi trao mua bán, cho tươi mát những con tôm con cá, cho rửa sạch những bó rau xanh... 

huexua-cautruongtien-nusinhhue

Xuống phố là downtown; downtown không hẳn là phố ở dưới thấp. Cái từ downtown này ngộ. Ở Bắc Mỹ gọi downtown là Trung tâm thương mại và hành chính của thành phố, dù có nơi nằm tuốt trên đồi. Có nơi thành phố phát triển rộng lớn đến mức người ta phải chia ra từng phần như downtown, midtown và uptown. (phố chính, phố giữa và phố trên cao?) Đến downtown thì vui mà mệt lắm. Các con đường ở đấy nhiều khi 1 chiều, có khi như bàn cờ, nhưng có khi lại ngắt quãng Đông-Tây-Nam-Bắc bằng các tòa nhà chọc trời hay các công viên. Cứ thấy các con đường mang tên các con số là biết tới downtown. Số nhỏ bắt đầu từ đường số 1 đến 40, 50... theo trục Bắc Nam. Rồi từ trung tâm phố mà chia ra bên trái, phải là Đông-Tây. Các xa lộ chạy xuyên qua phố thường cũng quy ước mang số chẳn là trục Bắc Nam, mang số lẻ là trục Đông Tây. Quy tắc có hệ thống khoa học là vậy mà lắm khi vào downtown là như vào trận đồ Bát Quái. Tìm một chỗ đậu con ngựa sắt thì mỏi mắt. Các đèn báo giao thông thay đổi có khi theo từng giờ khác biệt trong ngày để điều chỉnh lưu lượng xe cộ. Có nơi đèn đỏ không được quẹo phải...

Vậy mà có những thành phố nhỏ thì downtown của nó ôi thật dễ thương! Người ta cố giữ kiến trúc và văn hóa cả hai trăm năm trước đây, phố đó nhỏ xinh như Hội An. Nhà cửa mặt tiền giữ nguyên những bờ tường cũ bằng vôi gạch. Mình đậu xe một chiều ghé qua bất chợt, cứ như chàng cao bồi dừng ngựa, cột dây vào hàng hiên bằng gỗ, bước vào saloon bán rượu có 2 cánh cửa thấp có lò xo mở ra mở vô. Thành phố đó chỉ có vài ngả tư có đèn xanh đèn đỏ, một nhà thờ nằm chơ vơ bên đường, một tiệm ăn McDonal và mênh mông là gió. Đi các con phố vậy thật vui, dù chẳng có gì để mua. Cứ yên ắng như con phố ngày xưa trong ký ức của mình.

Ngày đó nhớ nhất không là quán cháo lòng Kim Anh, khang trang trên phố; không là cửa hàng Bảo Thạnh, để sắm cho nhau món quà; không là nhà sách Văn Minh, để mua bình mực viết; không là chén chè Thượng tứ, thơm ngọt mềm môi; không là những rạp cine Tân Tân, Châu Tinh khai khai mùi nước tiểu, cũng chẳng phải là những quán cà phê máy lạnh mịt mùng khói thuốc, (khói thuốc nhiều như làm giọng hát của Tuấn Ngọc khàn đục hơn, như làm tiếng hát của Beegees chừng như giọng kim mai mái cao hơn.) Mà nhớ nhiều cái ngõ vắng xôn xao. Gọi là ngõ nhưng thực ra là hẻm, cái hẻm nằm cạnh Ty Thông Tin dưới chân cầu Trường Tiền. Gọi ngõ vắng nhưng chỉ vắng ban ngày, chiều xuống là xôn xao tới khuya, xôn xao tới gần sáng. Nhớ cô bé Len chủ quán tròn trịa. Nhìn dáng cô bé như nghĩ rằng tròn trịa không phải vì ăn, mà vì ngồi hít mùi nước lèo bao nhiêu năm mà "phúc hậu" đến vậy. Quán trong hẻm thì bạn biết rồi. Chỉ vài cái bàn ghế gỗ chông chênh. Dưới chân là mặt đường tróc lở, mùa mưa tới lầy lội ổ gà, xe chạy qua là phải đi chậm kẻo bánh xe lọt ổ gà văng nước vào quán, tiếng chửi thề sẽ rủa dài đến mấy cây số còn nghe. Mùa mưa dầm ngồi quán thật thú vị, trên đầu mảnh bạt che mưa bị gió tạt, nhiều khi phải ngồi chồm hổm như bị nước lụt, vừa ăn vừa lấy lưng che gió. Ngày đó tiền đâu mà uống bia! rượu thuốc thôi. Gọi là rượu thuốc nhưng chẳng biết có thuốc gì, chỉ thấy cái hủ lớn màu hổ phách, ngâm vài cái hột, rễ, vỏ cây. Uống thơm thơm mùi cỏ. Cũng nghe người ta bỏ tí thuốc rầy vào rượu cho lên nồng độ, nghe thì nghe vậy nhưng uống thì cứ uống, như chừng nghĩ rằng mình là khách quen, không ai bán rượu ấy.

huexua-1968
Khi mặt trời bên kia sông Hương còn trải ánh vàng, nắng chiều còn quấn quít theo tà áo ai về bên ni sông, thì kéo ghế ra ngồi ngoài vỉa hè đường Trần Hưng Đạo. Từ đó ngắm xe cộ về chợ Đông Ba, xuôi lên Kim Long, qua cầu Trường Tiền, vô nội ra thành... Nhìn thôi, chưa uống đã vui. 

Chiều qua nắng trải giang hà
Phố chiều đợi bạn, rót và rót thôi! (Nguyễn Văn Nho)

Chẳng phải đợi. Bạn bè đi ngang ghé lại, có khi hẹn hò, có khi bất chợt. Ôi chao vui lắm. Bạn nhỏ tuổi lớn tuổi, bạn sàng sàng lứa, bạn bên kia đèo. Ôi bạn bè đủ loại từ đạp xích lô, xe thồ, đi buôn trầm, đi lính, đi học cải tạo về, đi dạy, đi hát, bác sĩ, họa sĩ, điêu khắc và cả mấy thằng thất nghiệp (cũng có thằng cả đời chưa làm nghề gì). Cứ ngồi với nhau mà vui, vui đến nỗi mặt trời đã lặn mà mặt đứa nào đứa nấy đỏ gay. Có đứa ngồi nhậu mà được gọi là "giai nhân". (Giai nhân là dân nhai, ngồi hoài không uống được ly nào, cứ phá mồi). Có đứa càng uống mặt càng tái, chẳng phải hắn uống lì mà tái, nó tái vì người yêu của nó vừa cầm tay ai dạo phố bên kia lề đường... 

Từ con hẻm đó có thơ con cóc và thơ in giấy ra đời, có tiếng hát boléro sến rện gõ nhịp bằng đũa, hát mãi chỉ một câu và cũng có tiếng hát thính phòng làm bất chợt im ắng các bàn kế bên. Cũng từ con hẻm đó dân bụi đời Bờ Hồ ngồi chung bàn anh em với thằng giáo viên mô phạm (chỗ mô cũng phạm), triết học văn chương và luật giang hồ hòa tan trong ly rượu cay.  Lại nhớ những đêm đi nhảy đầm bên Xẹc về khuya, hát rêu rao "Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố. Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình."* Một lần đi qua cuộc tình, mà như phố hoang vu, hẳn là cuộc tình buồn, buồn hiu hắt phố đêm. Phố vắng lắm, chỉ còn ngõ vắng là xôn xao, làm tô cháo lòng, là làm khuây khỏa một đêm bớt buồn. Phố đêm vui là vậy đó! Chỉ có phố trưa là buồn. Về trên phố cao nguyên ngồi. Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi.* Gáy khan như bỗng dưng ngứa cổ, gáy chơi, gáy không ra tiếng, không màn ai nghe; khi cái nóng oi ả của phố trưa làm phố vắng thưa người. 

Phố đêm, phố trưa, phố chiều, phố khuya. A! còn phố sáng. Sáng nay em ra phố chợ, đi về một mình lẻ loi. Sáng nay em ra phố chợ, đi về nẻo đường mồ côi. (Lã Văn Cường) Ra phố sáng hẳn là đi ăn sáng, Làm ly ca phê Lạc Sơn, làm tô cơm hến, cay xè tô bún bò, thêm ly chè ngọt. Đi về một mình lẻ loi, một nẻo đường mồ côi. Dù bụng đầy mà hồn như trôi, bởi ngày sẽ rất dài...    
Ra phố, xuống phố, lên phố thì phải có về phố. Về đây chẳng phải là ​C​hâu về ​H​ợp ​Phố. Mà về trong phố, đi mỏi chân thì về nằm. Ѵề trong ρhố xưɑ tôi nằm​. Ϲó lần nghe tiếng ru bên νườn*

Phố xưa này yên ả lắm, chỉ có trong hoài niệm xưa, quanh hàng chè tàu, dưới bóng phượng và nhãn, qua một cổng vòm bằng gạch, qua bức bình phong quét vôi, có hòn non bộ rêu phủ và vài con cá vàng. Tiếng ru à ơi của ai đó vườn bên, ​nghe như tiếng còi tàu sân ga ​xao xuyến hồn lãng du, ​như ​đang mơ về những con phố xa​,​ ​dùng dằng cuộc đi-về tiến thoái lưỡng nan. 

​​Đưa em một nửa lên đường
Nửa kia còn lại nỗi buồn quẩn quanh
Mùa Xuân phố bội bạc tình
Bước chân phiền não một mình ta hay​*

Ừ nhỉ!  Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày ​.​*

SB. Đầu tháng Tám, nắng nám trái bưởi.
Bảo Sinh
Nguồn http://ykhoahuehaingoai.com/99do/CoDuongPhoNaoVui_BS.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn