BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39396)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thơ việt dã từ "IQ cao" và "quyết tâm chính trị cực đỉnh"

03 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 851)
Thơ việt dã từ "IQ cao" và "quyết tâm chính trị cực đỉnh"
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52


Sáng sớm ngày mùng 2-10, ngày thứ hai của Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, VTV phát một phóng sự trên chương trình "Gõ cửa ngày mới" về tập thơ 1000 bài mừng Thăng Long 1000 tuổi. Tác giả là một... thiếu tướng công an, tên Kiệm. Cái tên Trần Văn Kiệm, một thiếu tướng công an không có thị phi gì trong giới văn nghệ, nhưng dường như cũng vô danh trong làng thơ. Tại hạ thực chẳng biết phải gọi ông là thiếu tướng làm thơ hay nhà thơ thiếu tướng nữa bởi giả thử không có cái dịp 1000 năm thế này, chả ai biết thơ của ông. Thăng Long 1000 tuổi có lẽ cũng chỉ biết đến ông như một người chép chữ việt dã. Vị thiếu tướng, tựa lưng vào đài nghiên tháp bút trả lời phỏng vấn của VTV với đôi mắt không rõ là mơ màng vì tâm hồn thơ hay vì quá mệt mỏi với chuyện làm thơ như chạy việt dã. Ông nói về vinh dự, về tự hào, về tình yêu với non sông gấm vóc, với thủ đô ngàn năm. Đại khái là từ 4 năm trước, vị thiếu tướng nguyên là cục trưởng cục chính trị của một tổng cục nào đó thuộc Bộ Công an bắt đầu làm thơ cho tuyển tập 1000 bài mừng đại lễ của mình. 4 năm, 1460 ngày và 1000 bài thơ. Như thế có nghĩa là cứ mỗi 3 ngày ông phải rặn, phải đẻ, phải sản xuất ra kỳ được một bài thơ. Thật đáng ngưỡng mộ trước "chí làm thơ" của ông.

Xem cái chương trình tôn vinh chuyện làm thơ việt dã, làm thơ để đạt kỷ lục, làm thơ chạy theo kỷ niệm, thơ nhân dịp kiểu này, chả hiểu sao Tại hạ lại nhớ ngay đến một bài thơ "gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội".

Em ơi! Hà - Nội - phố...

Ta còn em vầng trăng nửa

Người phu xe đợi khách bến đầu ô.

Tiếng rao đêm lạc giọng

Ơ hờ...

Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ

Lão Mozart hàng xóm

Bảy nốt cù cưa.

Từng đêm quên giấc ngủ...

Ta còn em cây dương cầm

Trong khung nhà đổ

Lả rả bên thềm

Bettho và sonate Ánh trăng

Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ..

Cô gái áo đỏ Venise

Xa Hà Nội,

Vẽ clavecin,

Tập đàn

Trên phản gỗ...

Đây là những câu thơ trong bài thơ Em ơi, Hà Nội phố của Phan Vũ. Bài thơ sau đó đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và trở thành một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, một bài hát mà không một người Hà Nội nào không một lần hát lên.



Năm 1972, Phan Vũ sống ở Hà Nội, một mình, trong một căn gác suốt 12 ngày đêm Hà Nội bị B52 rải thảm. Ông đã xuống phố Khâm Thiên, nghe thấy những tiếng than khóc, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm. Còn "Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ" là tiếng đàn của một cô con gái, con nhà tư sản, thành phần bấy giờ khó được vào đại học. Cô ấy chờ mãi người đưa thư, mong cái giấy báo trúng tuyển. Vào cái năm bom Mỹ ném xuống quyết đưa Hà Nội về "Thời kỳ đồ đá" đó, một quả bom đã ném trúng vào ngôi nhà cô gái. “Tôi thấy cô chạy ra với chiếc mũ sắt đội đầu. Mái nhà bị tốc hết, trơ ra cây đàn piano với lả tả bay các tờ giấy chép nhạc”. Phan Vũ sau đó đã viết về cô, về hình ảnh cô gái đi sơ tán không có đàn mang theo, phải vẽ phím đàn trên sàn gỗ để tập bản đàn. "Ta còn em..", điệp khúc trong bài, còn có ý nghĩa "ta mất em...". Đó là sự tiếc nuối về những gì "thật Hà Nội" đã không còn nữa. Và không phải tất cả những sự mất mát đó đều chỉ bởi chiến tranh.

Vâng, hôm 29-9, cuộc biểu diễn chỉ một bài thơ, một tráng ca Hà Nội phố đã diễn ra ở Thư viện Quốc gia Hà Nội. Phan Vũ vẫn tự nhận là chỉ có một bài thơ về Hà Nội. Bài thơ đó đã không hề nằm yên trong ngăn kéo suốt gần 50 năm qua. Bài thơ đó đã hành ông giữa những cơn say tỉnh, đòi ông phải sửa, phải thêm, phải bớt. Sửa nhiều đến mức Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức chính tác giả cũng không sao phân biệt được. Chỉ một, nhưng đó là một bài thơ bất hủ, thậm chí còn vượt xa cả Thăng Long hành của Đông Hồ về sự phổ thông và mến yêu của người Hà Nội.

Lịch sử thi ca Việt Nam đã ghi nhận vô vàn những trường hợp các nhà thơ chắt lọc mấy chục năm cuộc sống chỉ để viết được một bài thơ. Rồi tự nhận bài thơ ấy chỉ có một câu thơ. Nhưng đó là những câu thơ làm tái tê, làm rung động tâm hồn người đọc. Đến đây, lại phải nói về câu chuyện 3,2 triệu bài dự thi "Tìm hiểu Thăng Long-Hà Nội 1000 năm văn hiến và anh hùng" và tuyển tập 1000 bài hát về Hà Nội. Nhà sử học Lê Văn Lan nói: 3,2 triệu bài là "Một kỉ lục chưa từng thấy". Nhưng kỷ lục này để làm gì nhỉ? Tôi nhớ đến bài hát của Nguyễn Đình Thi. Người làm tuyển tập nói, trong cả nghìn bài hát như thế, nếu chọn một bài, thì đó sẽ là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Đình Thi xuất thần trong Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa và đã tạo ra được một câu ca hay nhất của bài hát nổi tiếng này: "Đây lắng hồn núi sông ngàn năm".

1000 con rồng thời Lý... toét. 1000 cá thể rùa, 1000 đồng tiền cổ, 1000 vật dụng nhà nông, 1000 chữ Long thư pháp, rồi thì 1000 hiện vật gửi đến mai sau. Rồi thì 1000 hương vị. Rồi lại 1000 tà áo dài. (Hoa hậu Mai Phương Thúy đã mặc một chiếc áo dài 1000 cen-ti-mét nhưng chả thấy đẹp từng cen-ti-mét. Cũng may, chưa có nhà thiết kế nào định lập kỷ lục tà áo dài 1000m chắc bởi nguy cơ tắc đường hoặc hoa hậu sẽ lăn kềnh ra đường vì không vác nổi đuôi). Rồi 1000 bóng đèn, 1000 góc nhìn, dàn hợp xướng 1000 người, 1000 con rùa... những cái đó cũng kể như là không vấn đề gì. Điện thì có nhà nước lo. "Góc nhìn" thực ra là 1000 bức ảnh, có đủ 1000 góc nhìn hay không và góc nhìn đó tinh tế, độc đáo đến mức nào thì còn phải bàn cái. Dàn hợp xướng thì một chứ đến mười ngàn cũng có chỗ chứa ngoài Mỹ Đình, trừ phi mưa bão. Rùa cào cào châu chấu kiểu tạp pí lù, "quý hiếm" đến mức tha hồ cho dân tình dẫm đạp thế kia thì vơ đâu chả có, dù cụ rùa hồ Gươm bị mấy phát "câu liêm" cũng sắp ra... rùa thiên cổ rồi. (Chỉ giá như những con số khủng đó không động vào tiền thuế của dân). Có người nói ngay cả cái chuyện chọn ngày 10-10 làm ngày Đại lễ chính chả phải vì đó là ngày giải phóng thủ đô (Giải phóng Hà Nội có liên quan quái gì đến chuyện lập kinh đô Thăng Long 1000 năm trước đây nhỉ!) cũng chả có "yếu tố Tàu" gì sứt trong đó. Đơn giản, chỉ là câu chuyện văn hóa trọc phú: Thích số đẹp. 1000 năm và 10-10-2010. Thế thôi.

Nhưng còn thơ?

Chỉ vì câu chuyện ngàn năm hôm nay mà đến thơ, đến âm nhạc cũng chơi trò "lập kỷ lục ghi-nét", chơi kiểu sóc lọ, phọt ra thơ với nguyên liệu đầu vào là "IQ cao" và "quyết tâm chính trị cực đỉnh" thì có lẽ chỉ ngay sau ngày đại lễ, những thứ đó, nói một cách lịch sự - chắc chỉ để đút gậm bàn làm thức ăn cho mối.

Đào Tuấn

02-10-2010

Theo blog Đào Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn