BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tiếng đàn

19 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1767)
Tiếng đàn
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Đời lạnh lùng trôi trên dòng nước mắt..."
( Phạm Duy - Tiếng đàn tôi )












Hai mươi tám năm trôi qua, nhưng bây giờ nhắc lại, tôi vẫn còn bàng hoàng như một cơn ác mộng mới xãy ra tuần trước, vài ba ngày trước đây! Nhiều khi phải ráng quên đi, để sống.

Hồi tôi còn ở trại Suối Máu, khi chưa bị đưa ra Bắc, bọn bộ đội được đưa qua làm cán bộ quản giáo, cán bộ an ninh, cán bộ các ngành... là thời gian còn được dễ thở. Trong ban chỉ huy trại, có một tên cựu công an, hành tung thật bí mật, đáng sợ nhất. Hình như nó là bí thư trong ban chỉ huy, nên tất cả quyền quyết định, quyền sinh sát trại viên cải tạo nằm trong tay nó.

Nó tên là Tư Mô, quê đâu Hà Tỉnh hay Nghệ An. Nó ít khi xuất hiện ban ngày, cho nên ít ai biết mặt nó. Mọi di chuyển, kiểm tra của nó đều làm trong đêm tối. Ngay cả tụi nó với nhau, cũng chẳng ưa nó, hoặc nói đúng hơn rất sợ nó. Người tù cải tạo nào vô phúc, bị kêu lên làm việc với bí thư Tư Mô, kể như cầm cái giấy "đi tàu suốt". Tôi cũng nhờ cái nghề thầy thuốc, nên cũng còn được làm ở trạm y tế, dưới quyền sai bảo, của một tên y công nhà thương của mình trước đây. Tâm trạng của mọi người cải tạo, là nín thở qua sông. Nhưng cái khó là làm sao giữ được tư cách con người, không vì quá sợ cho bản thân, quá sợ vì cái chết, mà trở nên hèn nhát, làm tôi mọi cho tụi nó và nhiều khi còn đi hại lại bạn bè cùng hoàn cảnh với mình, vì những hứa hẹn ngày về sớm, vì một vài chút cơm cháo, đồ ăn hoặc vì không ưa nhau, ghét bỏ nhau. Trong lúc đó thằng Tư Mô lại khai thác điểm này mạnh nhất, để biết tận bên trong, tận các suy nghĩ của các người tù. Và một điều đau lòng, là bạn bè chúng ta trong cơn khốn cùng, nhiều người đã bán rẻ lương tâm và tư cách mình, trở nên những kẻ điểm chỉ tận tình cho Tư Mô.

Nói là làm việc ở trạm y tế, nhưng nhiều khi chẳng có thuốc men nào cả, cho nên dù có khám bệnh, chẩn đoán được bệnh, cần thuốc gì có thể chữa khỏi, nhưng tất cả rồi chỉ có Xuyên Tâm Liên, thuốc trị bá bệnh, hoặc chẳng trị bệnh nào hết. Ai đau, nếu không kiếm được cây lá theo thuốc gia truyền trong rừng, thì kể như chờ thần chết đến viếng trong một ngày đau buồn nào đó.

Cái khổ làm việc ở trạm y tế, hằng ngày chứng kiến, nghe tận tai tiếng kêu khóc, rên rỉ của bệnh nhân, nhìn ánh mắt cầu khẩn tuyệt vọng của kẻ sắp từ giả cuộc đời, cầu cứu mình, một y sĩ, giúp họ giành giật với tử thần sinh mạng con người, mà mình bất lực, làm mình thấy mình mang một mặc cảm phạm tội, đồng lõa với tội ác. Tôi xin cán bộ và được chấp thuận, mỗi tuần làm việc trên bệnh xá ba ngày, đi lao động với bạn bè hai ngày. Như vậy tôi quân bình được thể xác đang đói meo, được vận động, được kiếm chút cây cỏ, rau xanh linh tinh bồi dưỡng. Về tinh thần đang rã rời, trầm uất, được đi cùng bạn bè ra đồng nội, hít thở không khí đồng ruộng, núi rừng, cảm nhận được sự tự do chảy vào từng hơi thở, từng cái nhìn một khoảng trời xanh, một áng mây trắng, bồng bềnh trên nền trời. Cảm giác hòa đồng cùng đồng đội, cho mình trở lại yêu đời, hy vọng một ngày về trong tương lai vô định.

Một buổi sáng thứ tư, giữa tuần, tôi đang cùng bạn tù đào đất, trồng hom sắn, thì có tiếng cán bộ đang ngồi dưới gốc cây râm mát, trông coi tù làm việc, gọi lớn:
- Anh Thông lại đây, tôi đang cần anh.

Tôi đứng lên ngơ ngác, không hiểu có chuyện gì. Tôi đang chặt hom sắn, chứ đâu có ngồi chơi. Mọi người cũng đang bận rộn với công việc của mình. Tôi đi lại gần tên cán bộ, chuẩn bị đề phòng, nếu nó nghĩ mình lười biếng, không làm việc, nó đánh bằng cây, thì mình thủ thế, tránh né. Trước đây cũng có một trường hợp cán bộ đánh tù, vì cái anh tù đó, chai lười thật tình, cho đến bạn tù cũng sợ anh ta. Tôi chầm chậm đi đến, anh ta chỉ người vệ binh, nói:
- Anh về trạm y tế, có việc đang cần anh. Khẩn trương lên!

Tôi thở ra, nhẹ nhỏm, tự cười mình lo sợ hão huyền và cũng cảm thương cho mình, chẳng còn tin ai trên cõi đời độc ác này. Về đến trạm y tế, chẳng có ai bị đau ốm chi cả. Những trường hợp đau nặng, đều được đưa đi nhà thương Huyện, hay Tỉnh cả rồi. Một lúc sau, anh vệ binh khác đi vào bảo tôi:
- Anh đi theo tôi, lên phòng chỉ huy, đang cần anh.

Tôi lại lo lắng. Cái ngày gì mà lắm chuyện hồi hộp bỏ mẹ. Làm việc với các kẹ vi xi này, dù không còn chiến tranh nữa, cũng tổn thọ quá, dễ bị lên cơn đau tim. Tôi tự than thầm, khôi hài một tí cho đỡ mệt. Lên phòng chỉ huy, tôi đứng xớ rớ ở một góc phòng, chờ. Tên vệ binh, đi vào phòng, có lẽ phòng quản giáo, to nhỏ gì đó, rồi trở ra, hất đầu bảo tôi đi theo nó. Đi qua khu nhà ở của các cán bộ trại, nơi mà bọn tù cải tạo chúng tôi không được léo hánh đến. Vào cái nhà nho nhỏ, tương đối đầy đủ đồ đạt, bàn ghế, toàn đồ do toán mộc của trại làm, chạm trổ tỉ mỉ. Tôi chạm trán ngay với tên... y công, thủ trưởng trên trạm y tế. Hắn ta nói nho nhỏ với tôi:
- Bà vợ ông bí thư, ở Hà Nội vào thăm chồng, bị đau ruột cấp tính, kêu tôi lên khám bệnh, mà tôi có biết khám bệnh, thuốc men chi đâu. Tôi mới nói việc này phải kêu ông bác sĩ ngụy mới xong. Thôi anh vào khám cho bà ấy đi. Không xong, kẹt cả tôi và anh đó.

Tôi muốn đạp cho thằng chó chết một đạp cho bỏ ghét, nhưng nghĩ, để làm gì với những bọn này, cho thêm bực mình. Tôi hỏi hắn ta:
- Anh có mang ống nghe, máy đo áp suất máu đó không?

Hắn ta bảo có và chạy lại góc nhà lấy cái gói giấy báo, đưa cho tôi. Tôi mở ra xem lại cái ống nghe có còn xữ dụng được không, cái bôm hơi bằng cục cao su có còn tốt không. Tôi hất hàm hỏi hắn ta:
- Bệnh nhân nằm ở đâu?

Hắn ta chạy le te lại căn phòng có cửa đóng, nói vọng vào:
- Báo cáo cán bộ bí thư, có anh bác sĩ ngụy, muốn vào khám bệnh cho bà nhà.

Cánh cửa hé mở và có tiếng nói ra:
- Cho vào.

Tôi bước vào, nghe tên bí thư nói với tên y công, tôi cảm thấy bực bội, nghĩ rằng, tụi chó chết này khám bệnh làm gì cho mệt xác, để cho tụi nó chết, cho đỡ khổ thiên hạ. Tuy nghĩ thế, nhưng lương tâm một y sĩ thúc đẩy tôi bước vào nhà, sẵn sàng khám bệnh. Tôi nhìn lên, giật thót người, bắt gặp một bộ mặt như một con chim cú, da mặt sần sùi, chỗ đen, chỗ đỏ. cặp mắt, một con ti hí như một sợi chỉ, một con lồi ra, đỏ ngầu. Tôi đứng sựng lại, muốn bước thối lui. Giọng ồm oàng của nó vang lên trong căn phòng vắng:
- Anh có biết khám bệnh, cho thuốc, chữa bệnh không?
- Vâng, tôi biết chứ. Có điều kẹt là, sau khi khám, tìm ra căn bệnh, nhưng ở đây không có thuốc men, cũng đành chịu thua thôi. Điều này cán bộ biết rõ hơn tôi.
- Khám đi. Tôi sẽ lo về thuốc. Tôi muốn nói cho anh biết rõ rằng, đây là vợ tôi, mới xin được giấy phép đặc biệt từ trên, vào thăm tôi, bị đau trong ruột mấy hôm nay. Anh cũng nên nhớ rằng, tính mệnh anh và đồng bọn anh, nằm trong tay tôi. Nếu anh có cử chỉ gì nguy hại cho vợ tôi, tôi sẽ bắn anh và các tù khác ngay.
- Cán bộ đừng lo về điều này. Tôi là một y sĩ có lương tâm nghề nghiệp, chỉ biết cứu người, chứ không bao giờ có ý nghĩ hại người.

Tư Mô chỉ cho tôi, vợ hắn đang nằm trên giường phía trong. Tôi bước lại, hắn đi theo bên tôi. Trên chiếc giường một người đàn bà còn trẻ, tôi không đoán độ bao nhiêu tuổi, nằm thiêm thiếp. Tôi biết bà ta không ngủ và có lẽ nghe những lời đối đáp giữa tôi và Tư Mô. Mắt bà ta nhấp nháy đôi khi và ươn ước như khóc thầm hay vì đau trong bụng quá, chịu không nỗi. Tôi ngồi xuống trên chiếc ghế nhỏ, bên cạnh giường, bắt đầu khám bệnh. Tôi nghe nhịp tim. Nhịp tim bình thường. Tôi bắt mạch nơi cổ tay, mạch hơi rối loạn một chút, không có gì nguy hiểm. Tôi hỏi:
- Bà đau trong bụng, chỗ nào? đau liên hồi hay đau từng cơn?

Bà ta chỉ nơi bụng dưới, tôi nghĩ bao tử chứ không phải ruột như tên y công nói tầm bậy. Tôi lấy tay nhấn mạnh chỗ bà ta chỉ, hỏi:
- Tôi đè mạnh xuống chỗ này, bà có cảm thấy đau không?

Bà ta gật đầu. Tôi hỏi lại:
- Bà đau liên hồi hay đau từng cơn? Đau từ lúc nào? Lâu chưa? Có uống thuốc tây gì trước đây không?

Giọng bà ta mệt mỏi nhưng âm thanh có vẻ nhẹ hơn giọng của những xướng ngôn viên trên các đài phát thanh chúng tôi hay nghe, chát chúa, âm độ khá cao, nhiều khi thật dữ dằn:
- Vâng ạ, tôi đau từng cơn, đau đến toát mồ hôi. Đôi khi đau lúc đói bụng, đôi khi lúc vừa ăn xong. Thật sự tôi không biết rõ tôi đau bụng như thế này từ bao giờ. Nhưng đau nhói như thế này mới xãy ra cách đây vài ba tháng thôi. Lúc đầu tôi tự nhiên thấy mệt mỏi, xuống cân và trông gầy hẳn, đến nỗi mẹ tôi và bạn bè cũng ngạc nhiên và lo ngại cho tôi. Tôi có đi khám bệnh, do một y tá giỏi ở Hà Nội khám, có cho uống thuốc tây, trụ sinh. Lúc đầu cũng đỡ, các cơn đau giảm đi. Tuần trước vào Nam đây thăm nhà tôi, tôi cũng đã thấy không khỏe trong người, nhưng mới vài ngày này, các cơn đau lại đến nhiều hơn. Tôi có uống lại những viên thuốc trắng trắng do anh y tá ngoài Hà Nội bảo mua, nhưng lần này không hiệu quả gì.

Tôi hỏi vội:
- Bà có biết tên của viên thuốc trắng trắng, thuốc trụ sinh đó tên gì không?

Bà ta lắc đầu. Tôi nghĩ đến chứng loét bao tử, nhưng để có thể đoán đúng phần nào, tôi hỏi chi tiết hơn:
- Khi bà đi cầu, bà có thấy phân có màu gì không?

Bà ta có vẻ không hiểu câu hỏi của tôi, hoặc ngượng, trả lời:
- Vâng, không đau lắm.

Tôi hỏi lại:
- Bà cho tôi biết rõ, khi bà "đi đồng", bài tiết đó, có thấy phân màu gì, như màu vàng, màu đen, màu đỏ có dính tí máu, chẳng hạn. Tôi cần biết chi tiết này, để chẩn đoán bệnh cho đúng và như vậy mới cho thuốc, chữa bệnh được.
- Vâng ạ, có màu đen, mới đây thôi.

Như vậy tôi đoán gần đúng, có lẽ bà ta bị loét bao tử, xuất huyết trong bao tử. Nếu có chụp quang tuyến X và thử máu được thì dễ dàng cho y sĩ đoán bệnh hơn. Tôi hỏi lại cho chắc:
- Thế ở Hà Nội, khi anh y tá cho bà uống thuốc, có nói gì đến bệnh đau bao tử của bà không và có nói thuốc trắng trắng cho bà uống, chữa bệnh gì?
- Không ạ.

Tư Mô từ đầu cuộc khám bệnh, đứng bên cạnh, khoanh tay xem và nghe các lời đối đáp giữa tôi và vợ anh ta chăm chú, nhưng không hề hé môi. Nay đoán rằng, tôi có thể tìm ra bệnh trạng cho vợ anh ta và có thể chữa lành được bệnh, mới nói:
- Anh đừng ngạc nhiên, mấy thằng y tá "nếu náo" ở Hà Nội, tụi nó "phét nác" lắm. Tôi mà điều về ngoài đó làm việc thì tụi nó biết tay ông.

Tôi thấy vui vui vì tìm ra căn bệnh và nghe tên bí thư này dỡ giọng đe dọa ngay cả "đồng chí" của nó ngoài Bắc, làm tôi bật cười. Nó cũng cười theo thoải mái, chị vợ cũng cười được trong khuôn mặt méo mó đau đớn. Tôi nói cho cả vợ chồng nó nghe:
- Có lẽ chị bị đau bao tử, lở loét bên trong, có thể do vi trùng, có thể do thức ăn làm độc. Bệnh này để lâu nguy hiểm cho tánh mạng, nhưng cũng dễ chữa. Tôi viết cho chị hai thứ thuốc trụ sinh. Một loại chặn đứng cơn đau. Một loại chữa lành màng tổ ong trong của bao tử. Như tôi có nói cho cán bộ đây, cái khó là ở đây không có thuốc tây, nếu cán bộ tìm mua ở chợ đen, hoặc có người về được Sài Gòn, mua ở các tiệm thuốc tây, đúng thuốc thiệt, tôi hy vọng chữa được bệnh cho chị.

Tư Mô đưa tay cầm miếng giấy tôi viết tên thuốc. Nó nhíu mày, nói:
- Sao anh không viết bằng tiếng Việt của mình mà viết bằng tiếng nước ngoài, "nô nệϢ quá!

Tôi muốn bật cười, nhưng nhìn bộ mặt rúm ró của Tư Mô, tôi hiểu, lần này nó không vui. Tôi giải thích:
- Thật ra tôi cũng có thể viết tên thuốc bằng cách phiên âm ra tiếng Việt như cán bộ muốn, nhưng có điều bất tiện và cũng có thể nguy hiểm cho người uống thuốc, là người bán thuốc, sẽ hiểu lầm, bán một loại thuốc khác, không chữa được bệnh, mà lại làm nguy hiểm cho tính mạng khi uống sai loại thuốc.
- Được rồi. Tôi sẽ bảo các đồng chí liên lạc mua ngay trong ngày hôm nay. Còn dặn gì nữa không? Vợ tôi có nên tiếp tục uống những viên thuốc trắng trắng của mấy thằng y tá đã cho, nữa không? Có cử ăn uống gì không?
- Vâng, không được uống mấy loại thuốc trắng trắng đó nữa. Vẫn ăn uống, ăn cháo nấu nhuyển tốt hơn. Trong lúc chờ đợi thuốc trị bệnh bao tử, tôi chỉ cho chị uống nước gạo lứt, rang vàng, như uống trà vậy. Gạo lứt vừa xay ra, để nguyên võ, rang một nắm, trên lửa nhỏ, cho đến khi vàng sậm, đừng để cháy, làm mất dược tính. Trong gạo lứt và cám gạo lứt có nhiều chất có thể chữa bệnh loét bao tử.
- Được. Tôi bảo bọn dân ở đây nạp lúa khô, xay ra gạo lứt ngay. Thôi anh về lại trạm y tế đi. Khi nào cần, tôi gọi anh ngay.

Tôi trở về trạm y tế, không có việc gì làm. Tôi bảo tên y công, tôi về lán hoặc xuống nhà bếp, kiếm chút gì ăn, đói quá.
Buổi sáng ngày hôm sau, sau khi đánh răng, rửa mặt, ăn vài củ sắn điểm tâm, chuẩn bị ra ruộng, đi lao động. Tên quản giáo đi ngang qua, chỉ tôi, bảo:

- Anh Thông ngày hôm nay lên trạm y tế, hoặc nằm nhà, chờ lệnh, khi cần sẽ gọi anh.

Tôi biết là lệnh của tên bí thư Tư Mô và tôi cũng muốn biết, nó có mua được thuốc cho vợ nó chưa? Tôi nằm nhà, nhâm nhi chén chè trà xanh do một anh bạn tù hái được, khi vào rừng đốn tre lồ ồ. Khoảng mười giờ, có tên vệ binh đi vào tìm tôi, bảo:
- Anh lên phòng chỉ huy gặp cán bộ bí thư Tư Mô.

Các bạn tù già không đi làm lao động nhìn tôi ái ngại, nhưng tôi biết chuyện gì rồi. Hy vọng nó mua được thuốc và bệnh tình của vợ nó thuyên giảm. May ra do đó, nó thay đổi chút ít , bớt tính ác, để mọi người đỡ khổ, có đôi phút thoải mái.
Bước vào phòng, tôi gặp nó ngay. Vẫn bộ mặt chim cú nhăn nheo. Nhưng hôm đó nó lượm đâu được cái kính đen, nên che được đôi mắt khủng khiếp. Nó nói:

- Tốt. Anh bác sĩ ngụy này làm được việc lắm.

Tôi hỏi:
- Vợ cán bộ có thuốc uống chưa? Có kết quả tốt không?
- Tốt lắm. Cô ta đã uống trà gạo lứt đêm qua và uống hai thứ thuốc anh viết giấy. Cô ta hết đau rồi. Đang nấu cơm gà cho tôi ăn, mừng cô ta lành bệnh.
- Mừng cho chị đã bớt đau. Tôi nói bớt đau, chứ chưa lành hẳn đâu. Phải tiếp tục uống hai loại thuốc đó, mỗi ngày một viên, uống với nước sôi để nguội. Uống càng nhiều nước càng tốt. Tiếp tục uống thuốc như vậy trong một tháng, cho bệnh dứt hẳn. Nếu cần tôi khám lại, xem có lành hẳn chưa, trước khi dứt uống thuốc. Và trà nước gạo lứt, cũng đừng lạm dụng, mỗi ngày uống một lần vào buổi sáng là tốt.

Tôi định chào hắn ta, đi về lán nằm nghỉ. Hắn lấy cái gói nho nhỏ, đưa cho tôi, nói:
- Cái này của anh. Tuyệt đối không nói cho ai biết. Đây là kỷ luật của trại.

Tôi ngỡ ngàng, không biết vật gì, lật tờ giấy gói nhìn thấy tán đường đen. Cũng buồn cười và cũng cảm động, tôi định nói cám ơn thì hắn đã quay đi vào phía trong. Thôi cũng tốt, cơ thể thiếu thốn dinh dưỡng quá nhiều, nay có chút chất ngọt, cũng tăng thêm được đôi chút năng lực cho cuộc sống nơi núi rừng. Cuối tuần đó tôi đưa tán đường đen cho hai người bạn thân cùng lán nấu chè đậu xanh, tôi chỉ nói của một bệnh nhân trên trạm y tế cho.

Cuộc sống tù tội trong núi rừng cứ thế tiếp diễn, càng ngày càng đói khổ, bệnh tật hơn. Tên Tư Mô vẫn là một bóng ma ám ảnh mọi người. Tôi vẫn mỗi tuần ba ngày lên trạm y tế, hai ngày đi lao động. Một số bạn tù trong lán chuyển đi nơi khác, không ai biết đi đâu. Tôi cũng quên hẳn vụ vợ tên bí thư Tư Mô, bệnh đau bao tử lành hẳn chưa?

Một buổi chiều, vừa ăn cơm xong, mọi người chuẩn bị lên hội trường học tập chính trị, cũng đi đi lại lại, ba giòng thác cách mạng, xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao trí tuệ của nhân loại. Và những bài viết thu hoạch, sau buổi học tập. Tên quản giáo đi lại chỗ tôi đứng nói chuyện với bạn bè, kêu tôi ra, nói:
- Anh Thông lên ban chỉ huy có việc cần. Nhớ mang theo dụng cụ khám và chữa bệnh. Có người sẽ dẫn anh đi và về.

Tôi nghĩ, lại có thằng cán bộ chó chết nào đau đây. Tôi chẳng vui chút nào khi đi săn sóc sức khỏe cho những tên giết hại bạn bè tôi. Tên vệ binh dẫn tôi qua khu nhà cán bộ ở, bảo tôi đứng chờ, đi vào phía trong. Một lúc có tiếng mở cửa, tôi ngạc nhiên, vợ của Tư Mô bước ra, tươi cười chào tôi:
- Tôi sắp về lại Hà Nội, nhờ anh bác sĩ khám lại cho tôi, đã lành hẳn bệnh bao tử chưa, như anh dặn trước đây.

Chị ta da thịt hồng hào, tươi mát, trông trẻ hẳn, tôi cũng chẳng nhìn ra. Tôi lấy ống nghe nghe nhịp tim, chẩn mạch. Tất cả đều tốt. Như vậy bệnh bao tử đã lành hẳn rồi, tôi bảo cho chị ta như vậy. Chị ngập ngừng một chốc, rồi nói:
- Anh bác sĩ chữa bệnh tốt quá. Tôi có điều này nói với anh, anh giúp cho nhé. Anh Tư chồng tôi từ ngày bị phỏng bom xăng của tụi đế quốc Mỹ, trong cuộc oanh tạc điên cuồng của chúng xuống Hà Nội vào mùa đông năm 1971, anh bác sĩ thấy đó, khuôn mặt đẹp trai của anh khi còn trẻ nay trông thật kinh khủng. Anh Tư tôi đau khổ lắm. Anh bác sĩ chữa bệnh tốt quá, anh có thể chữa cho anh Tư tôi được không?

Tôi lưởng lự không biết trả lời làm sao cho chị ta hiểu, tôi không có chuyên môn về khoa chỉnh hình, sửa chữa sắc đẹp. Tôi cũng hiểu nỗi khổ tâm của tên Tư Mô, mang bộ mặt của quỷ dữ. Tôi trấn an:
- Trong y khoa tân tiến ngày nay việc chữa những vết sẹo trên mặt không khó lắm, nhưng phải có trang bị máy móc tối tân và bác sĩ học chuyên môn về ngành này. Tôi nghĩ một ngày nào đó, anh cán bộ chồng chị về Sài Gòn, xin phép đi Nhật Bản, hay các nước Âu Châu, có thể chữa khỏi, bằng cách lấy da trên bắp vế chân cấy lên da mặt . Chứ ở trong xó rừng này, tôi một người tù, với hai bàn tay trắng, cái ống nghe cũ kỹ này, không làm gì được cả.

Chị ta cúi đầu yên lặng. Tôi chợt nghe tiếng đàn "măng đô lin" vọng vào. Tôi nghe chăm chú và tự hỏi ai đàn? Từ khi còn là sinh viên y khoa, tôi một thời cũng mê đàn ca, hát hò, nên nghe tiếng đàn, tôi biết ngay, người đang chơi đàn đó có tâm hồn khoáng đạt, nghệ sĩ lắm. Tiếng rung thật tròn và các tiếng láy, các hòa âm vững vàng lắm. Đôi khi như hứng chí, người đàn chuyển qua cung bậc cao - octave - thật tuyệt. Chị vợ tên bí thư có lẽ thấy tôi nghe say sưa, nói nho nhỏ:
- Anh Tư, chồng tôi đàn đấy. Hồi còn trẻ ở Hà Nội, tôi yêu anh vì tiếng đàn và giọng hát ngọt ngào của anh. Anh bác sĩ có biết anh đang đánh mấy bản Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và nhạc Liên Sô đó không?

Tôi gật đầu, vì nghe hoài những bản này trên đài, gần như hằng ngày, nên thấy chẳng có gì hay cả. Hình như Tư Mô chơi qua một bản khác, nghe thật lạ, nét nhạc khi nhẹ nhàng, êm ái như mặt nước mùa thu, khi sầm sập như thác đổ. Tôi nhìn chị ta như có ý hỏi tên bản nhạc, chị gật đầu:
- Vâng, bản Chiều trên sông Volga, nhạc Liên Sô đấy. Bản này hay lắm.

Tôi hỏi:
- Nghe chị và cán bộ chồng chị thích ca nhạc từ khi còn trẻ ở Hà Nội, chắc anh chị thích nhạc Văn Cao chứ?

Chị gật đầu:
- Vâng, lúc trẻ chúng tôi thích nhạc Văn Cao lắm, chắc anh biết Văn Cao là tác giả bản quốc ca đấy. Nhưng sau này, ông ta ngã qua hữu khuynh, nên trên cấm nhạc Văn Cao.
- Thế chị có biết bản Bến Xuân của Văn Cao không?
- Vâng, anh Tư thích bản này lắm, bản nhạc này, Văn Cao viết lại lời khác, lấy tên là Đàn Chim Việt, nhưng cũng bị cấm, nên anh cũng không dám đàn nữa.

Tiếng đàn đã dứt. Tôi chào chị ta để về lại lán, kịp giờ ngủ, để ngày mai lại đi lao động. Đêm đó tôi cứ thao thức hoài, suy nghĩ miên man về tiếng đàn nhẹ nhàng, thanh thoát từ tay một tên công an dữ dằn, độc ác, giết người không gớm tay.

Tôi rơi vào giấc ngủ đầy ác mộng. Tôi bị một bầy thú rừng, hình thù kỳ dị, thân người, mặt thú rượt đuổi. Tôi vấp ngã sóng sượt trên đất chờ chết, nhưng may quá có một nàng tiên bay đến, sà cánh xuống bên tôi, rút cây đàn, gãy lên những bản nhạc tình ca và chim muôn tụ lại cùng múa hát. Bầy thú "sa đích" chạy biến mất vào rừng. Tôi lăn mình trở dậy, hít thở không khí trong lành, mát mẻ của núi rừng, quên mất mình đang ở tù"


Xuân Đỗ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn