BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Xóm “dây thép bay”

08 Tháng Bảy 20166:40 SA(Xem: 2376)
Xóm “dây thép bay”
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Chuyện đã vài mươi năm nhưng nghe chừng như hôm qua. Xóm cũ tên Thuận Lập B ở Đà Nẵng. Phía bên này xóm là đường Gia Long. Ty Cảnh Sát Quốc Gia Vùng 1 Chiến Thuật nằm đó, đối diện với nhà chú Khiêm. Phía bên đường Nguyễn Du, cách con đường đá nhỏ chừng năm sáu thước bề ngang có “dây thép bay”. Đây là khu đất thuộc Ty Bưu Điện. Những gia đình ở trong khu vực, như gia đình bác Huế, như ông trưởng ty có người con tên Hùng đều được gọi chung là dân bưu điện! Người con trai ông này đánh lộn với cu anh con ông Tôn trong xóm. Cu anh chạy về nhà lấy cây vạt giường, đâu biết cây đinh còn dính ở một đầu. Thằng kia bị đánh một cái dính đinh… Ôm đầu máu chạy về.

danangxua-duongbachdang-phamphuthu-1971
Đà Nẵng 1971

Hỏi những cư dân của xóm Thuận Lập B cũ, sao xóm bên kia có tên “dây thép bay” chẳng ai biết đường trả lời. Con nhỏ bạn hỏi tôi, “tôi biết hỏi ai bây giờ!” Tôi “hoa lá cành” rằng thì là ngó lên trời, thấy ba cột ăng ten chớp chớp đèn đỏ mỗi tối và những sợi dây thép giữ cột ngang dọc thì gọi là dây thép bay! Không biết đúng không nhưng cái tên “dây thép bay” theo tôi đến giờ!

Lúc đó anh Nhung hớt tóc ở Thanh Thuận. Cái tiệm hớt tóc gia đình ông Năm Phở mở ra cho mấy thằng con làm ăn. Thằng Quế và thằng Nhuận học Nam Tiểu Học đâu đến lớp ba rồi ở nhà phá làng phá xóm. Cuối cùng nhờ cái tiệm hớt tóc mà tụi nó tu tỉnh lại. Thằng Quế làm thợ chính. Anh Nhung, tay chuyên “cắt xấy tẩy nhuộm” làm ăn chia. Từ lúc tiệm Thanh Thuận mở ra, quán hớt tóc của ông Em, đối diện quán bún bò bà Bảy Trung ế độ. Tôi nhớ ông già hớt tóc người Huế này khó chịu lắm. Hớt ẩu cho đám nhi đồng  như tôi, đi ra quán mà không có người lớn trong nhà đi theo lại còn càm ràm đủ thứ. Có lần tôi ra đó hớt tóc, về nhà dì út tôi bảo đến dì coi, nghiêng qua nghiêng lại ngó cái đầu tóc mới của thằng cháu rồi phán một câu nhớ đời: “Hớt gì ‘như chó táp!’ “.

Thời gian sau chiến tranh bắt đầu leo thang. Ở quê người dân sống không được nên đổ xô ra thành phố làm việc. Có nguyên gia đình bốn chị em ra ở đợ cho những nhà trong xóm. Lâu lâu người mẹ ở quê ra thăm con để lấy tiền. Trĩ là chị lớn trong bốn cô đó, giúp việc cho mẹ tôi. Từ ngày nhà tôi có chị, mấy anh trong xóm cứ siêng đi vào “thăm thím Ba” hay  “xin nước uống”. Trong đó có anh Nhung, thợ hớt tóc ở tiệm Thanh Thuận. Mấy anh cứ “thím ơi thím ơi” mà mắt liếc đâu không. Chị Trĩ chứ còn ai nữa!

Trong nhà, từ lúc ba tôi chết, mẹ cho chị Thái người Huế thuê nữa. Chị học ngoài Huế, không biết sao làm vợ bé một ông thầu khoán! Ông tìm chỗ ở cho chị, lâu lâu chạy về thăm rồi đi. Lúc đó tôi học đâu lớp tám ( đệ ngũ ), đi học về để nguyên giày chạy vào nhà. Chị Thái trách hoài “chú này… chú này” mà tôi biết gì đâu. Đến khi người mẹ và anh chị Thái ở Huế vào tìm con gái, đưa con và cháu ngoại về ngoài đó để nuôi thì tôi mới biết mình “cà chớn”. Chị chùi nền nhà sạch mùa hè cho mát, ngó chưa vừa con mắt thì tôi mang nguyên đôi giày vào… Chị Thái nói nhà thím Ba lúc ni đông khách. Mạ tôi thật thà hỏi: “Khách chi mô mi?” Chị Thái cười. “Đó kìa!”

Khác biệt nơi ông Em hớt tóc và chỗ anh Nhung làm là một chữ, quán và tiệm! Từ đó giá tiền hớt cũng chênh lệch nhau nhiều. Quán hớt tóc nghe bình dân và chỉ hớt. Cạo mặt ráy tai là phần phụ. Tiệm hớt tóc Thanh Thuận, ngó vào bắt mắt lắm và có vẻ sang. Lại có thêm màn nhuộm tóc nữa!

Từ lúc dì út tôi tỏ vẻ bất mãn cách hớt của ông già Em, tôi nhất định bỏ chỗ đó. Những người hớt tóc dạo mạ tôi kêu vào để hớt cho mấy đứa con tôi cũng “chê” luôn. Tôi ra tiệm Thanh Thuận một ngày để hớt tóc! Và gặp anh Nhung. Bình thường không biết anh hớt đầu tóc một người khoảng bao lâu, đến phiên tôi, tôi “bị” ngồi trên ghế, ngó và liếc mặt mình trong tấm kiếng to trước mặt cả giờ đồng hồ. Anh Nhung hỏi nhiều về chị Trĩ. Em biết chị đó có bồ chưa? Mấy tuổi rồi. Tôi cứ vô tình trả lời anh ta như vẹt. Nhiều lúc tôi tưởng anh hớt xong rồi, định đứng dậy trả tiền thì anh ta ấn tôi ngồi xuống ghế. Cạo mặt và lấy ráy tai. Tôi đâu nghĩ đến hai mục này vì sợ không có đủ tiền trả nhưng anh cứ làm. Vừa làm vừa hỏi về chị Trĩ! Thằng Quế con ông chủ tiệm cứ liếc qua chỗ anh Nhung đang hớt cho tôi như ngầm kiểm soát. Anh Nhung tỉnh bơ cạo mặt cho thằng nhóc tì “khách của mình”. Tôi có cảm tưởng mình bị hỏi hơi nhiều về chị Trĩ. “Con chim xanh” cứ ngồi không yên trên ghế. Hôm đó về nhà da mặt tôi rát như bị hơ nắng mùa hè ngoài biển vì bị cạo mặt quá kỹ!

Sau lần đó anh Nhung cứ sàng sàng ở nhà bác tôi, kiếm cách hỏi chuyện với bác Bộ mà mắt cứ liếc sang nhà bên cạnh để kiếm chị Trĩ. Chị cũng biết vậy nên cứ rung rúc ở sau hè nhà, chờ đến khi anh Nhung bỏ đi mới tiếp tục công việc của mình.

Khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 xảy ra, trường lớp chộn rộn. Phần đông quý giáo sư trong trường Phan Chu Trinh được biệt phái. Như thầy Lê Văn Tâm, thầy Trương Đình Đức. Vào giờ Vạn Vật thầy Nguyễn Thanh Trầm buồn buồn nói không biết bao giờ các thầy lại trở về quân đội. Học trò cũng chẳng vui gì khi báo chí đăng toàn hung tin từ chiến trường.

Anh Xuân, tài xế của ông Thiếu Tá Đắc bên Quân Vận không biết quen chi Trĩ từ lúc nào. Anh còn độc thân và đang muốn lấy lòng chị Trĩ. Thiếu Tá của anh Xuân lúc đó đang tán tỉnh bà Sa bên đường Lê Lai. Bà này không biết chồng ở đâu nhưng có nguyên năm sáu đứa con. Lại có nhà cho Mỹ thuê! Khi có dịp chở xếp đi thăm người tình, anh Xuân chạy xe ghé lại thăm chị Trĩ. Có hôm còn chở chị ấy và đám anh em tôi đi biển Nam Ô. Chiều về anh lại đem lương khô hành quân của quân đội cho mấy đứa nhỏ. Trong đó có “sô cô la”. Tụi nó và tôi thích lắm, cứ mong anh Xuân lái xe jeep của xếp ghé qua hoài. Anh Xuân cũng biết anh Nhung đang tán chị Trĩ nên nhờ ngưòi mai mối với mẹ chị. Ai đó nói “thằng Nhung có vợ ngoài Huế rồi” làm anh Xuân đỡ lo. Anh nói “tránh được cái ổ gà nào trên đường thì đỡ cái đó”. Đúng là lái xe chuyên nghiệp.

Sau mùa hè đỏ lửa xóm đã bắt đầu vắng vì đôn quân. Chỉ có mấy tên trốn lính, làm giấy tờ giả là ở lại. Thằng Phạm May con bác Dưỡng, Dương Viết Thoại cháu bác Cháu, Nguyễn Văn Nam con bác Sự, Hoàng Quốc Trung con cô Lan, Hoàng Công Khai con bác Lăng, Thuận con bà Luộc theo nhau trình diện trại Nhập Ngũ số 1 ở đường Gia Long nối dài. Nguyễn Đại Dũng ở kiệt bên ông Thiếu Tá Tập thì vào Không Quân. Thằng Đại con ông bốn Vỹ bằng tuổi tôi không biết sao lại ở nhà. Thằng Đặng Văn Niệm nữa, không biết được đặc ân đâu cứ đi ra đi vô hoài ở xóm.

Khi tôi về phép quân trường, nhớ lại thuở bênh con bác lục sự ở hẻm vào nhà Hoàng Quốc Trung rồi bị thằng Quế hớt tóc đấm cho một cái vào màng tang. Đau muốn ngất và mắt thấy toàn đom đóm. Lúc đó thằng Quế tập tạ và to con hơn tôi nhiều. Cú đấm vào màng tang vì bênh mấy đứa con gái gần nhà Hoàng Quốc Trung tôi chưa trả được cho chủ nó. Mấy ngày phép ngắn ngủi tôi cố ý tìm thằng đánh mình lúc choai choai mà không thấy nó. Mà chắc chủ nhân của nó cũng quên rồi.

Tr. nói lên internet thấy bài ai viết về xóm cũ. Xóm Thuận Lập thì Đà Nẵng chỉ có Thuận Lập A và Thuận Lập B. Con gái bác lục sự có hôm chuyển bài thơ lục bát “Từ Em Là Cánh Chim Di”  ai đó phổ nhạc. Hỏi có biết và nghe chưa. Biết lâu rồi nhưng không vui lắm vì câu thơ bị đổi. Nhìn hoài không biết của mình, thằng “nna aka ml con thím Ba” trong xóm! Nhớ mạ lúc đó ba chết, bác Cháu đã giúp đỡ rất nhiều để nuôi đám con ăn học. Và tiểu bài gạo nhà bác lục sự, mạ thỉnh thoảng cũng mua gạo thiếu tiền bác lục sự gái để nuôi các con ngày đó. Nhắc đến bác lục sự lại nhớ đến anh Tỷ con bác. Lúc đó anh ở bên Tiểu Đoàn 5 Dù trước thời anh Phước con bác Bộ, anh Ngọc con bác Ngọc gần nhà Phạm May, anh Bích con bác Cam bán chè ở chợ Đống Đa và thằng Trung. Thằng cháu này lớn hơn chú là tôi một tuổi, dân Đại Đội 1 Trinh Sát Dù. Lần cuối ở trại Hoàng Hoa Thám của Sư Đoàn Dù ở Sài Gòn tháng tư năm 1975, buổi tối trước khi Lữ Đoàn 1 Dù vào Xuân Lộc Long Khánh, Trung nói “cả giòng cả họ ngoài Huế giờ chỉ còn hai chú cháu. Chú vào vùng coi cẩn thận.” Tôi thấy mắt thằng cháu buồn hiu nên gật đầu cho nó yên tâm. Mấy mươi năm sau qua điện thoại cháu nói: “Có số hết chú ơi!  Chuẩn bị tiếp tế cho đại đội nghe tin Xuân Lộc di tản. Biết đâu lúc đó vào Xuân Lộc thì đi với Lữ Đoàn rồi!” Ý thằng cháu nói đi… Mỹ!

Dương Viết Thoại mất tích ở tiền đồn 5 từ dạo đó coi như mất tích luôn. Tội Thoại. Thằng đầu tiên trong đám đôn quân của xóm chết. Tàn chiến cuộc Phạm May sống lây lất rồi ung thư màng óc giết nó. Mày dân Pháo Binh Tiểu Đoàn 105 Cơ Động. Đại bác 175 ly thì sợ thằng nào! Mày cực từ nhỏ. Sướng chưa được bao lâu thì tháng ba 1975 Đà Nẵng mất. Mày tan hàng tan tác tan hoang luôn. Đi bình yên nghe May. Tao còn nợ mày thời mượn màu để vẽ tranh nộp cho cô Hồng Diệp ở Phan Chu Trinh.

Ngày hai tháng 7 hôm nay tôi dậy sớm. Viết tiếp cái truyện có nói với Vũ Đình Trường và cô bạn Hà Phương hôm qua ở Factory Coffee. Mới tám giờ sáng tôi làm luôn chai Corona thứ hai vì nhắc đến đoạn hẻm vào nhà Hoàng Quốc Trung và bạn của bạn mình Tuyết Ánh. Ánh lúc đó hay đi chiếc Cady. Thường Quán Nguyễn Tiên Hoàng nhớ, nhắc hoài.

Xóm “dây thép bay” ở đây có một người ở Houston. “Thằng bị cu anh con bác Tôn đánh cây vạt giường có đinh vào đầu” là anh của con nhỏ. Chuyện kể qua điện thoại đã đưa “dây thép bay” ở khúc đường Nguyễn Du Đà Nẵng về đây, những giòng chữ này. Tôi, một trong những đứa con của xóm Thuận Lập, trong đó anh Hùng “đái từ lầu xuống nhà ông giáo sư Cẩn” sau về Biệt Động Quân làm “những thằng con chấp hết”. Từ lúc đổi đời, xóm “dây thép bay” biết có còn bay! ./.

An Phú Vang
Nguồn Quyên Book

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn