BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một Thời Khó Quên

15 Tháng Mười Hai 20168:01 SA(Xem: 2268)
Một Thời Khó Quên
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33
Sau khi thu xếp mọi việc tại nhà Vợ ở Sài Gòn, tôi nạp đơn xin hồi hương về quê sinh sống và chăm sóc mẹ già. Trong đơn tôi ghi rõ là xin về Hội An tỉnh Quảng Nam. Điạ chỉ là ngôi nhà thờ ông bà mà mẹ già neo đơn của tôi đang thui thủi sống một mình. Trước đó tôi đã cố gắng thuyết phục vợ tôi nên dắt con cái về ở với tôi để giúp tôi làm ăn và chăm sóc mẹ tôi. Có lẽ vợ tôi sợ sự cực khổ thiếu thốn ở miền Trung nên nhất định không chịu về. Tôi đành khăn gói rồi lặng lẽ lên đường hồi hương. Hoàn cảnh người dân giữa những năm 1983, 1984…thật là khốn khó vô cùng, người người đói rách, nhà nhà xác xơ. Tôi ra tù chỉ có hai bàn tay trắng nên càng phải làm những công việc nhọc nhằn và quần quật suốt ngày may ra mới kiếm đủ lương thực cho hai mẹ con tôi. Nói chung là chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. 

Lúc trước khi còn ở quân đội, tôi có đưa mẹ tôi một số tiền để mẹ tôi giao lại cái quán bán tạp hoá ở ngã tư đầu đường Cửa Đại để vợ con tôi ở cho an toàn hơn vì cái quán này nằm trong khu vực khá an ninh của thành phố. Cái quán này đã bị Hợp tác Xã Xay Xát phường Sơn Phong trưng dụng làm văn phòng. May mắn cho tôi là khi tôi hồi hương thì HTX này dời đến địa điểm mới có nhiều đất đai rộng rãi nên họ trả cái quán này lại cho mẹ tôi. Ban đầu họ nói cái nhà này là nhà của Sĩ Quan Ngụy, nên họ đòi tịch thu. Mẹ tôi kháng cự quyết liệt nên họ chiụ thuê lại với một số tiền quá ư là tượng trưng. Số tiền HTX Sơn Phong trả cho mẹ tôi có lẽ chỉ đủ tiền để ăn vài ba tô phở là cùng.

Lấy lại được cái quán bán hàng có vị trí làm ăn tốt, mẹ tôi bàn với tôi nên đi học môt cái nghề gì đó, tôi thấy chẳng biết chọn học nghề gì bây giờ. Tôi lên nhà bà dì tôi để xin học nghề sửa chữa xe hơi vì dượng tôi có Garage sửa xe đã lâu rôi và ông có công chế ra chiếc xe hơi chạy bằng than củi (giai đoạn này xe chạy không mua đưọc xăng nên việc cải tiến xe chạy bằng than củi được chính quyền đia phương cấp giấy khen ngợi). Có lẽ lúc này xe hơi rất hiếm hoi nên coi bộ khó sống với nghề này, ông dượng tôi khuyên tôi phải học nghề khác. Tôi thấy lúc này xe Honda rất hiếm người xử dụng phần thì xăng dầu hiếm hoi phần thì dân miền Bắc vào họ đua nhau sắm Honda, Đồng, Đài, và xe Đạp mang ra miền Bắc nên cũng khó tìm ra một chỗ nhận cho mình học nghề. Cuối cùng tôi thấy chỉ còn xe đạp là phương tiện đi lại phổ thông, nhiều người dân và cán bộ thường xuyên xử dựng. Tôi quyết định đi xin học nghề hàn gió đá và chế tạo sườn xe đạp. Trong thị xã tôi ở chỉ có hai tiệm làm sườn xe đạp và hàn gió đá. Một tiệm ở gần chùa cầu và môt tiệm ở trên Bến Xe Đò Hội An Đà Nẵng. Tôi có bà con với Huy là cháu kêu mẹ tôi bằng Dì. Huy làm chủ tiệm hàn gió đá và làm khung xe đạp, tôi hy vọng Huy sẽ nhận tôi làm đệ tử. Tôi đã thất vọng khi biết Huy không muốn nhận tôi vì sợ sau khi thạo nghề tôi ra mở tiệm sẽ chia bớt khách hàng nên Huy từ chối khéo… Xin học việc hai chỗ đều không được nhận, tôi đến đứa cháu bà con xa xa xin học sửa xe đạp, may mắn vì ít ra tôi cũng có người giúp đỡ nhận vào học sửa xe đạp. Qua vài ngày làm quen tôi thấy sửa xe đạp chẳng có gì là khó khăn. Tôi đi mua hai bộ tăm và nhờ Phước (tên đứa cháu sửa xe) chỉ cho tôi cách bắt tăm vào niềng xe và cách canh, chỉnh tăm sao cho bánh xe được tròn đều, không bị mo hay tráng. Thế là sau hai tuần lễ tôi về lại cái quán của mẹ tôi và tôi bắt đầu hành nghề bơm, vá và sửa chữa xe đạp. 
Một thời gian sau do nghề dạy nghề, tôi thấy tay nghề của mình cũng đã vững vàng, tiền thu nhập từ việc làm này đã tạm đủ cho mẹ con tôi đắp đổi qua ngày. Tôi nhận thêm việc vá cả bánh xe Hon Da, vá bánh xe bò, vá bánh xe hơi nên việc làm quá bận rộn và cực nhọc. Vài đứa trẻ choi choi đến xin học việc tôi nhận hết, các cháu giúp tôi kiếm ra tiền và bớt cực nhọc nên tôi cũng vui vẻ chia sẻ miếng cơm với các cháu nhà nghèo học việc. Đến dịp Tết Âm lịch tôi thấy người ta thường đem xe đạp đi sơn lại cho mới và đẹp cũng như mang các bô lư đồng đến các tiệm xe đạp để nhờ đánh bóng về chưng bàn thờ ba ngày tết Tôi chạy tiền để sắm một bộ Compressor, cái Pistolet và mấy bộ Phốt (xấp vải tròn có lỗ ở giữa tâm để gắn vào mô-tơ đánh bóng xe đạp và lư đồng). Tôi đi tìm được một quyển sách cũ chỉ cách pha màu và học lóm cách sơn xe của một tiệm xe đạp lâu đời trong phố, từ đó tôi mày mò sơn xe của mình trước và nhận xe của khách để sơn như các quán sửa xe khác. Tết năm đầu tiên là tôi đã nhận được một số xe đạp để sơn sửa (đề mân tê) làm mới và nhận đánh lư đồng cho bà con quanh xóm. Công việc làm cho tôi bận rộn suốt cả tháng chạp, tuy vậy tiền bạc cũng không khá giả gì vì tôi phải nuôi thêm hai miệng ăn của hai chú nhỏ học việc. Một mình tôi thì làm không hết vịệc mà thêm học trò thì phải tốn kém nuôi ăn vì các cháu quá nghèo và gia đình họ gởi học việc cốt để có miếng ăn. Hết mùa Tết đầu tiên sau khi mở quán là đến những ngày tháng giêng vắng khách vì xe đạp nhà nào cũng đã lo làm mới lại để ăn Tết nên rất ít xe bị hư hỏng. Tháng giêng là cái tháng chỉ có bơm, vá và sửa chữa lặt vặt. Công việc thì giảm dần nên chỉ giữ lại một chú nhỏ để phụ việc. 
 Công việc phục vụ sửa chữa xe đạp bơm vá bánh xe là cái nghề gần như là quá thấp kém lúc bấy giờ, nhưng ở thời điểm 1984, 1985 mà tôi có được một điạ điểm mở quán làm ăn là đã may mắn hơn những người khác phải ra ngồi dưới gốc cây hay dưới trụ đèn điện và căng lều bạt để hành nghề. Tuy nhiên cái may mắn này nó cũng phát sinh ra những chuyện không vui mấy bởi vì đã có quán xá làm ăn tương đối lịch sự hơn ngồi vỉa hè nên cũng có những người khách có “vai vế”ở điạ phương quan tâm đến quán của tôi. Khi những người khách không mời và không thiết tha mời này đến là tôi cảm thấy ngày hôm ấy lỗ vốn hơn những ngày vắng khách. Thường thì họ nhờ sửa chữa linh tinh thì mình không có gì phải nói. Đằng này họ tới bảo mình thay cái ruột hoặc cái lốp xe mới, hay thay cái Rô líp mới, quán không có sẵn phải chạy ra chợ mua về thay cho “qúi khách”. Khi làm xong thì tiền công và tiền mua lốp, ruột…thì họ làm lơ. 

Người chủ quán như tôi chỉ nghe được những câu nói đáng ghi nhớ và học hỏi:

Khách VIP nói –“Thôi rứa anh Phi hỉ! Khi mô làm có làm thêm cái gì thì tôi trả luôn nghe”

Chủ quán ngậm bồ hòn làm ngọt 

“Dạ được! anh về nghỉ khỏe “
Thế là toi công mấy tiếng đồng hồ và tốn tiền mua phụ tùng thay thế nhưng cái “Bữa Mô…trả luôn” đó thường hay xảy ra tại quán xe đạp của tôi. Tôi phải đóng vai khờ khạo và dễ giải để tìm chút không khí dễ thở ở địa phương, và cũng không muốn bị đì hoặc phải đi kinh tế mới thì thật là bất hạnh!
chuacau-hoianTuy nhiên chuyện “Bữa mô” hay xảy ra nhiều lần nên có lần tôi đã phản ứng… vì tức tối thấy mình cứ bị bóc lột hoài. Hôm ấy là ngày mồng hai Tết, tôi và thằng đệ tử tên “Lu lát” ra mở quán để khai trương đầu năm. Khách hàng năm mới của tôi là môt vị khách có tiếng tăm ở điạ phương vì hắn ta làm Phó đồn Công An Thị Xã. Không hiểu sao hắn có hổn danh là Bảy Búa. Có bạn đọc nào đã sinh sống ở thị xã Hội An thì chắc hẳn cũng có lần nghe tới hổn danh của ông thần chuyên bắt nạt người dân này (Khi Bảy Búa đạp xe đi làm mà trên đường đi có ai lỡ miệng nói chuyện với nhau, tỏ ý chê trách chế độ, Bảy Búa nghe được là hắn dừng người đó lại và cho lên đồn Công An thị xã làm việc. Người đó coi như lãnh búa rồi). Ông ta dắt xe vào quán tôi nhờ canh bánh lại và nối dây sên bị đứt. 
Tôi bảo đệ tử Lu Lát đem xe vào làm (Xin nói thêm một chút về cái tên Lu Lát, lúc chưa vào học việc sửa xe với tôi, Lu đi làm cho một chỗ gói nem, chả. Khi hết giây lát để gói nem thì bà chủ kêu Lu ơi đem lát vô đây, Kêu cả câu dài quá mất công nên họ kêu gọn hơn . Lu! Lát . Lu lát… Lu  biết ngay là kêu mình đem thêm dây lát vào để gói nem, cuối cùng gọi mãi nên kết thành cái tên gọi thằng bé là Lu Lát cả đời ). Công việc xong xuôi cũng mất hơn một tiếng đồng hồ. Lu Lát vào hỏi tôi có tính tiền không chú. Tôi bực mình nói “mày cứ ra lấy tiền công cho tao. Mới sáng khai trương mà đi làm không công đâu có được! ”.Lu Lát ra đòi tiền, tôi ngồi ở trong mà vẫn còn nghe được lời hăm doạ của Bảy Búa.
“Bữa nay mà tao bận Cảnh Phục (ý nói bận đồ Công An) là chết với tao!” Tôi nghe Bảy Búa tức tối hù dọa mà cười thầm trong bụng….
Công việc sửa xe đạp ngày càng thiếu khách vì các người thợ không chuyên ra ngồi bơm vá xe và sửa chữa lặt vặt càng nhiều. Mấy tháng sau đó tôi xin vào làm ở Hợp tác Xã Cơ Khí Sơn Phong. Tôi làm ca ba ban đêm để có thu nhập thêm. Ban ngày làm ở quán sửa xe tối vào HTX mài các bộ Giò dĩa Xe Đạp do HTX sản xuất. Vì là ca ba thức cả đêm nên mỗi đêm nên người làm ca này được cho 100 gram gạo để bồi dưỡng. Công việc làm ở HTX Cơ Khí tưởng cũng hơi yên tâm nhưng một tai nạn bất ngờ xảy ra khiến tôi phải bỏ việc mà trong lòng còn có cảm giác hãi hùng. Tôi và Mẫn, con trai anh Tư Bụng người Tàu Minh Hương vào làm chung ca và chung một máy mài. Máy gắn hai viên đá mài của Liên Xô đường kính khoảng ba tấc và bề dày độ bốn phân. Mẫn đứng mài bên viên đá phía tay trái, tôi mài viên đá phiá bên phải. Công việc của hai chúng tôi là nhận các đùi đĩa xe đạp vừa được thợ tiện làm xong đưa xuống chúng tôi để mài các cạnh và làm láng các bộ đùi đĩa còn thô rắp, sau đó sẽ chở đi xuy mạ ở công ty khác. 
Công việc chúng tôi làm trôi chảy, mỗi đêm tôi và Mẫn nhận được 100 gr gạo gọi là bồi dưỡng cho ca ba. Tôi dùng túi ni lông nhỏ để đựng nhúm gạo và đem về nhà đổ chung vào với hủ gạo tiết kiệm nuôi quân, cuối tháng nộp lại cho ông Ba Niên là tổ trưởng dân phố. Mỗi tháng ông Ba Niên thường đi thu gạo tiếc kiệm từ hộ dân đóng góp nộp lại cho Ủy Ban Nhân Dân Phường. Đúng là “của Thiên trả Điạ”. Chuyện không may đã xảy ra cho nhóm thợ mài: một hôm vào lúc nửa đêm thanh vắng, không gian yên vắng, tôi và Mẫn đang cố gắng làm việc với thao tác nhanh nhẹn, mục đích là mong cho đạt chỉ tiêu của HTX đề ra. Thình lình một tiếng nổ ầm đình tai nhức óc vang lên, khói bụi bay mịt mù như có ai ném lựu đạn về phía chúng tôi.
Tiếng nổ làm tôi giật mình hoảng hốt chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, sau khi định thần trở lại tôi và Mẫn mới biết là cả hai viên đá cùng vỡ nát một lần, mãnh đá phóng lên trời xé rách nhiều chỗ trên mái tôn. Dưới đất thì nền xi măng bị tiếng nổ gây ra nhiều chỗ loang lỗ. Tất cả khung cảnh giống như thời chiến tranh khi một trái pháo rơi vào ngay vị trí đóng quân mà người lính chưa kịp chạy vào hầm trú ẩn. Kiểm soát lại cơ thể, cả hai chúng tôi không hề bị một vết trầy xước nào cả. May mắn hai cái gá bằng sắt chế tạo gắn trên máy mài đã ngăn chặn được mảnh đá vỡ bay về phía người điều khiển. Mọi người làm việc đêm hôm ấy tại HTX Cơ Khí nghe tiếng nổ chát chúa đã xúm lại chỗ máy mài cuả tôi xem có chuyện gì xảy ra. Thấy chúng tôi bình yên vô sự ai cũng thở phào tỏ vẻ vui mừng cho chúng tôi đã thoát khỏi một phen hiểm nghèo. 
Ngày hôm sau tôi và Mẫn đồng ý góp tiền mua một ít hương hoa bánh trái mang vào đặt ngay chỗ cổ máy vỡ đá hôm qua, chúng tôi thắp hương tạ ơn trời đất thần linh đã che chở cho chúng tôi tai qua nạn khỏi. Tôi báo cáo lên văn phòng và xin thôi việc vì tôi nghĩ làm ca ba quá cực khổ và nhanh chóng bị hao mòn sức khoẻ. Tôi lại trở về cái quán đầu đường Cửa Đại duy trì nghề sửa xe đạp và làm thêm nhiều công việc lao động khác để cố gắng tăng thu nhập. Giai đoạn này tôi lập gia đình lần thứ hai.Thường ngày tôi ngồi tại quán để sửa xe, lúc này tôi kiêm thêm nghề sơn xe hơi và nhận đi sơn cửa sắt. 
Tôi nhận đi sơn 1 giàn Water Tower (bồn chứa nước) cho doanh trại bộ đội (ngày xưa là đồn Công Binh VNCH) Một mình một máy sơn, tôi leo lên lầu chứa nước, sơn tòan bộ bên ngoài của lầu nước, việc tiếp theo là phải sơn bên trong thùng chứa nước. Tôi leo vào bên trong tay cầm đèn Pin tay cầm bình sơn xịt (Sprayer) tôi bóp cò và sơn bay ra mù mịt. Tôi chui ra hít thở rồi lại chui vào sơn tiếp. Lúc sơn bên trong cái thùng nước tôi muốn ngộp thở luôn vì sơn bay ngược vào người, bao nhiêu khí độc của sơn hầu như tôi lãnh trọn.
 Có ngày nhóm anh em bốc vác ở xóm công chánh rủ tôi vào khuân vác muối hột cho công ty Thủy Sản Hội An, tôi đóng cửa tiệm vào bốc vác muối để kiếm chút đỉnh bù lại chỗ ế ẩm cả ngày. Ngoài việc sửa xe tôi có thể làm bất cứ việc gì khi có người nhờ đến. Tôi tiện tặn để dành được đủ tiền để mua lại đươc môt chiếc xe bò cũ kỷ, tôi chùì rữa tân trang lại để cho thuê hoặc có ai thuê đi kéo hàng thì tôi nhận làm ngay. Khi có ai nhờ kéo thuê cái gì đó mà quá nặng cần người đẩy phụ thì vợ tôi giúp tôi nếu tôi yêu cầu. Vợ tôi là thư ký kế toán cho HTX xay xát điạ phương nên cũng hơi bận rộn, trừ trường hợp cần thiết tôi mới nhờ đến vợ tôi giúp một tay.
Một hôm Công ty Thủy Sản Hội An nhờ tôi chở một chiếc máy tàu thuỷ loại 3T đi giao cho khách hàng ở Bãi biển Điện Dương. Tôi nhận lời và đem xe bò vào công ty nhận máy. Anh em công nhân ở Thủy Sản giúp tôi đưa máy lên xe và cột, ràng, buộc thật chặc tránh trụt khỏi xe làm hư máy hoặc gây tai nạn. Khoảng 5 giờ chiều, trời mát tôi bắt đầu đẩy xe về hướng Bãi biển Điện Dương, đường dài ước chừng 10 cây số. Tôi một mình kéo chiếc xe bò cà rịch cà tang chở chiếc máy tàu thủy 3T khá nặng đi giao cho khách hàng ở làng chài Điện Dương. Nhiều lúc lên dốc tôi ráng sức muốn hụt hơi. Có người đi đường thấy tôi khó có thể một mình kéo nỗi chiếc xe lên dốc, nên họ xúm vào đẩy phụ với tôi.

Tôi đến được làng chài Điện Dương lúc trời bắt đầu tối. Vì tôi chưa lần nào vào khu làng này nên phải hỏi những người tôi gặp dọc đường. Sau cùng tôi đã tới đúng điểm yêu cầu. Dân trong xóm chài ùa ra xem máy mới và đẩy giúp tôi qua khỏi bãi cát bờ biển để đem máy vào nhà. Tôi giao hàng xong thì trời đã tối hẳn, tôi nhận tiền công và chào mọi người để ra về. Ông chủ nhà và mấy người dân làng chài khuyên tôi không nên về ban đêm. Đường xá không an ninh lắm nên coi chừng bị cướp tấn công dọc đường. Họ mời tôi ở lại ăn cơm tối và cho tôi ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau tôi đẩy chiếc xe không trở về mà lòng hân hoan vì được ăn uống no nê và có một chút tiền kha khá trong túi quần. Tôi thầm cảm ơn những người dân chài hiền lành chân chất đã đối xử tốt với một cu ly đẩy xe như tôi. Đẩy chiếc xe bò trống không trở về, tiếng xe bò đi trên đường cát sỏi nghe lộc cộc như tiếng nhạc Rock phát ra từ đâu đó .Tôi mộng mơ nghĩ tới những bước chân mình đang nhẹ nhàng đưa cô nhân tình bước đi từng bước tình tứ  trên sàn nhảy năm xưa. 
 Có số tiền kha khá trong túi, tôi bắt đầu suy tính như anh chàng  trong câu chuyện ngụ ngôn,  của  La fontaine (Con Gà Đẻ Trứng Vàng) Tôi phải làm sao để số tiền này đẻ ra thêm cho tôi một số tiền khác. Trên đường đi tôi gặp mấy người đàn bà gánh khoai ra chợ Điện Dương. Tôi hỏi mua mấy mớ khoai lang vì khoai Điện Dương trồng trên cát nên khoai có tiếng là thơm ngon. Với mớ khoai lang chứa trên xe tôi vừa kéo xe đi vừa tính toán. Mình phải làm gì để kiếm lời từ mớ khoai lang này, mình không thể chở về nhà để nấu ăn dần vì để lâu nó sẽ hư thối, mình cần phải đổi nó ra gạo…Vừa đi vừa suy nghĩ. Tôi ghé vào chợ Điện Dương bán lại mớ khoai lang kiếm ít đồng lời. Thấy bạn con buôn đang mua heo con để chở đi Đà Nẵng hoặc Hội An bán lại, tôi nghĩ mình cũng có thể làm con buôn như họ. Tại sao lại không được! Tôi gom hết số tiền công vừa chở máy thu được và một số tiền có sẵn trước đó, tôi mạnh dạn chọn mua hai con heo con thật khoẻ và xinh xắn, da và lông trắng muốt, mắt sáng, tai to, chân khoẻ… Tôi chở heo về nhà và sau đó lấy xe đạp chở ra ngồi bán lại tại chợ Hội An. Nghề buôn bán ở chợ không phải dễ dàng như tôi nghĩ!

Tôi không thể nào có khả năng cạnh tranh hoặc mánh lới như dân lái heo chính thống vì thế khách đến xem heo của tôi cứ xách heo lên, bỏ heo xuống trả giá rẻ mạt, chê lên, chê xuống. Có nhiều chị đàn bà lảng vảng quanh chỗ tôi để hai con heo có vẻ như là canh chừng và theo dỏi những khách hàng định tới mua heo. Ngồi suốt hai tiếng đồng hồ ngoài chợ với cặp heo con mà chưa bán được, tôi sốt ruột lắm rồi. Bạn lái heo đã ép giá heo của tôi…

Đang phân vân chưa biết giải quyết ra sao thì may quá có Sự (con của anh Ba Dâu trong xóm tôi, nay đã mất vì bệnh) đang là nhân viên Quản Lý chợ Hội An Đi kiểm soát quanh chợ và thấy tôi ngồi bán heo một mình nên lên tiếng chào và hỏi :

- Anh làm chi đây anh Phi? 

- Anh bán hai con heo con!

- Anh ngồi bán lâu chưa?
- Gần hai tiếng đống hồ mà chưa bán được. Anh định về đây.

Sự nói với tôi anh yên tâm ngồi tiếp, anh sẽ bán được giá ngay thôi. Nói chuyện xong với tôi thì Sự đứng gần chỗ tôi quan sát. Một lát sau cũng vài người trả giá khi nảy trở lại xách hai rọ heo của tôi lên xem lại lần nữa và tiếp tục chê heo yếu, nhỏ con… Sự đứng gần đó và nghe và thấy mấy bà buôn heo đang ép, phá heo của tôi, Sự lên tiếng: 

“Ê! mấy bà kia! Mấy bà đi chỗ khác chơi đi. Ông anh tôi đang bán mấy con heo nhà mà cứ tới chọt giá, phá giá, phá heo của người ta 
Mấy bà coi chừng tôi đó. Đi chỗ khác đi! ”
Nhờ Sự mà sáng hôm đó tôi đã thoát khỏi sự thao túng của đám lái heo trong chợ và hai con heo của tôi cũng đã bán được với đúng giá trị của nó. Tôi vẫn còn chút may mắn và tôi nghĩ mình cũng còn có kẻ thương yêu chân chất trong xóm làng quê hương gốc gác của tôi. Hôm nay Sự đã rra người thiên cổ! xin thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho Sự được vui sống nơi nước nhược non bồng. Câu chuyện trên đã trình bày lại những hoàn cảnh mà đa số anh em tù cải tạo đã sống, đã làm sau những năm tháng dài tù tội trở về với quê hương xóm làng nơi một thời họ đã có một thời vang bóng, được dân làng yêu thương, mến phục. 
Nhắc lại những việc làm tạm bợ thấp kém mà người Sĩ Quan VNCH sau khi rời khỏi nhà tù trở về hoà nhập với xã hội trong thân phận của một công dân hạng hai phải làm để kiếm sống, Họ thật sự may mắn họ còn sống sót sau những năm tháng đoạ đày trong lao tù. Ngày nay tuy nơi xứ người họ được quê hương thứ hai bù đắp lại cho họ một cuộc sống đầy đủ và tự do hạnh phúc, nhưng những kỷ niệm ngày xưa sẽ là những ký ức khó quên của những cựu Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa.
Ngày 10 tháng 12 năm 2016
Kent  WA /US
Lê Phi Điểu
Nguồn XứQuảng.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn