Lâu nay, nhiều thông tin về TGP Sài Gòn (đã được đổi tên là TGP.TP Hồ Chí Minh) được nhắc đến với nhiều sự kiện diễn ra tại đó làm giáo dân lo lắng, băn khoăn và đặt ra câu hỏi: TGP Sài Gòn được đặt dưới sự chăn dắt của một Đức Hồng Y, một Đức Giám mục Phụ tá với gần 1 triệu giáo dân và rất nhiều linh mục, tu sĩ… đang đi theo con đường nào?
Một loạt các sự kiện “chưa từng có” như đưa nhạc cộng sản vào nhà thờ, một Đức Hồng Y thích đi tìm “sự thật “thực””, một Đức Giám mục Phụ tá phụ trách Website Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã dùng một đoàn tay chân là người của “Công giáo và dân tộc” – một tổ chức của cộng sản – hướng dẫn lối đi cho Giáo hội Việt Nam…
Mới đây, tại TGP này diễn ra sự kiện “dựng tượng” cố TGM Nguyễn Văn Bình nhằm định hướng cho cả Giáo hội đi vào con đường thỏa hiệp, hợp tác với cộng sản trong sự sợ hãi nhằm để các mục tử được “yên hàng”.
Cũng tại TGP này đã xảy ra việc tiếp tục dẫm lên vết nhơ của phiên tòa Cộng sản, lần nữa lập thành tích “bịt miệng” với những tiếng nói của linh mục, tu sĩ… trong cuộc “tọa đàm” về TGM Nguyễn Văn Bình.
Những động tác đó được đưa ra trước khi Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn ra lời kêu gọi “Xây dựng lại ngôi nhà giáo hội” bằng khẩu hiệu “Nên người công giáo tốt và công dân tốt” (!)…
Vậy “Ngôi nhà Giáo hội” mà Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Đức Giám mục Phụ tá Nguyễn Văn Khảm định xây là ngôi nhà nào? Ai là chủ ngôi nhà đó?
Từ một vấn nạn trong xã hội Việt Nam – Truyền thông
Ai cũng biết điều này: Chế độ cộng sản tồn tại được căn cứ vào hai “cột trụ” chính là bạo lực và dối trá. Bạo lực làm cho người dân sợ hãi, khiếp nhược, dối trá làm cho người dân không tìm ra được sự thật và chân lý để mãi mãi ngu muội tin vào những cuộc “lừa đảo vĩ đại” của đảng.
Trong chế độ cộng sản độc tài, độc trị, truyền thông là lĩnh vực độc quyền nhằm phục vụ cho chế độ cộng sản. Bởi mất trận tuyến này, một trong hai “cột trụ” của chính quyền Cộng sản là sự dối trá sẽ không còn hiệu lực và cái gọi là “chính quyền vô sản” sẽ sụp đổ nhanh chóng.
Vì vậy, chính quyền Cộng sản luôn nắm chắc và kiểm soát bằng mọi giá tiếng nói của người dân, của tổ chức xã hội, của bất cứ ai khi có nguy cơ không theo ý đảng hoặc không tô vẽ cho sự dối trá của đảng và nhà nước nhằm phục vụ mục đích là để đảng đè đầu cưỡi cổ cả dân tộc.
Giáo hội Công giáo, chiếm 1/10 dân số, tất cả chỉ có tờ Hiệp Thông, mỗi năm ra mấy trăm bản để lấy lệ, thực chất là con số 0 tròn trĩnh về truyền thông. Một nhà nghiên cứu cho thấy rằng: Về truyền thông, mỗi năm, một giáo dân được trung bình 0,23 chữ được phép của nhà nước dành cho họ. Trong khi cả đất nước Việt Nam có khoảng 800 tờ báo.
Điều đó để nói rằng: Với Giáo hội Công giáo, nhà nước VN kiềm chế hết sức gắt gao việc truyền đạt thông tin đến giáo dân của mình.
Hãy nhìn các website của các Giáo phận trên cả nước thì đủ hiểu vấn nạn này. Mỗi giáo phận có từ hàng chục ngàn đến cả trăm ngàn giáo dân, không một Giáo phận nào được phép chính thức thành lập website điện tử của mình, điều mà một công ty cỏn con cũng có thể làm. Nếu có chỉ là những Website “ngoài vòng pháp luật”.
Vì vậy, đa số các website của các giáo phận, của các tổ chức Giáo hội đều lấy tên miền của nước ngoài như .org, .net, .com… tuyệt đối chưa thấy có Giáo phận nào được đăng ký tên miền .vn vì nhà nước cộng sản không thừa nhận Giáo hội có một pháp nhân chính thức, không bằng một công ty trong hàng trăm ngàn công ty của bất cứ ai có tiền ở đất nước này.
Ngay cả Website của Hội Đồng Giám mục Việt Nam (WHĐ) cũng chỉ sử dụng tên miền .org là tên miền Quốc tế.
Các website của các giáo phận, thực chất cũng chỉ bằng hoặc chưa bằng một blog của một bloger loại trung bình nào đó đăng ký tự do trên mạng internet.
Mục đích của việc không thừa nhận, không cho phép chính thức là nhằm đặt tất cả ra ngoài vòng pháp luật và nhà nước không có bất cứ trách nhiệm nào với những website đó, ngoài ra còn là một lý do để hạch hỏi các tổ chức tôn giáo khi cần.
Bất cứ khi nào, tại đâu có những sự kiện, những vấn đề nhạy cảm về sự đàn áp, về những bất công xảy ra mà nhà nước không thích cho dân nghe, không cho nói đến, tất cả các website đó đều được dựng tường lửa và đánh phá ác liệt.
Website của TGP Hà Nội trong những ngày căng thẳng của vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Website của Giáo phận Vinh, nơi có vụ Tam Tòa, Website của Dòng Chúa Cứu thế… kể cả trang Nữ Vương Công Lý đến nay vẫn bị dựng tường lửa ngăn chặn và đánh phá ác liệt bằng mọi thủ đoạn đáng xấu hổ của lực lượng công an mạng.
Cho đến nay chưa có một Giáo phận, một ủy ban nào hoặc ngay cả Hội Đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng về vấn đề thuộc quyền lợi này của Giáo hội.
Trường hợp bất thường
Tên miền .gov.vn chỉ được dùng cho các tổ chức thuộc nhà nước, thuộc chính phủ Việt Nam nằm trong “Danh mục cơ quan nhà nước tổ chức Đảng, Nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh”.
Thường chỉ có các cơ quan nào nằm trong sự quản lý của nhà nước, nghĩa là nhà nước hoàn toàn yên tâm về mặt ngoan ngoãn, chấp nhận nằm dưới ngọn roi của người điều khiển là Ban Tuyên giáo Trung ương mới được cấp một tên miền Việt Nam, đặc biệt là tên miền .gov.vn để sử dụng trên mạng internet.
Các cơ quan, doanh nghiệp báo chí cũng thường chỉ được đăng ký tên miền .vn mà thôi.
Nhưng, trong khi website của các giáo phận, các tổ chức của Giáo hội Công giáo đều phải dùng tên miền quốc tế, rất nhiều trang bị chặn tường lửa, bị đánh phá ác liệt… thì điều lạ lùng nhất là Website của TGP Sài Gòn lại được cấp một tên miền nằm trong “Danh mục cơ quan nhà nước tổ chức Đảng, Nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh”.
Đó là tên miền: http://tgp-tphcm.cesti.gov.vn/
Tên miền công khai của website TGP Sài Gòn
Mở trang trong của Website TGP TP Hồ Chí Minh bằng tên miền bí mật
Tên miền này được sử dụng bí mật ngoài tên miền vẫn được phô diễn bình thường là http://tgpsaigon.net/
Theo tin chúng tôi nhận được, điều này nằm trong sự bí mật của chỉ riêng Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, Đức Cha Nguyễn Văn Khảm, “dàn đồng ca áo tím”, một số vị trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo và Thành ủy, chính quyền biết rõ mà thôi.
Trong điều kiện hiện nay, khi được cấp tên miền này, cũng đồng nghĩa với việc TGP Sài Gòn là một trong những “cơ quan nhà nước tổ chức Đảng, Nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh” mang tên Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh .
Như vậy, ngôi nhà Giáo hội mà Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Đức Giám mục Phụ tá Nguyễn Văn Khảm đang định xây dựng cho giáo hội, chính là ngôi nhà này đây.
Điều mà mọi giáo dân cần biết: Khi xây “Ngôi nhà Giáo hội” này xong, chủ nhà sẽ là một Hồng Y, một Tổng giám mục, một Giám mục hay là một Bí thư Thành ủy, một Chủ tịch Thành phố?
Câu hỏi này, xin dành cho Tòa TGM Sài Gòn trả lời.
1/10/2010, ngày khai hội Nghìn năm Thăng Long mừng quốc khánh Trung Quốc
Nữ Vương Công Lý
Theo Nữ Vương Công Lý
Gửi ý kiến của bạn