Trước phản ứng của dư luận, dù chỉ là thiểu số so với hàng triệu con người đang sinh sống ở Sài Gòn và hơn 90 triệu người dân cả nước, các quan chức ban ngành có liên quan đã lên tiếng. Theo bài “Không đốn hạ cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng”, báo Pháp luật TP.HCM, “Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa cho biết như vậy tại cuộc họp với giới báo chí vào chiều nay (28-3)”. Nhưng nếu đọc kỹ thì sẽ thấy mọi chuyện còn rất mơ hồ:
“Cụ thể, để phục vụ việc thi công ga Ba Son, TP sẽ di dời, bứng dưỡng 16 cây sọ khỉ trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh đến Ngô Văn Năm)…
…Trước mắt, từ ngày 26-3 đến 7-5, bốn cây sẽ được di dời và 12 cây sẽ bị đốn hạ để xây dựng nhà ga Ba Son. Số cây còn lại thuộc dự án cầu Thủ Thiêm 2, dự kiến cuối tháng 4-2016, các đơn vị liên quan mới có phương án cụ thể để UBND TP quyết định.”
Người dân hoàn toàn có ý do để nghi ngờ rằng đây chỉ là một trò xoa dịu dư luận, trước mắt các ông sẽ chỉ di dời, đốn hạ 16 cây nhưng rồi dần dần, khi dư luận xao lãng, các ông lại lẳng lặng “thanh toán” cho bằng hết. Chỉ số lòng tin của phần lớn người dân đối với nhà cầm quyền từ lâu rồi đã xuống rất thấp!
Còn nhớ mới năm ngoái, việc chính quyền Hà Nội quyết định chặt, thay thế hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, với nguồn kinh phí thực hiện “khủng”, gây bức xúc, xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Trước phản ứng dữ dội của người dân, cộng với việc lên tiếng của một loạt trang báo nước ngoài như Financial Times, Tân Hoa xã, Daily Mail, The Sun Daily, AFP và cả trang thông tấn Reuters… việc chặt cây đã phải dừng lại sau khi đã kịp tàn phá một số con đường, trong đó có đường Nguyễn Chí Thanh từng được bình chọn là đẹp nhất thủ đô. Một số cán bộ quan chức thuộc sở xây dựng đã bị đình chỉ công tác, một số người bị kiểm điểm v.v…
Điều đó chứng tỏ dù trong một chế độ độc tài nhưng nếu người dân thực sự quan tâm, có ý kiến đến những việc làm sai trái, làm ảnh hưởng đến đất nước xã hội, đến đời sống chung của nhiều người thì nhà cầm quyền sẽ buộc phải chùn tay.
Trở lại vụ di dời, đốn hạ 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng tức Đinh Tiên Hoàng cũ, có thể có những người cho rằng chỉ là mấy cái cây thôi, có gì đâu mà phải làm ầm ỹ, rằng thành phố cần phải phát triển, cần xây dựng hệ thống metro, nhà ga thì phải hy sinh thôi. Người ta vẫn nhân danh “vì sự phát triển” như thế, mỗi khi cần phải đập bỏ một cái gì đó, cho dù đó là những hàng cây hay một tòa nhà, một cây cầu…
Vấn đề ở đây không chỉ là việc đập bỏ những cây cổ thụ, dù rõ ràng đó là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên một trong những con đường đẹp nhất, rợp bóng mát nhất của một thành phố vốn dĩ đã quá thiếu những con đường có cây, có bóng mát và quá thừa thãi nắng nóng. Mà việc trồng lại thì khó hơn nhiều.
Vấn đề ở đây sâu xa và rộng lớn hơn. Thứ nhất, đó là sự coi thường nhân dân. Thành phố này không phải của riêng của các quan chức đang lãnh đạo Sài Gòn, cũng không phải của riêng của đảng và nhà nước cộng sản VN. Thành phố này, và cả đất nước này, do bao thế hệ người VN đã xây dựng nên bằng máu, mồ hôi và nước mắt, nó là của chung hơn 90 triệu người dân VN. Những người lãnh đạo nếu có bất cứ một quyết định gì ảnh hưởng đến bộ mặt của thành phố, đến lợi ích của người dân thì phải hỏi ý dân. Chính người dân đã đóng thuế nuôi nhà nước và cũng chính người dân mới là chủ nhân của đất nước này, của thành phố này. Người dân phải được biết, được có ý kiến.
Thế nhưng từ trước đến nay nhà nước cộng sản VN vẫn quen thói hành xử theo kiểu cả đất nước này là của họ, nhân dân chả là cái đinh rỉ gì. Trong vụ chặt 6700 cây xanh ở Hà Nội cũng vậy, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long trong một cuộc họp báo đã cho rằng “việc chặt cây để thay thế cây khác ở Hà Nội do cơ quan quản lý quyết định, không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân.” (“Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân”, VietnamNet).
Cái tư duy coi thường dân ăn sâu vào não bộ các quan chức, muốn làm gì thì làm, nếu nhân dân có thắc mắc thì “mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”. Thế nhưng khổ nỗi thực tế hơn 70 năm qua đã cho thấy việc để cho “đảng và nhà nước lo” đã dẫn đất nước này, dân tộc này đi từ sai lầm kinh khủng này đến sai lầm đắt giá khác, với hậu quả ngày càng tụt hậu thê thảm so với các nước khác như thế nào rồi.
Thứ hai, người dân có thể chấp nhận thay đổi, chấp nhận hy sinh, mất mát một phần trên “khuôn mặt, thân thể” của Sài Gòn nếu như sự thay đổi đó thật sự là cần thiết, không còn cách nào khác, và tốt đẹp hơn cho quy hoạch kiến trúc của thành phố, có lợi hơn cho cuộc sống của mọi người hôm nay và mai sau. Nhưng trong phần lớn những sự thay đổi, đập phá, dỡ bỏ trên đất Sài Gòn những năm qua người dân không thấy được điều đó, mà trái lại.
Chẳng hạn, tại sao cứ phải xây hàng chục, hàng trăm tòa building văn phòng, cao ốc thương mại, chung cư cao cấp tại khu trung tâm thành phố, vốn đã quá ngột ngạt đến nghẹt thở, làm tăng thêm mức độ kẹt xe, ô nhiễm, biến những tòa nhà lâu đời chung quanh như Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, UBND TP.HCM…trở thành “lùn tịt” đi, đồng thời phải di dời, đập bỏ những kiến trúc cổ ở khu vực này và khiến thành phố trở nên xấu xí vì những công trình kiến trúc cũ, mới không hòa hợp?
Như trường hợp thương xá Tax. Tòa nhà hơn 130 năm tuổi, được xây dựng từ năm 1880 với kiến trúc rất đẹp này là một trong những biểu tượng của thành phố Sài Gòn, nhưng người ta đã phá bỏ để xây một cao ốc 40 tầng; và trước sức ép của dư luận thì người ta tìm cách lắp ghép một số hạng mục, chi tiết trong kiến trúc của thương xá Tax với công trình mới, nhưng vẫn cương quyết đập cái cũ và xây cái mới cho bằng được!
Hay vì xây nhà ga điện ngầm nên phải phá bỏ cả vòng xoay đài phun nước cùng hàng liễu rủ bóng ở giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi, toàn bộ hàng cây cổ thụ ở công viên Lam Sơn phía trước Nhà hát thành phố có tuổi đời hàng chục năm và bây giờ là hàng cây trên con đường Tôn Đức Thắng…
Câu hỏi là có nhất thiết phải xây nhà ga ở khu trung tâm hay có thể xây ở khu vực khác? Cũng như khu đô thị mới Thủ Thiêm, tại sao không tìm cách đẩy nhanh tiến độ thực hiện để xây những công trình mới ở đó?
Cứ tưởng tượng nếu khu vực Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn là những khu vực mới với kiến trúc hiện đại, tập trung các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại hoặc khu nhà ở cao cấp, trong khi quận 1, quận 3 là khu phố cũ, là khu hành chính với những kiến trúc cổ thời Pháp thuộc, hay khu Chợ Lớn quận 5, quận 10 đậm đà bản sắc người Hoa v.v…thì thành phố sẽ phong phú hài hòa, hấp dẫn đối với du khách biết bao nhiêu. Mật độ dân cư sẽ được rải đều, không “dồn cục” vào khu trung tâm quận 1 như lâu nay. Chưa kể, một thành phố lớn có 8-9 triệu dân như Sài Gòn phải có vài trung tâm khác nhau chứ không chỉ có một.
Thực tế là lâu nay mọi sự thay đổi của thành phố, người dân chỉ nhìn thấy đó là vì sức ép của đồng tiền, vì lợi ích của một số cá nhân quan chức chứ không phải vì lợi ích của thành phố này và của người dân. Cứ khu vực nào đắt tiền là người ta lăm le đập bỏ, xây mới, bán cho bằng hết. Mỗi miếng đất ở những khu đất vàng như vậy, so giữa giá đền bủ và giá xây xong bán lại, mức độ lời của nhà đầu tư thật kinh khủng. Và để có được những hợp đồng thương vụ mua bán, xây dựng đó, nhà đầu tư phải chi “hoa hồng” bao nhiêu cho các quan chức thành phố lẫn cấp trên nữa, để có được những chữ ký thông qua của họ?
Tôi không dám so sánh tầm nhìn, cách ứng xử đối với những di tích, di sản, công trình kiến trúc, văn hóa lịch sử của các quan chức lẫn người dân ở các nước châu Âu mà tôi đã có dịp đi qua. Nhưng cứ ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại của các thành phố Paris, Rome, Prague, Bonn, Brussels, Amsterdam…, nhìn cách người ta nâng niu trân trọng từng mảng tường thành đổ nát có tuổi đời hàng ngàn năm hay từng góc phố xưa mà buồn tủi cho các thành phố của VN. So với họ, các thành phố của ta vốn đã không có nhiều công trình kiến trúc cổ, di tích có giá trị, thế mà ta lại còn không biết quý, không biết giữ, chỉ biết có cái lợi trước mắt, chỉ biết có tiền.
Đừng nghĩ rằng phải là những công trình kiến trúc cỡ nào mới đáng được gìn giữ, bảo tồn. Một thành phố như Sài Gòn, chỉ mới hơn 300 năm tuổi, những công trình kiến trúc lâu đời hoặc tầm cỡ không có, nhưng chính vì gia tài của chúng ta ít ỏi mà chúng ta càng cần phải giữ. Cùng với chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Thảo Cầm Viên Sài Gòn (hiện cũng đang lăm le bị di dời!)…, những địa chỉ như quán café Givral, Brodard, La Pagode, khu thương mại Eden, thương xá Tax, những cây cầu cổ, những con đường đầy cây cổ thụ như Lê Đại Hành… đã trở thành quen thuộc, gắn liền trong ký ức của người dân Sài Gòn bao nhiêu năm…Khi bị xóa sổ, là một phần trong cái gia tài ít ỏi ấy, là cái hồn của thành phố đã mất đi.
Giá trị của một thành phố không chỉ ở những công trình kiến trúc mới. Bởi vì một thành phố không chỉ được xây dựng nên trong một sớm một chiều. Một thành phố có lịch sử, có đời sống, có linh hồn của nó. Linh hồn của một thành phố nhiều khi nằm trong từng viên gạch cũ, từng hàng cây cổ thụ, một quán café xưa…Ở đó những dấu ấn lịch sử, những dấu vết thời gian đi qua còn in lại. Và người ta gắn bó với một thành phố lắm khi chỉ từ những thứ nhỏ nhặt như thế.
Phải biết trân trọng gia tài khiêm nhường của cha ông để lại nếu không muốn các thế hệ sinh sau đẻ muộn trở nên thờ ơ với lịch sử, với quá khứ, tuy giàu có tiền bạc nhưng nghèo nàn về tâm hồn, trống rỗng về ký ức.
Song Chi
Nguồn Blog Song Chi
Gửi ý kiến của bạn