BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Uất hận ngút ngàn, hùng khí chất ngất!

19 Tháng Mười 20169:01 SA(Xem: 2219)
Uất hận ngút ngàn, hùng khí chất ngất!
53Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.54

I- Dẫn nhập


Bút ký chiến tranh “Tàn Cơn Binh Lửa” của cựu Đại Úy Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực ra mắt độc giả vào tháng 5 năm 2014 tại Houston. Sách dày 308 trang kể cả bìa, in trên giấy trắng, do tác giả tự xuất bản, gồm ba phần:

  1. Phần bút ký từ trang 29 đến 224, gồm 17 bài kể lại 17 trận đánh khốc liệt diễn ra trên 4 vùng chiến thuật mà tác giả từng tham dự, không kể bài Tâm Tình Của Vị Thầy Cũ, Tuổi Ấu Thơ, Ngày Ra Đơn Vị và bài cuối Tàn Cơn Binh Lửa.
  2. Phần thơ từ trang 257 đến 279, gồm 14 bài thơ trong đó có 7 bài theo thể tự do, 6 bài thơ tám chữ và 1 bài lục bát. Mười bốn bài thơ cô đọng nghĩa tình của một BCD với đất nước quê hương, đồng đội đồng bào và với Mẹ Việt Nam vô cùng tận.
  3. Phần phụ lục từ trang 283 đến 304, gồm các bài nhận xét rất giá trị của mọi thành phần độc giả về tác phẩm.

Sau khi xếp lại Tàn Cơn Binh Lửa, tâm tưởng của tôi không tàn mà như còn âm ỉ tro than của các trận Mậu Thân, An Lộc, Tha La Xóm Đạo, Ashau, Đồng Xoài, Tam Biên, Kontum, Quảng Trị… Như thể tro than đó có lúc bừng sáng trong tâm tưởng của tôi hùng khí của một đơn vị quân đội lẫy lừng: Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.

liendoan81bietcachduchuanbivaoanloctulaikhe
II- Binh pháp sáng tạo

Sau khi đọc xong tác phẩm đầu tay của Lê Đắc Lực, tôi mới rõ phần nào nhiệm vụ chính yếu của đơn vị đặc biệt này (dù tôi là một sĩ quan Không Quân hiện dịch!). Điều thú vị nữa là, cũng qua Tàn Cơn Binh Lửa, tôi mới biết được những “sáng tạo” về chiến thuật rất táo bạo và khoa học do cấp chỉ huy của Liên Đoàn nghĩ ra mà khi đem áp dụng vào trận đánh đã đạt hiệu quả không lường. Sau đây là một vài ghi nhận:

-Đó là “thả toán vào mật khu, căn cứ của địch để thám sát, thu lượm tin tức, bắt cóc tù binh, và trong vài tình huống khẩn cấp, Liên Đoàn được tung vào để dứt điểm.” (trang 228).

-Áp dụng chiến thuật “bất ngờ,” “gậy ông đập lưng ông” nghĩa là dùng chiến thuật du kích của việt cộng để đánh việt cộng qua các cuộc hành quân đêm, phục kích, nghi binh lừa địch, dụ cho địch xuất hiện để quân ta nhổ chốt (trang 176).

-“Đục tường,” hành quân trong thành phố, sử dụng dao găm, lựu đạn và võ thuật để diệt chốt địch (trang 113, 164, 176).

-Mìn tự chế để chống chiến xa. “Dùng đạn không nổ 105 ly hay 155 ly, đút vào đầu viên đạn một thỏi thuốc nổ TNT, gắn ngòi nổ mìn Claymore vào đấy, xong đặt trái mìn này trên các con đường, trước tuyến phòng thủ, chờ xe tăng địch tới đúng vị trí, bấm vào “con cóc.” Sức công phá của loại mìn chống chiến xa tự chế nầy đạt hiệu quả tối đa” ( trang 111).

-Áp dụng chiến thuật pháo 7+3 để đánh lừa và nhân thể lúc địch núp để tránh pháo thì phe ta áp sát diệt chốt địch. 7 quả đầu dùng đạn nổ, 3 quả tiếp dùng đạn lép, chỉ có bắn đi mà không có đạn nổ. Vì đã biết trước, bắt đầu quả pháo thứ 8 là phe ta nhanh chân tiến lên gần các chốt, tung lựu đạn vào công sự của địch trong khi địch còn cúi đầu (núp) để nghe tiếng đạn đi (trang 177).

Mỗi trận đánh đều được kể lại trung thực chân thành. Cách đánh giặc của Biệt Cách Dù mang tính mưu lược, độc đáo và gan dạ. Lời văn lại giản dị trong sáng. Bao nhiêu điều đó đã làm hấp dẫn người đọc từ trang đầu đến trang cuối!

III- Tâm huyết của LĐ81BCD

Những chiến sĩ của LĐ81BCD đều được huấn luyện chuyên môn kỹ càng trước khi nhảy toán thám sát mục tiêu. Mỗi toán chỉ 6 người, nhất cử nhất động đều ăn ý với nhau, âm thầm len lỏi vào mật khu doanh trại của địch, xa hẳn tầm pháo yểm trợ của quân bạn. Họ cùng thi hành “mission impossible” trong điều kiện như vậy nên sinh tử không rời như một định mệnh!

Trong chiến đấu, chỉ nhắm vào quân thù, tuyệt đối bảo vệ dân. QLVNCH nói chung, đã thể hiện tính nhân bản nầy, trong đó có LĐ81BCD. Tại trận An Lộc, khi Đại Đội 2 BCD phát hiện một căn hầm, nghe vài ba tiếng sột soạt phát ra, họ không vội ném lựu đạn mà kêu gọi đầu hàng, đồng thời báo về thượng cấp. Trung Tá Phan Văn Huấn (bấy giờ), CHT Liên Đoàn, ra lệnh quan sát kỹ càng, có thể là địch mà cũng có thể là dân, nhưng với hơn hai tháng chiến trận xảy ra nơi đây, không lương thực không nước uống, thì đâu còn sức chống cự, phải tìm cách đưa họ lên. Và thật không thể tưởng tưởng được, vài ba phút sau, hai em bé gái chừng 6, 7 tuổi bò ra…” (trang 114).

nghiatrangliendoan81bietcachnhayduanloc1972
LĐ81BCD đã bảo bọc hai cháu từ đó. Vào năm 1974, hai cháu được một người Mỹ nhận làm con nuôi, hiện định cư tại Hoa Kỳ (trang 115).

Xin phép không đề cập đến những lý tưởng thiêng liêng của một chiến sĩ như Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm, mà chỉ nói đến những gì gần gũi hằng ngày của một Biệt Cách Dù, là Toán, là Biệt Đội, là Liên Đoàn. Nôm na là đơn vị và đồng đội.

Đơn vị là gia đình, đồng đội là anh em, sẵn sang chia ngọt sẻ bùi!

Ngày 6 tháng 4 năm 1972, Việt Cộng tung đại quân gồm bộ binh, đặc công, pháo binh, xe tăng, cố chiếm An Lộc để ra mắt cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Thượng cấp bèn điều động LĐ81BCD vào chiến trường trong khi tác giả (Đại Úy Lê Đắc Lực) đang thụ huấn khóa đại đội trưởng tại trường Bộ Binh Thủ Đức: “Vừa suy tư về tin tức nóng bỏng này, vừa lo âu cho đơn vị mình tham gia trận đánh đang xảy ra ác liệt, tôi nôn nóng, băn khoăn vô cùng…” “Toàn bộ các đại đội BCD đã vào chiến trường mà không có tôi cùng chiến đấu, yên lòng sao được!” (trang 106).

Tình đơn vị là như vậy. Tình đồng đội là như vậy. Đơn giản như hơi thở, như máu thịt. “Khi chưa kết hôn, 7 ngày phép với tôi là quá dài. Tới ngày thứ tư đã thấy bồn chồn. Ngày thứ năm, tôi nhớ đồng đội, nhớ đơn vị… Rồi không thể nghỉ phép hết ngày thứ sáu. Tôi về đơn vị” (trang 121).

Hơi thở và máu thịt đó được thể hiện qua quy định bất di bất dịch của LĐ81BCD: Nếu chẳng may có một toán viên bị thương hoặc tử thương, thì phải tản thương họ, phải mang xác họ về hoặc phải chôn cất họ. Ban ngày không thi hành được thì đợi ban đêm mà thi hành. Điều quy định nầy giá trị như một quân lệnh. (trang 117, 118, 119)

IV- Tàn Cơn Binh Lửa…

Suốt 20 năm chinh chiến (1955-1975), QLVNCH nói chung và LĐ81BCD nói riêng, đã chiến đấu với mục tiêu rõ ràng là Bảo Quốc An Dân. Chiến đấu để để tự vệ. Trong khi đó, mục đích của Việt Cộng là xích hóa toàn Việt Nam theo lệnh của quan thầy Nga Tàu. Nhất là Tàu. Cuối cùng kẻ ác đã thắng, đưa cả dân tộc vào bờ vực của Hán hóa.

QLVNCH dù bại trận, các đơn vị đã rã ngũ, nhưng khí phách của các vị tuẫn tướng vẫn sống ngàn đời với hồn thiêng sông núi.

Riêng LĐ8BCD, vào giờ thứ 25, vẫn là một đơn vị thiện chiến và kỷ luật. “Tất cả vẫn giữ nguyên đội ngũ, từ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đến các biệt đội, bốn hàng dọc ngay hàng thẳng lối chậm rãi bước đi” (trang 238).

“Đoàn quân 81 Biệt Cách Dù vẫn hiên ngang tiếp bước trên Xa lộ Đại Hàn. Đến gần trưa, khi qua khỏi Lăng Chú Hỏa chừng 100 mét, trong khi đang dừng lại nghỉ ngơi gần Thủ Đức và xa lộ Đại Hàn, thì một đơn vị Việt Cộng đến gặp Đại Tá Phan Văn Huấn để nhận giao nạp vũ khí. Đại Tá Huấn đã nói với họ: ‘Chúng tôi đã ra đến nơi đây là chấp nhận đầu hàng. Chúng tôi sẽ bàn giao vũ khí, nhưng mong các ông không bắt buộc chúng tôi phải cởi bỏ quân phục…’” Việt Cộng chấp nhận yêu cầu nầy! (trang 238)

“Trước một đơn vị quân đội hơn một ngàn người, giữ kỷ luật, trật tự cho đến giây phút chót trong đời quân ngũ, quân Cộng Sản không thể không tỏ lòng kính trọng và nể phục” (trang 239).

Riêng tôi, tôi không thể cầm được ngấn lệ khi viết đến dòng này. Tôi hãnh diện về quyết định sinh tử của Đại Tá Phan Văn Huấn trước cơn nguy biến, khi có trực thăng đến đón ông di tản: “Tôi có vợ và 8 con. Tôi có thể bỏ lại gia đình nhưng không thể bỏ lại 2,000 chiến sĩ của tôi để ra đi trong hoàn cảnh như thế nầy được!” (trang 236)

Niên trưởng của chúng tôi, Cựu SVSQ Phan Văn Huấn, K10, đã ghi một nét son hào hùng vào trang sử của Trường Mẹ, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam!

Tôi hãnh diện về khí phách của Đại Tá Huấn và tôi cũng cảm thấy xấu hổ trước tinh thần kỷ luật và dũng khí của các chiến sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Xin cho phép tôi cúi đầu tri ân tất cả chiến sĩ LĐ81BCD, dù đã hy sinh hay còn tại thế.

V- Tâm tình riêng

Thân gởi Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực,

Trước sau, chiến hữu vẫn là một Biệt Cách Dù xuất sắc và gương mẫu, đã đóng góp thanh xuân của mình cho quốc gia dân tộc trên chiến trường ngày xưa và tâm huyết của mình trên mặt trận chiến tranh chính trị ngày nay, qua bút ký Tàn Cơn Binh Lửa.

Một quân đội tinh nhuệ như vậy, khí phách như vậy, nhân bản như vậy, chính nghĩa như vậy, mà đành thua trận mất nước, hỏi sao không uất hận ngút ngàn?

Dù Tàn Cơn Binh Lửa, nhưng xét cho cùng, chiến hữu quả vô cùng may mắn và hạnh phúc vì đã phuc vụ trong một đơn vị lẫy lừng, LĐ81BCD và được chỉ huy bởi một cấp chỉ huy tài ba, can trường và đức độ, cựu Đại Tá Phan Văn Huấn!

Xin chúc mừng và xin tỏ lòng ngưỡng mộ!

(Westminster-CA, Thu 2016)

Võ Ý

Nguồn Người Việt

Muốn có sách Tàn Cơn Binh Lửa, xin liên lạc Lê Đắc Lực:
Email: linhdu81@yahoo.com
Điện thoại: 832-443-7794

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn