BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thương về Hà Tĩnh

21 Tháng Mười 20167:16 SA(Xem: 1664)
Thương về Hà Tĩnh
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Nói về miền Trung thì bất cứ người dân Việt Nam nào cũng hình dung ra một vùng đất khí hậu khắc nghiệt, mùa đông trời lạnh buốt thấu xương, mùa hè nắng như đổ lửa. Cái nghèo khó đã bám chặt vùng đất này suốt chiều dài lịch sử cho đến tận bây giờ.

Có lẽ vì thế  mà người miền Trung luôn tìm mọi cách cho con cái thoát ly ra khỏi quê hương và rồi ai đã đi xa cũng thấy thương quê mình. Một trong những lý do chính khiến người miền Trung, đặc biệt là người dân Nghệ An-Hà Tĩnh vẫn tồn tại, đi lên tại quê nhà và thành công nơi đất khách quê người đó là tình người. Trong 54 dân tộc VN thì có lẽ dân Nghệ An-Hà Tĩnh là đoàn kết, đùm bọc và giúp đỡ nhau nhiều nhất. Mọi người có thể thấy được điều này qua các cộng đồng và hội đoàn người Nghệ-Tĩnh ở nước ngoài.

Tình người, tình yêu và sự gắn bó với mảnh đất cha ông đã khiến cho người dân miền Trung chống chọi và đương đầu với bao khó khăn vất vả để có được cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng thoát nghèo, thoát khổ. Tỉ lệ hộ nghèo của miền Trung luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Mỗi năm vài lần cả nước phải chung tay chung sức cứu trợ cho miền Trung nhất là sau khi các cơ bão, lũ kéo qua.

Miền Trung trong bài viết này là các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Chắc có lẽ độc giả cũng nhận ra vì sao bài viết này lại nói về Hà Tĩnh? Người viết cũng ở miền Trung nhưng không phải Hà Tĩnh. Sỡ dĩ viết về Hà Tĩnh là vị vùng quê này đang là tâm điểm của mọi sự chú ý của cả nước và cả thế giới. Chính nơi đây có Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh là trung tâm của nhà máy luyện kim Formosa.

Formosa là cái tên không mấy ai biết đến trước đây bỗng nhiên được cả nước quan tâm vì nó đã gây ra một thảm họa về môi trường cách đây 6 tháng và sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc. Việc nhà máy Formosa xả thải chất độc hại chưa qua xử lý thẳng ra biển đã làm cho gần 250 km bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế bị nhiễm độc nặng, hàng ngàn tấn cá chết trôi dạt vào bờ và biến cả vùng biển này thành vùng biển chết: không tôm cá, không tắm biển, không du lịch…

Trước một thảm họa nghiêm trọng về môi trường như vậy đáng lẽ ra chính quyền VN phải nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân trên diện rộng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới, các Trung tâm bảo vệ môi trường…Sau khi có kết quả của ủy ban điều tra hỗn hợp quốc tế đó, VN sẽ đưa vấn đề này ra các Tòa án quốc tế (sỡ dĩ phải đưa vụ việc của Formosa ra các tòa án quốc tế vì thảm họa của nó gây ra quá lớn và do có yếu tố nước ngoài).

Tuy nhiên chính quyền VN đã chọn cách đàm phán bí mật với phía Formosa và cuối cùng Formosa nhận lỗi và chính phủ nhận bồi thường của Formosa số tiền 500 triệu USD. Có thể thấy ngay rằng việc đàm phán tay đôi giữa chính quyền VN và Formosa hoàn toàn không tuân thủ luật lệ và không theo một nguyên tắc nào. Các cuộc điều tra không được tiến hành (hoặc có nhưng không được công bố) vì thế không thể định lượng được những tác hại mà Formosa gây ra. Chính phủ không có căn cứ nào để nói rằng số tiền đền bù đó là thỏa đáng. Hơn nữa việc ra phán quyết đền bù thiệt hại là phải do tòa án, một cơ quan tư pháp quyết định chứ không thể do bên chính phủ, một cơ quan hành pháp quyết định. Điều này một lần nữa chứng minh tại VN, tư pháp không có vai trò và giá trị gì.

Báo chí nhà nước và quan chức VN có nói nhăng nói cuội gì thì cũng không thể thay đổi được một sự thật đó là Biển đã Chết. Biển là nguồn sống của hàng vạn ngư dân miền Trung. Miền Trung không chỉ có các đội thuyền đánh cá xa bờ mà còn nhiều ngư dân kiếm sống bằng những chiếc thuyền thúng kiếm ăn quanh bờ biển. Buổi tối họ đi câu được vài cân tôm, cân mực sáng đem ra chợ bán kiếm được vài trăm nghìn nuôi cả gia đình. Không ít khách du lịch thích đến miền Trung vì hải sản nơi đây rất tươi và ngon mà không phải vùng biển nào ở VN cũng có được.

Nay có lẽ tất cả đã đi vào dĩ vãng. Biển Chết, Cá Chết và tất nhiên là du lịch và các dịch vụ ăn theo cũng Chết theo. Sáu (6) tháng trôi qua, nhiều người dân nơi đây đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát. Nếu là người dân thành thị hoặc dân kinh doanh thì ít nhiều còn có của ăn của để dành, còn người ngư dân ăn bữa nào lo bữa đấy thì khó khăn của họ, không khó để hình dung ra, nó kinh khủng đến cỡ nào.

Trước thảm họa kinh hoàng này chính quyền VN đã xử lý một cách vô cùng chậm chạp, thiếu nghiêm túc và thiếu trách nhiệm. Đã không có một cuộc điều tra nào được công bố, nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế muốn tham gia vào quá trình tìm hiểu nguyên nhân gây ra thảm họa này đã bị chính quyền VN từ chối. Họ vẫn bảo vệ cho Formosa bằng mọi giá.  

Người dân VN tại bốn tỉnh miền Trung đã vượt qua sợ hãi để đứng lên biểu tình yêu cầu Formosa đền bù thỏa đáng cho bà con và yêu cầu phải đóng cửa hoàn toàn nhà máy vì đây chỉ mới là giai đoạn đầu đầu, chưa đi vào hoạt động chính thức mà hậu quả đã khủng khiếp như thế thử hỏi sau này Formosa hoạt động chính thức thì hậu quả mà nó gây ra sẽ còn khủng khiếp đến cỡ nào?

Đây là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng, VN không có lý do gì để xây dựng các nhà máy gây ô nhiễm môi trường như Formosa vì đất nước ta người đông đất chật, không phù hợp với việc luyện thép. Một sự kiện gây chú ý đặc biệt cho dư luận VN và quốc tế đó là cuộc biểu tình hôm chủ nhật 2/10/2016 của người dân Hà Tĩnh trước cổng Formosa. Cuộc biểu tình đã huy động được hàng chục ngàn người, diễn ra rất rầm rộ nhưng hoàn toàn ôn hòa, không bạo động và người biểu tình đã nhanh chóng rút lui sau khi biểu dương được lực lượng và gửi đi thông điệp yêu cầu Formosa đóng cửa.

Có ý kiến cho rằng vì Formosa đã đầu tư nhiều tỉ USD vào Vũng Áng nên không thể đóng cửa nhà máy? Điều này hoàn toàn không đúng. Bất cứ một nhà máy hay một cơ sở nào muốn có được giấy phép hoạt động đều phải cam kết không xả thải độc hại ra môi trường và không vi phạm pháp luật. Formosa đã gây ra không phải là một sự cố mà là một thảm họa môi trường trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe và đời sống hàng triệu người dân. Formosa cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Và như đã nói, chính quyền VN cần thành lập một ủy ban điều tra quốc tế và truy tố Formosa ra các tòa án quốc tế. Nếu Formosa sai thì họ phải chịu trách nhiệm và nếu do VN sai (trong việc cấp phép) thì VN phải đền bù cho Formosa để đóng cửa nhà máy. Không thể lấy lý do vì mấy tỉ USD đầu tư của Formosa mà hy sinh đi môi trường sống cho người dân bốn tỉnh miền Trung và cả nước.

Có thể thấy, chính quyền VN đã phản ứng và hành xử đúng như một đội quân chiếm đóng. Thay vì lắng nghe và đứng về phía người dân thì họ đã chọn biện pháp đàn áp. Ngay sau cuộc biểu tình ôn hòa tại tổng hành dinh Formosa hôm 2/10 chính quyền đã vây bắt hơn 20 nhà hoạt động xã hội đang giao lưu tại Vũng Tàu, bắt giam blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại Nha Trang và yêu cầu giáo phận Vinh trục xuất linh mục Đặng Hữu Nam khỏi giáo xứ của mình… Cùng với đó là một không khí khủng bố bao trùm khắp mọi miền khi Bộ Công an VN lần đầu tiên nêu đích danh Việt Tân là một tổ chức khủng bố để có cớ bắt giữ bất cứ ai, nhất là những người có liên hệ với Việt Tân. Sau 71 năm cầm quyền của mình đảng CSVN vẫn không thay đổi bản chất khủng bố.

Tai họa vẫn tiếp tục đổ lên đầu người dân miền Trung, thảm họa do nhân tai gây ra vẫn chưa được giải quyết thì thiên tai lại ập đến. Một cơn lũ lớn lại đổ ập xuống mảnh đất đau thương này. Thiên tai (trời mưa) cộng hưởng với nhân tai (do xả lũ của các nhà máy thủy điện) mấy ngày qua đã khiến hàng chục người chết và nhiều người mất tích. Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh lại tiếp tục chìm trong nước, có nơi sâu đến 4-5 mét. Nhiều thôn làng nước ngập đến tận nóc nhà. Gia súc và vật nuôi như trâu bò chết hàng loạt.

Một hiện tượng mà ai cũng thấy rõ là lũ năm sau luôn dữ dội và kinh hoàng hơn năm trước. Lý do ai cũng biết nhưng không ai có thể làm gì được. Nạn phá rừng nghiêm trọng suốt hàng chục năm qua đã làm cho rừng hết cây, nước từ thượng nguồn đổ về không có rừng chắn cản nên đã đổ thẳng xuống đồng bằng và gây ra cảnh ngập lụt kinh hoàng. Các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện thay vì “điều hòa” nguồn nước, tức là xả nước vào mùa hạ và giữ nước vào mùa mưa thì chúng lại vận hành “đúng qui trình” ngược giữ nước vào mùa hè và xả nước vào mùa mưa. Báo chí VN, kể cả lề đảng cũng đã lên tiếng tố cáo các nhà máy thủy điện này và nhiều luật sư đang tìm cách đưa các “máy đếm tiền” xả lũ giữa đêm khuya ra tòa.

nhamaythuydienhoho
Nhà máy thủy điện Hố Hô


Một trong nhiều bức ảnh chụp từ google map được chia sẻ nhiều trên mạng FB là vị trí của nhà máy thủy điện Hố Hô. Nhà máy chặn đập ngay đoạn hẹp nhất của dòng sông và hoàn toàn không có hồ chứa nước. Chính vì thế cứ mưa là xả lũ, bất kể ngày đêm. Người dân tha hồ mà lãnh đủ.

Tình người VN thể hiện ngay sau khi cơn lũ kéo về là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn lao và khiến chúng ta vẫn còn hy vọng về một tương lai khác cho dân tộc VN. Các hội đoàn và cá nhân thuộc xã hội dân sự VN đã nhanh chóng kêu gọi và vận động đồng bào cả nước giúp đỡ miền Trung ruột thịt. Nhiều kỷ lục lịch sử sớm được xác lập, ví dụ MC Phan Anh đã quyên góp được 16 tỉ VNĐ trong vài ngày hay một bức tranh nhỏ của nhạc sĩ Đỗ Trung Quân được đấu giá năm trăm nghìn đồng (500.000 VNĐ)  nhưng đã có người trả đến 20 triệu đồng. Tài khoản của blogger Nguyễn Lân Thắng trong ngân hàng cũng tăng lên từng phút, từng giờ…

Dù dư luận VN đang hướng về miền Trung thân yêu nhưng chúng ta vẫn không được quên một nhiệm vụ quan trọng là yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa. Linh mục Đặng Hữu Nam lại tiếp tục “vác thánh giá” đi tiếp trên con đường gian nan này. Ngày 18/10/2016 ông lại tiếp tục dẫn 1.000 ngư dân Nghệ An ra Kỳ Anh khiếu kiện việc tòa trả lại đơn kiện Formosa của họ trước đây. Chính quyền Nghệ An đã huy động mọi lực lượng để cản trở ông và đoàn người đó, kể cả gây sức ép, buộc công ty Mai Linh không được chở người đi khiếu kiện.

Cứu trợ đồng bào miền Trung là việc làm cấp bách và cần thiết. Các cá nhân và các hội đoàn dân sự là có thể làm tốt được công việc này. Các tổ chức chính trị cần tiếp tục công việc của mình đó là xây dựng lực lượng dân chủ ngày càng hùng mạnh và có tầm vóc để làm đối trọng với đảng CSVN. Không có lực lượng hùng mạnh thì đối lập dân chủ VN sẽ không thể nào gây áp lực để đảng CSVN thay đổi về hướng dân chủ. Thiên tai dù có ghê gớm thế nào đi nữa cũng không bằng nhân tai. Nếu Đảng CSVN vẫn còn đó thì VN sẽ không có tương lai. Ngược lại nếu đảng CSVN không còn “độc quyền” lãnh đạo đất nước như suốt 71 năm qua thì 90 triệu con dân VN sẽ biết cách xây dựng lại tương lai, một tương lai khác không cộng sản và chúng ta sẽ chế ngự được thiên tai.

Có thể nói những người hoạt động chính trị đang cố gắng dân chủ hóa đất nước cũng là những người  “làm từ thiện” và theo chúng tôi thì đó là những người “làm từ thiện” vĩ đại nhất.

Việt Hoàng 
Nguồn Thông Luận

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn