Tôi vẫn đi lại xứ Phú ốc một cách dễ dàng, vì chỉ cách chỗ tôi ở thường xuyên có 3 km. Chủ Nhật nào tôi cũng lên đó dâng lễ, cả thứ Sáu thứ Bẩy đầu tháng. Còn như là bắt buộc phải đến các ngày lễ đó. Theo đội cải cách, đang làm việc gì, ở đâu ngày nào thì cứ việc làm, nếu bỏ thì y như là phá cải cách, làm cho cải cách mang tiếng là phá đạo.
Đạp xe đạp lên Phú ốc, cứ đến bờ hồ trước nhà thờ, thì lần nào cũng có chị đội cải cách đứng đón ở dưới gốc cây bàng. Chị mặc quần áo đen, đeo túi, và nói với tôi cách nh• nhặn: “Mời ninh mục vào hội ý”. Tôi bước theo chị, sang xóm bên lương, vào một túp lều, chắc là ngôi nhà của vị bần cố nông Đội đã bắt rễ. Ngủ nghỉ ăn làm, bếp nước là trong căn lều đó. Tôi ngồi trên nệm rơm với Anh Đội bên cạnh bếp. Trong cuộc hội ý, anh ân cần nhắc nhở tôi, lần nào cũng một tư tưởng: “Linh mục về làm lễ, cứ như thường, linh mục lưu ý là ở đây có nhiều phần tử xấu. Trong khi giảng đạo linh mục không được nói gì gây chia rẽ”. Nghe xong, tôi đứng dậy, ra dắt xe vào nhà thờ dâng lễ. Cả việc rước kiệu cũng phải giữ, không được bỏ.
Tình hình cải cách ở đây xem ra không gay gắt như ở các nơi khác. Dân cư ở đây, nhất là người có đạo, hiền lành tử tế hơn. Bà thẩm phán là bà Thứ, gặp tôi vẫn chào hỏi như các con chiên tốt lành khác. Mấy anh du kích như: Trường, Vu v.v… bà con sau này kêu là quá đáng, vì có những cách đối xử tàn bạo với những người bị quy là địa chủ. Nhân danh trong xứ đi Nam hầu hết, chỉ còn lại gần năm trăm, thế mà cũng có người bị quy là địa chủ. Địa chủ thường, chỉ bị đấu tố thôi.
Trong ba ông, già nhất là ông Chánh Lục, ông cũng làm thày Lang, hiền lành đạo đức. Thế mà ông cũng bị tố là đã cho thuốc độc vào quả táo để đầu độc đội cán bộ.
Ông thứ hai là ông Chuân, trước kia có đi lính thời Pháp, ông có râu nên bị trẻ con giật râu, bắt ông phải chào hỏi theo lối đội cải cách (trẻ con mặc quần thủng đũng) “Con chào ông bà nông dân ạ!”. Ông có người anh là ông Cao, làm hiệu trưởng Trường Lục Quân, con trai làm cán bộ trung ương, song chẳng ai thèm ngó tới ông.
Ông thứ ba là ông Kiều, công nhân nhà máy dệt Nam Định, như thế là ông thuộc giai cấp lãnh đạo, giai cấp công nông (búa liềm) chỉ vì ông hay nói, và có nói không đúng ý chính sách, nên ông bị quy “tội phản động”, và bị tố là đã cho thuốc độc vào quả táo để sát hại nhân dân.
Tôi cũng trông thấy đám nhi đồng quàng khăn đỏ, chiều chiều đi đánh trống phát động phong trào, tối đến bà con đi họp đông đủ.
Ở Tường Loan (Ba Trại) phong trào cải cách tương đối mạnh mẽ, gay gắt hơn. Đến làm lễ Chúa Nhật ở đó, thường là phải xin phép trước, xin phép cơ quan thành phố Nam Định, chứ không phải xin phép Đội.
Một cuộc cử hành lễ Chầu Lượt điển hình tại Ba Trại. Đó là vào dịp Tết Nguyên Đán năm Bính Thân (1956). Ngày Chủ Nhật Chầu Lượt, rơi vào chính ngày Mồng Một Tết. Một tuần trước, tôi đến Ba Trại để giải tội (vì cho rằng ngày Mồng Một Tết không có thì giờ giải tội).
Theo lệ, đến đâu là phải đến chào Đội ngay để “hội ý” Xong công việc, khi trở về, cũng phải ra chào Đội. Bởi vì chào lúc đi, rồi sắp trở lại ngày Tết. Đội nói với tôi: “Lần sau ông ra, có gì xẩy ra ở đây, ông phải chịu trách nhiệm”.
Ông nói thế, thì cũng như cấm tôi ra đây. Tôi vấn lại: “Ông nói thế cũng là một cách cấm”. Tôi ví dụ: Nếu ông treo ở cổng làng tấm bảng đề: “Ai vào làng này sẽ phải chịu trách nhiệm về cái gì xẩy ra nơi đây”. Nhìn tấm yết thị như thế, ai còn dám vào làng? Tôi cũng không dám!
Ông cứ việc đến, có thế nào thì sẽ xét…
Anh Đội đấu dịu: “Ông nói thế thì được, chứ không đóng sống cho bất kể ai vào làng này đâu!”
Có lẽ chỉ mình tôi dám ý kiến thẳng với Đội. Nhất Đội nhì Trời cơ mà. Ai dám nho nhe!
Ngày thứ Bẩy trước Chủ Nhật lễ Chầu, tức là ngày 30 Tết, tôi xin giấy ra Ba Trại làm lễ Chầu. Đến Khu phố, Khu phố bảo đến Công an. Đến Công an, công an bảo đến Mặt trận. Nộp đưa các đơn có phải là dễ đâu. Biết thân phận mình thuộc thành phần rốt hết, nên đơn nộp phải cẩn thận, đặt dưới cùng đống đơn bà con đến trước đã dầy cộm. Cán bộ cứ lần lượt xét, giải quyết từ trên xuống dưới. Cuối cùng đến lượt mình, may mà còn thì giờ nên đơn được cầm lên. Nếu hết giờ, chưa đến lượt, thì về không, sáng đến chiều, chiều đến hôm sau, cứ mỗi buổi đơn thêm nhiều bao nhiêu, của mình vẫn ở cuối cùng. May mà lần này, vẫn còn giờ, nhưng lại được đẩy đến cơ quan khác, trong một ngày 30 Tết đó, tôi được đẩy đi qua hết mọi cơ sở hữu quan, có nơi đến lần thứ hai. Đến chiều khi mọi cơ quan đều đóng cửa về ăn tết. Tôi vẫn… không bị từ chối, nhưng bị đẩy đi các cửa, cho đến khi các cơ quan đóng cửa hết, tôi đành cầm đơn về không. Thế là ngày mai Ba Trại không có lễ Chầu!
Tối như đêm 30 Tết. Kẻ trộm cũng rình mò tối hôm đó, hơn các đêm khác. Trong dân gian cứ lưu truyền thế. Tất tả suốt ngày, đêm đến giấc ngủ đang ngon thì bỗng có tiếng gọi cổng nhà xứ. Công an gọi tôi cấp tốc ra đồn. Có việc gì mà khẩn cấp thế, mắt còn đang cay xè, tôi bước theo anh công an. Đi thế này, trong đêm tối thường chỉ là bị bắt và điệu đi giam. Thế mà sao lúc này, tôi chẳng có ý nghĩ gì về chuyện đó, nên không thấy bị xao xuyến gì. Một số cán bộ ngồi đó cho biết, Toà Giám Mục Hà Nội vừa cho ra một Thư Chung phản động.
Thư Chung Đức Cha Khuê vừa viết là về đề tài Tình Yêu. Họ giải thích đó là bức thư chống cải cách ruộng đất, đặc biệt là sự tha thứ cho thù địch và như thế là tha thứ cho địa chủ, bọn phản động, cường hào ác bá.
Tình Yêu, yêu mọi người, cả kẻ thù nghịch, đó là luật căn bản của đạo Phúc Âm. Cuộc tranh luận nổ ra ngay ban đêm. Giữa một bên là cha chính Nhân và tôi và bên kia là cán bộ của Uỷ Ban. Không thể và không dám bắt chúng tôi bỏ đi lề luật căn bản đó về đạo. Họ chỉ đòi chúng tôi là không được đọc thư đó, và nộp cho họ các bức thư. Chúng tôi không nộp.
Sau đó họ hỏi tôi có làm lễ Chầu ở Ba Trại không?
Tôi nói các ông có cấp giấy đâu mà đi, tôi đã đi suốt ngày để xin giấy, cho đến lúc các cửa cơ quan đều đóng cửa cả mà không nơi nào giải quyết. Họ nói: “Sáng mai ra đồn Công an lấy giấy”.
Sáng hôm sau, Chủ Nhật Mồng Một Tết. Tôi và cha chính Nhân thỏa thuận tóm tắt Thư Chung và nói, như thế mọi người đều hiểu căn bản về bức thư.
Lễ xong tôi ra đồn xin giấy. Đến đồn, chưa ai thức dậy, tôi phải đánh thức họ, một anh công an hỏi tôi cần gì? Tôi nói đêm qua, Uỷ Ban Thành Phố có bảo tôi: “Sáng nay ra đồn lấy giấy”.
“Hôm nay không cấp giấy!”, anh công an nói.
Tôi biết, hôm nay ngày Tết, chỉ có kẻ nào không có trí khôn mới đến cơ quan xin giấy. Nhưng vì tối qua Uỷ Ban báo sáng nay ra đồn lấy giấy, nên tôi mới đến.
“Được rồi! Ông cứ về đi”. Chúng tôi còn xét…
Tôi về nhà được độ 5 phút, có tiếng gọi rối rít ở sân:
“Ông Trọng ơi! Ông Trọng ơi! Ra đồn lấy giấy”.
Tôi vội vàng đi theo anh công an ra đồn. Đến văn phòng, ngay ở cửa, thấy chiếc bàn trên có bày la liệt bánh kẹo, ấm chén.
Một anh công an ở buồng trong đi ra, có lẽ là đồn trưởng, anh chúc mừng năm mới tôi, rồi tôi chúc mừng đáp lại. Trong vòng 10 phút mà quang cảnh rất khác nhau. Anh đồn trưởng mời tôi ăn bánh kẹo, uống nước trà để mừng xuân, cùng nhau vui xuân một lúc. Anh đưa cho tôi giấy thông hành có giá trị ba ngày. Tôi xin phép đi, anh ân cần hỏi:
– Linh mục có phương tiện gì không?
– Có, tôi vẫn đi xe đạp.
– Tôi vừa nói xong, thì một người từ cổng chạy vào nói:
– Có tôi giúp linh mục.
– Tôi nhận ra người đó là anh đội cải cách, tôi đã gặp ở Ba Trại.
Tôi về nhà lấy xe đạp, cùng sánh vai với anh đội cải cách, qua các đường phố. Đường phố lúc này còn vắng vẻ, chưa tới giờ xuất hành mà!
Ra khỏi thành phố, trên con đường qua cánh đồng để đi tới Ba Trại, tuyệt không một bóng người. Nhưng trên cánh đồng, ở đàng xa, lủi thủi mấy bóng người. Tôi đoán có lẽ là những địa chủ, đã bị tịch thu hết nhà cửa tài sản, không được vui tết với ai cả, đành lang thang trên cánh đồng.
Đến gần nhà thờ, trước cửa nhà ông Sặt, một gia đình được Đội coi là thân thiện. Anh Đội chia tay tôi, để tôi một mình vào nhà xứ. Trong vòng mấy tiếng đồng hồ, các màn kịch diễn ra thay đổi như trở bàn tay. Lúc thì xua đuổi, lúc thì ân cần đón tiếp, săn sóc đến nơi đến chốn, để rồi đưa vào cạm bẫy.
Những màn sau đây cũng được sắp xếp, nhưng có đầy tình nghĩa, song lại được lái vào những mục tiêu gian dối và thâm độc hơn.
Tới nhà xứ, ba gian nhà khách đã đầy ắp người, im lặng như đang có cái gì. Hay nói đúng hơn, với dáng dấp sợ sệt, không ai hé môi.
Một ông dắt xe đạp của tôi, để vào một chỗ. Một bà bưng chậu nước nóng để tôi rửa mặt rửa tay, trời lạnh mà! Tôi biết tên hai người: Ông Lộc, bần cố nông nay đội cải cách cắt làm Trùm. Bà Giảng, cũng là bần cố nông nay được cất làm bà Quản giáo. Ông Lộc, bà Giảng hôm nay được Đội chỉ định để hầu hạ tôi.
Tôi vào ngồi giữa nhà, bà con tất cả ngồi chung quanh, chen nhau trong nhà, không ai ngồi hè. Anh Chung, con người tôi chưa biết, thay mặt cho mọi người chúc tết tôi, rồi anh tuyên bố: “Thưa Cha, những người đội lốt, đã bị lột mặt nạ, và đội đã tống giam cả rồi. Xin cha cứ yên trí ở lại với chúng con, nghỉ lại đêm Mồng Một với chúng con”.
Nhìn chung quanh, không thấy ông Chánh Trương Huỳnh, ông Trùm Tứ, ông Quản giáo Luỹ, ông cựu trùm Trạch. Tôi biết ngay những người đội lốt là ai?
Thấy thế, tôi định tâm không dám ở lại đêm nữa, mặc dù tôi có giấy và có ý nghĩ từ trước.
Thấy trước mặt tôi có người lạ, tôi chưa biết, nên hỏi anh:
– Anh là người thế nào? Tôi chưa biết, còn dân xứ đây tôi biết hết.
– Thưa Cha, con ở Phủ Lý về đây!
– Sao đang ở Phủ Lý lại về đây?
– Con xin thú thực với Cha, con là người Thanh Hoá, gia đình con kéo nhau đi Nam. Đến Phủ Lý con bị cản lại, nên con về đây!
– Anh cứ ở đây, đất lành chim đậu, đi Nam làm gì?
– Khi mọi người giải tán, lên nhà thờ, ông trùm Lộc thắc mắc với tôi?
– Sao ban nãy Cha lại nói chuyện với người lạ?
– Tôi thấy người đó lạ, tôi phải hỏi.
– Anh ta không có nhiệm vụ, mà anh dám vào tiếp xúc với cha. Cái này con phải ra trình Đội.
Rồi tôi ra nhà thờ cử hành Thánh lễ, lễ xong đặt Mình Thánh chầu. Lễ Chầu năm nay chỉ có những người trong xứ chầu Mình Thánh với nhau, trong bầu không khí buồn tẻ sợ hãi. Ngoài việc giải tội những người không đi kịp tuần trước, không một ai đến tiếp xúc với tôi, trừ ông trùm Lộc, bà Giảng lo liệu việc cơm nước cho tôi. Thêm anh Chung, lúc nào cũng săn đón tôi để xin xưng tội, dù bị giãn. Anh là đội cải cách hoạt động ở vùng Gia Trạng, Đại Lại, không biết bị thất sủng hay được sai về làm việc ở quê. Nếu được làm việc ở quê thì cũng khác thường, vì hầu như là quy luật, đội cải cách phải hoạt động xa quê quán của mình, để dễ “khách quan”.
Đến 5 giờ chiều, tôi trở về Nam Định. Không dám ở lại đêm như đã dự định, vì những người thân quen làm việc bên tôi, đã bị bắt giam hết.
Còn truyện ông trùm Lộc đi báo cáo với đội về anh Long nào đó, tức là người lạ mặt mà tôi hỏi chuyện trong buổi chúc mừng tết ở Ba Trại hôm đó. Ông trùm Lộc không có lòng độc ác đâu. Ông chỉ quá thật thà làm theo kế hoạch Đội đặt ra mà ông không biết.
Kế hoạch là làm thế nào bắt anh Long với những bằng chứng rành rành không thể chối cãi được. Trước hết anh có mặt trong buổi họp, nơi anh không được phép đến, trừ ra Đội cho phép hoặc thúc đẩy. Đến chỗ họp, anh được xếp ngồi một mình trước mặt linh mục, để linh mục phải bó buộc bắt chuyện. Giả sử không có cuộc tiếp xúc đi nữa, cũng không sao. Nguyên việc anh là người lạ, mà có mặt bên những người con chiên của Cha, là anh đã trà trộn vào đó với ý đồ gì? Sự có mặt, việc tiếp xúc đó, ông Trùm là người có nhiệm vụ phải quan sát tất cả, và đúng là mọi cái không qua mắt ông, dù ông là người chột mắt. Ông đi báo cáo với Đội. Thế là tội anh Long có đủ bằng chứng không thể chối c•i được. Nghe đâu anh đã bị bắt giam ngay, và trong khi bị giam anh đã khai:
– Tôi đã gặp linh mục, linh mục có trao cho tôi một chai axít, để đổ vào cán bộ, tôi ra khỏi sân nhà thờ, đến bờ ao, tôi đã ném xuống ao rồi.
Cán bộ cũng không bắt anh phải xuống ao mò chai axít đó, vì làm gì có? Có xuống mò thì cái gian dối lại thò đuôi ra.
Mặc dù thế, anh vẫn bị kết án. Giá người có tội thật thì phải xử bắn. Nhưng tội của anh, chỉ là trong kế hoạch thu xếp của Đội, không có thật. Dù thế, anh vẫn bị ba tháng tù, rồi bị đuổi về Thanh Hoá, quê quán của anh.
Nói chung, những người bị bắt dưới thời cải cách, hầu hết rơi vào tình trạng phạm tội như thế.
Cũng ở Ba Trại, một anh thanh niên tên là Ghi con bà Hồi, còn bị khép tội một cách trâng tráo hơn nhiều.
Một buổi chiều nọ, trong tháng 3 năm 1956, đội đưa anh Ghi xuống Nam Định, đến cổng trại An Phong, Đội bảo anh vào gặp linh mục. Lúc này là cha già Nguyễn Phúc Hạnh, anh ngơ ngác, rụt rè một mình đến với cha, cha hỏi:
– Anh ở đâu, có việc gì ?
– Anh ấp úng đáp:
– Con ở Ba Trại, trình… trình. … cha..
– Cha Hạnh đuổi ngay.
– Ba Trại thì xuống cha xứ mà trình, tôi không biết.
– Anh lủi thủi đi ra cổng, vẫn gặp anh Đội đã đưa mình đi. Anh Đội bắt nghiến lấy với tội danh: “Đã đến tiếp xúc với linh mục, nhận chỉ thị để về gây tội ác”. Vì tội đó, anh bị giam thời gian một năm. Chuyện thật trăm phần trăm.
Cả đến đồng chí Chủ Tịch Uỷ Ban Xã Mỹ Tân (Ba Trại). Đồng chí Đán cũng bị bắt giam với tội danh bỏ trứng sâu vào ruộng ngô, anh còn phải diễn lại “tội ác” bằng cách cầm một hộp bích quy đựng tro và rắc trên ruộng trước ống kính nhà nhiếp ảnh. Thật là nhọ nhem!
Tất cả các viên chức hàng xứ Ba Trại đều bị khép tội như thế. Ông Huỳnh, ông Tứ, ông Lũy, ông Nguyệt, ông Trạch….quy địa chủ, bị bắt giam một thời gian mấy tháng. Các ông đều làm giấy xin tôi tha tội, vì trong khi bị giam các ông đã “dại dột” đổ tội cho tôi đã đưa trứng sâu cho các ông để bỏ vào lúa.
Những chuyện có vẻ trẻ con đó mà hậu quả thì rất nghiêm trọng, chắc chắn đã diễn ra trên khắp miền Bắc. Đó là chính sách cải cách ruộng đất, đâu đâu cũng phải thực hành theo cùng một cung cách như nhau. Anh Đội nào, địa phương nào mà dám làm khác, và con số những người bị vu khống oan ức như thế, phải lên đến hàng triệu.
Người trần gian mà làm ông tổ của nói dối, vu khống là nhà đại văn hào Pháp (Voltaire), đã đưa ra một khẩu hiệu: “Bạn cứ nói dối, nói dối khoẻ hơn nữa đi, thế nào cũng còn cái gì!”. Phải, thế nào cũng còn cái gì!
Quần chúng phẫn nộ trước sự gian dối độc ác. Khi việc cải cách phải sửa sai, họ đi tìm những Đội mà rạch mép, những cái mồm mép đã phun ra bao là dối trá, vu khống. Cũng may mà chỉ tìm ra được số ít, vì không biết họ từ đâu mà đến, để gieo rắc bao tai họa cho thôn làng. Nhưng mấy tên bị rạch mép cũng đủ làm im đi những môi mép đã phun ra bao nọc độc chết chóc.
Giám Mục Phaolô Lê Đắc Trọng
(Trích Những câu chuyện về môt thời)
Gửi ý kiến của bạn