BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Một bài viết cho báo thiếu nhi

25 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 1377)
Một bài viết cho báo thiếu nhi
53Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.54
1-Duyên Anh và Tuổi Ngọc.

Tại Sài Gòn trước 1975 có rất nhiều báo thiếu nhi, một vài tờ phát hành rộng rãi và lâu dài phần đông do các nhà văn có tên tuổi phụ trách việc biên tập, như Duyên Anh, Nhật Tiến,... Trong một dịp nói chuyện với các thính giả, độc giả cuối năm 2015, người viết bài này đã thổ lộ là trong văn nghiệp của mình, vốn là người “không có thời niên thiếu trong văn chương,” đại ý là như thế. Trước sau chỉ còn tìm thấy... hai bài, mà bài thứ hai chỉ mới được một độc giả gửi cho qua Internet cách đây vài ba tháng! Đó là bài “Một ấu thời hà khắc.” Trang báo độc giả gửi cho có mục “Ngày xưa còn bé,” và đoạn số 2 bài này xuất hiện trong mục ấy.

Một tờ báo thiếu nhi ở Sài Gòn năm 1972: Mây Hồng, không rõ tên chủ nhiệm chủ bút. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Nhìn trang bài, chỉ có một trang, tác giả đoán xem tên tờ báo này là gì, mà không đoán ra, song nghĩ là báo của Duyên Anh, vì mang máng nhớ bài viết sở dĩ có là vì Duyên Anh xin, và do không có nhuận bút, nên bài chỉ dài có một trang. Mang máng nhớ tên báo của Duyên Anh là Tuổi Ngọc. Nhớ như thế là bởi vì khoảng giữa thập niên '60, có lẽ là năm 1965, hai ông tướng đảo chánh Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính xuất bản nhật báo Công Luận, Duyên Anh coi trang trong, có mời tôi viết một truyện dài từng kỳ, Cuối Cùng Em Đã Đến, kéo dài mãi cho đến khi Nguyễn Thị Hoàng in thành sách, dày tới ngót 600 trang. Trong thời gian ấy Duyên Anh thường rủ tôi đi hớt tóc tại một tiệm rất thời trang trên đường Gia Long, và vô số chuyện thời sự văn nghệ chính trường đã được trao đổi. Sau tôi cũng giữ thêm một mục tạp luận trên báo Công Luận, lấy tên là Nhận Đường, mà một hôm Mai Thảo hứa đưa bài, phút chót không viết nổi, tôi phải viết thay, vẫn đề tên Mai Thảo như đã quảng cáo từ trước. Những bài viết trên báo hàng ngày thường là bỏ mất, không ai có thì giờ thu cắt lại, có làm, mà làm cho có mà thôi. Bài “Một ấu thời hà khắc” viết cho báo của Duyên Anh, nửa thế kỷ thấy lại, tôi cứ trầm ngâm, không biết nghĩ sao, vì tâm tình nửa thế kỷ trước không thể nào là suy nghĩ bây giờ, nhưng vẫn là mình!

2-Một Ấu Thời Hà Khắc.

“Tôi phải nhiều can đảm lắm mới dám thú nhận rằng mãi đến năm tám tuổi tôi mới bắt đầu học ABC. Lúc tôi cắp sách đến trường làng, bọn trong lớp tỉnh khô, vì có đứa còn to đầu hơn tôi nữa. Nhưng ba năm sau khi đặt chân lên Hà Nội, bước vào trường tiểu học Đồng Nhân trong khu đền thờ Hai Bà, cái sự bẽ bàng mới đến với tôi, đến trong một đường thẳng sỗ sàng, diễu cợt. Là đứa học trò lớn tuổi nhất, lù lù trên hàng ghế cuối lớp, ngơ ngẩn và lẻ loi, lúng túng, quờ quạng trước một mặt bàn thấp, nhỏ. Nhưng cũng may, nỗi bất hạnh và sự trễ tràng ấy đã khiến tôi học hành khá chăm chỉ, và tập cho tôi được tính nhẫn nhục lạ lùng. Trong những vụ xích mích xảy ra, trong những cuộc đánh nhau không tránh khỏi, tôi luôn luôn bị coi là đứa nhút nhát, ngừng tay khi còn có thể đấm vài quả nữa vào mặt, vào bụng đối thủ cũng là do tính nhịn nhục này. Tôi biết là mình to xác, nếu đánh thẳng tay thì chúng càng ghét bỏ, trêu chọc mình, cho nên tôi cứ lùi, cứ lùi, và chỉ đỡ gạt, để cuối cùng bị coi là to xác mà non gan trong lớp. Một cái khác đỡ đòn cho tôi, giúp tôi cứu vãn chút danh dự trước bạn học, là cái vốn hiểu biết về các chữ khó. Cái này không có gì lạ: Tôi đã được dạy chữ Nho bốn năm trước khi học chữ “ngoại bang.” Ông Nội tôi, cụ Tú tài Hán học Nguyễn Hữu Khắc là người trong cả huyện năm ấy thi đỗ trong khoa thi áp chót của trường Nam Định vào năm 1915. Cụ đã khai tâm tôi bằng Tam Tự Kinh (Kinh ba chữ), “Nhân chi sơ Tính bản thiện Tính tương cận Tập tương viễn Cầu bất giáo Tính nải thiên Giáo chỉ đạo Quí dĩ chuyên...” (Người ban đầu Tính vốn lành Nết vốn gần Tục làm xa Nếu mất dạy Tính bèn đổi Dạy lấy đạo Quí chuyên cần...). Đó là những chữ đầu tiên tôi phải tập đọc, đọc thật to, tập viết, viết cho ngang bằng xổ ngay, và học thuộc lòng vào khoảng từ khoảng giữa bốn tuổi đến sáu tuổi. Học thuộc Tam Thiên Tự (Ba nghìn chữ) cũng thật là vui. “Thiên trời Địa đất Cử cất Tồn còn Tử con Tôn cháu Lục sáu Tam ba Gia nhà Quốc nước Tiền trước Hậu sau Ngưu trâu Mã ngựa Cự cựa Nha răng Vô chăng Hữu có Khuyển chó Dương dê Quy về Tẩu chạy v.v...”

Nếu Thầy tôi không mất sớm có lẽ tôi không phải đâm đầu vào con đường Nho mạt ấy mà học ra rả suốt ngày trên một tấm phản cứng như đá, làm mỏi nhừ một tấm lưng rất tốn vải. Tôi đã không trở thành một Anh Khóa giữa thế kỷ XX là nhờ một ông chú tôi sau khi đi Hà Nội về đã trở thành một ông Nguyễn Trường Tộ nho nhỏ, bắt tôi bỏ bút lông gạt bỏ nghiên mực tàu xé giấy bồi, sau khi cãi nhau với ông tôi một trận kịch liệt. Thế là tôi sáu bảy tuổi không còn phải phết cậy (cậy: keo của một thứ cây) vào giấy mà làm bìa sách, còng lưng đóng và khâu tập và mài mực hay gân cổ thổi bếp than hồng đun nước pha trà khi ông Nội có khách nữa. Tôi được học “Quốc ngữ là chữ nước ta, Con cái nhà đều phải học,” mặc dù ông Nội tôi gọi nó là “chữ của quân bán nước.”

Điều thứ hai mà thời ấu thơ tôi phải khuất phục, cũng vẫn do ông tôi, là sự sửa sang sắc đẹp. Ít nhất cũng có vài lần tôi bị cụ chửi mắng tàn tệ liên miên dai dẳng chỉ vì đã “bị bắt quả tang” đang đứng trước gương. Con trai mà soi gương là đồ vứt đi, đồ vô tích sự, hay là một chữ gì đó còn tệ hơn thế nữa. Tắm xong, thường là nhảy xuống cái ao trước sân, tóc phải vuốt ngược về phía sau, gần như không cần đến lược nữa. Cô tôi, một phụ nữ muộn chồng sống gần cha, nghiện thuốc lào vì suốt ngày quanh quẩn bên ông tôi - có lần đã chải cho tôi một đường ngôi lệch trên đầu - và sau đó hai cô cháu tôi mất vui suốt mấy ngày vì sự canh tân này, vì tiếng chửi rủa đay nghiến cực kỳ hà khắc và tàn nhẫn của một lão ông lỡ thời. Cho đến khi học đệ lục Chu Văn An Hà Nội, tôi vẫn có một cái đầu mái tranh, mớ tóc rủ trước trán cắt vạt đi như góc một tờ giấy. Tuy thế khi ở với chú tôi sau đó ở Hà Nội, mái tóc tôi được săn sóc kỹ càng, láng bóng và dài mượt, có thể vắt lại phía sau được, giống như nhiều chàng hồi ấy, tối ngày thấy hình ảnh tài tử Robert Taylor và cô đào Elizabeth Tayor vẽ lớn trên phông vải trước các rạp xi nê như Ciro's hay cái rạp gì đó ở Chợ Hôm, hình như Đại Nam.

Tôi nhớ mỗi khi đàn chó vừa sủa vang vừa chạy xô ra cổng, cùng với mấy con ngan, con ngỗng giữ nhà, là y như đàn bà con gái trong nhà, mẹ tôi, thím tôi, cô tôi vội vã lẩn vào sau cánh cửa. Nhà có khách, khách đàn ông. Suốt thời gian có khách chỉ có cô tôi - chưa chồng - được xuất hiện đâu đó, thấp thoáng. Những phụ nữ khác nếu có việc gì cần làm, đều phải đi phía xa xa, đi vòng dưới sân phía trước hay vòng quanh nhà phía sau - ngôi nhà năm gian - thêm một nhà ngang. Phụ nữ muốn đi từ đầu nhà tới đầu kia, dù là những lúc thường, cũng không bao giờ được đi trên thềm gạch. Phải xuống sân, đi ra mé sân, rồi mới băng ngang nếu không muốn đi phía sau. Những lúc ấy tôi thấy mình đi tới ngang nhiên, nghĩ cũng oai oai. Phải cho tới khi ra đời, tôi mới quên dần đi một ấu thời hà khắc.

Viên Linh

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn