(Mến tặng các bạn tù Tiên Lãnh)
Người anh hùng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tỏ được cái khí vũ hiên ngang, bất khuất của mình, nó như một bản chất tự nhiên, tiềm tàng trong cơ thể. Anh Trần Quang Trân đã làm mọi người kính phục, kể cả bọn CS vô thần cũng rúng động trước thần thái uy nghiêm, xem thường cái chết của anh. Anh Trân đã bị chúng xử bắn đúng vào ngày Quân Lực 19-6 năm 1982 tại tổng trại Tiên Lãnh. Hơn 22 năm sau, chúng tôi xin ghi lại câu chuyện này để đề cao khí tiết anh hùng của người bạn đó. Tôi còn nhớ, hồi cuối năm trung học, trong cuốn Luận Lý Nhập Môn của Linh Mục Cao Văn Luận, có đoạn viết về tam đoạn luận: "Mọi người đều phải chết,
Socrate là người, vậy
Socrate phải chết."
Theo lý luận 3 vế liên kết nhau một cách chặt chẽ đó thì cuối cùng, mọi người đều phải chết, bằng cách nầy hay bằng cách khác!
Trong ngục tù CS, chúng tôi thường dùng cái lý luận xấu nhất nầy để an tâm, để lạnh lùng phớt tỉnh mọi sự, củng cố niềm tin, theo đuổi lý tưởng để có thể tiếp tục chiến đấu bên cạnh những đồng đội mến thương.
Tôi kể tóm lược sau đây một cái chết của đồng đội - một chiến hữu - mà phong thái và đức tính cao quí của anh đã làm mọi người kính phục và anh xứng đáng được mọi người vinh danh: tử tội Trần Quang Trân!..
Vào những ngày trong tháng Ba năm 75, miền Nam Việt Nam bị CS Bắc Việt xé bỏ hiệp ước ngưng bắn da beo, sắp đặt kế hoạch tổng tấn công, tung hỏa mù, dương đông kích tây, đánh chiếm Ban Mê Thuột. Tiếp theo là cuộc rút bỏ Cao nguyên, triệt thoái Quân Đoàn II ồ ạt vào ngày 14-3-75 qua quyết định Cam Ranh đơn phương của Nguyễn Văn Thiệu. Cuộc triệt thoái hay tháo chạy của cả một Quân đoàn đang án ngữ cái xương sống hay nói đúng hơn cái yết hầu sinh tử huyệt của cả miền Nam!!! Hậu quả dây chuyền; ngày 26-3-75 lệnh "rút bỏ Quân Đoàn I cũng do Nguyễn Văn Thiệu cùng Trần Thiện Khiêm làm mất tiêu xứ Huế ngàn năm văn vật. Ngày 29-3-75 Đà Nẵng mất là hệ quả tất nhiên và với thế đánh rốc như chẻ tre của Bắc quân (trong khi quân miền Nam chưa kịp tái phối trí lực lượng; lại có những viên chỉ huy tìm cách trốn ra nước ngoài trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng...) Hậu quả là toàn miền Nam mất vào tay CS vào ngày 30-4-75! (Một đều nực cười là vào giờ chót của miền Nam, 3 "vị tối cao" trong chế độ là viên Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh tối cao Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, viên Thủ Tướng chính phủ Trần Thiện Khiêm; viên Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên đều đem gia đình cùng hành trang tế nhuyễn dọt ra ngoại quốc, để mặc anh em binh sĩ ở lại sống chết mặc bây! Cái tội Nguyên Soái bỏ chạy trước trận tiền thử hỏi phải chịu hình phạt gì theo quân luật?!). Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, có bao nhiêu vị tướng dũng mãnh, có biết bao nhiêu sĩ quan, binh sĩ, cảnh sát, nhân viên dân chính và dân thường ngã gục, vẫn có nhiều đơn vị đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Họ đã chu toàn trách nhiệm và nhất bảo toàn danh dự của quân nhân. Một vài vị tướng lãnh; một số đông sĩ quan đã tự sát, bất khuất trước quân thù, không chịu nổi nhục mất nước!
Sau đó là giai đoạn Cọng Sản bắt đầu củng cố chính quyền, chúng dùng đủ thiên phương bách kế, không từ một thủ đoạn gian manh nào, bắt đầu với những hình thức lừa lọc dối trá để áp bức, quyến dụ và lôi kéo cả toàn quân dân cán chính miền Nam đi "trình diện học tập" tức là đi tù, lao động khổ sai! Chúng cũng dùng danh xưng "trại viên" để mỵ dân, đánh lận con đen và đi học tập vài mươi ngày đã trở thành đi tù khổ sai hằng vài mươi năm!
Thế giới tù tội cũng như một xã hội nhỏ, cái xã hội bỏ túi với vạn phần thiếu thốn cơ cực với mọi thành phần trong đó bản chất con người thường lộ diện. Nó như một cây kim sắc cạnh mà dùĩ khéo che đậy đến đâu chăn nữa thì không chóng thì chầy, có lúc cũng phải lộ ra. Có nhiều người thật đáng khâm phục nhưng cũng lắm kẻ đón gió trở cờ, "rung cần" hại bạn hại bè, điếu đóm, hèn hạ, đua đường chỉ lối cho bọn cán bộ hại anh em lắm kẻ đến tật nguyền!
Chúng tôi ở trại Kỳ Sơn, sau đó chuyển qua trại Tiên Lãnh thuộc thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẳng; xứ "vách sắt tường đồng" được "bác" âu yếm tặng tám chữ vàng "Anh dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ". Cũng vì "may mắn" đi tù ở xứ có 8 chữ vàng đó nên chúng tôi được chăm sóc rất kỹ. Bọn cán bộ địa phương là những tay giết người không gớm tay, là những tên cai tù chuyên nghiệp, chúng hãnh diện được sinh ra trong xứ cách mạng, vách sắt tường đồng, nên đối với bọn chúng tôi, chúng xem không đội trời chung. Mỗi tên càng muốn chứng tỏ mình chuyên chính với đảng hơn tên khác, nên cuộc sống chúng tôi đã khổ lại càng khổ hơn. Bọn tù chỉ là những con vật hy sinh cho bọn cán bộ tranh đua vùi dập trong lao động khổ sai, trong những buổi thi đua học tập chính trị gồm những bài học triết thuyết không tưởng, vong bản, vong quốc, phi lý đến lộn mửa.
Trong cái cảnh bị kềm kẹp đến cùng cực đó, chúng tôi dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" như quan thầy Lenin của chúng đã dạy, đại loại "ở đâu có áp bức, ở đó có bộc phát đấu tranh..". Bọn tôi đã ngấm ngầm hoạt động, liên kết nhau. Người dẫn dắt là anh Trần Quang Trân, thiếu úy An Ninh Quân Đội, chi khu Phú Lộc-Huế. Anh có biệt tài về vô tuyến, sửa Radio, Cassette và TV (hồi đó ở Việt Nam chưa có Video), có thời gian anh ở Biên Hòa anh có mở một tiệm nhỏ sửa Radio và anh đề "ở đây nhận sửa Radio, TV mà ở các tiệm khác không sửa được". Vì vậy bọn cán bộ ở trại biết tài anh nên cho anh ở riêng trong một căn chòi nhỏ gần hội trường và thường đem Radio hết cái nầy đến cái khác nhờ anh giúp. Lợi dùng thời gian nầy, anh săn nhặt nguyên vật liệu ở những máy thu thanh đó và nhất là những lúc đi mua đồ điện ở ngoài, anh mua thêm những dụng cụ điện tử cần thiết. Nhờ vậy anh đã ráp được nhiều chiếc Radio nho nhỏ cỡ lòng bàn tay mà không ai biết, mỗi tối đi ngủ, anh gắn écouteur vào nghe những đài BBC, VOA... Anh lắng nghe những tin tức nóng bỏng cùng những bài bình luận về tình hình quốc nội, quốc ngoại không lợi cho bọn CS, sáng mai anh lại rỉ tai cho những người bạn tù đáng tin cậy và chúng tôi lại chuyền tai nhau, nói cho nghe những tin tức đáng phấn khởi đó mà ở trong cảnh tù tối tăm là những viên thuốc bồi bổ tinh thần mầu nhiệm, giúp anh em tù củng cố tinh thần, tiếp luồng sinh khí mới, tin tưởng vào ngày mai lật ngược thế cờ.
Bọn tôi xem anh như là người chỉ huy trực tiếp. Với dáng cao gầy thanh thanh, nét mặt lạnh lùng nhưng nhân ái, đôi mắt lớn nhìn thẳng cương nghị và có nhân điện mạnh làm kẻ đối diện phải kính nể, ngay cả bọn cán bộ đến nhờ anh sửa giúp Radio, lúc đứng trước anh cũng đâm lúng túng, rụt rè e ngại! Với mọi người, anh luôn vui vẻ nhưng kín đáo và hết lòng giúp đỡ bạn bè, anh đã chỉ vẽ cho rất nhiều anh em lý thuyết và kỹ thuật sửa chữa vô tuyến. Những mã số và thuật số trong môn vô tuyến rất nhiều, với trí nhớ kỳ lạ, anh nhớ vanh vách và đọc cho anh em chép lại trong những bài giảng không bao giờ sai lạc. Cũng vì vậy những tin tức một lần nghe qua, anh đều nắm trọn, sau đó tóm lược, đúc kết một cách khoa học và chính xác; truyền lại cho anh em không thiếu một tin tức thời sự và bài bình luận nóng bỏng nào.
Thỉnh thoảng sợ bị lộ, anh lại hủy Radio cũ và lắp ráp cái khác. Có những đêm mưa gió đầy trời, bỏ écouteur vào nằm nghe, chính những người nằm kế bên cũng không hề hay biết. Tuy nhiên bọn cán bộ giăng antenne khắp nơi, sợ bị lộ chuyện, anh lại tìm cách qua mặt bọn chúng, lần nầy anh lại lắp ráp Radio vào mặt sau của một máy đo điện trở (Ohmmètre = Ohm kế) và anh ngang nhiên dùng máy đo điện trở đó ra vào cơ quan của bọn cán bộ để sửa máy cho chúng đồng thời để nghe tin tức mà bọn chúng không hề hay biết. Chiếc máy đó anh vẫn dùng cho đến khi nội vụ đổ bể mà anh không kịp tiêu hủy. Khi ra tòa, chiếc máy đó đã được đem trưng bày như một vật chứng cụ thể "preuve palpable" và chúng dùng để buộc tội anh mà không thể chối cãi được!
Trong thời gian vừa kể trên (79-81) bọn chúng tôi hoạt động âm thầm và tỏa ra khắp các phân trại lẻ của tổng trại Tiên Lãnh (Na Sơn, Thôn Năm, Đồng Mộ v.v..). Có nhiều anh em trong bọn, lợi dụng lúc đi gánh sắn ở Trà Nóc (quá Trà Mi, gần biên giới Lào Việt) đã liên lạc được với anh em Fulro, dọ hỏi tình hình chính trị, quân sự bên ngoài và anh em hứa sẽ giúp đỡ khi có biến động. Anh em cũng manh nha kế hoạch hành động khi tình thế chín mùi, nếu trại được giải tỏa thì mỗi người phải làm gì. (Chúng tôi thường bị tên Tân phó giám thị tổng trại, đồng thời là chính ủy của trại thường răn đe hăm dọa: các anh đừng hòng chống đối, chúng tôi đã giành sẵn một thùng lựu đạn cho mỗi buồng các anh, nếu có biến động gì thì mỗi buồng sẽ tan xác! -Thời gian nầy chiến tranh biên giới Việt -Trung bộc phát mạnh mẽ, các trại giam gần biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn buộc phải di tản; nghe nói có nhiều người vượt thoát được qua Mỹ. Chiến tranh tàn khốc giữa Việt Nam - Cambodge, nội bộ chính trị lủng củng: Hoàng Văn Hoan, Trương Như Tảng ly khai. Công nhân Ba Lan tuyệt thực. Đức Giáo Hoàng và Tổng Thống Reagan bị mưu sát. Tình hình thế giới lộn xộn, bất lợi cho chúng về mọi mặt nhất là mặt ngoại giao. Ở trong nước thì hoạt động của anh em Phục Quốc đẩy mạnh; Hắc Long Đoàn khí thế lừng lẫy. Ngoài ra Chí Nguyện Đoàn và các mặt trận ở Hải Ngoại đang hướng về Tổ Quốc đòi hỏi phải giải phóng Việt Nam...)
Những tin tức phấn khởi đó đã làm chúng tôi vui sướng, quên đi nỗi hiểm nguy đang hoạt động trong lòng địch. Có nhiều anh em vì quá "hồ hởi" nên quên đi sự bảo mật tối cần thiết, đâm ra hớ hênh. Anh Trân vội chấn chỉnh lại tình hình, khuyên anh em nên lưu ý bảo mật, đừng quá chủ quan, anh phân tích lợi hại và khuyên nên tâm sự với những người nào tin tưởng được mà thôi. Tuy nhiên bọn "chó má" quá nhiều, cần Antenne giăng mắc khắp nơi, lại có tên mới hù sơ đã sợ hãi, lại nữa có những tên chỉ mưu cầu quyền lợi cá nhân như muốn ra làm tổ điện để được ở ngoài, được thăm nuôi lâu hơn, ganh tỵ nhau, tố cáo nhau!! Vì những nguyên nhân trên, chúng tôi lần lượt đều bị sa lưới, cho ngay vào nhà kỷ luật, cùm cả chân tay ngày nầy qua tháng nọ để bị tra tấn, hành hạ hỏi cung và đã có nhiều anh em bỏ mình trong khu nhà kỷ luật!
Sau một thời gian khoảng hai năm ở nhà kỷ luật bị đi cung liên miên với ty công an và nhân viên bộ nội vụ gởi về trại làm việc, chúng tôi 13 người với 78 người liên quan phải ra tòa do trại thiết lập tại hội trường tổng trại Tiên Lãnh do cái gọi là "Tòa án lưu động nhân dân tối cao Quảng Nam-Đà Nẳng" xét xử. Ở đây tôi chỉ đơn cử một vài nét chính nói lên cái phong thái bất khuất của anh Trần Quang Trân trước cái tòa án đó, đến cách đối đáp ứng xử trước tòa đã có lúc làm bọn con rối kia lúng túng ngượng ngập.
Cuối cùng, bọn tôi bị xử chung thẩm vào buổi sáng thứ ba ngày 4 tháng 5 năm 1982 tại hội trường Tổng Trại Tiên Lãnh (sau khi tòa sơ thẩm xử vào sáng ngày 5-11-1981 cũng tại hội trường nầy). Trại Tiên Lãnh là một trại tù ma thiêng nước độc, với lao động khổ sai, với đau đớn bệnh tật, đói và khát kinh niên; với tên cán bộ giáo dục mà thực chất là một tên vô giáo dục phụ trách luôn "khâu" thăm nuôi tên Hồng. Tên nầy là một tên đại ác ôn với đủ tài "ma nớp" tìm đủ mọi cách phạt tù lấy cớ không cho thăm nuôi để thân nhân phải đút lót, van xin, quà cáp! Một trại tù mà hằng năm luôn giựt được cờ luân lưu của bộ nội vụ, điều đó cũng nói lên được nỗi đau lao động khổ sai cật lực của tù nhân cũng như dưới sức ép của kỷ luật sắt thép của trại tù mà tù nhân phải gánh chịu để đạt được thành quả cho trại! Mỗi lần trại giựt được cờ, bọn công an hả hê, anh em tù nhân thì lê la tấm thân còm cõi, tôi lại ngâm khe khẽ bài thơ "con cóc" mới làm cho vài người bạn thân nghe ("cần" nghe được thì bỏ mẹ cuộc đời!):
Sung sướng thay khi "cờ kia" nhận được!
Thân anh gầy, nhức buốc cả bờ vai
Trong lao động khổ sai, tâm hồn anh tàn lụi
Thấy "cờ kia" thì đi đứt cả tương lai !!..
Hội trường hôm đó được trang hoàn cờ quạt đỏ ối như màu máu, bọn cảnh vệ trang bị vũ khí tận răng, giữ trật tự và sắp xếp chỗ ngồi cho những đội tù được tham dự phiên tòa. Chúng tôi, tất cả đều bị trói tay dẫn lên hội trường, tất cả đều trắng bạch, xanh xám như da những con thằn lằn bệnh hoạn, có anh đi không nổi, té tại trước tòa! Tòa không có luật sư biện hộ cho bị cáo. Bọn phụ thẩm nhân dân tôi không nhớ một ai, ngay đến tên đại diện viện Kiểm Sát (ủy viên công tố) tôi cũng không rõ mặt dài hay ngắn, tên là gì, xuất xứ từ đâu đến. Nhưng, có một bà phụ thẩm bận quần bà ba đen, mặt mày xấu xí, áo cụt tay nhăn nhó màu cỏ úa, là làm tôi nhớ vì cái tên phản ảnh trình độ giáo dục và gốc gác của bà ta - "Chát" - cái tên đọc lên nghe chắc nịch như tiếng nổ đanh gọn của viên AK47!
Khi tòa hỏi anh Trân động cơ nào thúc đẩy anh và đồng bọn hành động như vậy?
Anh trả lời dõng dạc:
- Mấy anh dư hiểu điều đó mà còn hỏi làm gì, tôi chỉ muốn mọi người rõ đều chúng tôi muốn là mong sao cho quốc gia dân tộc có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc và dân chủ tự do thật sự.
Các con rối đập mạnh bàn, quát:
- Anh không được vô lễ, anh phải thưa tòa hoặc thưa hội đồng xét xử!
Anh đáp tỉnh bơ:
- Các anh không có tư cách đó vì tòa án nầy không dược thiết lập đúng theo qui ước công pháp quốc tế!
Đột nhiên một giọng the thé cất lên, giằng từng tiếng:
- Bọn này mà nói làm gì, xử cho mất công, cứ đem mà "bén" hết đi!
Bất giác tôi mỉm cười nhìn lên đoàn phụ thẩm, thì thấy mụ Chát vừa trổi giọng, hai hàm răng nghiến chặt giữa đôi môi thâm sì, và kìa; hai chân mụ đang co lên "ngồi kiểu nước lụt!"
Bọn tôi tất cả đều được hỏi qua, trong bản cáo trạng ghi nhiều tội danh, đọc qua là lạnh gáy, thấy nhấp nháng đâu đây bóng tử thần, đọc qua bản cáo trạng mới thấy tài "nâng quan điểm" và thổi phồng sự kiện của CS là xuất thần nhập hóa, là lấy mạng người như chơi trong những vụ xử điển hình! Bản cáo trạng ghi:
"Lắp ráp điện đài, liên hệ với nước ngoài.
Liên lạc với Fulro.
Âm mưu bạo loạn chống phá trại.
Mưu chiếm quận Tiên Phước làm bàn đạp đánh về Đà Nẵng
Âm mưu lật đổ chánh quyền!.."
Trước khi đến phần nghị án, bọn tôi dược nói câu cuối cùng. Đến phiên anh Trân - trước đó tòa sơ thẩm đã kết án tử hình - anh ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào các con rối gằn từng tiếng:
- Tôi chỉ tiếc có một điều là không được đem tài năng mình phục vụ cho quê hương Việt Nam yêu dấu, một quê hương độc lập tự do thật sự, không cộng sản!
Cả bọn tôi nín thở, cả hội trường im lặng, cái im lặng của một khối thuốc nổ đang cháy ngầm, sự im lặng của tử thần lẩn quất đâu đây mà đại diện là bọn tòa án đang từng tên cau mặt lại, đôi mắt long lanh, hàm răng nghiến chặt. Chúng bị hẫng đi bởi lời nói nhẹ như lông hồng nhưng có tác dụng nặng như thái sơn! Mắt chúng long sòng sọc, bối rối nhìn nhau và động loạt đứng bật dậy vào nghị án.
Chúng tôi thấy bọn tòa không họp nghị án gì cả, chúng đi tiểu, tụm năm tụm ba hút thuốc lào, thuốc rê, cùng nhau uống nước cam qua bức màn quá mỏng ngăn cách hội trường. Không nghị án vì "Barême" đã lập sẵn, chúng trở lại hội trường.
Tất cả đứng dậy, tòa tuyên án:
- Trần Quang Trân: tử hình!
Một luồng cảm giác gai lạnh chạy qua gáy tôi, mơ hồ nghe như có tiếng nấc nhẹ, tôi vội quay mặt nhìn xuống phía hội trường thì thấy vài cặp mắt đỏ hoe, những đôi vai run run cố kìm tiếng khóc lớn của các chị "Phản Động Hiện Hành", chị Nguyệt Hằng, chị Mỹ An, chị Kiều Hạnh, chị Tuyết, chị Liên v. vv bên cạnh là cụ bà Cả Đợi đã gần 70, (Thân mẫu của Thiếu tá Nguyễn Vĩnh Liệu thường gọi là Tư Liệu đại đội trưởng đại đội nghĩa quân biệt lập rất thiện chiến, quân số trên 500 người thuộc Tiểu Khu Quảng Tín, nhiệm vụ chính là chống CS xâm nhập. Anh N V Liệu bị bắt ngay và kết án tử hình khi VC tiến vào Quảng Tín, tuy nhiên anh đã tự sát ở trong ngục tối trước khi VC kịp xử lý!) thân hình to lớn như cây cổ thụ; nét mặt bà đanh lại, hai tay nắm chặt như muốn bóp nát một cái gì!
Tôi lại nhìn vội anh Trân với cảm giác là lạ rờn rợn, khi nhìn một người bạn thân đang ở trạng thái sống và sắp chết. Tôi thấy anh vẫn bình thản, không một chút rung động thân mình, khóe môi khẽ nhích một nụ cười khinh bạc, đôi mắt vẫn hiền từ nhưng lóe tia sáng nghiêm nghị nhìn "lũ rối" đang cố gắng giết anh bằng giấy tờ, bằng tòa án của thời trung cổ không luật sư biện hộ và bằng những tràng vỗ tay tán thưởng dã man của chúng khi một con người bị tuyên án tử hình!
- Bọn tôi, tất cả số còn lại, lần lượt lãnh án: 1 chung thân, một 20 năm, một 18 năm, 3 người 12 năm, 4 người 10 năm, một người 5 năm và người chót 3 năm (anh nầy có công khai báo sớm và thành khẩn nhất). Một điều rất đểu cáng là án nầy được tính từ ngày lãnh án mới đây, còn thời gian tập trung mấy năm qua kể như bị xù luôn!
Trần Lân, trẻ nhất, thiếu úy, phòng 7 bộ tổng tham mưu: chung thân khổ sai (y án).
Ngô văn Thạnh, trung úy Thủy quân lục chiến: 20 năm (y án, rất tiếc thời gian về sau anh Thạnh đã xoay 180 độ, thay đổi chí hướng!)
Nguyễn Văn Hưng, Đại úy tiểu đoàn phó, sư đoàn 2 bộ binh: 18 năm (y án)
Đỗ Ngọc Nuôi, nguyên Đại úy nhảy dù: 12 năm (trước 15 năm)
Võ Kinh (lớn tuổi nhất, Quốc Dân Đảng) Xã trưởng xã Bình Đào: 12 năm (trước 15 năm)
Đỗ văn Sĩ, Trung úy Biệt Động Quân: 12 năm (trước 15 năm)
Đinh văn An, Đại úy trinh sát, tiểu khu Quảng Ngãi: 10 năm (trước 13 năm)
Tôn Thất Sang, Y Sĩ Đại úy, Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn 10 Công Binh CĐ: 10 năm (trước 13 năm)
Lê Cao Phúc, Trung Sĩ cảnh sát đặc biệt: 10 năm (trước 13 năm)
Lê Phò, Phục Quốc quân: 10 năm (trước 13 năm)
Huỳnh Tiến, thiếu úy võ bị: 5 năm (trước 7 năm)
Nguyễn Minh, Đại úy: 3 năm (trước 5 năm, thành khẩn khai báo!)
Tên chấp pháp thuộc bộ nội vụ, khi hỏi cung tôi đã nói kháy: "các anh có một tổ chức kết hợp nhuần nhuyễn đầy đủ từ trẻ đến già, hoạt động theo lối đơn tuyến (A biết B, B biết C, nhưng A không biết C) và thuộc đủ mọi quân binh chủng, nếu chúng tôi không phát hiện sớm thì chính quyền đã bị các anh cướp từ lâu!!!"
- 78 người khác bắt buộc phải ra trước tòa vì có liên can đến vụ án, bị xử lý theo biện pháp hành chánh, không bị kêu án mà chỉ bị gia tăng thời gian cải tạo. (Trong số nầy có BS. Phùng Văn Hạnh, người chống đối rất quyết liệt, anh thường bị chúng vùi dập và tuy không có án nhưng anh ở tù CS đến gần 12 năm!) Bị tuyên án xong, chúng tôi bị dẫn trở lại phòng kỷ luật. Bạn bè nhìn tôi có nhiều đôi mắt thông cảm xót xa, tuy nhiên cũng có rất nhiều người, nhuệ khí mất tiêu, vội che nghiêng vành nón, hoặc vội vàng tránh xa khi bọn chúng tôi đi ngang qua, vì họ lo sợ vu vơ liên quan đến bọn "tội phạm"!
Trong nhà giam kỷ luật, hằng ngày chúng tôi vẫn dùng đủ mọi cách để gọi nhắn tin, gõ qua vách để cố liên lạc cho được với anh Trân. Bọn giám thị trong 7 ngày đầu, sau khi thụ án, có vào phòng anh mang theo mẫu đơn nói anh ký vào để xin quốc hội và chủ tịch nước CS ân giảm án tử hình cho anh. Anh nhất định không ký, anh bảo phải biết người biết ta, không mắc mưu bọn chúng, dù có ký chúng vẫn xử tử anh điển hình!
Khoảng gần một tháng sau, mỗi khi trời lờ mờ sáng, trong cái lạnh đến cắt da trong khu kỷ luật, nằm trên sàn xi măng lạnh ngắt, không mền không chiếu, trong mỗi "cachot" âm u của cái xứ "Tiên cũng phải lạnh mình", bọn chúng tôi nghe tiếng ai ngâm thơ sang sảng, tiếng ngâm bi hùng mang nỗi niềm tâm sự của hổ nhớ rừng, của một đại bàng không thể xoải đôi cánh vạn dặm của mình trong không gian vô tận để thi thố tài năng; của một tráng sĩ mà nợ nước đang còn chất ngất trên đôi vai mình mà đành phải khoanh tay trong bốn nức tường vôi, nhìn vận nước điêu linh trong bàn tay của loài quỷ đỏ! Anh làm nhiều bài thơ hùng tráng đại ý thương yêu tổ quốc Việt Nam đang bị kềm kẹp dưới ách cai trị độc tài của bọn CS vô thần, tiếc cho tài năng mình không phục vụ được quê hương, anh thương nhớ mẹ hiền, anh kêu gọi tự do, anh kêu gọi độc lập...
Tiếng ngâm vang lên suốt dãy nhà kỷ luật, vang tận dến khu nhà 9, nhà 10, vang đến khu cấp dưỡng, vang tận bót gác của bọn cán bộ trực trại, vang tận bộ chỉ huy trại...
Tiếng ngâm của anh đã thức tỉnh nhiều người. Khu nhà 9 và 10 bị kiểm điểm vì không ai chịu khai báo! Cả trại cứ gần sáng lại xao xuyến chờ... Thấy tinh thần bất khuất của anh Trần Quang Trân đang gây nhiều bất lợi cho bọn chúng, xao xuyến nhân tâm, càng để lâu lại càng bất lợi... Bọn chỉ huy trại báo về ty, ty báo bộ nội vụ và trung ương ra lịnh phải kịp thời xử lý Trần Quang Trân!
Một buổi trưa, tôi và Đinh Văn An (Đại úy đại đội trưởng đại đội trinh sát Quảng Tín, khét tiếng diệt cọng, án 10 năm tù bắt đầu kể từ khi thành án, thời gian tập trung trước từ 75 không kể! An mang bệnh nặng, vào năm 1986, đang còn thụ án thì đã ra người thiên cổ ở trại khổ sai Phước Sơn vì lủng bao tử. Anh An là người nổi tiếng với tiếng sáo tài hoa, tài đánh trống tuyệt vời và nhất là tài ngâm thơ trác tuyệt. Cứ mỗi lần nghe anh ngâm bài Hồ Trường là mỗi lần bọn tôi như bị lôi cuốn vào hùng khí của bài thơ mà củng cố tinh thần, An lại hay chửi và đánh bọn antenne nên vào kỷ luật như cơm bữa, đến bọn cán bộ cũng phải lờn mặt.) nghe hai tiếng kẻng bất thường, báo cho mọi tù nhân phải vào phòng và đóng cửa lại. Bọn tôi nhìn ra khe cửa thì thấy từ phía trại mộc, tên Tâm cán bộ trực trại đang cùng hai tù nhân đẩy một cỗ quan tài đi về phía cơ quan; đồng thời một chiếc xe Jeef hiệu Hồng Kỳ của Trung Quốc chạy từ cơ quan, qua cổng trại vào khu kỷ luật, đỗ trước phòng anh Trân. Tôi hồi hộp bấm anh An nói nhỏ "có sự cố rồi". Nhìn xa xa, bên nhà cơ quan thấy có nhiều ông già đầu bạc gầy ốm, nón cối, áo bỏ ngoài quần, vai đeo xà cột, tay ôm cặp căng phồng, dép râu lăng xăng đi lại.
Tôi bảo An:
- Chắc nó xử anh Trân rồi anh ơi, có lý đâu mà nhanh vậy, mới tuyên án tháng trước kia mà?
- Bọn "cái bang" đó mà xuất hiện tại trại là diềm dữ rồi, An bảo.
Quả vậy, nhìn qua khe cửa, đã thấy xe Hồng Kỳ bít bùng hồi nãy, từ phòng anh Trân phóng chạy ra cổng, trên xe dáng một người bị còng tay ra sau lưng. Xe ra khỏi cổng trại, đến hồ nuôi cá "bác hồ" thì quẹo phải, vướng tàn cây khuất tầm nhìn của bọn tôi, bọn tôi cố vướn mình trông theo, tim đập mạnh nhìn nhau tái mặt! Cả trại chìm trong yên lặng ngột ngạt, bên ngoài vệ binh đi lại, súng ống trang bị tận răng. Tên trật tự Đặng Ri đi xoi mói từng góc nhà một. Không khí trưa hè thật oi bức khó thở, kỳ lạ đầy bí mật.
Bọn tôi trong phòng quây quần nhìn nhau, im lặng cầu nguyện.
Chợt một loạt đạn nổ vang từ xa, cả bọn tôi nghe lòng quặn thắt, cổ họng nghẹn lại, khóe mắt mờ lệ từ bao giờ! Tôi cố kìm tiếng nấc, định thần chấp tay niệm chú Tiếp Dẫn: "Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật", tiếng niệm của nhiều anh em trong phòng nghe nhỏ, run run mơ hồ nhưng với tất cả tâm hồn cầu xin chư Phật tiếp dẫn linh hồn cho "vị chỉ huy", cho chiến hữu, cho người bạn hiền đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ! Anh đã im lặng, hy sinh cao thượng tấm thân anh, trí tuệ anh vì một dân tộc đã quá nhiều đau khổ, cho một quốc gia đã từng cưu mang anh trong nhiều cay đắng và cũng nhiều bội bạc!
Nhìn bóng mặt trời dọi trên vách, tôi đoán đã gần 2 giờ, hỏi anh em thì hôm đó là ngày 19 tháng 6 năm 1982, ngày kỷ niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hằng năm! Thật là một trùng hợp ngẫu nhiên và mầu nhiệm. Có phải chăng anh linh của anh Trân đã chọn ngày quân lực để ra đi, đánh dấu thêm cho quân sử một điểm son mà sau nầy, mỗi khi đến ngày đó, bạn bè và người thân lại nhớ đến anh, nhớ đến một chiến hữu không bao giờ khuất phục kẻ thù. (Nhẩm tính lại, ngày phúc thẩm 4-5-82 anh Trân bị y án tử hình, đến ngày thi hành bản án là ngày 19-6-82; như vậy chỉ có một tháng rưỡi! Chưa có vụ tử hình nào bị xử nhanh như thế, chẳng qua đó là một vụ thủ tiêu càng nhanh càng tốt để bịt miệng một người đã gây quá nhiều bối rối cho tập đoàn CS mà thôi)
Đúng, anh Trân là người, anh Trân cũng phải chết, đúng với lý luận Tam Đoạn Luận, tuy nhiên anh Trân đã chọn một cái chết bất khuất ghi danh thanh sử, làm kẻ thù phải nể mặt. Anh đã đem sinh mạng mình phục vụ tổ quốc và trên hết anh đã bảo toàn được danh dự của một quân nhân!
Tôn Thất Sang
Gửi ý kiến của bạn