BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Viếng tang lễ nhà văn Dương Nghiễm Mậu

05 Tháng Tám 20166:53 SA(Xem: 2069)
Viếng tang lễ nhà văn Dương Nghiễm Mậu
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

SÀI GÒN (NV) – Chúng tôi sửng sốt và rất buồn khi nghe tin nhà văn Dương Nghiễm Mậu mất vì lâu nay định tới thăm ông mà cứ lần lữa. Thời gian này nhớ tới ông, tính chắc sẽ đến. Rồi đến thật. Để vĩnh biệt. Bởi với tôi, ngoài sự kính trọng một nhà văn tài năng, còn tràn đầy quý mến Dương Nghiễm Mậu, bạn của anh tôi, nhà phê bình văn học Nguyễn Nhật Duật. Còn tôi là bạn học cũ của em ông thuở sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn, Phí Ích Bành.

tanglenhavanduongnghiemmau
Những vòng hoa phúng điếu.


Thay mặt các anh em trong tòa soạn Nhật báo Người Việt, buổi sáng 4 tháng 8, chúng tôi đặt vòng hoa mang tới lễ tang nhà văn Dương Nghiễm Mậu, trong hẻm số 281 đường Lê Văn Sỹ. Buổi sáng này là buổi sáng thứ hai linh cữu Dương Nghiễm Mậu quàn tại nhà, giữa những vòng hoa, người thăm viếng thắp nhang, phúng điếu.

Chúng tôi gặp trong lễ tang Dương Nghiễm Mậu nhiều người tới phúng điếu, là bằng hữu thân quen của nhà văn, là những anh em trong giới văn nghệ tại Sài Gòn hiện nay. Người thì cầm bút từ trước 30 tháng Tư, 1975, người thì sau này: nhà thơ Từ Hoài Tấn, nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, nhà thơ Phù Hư, họa sĩ Lê Thánh Thư, nhà văn Nguyễn Viện, nhà thơ Trần Tiến Dũng… Có người quen biết Dương Nghiễm Mậu, có người chỉ nghe tiếng, cảm phục mến yêu những tác phẩm của ông.

Chúng tôi cảm động gặp lại họa sĩ Cù Nguyễn, tuổi tác chắc cũng ngang bằng Dương Nghiễm Mậu, họa sĩ đặc biệt trọng văn tài, quý nhân cách của nhà văn vừa từ biệt cõi trần. Và gặp nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng, ông vừa là bạn văn, vừa có thâm tình với Dương Nghiễm Mậu. Hai người bạn văn rất gần gũi nhau trong thời gian Dương Nghiễm Mậu cùng nhà văn Lý Hoàng Phong phụ trách Tạp chí Văn Nghệ, phát hành vào những năm 1960.

linhcuunhavanduongnghiemmau
Linh cữu nhà văn Dương Nghiễm Mậu.


Chúng tôi biết tới Dương Nghiễm Mậu cùng lúc những tác giả mà sau đó là những tên tuổi đáng kể trong văn nghệ Sài Gòn của Miền Nam tự do, qua Tạp chí Văn Nghệ: Đỗ Quý Toàn – Trần Dạ Từ – Viên Linh – Nguyễn Nghiệp Nhượng – Trần Đức Uyển – Nguyễn Đức Sơn…

Ngoài những truyện ngắn và truyện dài đăng trên các tạp chí văn nghệ tại Sài Gòn, tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu đã in thành tập sách xuất bản, có thể kể các tập truyện: Cũng đành – Nhan sắc – Đôi mắt trên trời – Kinh cầu nguyện – Sợi tóc tìm thấy – Đêm – Địa ngục có thật – Ngã đạn – Trong hoang vu – Quê người… Các truyện dài -cũng gọi là truyện vừa, vì truyện dài của Dương Nghiễm Mậu thường ngắn hơn truyện dài của các nhà văn khác-: Gia tài người mẹ – Tuổi nước độc – Con sâu – Phấn đấu – Đêm tóc rối – Gào thét – Sống đã chết – Ngày lạ mặt – Niềm đau nhức của khoảng trống…

Cũng Đành, tập truyện ngắn được xem là tác phẩm đầu tay của Dương Nghiễm Mậu, xuất bản năm 1963. Lúc đó tôi học năm đầu ở Đại học Văn khoa, kết bạn với Phí Ích Bành từ tập truyện này của Dương Nghiễm Mậu. Bành hỏi tôi thích truyện nào nhất, tôi nói ngay: truyện Người Ngồi Đội Mũ. Tới bây giờ, mỗi khi thấy ai ngồi trong quán mà vẫn đội mũ, tôi lại nhớ truyện ngắn này.

Cũng như khi nhắc tới họa sĩ Tạ Tỵ, tôi nhớ liền theo nhà văn Dương Nghiễm Mậu. Họa sĩ Tạ Tỵ từng nhận định trong cuốn hồi ký của ông, rất yêu thích Dương Nghiễm Mậu: “Cái lối viết của Dương Nghiễm Mậu nó khắc khoải làm người đọc như bị vướng mắc vào mắt lưới, nửa chán chường, nửa níu kéo, gây nỗi ray rứt trong tâm khảm. Tôi yêu lối viết đó lắm. Theo thời thượng, Dương Nghiễm Mậu cũng đề cập nhiều đến vấn đề dục tính trong văn chương, nhưng cái dục tính trong văn chương của Dương Nghiễm Mậu khác xa với dục tính trong truyện của Thế Uyên. Ở Thế Uyên nó bùng cháy và nổ dữ dội trên da thịt đàn bà, còn Dương Nghiễm Mậu, nó lún sâu và cháy âm ỉ trong mỗi phân vuông cọ xát giữa hai phái. Văn Dương Nghiễm Mậu sắc và nhọn như dáng người anh vậy…”

tangleduongnghiemmauphuhunguyennghiepnhuongnguyenviennguyendatnguyenquocthaitrantiendung
Người thân quen tới phúng điếu. Từ trái sang, ngồi: Phù Hư, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Viện, Nguyễn Đạt. Đứng: Một nhà báo tự do, Nguyễn Quốc Thái và Trần Tiến Dũng.

Buổi sáng giữa những người thân quen và những người không còn dịp thân quen Dương Nghiễm Mậu, chúng tôi chợt nhớ một vụ việc xảy ra vào năm 2007. Năm đó Công ty văn hóa Phương Nam kết hợp với Nhà xuất bản Văn Nghệ, tái bản 4 tập truyện của Dương Nghiễm Mậu: Cũng đành – Nhan sắc – Tiếng sáo người em út – Đôi mắt trên trời. Khi 4 tập truyện kể trên vừa ra mắt người đọc, tờ báo văn nghệ của Hội văn nghệ thành phố tới tấp đăng những bài phỉ báng tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, trong đó bài viết chủ yếu của nhà văn Vũ Hạnh. Điều đáng nói trong những bài viết phỉ báng Dương Nghiễm Mậu qua 4 tập truyện do công ty nhà nước tái bản, lấy ra cả những đoạn không có trong lần tái bản, mà chỉ có trong những lần xuất bản trước 30.4.1975! Chúng tôi kể chuyện ấy với Dương Nghiễm Mậu, ông chỉ lắc đầu cười.

Trong lễ tang có cả những người cầm bút trưởng thành ở Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa tới thắp nhang tưởng niệm Dương Nghiễm Mậu, một nhà văn của Miền Nam tự do ắt nhiên cực lực chống cộng sản độc tài. Chúng tôi thấy họ là những người tự trọng, nên đã biết quý trọng một nhà văn đích thực.

Nguyễn Đạt/Người Việt

* Nhà văn Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh năm 1936 tại Hà Đông, từ trần lúc 21 giờ 35 ngày 2 tháng 8 năm 2016 (30 Tháng Sáu, Bính Thân) do bệnh nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi. Linh cữu quàn tại nhà riêng Hẻm 281 đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình – Sài Gòn. Lễ động quan cử hành lúc 6 giờ 15 sáng ngày 5 tháng 8, hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn