BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73239)
(Xem: 62215)
(Xem: 39395)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nửa thế kỷ du ca

29 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 1536)
Nửa thế kỷ du ca
51Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.52
Chiều Chủ Nhật 20/3/2016, thính đường Le Petit Trianon ở San Jose đã đón hơn 300 khách đến dự chương trình văn nghệ của Đoàn Du ca Bắc Cali. Những người yêu thích tinh thần hát nhạc cộng đồng đã đáp lời mời của ban tổ chức và đến “nghe chúng tôi hát và hát cùng chúng tôi”, như anh đoàn trưởng Trương Xuân Mẫn phát biểu trong phần chào mừng quan khách.

Đoàn trưởng Trương Xuân Mẫn đang trả lời phỏng vấn với Quốc Bảo của đài truyền hình VietToday (ảnh Bùi Văn Phú)


Khán giả đến với đoàn du ca trong tinh thần đó. Một tinh thần cộng đồng, cùng hát cho nhau nghe ca từ quen thuộc một thuở của những bản đồng ca như “Về với mẹ cha”, “Hy vọng đã vươn lên” đã được các anh ôm đàn rải những nốt nhạc rồi xướng lên cho mọi người cùng vỗ tay hát theo:

Từ Nam Quan Cà Mau, từ non cao rừng sâu
Gặp nhau do non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam, quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng…


Hy vọng đã vươn lên, trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên, trong lo sợ mùa chinh chiến

Hy vọng đã vươn lên, trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên, đang rực lên trong màn đêm…


Và “Hy vọng đã vươn lên” cũng là chủ đề của buổi hát du ca hôm nay, vì trong sâu thẳm của những ước mơ, anh đoàn trưởng và 20 thành viên cùng khán giả đều hy vọng vào một ngày những tiếng hát du ca sẽ lại được vang vang giữa lòng Sài Gòn, trên quê hương Việt Nam.

Sau nghi thức khai mạc với chào cờ và tưởng niệm, hai anh Trương Xuân Mẫn và Huỳnh Lương Thiện đã lược qua lịch sử của phong trào. Theo lời anh Thiện, ở vào giai đoạn mà âm nhạc Việt Nam có những ca khúc ủy mị của Trịnh Công Sơn thì cũng có một dòng nhạc khác đã nâng tinh thần tuổi trẻ lên, đó là nhạc phục vụ cộng đồng với những ca khúc như “Hy vọng đã vươn lên”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Không phải là lúc”.

Từ đó phong trào du ca ra đời vào giữa thập niên 1960 tại Sài Gòn và năm 1969 được Bộ Giáo dục chính thức công nhận. Phong trào đã phát triển đến các địa phương với những toán du ca ở khu vực sinh hoạt nhỏ hay đoàn du ca ở những địa phương rộng lớn hơn, như Đoàn Du ca Đà Nẵng mà anh Trương Xuân Mẫn có một thời làm đoàn phó và nhạc sĩ Trần Đình Quân là đoàn trưởng. Nhạc sĩ du ca có Nguyễn Đức Quang là con chim đầu đàn, có Bùi Công Thuấn, Trầm Tử Thiêng, Ngô Mạnh Thu, có Trần Đình Quân, Nguyễn Quyết Thắng, Giang Châu v.v…

Buổi hát du ca hôm nay cũng là dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Đoàn Du ca Bắc Cali. Sự thành hình của đoàn, theo lời anh Mẫn, bắt nguồn từ một chương trình văn nghệ do cơ quan IRCC của cựu Đại tá Vũ Văn Lộc tổ chức cách đây tám năm trên sân khấu Foothill Community College. Hôm đó có phần hát du ca với người anh cả Nguyễn Đức Quang, cùng với Trần Anh Kiệt, Đồng Thảo, Nguyên Nhu và Trương Xuân Mẫn. Sau đó anh và một số bạn yêu thích văn nghệ cộng đồng đã tụ họp nhau đàn hát và Đoàn Du ca Bắc Cali được khai sinh.

Nhìn lại sinh hoạt du ca ở miền Bắc California, theo tôi ghi nhận qua 40 năm sinh hoạt cộng đồng ở đây, thì từ cuối thập niên 1970 đã có Toán Du ca Hạc Trắng. Sang đầu thập niên 1980 có Đoàn Du ca Bắc California với các anh Trần Mạnh Hòa, Ngô Thanh Lập, Hoàng Đoàn, Trần Anh Kiệt cùng hơn 50 ca viên và đã tổ chức được nhiều chương trình văn nghệ với ca vũ nhạc kịch rất đặc sắc. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang cũng đã nhiều lần ôm đàn lên sân khấu ở San Jose hát.

Đoàn Du ca Bắc California thời đó cũng đã cùng với Đoàn Du ca Pomona của anh Lưu Văn Lễ, tất cả gần 100 ca viên, tổ chức một chương trình văn nghệ rất hùng tráng tại San Jose Center for Performing Arts với hơn hai nghìn khán giả tham dự.

Nhưng chỉ được vài năm thì Du ca Bắc Cali rã đám khi trở thành Đoàn Văn nghệ Kháng chiến đi theo Mặt trận của Tướng Hoàng Cơ Minh. Từ giữa thập niên 1980 San Jose không còn đoàn du ca nữa.

Cho đến gần đây, dưới sự điều động và hướng dẫn của anh Trương Xuân Mẫn nên lại có Đoàn Du ca Bắc Cali mới, chỉ trùng tên cũ, với những anh chị thành viên là lớp người mới so với thời gian hơn 30 năm trước. Đoàn mới, thành viên mới, nhưng du ca vẫn là những bài hát quen thuộc:

Đoàn chúng tôi đem tình thương đến gieo cho muôn người
Cùng khắp nơi, chân dừng bên khắp bờ non nước
Quyết chí ra đi, mưa nắng không nề chi…
Anh em tôi nhìn mặt nhau giữa đêm dài lẻ loi
Đêm xa xôi, đêm không thôi, tối vô cùng nào ai rõ ai
Xin vươn vai ngó nhau cho gần
Đi hiên ngang bước hai chân trần
Hôm qua ta đớn đau nhục nhằn
Hôm nay ra sẽ tuyên ngôn rằng
Việt Nam này nhất định vẻ vang…


Năm năm qua đoàn đã đem sinh hoạt văn nghệ cộng đồng đến nhiều nơi, từ Hội Tết Fairgrounds đến quán Hội An. Mỗi dịp đến ngày truyền thống của phong trào du ca vào tháng Ba, đoàn lại tổ chức hát ở Le Petit Trianon mà không bán vé vào cửa, mời gọi cộng đồng đến nghe và cùng hát chung với nhau.

Năm nay, ngoài những bái hát du ca quen thuộc của thế hệ đàn anh trong phong trào, các ca viên còn trình diễn những sáng tác mới như “Bài học đầu tiên” của Trương Xuân Mẫn với em Jenny Đan Anh, “Chào đất tôi đi” của Tâm Nguyên qua giọng ca Hoàng Vinh, “Giữ đời cho nhau” của Nguyên Nhu phổ thơ Từ Yên (Việt Nam) qua ba giọng hát Đồng Thảo, Công Dũng và Nguyên Nhu; “30 năm du mục” của Trần Huân với Nguyên Nhu và cả đoàn đồng ca.

Đoàn Du ca Bắc Cali có hơn 20 thành viên (ảnh Bùi Văn Phú)


Các thành viên cón hát những ca khúc quen thuộc trong cộng đồng người Việt hải ngoại như “Một lần đi” của Nguyệt Ánh do Mai Hương trình bày, “Tôi muốn mời em về” của Việt Dũng qua giọng hát Phạm Bách Phi, “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” thơ Trần Trung Đạo, Võ Tá Hân phổ nhạc do Đồng Thảo thể hiện và “Hoàng Sa Trường Sa là của chúng ta” của Vũ Hồng Thịnh được đồng ca.

Đem không khí vui tươi đến cho chương trình là những bài hát dân ca và những điệu hò ba miền.

Phong trào du ca ra đời nửa thế kỷ trước tại miền Nam Việt Nam và chỉ sinh hoạt được mười năm thì bị xoá bỏ vào ngày 30/4/1975 khiến sau đó những anh chị đầu đàn phong trào người bị bắt đi học tập cải tạo, người phải tìm đường vượt biên, vượt biển ra nước ngoài.

Nhưng đến nay tinh thần du ca vẫn còn trong lòng nhiều người Việt ở lứa tuổi 50, 60 hay lớn hơn. Lớp trẻ ngày nay lớn lên trong nước, những thanh niên sinh viên hải ngoại trước đây dù chưa bao giờ biết đến phong trào du ca, nhưng nếu tham gia sinh hoạt cộng đồng và được nghe những câu hát du ca cũng sẽ phải chạnh lòng:

Nhìn non sông tả tơi tình quê hương đầy vơi
Người thanh niên Việt Nam ngậm ngùi
Chờ chi không vùng lên, thiết tha với dân lành
Cứ co ro ngồi sao đành…


Khi phong trào du ca ra đời thì tôi còn là đứa học trò ở trung học đệ nhất cấp, tức cấp 2 ngày nay, và bài hát cộng đồng đầu tiên tôi biết đến là “Không phải là lúc”, được học trong giờ nhạc với thày Nguyễn Xuân Sinh ở trường Thánh Tâm, Ngã Ba Ông Tạ, nay là trường bán trú Tân Bình. Lên cấp 3, rồi vào đại học thích tham gia những giờ thuyết trình, sinh hoạt cộng đồng nên biết thêm nhiều bài hát du ca.

Rời bỏ quê hương ra đi, như nhiều người Việt, tôi không mang theo được gì ngoài di sản văn hóa, là tinh thần của những lời ca, tiếng nhạc phản ánh một thời đất nước cần bàn tay đóng góp của lớp trẻ.

Bây giờ, khi nghe những lời ca từ thời tuổi trẻ vọng về, trong lòng vẫn sôi sục bầu nhiệt huyết với quê hương:

Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng khua nhịp xích kêu loang xoang…


Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang

Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.

Bùi Văn Phú

Nguồn VOA
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn