BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mày chỉ nói mà không làm được gì!

21 Tháng Bảy 20166:56 SA(Xem: 2051)
Mày chỉ nói mà không làm được gì!
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Một câu nói của bạn tôi nhưng hẳn rất quen thuộc đối với những người Bất đồng chính kiến tranh đấu cho Tự do – Dân chủ. Có những lúc nó làm tôi xét lại bản chất thật sự của cuộc đấu tranh này là gì. Có lúc nó khiến tôi thấy nhỏ bé và bất lực. Nhỏ bé vì là thiểu số của thiểu số. Bất lực một phần vì thiểu số, một phần lớn hơn vì chí dù lớn nhưng tài mọn.

dautranhbangngoibutCuộc tranh đấu thêm phần khó khăn bội phần do cùng lúc lực lượng dân chủ đối mặt với hai đối thủ lớn: sự chống trả ngoan cố, tàn bạo của đảng Cộng Sản và phần quan trọng hơn, sự chán nản, thờ ơ và tâm lý bỏ cuộc nơi quần chúng.

Quần chúng không lãng mạn. Họ cần những con người có thể đem lại cho họ chiến thắng. Họ cần những lực lượng dân chủ làm những điều cụ thể, không rao giảng, không lý thuyết suông. Họ cần một lãnh tụ xuất hiện để dẫn dắt, lãnh đạo, đem lại cho họ điều tốt đẹp nhất: cuộc sống tự do, không còn tham nhũng, hối lộ, xách nhiễu môi trường trong lành, con cái được học hành đàng hoàng tử tế v.v… và v.v…

Phần đông, nếu không muốn nói là gần như tất cả, những người tôi quen biết, đều cho rằng đấu tranh chính trị phải làm được điều gì đó cụ thể cho dân chúng. Không phải những điều mơ hồ, xa xăm mà phải bằng những việc thiết thực. Nếu không chỉ là phường chém gió, chính trị salon! Quần chúng đám đông không muốn nghe về những điều cao xa như Tự do, Dân chủ, Nhân quyền, Đa nguyên, Hòa giải – Hòa hợp dân tộc v.v... Những điều khó giải thích một cách mạch lạc, rõ ràng. Có thể họ đã chán ghét chế độ, chán ghét Cộng sản nhưng họ không cho rằng lực lượng dân chủ sẽ đủ sức gánh vác đất nước. Họ cũng nghi ngờ (họ có quyền như vậy) rằng khi có được quyền lực, lực lượng dân chủ không những không phát triển đất nước mà còn khiến cho nó chia rẽ và chìm trong hỗn loạn. Chính quyền Cộng Sản dựa vào sự nghi ngờ này và cũng ra sức tuyên truyền cho dân chúng viễn cảnh tồi tệ đó khiến lực lượng dân chủ không thể lớn mạnh.

Có phải tất cả những điều đó là đúng? Có gì đó không ổn. Sự thật không như vẻ bề ngoài. Nhưng nếu không, điều gì mới thực sự đúng?

Hãy xét điều đầu tiên và cơ bản nhất: NHÂN QUYỀN.

Liên Hợp Quốc phân Nhân quyền thành hai loại quyền và được luật hóa bằng hai Công ước tương ứng

Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự

Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, văn hóa và xã hội.

Các Quyền Chính trị và Dân sự gồm 19 quyền/nhóm quyền sau:

- Quyền tự quyết

- Quyền sống

- Quyền không bị tra tấn và quyền được đối xử nhân đạo

- Quyền tự do không bị làm nô lệ hay nô dịch

- Quyền tự do và an toàn cá nhân

- Quyền tự do đi lại và cư trú

- Quyền về thủ tục khi trục xuất người nước ngoài

- Quyền về xét xử công bằng

- Quyền không bị bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ hoàn thành hợp đồng và không bị áp dụng luật hồi tố

- Quyền được thừa nhận là thế nhân trước pháp luật

- Quyền được bảo vệ sự riêng tư

- Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo

- Quyền tự do biểu đạt

- Quyền tự do kết hợp (hội họp và lập hội)

- Quyền bảo vệ gia đình

- Quyền tham gia chính trị

- Quyền không bị phân biệt đối xử

- Quyền của người thiểu số

 

Các Quyền Kinh tế, văn hóa và xã hội gồm 10 quyền/nhóm quyền như sau:

- Quyền làm việc

- Quyền thành lập và gia nhập Công đoàn

- Quyền hưởng an sinh xã hội

- Quyền về gia đình, hôn nhân tự do, chăm sóc bà mẹ và trẻ em

- Quyền có mức sống thích đáng

- Quyền được hưởng tiêu chuẩn về sức khỏe thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể

- Quyền về giáo dục

- Quyền tham gia vào đời sống văn hóa

- Quyền hưởng các lợi ích và ứng dụng của tiến bộ khoa học

- Quyền của mọi người được hưởng lợi từ việc bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sản phẩm khoa học, văn học và nghệ thuật nào mà người đó là tác giả

Như vậy, qua cách phân loại và chi tiết hóa hai loại quyền Chính trị-Dân sự và Kinh tế-văn hóa-xã hội, ta thấy một điều rõ ràng rằng, quần chúng - tức những người không dành một sự quan tâm bền bỉ nào cho chính trị hoặc không tham gia hoạt động chính trị hoặc cả hai - gần như chỉ quan tâm đến các quyền/nhóm quyền Kinh tế-văn hóa-xã hội mà không dành một mức quân tâm tương xứng cho quyền/nhóm quyền Chính trị-Dân sự. Thật đáng tiếc cho quần chúng và càng đáng tiếc hơn khi trong lực lượng dân chủ, một số không nhỏ ủng hộ quan điểm quan tâm thiên lệch trên của quần chúng. Họ hoạt động chính trị, đấu tranh chính trị không phải vì các quyền Chính trị - Dân sự cho toàn thể người dân (dù họ có hô hào mạnh mẽ) mà mục đích lớn nhất vẫn là vì các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội (vận động, thuyết phục quần chúng). Họ nhầm lẫn và kết cục là đã, đang và sẽ thất bại.

Tại sao?

Những người dân chủ (tạm gọi vậy) đấu tranh theo xu hướng này chỉ là những cá nhân, cho dù là hội đoàn hay tổ chức chính trị đi nữa, họ vẫn không thể đủ “đẳng cấp” tức vị trí, vai trò và có nguồn lực để thực hiện các Quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội.

Thứ nhất, các quyền này đòi hỏi phải là Nhà nước mới có thể thực hiện được. Cá nhân hay hội đoàn xã hội dân sự hay tổ chức chính trị không làm sao đạt được tầm vóc lớn như vậy để thực hiện các quyền này.

Thứ hai, để đảm bảo các quyền kinh tế - văn hóa – xã hội được thực hiện trên quy mô toàn xã hội nên đòi hỏi phải có nguồn lực vô cùng lớn, chỉ có Nhà nước mới huy động được nguồn lực lớn như vậy và không phải quốc gia nào cũng làm được điều này. Nhà nước còn chưa làm được thì cá nhân, hội đoàn…làm gì có khả năng? “Mày làm được gì !!?” cũng đúng thôi !

Thứ ba, muốn thực hiện các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội cần có sự chủ động rất lớn. Nhà nước với ngân sách, nhân sự hung hậu dễ dàng thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân khắp mọi nơi. Ngược lại, với nguồn lực manh mún, nhỏ mọn, có cơ hội nào cho cá nhân, hội đoàn dân sự? Không, không và không.

Có hai điểm cần lưu ý để có cái nhìn rõ ràng nhằm đạt đồng thuận:

Các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội vượt quá khả năng và không đúng vai trò của các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự. Cổ vũ, nhân danh các quyền này cho mục đích thuyết phục, vận động quần chúng chỉ là một dạng lừa dối hoặc mang màu sắc dân túy.

Sa đà vào các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội là tạo điều kiện để Cộng Sản phản công đè bẹp trên mặt tranh luận truyền thông công khai. Chưa bao giờ làm những công việc tương tự, chưa từng có chút xíu kinh nghiệm làm việc thực tế, ai sẽ bỏ phiếu ủng hộ một người như vậy đảm nhận các vị trí trong Nhà nước có thể bảo đảm các quyền này cho người dân? Cộng Sản sẽ vin vào lý do đối lập dân chủ không có khả năng làm việc, không có kinh nghiệm điều hành và đảm bảo các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội cho người dân nên họ sẽ khước từ các quyền Chính trị và Dân sự như một cách duy trì trật tự, ổn định đất nước để phát triển. Không khó nhận ra kết cục.

Các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội có nội hàm mơ hồ, không rõ ràng: thể hiện ở việc khó định lượng, đánh giá được mức độ bảo đảm các quyền cũng như sự tương thích giữa kết quả đạt được và nguồn lực sẵn có của quốc gia. Nó cũng khó phân biệt được đúng – sai: thể hiện ở việc các tòa án khó có thể phân xử các cáo buộc về sự vi phạm các quyền này (do nội hàm mơ hồ).

Vì vậy, đấu tranh cho đòi hỏi các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội của quần chúng hẳn là một hướng đi sai lầm.

Cũng khó trách quần chúng đòi hỏi ai đó đem lại công bằng cho họ, đem lại những gì họ xứng đáng được hưởng, vì họ (hay lợi ích của họ?). Họ cần một người hùng, một thánh nhân, một minh quân để dựa vào. Các nho sĩ ngày xưa cắm đầu học, thi đậu ra làm quan cũng chỉ muốn đem lại ấm no cho dân chúng, tức đảm bảo cùng lắm các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội theo tiêu chuẩn hiện đại. Trí thức tả khuynh ngày nay giống hệt, tham gia vào chính quyền để được sử dụng các nguồn lực nhà nước như một phương tiện nhằm đạt tới cùng mục đích như nho sĩ ngày trước. Họ có thể hy sinh các quyền Chính trị - Dân sự của người dân và của cả chính họ để cố gắng thực hiện các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội. Họ đã thất bại thảm hại. Không có quyền này mà cũng chả đảm bảo được quyền kia. Mất cả chì lẫn chài.

Vậy các trí thức phương Tây không tả khuynh thì sao?

Rõ ràng, văn hóa cá nhân là một đặc tính vô cùng quan trọng của nền văn minh phương Tây. Tính tự lập cao không cho phép người dân chấp nhận sự phụ thuộc vào ai đó đem lại ấm no cho mình. Họ muốn được tự do mưu cầu hạnh phúc cho mình, đặc biệt về kinh tế. Vai trò của Nhà nước nên đặt ở mức tối thiểu, gồm thu thuế, bảo vệ trị an và làm trọng tài trong các tranh chấp dân sự. Hãy để “bàn tay vô hình” lo liệu kinh tế. Vì thế mà kiểu trí thức này đặc biệt cổ súy các quyền Chính trị - dân sự cho quần chúng. Chẳng hạn các quyền tự nhiên được khởi xướng từ Thomas Hobbes, rồi John Locke… cho tới trường phái Tự do của Nozick, Immanuel Kant rồi John Rawls… Tư tưởng triết học chính trị của những triết gia này đã thay đổi mãi mãi nền văn minh phương Tây. Những giá trị rút ra từ những tư tưởng này bây giờ đã trở thành giá trị phổ quát cho toàn nhân loại.

Như cách phân loại ở đầu bài viết, các quyền Chính trị - Dân sự chính là kết tinh của những giá trị - tư tưởng phổ quát. Tuy chúng mơ hồ đối với dân chúng nhưng trên thực tế, chúng có nội hàm rõ ràng, phạm vi phổ quát và các tòa án có thể phân xử đúng – sai các cáo buộc về sự vi phạm quyền này. Điều cực kỳ quan trọng là việc đảm bảo các quyền Chính trị - Dân sự chủ yếu chỉ cần sự thụ động của Nhà nước. Nhà nước, trong hầu hết trường hợp, không cần chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ mà chỉ cần kiềm chế không can thiệp vào việc hưởng thụ các quyền này như để người dân tự do ngôn luận, tự do kết hợp v.v… Việc đảm bảo các quyền này cũng không đòi hỏi Nhà nước nhiều nguồn lực để thực thi nên quốc gia nào cũng có thể thực hiện được và phải được thực hiện ngay lập tức. 

Như vậy, quay lại câu hỏi ban đầu: “Mày làm được gì?” (đem lại cái gì cho dân? Hay khả năng mày tới đâu?) tôi đã có câu trả lời thỏa đáng. Mày nói đúng! Tao không đem được cái gì cho dân chúng cả. Khả năng của tao cũng nhỏ mọn như chính con người tao vậy. Tao không chọn xu hướng đấu tranh bảo vệ các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội. Cái này vượt quá tầm và có những người khác làm. Tao chọn xu hướng tranh đấu cho các quyền Chính trị - Dân sự cho dân chúng. Tao không có nguồn lực nên chọn cách đấu tranh ít tốn nguồn lực nhất. Lý lẽ của lẽ phải đồng hành cùng tao. Đấu tranh cho những quyền này đôi khi chỉ cần nói, viết hay như mày nói có thể gọi là chém gió, cũng đủ. Quan trọng là thức tỉnh nhiều người nhận ra tầm quan trọng của các quyền Chính trị - Dân sự, điều mà Cộng Sản rất sợ. Một khi tất cả chúng ta đều tự lập, đều mong muốn đảm bảo các quyền Chính trị - Dân sự trước các quyền Kinh tế - Văn hóa – Xã hội và tham gia tổ chức chính trị đấu tranh vì nó thì chừng đó lịch sử, định mệnh của chúng ta, con cháu chúng ta và cả dân tộc sẽ sang trang. Một tương lai chung xán lạn đang đợi phía trước. 

Hãy đứng lên, bước đi, tham gia và là một phần của một tương lai bắt buộc phải đến.

Vạn Tường
Nguồn Thông Luận

Tham khảo:

Giới thiệu công ước quốc tế về ác quyền dân sự và chính trị - Khoa luật đại học quốc gia Hà Nội – Trung tâm nghiên cứu quyền con người & quyền công dân – Nhà Xuất bản Hồng Đức – 2012.

Giới thiệu công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa -  Nghiêm Kim Hoa – Vũ Công Giao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn