BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giọt nước mắt Liên Trì!

17 Tháng Mười 20167:50 SA(Xem: 1268)
Giọt nước mắt Liên Trì!
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55

Theo tin của BBC, sau nhiều tháng tạm hoãn, chùa Liên Trì tại Sài Gòn bị chính quyền “cưỡng chế” hôm 8 Tháng Chín. Nhưng “cưỡng chế” là gì?

Theo quan điểm của nhà nước Cộng Sản, cưỡng chế là một tính chất cơ bản của pháp luật. Tính chất cưỡng chế làm cho pháp luật khác với đạo đức và phong tục. Theo Lenin thì pháp luật sẽ không còn là gì nữa “nếu không có một bộ máy có đủ sức cưỡng bức người ta tuân theo những tiêu chuẩn của pháp quyền thì pháp quyền có cũng như không.”

“Các quy tắc đạo đức, phong tục được con người tuân thủ, chủ yếu nhờ vào sự tự giác, lòng tin, trình độ hiểu biết và lên án của xã hội; còn quy phạm pháp luật được nhà nước bảo đảm thi hành, nếu ai không chấp hành thì nhà nước cưỡng chế thi hành.”

“Sự cưỡng chế của pháp luật không phải đơn thuần nhằm mục đích trừng trị mà trước hết là răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục người vi phạm. Sự cưỡng chế ở đây được thực hiện trên cơ sở pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành. Nhà nước XHCN không thừa nhận các hành vi bạo lực trái với pháp luật trong việc xử lý các vi phạm pháp luật.”

“Tính chất cưỡng chế của pháp luật không chỉ là răn đe, ngăn chặn, trừng trị, mà còn là sự giáo dục sâu sắc đối với các chủ thể pháp luật. Bản thân quy phạm pháp luật là chuẩn mực để con người rèn luyện ý thức công dân, hình thành ý thức pháp luật, tạo ra cho mỗi công dân một khả năng tư duy pháp lý, tránh được những ngẫu nhiên, tùy tiện, coi thường pháp luật nhà nước.”

Luật cưỡng chế có nói đến cưỡng chế tài sản, tiền bạc nhưng hiện nay tại Việt Nam, những vụ cưỡng chế đất là chủ yếu, vì “đất là vàng!”

Chúng ta đã nghe nhiều vụ cưỡng chế (tịch thu) đất đai nổi tiếng như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng; Vương Quang Hiển ở Hà Nội; Nguyễn Thành Thiện ở Sài Gòn; Cấn Thị Thêu ở Hải Dương; hai mẹ con bà Phạm Thị Lài ở Hưng Phú, Cái Răng, Cần Thơ trần truồng chống cưỡng chế; cưỡng chế đất ở Bình Phước, dân và công an cùng đổ máu; xe ủi đất cán qua người dân chống lại cưỡng chế; Văn Giang có hàng nghìn nông dân “liều chết giữ đất cưỡng chế” đất; tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Cộng Sản đưa ra xét xử và bỏ tù 12 người dân. Trên toàn cõi Việt Nam, có hàng trăm nghìn gia đình nông dân trắng tay vì chính quyền cưỡng chế đất đai, trở thành “dân oan,” cơm đùm gạo bới, biểu tình, khiếu nại, kêu oan, nhưng chẳng đi đến đâu trước bạo quyền với dùi cui, súng điện, chó săn…

Bà Lê Hiền Đức, một người tham gia đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam và được Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế trao giải Liêm Chính năm 2007, vừa qua cũng tiếp xúc với những người khiếu kiện đất đai từ các tỉnh về trung ương, đưa ra nhận xét sau khi nghiên cứu trường hợp của bà con: “Tất cả nhân dân đều bị ‘cướp’ đất, tôi không dùng từ thu hồi, vì đâu phải cho mượn mà thu hồi. Không ai được quyền dùng từ ‘giải phóng mặt bằng’ nếu đất dân không đồng ý. Dân đã kéo lên từng đoàn người thì có nghĩa quyền lợi họ giống nhau, với tinh thần đất đai họ sử dụng mấy chục năm nay và đổ ra trên đó bao nhiêu mồ hôi, nước mắt.”

Như vậy ngoài lý do “giải toả mặt bằng” để dùng đất vào việc có lợi cho chính quyền, chùa Liên Trì bị cưỡng chế có thể còn do những chuyện khác. Phía Hội Đồng Liên Tôn ở Việt Nam cho rằng: “Việc giải tỏa chùa Liên Trì của nhà cầm quyền đã có dự tính từ lâu nhằm triệt hạ những cơ sở tôn giáo độc lập không chịu nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền. Có thể một trong những lý do khiến chính quyền tìm mọi cách cưỡng chế, giải tỏa chùa là vì lâu nay vẫn diễn ra các hoạt động ‘ngoài luồng’ như phát quà cho thương phế binh của chế độ cũ, trợ giúp dân oan mất đất hay họp mặt các cựu tù chính trị hoặc các hội đoàn xã hội dân sự.”

Tuy nhiên, phía chính quyền cũng cho hay, ngoài chùa Liên Trì còn có hai cơ sở của Công Giáo là nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Mến Thánh giá cũng nằm trong “diện” bị giải tỏa ở khu vực này.

Sau khi chùa Liên Trì bị giải toả, cả thế giới tự do đã biểu tình, thắp nến đồng tình với sự tổn thất này và lên án chính sách đàn áp tôn giáo của Cộng Sản Việt Nam ở trong nước.

Chính Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, trong phần phát biểu, bày tỏ sự phản kháng CSVN đã phá bỏ chùa Liên Trì. Hòa thượng khuyên “đồng bào Phật tử hãy giữ vững niềm tin và không sợ hãi để đấu tranh cho tự do tôn giáo, nhân quyền và toàn vẹn lãnh hải lãnh thổ Việt Nam.”

Đó chính là cái dũng của Phật Giáo.

Hình ảnh Hòa Thượng Thích Không Tánh, viện chủ chùa Liên Trì, đứng khóc trên cảnh hoang tàn, được loan truyền đi khắp thế giới, theo tôi, đó là một hình ảnh phản cảm, đem lại cho tôi chút suy nghĩ và tôi hoàn toàn không đồng ý với thái độ này. Trong thời gian này, cả chục nghìn người dân Hà Tĩnh, khí thế sôi sục đang xuống đường chống cường quyền, thì nơi này, thầy đang đứng khóc lặng lẽ một mình! Thầy có khóc than thì chúng cũng không trả lại chùa cho thầy, và nếu một khi chúng muốn giết thầy thì thầy có van xin, lạy lục chúng vẫn giết!

hoathuongthichkhongtanhtaichualientribisanbang
Hòa Thượng Thích Không Tánh đứng tại chỗ trước đây không lâu là chùa Liên Trì. (Hình: Blog anhbasam)


Chủ đề bi trí dũng của Phật Giáo được rút ra từ đại hùng, đại lực, đại từ bi. Bi là sự rung động trước nỗi khổ của người khác. Đức Phật là người đã thành tựu đầy đủ công đức, đem vui, cứu khổ cho chúng sanh. Ngài đã từ bỏ hạnh phúc thế gian để tìm ra đạo giải thoát. Ngài đã từng chịu đựng nhiều gian lao, khổ ải mà không bao giờ thoái thác, lùi bước. Như vậy trong bi phải có trí, có dũng. Người Phật tử sống theo châm ngôn bi không thể thản nhiên trước nỗi khổ của người khác, kể cả loài vật. Trí là sự sáng suốt, hiểu chính xác mọi nguyên lý trong vũ trụ. Dũng là sự can đảm, tinh tấn, không yếu đuối, sợ sệt, không ngại khó khăn. Người Phật tử phải luôn kiên trì để thắng mọi thử thách, vượt qua bao chướng ngại để tiến đến giác ngộ.

Đời tôi, chưa bao giờ thấy cảnh tượng một ông thầy ngồi khóc, dù là trước cảnh một ngôi chùa đổ nát! Cảnh tượng đó sẽ làm cho chính quyền cảm thấy sự hả hê của một phe chiến thắng, và cho họ thấy rõ sự yếu đuối vô cùng của một “đối thủ,” người gọi là “lãnh đạo” tinh thần của hàng Phật tử. Rồi đây, ai sẽ đủ sức mạnh, tự tin và vững vàng trí tuệ để dắt đường đưa lối cho thiện nam, tín nữ.

Chùa bị giật sập, chúng ta sẽ xây dựng một ngôi chùa khác, mà dù không có chùa, đạo pháp vẫn vững vàng như Thái Sơn, ngọt ngào tinh tấn như suối nguồn, cớ sao thầy lại bi luỵ như thế. Rõ ràng, mới chỉ là chuyện phá chùa, thầy đã bỏ cuộc ngay giờ phút đầu. Ngày xưa, Thái Tử Tất Đạt Đa có khả năng xây dựng hàng trăm ngôi chùa nguy nga, chạm vàng dát ngọc, và xa mã lộng lẫy cao sang, nhưng ngài đã chọn gốc cây Bồ Đề và đôi chân trần cho đến ngày tìm ra con đường giải thoát mọi khổ đau!

Những giọt nước mắt chảy ra trên nền vôi vữa hoang tàn của chùa Liên Trì, nó có ý nghĩ của sự bị khuất phục, mà đáng ra hình ảnh thầy phải vươn cao, dõng dạc để nói với bạo quyền Cộng Sản, thầy vẫn còn đây, để từ đó người Phật tử còn tin tưởng hướng về thầy như một người dẫn dắt, lãnh đạo cả sự chiến đấu nữa.

Điều cuối cùng, thất vọng hơn nữa, là thầy đã cho hay: “Một khi chùa Liên Trì bị phá bỏ, tôi sẽ tìm một quốc gia có tự do tôn giáo để xin tỵ nạn. Vì hòa thượng mà mất chùa thì không còn lý do gì để ở lại!” (BBC, 9 Tháng Bảy)

Thưa thầy, chùa không phải là cứu cánh! Thầy còn Phật tử, còn đồng bào, còn đạo pháp. Cộng Sản rồi sẽ suy tàn, nhưng Phật Giáo và chân lý sẽ còn mãi mãi. Không phải chỉ thầy mất chùa, mà hàng triệu đồng bào đã mất nhà, mất mạng, mất tự do, mất quyền làm người. Trong tình cảnh này, vì mất chùa, thầy lại đòi ra đi, rời Việt Nam để đến một đất nước tự do (Mỹ, Úc, Canada hay Âu Châu?). Thầy là đệ tử của Hoà Thượng Thích Quảng Độ, lẽ nào thầy không noi gương ngài với một thái độ dấn thân, chứ không phải trốn tránh.

Thưa thầy, Việt Nam cần thầy, thương binh VNCH ở trong nước cần thầy, ở hải ngoại này chắc chắn không cần có thêm Hòa Thượng Thích Không Tánh. Có thầy, hải ngoại sẽ có thêm được một ngôi chùa, như lời thầy phát biểu theo chân lý của thầy: “Vì hòa thượng mà mất chùa thì không còn lý do gì để ở lại!” Nhưng hải ngoại này cũng không cần có thêm một ngôi chùa nữa!

Có nghìn lý do bắt thầy phải ở lại, nếu vì lý do mất chùa mà thầy ra đi, thì có khác chi:

“Ta như kẻ chăn chiên quay đầu chạy

Bỏ bầy chiên lại cho lũ sói rừng!”

Ở hải ngoại, mỗi đêm đã có nhiều người khóc khi theo dõi tin tức ở quê nhà, đó là nỗi khốn cùng của dân tộc Việt Nam, còn ngôi “chùa của thầy” (thầy khóc cho một vật sở hữu) chỉ là một vật thể trong cái vòng quanh quẩn, “có có, không không!”

Xin tiếc cho những giọt nước mắt của thầy đã rơi xuống không đúng lúc, đúng chỗ!

Huy Phương
Nguồn Người Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn