BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76742)
(Xem: 63128)
(Xem: 40526)
(Xem: 32151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cảm nhận về Dấu Binh Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam

14 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 2391)
Cảm nhận về Dấu Binh Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam
510Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
510
Tôi đọc Dấu Binh Lửa do nhà xuất bản SỐNG tại Nam Cali tái bản năm 2015 trên giấy trắng đục, loại giấy thích hợp cho những tác phẩm văn chương.

Sách dày 300 trang, gồm 23 bài ký sự về cuộc chiến tự vệ mà tác giả từng tham dự trong trách nhiệm một Thiếu úy Trung đội trưởng và rồi một Đại úy Đại đội trưởng Nhảy dù, trải dài trên khắp 4 Vùng Chiến thuật, từ Bến Hải cho tận Cà Mâu thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Hai mươi ba (23) bài bút ký chiến tranh đó (không kể bài tựa Viết/Sống Là Một- trang 9) cũng là một bức tranh tổng thể, vẽ nên một miền Nam non trẻ, cam chịu “dấu binh lửa” đến tận cùng bi thảm và khốc liệt, trong giai đoạn từ tháng 11 năm 1963 (Đến Đơn Vị Mới- trang 25) cho đến tháng 2 năm 1970 (Đi Về Hướng Tây – trang 249), vẫn bền bĩ chống trả và vươn lên để được sống còn. “Nhưng cũng trong lúc này, những lúc vỡ nát toàn diện quê cha, tôi cũng được nhìn tận mặt sức phản kháng im lặng nhưng quyết liệt đối với định mệnh của một lớp người dù trong cuối đáy khổ cực, vẫn tin tưởng sắt son đến từng bụi cây khóm cỏ” (Những ngày dài trên quê hương – trang 167)

Mỗi bài viết nói lên một câu chuyện, một cảnh đời trung thực, từ quân ta, quân đồng minh đến quân thù. Từ Saigon, Đồng Xoài, Long An, Kiến Hòa, Bình Dương đến Đông Hà, Huế, lên tận Dakto Komtum Pleiku…Mỗi bài viết cũng là đoạn phim sống động, kéo tâm tưởng của tôi, cũng là một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, như sống lại một giai đoạn tang tóc trên quê hương điêu tàn.

Tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng của mình, người đọc sẽ cảm nhận từng giòng từng chữ như còn đượm mùi tử khí, khói súng, nỗi uất hận cũng như nước mắt của tác giả. Trong muôn vàn những đổ nát qua Dấu Binh Lửa, tôi cảm nhận cho riêng mình những nét chấm phá trong bức tranh bi tráng đó là, sự tàn độc của chiên tranh, tình quê tình nước tình nhà và tính nhân bản của người chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa….

Đành rằng, phía cộng sản Hà Nội phát động cuộc chiến xâm lược miền Nam, nhưng điều ác độc và vô lý là họ đã tiến hành cuộc bắn giết đồng bào mình một cách thản nhiên, thậm chí còn hí hững và man rợ hơn cả mãnh thú. Như pháo kích vào trường học, chợ búa, đặt mìn xe đò. Như những đợt pháo tới tấp đuổi theo cuộc lui binh của quân dân Quân Đoàn 2 từ Pleiku về Tuy Hòa trên Liên tỉnh lộ 7b, khởi hành từ rạng sáng ngày 16 tháng 3 đến ngày 25 tháng 3 năm 1975, gây tang tóc cho biết bao dân lành vô tội: “Hai trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục ngàn người”. 200.000 trừ đi 60.000 vậy đã chết bao nhiêu?”. (Hậu từ về Pleiku – trang 142).

Sau một thời gian lao vào lửa đạn trên khắp các chiến trường, tiếp cận với sự chết trong gang tấc, với xác chết sình thối bốc mùi, với thịt xương và máu mủ của đồng đội cũng như với quân thù, tác giả, người sĩ quan Võ bị Đà lạt 25 tuổi, như thể tìm được đáp số của sự tàn ác là, khi con người bị buộc phải sống trong điều kiện thiếu ánh sáng lẫn tình cảm riêng tư, sẽ nảy sinh trạng thái ẩn ức tâm sinh lý. Nhận xét của tác giả về những cán binh cộng sản sống chui nhủi trong mật khu như sau: “…Mắt của các anh hết còn là mắt người. Đấy chỉ là đôi ngươi khép mở khi thức, ngủ. Đúng như vậy, vì các anh đã mất ý niệm của thị giác, của tất cả các giác quan con người. Các anh hết tính người. Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao các anh hung hăng khi tác chiến. Tôi biết rổi…Đấy là lúc các anh đang sống lại. Súng nổ đạn bay, tiếng bom, ánh lửa, một thúc đẩy mới, thổi bùng lại trong người các anh những phản ứng bao ngày bị cùn, bị chặt. Chỉ xung phong khi giao tranh, các anh mới tìm được nỗi vui vì được giết, được bắn, được vung vẩy tay chân, được lập lại phản ứng của con người – Được biết thế nào là sợ”. (Nghĩ về người ở mật khu – nơi không sinh khí – trang 195).

Cái ác của người cộng sản được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể do chủ thuyết hoang tưởng và do tuyên truyền nhồi sọ và xuyên tạc,“thề phanh thây uống máu quân thù”. Dù vậy, nhận xét trên đây của người lính viết văn Phan Nhật Nam, dù rất trẻ, vẫn mang một giá trị bất ngờ.

Phan Nhật Nam


Mỗi trang sách đều phảng phất mùi tử khí. Chết trên chiến trường. Chết vì tên bay đạn lạc. Chết vì dịch hạch. Chết vì đói rét, v.v... Qua Dấu Binh Lửa, tôi bàng hoàng như chứng kiến cái chết hốt hoảng trong tư thế ngồi của gia đình ông Từ (người giữ nhà thờ) gồm 2 vợ chồng và 3 con nhỏ khi ông đem cả gia đình vào trốn (cộng sản) dưới chân bệ thờ Chúa (Người chết dưới chân Chúa – trang 39). Và hiển nhiên, cái chết của những người thân yêu vẫn mang đến cho những ai liên hệ nỗi bàng hoàng sâu lắng. Tôi như chết lịm trước mỗi chữ mỗi dòng trong “Những ngày gãy vụn – trang 97”, bởi vì qua đó, tôi như chứng kiến cái chết của rất nhiều đồng đội thân yêu của chúng tôi, như các thiếu úy nhảy dù Nguyễn Ngọc Khiêm, Trần Văn Ký.v.v…, thuộc khóa 17 Trường Võ bị Quốc gia, cách riêng, thiếu úy nhảy dù Trần Trí Dũng, khóa 18, đã hy sinh trong trận Đồng Xoài qua ghi nhận bi thảm của đồng môn Phan Nhật Nam: “Nhưng giờ đây, tất cả dạng hình tươi trẻ sống động của Dũng với lúm đồng tiền trên má không còn nữa. Kéo fermatur bao đựng xác – bạn anh, người bạn ấu thơ của Đà Nẵng hơn mươi năm trước bây giờ chỉ là một thây xác sùi xụp nước nhờn tím thẩm hôi hám. Có chăng được phần an ủi, xác Dũng còn nguyên dạng hình chưa bị vữa nát. Buổi đá banh năm xưa ở Sân Vận Động Chi Lăng làm sao tưởng ra tình cảnh nầy Dũng ơi?!” (Hậu từ trận Đồng Xoài, 1965 – trang 111).

Chiến tranh là tàn phá, tàn phá toàn diện, trong đó có nếp sống dung dị của người dân vốn mộc mạc thanh bần. Tại các địa điểm dừng quân và đóng quân, kể cả quân đồng minh, đã nẩy sinh tệ nạn xã hội và tôi thật sự xót xa cho những thân phận ngặt nghèo vì cuộc sống nầy.

Về mặt khác, chiến tranh đã đẩy tác giả vào khắp các mặt trận và anh đã không bỏ lỡ cơ hội để ghi nhận được nhiều sắc thái của mỗi địa phương. Âu đó cũng là một loại “bằng Tưởng Lục” ban thưởng cho người lính viết văn. Một trong những bút ký tuôn trào “tình quê” và “tình nhà” mà tôi cảm nhận được tình cảm tha thiết chân thành của tác giả, là bài “Quê hương và người Huế”: “…Nơi này, cha mẹ tôi đã thương yêu nhau trong cảnh chết, tiếng nổ trên đầu, viên đạn rạch không khí bay xuyên tim người dưới đất. Nơi này cha mẹ tôi đã lấy sức mạnh xác thân và tình thương mang tôi qua gió bảo”

“Hôm nay, mùa đông 1967, tôi đi qua, trên đất như có hồn, cỏ có dấu vết, biết đâu mẹ tôi đã ngừng ở đây, lấy nón quạt cho tôi, cha tôi đã cúi mình trên bờ mẫu để gạn lấy phần nước trong mát nhất cho con. Giòng nước luôn trôi chảy, mẹ cha làm sao biết được hơn hai mươi năm sau đứa con trở lại một lần nhìn xuống để thấy gương mặt thật của mình trên suối dòng bất diệt quê hương” (trang 207).

Một người con đạo hiếu, sẽ là một công dân lương thiện, một chiến sĩ can trường và nhân hậu. Người lính địa phương quân tại mặt trận Phú Thứ (Thừa Thiên), xin phép vượt lửa đạn về căn nhà đổ nát của ông anh để tìm hai đứa cháu gọi bằng chú, đứa 6 tuổi, đứa hơn ba tuổi mà cha mạ chúng đã thất lạc, rồi người lính quyết bảo bọc hai cháu trong suốt cuộc hành quân. Hỏi lòng nào không chùng xuống khi chứng kiến cảnh đau thương nầy: “Người lính móc từ ba-lô nắm cơm gói bằng giấy báo, hai đứa bé ăn trong nháy mắt, thằng lớn cầm mảnh giấy trên lè lưỡi liếm sạch từng hạt cơm còn sót lại. Tội nghiệp quá mấy em ơi! Tôi đưa tay vuốt đầu thằng nhỏ, tóc nó cứng như một thứ rễ cây. Khốn khổ cho mấy em biết mấy, ba tuổi đã phải trốn trong căn hầm tối tăm, ẩm thấp, nhịn đói, nhịn khát đã hai ngày, ba tuổi chưa biết cởi chiếc quần để đi tiểu, nước tiểu đọng vàng ố mảng quần…Tương lai nào cho các em, đứa sáu tuổi đã biết ôm em vào lòng, mắt nhìn lên miệng hầm đen chờ đợi một trái phá, một tràng súng chấm dứt đời chưa kịp được ngày trong sáng…Ôi các em! Người tôi căng như trên đóng than hồng, nhỏ từng giọt máu xót xa!! Đau thương biết mấy hả trời…” (Những ngày dài trên quê hương – trang 163).

Tính nhân bản của người lính chiến miền Nam là có thật, do trưởng thành và được đào tạo trong một xã hội và trường lớp nhân bản. Tại làng An Quảng (Bồng Sơn Tam Quan) hoang vắng, mọi nhà đều đóng cửa, có tiêng khóc trẻ nít từ một ngôi nhà nhỏ. Hóa ra, 3 trẻ khóc vì cha mẹ chúng đã chết vì dịch hạch, đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất khoảng 4 hay 5 tuổi. Những chiến sĩ của Tiểu đoàn 9 Nhảy dù đã giúp chôn cất hai vợ chồng xấu số: “Ba đứa bé đứng lặng nhìn những người lạ chôn xác cha mẹ chúng với đôi mắt trợn trừng của những con vật sắp chết…Tôi ngồi xuống ôm thằng bé nhất trong tay, lòng khô như bãi cát dưới trưa nắng. Thôi cho mấy em mấy hộp thức ăn nầy, anh đi. Quân kéo xa khỏi làng, bóng ba đứa bé mờ dần trong sương chiều như hờn oan” (Những ngày thê thảm – trang 153).

Có quá nhiều hình ảnh đau thương trong Dấu Binh Lửa, qua đó, cũng có quá nhiều uất hận mà người lính cộng hòa nói chung, người lính nhảy dù Phan Nhật Nam nói riêng, đành chịu đựng lặng lẽ trong uất ức. Một trong những uất ức đó là một hậu phương biểu tình rối loạn không phải vì đại cuộc mà vì quyền lợi phe phái, kể cả tôn giáo, bất kể sự hy sinh xương máu của người chiến sĩ nơi tiền tuyến. Đám biểu tình chửi bới các người lính từ chiến trường được điều về thành phố để chống biểu tình, trong đó có tác giả, bằng những tiếng chửi tục tằn thô lỗnhư thể họ bị giật giây hay mua chuộc. Điều ngược ngạo đó đã làm tác giả căm giận, ông nghĩ rằng, máu và sinh mạng của ông và đồng đội của ông đã đổ ra không phải cho một hậu phương vô ơn như vậy. (Một chịu đựng lặng lẽ- trang 53). Ông đưa tay vào túi đựng băng đạn vừa tháo ra khỏi súng với một thoáng liều lĩnh, nhưng may thay, ông nén được cơn giông bảo trong lòng, vì rằng, đi lính là chịu đựng, nỗi chịu đựng không bờ bến! (Trong cơn bi phẫn - trang 47).

Bên cạnh những chịu đựng không bờ bến đó cũng còn có những phần thưởng đằm thắm dù chỉ một tiếng “dạ thưa” của người dân ở địa đầu giới tuyến. Khi đoàn quân đến một vùng thuộc Quảng Trị, gặp một nhánh sông nhỏ không biết tên, bèn hỏi một cô giáo địa phương:

“Sông gì?

Dạ thưa, sông Thu Rơi,

Sông Thu Rơi. Tôi cười…Cô nói đùa hay thật?

Dạ thưa sông Thu Rơi”.

 “Dạ thưa sông Thu Rơi. Tôi rưng rưng cảm động. Ai đã đối thoại với lính lễ độ, kính nể đến như vậy” (Quê hương và nguời Huế - trang 206)

Võ Ý


Tôi và Phan Nhật Nam là bạn học thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng, và là đồng môn tại quân trường Võ bị Quốc gia Việt Nam, cách nhau một khóa. Trò Phan Nhật Nam đã tỏ ra sôi nổi từ thời trung học. Cao điểm của sự sôi nổi là khi anh phụ trách kéo cờ trong lễ chào cờ sáng thứ hai tại sân trường vào năm 1955-1956 và tôi phụ trách hô chào cờ. Thay vì kéo cờ từ từ lên tới đỉnh vừa đúng lúc chấm dứt bài quốc ca “rằng ta giòng giống Lạc Hồng”, anh bất ngờ kéo cái rẹt, cờ lên tới đỉnh trong khi bài quốc ca mới bắt đầu, làm cả trường ngỡ ngàng lo lắng. Dĩ nhiên, hành vi “vô kỷ luật” nầy đã được trả giá, trò Nam bị phạt nghỉ học một tuần thì phải.

Tôi bất ngờ gặp Dấu Binh Lửa trong một tiệm sách trên đường Độc Lập vào năm 1965 khi tôi phục vụ Phi Đoàn 114 đồn trú tại phi trường Nha Trang. Bất ngờ là tôi không ngờ, bạn tôi lại tài giỏi như vậy, vừa đánh giặc lại vừa viết được cả sách nữa!. Không phải một cuốn, mà rất nhiều cuốn tiếp theo sau. (*)

51 năm sau (1965-2016), tôi đọc Dấu Binh Lửa trong hoàn cảnh cũngbất ngờ thú vị là tác phẩm được các độc giả tâm huyết tự nguyện dịch sang tiếng Pháp và chúng tôi cùng sống dưới một mái nhà tại thành phố Westminster, tiểu bang California!

Mạch văn trong Dấu Binh Lửa tuôn trào như suối nguồn, nhẹ nhàng, hồn nhiên và tôi như thấy lại tính sôi nỗi của anh thuở nào. Dấu Binh Lửa cũng là lời tiên tri:

Dấu binh lửa nước non như cũ/ Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương

Phận trai già ruỗi chiến trường/ Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về.

(Chinh Phụ Ngâm)

Sau 04/1975, Phan Nhật Nam chịu chung cộng nghiệp với dân tộc và đồng đội của mình. Và anh, mái tóc điểm sương mới về, sau 14 năm đọa đày trong ngục tù cộng sản! Tôi tưởng anh “hóa điên” sau Dấu Binh Lửa và sau những oan nghiệt và uất hận của biển dâu, nhưng không, Phan Nhật Nam vẫn an nhiên sống, vẫn thủy chung, trung hậu với chữ nghĩa và với trách nhiệm vô hình của người chiến sĩ Tự do cầm viết. Kiếm được đồng nào thì chia xẻ với những kẻ khốn cùng và với đồng đội năm xưa còn lây lất tại quê nhà…

Tôi thấy thương và quý trọng bạn tôi hơn, người lính dù viết văn Phan Nhật Nam!

Bắc Đẩu Võ Ý

Westminster, 03/2016
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn