BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cô giáo Minh

22 Tháng Mười Hai 20167:51 SA(Xem: 1905)
Cô giáo Minh
52Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.73

Đêm Bảo Lộc thật thú vị với cái lạnh tê tê tay chân, rúm người trong chiếc áo không đủ ấm của dân Sài gòn, tôi và chị bạn đi tìm quán thịt rừng để ăn tối. Cô tiếp tân chỉ cho hai chị em một quán thịt rừng ngon gần khách sạn và hai chị em tìm ra dễ dàng. Đây là một quán nhậu chứ không phải quán ăn lịch sự nhưng chúng tôi thấy không khí cũng không đến nỗi xô bồ, ồn ào như những quán nhậu Sg nên vào ăn luôn. Chúng tôi gọi vài món rồi ăn và uống hai chai bia, cảm thấy vui và thích thú lắm bởi ở Sàigon hai chị em tuy thân nhau nhưng cũng không có nhiều thời gian để gặp gỡ, chuyện trò nên đây là dịp để gần gũi nhau hơn. Rồi hai chị em về khách sạn ngủ một giấc ngon lành, chắc nhờ có chút hơi men.

Năm giờ sáng hai chị em thức dậy chuẩn bị đi vào rừng Bảo Lâm để giúp đồng bào Thượng. Tôi không dám theo xe lớn đi thẳng vào rừng từ tối hôm qua, sợ ngủ lạnh, sợ muỗi cắn, sợ sốt rét… Bình thường tôi không đóng vai tiểu thư đến vậy, nhất là trong những chuyến đi thiện nguyện thì tất cả anh chị em trong đoàn đều vui vẻ hoà đồng với nhau, nhưng vì tôi đang có bầu bốn tháng nên anh chị trưởng nhóm nhất định bắt tôi phải ở ngoài Bảo Lộc rồi sáng sớm theo xe của mấy vị hoà thượng vào rừng luôn.

baoloc-doiche-300x200
Bảo Lộc

Tưởng được đi xe ngon lành ai dè xe chỉ chạy khoảng chục cây số sau đó là tất cả xuống xe cuốc bộ vào rừng khoảng hơn chục cây số nữa. Đoạn này đường không còn là đường mà toàn những ổ voi đọng đầy nước sình lầy đỏ nhầy nhụa nên xe không dám vào sợ bị lún bánh. Những vết bánh xe đan chằng chịt lên nhau xới bùn đất đỏ trơn trợt nên khi đi qua phải hết sức khéo léo chứ không thì chụp ếch …không có chỗ nấu ăn mà cũng không có quần áo thay!

Nhưng phải công nhận rằng đó là đoạn đường rừng đẹp nhất tôi được đi và có lẽ là lần duy nhất trong đời tôi cảm nhận được vẻ kỳ diệu của rừng. Không khí hoang vắng, hơi hướm thanh tịnh của thiên nhiên, làn gió mát buổi sáng sớm, chim rừng thi nhau hát như chào mừng người lạ vào rừng. Thỉnh thoảng lại có chú khỉ nhỏ đu trên cây ló mặt ra nhìn chúng tôi một cách hết sức tò mò, rồi lại đu trên cây đi theo chúng tôi một đoạn rất xa. Và tuyệt vời nhất là khi nhìn thấy những giò phong lan bám trên các cây cổ thụ, nắng chiếu trên lá trên hoa, ơi là đẹp đến đỗi tôi cứ mãi mê ngắm… Nếu không bị hối thúc đi nhanh thì không biết tôi còn dừng lại la cà chụp hình rừng đến bao giờ…

Sau đó cũng may là các anh chị trong buông cho xe máy ra chở chúng tôi vào chứ nếu không chắc đi bộ đến tối không biết đến chưa vì chúng tôi không quen nên đi quá chậm.

Và tôi may mắn được đi với cô giáo Minh, người mà tôi rất có cảm tình trong lần đầu gặp gỡ, sau này là thần tượng của tôi và có lẽ không bao giờ tôi quên hình ảnh cô. Cô khoảng hơn bốn mươi nhưng trông trẻ và rắn rỏi khoẻ mạnh lắm! Khuôn mặt đẹp dù da rám nắng do những chuyến đi dài qua nắng qua sương vào rừng mỗi tuần, tôi nghĩ hồi trẻ cô phải đẹp lắm, giọng nói thì ngọt ngào nhẹ nhàng, nhưng đôi mắt cô biểu hiện sự mạnh mẽ của ý chí và trên chiếc xe honda 67 cô chở tôi lao vun vút trong rừng thì tôi biết cô chẳng sợ gì cả! Suốt đoạn đường gần mười cây số cô tâm sự với tôi rất nhiều và tôi nghĩ đó là đoạn đường rất đẹp tôi đã được đi với một người cũng rất đẹp, cả về hình thức lẫn nội dung.

– Sao chị lại vào dạy trong buông này?

– Tất cả là định mệnh chị à…

– Chị có chồng chưa, có mấy cháu?

– Tôi có hai cháu gái,một cháu học lớp mười và một học lớp sáu. Chồng tôi là sĩ quan chế độ cũ và mất đã chục năm rồi.

Giọng cô như nghẹn đi, rồi cô kể tiếp:

– Hồi đó quen anh sau khi anh đi học tập về, anh hơn tôi cả chục tuổi, thấy anh cao ráo, hiền lành và xốc vác nhà tôi ai cũng thương, lại nữa ba tôi cũng là sĩ quan chế dộ cũ đi học tập rồi mất trong trại nên nhà càng thương anh. Dù vậy anh không muốn sống ngoài phố mà thích vào làm rẫy tít trong buông, anh không muốn xã dòm ngó anh, không muốn gặp ai hết. Rồi tôi xin vào dạy trong ấy luôn. Anh bị sốt rét rừng quật, dạo ấy thuốc men khó lắm chị ơi, đường chưa có như bây giờ nên đi lại hết sức khó khăn, tôi đau đớn nhìn ảnh suy yếu dần mà chẳng làm được gì. Ảnh mất tôi khổ hơn vạn lần, hai bên nội ngoại chẳng ai khá giả, một nách hai con nhỏ, nhưng tôi cũng không bỏ dạy được, thương mấy đứa…mọi này quá rồi!

Tôi nghe cô nói “mấy đứa mọi” mà giọng trìu mến làm sao, tôi hiểu cô thương chúng lắm!

– Bây giờ thì khá hơn nhiều nên tôi gởi hai cháu cho bà ngoại để đi dạy, mỗi tuần về nhà thăm con hai lần thôi. Cũng có mấy cô giáo mới về nhưng không quen chịu khổ rồi cũng bỏ đi hết, thôi thì mình ráng được lúc nào hay lúc đó chị ơi!

Rồi cô cười bảo tôi:

– Mình khổ thật nhưng mình vẫn là con người, chị vào buông sẽ thấy người dân tộc họ sống …như thú rừng, họ không ra người, khổ lắm chị ơi!

– Sao chị không lấy chồng cho có người chia sẻ?

– Làm sao “trúng số độc đắc” hai lần được hả chị? Tôi có anh cũng như trúng số vậy, anh là người đàn ông tôi không biết diễn tả thế nào cho đủ, với tôi anh là duy nhất nên tôi không thể quên anh được.

Nghe giọng chị run run lạc đi mà tôi cũng muốn khóc, nên tôi tìm cách đùa chút cho chị bớt buồn:

– À ra vậy! Chị may mắn quá còn gì, “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt ngàn năm” phải không chị?

Mà chị cười thật, chị bảo tôi:

– Thì ông Trời công bằng mà chị, được cái này mất cái khác. Tôi nghĩ tôi gắn bó với rừng Bảo Lâm này, như gắn bó với chồng tôi vậy!


Khi nghe cô nói tôi chỉ mới nghĩ cái khổ trong rừng một, nhưng vào tận nơi thì hiểu nó phải gấp ngàn lần. Cả gia đinh gần chục người chui rúc trong căn nhà sàn bốn năm mét vuông. Họ không có dụng cụ gì cả, cái thau nhựa cũ kỹ sứt mẻ mà họ vẫn quý như cái gì, tôi tiếc là không biết để mang vào cho họ thật nhiều đồ dùng bằng nhựa. Chỉ cách thành phố Bảo Lộc khoảng hơn hai mươi cây số mà họ sống như thời ” ăn lông ở lỗ”, và chắc chắn không ai muốn cho con đi học khi cái bụng đói và sách vở thì không có. Và mùa mưa trong rừng thì muỗi, vắt đầy rẫy thật khủng khiếp! Cô giáo Minh phải giúp dân làng rất nhiều nên họ quý nể cô mới cho con đi học, và mỗi lần có đứa nào đau ốm cô đều phải lo thuốc men, nhiều hôm nửa đêm cô phải chở học trò về bệnh viện Bảo Lộc khám chữa bệnh. Cô nói ” Đi hoài rừng như nhà chẳng sợ gì hết, hiểu từng gốc cây rồi mà!”

Chúng tôi khám bệnh, phát quà là gạo, muối, mùng mền và áo lạnh cho dân rồi vội về cho kịp về Sài gòn. Chị dẫn tôi đi những nhà khổ nhất như nhà có bà cụ già khụm, mù mắt sống với đứa cháu gái, nhà bà mẹ có năm đứa con nheo nhóc lại bịnh ung thư, nhà có người cha đơn thân độc mã nuôi bốn đứa con nheo nhóc vì vợ bịnh mới mất năm rồi… Tôi đến từng nhà để giúp họ nhiều hơn chút và tôi phục cô Minh thuộc làu hoàn cảnh từng nhà, cô nói vanh vách như họ hàng của cô vậy, tôi nghĩ có khi còn hơn thế nữa, phải nói cô với họ như ruổt thịt mới đúng! Tôi nể phục cô quá, tấm lòng thật bao la, chan chứa tình người.

Chia tay buông làng, chia tay cô giáo Minh lòng tôi thật sự lưu luyến.

Cô Minh cứ khen tôi có lòng đi thiện nguyện giúp người nghèo nhưng việc tôi làm có là gì so với những gì cô đã làm. Cô hy sinh tuổi thanh xuân của mình vào dạy các em học, học để biết cái chữ, “để …bớt bị người Kinh ăn hiếp” (như cô nói), học để mai này dạy lại cho thế hế sau, để giúp cho chính buông làng mình. Cô có điều kiện ở thành phố mà lại chấp nhận vào rừng sống khổ, phải xa con cái nữa. Tôi khâm phục cô hết sức! Tôi cho cô số điện thoại và hẹn khi nào cô về Saigon hai chị em đi uống cà phê.

Chuyến đi với tôi khá vất vả nhưng lòng tôi vui lắm, quen Cô giáo Minh với tôi thật sự là điều hạnh phúc, cô cho tôi niềm tin yêu cuộc sống và tính lạc quan tuyệt vời. Tôi cầu mong cô có sức khoẻ dồi dào, bền bỉ để còn giúp được cho đồng bào Thượng sống khổ sở trong rừng và vẫn rất cần có cô… Cô là tấm gương ý chí và tình thương mà tôi mong muốn học theo cô.

Sông Chuyên

Bảo Lâm 2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn