Ngôi trường nằm bên này đường Lê Lợi, Nam Tiểu Học Đà Nẵng. Bên kia, trung học Phan Chu Trinh. Nơi đó tôi mong có ngày được làm học trò như các anh các chị, những học sinh trường trung học công lập của thành phố. Mong lắm vì cả thị xã chỉ có ngôi trường đó, thứ hai học sinh mặc đồng phục trắng làm lễ chào cờ, thứ ba đến thứ sáu đi học với quần xanh áo trắng. Nhìn là thấy không giống học sinh trường nào, không giống ai!
Thời tôi học nghe truyền khẩu hai câu vè: “Phan Chu Trinh rinh hủ mắm. Phan Thanh Giản đảng du côn!” Ai là tác giả không biết sao quá ác ý. Nghe là thấy rõ học trò trường này trường kia bị chọc quê. Từ đó có chiến tranh giữa vài nhóm bên Phan Thanh Giản với Phan Chu Trinh. Bãi học, gặp nhau, nghinh nhau và rút dây nịt to bảng ra mà quất túi bụi. Thằng nào biết võ thì múa trong lúc khán giả học trò bu quanh cổ võ gà nhà.
Trình trạng này càng gia tăng theo nhịp độ chiến tranh. “Đại bác đêm đêm dội về thành phố” thì ban ngày học trò lạng honda qua lại nhiều hơn, kênh nhau rồi đưa đến đánh lộn. Lý do gì đó làm sao biết và làm sao nhớ cho hết. Tuổi học trò chỉ có thể lộn xộn vì dẫm chân lên cuộc tình của nhau. “Con bé nào đó… đang theo là bồ tao. Chỉ là của tao!” Đứa nào nhìn lạng quạng là có chuyện. Theo nữa thì chuyện thành lớn. Kéo băng kéo đảng đánh hội đồng cho mày sợ, lần sau đừng có dại dột nghe thằng cà chớn! Không biết những “du đảng” loại này có thật sự là bồ của cô nhỏ mà ai cũng muốn ngắm và muốn theo chân mỗi ngày. Chờ khi “tôi đưa em sang sông” thì biết. Lúc đó hy vọng tìm được câu trả lời cho những mối tình câm.
Nữ sinh đẹp nổi tiếng của trường nữ thường không học quá trung học. Có nhiều lý do nhưng chính cũng vì các anh! Tôi biết có xe jeep đậu trước cổng trường như của Hạ Quốc Huy, thi sĩ họa sĩ võ sĩ và vô địch bắn súng vùng I Chiến Thuật thời đó. Anh này đến đợi ở cổng trường Nữ Trung Học Hồng Đức làm gì ngoài việc muốn “anh theo Ngọ về” những ngày Đà Nẵng. Theo ngay không mất cơ hội. Hạ Quốc Huy theo được hay xe jeep “hết xăng dọc đường” tôi không biết. Lúc đó mấy anh này lớn và nổi như cồn trong thị xã. Hạ Quốc Huy đã dám làm thơ “Tình Qua Lộng Ngọc” đăng ở Tiền Phong Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa tặng cô thâu ngân ở Lộng Ngọc tên gì đó thì biết. Tôi và vài thằng bạn trong đó có Thường Quán biết được phục như gì. Chỉ tội đời sống thị xã vẫn còn quá môn đăng hậu đối. Đà Nẵng xa Huế chừng trăm cây số nên những điều ôn mệ thích ngoài xứ Thần Kinh cũng gieo ảnh hưởng đến đây. Con gái đẹp phải lấy chồng ngon. Các cô nhỏ một bước bỗng thành “bà”! Bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, trưởng ty, trưởng phòng… khi mẹ nói “con ơi mẹ bảo con rằng…” các cô phần lớn nghe theo, lên xe hoa, khai tử những cuộc tình của năm mười mấy.
Chuyện “ngày xưa còn bé” thế đó. Nhiều đứa đã thất tình. Nhiều đứa cóc có mối tình nào đáng nhớ khi rời thành phố. Có thằng mang hận, buồn buồn xung phong đi lính, được phép hay phép tự ký chuồn về phố thanh toán món nợ giang hồ. Chuyện như chuyện Kim Dung thời đại mới. Anh họ tôi, Phước B, lớp thằng Thường Quán không biết có nằm trong số đó. Trong trí nhớ của Hào, “dám chấp hai ba thằng” khi đánh nhau trong trường. Tôi là người nhà, anh em bà con bên ngoại của hắn mà bậy thiệt, chẳng biết gì cả đến ngày chạy ra khỏi nước.
Có thời đội bóng rổ Phan Chu Trinh hay đánh giao hữu với Phan Thanh Giản. Coi bộ đội bóng của ngôi trường mơ ước tôi thua hoài! Thôi mình tự an ủi là dân Phan Chu Trinh phải lo học vì học sinh giỏi nhiều quá, lạng quạng tuột dốc gượng không nổi. Nhưng “một tình thần minh mẫn trong một thân thể khỏe mạnh” nên có học cũng phải chơi cho ngon, nhất là bộ môn bóng rổ để khỏi bị trường tư coi thường. Vào đệ thất, nhóm tôi tập ngay để mong ngày nào đó thành vô địch học sinh Đà Nẵng về bóng rổ. Giấc mơ vĩ đại của những thằng học trò Phan Chu Trinh nhí. Tụi nó, đám bạn cùng trường, cùng xóm, cùng khu vực quanh những con đường xưa “thằng nào cũng đi đến mòn dép” Gia Long, Đống Đa, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt. Những tên đường trong trí nhớ như Lê Lợi chạy từ dưới Thanh Bồ, qua Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Gia Long, Quang Trung. Đến đây gặp trung học tư thục Phan Thanh Giản bên trái. Căn nhà kế tiếp có mấy chị em học trò Phan Chu Trinh. Trong số đó hình như có chị Thu Đà, người giúp ông thầy người Pháp dạy sinh ngữ lớp tôi những ngày cả bọn ngu ngơ vào đệ thất. Kế đến là lưng của dãy nhà dùng làm chỗ ở cho thầy hiệu trưởng, tổng giám thị, và phụ tá giám thị bên Phan Chu Trinh. Thầy Lê Long Viên hiền thật hiền, có ái nữ là Ái Liên một thời từng lên xuống ngang qua sân bóng rổ khi Đặng Xuân Sơn và đám bạn hắn (là tụi tôi) chơi banh, cũng ở trong dãy đó. Cùng phía bên trái, đi lên chút là phòng thí nghiệm Lý Hóa trung học Phan Chu Trinh, sân vũ cầu, thư viện. Đến đây đường Lê Lợi gặp ngã ba Nguyễn Hoàng. Tụ điểm của Nam Tiểu Học và Phan Chu Trinh. Hai ngôi trường thơ ấu và lúc lớn của tôi nằm đó, ngó nhau bao mùa mưa nắng.
Lúc nhỏ đi ngang ngôi trường mơ ước được học, thấy có bích chương quảng cáo buổi ra mắt thơ của anh nào đó bên Phan Chu Trinh. Tôi với mấy thằng bạn tròn xoe mắt ngó trường và những giòng chữ quảng cáo. Cho tiền cũng không dám vào chỗ mấy anh mấy chị sinh hoạt văn học. Thơ thẩn đọc đã không hiểu từ nhỏ mà sao lớn lên lại dính. Có lẻ thấy bạn bè thẩn thơ nhiều quá trên Tuổi Ngọc như Nguyễn Tiên Hoàng – Thường Quán sau này ngoài nước, Trung Hậu, Ngy Xuân Sơn; trên Thằng Bờm như Lê Đỡ, Thương Huyền Nguyễn Văn Thường nên nhào vô chăng. Tôi nghĩ không phải vậy. Một lúc muốn viết là tự nhiên viết như bài thơ đầu đời năm đệ thất. Tôi chẳng nhớ “nó” như thế nào nhưng tốt hơn là đừng nhớ.
Năm 1999, những đứa con tôi bằng tuổi cha thời Nam Tiểu Học về thăm quê nội, theo chú ghé ngang Phan Chu Trinh. Tụi con có đến thăm trường ba học. Chú nói đổi nhiều lắm rồi đó ba. Tôi biết tất cả đều trôi theo dòng đời. Trường và bạn./.
An Phú Vang
August 31, 2006