BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một lịch sử mới thật hơn cho Việt Nam

01 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 1696)
Một lịch sử mới thật hơn cho Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong cuộc chiến Việt Nam, khi số phận của một Việt Nam thống nhất còn chưa rõ ràng, cha của tôi đã thêm chữ “Việt” vào tên lót của các con ông để chúng tôi biết mình là “người Việt”.


Tác giả nói người tài giúp nước không nhất thiết phải đi dưới cờ đỏ XHCN


Tên tôi, Lê Sĩ Việt Long, nhằm định nghĩa tôi là ai và vì sao tôi tồn tại. Nếu chữ Việt phản ánh một bối cảnh đương thời, chữ Sĩ lại là một trong năm chữ lót đã truyền qua bao đời con trai trong gia đình: Sĩ, Tuyển, Kiêm, Tài và Thức. Năm chữ này gộp lại thành một chỉ dụ rằng “Chọn kẻ sĩ trong những người có khả năng lãnh đạo và tài năng.” Chỉ dụ này nhằm vinh danh ông tổ chúng tôi, Lê Lai, có công lớn dựng nên nhà Hậu Lê. Còn chữ Long chứa đựng ý niệm về nguồn gốc Con Rồng Cháu Tiên, kể về 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên núi.

Và năm 1982, tôi lại theo cha “xuống biển” vì trong mắt ông, có những xung khắc không thể hòa giải giữa người cộng sản và không cộng sản.

Có thể vừa là nghĩa vụ gia đình nhưng cũng là cho mình, tôi cố ý chọn nghề nghiên cứu sự phát triển của Việt Nam, mà đã đưa tôi quay về quê nhà. Tôi đã phải tìm hiểu sự chia cắt giữa cộng sản và không cộng sản, và liệu tôi có cần, hay có thể, bước qua sự chia cắt đó mà không làm hổ thẹn gia đình.

Chuyện nhà như một chỉ dấu lịch sử

Tôi xem truyền thống gia đình mình mang tính “dân gian” (folkloristic), vì chúng không còn là một phần của “lịch sử chính thống” nhưng vẫn được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Ông nội của tôi, Lê Tài Trương, đã viết trên các báo tiếng Pháp thập niên 1930-40 và với ông, chủ nghĩa thực dân Pháp có thể đem lại cho người Việt “sự lai ghép tri thức” giữa hai “tổ quốc”. Có lẽ nghĩ theo cách này, ông có thể biện minh cho việc mình phục vụ cho Khâm sứ Pháp đến năm 1945. Năm đó, khi Việt Minh kiểm soát Hà Nội, ông tôi chạy vào Sài Gòn và sau đó sang Hong Kong – tại đó ông trở thành chánh văn phòng về chính trị cho chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại (1949-1954). Nhà nước này đủ mạnh để Hiệp định Geneva 1954 dẫn tới sự phân chia cho phép thành lập Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi cả gia đình sang Pháp năm 1955, cha tôi, Lê Thức Cần, là người con duy nhất quay lại Nam Việt Nam năm 1961. Là giám đốc Khu công nghiệp An Hòa ở miền Trung, ông đã giúp bình ổn một vùng chiến lược, và cùng với Thủy quân Lục chiến Mỹ, phát triển khu này thành căn cứ quân sự. Tuy nhiên, cha tôi ngày càng chán ngán chính trị Sài Gòn, vì sự tham lam và tự mãn đã gây hại cho tính chính danh của miền Nam. Có lẽ vì thế mà ông đặt tên cho các con mình dựa trên các giá trị mà theo ông khi đó thiếu vắng: Anh, Quang, Trung, và Long.


Lịch sử chính thống khó chấp nhận những ý kiến khác




Sau khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975, cha tôi không ra đi. Có thể ông tin rằng phe thua cuộc vẫn sẽ có thể tham gia tái thiết đất nước. Nhưng ông và những người khác lập tức bị đưa vào trại “cải tạo”, tài sản bị tịch thu, con không được vào đại học. Cảm thấy bị phản bội, ông nhiều lần tìm cách đưa gia đình trốn đi và cuối cùng thành công vào năm 1982.

Mặc dù cha thề không bao giờ về Việt Nam, việc tôi tìm lại phả hệ gia đình đã khiến tôi thường xuyên thăm Việt Nam. Cũng giống như ông và cha, tôi cảm thấy phải tự tìm hiểu liệu tôi có cần thực hiện chỉ dụ của gia đình ở Việt Nam.

Vẫn có những người ở Việt Nam sẵn sàng chấp nhận hậu quả khi kêu gọi phải có quyền “chọn kẻ sĩ trong những người có khả năng lãnh đạo và tài năng”. Nhưng mặt khác, hiện nay Việt Nam không thể có sự quản lý tốt. Đó là vì chính thể cộng sản tiếp tục nói rằng sự lãnh đạo và tài năng chỉ có thể thông qua các định chế XHCN.

Lịch sử tiếp diễn

Đối với Đảng Cộng sản, đưa Hồ Chí Minh lên làm biểu tượng anh hùng văn hóa, đạo đức và ý thức hệ cho cả nước chính là để “chấm dứt lịch sử chính trị” ở Việt Nam. Nghĩa là, không còn một lãnh đạo hay phong trào quốc gia sau Hồ Chí Minh. Và không còn đảng nào khác ngoài đảng cộng sản.

Nhưng bằng việc “quốc hữu hóa” đất nước nhân danh Hồ Chí Minh, đảng sẽ không thể “nói sự thật và nhìn thẳng sự thật”.

Sự thật đó là gì?

Với tôi, Việt Nam đã có nhiều lần "ra đời" hay "tái sinh".

Chữ Việt có thể định hình nhiều biến đổi quốc gia theo thời gian và không gian : Âu Việt, Nam Việt, Đại Việt, Đại Cồ Việt, Trịnh Đại Việt, Nguyễn Đại Việt, Tây Sơn Đại Việt, Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, và Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Chữ Việt có thể đưa ta đến cốt lõi văn hóa của đất nước. Nghĩa là, những điều được ghép vào chữ Việt theo hàm ý chính trị thực ra phản ánh những gì quan trọng cho đất nước vào một thời điểm.

Ngày hôm nay cũng thế thôi. Một mặt, cách mạng XHCN dưới thời Hồ Chí Minh đã đóng vai trò hàng đầu trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Nhưng không rõ liệu chủ nghĩa xã hội nhà nước theo hệ thống một đảng sẽ có thể thống nhất và bảo đảm an ninh cho tổ quốc trong giai đoạn toàn cầu hóa. Lý do chính là vì chủ nghĩa xã hội nhà nước gắn kết trên hết là với sự sống còn của đảng cộng sản. Và đảng cộng sản đâu còn là cách mạng, khi mà những vấn đề giai cấp (nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu đất đai) đã quay lại đời sống.

Tôi tin lịch sử Việt Nam vẫn sống động, và không ai, không đảng phái nào có thể dừng nó lại. Một điều gì khác sẽ đến sau Cộng hòa XHCN Việt Nam và Hồ Chí Minh.

Thế cái điều khác ấy sẽ là gì?

Muốn bảo đảm tương lai Việt Nam thì phải tìm lại, chọn lại mô hình văn hóa từ quá khứ để có sự gắn bó cho hiện tại và một quy chuẩn đạo đức cho tương lai. Mô hình đó sẽ cần bao gồm mọi lịch sử dân gian từ cả những người cộng sản và phi cộng sản.

Khi nào điều này sẽ xảy ra?

Khi người Việt tin rằng truyền thống gia đình họ có thể khai sáng cho chính thể đương thời.

30-09-2010

Lê Sĩ Việt Long

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Houston

Về tác giả: Lê Sĩ Việt Long, Tiến sĩ từ năm 2002, hiện là Giám đốc chương trình Sáng kiến Quốc tế cho Nghiên cứu Toàn cầu tại ĐH Houston, Hoa Kỳ. Ông cũng đồng sáng lập các khóa Việt Nam học tại trường này, nơi ông đã là giảng viên từ 2004.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn