BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31056)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vĩnh biệt Dương Nghiễm Mậu

04 Tháng Tám 20168:01 SA(Xem: 2202)
Vĩnh biệt Dương Nghiễm Mậu
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

I– Sáng sớm ngày 2 tháng 8, 2016 tại Los Angeles, nhà phê bình Nguyễn Tà Cúc tác giả cuốn “Văn Học Miền Nam, Nhóm *Tạp chí văn học *Tác giả” gọi điện thoại cho tôi cho biết có tin nhà văn Dương Nghiễm Mậu vừa từ trần tại Sài Gòn. Vài giờ sau nhà thơ Thành Tôn cũng gọi báo tin trên, nói rõ hơn, tác giả Cũng Đành ra đi vào 8 giờ 35 phút tối giờ Sài Gòn, hai ngày sau một tai biến tim mạch.

Dương Nghiễm Mậu tên thật Phí-Ích-Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại làng Mậu Hòa, tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (Bắc Việt). Di cư vào phía Nam vĩ tuyến 17 sau chia cắt đất nước 20 tháng 7, 1954, theo đại gia đình cư ngụ ở Nha Trang. Vào Sài Gòn, năm 1961 sinh hoạt trong nhóm tạp chí Văn Nghệ của chủ nhiệm Lý Hoàng Phong cùng Ngọc Dũng. Năm 1963 in tác phẩm đầu tay Cũng Đành, một tập truyện ngắn. Nhập ngũ năm 1966 phục vụ tại Đài Tiếng Nói Tự Do như một biên tập viên kiêm phóng viên, sau chuyên về phóng sự mặt trận. Từ 1969 viết truyện dài từng kỳ hàng tuần trên báo Khởi Hành cho tới 1973 chuyển ra báo Thời Tập, viết hàng tháng tới 1975. Lập gia đình với cô Hồ Thị Ngọc Trang năm 1971 sau nhiều lần ra Huế. Cộng tác với các tạp chí văn học khác phần lớn bằng truyện ngắn, thể tài sở trường của ông. Đã in 20 tác phẩm tính đến 1973, truyện ngắn vẫn là huyết mạch, là con dao chủy thủ của Dương Nghiễm Mậu: “Các tác giả thường trải qua một giai đoạn viết truyện ngắn trước khi viết truyện dài. Truyện ngắn gần với thơ, kề cận thân thiết với đời sống ấu thơ và những kỷ niệm của tác giả, nó như những bước đi đầu vừa ngỡ ngàng vừa hăm hở, ở đó có những xúc động nhẹ nhàng, hoặc bất ngờ hung hãn như một nhát chém. Truyện ngắn thường là một chi tiết đủ nghĩa của một đề tài thu hẹp. Với khuôn khổ khó khăn của kỹ thuật nhưng tự nó không là một thể văn gò bó. Một truyện ngắn không bao giờ là một trích đoạn của một truyện dài thành công…” (Phát biểu với nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, 1973).

Cách đây khoảng hai năm, mấy nhà văn trẻ đang làm một tập san tài tử ở miền Đông Hoa Kỳ – không đề giá bán và không phát hành định kỳ tại các tiệm sách – xin in lại một bài viết của tôi về Dương Nghiễm Mậu đã đăng trên tuần báo Khởi Hành vào tháng 10 năm 1970, song tôi từ chối. Trong tâm tưởng, một thoáng suy nghĩ khiến tôi cho rằng bài viết ấy nói về Mậu thời trước 40 tuổi, khác với Mậu thời 70 tuổi hơn, nhất là lại càng khác với một nhà văn từ sau 75 không còn gặp lại bằng hữu cũ nữa, “thấy ai quen mặt cũng đừng nhìn chi” như một câu Kiều của Nguyễn Du thời Tây Sơn xáo trộn kinh kỳ văn vật hơn hai thế kỷ trước. Hôm nay Mậu đã đi, tôi lấy hồ sơ của bạn từ trên giá sách xuống, để ghi vào đó vài chữ cần thiết đóng lại một tiểu sử, chợt nhìn thấy lá thư bạn viết cho gửi qua từ năm 1982, gửi về địa chỉ căn nhà đầu tiên tôi trú ngụ tại Virginia, nơi sinh cháu út của tôi. Lá thư không gấp, giữ trong hộp còn phẳng phiu, phong bì là nét chữ của chị Ngọc Trang vợ Mậu, vẫn ở khu nhà cũ với địa chỉ bảy số với hai ba cái “xuyệt” quen thuộc của Sài Gòn: 281/17/11, ngõ đường quận, v.v…

“Tân Bình ngày 10-07-1982

Linh thân, nhiều năm không cầm bút viết thư cho ai, cảm vì bạn cũ bảy năm còn hỏi đến nên viết mấy hàng báo tin mình còn sống… Năm trước có viết một thư ngắn cho [Đỗ Quí] Toàn, năm trước nữa có viết cho [Nguyễn Hữu] Hiệu mấy hàng. Mừng cậu có thêm con. Như vậy là cộng được mấy đứa nhỉ? Vợ chồng ta hai con trai từ đó vất vả nuôi nấng nay đã đỡ phần nào. Có gặp lại nhau thì ta vẫn vậy. Làm sơn mài, chưa chừng lại thành một họa sĩ có khi. Còn cái nghiệp thì hẵng để đó, mình cũng còn trẻ mà đã già đâu? Bạn bè trăm đường vất vả, hằng tuần gặp anh Tường [Lý Hoàng Phong]. Thỉnh thoảng thăm gia đình những bạn còn vắng nhà gửi cho gói thuốc, cái kẹo… Lúc trà dư tửu hậu, tiệc tùng… gặp nhau dễ, bây giờ mới khó. Kẻ ở rừng như Từ, [Trần Đức] Uyển (Tú Kếu), [Tô Thùy] Yên… có khi cậu cũng đã quên. Ta lo làm thợ cho con ăn cơm sống lương thiện, còn dành thì giờ rảnh đọc cổ văn dạy con ca dao, truyện cổ… vài tháng gặp bạn thân uống chai bia nói chuyện khào nhắc người ở xa và sự không hài lòng.

Đời sống của cậu ra sao?…

Thân (ký tên duongnghiemmau)

Nghiễm.”

 

thuduongnghiemmauguivienlinh
Một góc thư Dương Nghiễm Mậu viết năm 1982 cho Viên Linh. (Hình: Viên Linh cung cấp)


II
– Bắt đầu từ số này, Khởi Hành số 74, tháng 10, 1970, Sài Gòn, khởi đăng loạt bài Mỗi Tuần Một Khuôn Mặt Văn Chương: bài đầu: Viên Linh Viết Về Dương Nghiễm Mậu.

Mười bốn tác phẩm trong tám năm, phần lớn là truyện ngắn, Dương Nghiễm Mậu là một tác giả bị ám ảnh bởi những biến động xã hội có tầm lịch sử – người viết về những tan nát của va chạm mâu thuẫn, những xô đẩy của các động lực đối nghịch (kẻ bạo động thất bại phải trao gửi hoài bão nơi bút mực) nhưng là kẻ bạo động cô đơn trong đêm tối, nhìn thấy trước máu sẽ đổ vô ích… Biến động, ở đó phải có Dương Nghiễm Mậu, hiện diện bằng cách này hay cách khác. Trẻ tuổi, trước những biến động đó anh vùng vẫy, gào thét, thúc đẩy, nguyền rủa hay kết tội. Trên bề mặt của các biến động đang đẩy đưa đang tiến tới, có Dương Nghiễm Mậu. Chính những nơi đó là bối cảnh cho nhà văn trẻ tuổi này. “Hường ơi! Người ta đã đếm hết những sợi tóc trên đầu chúng ta chưa? Mắt em còn mở lớn cho em soi thấy khuôn mặt anh và khuôn mặt ấy vừa gẫy vụn.”

duongnghiemmau

Đấy là dòng cuối cùng trong truyện ngắn “Tiếng Động Trên Da Thú” trong tập Cũng Đành. Vỡ vụn, đó là nhan sắc của Mậu. Vỡ vụn như những mảnh gương, bộ mặt sau chiếc kính gọng đồi mồi tự tin nhưng lại lẩn tránh đám đông. Mái tóc anh cắt ngắn, hầu như không bao giờ chải bóng, nước da xám, cái cười nghe như là đồng lõa như là chế nhạo khiến Dương Nghiễm Mậu lúc đó ở thật gần người đối diện nhưng sau đó là khuất mặt là xa lạ và mất hút.

Mười bốn tác phẩm đã được in khi tôi viết những dòng này, nhiều cuốn đã bán hết kể từ Cũng Đành (Văn Nghệ xuất bản, 1963; Quê Người (Văn Xã, 1970); vẫn tiếng nói liên miên, vẫn lời kể bất tận, nhưng trầm lặng hơn theo với thời gian, sự hiện diện của anh trong tác phẩm sôi nổi nồng nàn và tâm huyết nhiệt tình (lẫn hoài nghi thường trực) đã khiến anh được độc giả của tuần báo Nghệ Thuật năm 1966 chọn là “nhà văn số 1 của tuổi trẻ” lúc ấy, và còn đến mấy năm sau.

Vừa viết văn vừa in tác phẩm, Dương Nghiễm Mậu hiện diện tràn đầy trong sinh hoạt văn chương náo động như những tiếng gào thét như một người không ngừng hy vọng và trộn lẫn chán chường. Cái chán chường của tác giả “Cũng Đành” là cái chán chường chấp nhận “địa ngục có thật,” cái xấu đầy rẫy nhưng không phải để ôm lấy nó và rút vào một góc kín của kẻ chịu trận bị khuất phục hay đào thoát, mà phải lên tiếng để phấn đấu. Tra xét nội dung những tác phẩm của Mậu có thể nói đó là một “hồ sơ Việt Nam” những năm 19…, chẳng hạn 1960, 1970.

Nhân vật trong các tác phẩm điển hình của Dương Nghiễm Mậu cục cằn, ưa lý thuyết, độc thoại một mình trong đêm tối hay trong một hoạt cảnh xã hội bi hài. Đó là những nhân vật đàn ông, những kẻ bị kẹt trong chiến tranh, sau sự sụp đổ thất bại của thế hệ trước. Còn các nhân vật đàn bà thường là hình bóng chịu đựng (gia đình) như trong tác phẩm “Đêm Tóc Rối” – còn là một điển hình cho một sa đọa bị khinh miệt. Trong Đêm Tóc Rối, Mậu trích hai câu thơ của tôi, không còn nhớ là ở bài nào:

Ở đây sầu đã tan tành
Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi.
(Viên Linh)

Nhân vật của Mậu cũng thường phát biểu những thái độ chính trị – như tác giả. Anh là một trong những nhà văn luôn luôn bày tỏ lập trường chính trị, trực tiếp hay gián tiếp, hiện thực hơn là tượng trưng, có thể coi anh là một nhà văn xã hội, và cực hữu. Những ngày đầu ở Hà Nội tôi thấy anh làm thơ, ngược lại tôi viết văn, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở anh một tâm hồn lãng mạn, chưa bao giờ.

III– Còn nhớ một năm, đó là mùa Hạ, phượng vỹ đỏ rực con đường tôi đạp xe tới nơi họp mặt. Ve sầu kêu ran trên đầu, trong nắng vàng, bầu trời trong vắt, mây trắng như bông. Hà Nội đó, kinh thành của ước mơ, ước mơ xa khuất. Văn chương, nhất là văn chương trong buổi thiếu thời, giúp ta đôi cánh thần diệu để bay xa muôn trùng, tới cõi biếc của mơ mòng, tới toàn mỹ của mơ mộng. Tưởng như chữ nghĩa giúp cho ta gạn lọc hết tục lụy nặng nề, tưởng như thơ văn là ở cõi thiên thai. Đâu có hay năm tháng trôi qua, vần điệu tìm vào hiên vắng, sách vở lặng lẽ bờ tường, trong lúc ta mù mịt trong ngoài khung cửa, lãng đãng ngõ xưa chuyện cũ. Như đó là năm 1953, chúng tôi “gặp nhau” qua một thùng thư ở phố Hàng Than, cái hộp thư gắn gần khung cửa lớn của một hiệu tạp hóa bán đủ thứ lặt vặt, nhớ như là số 46 phố Hàng Than, “tòa soạn” tờ báo của chúng tôi, nơi bắt những đường dây để rồi một ngày cuối tuần theo giờ hẹn, chúng tôi gặp nhau trong sân Tòa Án Hà Nội. Ở đó thấy “thi sĩ” Hương Việt Hương, tên thật Phí-Ích-Nghiễm, cải danh Dương Nghiễm Mậu khi vào Sài Gòn, ở đó thấy nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, ở đó có thi sĩ Trường Giang, ở đó tôi “văn sĩ” viết truyện xã hội tội ác phất phơ mái tóc xuống xe đạp bước vào. Báo trong nhà là Chim Xanh, báo thiên hạ là Cải Tạo, Giác Ngộ, Sinh Lực, Tiếng Dân, Tia Sáng,… Rồi có buổi họp trên đồi Yên Thái, rồi có viếng thăm bên hồ Thiền Cuông Bảy Mẫu lúc tôi ngã bệnh phải nghỉ học cả tuần… Còn nhớ kém Nghiễm 2 tuổi, học dưới hai lớp, nhưng tôi đệ thất Chu Văn An còn Nghiễm trường tư Dũng Lạc Văn Lang gì đó.

Còn nhớ dù sao chính khoảng thời gian đó thành hình dưới chân tấm thảm đỏ rực rỡ, tấm thảm thần biết bay như trong chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, nó nâng cánh bay lên, và khi hạ xuống chúng tôi đã gặp lại nhau ở Sài gòn. Lần gặp sau là gần mười năm của lần thứ nhất. Lúc đó khoảng 59, 60 Đàm Trường Viễn Kiến của nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh đang hồi cực thịnh, chúng tôi gặp nhau trong tờ Sân Khấu của kịch sĩ Lê Văn Vũ Bắc Tiến, tờ bán tuần san Sống của Hội Nạn Nhân Cộng Sản với ông Ngô Trọng Hiếu, Sáng Tạo của Mai Thảo, Thế Kỷ Hai Mươi của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch và Văn Nghệ của Đoàn Tường Lý Hoàng Phong. Văn Nghệ ra vào đầu 1961, chỉ cách mấy tờ văn học kia từ vài tháng đến nửa năm, nhưng lạ thay, khoảng cách biệt “có thật” xem ra là nửa thế hệ, hay cả chục năm. Khi Văn Nghệ xuất hiện, chúng tôi “già nhất” có Dương Nghiễm Mậu: 1936-1961= 25 tuổi. Đó là vài nét về chuyện thời trai trẻ.

Viên Linh
Nguồn Người Việt
(Bổ sung, ghi chú 3 tháng 8, 2016)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn