Trong suốt bảy mươi năm (70) cầm quyền của mình thì ĐCSVN luôn có một “đảng cầm quyền trong đảng”. Có nghĩa là một số lãnh đạo có “máu mặt” trong đảng liên kết với nhau tạo thành một thế lực để khống chế toàn bộ ĐCSVN và thông qua ĐCSVN để khống chế hoàn toàn xã hội Việt Nam. Từ HCM đến Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và sau này là Lê Đức Anh và Đỗ Mười.
Nguyễn Tấn Dũng là người được hai ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười bảo trợ nên trong thực tế ông Dũng đã lãnh đạo Việt Nam gần như tuyệt đối suốt 20 năm qua (9 năm làm phó thủ tướng dưới thời ông Phan Văn Khải già nua, mờ nhạt và 10 năm làm thủ tướng). Chỉ trước đại hội 12 vài tháng thì không ai có thể hình dung được là ông Dũng sẽ thất bại vì ông nắm chính phủ, tức là nắm hầu bao của đảng. Chuyện người dân đồn rằng ông Dũng sẽ làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước vì vậy hoàn toàn có cơ sở.
Cũng đã có đồn đoán rằng ông Dũng và ông bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh có ý định “đảo chính cung đình” nhưng không thành với kết quả là ông Thanh “mất tích” từ hồi đi Pháp đến giờ và ông Dũng phải viết đơn “xin rút khỏi ban chấp hành trung ương khóa 12”. Chuyện này có hay không thì sau này khi đất nước có dân chủ người dân Việt Nam mới biết được.
Sau khi loại bỏ được “nhà nước Nguyễn Tấn Dũng” thì “phe thắng cuộc” đã rất nóng lòng để tiếp quản chính quyền chứ không chờ đến hết tháng 5 quốc hội mới nhóm họp. Một loạt các thay đổi nhân sự quan trọng đã diễn ra như cử ông Đinh La Thăng “tiếp quản” Sài Gòn và ông Hoàng Trung Hải về làm bí thư Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh lên làm thường trực ban bí thư…
Có lẽ “phe thắng cuộc” đã thống nhất được với nhau là phải “đổi mới” để cứu đảng nên người dân thấy ông Đinh La Thăng tỏ ra rất năng nổ và nói năng bốp chát chứ không úp mở vòng vo như trước, rồi các quan chức mới đã bắt đầu “thăm hỏi” các đại gia sân sau của chế độ cũ… Các cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và thành phố “cũ-mới” cũng bắt đầu quay 180 độ, tố cáo lẫn nhau như vụ xây biệt thự trái phép ở Ba Vì hay vụ lãnh đạo hải quan và công an TP HCM đổ lỗi lẫn nhau.
Một cuộc “thanh trừng” như “đả hổ đập ruồi” kiểu Tập Cận Bình phiên bản Việt Nam sẽ diễn ra. Nhiều quan chức cao cấp, nhiều đại gia và nhiều sai phạm động trời sẽ được phanh phui và đưa ra công luận sau khi quá trình “tiếp quản” chính phủ của phe thắng cuộc được “kiện toàn”.
Phe thắng cuộc có quá nhiều lý do để làm việc đó. Khi triều đại thay đổi thì bộ máy của nó cũng phải thay đổi. Bao nhiêu lợi quyền nằm trong tay phe thua cuộc phải bị thu hồi về cho phe thắng cuộc. Kinh tế xuống dốc, nạn tham nhũng và núi nợ công ngập đầu… cũng cần có người chịu trách nhiệm.
Theo thông lệ từ xưa đến nay, khi các quan chức Việt Nam từ lớn đến bé về hưu coi như được “hạ cánh an toàn” dù trước đó có bao nhiêu lỗi lầm hay sai phạm đi chăng nữa. Sở dĩ có chuyện này là do suy nghĩ tiểu nông “đẹp khoe xấu che, xấu chàng hổ ai, không vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng lần này qui ước bất thành văn này sẽ bị phá bỏ. Việc đưa ông Đinh La Thăng vào tiếp quản Sài Gòn cũng là sự phá lệ. Sau 1975 thì cán bộ ngoài Bắc vào miền Nam làm việc thì cho dù giỏi đến mấy cũng chỉ làm được đến cấp phó còn cấp lãnh đạo phải nhường cho người địa phương (chẳng hiểu cái qui ước ngầm quái gở này từ đâu mà ra nhưng nó đã được thực thi gần 40 năm qua tại miền Nam).
Việc ông Trọng chiến thắng trong đại hội 12 là ý chí và mong muốn của đa số cấp lãnh đạo trong đảng chứ không phải do một mình ông Trọng. Ông Dũng đã mắc quá nhiều sai lầm mà ngay cả các đồng chí của ông cũng không thể chịu được ông thêm nữa. Từ nay trở đi đảng CSVN không còn người giật dây đằng sau nữa nên dù muốn dù không ban lãnh đạo đảng CSVN cũng phải chơi trò “dân chủ”, dù họ không muốn và không biết phải làm như thế nào.
Chúng ta có thể thấy một điều rất rõ là các vị lãnh đạo đảng CSVN cứ “phát ngôn” ra câu nào là sai câu ấy và bị người dân chửi cho te tua. Chung qui vì họ được giáo dục sai từ gốc, cái gốc đó là sự toàn trị của chủ nghĩa Mác-Lênin. Các tiến sĩ “made in Vietnam” đều tốt nghiệp trường đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện HCM). Họ không biết và không được học về dân chủ nên trình độ của họ tụt hậu khá xa do với chính người dân Việt Nam có chút hiểu biết. Trong tư duy của họ thì đảng CSVN là cha mẹ của dân và người dân không có quyền đòi hỏi gì ở họ.
Khái niệm “cạnh tranh chính trị” không có trong đầu họ vì họ độc quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1945 đến giờ. Chính vì không có sự cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa ĐCSVN và các đảng phái khác nên đảng CSVN một mình một chợ, tha hồ múa gậy vườn hoang. Họ có làm sai hay nói sai thì cũng đâu có sao vì không có ai trừng phạt được họ. Cũng vì không có sức ép bị thay thế từ các đảng chính trị đối lập nên ĐCSVN không thể tự nào thay đổi được bộ máy chính quyền đã nhiễm căn bệnh ung thư di căn là nạn tham nhũng từ trên xuống dưới. Một ông Thăng chứ đến mười ông Thăng cũng không làm gì được. Cả hệ thống sẽ chống lại ông dù bề ngoài họ tỏ ra tuân phục.
Lời đồn đoán về một cuộc “đảo chính cung đình” không ai biết rõ nhưng có điều mà ai cũng thấy là ban lãnh đạo mới của ĐCSVN có rất nhiều người xuất thân từ công an và quân đội. Phải chăng họ đề phòng các cuộc đảo chính trong tương lai? Điều này cũng không ai biết nhưng rõ ràng là Việt Nam đã trở thành một “nhà nước công an trị” với hai trường hợp điển hình là hai ông tướng công an Trần Đại Quang và Nguyễn Đức Chung giữ chức chủ tịch nước và chủ tịch Hà Nội. Những người công an được giáo dục dưới chế độ cộng sản sẽ không có các khái niệm như phục vụ, bao dung và đối thoại. Trong mắt họ thì người dân oan bị mất đất cũng là “kẻ thù”, ông Nguyễn Đức Chung đã nói rằng dân oan nhận tiền nước ngoài để đi khiếu kiện.
Việc ông Trọng đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn phải ngồi lại ghế đảng trưởng chứng tỏ là ĐCSVN đang bế tắc và bế tắc lớn nhất đó là về đường lối và tư tưởng. Báo cáo chính trị của đại hội 12 vẫn khẳng định tiếp tục con đường tiến lên “chủ nghĩa xã hội” với học thuyết Mác-Lênin. Không phải ĐCSVN không biết đây là một ảo tưởng nhưng một ảo tưởng hoang đường vẫn còn hơn là không có gì. Nếu từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin thì ĐSCVN sẽ hoàn toàn trần truồng về tư tưởng. Chính vì thế mà vai trò của các “lý thuyết gia” được đặc biệt đề cao vì trong một đám người mù thì thằng chột vẫn khá hơn tất cả và phải làm vua. Ông Trọng tiếp tục được “tín nhiệm” là vì lẽ đó. Đừng quên ông Trọng từng làm tổng biên tập “Tạp chí cộng sản” và sau đó là “Chủ tịch hội đồng lý luận trung ương”. Tóm lại ông Trọng là người đọc và hiểu nhiều nhất về chủ nghĩa cộng sản dù rằng ông từng nói là “không biết đến hết thế kỷ này có xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay không”.
Một điều rất đáng nói là trong lúc ĐCSVN bị khủng hoảng nặng về tư tưởng và đường lối phát triển đất nước thì phong trào dân chủ Việt Nam cũng lại bỏ qua vấn đề quan trọng tối thượng này. Muốn thuyết phục người dân từ bỏ đảng CSVN thì phải thuyết phục được họ về một tương lai mới với các giá trị tiến bộ như dân chủ và tự do. Cuộc thay đổi nào cũng đau đớn và kéo dài vì vậy muốn người dân ủng hộ thì phải làm cho họ hiểu và biết được những đoạn đường và tiến trình mà dân tộc phải trải qua để có được một tương lai tươi sáng.
Hay nói cách khác, một phong trào tư tưởng phải đi trước để dẫn đường cho một phong trào cách mạng. Ông tổ của cộng sản, một kẻ khủng bố thành công nhất mọi thời đại là Lênin cũng từng nói “không có lý thuyết cách mạng thì sẽ không có phong trào cách mạng”. Chủ nghĩa độc hại và hoang tưởng của Mác có lẽ sẽ vô hại và ngủ yên trên kệ sách của các thư viện cũ nếu chúng không rơi vào tay Lênin.
Việc cần làm nhất trong lúc này của phong trào dân chủ Việt Nam và những người ưu tư với đất nước đó là hãy đồng thuận với nhau về một con đường, một phương pháp và một dự án xây dựng tương lai chung cho dân tộc Việt Nam. Chỉ khi nào phong trào dân chủ thống nhất được với nhau về một lập trường chung căn bản như vậy thì khi đó mới có thể thuyết phục được người dân để họ ủng hộ. Ngay cả trong phong trào dân chủ Việt Nam vẫn còn tồn tại một khuynh hướng đấu tranh là “hợp tác với chế độ để thay đổi từ bên trong”. Chúng ta nên thành thật và thẳng thắn để nói với nhau rằng điều này là hoàn toàn ảo tưởng. ĐCSVN sẽ không bao giờ thay đổi và họ đã nói rõ điều đó. Họ chỉ thay đổi khi trước mặt họ có một tổ chức và một phong trào dân chủ hùng mạnh, khi đó họ không muốn cũng không được. Cũng chỉ khi đó ĐSCVN mới chấp nhận đối thoại và thỏa hiệp. Việc đối thoại và thỏa hiệp là công việc và chức năng của một tổ chức chính trị chứ cá nhân không có tư cách để làm việc đó. Lý do rất giản dị “đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân với nhau”.
Như vậy, ông Trọng và sự nỗ lực “cải cách” của chính quyền mới sẽ nhanh chóng thất bại. Không một phép màu nào có thể cứu được đảng CSVN. Họ chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là sẽ làm tác nhân hoặc là nạn nhân của một sự thay đổi bắt buộc phải đến. Các trí thức có tâm và tấm lòng với đất nước trong nội bộ ĐCSVN nên sớm nhận ra điều này để tìm đến với nhau và tìm đến với một tổ chức chính trị dân chủ đối lập thật sự đứng đắn và có viễn kiến để cùng nhau thay đổi dòng lịch sử.
Một tài liệu quan trọng và bổ ích để cùng tạo ra một đồng thuận chung cho phong trào dân chủ Việt Nam đó là cuốn sách “Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai” Khai sáng kỷ nguyên thứ hai. Chỉ cần khoảng một phần trăm (1%) người Việt Nam (một triệu người) đọc và chia sẻ với các giá trị trong cuốn sách này thì Việt Nam sẽ có dân chủ.
Việt Hoàng
Nguồn Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn