1.- LÝ DO CỘNG SẢN TẤN CÔNG SÀI GÒN
Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Toàn thể bộ máy chính quyền trung ương, kể cả Bộ tổng tham mưu quân đội VNCH đều đóng tại đây. Sài Gòn còn là nơi tập trung tòa đại sứ các nước trên thế giới, trụ sở các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.
Báo chí VNCH hầu hết xuất bản ở Sài Gòn. Dân chúng Sài Gòn đông đúc, hoạt động náo nhiệt suốt ngày nên CS dễ len lỏi, tuyên truyền, gây chấn động. Cộng sản quyết tấn công Sài Gòn mạnh mẽ để gây tiếng vang lớn trên thế giới, nhứt là Hoa Kỳ, lúc đó tại đây phong trào phản chiến đang lên cao.
Trong năm 1968, CSVN tấn công Sài Gòn hai lần: Lần thứ nhất từ 31-1 đến 29-2-1968 (Tết Mậu Thân). Lần thứ hai từ 5-5 đến 18-6-1968. (Không thuộc phạm vi bài nầy.) Vì tầm quan trọng của mặt trận Sài Gòn, trong cuộc tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân, CS giao cho những nhân vật cao cấp điều khiển trận đánh tại đây. Đó là Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt làm bí thư và phó bí thư.
Có tài liệu cho biết Võ Văn Kiệt đã ẩn náu trong nhà của Thẩm Thúy Hằng ở Sài Gòn trong thời gian nầy. Thẩm Thúy Hằng là tài tử điện ảnh ở Sài Gòn, cháu ngoại Tôn Đức Thắng và là vợ của Nguyễn Xuân Oánh, đã từng làm phó thủ tướng đặc trách kinh tế tài chánh kiêm tổng trưởng Bộ tài chánh của chính phủ Nguyễn Khánh ngày 8-2-1964. (Chính Đạo, Mậu Thân 68, thắng hay bại?, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1998, tr. 253, phần phụ chú.) (Ngoài tài liệu của Chính Đạo, người viết dò hỏi những người lớn tuổi nguyên quán Long Xuyên (hiện ở Toronto), đều được xác nhận Thẩm Thúy Hằng là cháu ngoại của Tôn Đức Thắng, lãnh tụ CS Bắc Việt Nam.)
Dưới quyền Nguyễn Văn Linh, hai bộ chỉ huy tiền phương phụ trách hai mũi tấn công: Mũi phía đông và phía bắc do Trần Văn Trà (thiếu tướng) chỉ huy, Mai Chí Thọ và Lê Đức Anh phụ tá, dự tính đánh vùng phát tuyến Quán Tre (thuộc Hóc Môn, vùng quân trường Quang Trung), phi trường Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng tham mưu Quân đội VNCH và các căn cứ quân sự vùng Gò Vấp.
Mũi phía tây nam và nam do Võ Văn Kiệt chỉ huy, Trần Bạch Đằng phụ tá, có nhiệm vụ chiếm các cơ quan chính phủ VNCH, Tòa đại sứ Mỹ, tổ chức “chính quyền cách mạng”, lo việc quân quản.
2.- CỘNG SẢN TẤN CÔNG
Mở đầu cuộc tấn công Sài Gòn, khuya mồng 1 sáng mồng 2 Tết (khuya 30 sáng 31-1-1968), CS tung các toán đặc công (còn gọi là biệt động thành), đánh phủ đầu cùng một lúc các vị trí quan trọng sau đây nhằm gây rối loạn chính quyền VNCH:
DINH ĐỘC LẬP: Dinh Độc Lập (ĐL) là phủ tổng thống VNCH. Tổng thống Thiệu nghỉ Tết ở quê vợ tại Mỹ Tho. Khoảng 2 giờ sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), đặc công CS chiếm một cao ốc ở góc đường Nguyễn Du và Thủ Khoa Huân, bên hông phải dinh ĐL nếu so với mặt trước dinh Độc Lập nhìn ra. Từ cao ốc nầy, đặc công dùng súng B-40 đánh sập cửa bên hông dinh ĐL, trên đường Nguyễn Du, tràn vào vườn, nhưng bị lực lượng phòng vệ bên trong đánh trả, khiến bốn đặc công chết tại chỗ, hai bị bắt và số còn lại rút về cố thủ trong cao ốc. Hai ngày sau Cảnh sát đến giải tỏa. Kết quả đặc công chết 7, bị bắt 8, trốn thoát 3.
TÒA ĐẠI SỨ HOA KỲ (cửa chính nhìn ra đường Thống Nhất): Khoảng 2G.30 sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), đặc công CS dùng một chiếc xe, đổ quân tại một điểm trên đường Mạc Đĩnh Chi, bên hông trái tòa đại sứ nếu từ cửa chính nhìn ra đường Thống Nhất. Dùng súng B-40, CS phá một lổ hổng trên tường, một đặc công xâm nhập vào trong, mở cổng hông tòa đại sứ cho đồng đội tràn vào sân vườn. Quân Mỹ cứu viện đến kịp thời. Đặc công lần lượt bị bắn hạ. Tòa đại sứ được giải tỏa sau 6 giờ giao tranh. Kết quả 19 đặc công chết, phía Mỹ 5 tử thương.
ĐÀI PHÁT THANH SÀI GÒN: Khoảng gần 3G. sáng mồng 2 tết (31-1-1968), đặc công CS ngụy trang một xe Quân cảnh Mỹ, dẫn theo sau một xe dân sự, đậu trước Đài phát thanh, bất ngờ tấn công toán gác cổng, đột nhập vào bên trong. Cộng sản nhắm mục đích cho phát thanh lời CS kêu gọi dân chúng “tổng khởi nghĩa”, chống chính phủ VNCH.
Tuy nhiên, thiếu tá Vũ Đức Vinh, giám đốc Đài phát thanh, đã kịp thời tháo được bộ phận chính trong đài phát thanh Sài Gòn. (Theo lời kể của cụu trung tướng Nguyễn Bảo Trị cho người viết vào tháng 3-2012 tại California.) Đồng thời cánh quân CS đánh Quán Tre (Hóc Môn) không chiếm được đài phát tuyến tại đây, nên lời hiệu triệu của CS không đưa lên phát thanh được.
Tiểu đoàn 1 Nhảy dù được gởi đến để giải tỏa Đài phát thanh. Quân CS không thực hiện được dự mưu, khoảng 7 G. sáng, CS đặt chất nổ phá hủy Đài phát thanh rồi bỏ trốn, nhưng chỉ có hai đặc công trốn thoát.
Ngoài ba vị trí quan trọng trên đây, các toán đặc công CS còn đánh bộ Tư lệnh Hải quân đặt ở Trại Bạch Đằng, trên bờ sông Sài Gòn, cổng số 5 bộ Tổng tham mưu trên đường Võ Tánh (Gia Định), cổng Phi Long phi trường Tân Sơn Nhứt. Những cuộc tấn công nầy nhanh chóng bị tiêu diệt ngay trong ngày 31-1-1968.
Tiếp theo cuộc xung kích của các toán đặc công, là cuộc tấn công của hai cánh quân chủ lực cùng một lúc. Sáng mồng 2 Tết (31-1-1968), bộ chỉ huy tiền phương CS, mũi phía đông và phía bắc do Trần Văn Trà (thiếu tướng) chỉ huy, đánh vào bộ Tổng tham mưu, Trung tâm huấn luyện Quang Trung, bộ Chỉ huy Thiết giáp (trại Phù Đổng), bộ Chỉ huy Pháo binh (trại Cổ Loa), Trường Bộ binh Thủ Đức, phi trường Tân Sơn Nhứt và khu vực Hàng Xanh. Tại các căn cứ quân sự, tuy có nơi CS tràn vào bên trong khuôn viên, nhưng đều bị đẩy lui nhanh chóng trong ngày mồng 2.
Tại trại Phù Đổng, CS bắt giết một số quân nhân, trong đó có hai trung tá Huỳnh Ngọc Diệp và Nguyễn Tuấn. Gia đình trung tá Tuấn gồm 10 người, thì 9 người bị giết, một em bé 10 tuổi bị thương và sống sót.
Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, CS vào được phía bắc phi đạo, nhưng bị chận đánh, phải rút lui vào buổi tối. Riêng vùng Hàng Xanh, con đường chính dẫn ra quốc lộ 1 về hướng bắc, là khu dân cư đông đúc, việc giải tỏa khó khăn vì sợ dân chúng bị thiệt hại, mãi đến chiều hôm sau mới chấm dứt.
Mũi tây nam và nam CS do Võ Văn Kiệt chỉ huy, tấn công Biệt khu thủ đô trên đường Lê Văn Duyệt. Cộng sản đưa quân đột nhập thành phố, chiếm một số khu vực từ đường Trần Quốc Toản lên trường đua Phú Thọ. Quân lực VNCH đánh đuổi và giải tỏa vùng nầy khá vất vả vì CS lẫn lộn trong dân chúng, ẩn núp những nơi đông dân cư.
Một cánh quân khác của CS từ Long An đánh một số cứ điểm thuộc Quận 7, quận 8 và quận Nhà Bè, chiếm khu Tân Thuận. Một đơn vị CS vào khu Lò Gốm, hãng rượu Bình Tây. Cuối cùng, CS thất bại phải rút lui khỏi các vùng trên.
3.- CUỘC PHẢN CÔNG CỦA QUÂN ĐỘI VNCH
Ngoài những đơn vị có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cơ quan và căn cứ như Cảnh sát Quốc gia, Cảnh sát Dã chiến, Quân cảnh… thì các lực lượng Nhảy dù (ND), Biệt động quân (BĐQ) Thủy quân lục chiến (TQLC), Không quân VNCH và Thiết giáp là những đơn vị có mặt sớm nhưt, chống trả mạnh mẽ các cuộc tấn công vào Sài Gòn của CS.
Khi trận đánh xảy ra, hai tiều đoàn ND đang có mặt ở Sài Gòn là tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 8. Hai tiểu đoàn nầy được điều động ngay khi đặc công CS mới khởi động. Lúc đó, liên đoàn 5 BĐQ gồm 4 tiểu đoàn 30, 33, 34 và 38 trấn đóng vòng quanh từ Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn được đưa về bảo vệ thủ đô khi trời chưa sáng.
Sáng mồng hai (31-1-1968), khoảng 6G:30, tiểu đoàn 4 TQLC được không vận từ Vũng Tàu và tiểu đoàn 1 và 2 TQLC được không vận từ Cai Lậy (Định Tường) về Sài Gòn.
Khi CS mở cuộc tấn công Sài Gòn, tổng thống Thiệu đang nghỉ Tết tại Mỹ Tho. Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ liền ra lệnh phải nhanh chóng tái chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Sau khi lực lượng ND giải tỏa Đài phát thanh, ông Kỳ loan báo tin CS xâm nhập thủ đô và yêu cầu dân chúng không được ra đường phố. Lúc đó, dân chúng mới biết tin CS tấn công chứ không phải đảo chánh xảy ra như trước đây.
Trong khi đó, tổng thống Thiệu về được bộ Tổng tham mưu ở Sài Gòn sáng mồng 2 Tết (31-1-1968). Ngày mồng 3 Tết (1-2), tổng thống họp Hội đồng nội các, ra lệnh giới nghiêm trong thủ đô từ 7G. tối đến 6G. sáng, trường học tạm đóng cửa, công chức được tạm nghỉ, trừ nhân viên y tế, an ninh, thông tin. Hôm sau (2-2), tổng thống họp Hội đồng An ninh Quốc gia và các lãnh tụ Quốc hội nhằm tìm biện pháp đối phó với tình thế. Tổng thống lên truyền hình và truyền thanh trình bày tình hình và trấn an dân chúng.
Ngày 3-2-1968, sắc lệnh số SL-044/TT của tổng thống thiết lập Ủy ban Cứu trợ Nhân dân tại trung ương và các địa phương do phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu. Ông Kỳ điều động 2,500 cán bộ Xây dựng Nông thôn từ Vũng Tàu về Sài Gòn, đặc trách các trại tỵ nạn. Số tỵ nạn chiến tranh riêng tại Sài Gòn lên đến 86,000 người vào ngày 7-2-1968 và lên gần 200,000 người vào cuối tháng nầy.
Trong khi đó, ngày 5-2-1968, chiến dịch Trần Hưng Đạo được tổ chức do đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng, làm tư lệnh nhằm giải tỏa Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngoài quân đội và cảnh sát VNCH, lực lượng Hoa Kỳ cũng tham gia chiến dịch nầy.
Chiến dịch Trần Hưng Đạo chấm dứt ngày 17-2-1968. Công việc truy quét CS được giao lại cho trung tướng Lê Nguyên Khang, tư lệnh Quân đoàn III. Từ đây là chiến dịch Trần Hưng Đạo II, tiếp tục hành quân tảo thanh CS. Mặt trận Sài Gòn xem như tạm yên từ ngày 29-2-1968, nhưng công việc bình định vẫn tiếp tục cho đến ngày 8-3-1968 thì chiến dịch Trần Hưng Đạo II chấm dứt.
4.- KẾT QUẢ
Kết quả thiệt hại trong các trận đánh tại thủ đô Sài Gòn vào tháng 2 và tháng 3-1968 được ghi nhận như sau: Phía VNCH: 323 tử thương, 907 bị thương. Phía CSVN: 5,289 tử thương, 415 bị bắt. (Viết bài nầy, người viết dựa vào các tài liệu chính sau đây: 1) Phạm Văn Sơn cùng nhiều tác giả, Cuộc tổng công kích-Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968. 2) Chính Đạo, Mậu Thân 1968, thắng hay bại. 3) Don Oberdorfer, Tết!) (Còn tiếp bài 5: Cuộc chiến Mậu Thân ở Huế).
(Toronto, 27-3-2016)
Trần Gia Phụng
Gửi ý kiến của bạn