Trước đó một hai tuần, các ngư dân tại Sầm Sơn, Thanh Hoá, cũng xuống đường chống lại quyết định dẹp bỏ bến neo đậu thuyền đánh cá trong thị xã để lấy chỗ xây dựng các khu giải trí và du lịch. Cuộc xuống đường thu hút cả mấy trăm người với khẩu hiệu “Biển là của dân” và “Trả lại biển cho người dân Sầm Sơn”. Sau hơn 10 ngày đấu tranh căng thẳng, cuối cùng, chính quyền Thanh Hoá phải nhượng bộ. Trong cuộc gặp gỡ với dân chúng vào ngày 7 tháng 3, ông Trịnh Văn Chiến, bí thư tỉnh uỷ, đã công khai nhận khuyết điểm và đồng ý với những kiến nghị chính đáng của người dân. Ông cam kết “Nếu bà con không đồng ý chính sách của tỉnh thì cứ tiếp tục làm như lâu nay”. Mọi người vỗ tay mừng thắng lợi.
Nhớ, vào đầu năm 2015, khi chính quyền Hà Nội chủ trương chặt hạ 6.700 cây xanh, dân chúng cũng xuống đường phản đối dữ dội. Thoạt đầu, chính quyền tỏ ra cứng rắn, hơn nữa, phản ứng một cách rất trịch thượng. Ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo thành uỷ, cho việc chặt cây và thay thế cây trong thành phố là quyết định của các cơ quan quản lý, “không cần thiết phải hỏi ý kiến người dân”. Dân chúng càng phản đối mạnh. Nhóm “Vì Một Hà Nội Xanh” được hình thành. Họ tổ chức các cuộc xuống đường tuần hành khá thường xuyên và gửi kiến nghị đi khắp nơi. Cuối cùng, chính quyền nhượng bộ, ra lệnh dừng việc chặt cây, hơn nữa, còn kiểm điểm các cán bộ có liên hệ đến dự án chặt cây trong thành phố. Phong trào bảo vệ cây xanh đã kết thúc thắng lợi.
Cả ba trường hợp nêu trên chứng tỏ một sự thật đơn giản nhưng hết sức quan trọng: Khi dân chúng đoàn kết và quyết liệt, họ sẽ chiến thắng.
Ai cũng biết chính quyền Việt Nam hiện nay độc tài và thối nát. Họ cấu kết với các nhóm lợi ích để vơ vét mọi quyền lợi vào trong tay. Họ bất chấp các nguyện vọng của dân chúng. Dân chúng bất mãn: họ mặc kệ. Dân chúng phản đối: họ sai công an đến trấn áp. Mà công an thì lúc nào cũng bảo vệ đảng, với lý do, như họ công khai tuyên bố trong câu khẩu hiệu: “Còn đảng, còn mình”.
Dưới sự áp bức ấy, dân chúng chỉ còn một con đường duy nhất: chống đối. Hình thức chống đối phổ biến và tiêu biểu nhất là sự chống đối của những người dân bị cưỡng chiếm đất đai. Từ nhiều năm nay, tại các thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội và Sài Gòn, lúc nào cũng xuất hiện hàng chục người được gọi là “dân oan” biểu tình trước các cơ quan công quyền để đòi lại đất hoặc đòi phải tăng tiền đền bù cho những lô đất hoặc nhà cửa bị giải toả của họ. Các cuộc biểu tình của họ thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng cho đến nay, khó có thể nói là thành công. Có hai lý do chính: Một là số người biểu tình quá ít, thường chỉ vài ba chục người. Hai là tất cả đều là nông dân; nơi đất đai bị cưỡng chiếm là ở nông thôn; trong khi, như là một quy luật, trong thời hiện đại, cách mạng chủ yếu là hiện tượng của thành thị. Chỉ ở thành thị mới có khả năng thu hút đông người. Chỉ ở thành thị mới lôi kéo được giới truyền thông quốc nội cũng như quốc tế. Chỉ ở thành thị những tiếng la phản kháng mới được lắng nghe và do đó, trở thành một sức mạnh uy hiếp chế độ.
May, ngày nay có một phương tiện có thể bù đắp các thiệt thòi của các nông dân: phương tiện truyền thông đại chúng. Trong những năm qua, truyền thông, chủ yếu là các trang mạng xã hội, từ blog đến facebook, đã chứng tỏ tính hiệu quả của nó. Gần đây, vào tháng 2, 2016, một tổ chức bảo tồn thiên nhiên, thông qua facebook, tố giác một vụ xâm hại rừng ở bán đảo Sơn Trà thuộc Đà Nẵng. Lời tố giác của họ đã được lắng nghe và được nhiều người ủng hộ. Thành uỷ Đà Nẵng không thể giữ im lặng được nữa. Họ đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều tra và cuối cùng đã cách chức hai cán bộ kiểm lâm là ông Trần Văn Thanh và Lê Phước Bảy.
Gần đây hơn, vào đầu tháng 3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra công văn với nội dung đuổi học một tuần những học sinh và sinh viên vi phạm luật giao thông. Chỉ thị ấy đã bị phản đối kịch liệt chủ yếu trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trước sức ép của dư luận, Sở Giáo dục đã họp với Bộ Tư pháp và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cuối cùng, đi đến quyết định huỷ bỏ chỉ thị vô lý ấy.
Từ những sự kiện nêu trên, chúng ta có thể rút ra được một số bài học chính:
Thứ nhất, để thắng lợi, các cuộc xuống đường biểu tình cần đến số lượng: Càng đông người càng tốt. Công an có thể đàn áp dễ dàng các cuộc biểu tình lẻ tẻ vài ba chục người. Nếu con số lên đến vài ba trăm, chắc chắn công an sẽ lưỡng lự. Nếu con số lên đến vài ba ngàn, lại tập trung ngay ở những con phố chính, khả năng chiến thắng sẽ rất cao.
Thứ hai, bản thân các phương tiện truyền thông đại chúng, cụ thể nhất là facebook, cũng là một vũ khí rất hữu dụng: Nó khuếch âm các yêu sách của quần chúng và thu hút sự chú ý của mọi người, từ đó, tăng cường sức mạnh cho các cuộc xuống đường biểu tình.
Thứ ba, biện pháp tối ưu để các cuộc tranh đấu được thành công là sự kết hợp của cả hai yếu tố nêu trên: số người và truyền thông đại chúng.
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn