Thành phố Sài Gòn ngày 2/10/2010.
Kính gửi: Quý vị và các bạn quan tâm,
Tên tôi là: Đỗ Nam Hải (bút hiệu Phương Nam)
Sinh năm: 1959 tại Hà Nội.
Nghề nghiệp: Kỹ sư kinh tế ngân hàng.
Chuyên ngành: Tiền tệ - Tín dụng.
Hiện cư ngụ tại: 441 Nguyễn Kiệm – Phường 9 – Quận Phú Nhuận – thành phố Sài Gòn.
Tôi viết thư này xin gửi đến công luận trong và ngòai nước để mọi người biết rõ hơn về tình hình hiện nay của tôi như sau:
Liên tiếp trong 4 ngày 23, 28, 29, 30/9 và 1/10/2010, công an Việt Nam tại thành phố Sài Gòn lại tiếp tục giở trò hèn hạ và xưa cũ đối với tôi. Cụ thể là: cứ mỗi lần tôi ra khỏi nhà là lại có một toán công an mặc thường phục gồm 4 – 5 người đi 3 – 4 xe máy áp sát vào xe máy của tôi. Họ bao vây xung quanh tôi và yêu cầu tôi không được tiếp tục đi nữa, mà phải quay lại nhà. Tôi hỏi họ về lý do của sự ngăn chặn này thì được họ trả lời: “ Anh Hải thông cảm, thời điểm hiện nay là “nhạy cảm” và tụi tôi cũng chỉ làm theo lệnh cấp trên”.
Đặc biệt, khoảng 9 giờ sáng ngày 1/10/2010 cũng vẫn bài bản “yêu cầu” như 3 ngày trước, nhưng lần này thì họ áp giải tôi về Trụ sở công an quận Phú Nhuận, số 181 Hoàng Văn Thụ - P.8 – Q. Phú Nhuận. Tại đây, họ tạm giữ trái phép tôi 7 tiếng, từ 9 – 16 giờ mà không hề đưa ra bất cứ một lý do nào. Cũng như hàng trăm lần tương tự trước đó thì lần này tôi cũng cương quyết không chịu làm việc với họ, không thèm ký vào bất cứ một tờ “Biên bản làm việc” nào mà họ rất sốt sắng làm ra.
Cuối cùng tôi nói với họ, đại ý: “Tôi thật lòng khuyên các ông nên dừng ngay bàn tay tội ác là đàn áp những người đấu tranh dân chủ chúng tôi lại. Các ông hãy nghĩ đến cái hậu quả nhãn tiền khi mà dân tộc này chuyển mình từ chế độ độc tài sang dân chủ để mà tự răn mình, và ngày đó đang đến rất gần. Lúc đó, những kẻ hiện nay đang ra lệnh cho các ông đàn áp chúng tôi đã cao chạy xa bay cả rồi. Bởi vì, bọn họ đã có nhà cửa, tài khoản và có con cháu họ đã ra nước ngoài trước đó. Bọn họ tỉnh táo và ranh ma lắm, chứ không thiển cận như các ông đâu. Còn các ông thì khó có cửa chạy khi chế độ này sụp đổ và do vậy sẽ phải ở lại để đối diện với công lý. Các ông hãy biết sợ luật đời, rằng: những kẻ gieo gió ắt sẽ gặt bão!”.
Họ hỏi tôi: “Thế theo anh Hải thì bao giờ cuộc đấu tranh của các anh sẽ thành công?”. Tôi trả lời: “Chắc chắn là nó sẽ ngắn hơn khoảng thời gian 12 năm mà nhân dân Tiệp Khắc đã phải trải qua, tính từ khi bản “Hiến Chương 77” của họ ra đời (1977 – 1989). Còn chúng tôi thì lấy mốc thời gian ngày 8/4/2006, là ngày mà bản Tuyên ngôn 8406 ra đời và Khối dân chủ 8406 được thành lập. Chính vì tin tưởng mãnh liệt vào sự nghiệp chính nghĩa của cuộc đấu tranh dân chủ và sự tất thắng cuối cùng của nó mà chúng tôi quyết dấn thân; bất chấp mọi sự gian khổ, hy sinh. Các ông đừng có hy vọng gì khuất phục được chúng tôi, quên đi!”
Họ nói với tôi: “Anh Hải có lạc quan quá chăng? Chế độ đang phát triển rất vững mạnh cơ mà, chúng tôi có thấy dấu hiệu gì của sự sụp đổ như anh nói đâu?”. Tôi trả lời: “Tôi nói với các anh điều này để các anh suy ngẫm rồi tự rút ra kết luận: cách đây 21 năm, vào ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa dân chủ Đức, mùng 7/10/1989, Erich Honecker lúc đó là Tổng bí thư Đảng xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức đã từng mạnh miệng tuyên bố: “Nếu cần thiết, bức tường Berlin sẽ đứng vững hàng trăm năm!”. Thế nhưng chỉ 11 ngày sau, 18/10/1989 ông ta đã buộc phải từ chức, do cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng không thể cứu vãn ở đây. Và hơn 1 tháng sau, ngày 9/11/1989 thì bức tường Berlin sụp đổ, sau hơn 38 năm nó tồn tại một cách ô nhục (13/8/1961 – 9/11/1989). Sau đó là chế độ độc tài cộng sản tại đất nước này cũng bị quật ngã. Còn Erich Honecker thì phải ra trước vành móng ngựa để trả lời trước công lý về những tội ác mà ông ta và đồng bọn đã gây ra cho nhân dân Đông Đức. Tình hình cũng là tương tự như ở Liên Xô và các nước độc tài công sản khác ở Đông Âu”. Nghe tôi nói xong, họ im lặng không nói gì thêm.
Buổi tối cùng ngày, bác sỹ Nguyễn Đan Quế gọi điện thoại cho tôi nói: hiện đang có một nhóm công tác thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đang ở Sài Gòn và chiều ngày 30/9/2010 họ đã đến tận nhà riêng ở đường Nguyễn Trãi – quận 5 thăm ông. Tôi hiểu rằng: thì ra cái gọi là “thời điểm nhạy cảm” mà mấy viên công an đã nói ra, khi họ chặn đường tôi lại suốt 4 ngày qua chính là có lý do từ đây.
Vào tháng 1/2010, tôi có gửi tới công luận một bài viết: “Thông báo về tình hình hiện nay của tôi.”. Cho đến nay, cái tình trạng ngột ngạt, bẩn thỉu do cái bộ máy “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng, còn mình” (http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=FFEFDBF93A5F6A95B830205933834686?action=viewArtwork&artworkId=10573)
áp dụng đối với tôi là vẫn không hề thay đổi.
Xin trân trọng giới thiệu lại cùng quý vị và các bạn quan tâm.
Kính thư.
Đỗ Nam Hải – Thành viên Khối 8406.
Gửi ý kiến của bạn