BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mấy Ghi Nhận về tập thơ của Trung Hậu "Đất Đỏ Bụi Mù Quân Đi Về Núi"

22 Tháng Mười Hai 20167:32 SA(Xem: 1901)
Mấy Ghi Nhận về tập thơ của Trung Hậu "Đất Đỏ Bụi Mù Quân Đi Về Núi"
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Qua giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Nam An, chúng tôi biết nhà thơ Trung Hậu qua bài thơ “Những Điều Ghi Được Sau Khi Xem Bên Nầy Bến Hải”. Chỉ vài nét chấm phá đã hiển hiện hình ảnh sống động và bi thảm của cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam vừa qua:


một người ngồi giữa đường đại lộ/ ôm xác chồng nằm còn ấm bàn chân/ có đứa bé mút tay giữa tan hoang đổ vỡ/ mẹ đâu mất rồi hỡi những em tôi.
(đđbmqđvn, trang 64)

thotrunghaudatdobuimuquandivenui

Những quặn đau nầy đã phủ lên đầu người dân lành miền Nam nói chung và người lính trẻ 17 tuổi Trung Hậu nói riêng. Nếu cộng sản không phát động cuộc chiến xâm lăng miền Nam thì lớp trẻ như Trung Hậu thay vì xung vào quân ngủ, họ có thể vui hưởng thanh xuân của mình trong các sân trường…

Như bao nhiêu người trai trẻ khác, Trung Hậu đứng lên đáp lời sông núi, mang theo hình ảnh của Vân 16 tuổi (trên nón sắt anh chữ vân anh nắn nót, trang 87) vào khắp các giao thông hào, khắp núi cách sông cùng ngút ngàn khói lửa chiến chinh.

Người con gái tên Vân sẽ hóa thân thành “mây trắng” bàng bạc khắp ngỏ ngách của Đất Đỏ Bụi Mù…tình ở lại là sông sâu núi thắm/ tình ra đi mây trắng phủ ngang trời, (đứng giữa tường mây, trang 87). Và

từ dạo lên đường anh thương mây trắng/ từ bỏ phố phường mây trắng em thương/ ngẩng nhìn mây trắng dọc đường/ trắng mây mây trắng dặm trường trắng mây.(chiều nay mây trắng, đđbmqđvn, trang 57)

Những quay quắt của Trung Hậu không chỉ vì tình yêu trai gái, nỗi ray rứt đó còn phủ đầy trên mỗi tấc đất ngọn rau trên quê hương chi mà khổ: thằng lính thả ba lô bên bờ giếng/ bi đông nước nầy biết cám ơn ai/ bụi ớt hồn nhiên trổ chùm trái đỏ/ muốn hái mà thương tay mẹ vun trồng/quê hương chi mà khổ/ chiều không bếp lửa mà rưng rưng ngọn khói, chiều qua hà nha, trang 107)

Chúng tôi cám ơn Trung Hậu, người lính trẻ nhảy dù ngang tàng mà tấm lòng lại vô cùng trung hậu với nước với dân.

Tấm lòng trung hậu đó nói lên tình quân dân cá nước.

Tấm lòng trung hậu đó cũng nói lên lý tưởng bảo quốc an dân của người chiến binh miền Nam, trong đó có chúng tôi.

Chúng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần Đất Đỏ Bụi Mù Quân Đi Về Núi, để tìm cho được cái tiêu biểu trong thơ Trung Hậu.

Tình đồng đội với người sống và kẻ chết?

Cũng sẽ là một tiêu biểu qua bài thơ “trong giấc mơ rủ nguyễn nam an về nhà nhậu”, trang 99:

hiên nhà ba tao vừa quét sạch/ bụi mong chờ của những năm xưa/ mạ tao trải ra thêm cho chiếc chiếu/ nhìn mà thương chân chạy tới chạy lui/chai đầu tiên cụng ly cho sông núi/ biết vu gia hiếu đức có còn thương/ chai thứ hai ngậm ngùi uống cho người chết…

Qua mấy câu thơ trên, chúng ta thấy được tấm lòng của người cha người mẹ đơn sơ dung dị mà thật cảm động đối với thằng con chấp hết (chữ của nguyễn nam an) những đầy bất trắc của đời sống chiến binh.

Nhưng cái tiêu biểu của thơ Trung Hậu, theo tôi, là suy nghĩ của người lính mủ đỏ của QLVNCH đối với tuổi trẻ hai mền Nam Bắc trong cuộc chiến ý thức hệ bất hạnh: thằng sao vàng mủ đỏ cũng như nhau, trang 99.

Dĩ nhiên không phải như nhau về lý tưởng, về lập trường chính kiến, mà như nhau về sinh mạng trước làn tên mủi đạn vô tình.

Đã 35 năm kể từ ngày tàn cuộc chiến, người dân cả nước đã nhận diện được  thực chất của chủ nghĩa ngoài kia:

chủ nghĩa ngoài kia sáng ngời mã tấu/ chém lưng người đi sinh bắc tử nam, trang 113.

Và chúng ta cho đến tận bây giờ, vẫn thấy thương cảm cho hình ảnh uy nghi mà độ lượng của những đứa con, dũng khí mà đầy tình người của những thằng em, trên khắp các chiến tuyến:

sương gió lạnh thổi run run cò súng/ tuổi hai mươi giăng trừng mắt tìm nhau/thằng giặc bắc lỡ chút đây mầy chết/ có hiểu rằng tao chẳng hận thù riêng/ (vỡ tan mơ ước, trang 113)

Và quả thật tôi vui mừng vì đã tìm được cái tiêu biểu của Trung Hậu qua Đất Đỏ Bụi Mù Quân Đi Về Núi. Cái tiêu biểu đó rất chung rất người bất luận nón sắt hay nón cối. Trong rừng sâu, nhìn mây trắng bay trên dãy Trường sơn thằng nào mà không  nhớ đến quê nhà với tất cả người thân yêu ẩn hiện trong ngọn mây tần đó ?

Xin cùng suy gẫm bài thơ “thư cho thằng bộ đội”, đđbmqđvn, trang 55:

ê thằng bộ đội/ chiều nay ở một chỗ nào/ mày có như tao/ ngồi gãi vết thương xưa/ và nghĩ về những chùm mây trắng/ bay hoài giữa trường sơn.

Mày còn nhớ nắng mưa bên thạch hãn/ ngày pháo 122 ly chụp xuống hố tao ngồi/ đêm bom B52 phủ lên hầm mày núp/ ước mơ mười bảy/ đường đạn bay bom nổ ngợp chân trời/

mày còn nhớ đến la vang/ ngày tao đến đứng cầu bên tượng chúa/ ngọn đồi phía sau kia tao làm hai ngôi mộ/ bạn của mày còn nằm đó hay không/

mày chắc chưa quên động ông đồ/ đêm trừng mắt nhìn nhau trong ánh lửa/ có phải lũ chúng ta thù/ mà bóp cò không/

ê thằng bộ đội/ trần sĩ hùng bây giờ ở đâu/ nó còn nợ tao nguyên bao thuốc lá/ ngày tao bắt nó làm tù binh/ là ngày tao biết một đi không về nữa/ những làn da hoa bưởi/ là tuổi thơ mang theo/ những mái tóc kiền kiền/ là giòng sông ấu thời chẳng khi nào trở lại/

ê thằng bộ đội/ mày có huy chương không/ chiều nay đem đi đổi rượu/ uống mà thương những chùm mây trắng/ bay hoài giữa trường sơn.

Chất lãng mạn, tính phóng khoáng của người lính dù Trung Hậu đã vận vào thơ của anh, bàng bạc cùng khắp từng con chữ, giữa sâu hai hàng chữ trong Đất Đỏ Bụi Mù…

Lòng chúng tôi chùng xuống khi đọc những dòng thơ quá đỗi nên thơ, nhưng quá đỗi dung dị và hào hùng: ngọn đồi phía sau kia tao làm hai ngôi mộ/ bạn của mày còn nằm đó hay không/…v.v…

Tuổi trẻ bên kia, ngày đêm nhồi nhét thề phanh thây uống máu quân thù thì làm sao mà hiểu được “cái tình”  của người chiến sĩ miền Nam?

Hấp thụ cái hạo khí của Cố đô trầm lắng và của Đà Nẵng rộn ràng, đã hun đúc  tính mẫn cảm cho người con xứ Quảng Trung Hậu và anh đã thể hiện cái lý tưởng quốc gia của một chiến sĩ cộng hòa và cái lãng mạn nhân bản của một tâm hồn thi nhân, qua thi phẩm Đất Đỏ Bụi Mù Quân Đi Về Núi…

Xin cám ơn những dòng thơ bạt mạng và đầy tình người của Trung Hậu, chiến hữu và là đồng môn Phan Châu Trinh Đà Nẵng của chúng tôi.

Võ Ý
Thanksgiving, 2010
Nguồn QuyênBook

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn