BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76377)
(Xem: 63036)
(Xem: 40426)
(Xem: 32020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thương nhớ Lương Thúc Trình

15 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 2884)
Thương nhớ Lương Thúc Trình
52Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
43

(Giáo Sư Trung Học – Đại Úy Thiết Giáp, sĩ quan Chính Huấn trường Thiết Giáp 1965-1970)


Năm học 1949 – 50, Lương Thúc Trình ở lại lớp Nhì, tôi từ lớp Ba lên, chơi thân với nhau từ đó cho đến khi tôi vượt biên năm 1989. Chẳn chòi 40 năm.

Trình người làng Phước-Tích, thường gọi là làng “đôộc-đôộc”, ở gần làng Vân-Trình là làng nổi tiếng con gái đẹp, quận Hải Lăng, trên đường từ Mỹ-Chánh về Thanh Hương. Làng của Trình có nghề truyền thống làm đồ gốm như lu, vại, trách (tréc), nồi, ấm, v.v…

Anh là con nhà quan, bố là ông Nghè nhưng ông Nghè mất sớm. Vì vậy, khi còn nhỏ, anh được gọi là cậu ấm (con quan). Tôi thường gọi đùa Trình là “Cậu ấm sứt vòi”. (Thứ ấm đất thường dùng nấu nước sôi, sản phẩm của làng Phước-Tích, dùng lâu thường bị sứt vòi). Tuy là con nhà hàn mặc nhưng bao giờ Trình cũng ăn mặc sạch sẽ, có thể gọi là “diện” và căn nhà lá nhỏ nhưng rất sạch sẽ của anh, bên bờ hồ đối diện tư dinh ông Thái Văn Toản, là nơi chúng tôi thường gặp nhau, nói chuyện, hát chơi với nhau. Khi tôi hát thì Trình đánh đàn. Còn tự anh thì vừa hát vừa đàn.

Hồi còn trẻ, Trình có một cô bạn người Pháp, tên là Louise, dân Paris chính hiệu. Hai người chơi correspondence, thường qua lại thư từ với nhau. Cũng lúc ấy, tôi thường thấy nhiều buổi chiều anh ôm đàn Guitar ngồi dưới giàn mướp trước sân nhà anh, hát bài “Johny Guitar”. Tôi tưởng anh sính dùng tiếng Tây nhưng tôi đã lầm. Một hôm, tôi yêu cầu anh hát một bài hát nào anh thích nhất, tôi nghĩ là một bài tiếng Pháp như “Tristesse” hay “Serenata” chẳng hạn. Anh làm theo lời tôi, nhưng thay vì hát một bài ngoại quốc, anh lại hát cho tôi nghe bài “Quê Nghèo” của Phạm Duy. Tôi ngạc nhiên hỏi, anh nói một câu thật sâu sắc, thấm thía, tôi còn nhớ tới bây giờ: “Hát lời Anh, lời Pháp là hát từ trí óc. Hát tiếng mẹ đẻ là hát từ con tim.”

Như trong bài viết về nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tôi có nói Trình được anh Hoàng Nguyên truyền nghề đánh đàn Espanol cho. Năm anh học Đệ Tứ tại trường Trung Học Quảng Trị, sau nầy có tên là Nguyễn Hoàng, cô Trần thị L., dạy Toán, thường biểu anh ta hát cho cả lớp nghe khi có giờ trống. Bài ruột của Trình lúc đó là “Ghen”; anh ta nhìn cô giáo và bắt đầu bằng câu “Hỡi cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi!” khiến mấy đứa bạn nhìn cô giáo mà cười. Có phải chúng nó cười vì một thằng nhóc mà hát chuyện “yêu đương” hay chúng có ý nghĩ “đen tối” nào khác? Mỗi khi Trình kể chuyện đó, – mà anh rất hay kể chuyện nầy cho tôi nghe -, hỏi Trình lý do tại sao “mi còn nhỏ mà hát bài đó?” thì anh ta chỉ cười.

Trình rất hiền, tôi chưa bao giờ thấy anh ta nổi giận hoặc cau có. Thậm chí nhiều khi tôi “mi tau”, – mà tôi rất thường mi tau với anh ta -, anh cũng chỉ cười. Ngày 20 tháng 8 năm 1954, ngày ngưng bắn đầu tiên tại miền Trung theo hiệp định Genève năm 1954, Hoàng Xuân Định rủ tôi và Trình, Hồ Diện đi cửa Việt chơi. (Lại Hoàng Xuân Định rủ rê!). Chúng tôi chỉ có ba xe đạp. Định, Diện đi một mình, còn tôi phải chở Trình cả đi lẫn về. Đường xa và mệt, nổi cáu, tôi chưởi thề “đ. mạ” lung tung. Trình cũng chỉ cười. Còn anh ta đòi chở tôi thì tôi lại không chịu. Bao giờ anh ta cũng “dáng em gầy gầy”. Nếu anh ta chở tôi thì ngồi đằng sau thấy cái lưng ốm nhom của anh, trông thảm lắm, tôi lại không chịu được!

Năm 1958, tôi và Trình thi tú Tài 2.

Kỳ hai, tôi mới đậu thi viết (Trình đậu thi viết từ kỳ 1), cả hai cùng vào vấn đáp. Tôi may mắn được điểm sử địa rất cao, bù cho các điểm khác, mặc dù người hỏi tôi là ông Lê-Khắc Phò, nổi tiếng khó. Còn Trình, khi vào thi vạn vật, gặp ngay “hung thần” Vũ Đình Chính.

Năm trước, 1957, viện Đại Học Huế mới mở, cần sinh viên, lại gặp cha Luận làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Khảo. Cha lại mới được bổ nhậm làm Viện Trưởng Đại Học Huế, nên khi kêu bảng vấn đáp, giám khảo chỉ đọc tên những người đậu ưu, bình hay bình thứ, “Còn tất cả đậu hết, không ai hỏng” (Câu của Giám Khảo hô bảng), nên tỷ số đậu rất cao. Năm sau, bộ Giáo Dục “xiết thòng lọng” thí sinh Tú Tài 2 ở Huế. Nạn nhân đau đớn nhất là Trình.

Ông Chính ra cho Trình một câu: “Sự tiêu hóa lipit”, chữ “pít” ông xì một tiếng nghe rất kêu, như tiếng xú bắp xe xả hơi, xong rồi chắp tay sau đít đi quanh phòng, chẳng thèm nghe Trình trình bày gì cả. Vả, như Trình kể lại: “Học trò ban B như mình mà hỏi vạn vật như rứa thì biết chi mà nói. Mình không nói được chi hết”. Kết quả là một con zéro to tướng. Phải ba năm sau, Trình mới vượt được Tú Tài 2.

Năm đó, hỏng oral, Trình về dạy ở trường Phước Môn Nữ của linh mục Nguyễn Cao Lộc, trường ở trong khuôn viên nhà thờ Thạch-Hãn.

Anh có một người yêu, tên là Ph., học trò của Trình, khá đẹp. Cuối cùng thì mối tình ấy tan vỡ. Tôi không hỏi lý do. Trước đó, Trình cũng có một mối tình khắn khít với một cô y-tá, lớn tuổi hơn Trình, tuy không đẹp lắm nhưng rất có duyên, làm việc tại bệnh viện Quảng Trị. Cô nầy là con gái ông hiệu trưởng một trường Trung Học ở Quảng Trị lúc đó, đã có chồng đi tập kết.

Trình lại thường kể chuyện hai người hẹn hò nhau cho tôi nghe. Nhiều tối, họ rủ nhau đi chơi dọc theo các con đường nhỏ và vắng trong làng Thạch-Hãn. Tới chỗ vắng, hai người ôm nhau hôn, nhưng mắt mỗi người nhìn một hướng canh chừng, lỡ ai đi tới bất tử. Anh ta cũng dạy cho tôi cách hôn như thế, mỗi khi tôi và H. hẹn nhau đi chơi theo những con đường làng mà Trình và cô bồ anh ấy đã đi.

Thời ấy, hôn nhau mà để người khác thấy là “dị” lắm, có khi là một trọng tội vì chưa… cưới.

Sau khi thôi dạy ở Phước Môn Nữ, Trình đi học lại, khi học khi nghỉ vì gia đình khó khăn hoặc anh tìm không ra nơi làm “giáo tại gia”. Tôi đi dạy 10 năm rồi nhập ngũ năm 1968. Trong suốt thời gian gần 10 năm đó, tôi vì sinh kế và lo nuôi các em ăn học, lo làm ăn, không có thì giờ gặp Trình nhiều.

Đầu năm 1969, mãn khóa ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi theo học khóa 25 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp. Trường nầy cũng trong khuôn viên trường Thủ Đức.

Trình diện ở đây, tôi lại gặp Trình. Khi ấy anh là Trung Úy, sĩ quan Chính Huấn của trường, còn tôi thì “lon” chuẩn úy mới toanh, “loon” sĩ quan trẻ nhứt quân đội Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù lúc ấy tôi đã ba mươi tuổi. Dĩ nhiên, những giờ học chính trị, Trình là ông thầy của tôi. Khi ấy Trình cũng là Tổng Thư Ký nguyệt san “Kỵ-Binh”, tờ báo của binh chủng Thiết-Giáp. Trình thường nhờ Đinh Cường, cùng học một khóa bộ binh với tôi, khi tôi đi Thiết Giáp thì ông Cường đi Công Binh, vẽ bìa giúp.

Ông Cường hay đến chơi với Trình và vẽ bìa giúp cho tờ Kỵ Binh theo yêu cầu của Trình. Nhìn những bức hình bìa đó, tôi thấy lạ và có thể gọi là đẹp nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, phải nhờ Trình giải thích giúp. Trình có tài xem hội họa còn tôi thì bù trớt.

Vì Kỵ Binh là một binh chủng “Arme noble”, nên theo thông lệ, khi mãn khóa, do yêu cầu của trường, khóa sinh đóng tiền tổ chức liên hoan và mời mấy em “ca-ve” Saigon lên nhảy đầm.

Tôi không khoái mấy vụ nầy và Trình cũng không tham gia nhảy đầm. Hỏi Trình không thích nhảy đầm? Anh làm thinh. Tôi nhớ năm 1956, nhân dịp kỷ niệm 60 năm trường Quốc Học, Tôn Thất H., bạn của Trình biểu diễn nhảy thiết hài (Claquette) trên sân khấu. Tôn Thất H. là học trò của Hoàng Thi Thơ khi anh ta nghỉ hè vào Saigon. Sau lễ Kỷ Niệm 60 năm đó, Tôn Thất H. dạy nhảy cho Trình. Trình lại dạy cho tôi, như tôi có kể lại trong bài viết về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Vậy mà bấy giờ anh ta lại không tham gia nhảy đầm? Có “vấn đề” gì đây?!

Năm tôi và Trình học với ông Lê-Đình-Ngân, ông Ngân có nói rằng con gái nhà quê thật thà, chất phát hơn con gái thành phố, không bị ảnh hưởng “nếp sống văn minh”. Thật vậy, trong tập truyện ngắn “Phong-Lan” của nhà văn (Lê) Đình Ngân, ông có thuật lại một vài chuyện vui khi ông cùng các bạn đi “cua” vài cô gái, dĩ nhiên là các cô gái “thành phố” nhưng khi lấy vợ, thì ông Ngân lại “rước” một bà cùng làng. Cưới vợ rồi, ông Ngân phải dạy cho vợ tập đọc, tập viết vì bà nầy sinh ra và lớn lên ở làng, không biết một chữ quốc ngữ.

Té ra trong khoảng thời gian dài tôi không gặp Trình thì có lẽ vì câu chuyện của thầy giáo mà anh ta về làng Phước-Tích, làng của anh, rước một cô thợ may làm vợ, sau khi tan vỡ đôi lần với những người đẹp có tiếng ở thị xã Quảng Trị và cả Huế nữa.

Một lần mãn khóa sĩ quan như tôi nói ở trên, khóa sinh tổ chức nhảy đầm. Trong khi Trình đang say sưa với những đường nhảy bay bướm, lả lướt với các em “ca-ve” thì vợ Trình xuất hiện. (Nhà Trình cũng ở trong cư xá, gần trường).

Đứng bên ngoài, vợ Trình ngoắt tay gọi chồng ra, rồi tiện tay, cô ấy cho Trình một tát tai, ngay giữa chỗ đông người, lại kéo cổ chồng về, không cho nhảy nữa. Trình lặng lẽ theo vợ về, bỏ dở “cuộc chơi”. Từ đó, Trình không bao giờ nhảy đầm. Biết chuyện nầy, có lần tôi nói đùa với Trình: “Hồi nhỏ, bọn mình xem thầy, cô giáo là thần tượng. Thầy cô nói cái gì mình cũng cho là hay, là đúng nhứt. Lớn rồi mới biết chân lý là tương đối. Theo Pascal thì “Bên nầy là chân lý, bên kia thì ngược lại.”

Trình hiểu tôi nói ám chỉ việc anh lấy vợ ở làng, chỉ cười cười mà thôi.

Mãn khóa thiết giáp, tôi về phục vụ ở Khối Chiến Tranh Chính Trị của binh chủng đóng tại Gò Vấp. Từ Thủ Đức đi công tác Saigon, bao giờ Trình cũng ghé lại chơi với tôi. Khi tôi và Trình tổ chức “Hướng Đạo Sinh Quân Đội”, tôi và anh ấy lại dẫn bọn nhỏ hướng đạo đi cắm trại chung với nhau, khi ở Suối Tiên, khi “Rừng Chí-Linh” ở Vũng Tàu.

Khi phụ trách tập san “Kỵ Binh”, Trình thường có những sáng kiến đặc sắc. Để làm phong phú tờ báo, Trình giới thiệu các trường Thiết Giáp nổi tiếng trên thế giới như Saumur của Pháp, Fort Knox của Hoa Kỳ, v.v… Để viết về các trường nầy, anh thường rủ tôi đến tòa đại sứ các nước ở Saigon để xin tài liệu.

Buồn cười nhất là khi đến tòa Đại Sứ Anh. Tôi không rõ “Nước Mỹ Lạnh Lùng” của Huy Phương như thế nào nhưng hồi đó, đến tòa Đại Sứ Anh, rõ ràng người Anh “lạnh lùng” nhưng rất lịch sự.

Sau khi trình giấy giới thiệu cho nhân viên tiếp nhận, chúng tôi được yêu cầu ngồi chờ. Chưa đầy năm phút, một anh chàng mắt xanh, mũi lõ ra tiếp chúng tôi, bắt tay chặt nhưng không nhếch mép cười, mặt lạnh như tiền. Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý định, anh ta lại lịch sự “Xin quí ông vui lòng ngồi chờ chốc lát”. Một lúc sau, anh chàng lại xuất hiện với một chồng sách trên tay, lại “lịch sự và lạnh lùng” giới thiệu từng cuốn sách, sẵn sàng cho mượn sách để đem về đọc, “lạnh lùng” mà trịnh trọng chìa ra tờ giấy yêu cầu chúng tôi ký nhận.

Ra tới sân, tôi nói với Trình: “Lần thứ nhất trong đời, tao mới biết người Anh “lạnh lùng mà lịch sự”. Chẳng ưa được”.

Trình nói ngược ý tôi:

– “Mình thích người Anh hơn người Mỹ. Cứ đọc Locke, Hải sẽ thấy họ hay lắm, đi tiên phong trong lịch sử tư tưởng tiến bộ của nhân loại.”

Tôi hơi ngạc nhiên vì câu nói của Trình. Anh ấy học ban Toán tại sao lại rành về những tư tưởng triết học. Cái nầy phải hỏi Nguyễn Châu chứ. Tôi chuyên dạy về Văn Chương Việt Nam nên lại càng không rành tư tưởng Âu Tây, ngoài những tác giả trong “Thế Kỷ Ánh Sáng”. Sau nầy, khi đọc về Locke, thấy những tư tưởng tiến bộ của ông về bình đẳng, tư hữu, nhân quyền, chính quyền… mới thấy Trình đi trước tôi cả chục năm về trình độ kiến thức.

Năm 1970, Trình lên “lon” đại úy, được biệt phái về dạy lại ở trường Trần-Cao-Vân, Quảng Tín. Anh ấy giao tờ báo của binh chủng lại cho tôi chăm sóc. Sau đó, tôi lại về miền Tây, xuống tận Hà Tiên cho đến ngày “đứt phim”.

Năm 1986, sau khi cải tạo về, tôi trốn tại một căn phòng nhỏ trên lầu ba của một người quen ở gần cổng xe lửa số 6 vì chuyện vượt biên bị vở lỡ thì Trình gặp vợ tôi. Hỏi được địa chỉ, Trình tới tận nơi thăm tôi nhiều lần. Bao giờ Trình cũng tôi rủ tôi xuống quán cóc bên đường ngồi uống cà-phê nói chuyện chơi, với một chút tiền nhỏ mà phải công khó lắm, Trình mới có được.

Đang dạy học ở Quảng Tín thì miền Nam mất về tay Cộng-Sản, Trình bỏ dạy về quê, không khai mình là sĩ quan Thiết Giáp mà khai là giáo viên để khỏi đi “Cải tạo”, tính làm ruộng sinh nhai.

Trong làng có vài người biết Trình là sĩ quan nhưng chẳng ai đi tố cáo việc Trình che dấu lý lịch với chính quyền Cộng Sản.

Mấy ông chú của Trình ngoài Bắc về. Mấy ngày đầu thì rất tử tế, chú chú cháu cháu ngọt như đường. Chưa được một tháng, mấy ông chú đòi hết ruộng vườn với lý do là ruộng vườn ấy mấy lâu nay “Cháu và ba má cháu hưởng, nay phải giao lại cho các chú.”

Không còn kế sinh nhai, Trình dắt díu vợ con vào Nam, ghé lại Hố Nai 4, nơi còn có tên là Trà Cổ, có nhiều gia đình vượt biên để lại những căn chòi trống. Trình chọn một căn chòi vá víu lại cho vợ con ở và kiếm đất trồng sắn (khoai mì) sống qua ngày.

Không quen nghề nông, Trình trồng khoai mì mà không có củ, bèn bỏ nghề nông cùng đứa con trai đầu mới 15 tuổi đi buôn khoai mì khô xắt lát từ Hố-Nai-4 “nhảy tàu” về Saigon. Nếu đi lọt được một chuyến thì cũng đủ mua gạo cho vợ con ăn một tuần.

Bấy giờ thì Trình không còn “dáng gầy gầy” nữa mà gầy lắm, gầy hơn que tăm. Con thì còn nhỏ mà vợ Trình lại đau bệnh thần kinh, ngày càng nặng, chẳng giúp gì được cho Trình trong việc chăm sóc việc nhà. Trình phải cáng đáng cả hai việc kiếm tiền mua gạo và chăm sóc con cái.

Mới năm ngoái đây, về Cali, tôi nghe tin Trình đã qua đời ở Việt-Nam. Lòng tôi đau thắt lại.

Trước lúc Trình qua đời, Hoàng Ngân Hà và Lê Văn Ni từ Bắc Cali về thăm quê nhà. Lê Quang Sấm, ở Saigon, đưa hai người lên Trà Cổ (Hố Nai 4) thăm Trình đang bệnh nặng.

Trình nằm liệt trên một cái giường tre, trong căn nhà lá nhỏ. Biết có bạn đến thăm, anh chỉ đưa mắt nhìn. Anh không còn nói được. Khi Hà nắm lấy tay Trình, Trình yếu ớt nhúc nhích mấy ngón tay, như muốn nắm lấy tay Hà mà không nắm nỗi.

Anh đã yếu lắm rồi, chắc chẳng còn sống được bao nhiêu ngày. Trình chảy nước mắt và mọi người ai cũng khóc. Bạn bè chí cốt, gặp gỡ nhau lần cuối cùng không thể nói với nhau một đôi lời… Khi các bạn cũ qua tới Mỹ thì nghe tin bạn ở Việt Nam đã vĩnh biệt cõi trần.

***




Cầu bắc ngang sông Thạch Hãn


Trình thân yêu!

Mới đó mà đã hơn 50 năm. Kẻ lưu lạc nơi đất khách quê người, kẻ vào cõi thiên thu. Quê hương thì chúng ta không bao giờ thấy lại được nữa.

Con đường bờ sông Thạch-Hãn, những bãi cỏ xanh tươi mát nơi hai chúng ta thường nằm bên nhau trong những ngày hè, nhìn ngọn dương liễu chỉ chỏ vẫn vơ những đám mây trôi giạt từ Trường Sơn ra biển hay từ biển vào núi, không ít lần chúng ta hỏi nhau những đám mây ấy trôi đi đâu, giạt về đâu? Có phải chúng là những linh hồn người nổi trôi vô định?

Bây giờ thì Trình đã theo những đám mây kia đi mãi, chẳng bao giờ trở lại cố hương?

Không! Trình đã vào cõi hư vô, nơi không có cả thời gian, không gian. Hơn thế nữa, nơi mịt mờ xa xôi ấy, chính là nơi Trình đặt xuống đó tâm hồn mệt mỏi rã rời vì cuộc đời của Trình có quá nhiều phong ba, quá nhiều đớn đau, đói khổ và phiền muộn. Hơn tất cả, một người không mấy giận hờn trách móc ai như Trình, Trình sẽ tìm được cho mình một nơi yên ả vĩnh hằng, không còn giận, không còn thương, và cũng không còn thù hận.

“Người ta” dạy cho Trình thù hận nhưng với một tâm hồn chơn chất, thật thà và trong sáng, Trình có giận hờn ai bao giờ?! Trình đã không giận hờn một người mà hầu hết thí sinh gọi là “hung thần”, cố ý đánh hỏng Trình trong kỳ thi Tú Tài năm đó, để Trình lận đận với thi cử mà phải ba năm sau Trình mới qua được cửa ải ngặt nghèo đó. Trình cũng không hờn giận được những người chú đã giành ruộng, giành nhà, đuổi Trình cùng vợ con phải dấn thân vào con đường phiêu bạt, làm một kẻ lưu dân, với hai bàn tay trắng, dắt dìu nhau về phương Nam tìm đất sống.

Trình thân mến!

Con đường đời là con đường oan nghiệt!

Trình không đi hết con đường oan nghiệt đó. Tấm thân gầy gò muôn thuở của Trình không thể nào cam chịu nỗi những đắng cay, dằn vặt và khổ ải của một giai đoạn lịch sử đầy ly loạn. Trình đã bỏ dỡ cuộc hành trình, đã nằm lại đó, Hố Nai-4 hay Trà Cổ, hay một nơi vô danh chẳng ai biết tới, để lại đây cho tôi đầy những nỗi tiếc thương, cho một người bạn cũ, kết với nhau từ những ngày còn thơ ấu.

Giờ đây, còn chăng, trong lòng tôi, chỉ là tiếng gió vi vu trên những ngọn dương liễu già bên bờ sông Thạch-Hãn, âm vang một thời trong tâm hồn chúng ta khi còn niên thiếu. Tiếng gió reo vi vu ngàn năm ấy, hòa với tiếng thở dài của tôi ngày hôm nay, khi tôi ngồi bên lò sưởi trong căn nhà vắng vẻ lạ lùng, xa vắng tất cả bạn bè, nơi xứ lạnh xa xôi nầy, trong những ngày sắp đến lễ “No-En” để phải rơi hai hàng nước mắt, thương bạn mà tôi cũng thương tôi!

Hôm nay tôi là người vong quốc, nhưng bên tôi còn có gia đình, vợ và các con, nhất là trong những ngày lễ Tết, gia đình sum họp đầm ấm. Nghĩ đến đó, tôi thương Trình biết bao nhiêu!

Nhìn ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi, lòng tôi nhớ bạn xót xa rồi tôi tự hỏi, biết đến bao giờ tôi mới nguôi ngoai nỗi thương xót những người thuộc thế hệ chúng ta, một thế hệ lớn lên trong chiến tranh, đi trong chiến tranh và không ít người như Trình, nằm lại đó, ở một nơi xa lạ. May mắn hay không, khi chiến tranh đã qua rồi nhưng chúng ta còn sống sót?!

Suy cho cùng, dù nằm xuống như Trình hay còn sống đến ngày hôm nay như tôi, bạn và tôi cũng là xong một kiếp người!

hoànglonghải

(*) Locke: John Locke (1632-1704), triết gia Anh, chủ trương mọi người sinh ra đều bình đẳng vì tất cả đều là con của Thượng Đế, có quyền tư hữu để mưu cầu hạnh phúc. Nhà nước có nhiệm vụ điều hòa quyền lợi của mọi người để tránh sự bóc lột. Ông từng giữ chức bộ trưởng Hội Đồng Thương Mại trong nội các Anh. Các sách nổi tiếng của ông gồm có (Xin tạm dịch): “Tiểu Luận về sự quan tâm hiểu biết lẫn nhau giữa con người” (Essay Concerning Human Understanding), “Chuyên Luận về Chính Quyền” (Treatises on Government), “Vài ý nghĩ về Giáo Dục” (Thoughts of Education), “Sự Hợp lý của Đạo Cơ Đốc” (The Reasonableness of Christianity).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn