BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76768)
(Xem: 63135)
(Xem: 40537)
(Xem: 32162)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Công nhân Pouchen được gì sau ba ngày đình công

01 Tháng Ba 201612:00 SA(Xem: 1633)
Công nhân Pouchen được gì sau ba ngày đình công
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Nhiều ngày qua, các trang mạng đưa tin về cuộc đfinh công của công ty Pouchen. Sau 3 ngày đình công, hôm nay thứ hai, ngày 29/2, công nhân công ty Pouchen đã đi làm trở lại. Sáng ngày 29/2, từ công ty Pouchen, một công nhân cho đài Á châu tự do biết:

«Dạ công nhân đi làm rồi, công nhân đi làm rồi chị. Chừng nào đưa ra bảng thông báo như thế này người ta mới đi làm lại đó.»

Thông báo của công ty Pouchen sau ba ngày công nhân dình công. Ảnh do công nhân cung cấp


Khoảng đầu năm nay, công ty Pouchen 100 % vốn Đài Loan, có cơ sở tại thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai với 21.900 công nhân, chuyên sản xuất giày với đối tượng khách hàng chính là Nike đã ra thông báo sẽ áp dụng thử trong vòng 6 tháng chính sách «quản lý hiệu quả công việc . Theo quy chế này, công nhân sẽ bị tính điểm tùy theo năng suất làm việc hay bị phạm lỗi trong khi làm việc. Cán bộ công ty sẽ theo dõi, ghi điểm và cuối năm xếp hạng A, B , C. Tùy theo bảng xếp hạng này mà công nhân sẽ bị trừ tiền thưởng cuối năm, giảm chế độ phụ cấp và tiền thâm niên. Điều này gây bức xúc cho công nhân. Vì theo chính sách này thì nghĩ không phép hay có phép đều bị trừ tiền thưởng, hoặc không công bằng cho công nhân vì bệnh nặng phải nghĩ dài hạn, chưa kể đến tình trạng bè phái hoặc quen biết nên sự xếp hạng sẽ không công bằng. Chị Nga nói:

«Thí dụ mình nghỉ không phép thì người ta trừ mình bao nhiêu cũng được, nhưng còn những người đau ốm bệnh tật, những người bị mổ xẻ, tai nạn họ phải nằm viện cả mấy tháng trời mà trừ tiền thưởng người ta thì cũng tội. Tết đến người ta chỉ có mong vào tiền thưởng.»

 

Chính sách được áp dụng rất nghiêm ngặt: một sợi chỉ dù do ai làm rơi ra cũng phải nhặt ngay, trong lúc làm việc không được nói chuyện, bất cứ một vi phạm nào đều bị cán bộ ghi để cuối tháng trừ điểm và xếp hạng abc, ngay cả việc đi vệ sinh trong giờ làm việc cũng bị hạn chế tối đa. Công nhân bị coi như những người máy. Chị Nga tiếp:

«Chẳng hạn như họ làm ra một vạch đường vàng. Cái vạch vàng đó bắt buộc ngồi thẳng hướng, ngay hàng. Mình ngồi mỏi hay vô tình đi vô, đi ra, xê dịch một chút, không để ý là bị ghi lỗi và trừ tiền thưởng, áp lực người ta quá !»

Công ty đưa ra chỉ tiêu cho mỗi tháng, vì vậy cán bộ phải cố tìm lỗi của công nhân để trừ điểm cho đạt chỉ tiêu. Chị Nga nói:

«Từ tháng 1 đầu năm nay là bắt đầu áp dụng. Ở trên nó bắt cán bộ phải ghi bao nhiều lỗi, bao nhiêu lỗi, bắt buộc phải có. Cán bộ giống như công an, có ai sơ hở là nó ghi ngay. Ít nhất một ngày là phải vài người có lỗi.»

Ngày 25/2, công nhân đã bắt đầu đình công để phản đối quy chế tính điểm này. Khoảng 17.000 công nhân tràn ra quốc lộ 1K, Hòa An, làm tắc nghẽn giao thông. Cuộc đình công khởi đầu rất ôn hòa, tuy nhiên sau đó có sự can thiệp của công an và có xảy ra xô xát làm 3 công nhân bị thương.

Sau ngày đình công thứ nhất, công ty đã phải nhượng bộ và ra thông báo « ngừng thực hiện chính sách quản lý hiệu quả công việc» và trả lương ngày 25/2. Công nhân không đồng ý với thông báo «ngừng thực hiện» và tiếp tục đình công sang ngày thứ hai. Công nhân tiếp tục đình công. Đến ngày 27/2 công ty ra thông báo «công ty không thục hiện chính sách quản lý hiệu quả công việc» và đồng ý trả lương các ngày đình công 25,26,27/2. Chị Thu, một công nhân Pouchen kể lại từng bước nhượng bộ của công ty:

«Trưa 25 đình công là 26 nó đưa thông báo nó nói 25 không đi làm vẫn tính lương, yêu cầu 26 đi làm bình thường. Đến 26 đình công thì nó ghi là 25-26 nó vẫn tính lương, yêu cầu công nhân 27 lên ca bình thường. Ngày thứ bảy, 27 mời đình công nó lại đưa ra thông báo vẫn trả lương 3 ngày 25,26,27. Yêu cầu công nhân ngày 29 lên ca bình thường.»

Tuy nhiên, nhiều công nhân chưa hoàn toàn đồng ý với chữ «Không thực hiện» trong thông báo mà đòi phải «Hủy thực hiện» vì họ cho rằng, có thể công ty bây giờ «không thực hiện» nhưng sau này lại thực hiện thì sao ? Nhiều công nhân phân vân không biết thứ hai có tiếp tục đình công không ? Đa số chọn thái độ chờ đợi.

«Mình cũng không biết nữa, nếu đình công thì mình đình công, còn mọi người làm thì mình làm. Nhưng mà mười mấy ngàn người mà phân nửa làm, phân nửa đình công thì cũng khó xử. Ba cái thông báo, nhưng nó không ghi là bãi bỏ, nó chỉ ghi là không thực hiện thôi !»

Tuy đã đi làm lại, công nhân vẫn còn chia ra hai ý kiến, một số thì cho rằng câu «không áp dụng chính sách» là không rõ ràng mà phải nói là không áp dụng việc phân hạng A,B,C. Nhưng một số khác thì cho rằng không áp dụng chính sách cũng đồng nghĩa với việc không áp dụng xếp hạng A,B,C. Chị Nga nói:

«Nhiều người thắc mắc là không quản lý hiệu quả công tác, thế thì nói về A,B,C thì chẳng hạn mình làm sai thì có ghi lỗi hay trừ nữa hay không ? có nhiều người nói vậy, có nhiều người không hiểu. Có nhiều người thì hiểu giống như em : cái câu A,B,C nó cũng tương tự như quản lý hiệu quả công việc vậy thôi, theo em nghĩ nó cũng giống nhau cả.»

Dù vẫn còn hoang mang với chữ nghĩa trong thông báo này, nhưng sau 3 ngày đình công, nhiều công nhân đã phải đi làm vì sợ chủ phá sản thì mất cả việc. Chị Thu nói:

«Lúc đâu mình thấy công ty Pouchen mọi người cũng dứt khoát, mạnh mẽ lắm. Đến khi mà Nanh Sói ( ?) đưa ra ý kiến : sợ, đi làm thôi nghỉ mấy ngày cũng chán, sợ chết đói không có tiền lo cho gia đình.»

Tuy nhiên, cũng nhiều công nhân cũng ý thức được rằng công nhân phải dám hy sinh để đấu tranh cho quyền lợi lâu dài của mình. Chị Thu tiếp:

«Thà là mình mất vài ngày mà mình đạt được quyền lợi vĩnh viễn của mình còn đỡ hơn là mình cứ như làm là nó dí mình vào đường cùng thì sau này mình sẽ không có quyền lợi nào nữa hết. Mình làm mà không có quyền lợi chẳng khác nào nô lệ với vua.»

Từ lúc Bộ luật Lao Động Việt Nam ra đời tháng 1/1995 cho đến năm 2012 đã có trên 5000 cuộc đình công. Phần lớn xảy ra tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Và tất cả các cuộc đình công đều do công nhân tự phát, chưa có cuộc đình công nào do Tổng Liên đoàn lao động - một cơ quan chính thức đại diện cho công nhân Việt Nam - đứng ra tổ chức. Khi sự bức xúc của công nhân đã lên đến đỉnh điểm, một số công nhân dấu mặt đã thúc đẩy cuộc đình công. Từ cuộc đình công của 90.000 công nhân Pouyen cũng như cuộc đình công vừa qua của công ty Pouchen cũng đều do những công nhân ẩn danh đứng ra kêu gọi. Chị Gương, một công nhân làm việc tại công ty này kể lại:

«Em đang làm thì có một số công nhân ở các xưởng khác ào vào, không cho làm nữa, muốn làm nữa cũng không được, người ta đâu có cho mình làm đâu, họ tắt hết điện rồi.»

Dù là những cuộc đình công tự phát, nhưng cũng đưa đến những thành quả nhất định : Từ cuộc đình công 5 ngày của công nhân Pouyen năm 2015 kết quả Quốc Hội phải sửa đổi luật Bảo Hiểm Xã Hội cho đến cuộc đình công 3 ngày của công ty Pouchen vừa qua đã buộc công ty phải nhượng bộ trước áp lực của 17.000 công nhân, chiếm trên ¾ tổng số công nhân của công ty. Sự thành công này theo công nhân là do sự đoàn kết của số đông công nhân. Chị Thu đánh giá:

«Thì do mọi người hợp tác với nhau. Theo cái đánh giá là thành công.»

Và cũng do sự quyết tâm của công nhân như nhận định của chị Nga:

«Nói chung là công nhân quyết tâm là quyết tâm hết, như vậy đó !»

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, một cơ quan trực thuộc đảng Cộng sản Việt Nam, với nhiều đại diện ở các công ty nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện đúng vai trò bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Mặc dù hàng tháng, công nhân vẫn phải đóng tiền cho cán bộ công đoàn hoạt động, nhưng về hiệu quả giúp đỡ công nhân thì hầu như không có. Chị Nga cho biết:

«Thì cũng có công đoàn đại diện, công nhân cũng có viết đơn, nhưng rồi dòm, dòm, ngó, ngó rồi đâu cũng vào đó thôi.»

Tuy vậy, về phần công nhân vẫn chưa vượt qua được nỗi sợ của mình để tự đứng lên bảo vệ cho quyền lợi của chính họ. Chị Nga chia sẻ:

«Công nhân đâu có dám tự nguyện tự giác đâu, nhiều khi công ty có mời thì mới nói thôi chứ….Công nhân nó không dám, thật sự là công nhân không dám. Nhiều cái bức xúc thì chỉ có nói với nhau vậy thôi. Nhiều khi tập hợp lại, có ý kiến nào đó nhưng sợ, nhát … !! »

Mặc dù đã ký kết hiệp định TPP, nhưng việc các tổ chức độc lập bảo vệ quyền lợi cho người lao động ra hoạt động công khai vẫn còn gặp nhiều nguy hiểm. Vừa qua, thành viên của tổ chức Lao Động Việt- một tổ chức vận động thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam - đã bị công an đánh đập khi giúp công nhân Yupoong, việc tiếp cận công nhân để truyền đạt kiến thức về nghiệp đoàn là vô cùng khó khăn, gặp nhiều cản trở. Nhiều công nhân nghĩ đến chuyện phải tự bầu lấy người đại diện cho mình, tuy nhiên, vì không có người hướng dẫn nên họ cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Chị Thu nói:

«Nhiều khi công nhân không có người đại diện thì họ sẽ bị chia rẽ, không kết hợp lại. Mình cũng nghĩ là cần một ai đó đại diện, nhưng mà chưa biết bắt đầu từ đâu thôi.»

Sau hơn 4 tháng kết thúc đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), người ta vẫn chờ đợi Việt Nam ra một bộ luật rõ ràng về việc tự do lập hội, trong đó việc cho thành lập những nghiệp đoàn độc lập là một trong những điều kiện tất yếu của hiệp định này. Tuy nhiên, điều đó, cho tới nay vẫn chưa thấy Hà Nội thể hiện cụ thể.

Tường An, thông tín viên RFA

01-03-2016
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn