Ông Đinh La Thăng đã mạnh mẽ yêu cầu minh bạch thông tin và hỗ trợ báo chí. Ông chỉ đạo gắn các biển cấm đỗ xe để thuận tiện cho dân. Khi đến thăm một bà mẹ Việt Nam anh hùng, thấy nhà xập xệ và khó khăn thiếu thốn, ông ra lệnh sửa nhà lại gấp cho bà nghỉ ngơi. Ngó sang thấy con đường dẫn vô nhà một bà mẹ khác lồi lõm, trắc trở, ông chỉ thị xã ngày mai lo sửa đường. Ngồi nói chuyện với dân, nghe báo cáo than phiền sữa bò làm ra không ai mua, ông yêu cầu cho ông nói chuyện với tổng giám đốc công ty sữa Vinamilk. Chủ tịch huyện Củ Chi của Thành phố Hồ Chí Minh báo lại không có số, ông hỏi không có số làm sao bán sữa? Ngay chiều đó lãnh đạo huyện liên hệ với Vinamilk bàn chuyện mua sữa cho dân.
Nắm bắt được cái trớn này, nhiều người dân dường như vừa phấn khởi, vừa tranh thủ gửi gắm không ít điều đến ông tân bí thư. Có người tự xưng là “người quan sát” bày tỏ trên báo chí làm tôi tâm đắc lắm. Vị này bảo rằng người dân Sài Gòn chỉ quan tâm đến “ba chữ An” - An ninh trật tự. An toàn giao thông. An toàn thực phẩm, nếu “Ngài làm được những việc này, người dân chúng tôi không quên ơn Ngài”.
Chữ ‘an’ thứ nhất
Chỉ quan sát qua báo chí, truyền thông cũng thấy đúng là an ninh trật tự những năm gần đây tại Sài Gòn xuống cấp trầm trọng. Một số tội phạm được dung túng, thông qua các đại ca giang hồ từng vùng đã lộng hành nhiều nơi tại Sài Gòn. Nhiều người dân làm ngơ và không dám tố giác tội phạm vì sợ bị trả thù.
Có người nước ngoài bạn tôi đến Sài Gòn về mếu máo vì đeo cái máy chụp ảnh cũng bị giật, nghe điện thoại cũng bị cướp, đeo trang sức cũng bị tấn công, ma chẳng biết, quỷ chẳng hay, không ai dám nói năng gì cả. Dân cũng rất mong mỏi rằng nhà nước trích từ quỹ An ninh quốc phòng hay huy động đóng góp của người dân để gắn camera an ninh cho từng khu phố, để người dân được ngủ yên giấc sau những giờ làm việc mệt mỏi và nhọc nhằn.
Nạn vé số, ăn xin, thậm chí là lừa đảo trá hình vẫn cứ diễn ra hằng ngày tại Sài Gòn. Tại sao một số tỉnh thành khác dẹp được mà Sài Gòn thì mãi không xong? Nếu đúng phong cách ông Thăng, tuyên bố thẳng “ăn xin mà còn thì có người sẽ mất chức”, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Hay như việc quản trị đường phố vẫn còn xô bồ, có nạn bảo kê thì “có người ra đi”, tôi tin các quan chức thuộc cấp sẽ đích thân thị sát và giải quyết rốt ráo. Ngoài ra phải ưu tiên thượng tôn pháp luật, khu vực nào mất an ninh đề nghị phạt thật nặng và cách chức người đầu ngành để làm gương. Lúc đó các cấp lãnh đạo mới phải lên kế hoạch đốc thúc cấp dưới làm việc tích cực để giữ lấy vị trí của mình.
Chữ ‘an’ thứ hai
Điều thứ hai mà dân thiết tha cải thiện là tình hình an toàn giao thông. Tôi hoàn toàn đồng tình với “người quan sát” rằng an toàn giao thông thì ai cũng biết: ngay cả khi không có việc, có thời gian rảnh muốn đi chơi cho khuây khỏa thì người dân Sài Gòn dường như không dám ra đường. Không phải quy chụp, nhưng sự thật là phản ánh qua báo chí và tình trạng giao thông những năm qua cho thấy cán bộ duy trì trật tự giao thông đã không làm hết trách nhiệm, trong khi lại “đẻ” ra rất nhiều lực lượng dù số người làm việc vì nước vì dân thì không biết có bao nhiêu. Thậm chí mới đây, cảnh sát giao thông còn được tăng quyền một cách đầy tranh cãi, có người còn cho rằng điều đó là “quá sức của cảnh sát”, lo cảnh sát lạm quyền, có khi còn vi hiến.
Sài Gòn từng có cái danh “hòn ngọc viễn Đông” mà ngay cả trong bài hát người Việt ưa chuộng cũng còn nhắc đến. Nhưng rồi hung thần xe ben, xe container, thậm chí là xe buýt cũng khiến người dân cứ ra đường là hãi hùng ghê gớm. Có lần tôi dạo quanh một con phố Sài Gòn, quả thật choáng với những kiểu moto chạy xe nẹt pô ầm ầm. Ai đời xe chuyên chạy đường dài, đường cao tốc lại xách vào đường Sài Gòn nhỏ hẹp để thể hiện ta đây có xe ngon, xe xịn. Có ông chạy moto phân khối lớn bóp còi inh ỏi khi đèn đỏ chưa xong, bị người xung quanh phàn nàn thì quay sang dọa “cho ăn đòn”, dường như gã này chẳng biết sợ bất kỳ ai.
Chữ an ‘cuối cùng’
Chữ an này chính là “an toàn thực phẩm”. Vấn đề này đúng như “người quan sát” nhận định, nó đã được báo động từ lâu rồi nhưng đâu vẫn vào đấy. Mấy bà nội trợ than thở với nhau rằng bây giờ đi chợ không biết mua cái gì, bởi vì ăn cái gì cũng có chất độc, không thuốc tăng trưởng cũng thuốc kích phì, thuốc tạo nạc, thuốc tạo màu, thuốc trừ sâu… nhưng không ăn thì không biết ăn cái gì. Cứ nhìn vào năng suất xuất khẩu thực phẩm, như tôm cá, thịt, sữa, trứng của Việt Nam sẽ biết cái chuẩn an toàn thực phẩm của nước mình tới đâu. Có đứa bạn kể ra chợ mua mấy trái táo về cúng ngày tết, để quên chẳng thấy héo hay hư. Lấy đồ test nitrat mới thấy nồng độ chất độc vượt mức cho phép hàng vài chục lần, hỏi sao ăn vào không mắc bệnh này bệnh nọ.
Có người bảo sao không vào những cửa hàng rau sạch, siêu thị mà mua, than vãn làm chi cho phiền. Nhưng thực tế là các siêu thị lại bán giá cao hơn ngoài chợ bởi cầu vượt cung do dân tin hàng sạch nên kéo nhau đi mua. Nhưng không phải ai cũng vào đó để mua được. Những người lao động nghèo không có khả năng đi siêu thị, tan ca về là tấp vô chợ ven đường mua về nấu ăn, làm công không được bao nhiêu mà phải ôm bệnh bất cứ lúc nào. Thật sự Việt Nam đã có những đội liên ngành kiểm tra định kỳ an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, nhưng làm việc hiệu quả hay không thì ai cũng thấy rồi. Người ta hoài nghi có nạn “bảo kê”, thế nên gửi gắm ông Thăng không cần thành lập thêm cái gì cho rắc rối, chỉ cần dẹp cái nạn “bảo kê” là ổn.
Ông Thăng chỉ vào Sài Gòn chưa đầy một tháng, nhưng những gì ông làm tạo cho dân sự hồ hởi vô cùng. Tuy nhiên “ngựa giỏi phải chạy đường dài”, người giỏi hay không phải xem ông sẽ có những đóng góp gì, trước mắt là vi mô như “3 chữ an”, và lâu dài là “vĩ mô” như phát triển kinh tế, tiêu dùng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… Rất mừng vì những biểu hiện đầu tiên, nhưng dân kỳ vọng nhiều hơn những gì ông ấy vừa ghi dấu ấn.
Cao Huy Huân
Nguồn Blog Cao Huy Huân
Gửi ý kiến của bạn