BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73355)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Từ Tết Mậu Thân đến...

02 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 2864)
Từ Tết Mậu Thân đến...
53Vote
40Vote
32Vote
20Vote
11Vote
3.76
Biến cố Tết Mậu Thân đã để lại trong lòng hết thảy mọi người trong chúng ta, cụ thể là những vị trong độ tuổi sồn sồn, về chiều, khoảng gần “lục thập tri thiên mênh” trở lên, những ký ức khó quên. Đồng thời, nó cũng làm thay đổi một phần nào đó, chưa nói là toàn diện hay triệt để, nếp sống nếp nghĩ, cũng như những dự định tương lai, những hoài bão ôm ấp, những mong ước thực hiện cho cuộc đời minh, của hết thảy mọi người, đặc biệt vào thời điểm đó, đang trong độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, cũng tùy vào nơi chốn và hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, mỗi một người trong số những dạng tuổi vừa nêu, có thể có những hoài niệm, những hồi tưởng riêng biệt về cái biến cố “máu lửa tang thương” này. Một cư dân sống ở Huế chắc chắn sẽ có những ký ức hãi hùng mà một thị dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định không có, hoặc không thể nào cảm nhận được, mặc dù súng nổ, đạn bay và khói lửa do CS gây ra không phải là không xảy ra ở những nơi vừa kể...

Với người viết đôi dòng ghi nhận và suy nghĩ này, cái Tết Mậu Thân là một khúc quanh gắt, một thay đổi lớn đến trong đời mình. Từ một thanh niên tuổi đang độ chín, say mê viết lách và hoạt động văn nghệ hơn cả chuyện học hành. Đến độ, chỉ một năm đầu dự bị Văn Khoa cũng không vượt qua nổi. Để đến khi CS tấn công đợt hai cùng năm đó, thì lệnh tổng động viên đã không du di bất cứ trường hợp nào sinh viên thi rớt cuối khóa mà đang ở vào tuổi hai mươi. Chỉ trừ các bạn sinh viên Nha, Y, Dược. Và tất nhiên, họ cũng phải thi đậu. Phải thành thật, trong máu người viết không có chút nào là nhóm L (lính). Mà lính hiện dịch lại càng không. Do vậy, nghe ngóng có trường Sư Phạm tuyển sinh, vội vã nộp đơn thi. Và thi đậu.

Nhưng chỉ học được ngoài hai tháng thì đơn xin hoãn dịch bị bác. Vậy là đành nằm nhà chờ lệnh gọi nhập ngũ. Dĩ nhiên, vào trừ bị Thủ Đức. Những ngày chờ đợi nhập ngũ này sao nó lại trôi nhanh hơn cả bóng câu qua cửa sổ. Loay hoay chỉ bè bạn đàn đúm. Viết lách thì cũng chẳng viết được gì ra hồn ngoài mấy bài làng tàng cho trang văn nghệ báo Trắng Đen, mấy cái truyện ngắn tầm thường cho tờ Dân Chủ. Thật sự, ở vào tình cảnh xã hội, đất nước lúc đó, có thi đậu, học hành cũng khó vô được chữ nghĩa. Mà ở không, chẳng làm nên được tích sự gì, chịu được sao?! Vào lính là phải rồi!...

Theo đúng như tiêu đề tôi đã chọn cho bài viết, chỉ “Từ...” mà thôi. Tôi chẳng dám đả động gì đến biến cố Mậu Thân. Thứ nhất, vì bản thân chẳng am tường. Kế đến, sự kiện Mậu Thân đã được rất nhiều cây viết trong nước trước 75, cũng như tại hải ngoại sau nầy đề cập đến, miêu tả ghi nhận, phân tích mổ xẻ, nhìn gần nhìn xa dưới mọi góc cạnh. Kể cả minh họa bằng những hình ảnh sống thực. Kể cả phỏng vấn trực tiếp những người trong cuộc, trên toàn lãnh thổ Miền Nam một cách chung chung; hay viết riêng về những thảm kịch của các gia đình có nạn nhân bị thảm sát tại Huế chẳng hạn. Còn hiện thực pha lẫn hư cấu để thành một truyện dài ăn khách, gây cho người đọc nhiều xúc cảm bi thương thì cũng đã có “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nữ sĩ Nhã Ca rồi.

Và, cuối cùng, cũng bởi vì lúc biến cố Mậu Thân xảy ra, bản thân tôi chỉ là một thanh niên trẻ, bút nghiên còn đang tiếp tục miệt mài, chưa có được một ngày trong quân ngũ hoặc viết lách chuyên nghiệp trong làng báo, thì lấy đâu ra kinh nghiệm hoặc hiểu biết đủ để viết về biến cố nầy. Nên Tết Mậu Thân, với tôi, chỉ là một cột mốc, mà là một cột mốc quan trọng trong đời mình. Thời điểm tôi bắt đầu trải nghiệm những sự việc khác. Vì từ đó, tất cả những gì tạm gọi là hoài bão bản thân ôm ấp, tôi đã phải đành xếp lại để theo tiếng gọi...

Tôi thật chẳng có một chút duyên nào với lính cả. Ngay khi đã sẵn sàng “lên đường, nhập ngũ tòng quân” như lời một bài hát kêu gọi đi quân dịch nào đó. Vì cứ bị... hoãn tới hoãn lui ngoài... ý muốn! Cớ sự là, do lệnh tổng động viên được thực thi triệt để, số thanh niên lên đường trình diện quá đông. Trong khi số tân binh dự trù cho mỗi khóa chỉ giới hạn. Nên số dôi ra được giấy phép về nhà chờ khóa sau; rồi lại chờ khóa sau... Tôi quen để tóc dài quá ót hai ba phân, do vậy, được về nhà chờ một hai tuần, nửa tháng với cái đầu tóc bàn chải, cao nghệu (do được dẫy gần như trọc lúc trình diện ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ) nên thấy ngượng với bà con cô bác, nhất là với mấy em gái ái mộ anh trai văn nghệ (chưa được là tiền tuyến), đành ru rú trong nhà. Lúc đó lại cứ trông cho mau hết hạn hoãn để sớm lên đường. Và rồi, việc gì sẽ tới cũng tới. Tôi lên Quang Trung, trại Võ Tánh trình diện chỉ trước Tết 69 độ hai tuần, khóa 2/69 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (Ảnh minh họa)


Kỷ niệm 5 tuần lễ học căn bản bộ binh ở đó, với tôi, buồn nhiều hơn vui! Cũng do một cô bạn gái văn nghệ viết văn, làm thơ khá nổi với bút hiệu Nguyên Thanh viết thơ báo lên thăm tôi. Đúng ngày Chúa Nhật, mồng hai mồng ba Tết gì đó, tại vườn Tao Ngộ, ngoài tôi, cô còn thăm... kèm thêm một bạn trai khác cùng khóa. Tưởng tượng xem cảnh một nàng với hai chàng? Ai sẽ được ưu tiên hưởng những lời thỏ thẻ của em gái hậu phương?... Tôi buồn và có một chút... ghen nữa (bởi em gái vừa đẹp vừa tài hoa) nên không chịu ngồi chung, bỏ đi... Sau này, lúc chuyển qua quân trường Thủ Đức, tôi vẫn được nhận thư đều của em gái; kể cả anh bạn đệ tam nhân hôm hội ngộ tại Vườn Tao Ngộ, có tìm đến thanh minh với tôi, rằng thì là, anh chỉ là bạn học với cô em gái ở trường Lý Thường Kiệt mà thôi.

Nguyên Thanh của tôi, ai mà làm chứng cho em!?... Vậy mà, tôi vẫn lôi những bài thơ đáng yêu của em gái ra đăng hằng tháng trên tờ nguyệt san của đơn vị trong những ngày tháng sau đó nữa, khi tôi ra trường... Nhưng mà, nhớ ra tôi cũng có được một chút an ủi khi được nghe bài “Tình thư của lính” của Nhật Trường do Trang Thanh Lan và Đức Minh song ca giúp vui tại hội trường, cũng trong Tết đó. Hôm đó, Trang Thanh Lan mặc áo dài trắng tuyền, rất nữ sinh, trẻ trung và duyên dáng. Cô em gái Nguyên Thanh của tôi cũng từa tựa như... vậy!

Chín tháng quân trường rồi cũng qua nhanh. Tôi ra trường với ngành Chiến Tranh Chính Trị. Trước ngày làm lễ “Quỳ xuống, các sinh viên Sĩ Quan,” để rồi “Đứng dậy, hỡi các tân Sĩ Quan,” tất cả các sinh viên sĩ quan Thủ Đức đều phải trải qua hai tuần lễ thực tập ra đơn vị. Từng trung đội một dưới sự hướng dẫn của một vị sĩ quan huấn luyện viên, được chỉ định trình diện ở một đơn vị quân đội hay hành chánh nào đó ngoài quân trường, để thực tập. Trước ngày đi thực tập, tôi luôn mồm láo lếu với các bạn nằm gần, rằng tôi sẽ về ngành “Cà Tong Cà Teo” (bởi tôi vốn ốm gầy kinh niên). Chẳng là tôi cũng khoái ngành này và rất tin tưởng... tài mình (!).

Càng tin tưởng hơn bởi tôi có hai bạn học cùng làm chuyện viết lách với nhau, do cao hơn tôi một hai tuổi, đã nhập ngũ trước và đều về ngành CTCT. Đó là bạn Thiên Phong Ngô Viết Quyền (Pennsylvania) và Lê Huỳnh Lê Văn Tần (không chịu đi HO). Càng tự tin hơn bởi tôi còn thêm vốn liếng sáng tác nhạc và đàn, hát tưng bừng. Nghe tôi ba hoa, Nguyễn Văn Cảnh (An Ninh Phi Trường) và Âu Dương Duy (Truyền Tin) hỏi dò, bộ mày có gốc đa gốc đề hay tư lệnh Nguyễn Huệ (tiền) yểm trợ à? Tôi chỉ cười trừ.

Thật sự, không chắc có chuyện chạy chọt hay lo lót hay không việc ra trường về các “chỗ tốt” của các tân sĩ quan. Nhưng về phần tôi, tôi tin rằng quân trường Thủ Đức, qua Phòng Tổng Quản Trị/Bộ Tổng Tham Mưu, sẽ không hề có chuyện đó qua kinh nghiệm bản thân. Sự tuyển chọn các ngành nghề thích hợp cho các sĩ quan lúc ra trường đều căn cứ trên các bài thi trắc nghiệm, kết quả thể hiện từ các môn học trong quân trường, cũng như giấy tờ chứng từ bản thân gởi về Phòng 1 lúc thụ huấn. Phần tôi, tôi đã gởi ba bài nhạc in và một thẻ ký giả của mình. Thẻ này do ông Nguyễn Khánh Giư, chủ tịch Nghiệp Đoàn Viết Báo Nam Việt cấp (khác Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam) khi tôi cộng tác với tờ tuần báo Cộng Hòa (khác Bán Nguyệt san Chiến sĩ Cộng hòa) do ông Giư làm chủ nhiệm.

Ngày tôi trở về quân trường Thủ Đức sau nửa tháng thực tập, vừa ló đầu vô phòng thì Duy và Cảnh (cũng vừa về ngày trước đó) đã la toáng cả phòng “Con Tôm Con Tép bơi về tới rồi đấy các bạn!” Tôi hỉnh lỗ mũi bước tới, thấy chữ “Con Tôm Con Tép” rõ bự, ghi trên miếng nhãn tên tôi dán trên cửa tủ cá nhân. Hỏi ra, văn bản tuyển chọn các sĩ quan về các ngành đã được gởi về quân trường từ mấy ngày trước... Sau này, lúc được đưa về trại Nguyễn Trãi để học căn bản ngành CTCT trong hai tháng, tôi mới biết, ngoài tôi với học lực kém nhất ra, 19 bạn còn lại đều có Cử nhân hoặc Cao học. Nếu không là Luật (Bình, Hùng) thì cũng phải là Chính Trị Kinh Doanh (NV. Xuân, NĐ Quang) là vận động viên, lực sĩ Quốc Gia. (NV. Mạnh bóng bàn/Lê Tuấn Kiệt huyền đai nhị đẳng Nhu đạo), và cả thẩm phán nữa (Trần Cẩm Tửu)...

Sĩ quan Thủ Đức


Trường hợp Nguyễn Đức Quang hơi đặc biệt một chút. Anh vừa là khóa sinh vừa là người hướng dẫn những bài hát có tính tác động cho toàn thể khóa sinh từ khắp nơi được gởi về trung tâm lúc đó. Sĩ số trên ba trăm. Đúng ra, Quang học Thủ Đức trước tôi vài khóa. Nhưng do được đề cử hướng dẫn một đoàn ca nhạc (chính yếu là du ca) trong đó có Hoàng Oanh, Phương Oanh (đàn tranh)... sang một vài nước Âu Châu biểu diễn một thời gian. Khi về nước mới “ráp” vô cùng khóa với tôi. Về Quang, tôi nhớ mãi một chi tiết khá thú vị với anh: một chi tiết nhỏ “trong nghề.” Mặc dù, sau đó, lúc ra đơn vị trên Pleiku, tôi vẫn còn gặp lại anh đôi lần lúc anh đưa Trung Đội Chính Huấn lên đơn vị tôi công tác. Chi tiết nhỏ là: Khi tôi phỏng vấn anh để viết bài dành cho báo Trắng Đen về chuyến du diễn Âu châu của đoàn văn nghệ, trong phần đặt câu hỏi, tôi có thốt lên nhóm chữ “Như Tương Tự,” anh chặn lại và sửa “Tương Tự là đủ rồi! Còn thêm Như gì nữa. Dư!”...

Tôi còn “gặp” lại Quang một lần nữa vào một buổi chiều, khi anh cùng hai ba người bạn tù đi tha thẩn trên đường, bên kia hàng rào kẽm gai, khác khu tôi, trong trại tập trung Trảng Lớn. Tôi có giơ tay chào anh. Nhưng ngại bước ra sát hàng rào để hỏi chuyện. Tù mới, cái gì cũng sợ. Nhất là Ngô Nghĩa vừa bị xử bắn vài ngày trước. Sau đó vài tháng, tôi bị chuyển trại về an dưỡng Suối Máu Biên Hòa; rồi tiếp theo sau đó nữa, ngoài một năm, lại được tàu Sông Hương “tiếp đón,” đưa ra Bắc vào một đêm khuya khoắt...

Gần đây, trong một buổi phỏng vấn truyền hình được phát trên đài SBTN, giữa nhà văn Phan Nhật Nam với NĐ Quang, được nghe anh nói đã có mặt ở Cali đâu khoảng cuối năm 78 đầu năm 79 gì đó, và là một trong những nhà làm báo sớm nhất tại Little Saigon. Điều này làm tôi vừa kinh ngạc vừa thán phục...

Tôi ra trường, qua hình thức rút thăm. Đơn vị tôi đáo nhậm là Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị đồn trú trong vòng thành Pleime, nơi đặt đại bản doanh của Quân Đoàn II. Chuyện phải lên đơn vị phục vụ tận Pleiku có một chi tiết nhỏ làm tôi đâm ra tin dị đoan đến bây giờ.

Số là, thật sự tôi bắt đúng lá thăm về với Tiểu Đoàn 20 CTCT. Trong số anh em, có Nguyễn Văn Lập bắt trúng thăm Tiểu Đoàn 30 CTCT đồn trú tại Biên Hòa. Do anh ta người Huế, gia đình lại ở Ban Mê Thuột, anh ta đề nghị tôi hoán đổi thăm. Tôi hoan hỉ chịu ngay vì Biên Hòa gần Sài Gòn, tôi lại có bạn thân Lê Huỳnh phục vụ ở đó. Đến ngày lên đường, tôi vào cục Tâm Lý Chiến để nhận sự vụ lệnh thì nơi tôi phải trình diện lại là... Pleiku! Hỏi ra mới biết, trước đó một ngày, không hiểu sao Lập đã đơn phương rút lại ý định, đến xin điều chỉnh lại như cũ! Thì thôi, cũng đành.. .À quên, trước gió hai ngày, cô bạn gái duy nhất của tôi, chỉ mới lớp Đệ Tam (lớp 10) Trưng Vương, có tặng tôi một chéo khăn thêu. Tôi cảm động nhận mà quên tặng trả cô em gái... lấy một đồng! Mãi tận về sau nầy, với bà xã mà tôi cưới hỏi sau ngày ra tù vài năm, cô cũng trao cho tôi “cùng một thể thức ấy”; và tôi lật đật mau mắn rút bóp trao lại ngay cho nàng một tờ giấy bạc...

Đời nhà binh, mỗi người đều phải thi hành những công việc đặc thù của Quân, Binh chủng hoặc ngành nghề mà mình phục vụ. Cá nhân người viết, do không đảm trách một nhiệm vụ gì đặc biệt hay đặc sắc để có thể tường trình lại hầu chuyện cùng bạn đọc, xem cho qua thời giờ, thư giãn mấy ngày Xuân. Cố nhớ lại thì thấy có một sự việc xét thấy đáng cần phải ghi thêm ra đây.

Vào những ngày cao điểm dầu sôi lửa bỏng của chiến cuộc “Mùa hè đỏ lửa,” tôi đang công tác tại đài truyền hình Qui Nhơn với công việc viết thuyết minh cho những thước phim đánh đấm mà nhóm phóng viên chiến trường của tôi đang theo chân các đơn vị hành quân ngoài mặt trận Bắc Bình Định, quay được mang về đài làm hậu kỳ. Một buổi sáng, đang ngồi chờ nhóm làm phim thì tôi được ông Ngô Đình Lân, Quản Đốc đài lúc ấy, báo tôi vào phòng thu để xem phần thu đặc biệt có xen lẫn ca nhạc của nhóm Hồi chánh viên từ Sài Gòn vừa ra. Từ phòng điều khiển thu, nhìn qua chắn kính, ông Lân ra vẻ quan trọng hỏi tôi, “Anh biết những ai đó không?” và trả lời luôn “Đoàn Chính, Bùi Thiện và Ngọc Thanh đấy!”...

Qui Nhơn


Nghe và xem thu hình ca hát thì có gì hay và đặc biệt! Nhất nữa, lại là ca sĩ hồi chánh viên. Thật ra, trước đó, tôi đã có tình cờ xem và nghe các ca sĩ này hát qua TV ở Sài Gòn cũng như radio. Ai cũng biết, các ca sĩ nêu trên, trong chiến cuộc năm Mậu Thân, đã đồng loạt xin hồi chánh ở mặt trận Ngã ba Cây Quéo, Xóm Thơm, Xóm Giá, Xóm Gà thuộc quận Gò Vấp của tỉnh Gia Định. Nhưng tôi cũng vào ngồi xem mà lơ đãng, không chú ý lắm. Cho đến phần song ca của cặp Đoàn Chính-Ngọc Thanh thì phải nói, ngay lập tức, tôi bị cuốn hút vào bài hát. Một phần là từ giọng “duo” hết sức hòa quyện, truyền cảm của hai ca sĩ này cũng như phong cách diễn đạt của họ. Nghe và nhìn thấy, sao mà xao xuyến, quyến luyến, thiết tha đến kỳ lạ. Phải nói là xuất thần. Nhưng chưa hết. Đó chưa phải là điều làm tôi kinh ngạc! Điều gì làm tôi kinh ngạc?

Thưa, đó là bài hát! Là nội dung của lời ca mới làm tôi thật sự ngạc nhiên quá đỗi. Bởi vì, là một người chuyên tâm yêu thích và theo dõi kỹ lưỡng tất cả những bài nhạc cũ mới VN, từ tiền chiến đến tận lúc đó, có thể nói đến chín mươi chín phần trăm các bài nhạc tôi đều từng nghe qua ít nhất một đôi lần, kể cả hay hoặc dỡ, tôi thích hoặc không. Nhưng bài nhạc mà hai ca sĩ hồi chánh hát hôm đó, tôi nghe hoàn toàn lạ hoắc dù cố gắng moi đến tận gốc ký ức thẩm âm của mình. Giai điệu và khúc thức bài hát làm tôi mê mẩn. Nó có một dáng vẻ gì đó như một cô gái người Hoa lai Việt. Đầu gà đít vịt! Nhưng chính vì vậy mà nó quá đỗi diễm lệ. Và lời ca nữa. Nó dịu dàng thiết tha biết dường nào. Nhưng có điều là lạ lẫm. Nó không có vẻ gì ăn nhập với bất kỳ một hoàn cảnh nào của bất cứ ai đang sinh sống trong vùng đất tự do của Miền Nam VN. Lời ca miêu tả và diễn tả tình cảm, tâm trạng của một cô gái dùng một chiếc thuyền mỏng manh, chèo một mình trong đêm tối trên một dòng sông nhỏ nào đó của quê hương nhà giữa thời chiến tranh, mang thực phẩm tiếp tế cho một người anh hay người yêu không tên nào đó đang cầm súng chiến đấu với quân thù...!

Phần thu xong và được phát hình ngay tối hôm đó. Tôi không xem lại cũng như không hỏi han điều gì trực tiếp với đôi song ca về tên bài hát cũng như tác giả của nó. Và cũng không hề được nghe lại lần thứ hai bài nhạc này. Cho đến...

...Biến cố lịch sử 30 Tháng Tư năm 1975, hằng trăm ngàn sĩ quan, Quân, Cán, Chính bị lùa vào các trại tù trên khắp cùng đất nước. Sau hơn một năm ở Trảng Lớn Tây Ninh, tôi bị đưa về trại an dưỡng Suối Máu Biên Hòa. Tại đây, để chuẩn bị chào mừng ngày lễ lớn 2 Tháng Chín của năm 76, các tay cán bộ quản giáo có đến từng lán để kêu gọi và “tuyển chọn” ca sĩ để “biểu diễn” trên sân khấu một hội trường lớn, nguyên là một nhà kho tiền chế khổng lồ có sức chứa hai ba ngàn tù ngồi xem xếp lớp vẫn còn dư chỗ. Mà tuyển lựa thật sự chứ không phải qua loa. Bị anh em “chỉ điểm,” tôi và một anh bạn khác trong lán được tay cán bộ này kêu tới và đưa cho một tập bài ca “cách mạng” quay ronéo, phần nhạc và chữ đều kèm nhèm, bảo hãy lựa bài hát nào tùy ý rồi tập trong vài ngày, anh ta sẽ đến nghe hai chúng tôi cùng nhiều “thí sinh” của các lán khác biểu diễn để anh ta chấm và tuyển chọn, biên tập đưa vào chương trình biểu diễn trong ngày lễ.

Trong vụ này tôi đã về đầu với bài “Hát trên thành phố mang tên...” mà khi hát thật trên sân khấu, tôi đã thả giàn quậy theo ý “Người Tù Chiến Hữu,” lão trượng Nguyễn Trung Hòa kính mến của tôi (độc giả có thể tìm thấy chi tiết nội dung này trong tập Chuyện Tù Cải Tạo tập I do nhật báo Viễn Đông xuất bản và phát hành giữa năm 2007).

Và... nhưng, chuyện tôi muốn đề cập ở đây là... là tôi đã phát hiện trong tập nhạc VC mỏng manh mà tay quản giáo trao, có bài nhạc hai ca sĩ hồi chánh đã say sưa hát tại đài truyền hình Qui Nhơn mới tròm trèm 4 năm trước, đã gây kinh ngạc cũng như gieo được ít nhiều cảm xúc tự nhiên trong tôi. Có đầy đủ cả tên tác giả nữa. (Để tránh hiểu lầm, xin được miễn nêu). Ngay lập tức, âm hưởng của bài nhạc, dù chỉ mới nghe thoáng qua có một lần, đã như những làn sóng nhẹ lao xao, gờn gợn trong tôi. Sẵn có đầy đủ cả lời và nhạc, tôi tự tập đến thuộc lòng. Khi ôm đàn hát cho “Người Tù Chiến Hữu” nghe, tôi còn chảy cả nước mắt nữa! Thật kỳ lạ thay cho bài hát đã tác động tôi đến vậy. Đúng là không ai thương vay, khóc mướn giỏi hơn người viết. Và đây, lời của bài hát:

“Đêm nay, đêm nay có thuyền em đi
“Thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông
“Đường đêm lấp lánh sao trời. Mà em vui vững lòng đi tới
“Mong ước sao được thấy người
“Trên vai em đôi gánh quà tươi
“Trong tim em bao nỗi niềm vui. Có mấy khi về đây
“Người em ước mơ
“Ngày đêm chiến đấu
“Dưới bóng ngọn cờ
“Có hay rằng một người
”Trên dòng sông sông đêm reo cười
“Thiết tha yêu người suốt đời
”Chỉ vì nhân dân
“Mà hiên ngang đấu tranh
“Những bước chân anh in trên ruộng đồng
“Những ngày nắng hồng
“Những chiều gió đông
“Reo mừng chiến thắng
“Anh mới vừa lập công
“Và có em một đời yêu thương đứng mãi bên đời anh đây!”

Người viết, với thời gian và trí nhớ có hạn, không chắc rằng lời nhạc viết ra có đúng trăm phần trăm. Cũng không nhằm ca ngợi hay đề cao chi bài hát này. Chỉ nêu lên như một ví dụ cụ thể nhằm dẫn chứng cho dụng ý của mình ở vài dòng chót, cuối bài.

Vào khoảng năm 1990, trong một buổi họp mặt cùng một số anh chị em nhạc sĩ trẻ tại Thành Đoàn Nhà Văn Hóa Thanh Niên, do tình cờ, người viết được giới thiệu và diện kiến với tác giả “Thuyền em đi trong đêm,” bài hát trên. Đó là một người đàn ông trạc tuổi ngoài bốn mươi, người mảnh khảnh, sắc mặt xanh xao vàng vọt. Qua vài lời khen ngợi lấy lòng tác giả bài hát cùng thăm hỏi xã giao, được biết tác giả đang là giám đốc Nhà Văn Hóa Thiếu Nhi Đồng Nai, Biên Hòa. Một chức vụ khiêm tốn, sạch sẽ. Chắc chắn cũng không gỡ gạc, kiếm chác được gì!...

Hãy suy nghĩ: Hai ca sĩ hồi chánh viên, đường hoàng hát lên một bài nhạc đỏ lòm lộ liễu với sức truyền cảm mãnh liệt cùng tác dụng động viên, cổ võ, kêu gọi một cách vô song, để thu hình trên hệ thống đài truyền hình Quốc Gia rồi phát ra cho cho quảng đại quần chúng phía VNCH xem, thử hỏi sức công phá tệ hại biết dường nào vào thành trì chống Cộng của người Quốc Gia. Vậy, những giới chức thẩm quyền trong ngành thông tin tuyên truyền của chúng ta lúc đó làm gì với chức năng của họ? Và ngành Chiến Tranh Chính Trị với lục đại chiến mà bản thân người viết “kết” nó lúc nhập ngũ, vốn được tổ chức rất qui củ và chặt chẽ, lại hớ hênh lơ lỏng đến thế sao? Với tuổi đời, cấp bậc cùng chức vụ nhỏ nhoi khiêm tốn của người viết lúc đó, dẫu có nhận ra “vấn đề,” cũng chẳng la làng thấu được tới ai!!...

Ngày xưa, trong cuộc chiến súng đạn, giữa phe ta và VC, có lúc phe này nhỉnh hơn phe kia hoặc ngược lại. Nhưng phần nhỉnh, phần chiến thắng đa phần về ta, VNCH. Còn mặt trận văn hóa, đấu tranh chính trị, dù chủ quan đến mấy, cũng thấy rằng ta kém, thua xiểng liểng. Không phải ta không có nhân sự hay không hết lòng. Ta kém, ta thua chẳng qua vì những lĩnh vực vừa nêu, phe ta không coi trọng, hay chí ít là ta không đặt nặng như phe Cộng; đồng thời ta không nỗ lực, bỏ công sức và tiền “đầu tư” cho nó đúng mức!...Chuyện cũ đã xa xưa rồi. Nhắc lại chỉ nhằm ôn cố tri tân mà thôi.

“Tân” thì sao? Có lại phải bi quan nữa hay không? Đặc biệt sau Nghị quyết 36 của CSVN tung ra công khai. Nằm vùng văn hóa văn nghệ và cả kinh tế, thương mại của CSVN nữa, đã mọc lên như nấm rồi, kính thưa quý độc giả và cánh nhà binh mình. Chỉ cần tinh tế một chút, là thấy ngay. Quanh mình thôi, không đâu xa. Trên đường phố, trong chợ búa, nhà hàng, phòng trà sân khấu ca nhạc; trên trang báo, trên các đài phát thanh phát hình, trên internet với các trang nhà, trang chủ...Và cả trong học đường lẫn chùa chiền, hội thánh nữa... Ai chắc rằng không ? Vân vân và vân vân... Chắc chắn họ có tổ chức lớp lang, có chỉ đạo từ xa, có bày vẽ, xúi giục gần. Và đặc biệt hơn hết, có đô la yểm trợ, thôi thúc không ngừng sau lưng. Họ không sợ mất nhà hay bị kéo xe. Job diếc với họ là chuyện nhỏ, không phải “chuyện lớn.” Họ không lo lắng phải full time cho nó.

Còn quý độc giả KBC Hải Ngoại và toàn thể cánh nhà binh mình, dù ai là người có tâm huyết cách mấy, la lối cá nhân cũng khó được ai nghe tới. Điều cần là phải tham gia cùng đoàn thể, cần đứng trong các tổ chức. Và điều hệ trọng sống còn, là cần có được sự hậu thuẫn, yểm trợ trường kỳ từ...Từ đâu? Đứng trong đoàn thể hay tổ chức thì dễ, ai cũng có thể. Nhưng nguồn hậu thuẫn, yểm trợ cho mình thì từ đâu ra, lấy đâu có? Thật vô phương trông mong!!

Và như vậy, có nghĩa là bằng không! Nếu chỉ ăn cơm nhà, ngày ngày phải đi quẹt thẻ, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ kinh tế Mỹ tuột dốc, bị laid off... thì làm sao chúng ta đủ nội lực để có thể đẩy lui (chưa dám nói chiến thắng) được CS, dù ngay tại hải ngoại này, trong cuộc chiến chống sự xâm thực của chúng, vốn còn hiểm hóc, độc địa hơn cả mối mọt trong căn nhà mình!...

(Phoenix, AZ - Những ngày cuối năm 07)

Hồ Hoàng Hạ

(Trích trong KBC Hải Ngoại số 25 & 26 - Bộ mới)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn