Ấy vậy, thời này, đâu cần phải chờ bước qua tuổi “tri thiên mệnh” hoà đạo Trời mới nhận ra một xã hội đầy chán chê, tồi tệ, và càng ngày càng tồi tệ…
“… Hiện nay sự tồi tệ của mình nó tràn lan cùng hết, từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Trong nhà trường, thì học trò không biết cung kính mang ơn thầy, mà cũng khổ, có nhiều thầy không biết kính trọng cái thiên chức giáo dục, coi môn đệ là kẻ nạp lương cho mình xài mà thôi. Trong gia đình thì vợ không biết kính trọng chồng, mà nhiều ông chồng cũng không biết thương yêu vợ; con không biết ơn sanh thành dưỡng dục, mà nhiều cha mẹ cũng không cần dạy dỗ con; anh không biết thương em, mà em cũng không biết kính trọng anh, còn xã hội thì quá lắm, mọi người đều đuổi theo một chủ nghĩa này: “Kiếm tiền cho nhiều đặng ăn xài cho ngỏa nguê sung sướng” kiếm tiền mà không ưa cần lao, dùng phương chước tốt xấu gì cũng được, miễn là được đồng tiền là thôi, không kể nhơn nghĩa, không kể liêm sỉ, không kể danh dự.”…
Cụ Hồ Biểu Chánh mà sống lại, cụ sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì lời cụ đặt trên miệng ông Huyện Hàm Tân trong tác phẩm Cư Kỉnh vào năm 1941 không… xi nhê chút nào với xã hội Việt Nam thời Cộng Sản hôm nay. Và, những câu chảnh choẹ khó nghe của các bà Phủ tiểu thư con nhà ngày xưa cũng thua xa các bà Phủ thời hiện đại gốc bần cố nông, ít học, nhưng hãnh tiến một cách trơ trẽn hợm hĩnh với những thú xa hoa ngập ngụa trên đống tiền từ những thủ đoạn đến thần thánh cũng chào thua.
Ngay cả những ông thầy dạy học, người, vốn được xem là biểu tượng của đạo lý truyền thống cũng không ngượng ngập khi tuyên ngôn về triết lý sống theo thời bằng cách: Gạ tình, dâm ô với học sinh hầu đổi điểm, chèn ép đồng nghiệp đủ trò dơ bẩn.
Vào năm 1935. Nhân vật Hà Tấn Phát trong Ăn Theo Thuở Ở Theo Thời đã song tàng “Thiên hạ cư xử thế nào, em cũng cư xử theo họ như vậy. Tuy vậy mà dầu làm theo thiên hạ chớ cái gốc đạo đức em vẫn nắm vững bền, cái lòng nghĩa nhân em vẫn nuôi kỹ lưỡng. … Đối với thiên hạ thì em cũng là một thằng điếm trong xã hội này như họ vậy, nhưng mà thằng điếm có lương tâm, có nhơn nghĩa”. Cái mệnh đề “Thằng điếm có lương tâm có nhơn nghĩa” đời Cộng Sản làm gì có, sau năm 1975 xã hội từ Nam chí Bắc nói đến nhân nghĩa là một điều chua chát, thậm chí có những đứa trẻ tù mù về danh từ này. Ngữ vựng trong đời sống là, ăn chơi, thần tượng, hàng hiệu, người mẫu, hoa hậu, lộ hàng, sex, bán dâm, đĩ đực… Và, nếu giở báo ra xem, hoặc liếc qua những trang điện tử sẽ thấy toàn: Vú, mông, khu, đít, đùi, hoặc những tin tức thật “hot” nhan nhản đủ kiểu con giết cha, vợ giết chồng, hiếp dâm cụ bà, cha lấy con, vợ đốt xác, chặt, chém, giết, băm, vằm … Thật lạnh xương sống!
Giờ, nếu có hàng trăm cây bút như cụ cũng chưa chắc cảm hoá được xã hội này, huống chi hàng chục ngàn cây bút Việt Nam đang chọn cách viết như loài đà điểu.
thụyvi
Nguồn Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn