Cô Sáu ngồi xe lăn hay cười đùa thường ngày hôm đó thật khác lạ. Mắt sục ngầu giận dữ, một tay cầm rựa, tay kia giơ cao bằng khen có công cách mạng, cạnh bé gái con cô đang cầm chân dung 'Bác Hồ', la hét phản đối đoàn cưỡng chế đất nhà cô.
Đấy là lần đầu tiên tôi thấy ảnh 'Bác Hồ' được dùng với mục đích như thế.
Bẵng đi một thời gian dài, chỉ khi ra Hà Nội học, tôi mới nhìn thấy lại cảnh hàng đoàn người – sau này sẽ được gọi là dân oan - giơ cao ảnh 'Bác Hồ' qua lại những khu vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp dân, Bộ Tài nguyên – Môi trường…
Thời đấy, thông điệp chính vẫn là “Đảng ơi, Chính phủ ơi, hoặc ,Thủ tướng X, Chủ tịch nước Y, Tổng Bí thư Z ơi, cứu lấy dân”.
Theo thời gian, khi dân oan hiểu ra chính những đối tượng mà họ kêu cứu đấy lại kiên quyết trước sau như một bảo vệ cơ chế “sở hữu toàn dân về đất đai, nhà nước đại diện chủ sở hữu” – thứ đã hợp pháp hóa việc cưỡng chế thu hồi đất đai trên khắp cả nước và đưa họ vào thảm cảnh mất nhà mất đất – thì vắng hẳn những thông điệp cầu cứu quyền lực tối cao của đất nước trên phố phường Hà Nội nữa.
Và ảnh 'Bác' từ đó cũng biến mất, chẳng còn đồng hành với đoàn dân oan ở thủ đô nữa.
Tuy nhiên ở những làng quê có ít điều kiện tiếp xúc với thông tin trái chiều, mỗi khi tai ương có bóng dáng từ chính quyền ập xuống, cứu tinh khả dĩ đầu tiên họ có thể nghĩ đến vẫn là 'Bác Hồ'.
Cuối năm ngoái, tiểu thương Ninh Hiệp, chợ đầu mối vải cho cả Bắc Bộ, trước nguy cơ bị mất bãi giữ xe, đã nhuộm đỏ cả khu vực tranh chấp bằng cờ đỏ sao vàng và rất nhiều ảnh 'Bác Hồ' cùng 'Bác Giáp'.
Đầu năm nay, ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hóa, vì bị chính quyền cướp mất bãi biển giao cho tập đoàn tư nhân FLC, cũng đã tràn xuống đường phố với đủ loại biểu ngữ cầu mong Bác Hồ sống dậy để cứu họ thoát cảnh lầm than, kèm theo chân dung ông.
Cả hai đều thất bại. Ở Ninh Hiệp, chính quyền tạm hòa hoãn với tiểu thương trước Tết để mua thời gian, và rồi ngay sau Tết tiến hành cưỡng chế chớp nhoáng khiến bà con trở tay không kịp. Trong khi đó, chỉ vài ngày sau khi ngư dân xuống đường, trong một động thái rất kiên quyết, công an tỉnh Thanh Hóa quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, đặt các ngư dân vốn lâu nay chỉ quen với con sóng con gió, trước một rủi ro pháp lý mà họ không hề lường trước.
Không gay cấn kịch tính như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, không bi thương cay đắng như vụ gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, song hai vụ Ninh Hiệp và Sầm Sơn đánh một dấu mốc rất đáng chú ý trong phong trào đấu tranh giành quyền đất đai ở Việt Nam: Sự thất bại hoàn toàn của phương pháp cầu cứu lòng thương từ lãnh đạo cấp cao thông qua việc trưng ra các biểu tượng trung thành, như chân dung 'Bác Hồ'.
Kinh nghiệm từ phong trào đòi quyền đất đai trong vùng cho thấy đã đến lúc dân oan Việt Nam cần thay đổi chiến lược theo 3 hướng sau (tạm gọi là 3 kéo):
- Kéo và liên kết với các phong trào đòi quyền con người rộng lớn hơn trong cả nước;
- Kéo và liên kết với các tổ chức đấu tranh cho quyền đất đai trong khu vực ASEAN, đặc biệt là ở các nước Thái Lan, Cambodia, Indonesia và Philippines – những nơi đang gặp chung vấn đề.
- Kéo và tận dụng các cơ chế nhân quyền quốc tế, đặc biệt là của Liên Hợp Quốc, liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền đất đai như Báo cáo viên về quyền có chỗ ở phù hợp (Special Rapporteur on adequate housing), quyền phụ nữ (women rights), quyền của người bản địa (rights of indigenous peoples) và các Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự, Chính trị; Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Có thể còn phải làm rất nhiều việc và cần rất nhiều sự hỗ trợ để dân oan Việt Nam có thể sử dụng nhuần nhuyễn những công cụ trên, song nếu muốn con đường đòi quyền đất đai đến được đích thì đó sẽ là những chặng đường mà họ phải đi qua.
Hơn là cứ tiếp tục cầu xin chính những người gây ra đau khổ cho mình rủ lòng thương, trả lại cho mình thứ mà nhờ nó họ trở nên siêu giàu có.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn Blog Nguyễn Anh Tuấn
Gửi ý kiến của bạn