BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73315)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi vượt ngục qua... cổng chính

17 Tháng Hai 201612:00 SA(Xem: 3333)
Tôi vượt ngục qua... cổng chính
55Vote
42Vote
31Vote
20Vote
11Vote
4.19
Sau khi đi tù về, lưu lạc qua xứ Mỹ này, đọc lại một số bài viết của anh em Khóa 20 Nguyễn Công Trứ mình ghi lại, tôi mới vỡ lẽ ra rằng khóa 20 chúng ta có những anh thật lẫy lừng trong hành động vượt ngục: Vương Mộng Long, Phạm Văn Tiền, Trần Tấn Hòa, Nguyễn Tâm Miên, Đoàn Quốc Trụ, Trương Văn Vân, Trần Công Hạnh, nhiều, nhiều lắm! không chỉ một lần mà lắm khi tới ba bốn lần! Thật đáng khâm phục.

Riêng ở trại Kỳ Sơn, Tiên Lãnh, nơi mà tôi bị giam cầm trong đó, anh em khóa chúng ta bị lâm vòng lao lý khá nhiều: Nguyễn Tâm Miên, Trương Đình Hà, Đỗ Ngọc Nuôi, Hoàng Xuân Đạm, Võ Văn Huệ, Nguyễn Hai, Võ Nhẫn, v.v... tôi không nhớ hết.

Nơi đây sự kiện đáng nhớ nhất là chuyện Nguyễn Tâm Miên vượt trại. Tôi biết rất rõ việc này vì Miên đã thổ lộ với tôi rất nhiều. Khởi đầu thì Miên có bàn với tôi về việc cùng vượt ngục. Nhưng rồi càng về sau thì càng giãn ra vì sức khỏe của tôi ngày một sa sút, sức không kham nổi đoạn đường!

Buổi tối trước khi thực hiện cuộc vượt ngục vào ngày mai, khoảng 9-10 giờ tối gì đó, Miên từ nhà bên cạnh mò qua chỗ tôi nằm (Miên biết rất chính xác chỗ treo mùng của tôi, giựt chân tôi dậy, nhét vào mùng tôi một bộ quần áo trận và một cái võng mầu olive. Tôi nhổm dậy, lặng lẽ đưa lên gối đầu nằm và ngủ tiếp, coi như không có chuyện gì xảy ra. Sáng dậy tôi bị đau răng quá sức, chân răng có mủ, phải xuống Bác Sĩ Vương Ngọc Lâm khai bệnh, nghỉ ở nhà không đi lao động. Đây là một cơ hội vô cùng quí hiếm. Sáng dậy, nhà tôi và nhà của Miên cùng được phân công đi đốn củi và Miên lại là trưởng toán. Miên phân công cho anh em, bắt cặp với nhau 2 người một thước khối theo chỉ tiêu của trại ấn định rồi cũng vác rựa ra đi. Đến khoảng 8 giờ sáng thì Miên vòng trở lại, vào nhà tôi chào từ biệt rồi lặng lẽ vác rựa đi tiếp. Tôi chúc Miên được thành công.

Và rồi Miên thành công thực.

Thời gian này chúng tôi còn ở trại Kỳ Sơn do bên quân đội quản lý, chưa chuyển sang cho bọn công an bò vàng ở nơi chuyên nghiệp là trại Tiên Lãnh canh giữ.

Sự kiện Miên vượt ngục lúc nào cũng in đậm trong đầu tôi. Về trại Tiên Lãnh thì cơ hội vượt ngục không còn nữa: Điển hình là Trung Tá Nguyễn văn Bình (K19) hợp tác với một Đại Úy BĐQ cùng nhau trốn trại đã không thoát khỏi vùng thiên la địa võng: Anh Bình bị chúng bắn chết vì quyết liệt chống cự khi bị chúng bủa vây, không chịu đầu hàng.

Thấm thoát đã hơn 7 năm ở tù non-non, vì các bạn cùng khóa nhiều người gỡ trên 10 cuốn lịch tôi có tên trong danh sách được thả về, đó là năm 1982.

Tờ Giấy Ra Trại (chứ không phải Bằng Tốt Nghiêp mặc dù tôi đi học tập cơ mà!) cầm trên tay ghi rõ nơi cư ngụ là xã Ngọc Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, thế nhưng ngay khi vừa thoát ra khỏi cổng trại tù, đầu óc tôi đâu cần biết xã Ngọc Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, là nơi khỉ ho cò gáy nào. Tôi trực chỉ Sài Gòn, dứt khoát không thi hành lệnh hai năm quản chế. Tôi lang bang ăn nhờ ở đậu hết anh này đến chị nọ, mỗi nơi lén lút tạm bợ một vài đêm rồi lại lang thang đi chỗ khác. Hành lang nhà thờ Đồng Tiến nằm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, Sài Gòn, từng là khách sạn ngàn sao chứa chấp tôi nhiều đêm.

Thoát cảnh tội tù, nơi cư trú chắc chắn không còn là cái thành phố mang tên một cái xác thối đang nằm chình ình trong cái mả ở Ba Đình, mà nó phải là một nơi chốn nào đó, nơi ấy chắc chắn phải có tự do-dân chủ. Nói thế có nghĩa là đất sống của tôi không còn được định vị là tại quê hương bản quán của mình. Bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải vượt biên. Và rồi tôi đã thực hiện khoảng 25 lần suốt mấy năm trời sống vất vưởng ở Sài Gòn. Số tôi lận đận, 25 lần thất bại đủ 25! Điển hình nhất là lần cuối cùng hợp tác với Vũ Tuấn Việt cùng Đại Đội A với tôi. Hai anh em cùng nhau đóng kịch mua nhà, xin cư trú tại Ngọc Hà, gần chùa Đại Tòng Lâm, Bà Rịa, đích thân đi mua gỗ, xẻ ván đóng tầu, mua máy về ráp tạo thành một con tầu vượt biên nho nhỏ, sức chứa chỉ khoảng trên dưới bốn chục người, tất cả đều là người thân trong gia đình, chứ không nhận bất cứ một khách lạ nào để kiếm mối lấy lời. Nhưng số tôi quá xui xẻo, chẳng bao giờ được lênh đênh trên biển cả mà trái lại cung Thiên Di của tôi nó chỉ phát ở chốn... lao tù. Vì vậy, sau cái tù cải tạo, tôi lại lượm thêm 3 cái tù... vượt biên! Lần đầu tiên ở Ô Môn, Cần Thơ, lần thứ 2 ở Sở Síp, Long Thành và lần thứ ba hợp tác với đại gia đình Vũ Tuấn Việt thì tôi nghỉ mát ở Bà Rịa và rồi mấy tháng sau chuyển về B9 Biên Hòa. (Nếu kể thêm lần ở tù lịch sử, khi tôi bị sa cơ, lọt vào tay Trung Cộng trong cuộc hải chiến giữa Hải Quân QLVNCH và Hải Quân Tầu Cộng ngày 19 tháng 1 năm 1974 thì cuộc đời nhai cơm tù của tôi lên đến 5 lần cả thảy!)

Từ Bà Rịa chuyển về Biên Hòa, khi khai lý lịch tôi phịa ngay là tôi làm nghề hớt tóc, ngày ngày căng vải bạt bên vách tường của nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng để độ nhật và nơi cư trú cũng tại đường Kỳ Đồng trong con hẻm có tới ba bốn cái “xuyệt,” chỉ cần trật một con số thì đến bố thằng bò vàng chuyên nghiệp cũng không tìm ra địa chỉ để để điều tra nguồn gốc.

Tôi yên vị tại đây với danh nghĩa một tên tù làm nghề... hớt tóc. Công an trại B9 và tù nhân ở đây ai cũng biết... “chú Hai hớt tóc.”

Sở dĩ tôi có tên là chú Hai hớt tóc, vì mỗi lần trước khi vượt biên tôi đều dặn người nhà một tên giả nào đó chứ không dùng tên cúng cơm của tôi bởi nếu dùng tên thật mà chẳng may sa lưới, bọn nó mò ra là đã từng bị tù cải tạo thì tương lai của tôi sẽ sáng hơn đêm 30 Tết. Lần này thì tôi lấy tên là Nguyễn Hai tức Hai Ngựa Phẹc Năng Đen ĐĐ/G, trước 75 cùng phục vụ tại văn phòng Tư Lệnh Phó Lãnh Thổ BTL/QĐI rồi cùng chuyển sang phòng 3/QĐI cho đến khi tan đàn xẻ nghé.

Thế rồi, nhờ ơn trên thương tình ghé mắt, cơ hội ngàn năm một thủa đã đến với tôi: một trại lẻ ở gần đập thủy điện Trị An nằm sâu trong xa lộ Biên Hòa thuộc lãnh thổ Hố Nai 4, trực thuộc trại B9 Biên Hòa có một số tù nhân suốt mấy tháng nay chưa được hớt tóc, đã thế, một phái đoàn cấp lớn lại sắp đến thăm việc ngăn đập, thế là tôi được chuyển đến trại lẻ này để hớt tóc cho tù nhân.

Tới trại lẻ này, khách hàng hớt tóc tù nhân thì ít mà bò vàng thì nhiều. Bọn rừng rú này vớ được tôi thì cứ như mèo thấy mỡ vì “chú Hai hớt tóc” là thợ xịn từ Sài Gòn xuống, chắc phải là tuyệt lắm, lại được hớt chùa nữa! Tôi được cơ hội “hớt kéo tỉa dao” một cách hết sức điệu nghệ, rồi tin lành đồn xa, tin dữ đồn xa, khách hàng của tôi đã níu kéo chân tôi.

Nghề hớt tóc là nghề moi được đủ mọi chuyện trên trời dưới đất của khách hàng. Tôi không có ngoại lệ. Trong khi ngồi chờ tới phiên mình, bọn bò vàng phun ra đủ mọi tin tức, Phần tôi, tay thì liếc dao, nhấp kéo nhưng tai lại luôn luôn chú ý lắng nghe từng tin tức chúng tán gẫu với nhau không bỏ sót một chi tiết nào. Đã định bụng từ lâu, trại này tuy cách xa xa lộ trên dưới hai chục cây số gì đó, lại là đường độc đạo, nhưng không đến nỗi núi rừng hiểm trở mà chỉ là đồng bằng và vườn ruộng nên đi bộ cũng chẳng mấy khó khăn, dứt khoát là tôi phải hành động.

Tôi nhớ lại những ngày tháng 4, 1975 (Đà Nẵng bỏ ngỏ từ ngày 29 tháng 3, 1975, chúng tôi bắt đầu cuộc đời tù đày ở vùng Quảng Nam Đà Nẵng từ ngày 5 tháng 4, 1975) khi mới nhập trại Vĩnh Điện, hàng ngày trò chuyện thân mật với Hoàng Xuân Đạm, Lưu Văn Sung và Nguyễn Đức Trung. Giai đoạn này tương đối thoải mái chưa khắc nghiệt, đói khát cực nhọc như sau này bị chuyển lên Kỳ Sơn rồi Tiên Lãnh, chính thức “an hưởng” cuộc đời tù khổ sai vô thời hạn.

Trong thời gian tạm giam ở quận lỵ Vĩnh Điện, tỉnh Quảng Nam, tôi may mắn được nghe kể lại (chứ không được nghe trực tiếp) có một trung úy biệt kích, chuyên xâm nhập vào lòng địch đó là Trung Úy Nguyễn Văn Giỏi, chính anh đã tạo một kỳ tích mà báo chí Sài Gòn hồi đó đã đăng tin: Kho xăng của VC ở vùng ba biên giới trên đường mòn Hồ Chí Minh đã bị đốt cháy, phá hủy hoàn toàn.

Theo lời kể, Trung Úy Giỏi đã được thả xuống đường mòn HCM, dĩ nhiên là được trang bị giả dạng đúng như một tên Việt Cộng chính cống. Anh đã ra đường mòn HCM vẫy xe bồn để đi vào kho xăng. Anh đeo K54, sắc cốt y như một sĩ quan cán bộ. Tài xế xe bồn thấy anh vẫy xe và qua đối thoại (nhà nghề mà) tưởng anh là sĩ quan trong kho xăng nên sẵn sàng cho đi nhờ để khi vào cổng được dễ dàng, và anh đã đóng kịch rất trọn vai. Lính gác cổng lại tưởng anh là sĩ quan trưởng xa đi theo xe bồn nên cũng dễ dãi cho anh vào cổng. Lọt vào cổng, với một ngón nghề ở mức thượng thừa, anh đã quăng chất nổ nhỏ gọn nhưng cực mạnh vào khu bồn xăng. Thời nổ thì dĩ nhiên đã được tính toán kỹ lưỡng. Chờ lính gác đã đổi ca, anh lại đón xe khác ra khỏi kho xăng một cách an toàn.

Trở về khu đường mòn, anh ung dung chờ đợi kết quả và dĩ nhiên trực thăng đã đón anh trở lại đơn vị gốc trong niềm vui chiến thắng.

Đối với tôi, qua thành quả và động tác ấy, tôi phải tôn anh là bậc thầy. Và giờ đây tôi phải thực hành bài học mà tôi đã học được ở anh: Vượt ngục bằng cổng chính. Tôi thầm nghĩ trong bụng: dân chơi cờ tướng, ai chả biết câu, “Xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị.”

Suốt vài tuần lễ qua, đêm nào tôi cũng thức từ 3-4 giờ sang, đóng kịch, viện lẽ sợ hãi, tiếc của vì bị bọn tổ chức vượt biên lừa đảo nên mất ngủ ra ngồi dưới trụ điện nơi có ngọn đèn cao áp soi sáng cho đống gỗ hàng trăm cây cẩm lai to đùng mà mỗi cây dài hàng chục mét đường kính bốn, năm tấc để nhìn trời ngó đất. Đống gỗ này được sử dụng như thế nào thì chỉ có trời mới biết.

Từ vọng gác ngoài cổng, những phiên gác gần sáng, mấy chú bò vàng thường lân la đến thăm hỏi trò chuyện với tôi cho mau tới giờ đổi phiên. Với những con bò vàng này, hình ảnh “chú Hai hớt tóc” đã quá quen thuộc thân tình, vì ban ngày vẫn thường lui tới ghế hớt tóc để chàng chấu nhờ vả việc này việc kia, hết hớt tóc lại đến cạo râu, ráy tai vì... chùa được mà.

Yếu tố “thói quen” này đã tạo thêm cho tôi sự thuận lợi. Việc tôi cứ ngồi dưới ngọn đèn sáng choang từ 3-4 giờ sáng vì mất ngủ, không chịu nằm trong lán là chuyện bình thường, chả có di cần phải lưu ý nghi ngờ.

Thế rồi, buổi chiều hôm trước, mấy chú bò vàng chuyện hão với nhau, tôi được biết ngày mai sẽ chắn sông đắp đập, xe cộ của dân sẽ cấm di chuyển để ưu tiên đường lộ dành cho xe ben chở đất, cát, xi măng đã được thông báo cho dân địa phương.

Tôi lắng nghe và không để sót một lời nào vì đây là cơ hội ngàn vàng.

Sáng nay khoảng 4 giờ, nhìn ra cổng chính, tôi thấy có hai ba bóng người đi qua đi lại nơi vọng gác. Đây là giây phút quyết định. Tôi vào lán lấy giỏ quần áo mà tôi đã săp sẵn từ tối hôm qua. Men theo hướng bóng tối, đi thẳng ra vọng gác cửa chính. Cũng may là thời gian đó điện đóm còn thô sơ lắm, cổng trại không có những ngọn đèn sáng choang như ngày nay. Tôi lên tiếng chào hỏi bằng giọng Bắc kỳ rặt của tôi:

- Mấy đồng chí vừa đổi gác hả?

- Đi đâu sớm vậy?

- Về thành phố đây. Tối hôm qua nhận được điện của nhà từ thành phố gọi đến có việc khẩn trương trong gia đình, cả đêm nóng ruột quá ngủ không được. Hôm nay xui quá, nhằm ngay ngày đóng đập, biết là xe chở khách của dân đã bị cấm nhưng cũng đành phải liều ra đi rồi đón được xe cơ quan nào thì đón, nếu không, đành cuốc bộ ra xa lộ, tơi đâu hay tới đó.

Miệng vừa nói, chân vừa bước, cứ tỉnh queo như mình cũng là một trong những chú bò vàng vậy. Còn mấy tên lao xao đổi gác thì tâm lý thường tình là anh hạ phiên chỉ muốn mau về giường gỡ gạc thêm một giấc chót, ngược lại tên thượng phiên thì còn ngái ngủ, chớp chớp lòa lòa đâu có để ý người đối thoại là ai, thì phe ta cả mới nói chuyện tự nhiên như vậy chứ, hơn nữa người đối thoại lại vừa nói vừa đi như ma đuổi chứ có đứng lại đâu mà thấy rõ mặt xem lạ hay quen, nhất là lại giọng Bắc Kỳ thi chắc như bắp là phe ta rồi.

Trong mấy giây ngắn ngủi và đầy mạo hiểm ấy, tôi đã bước ra ngoài cổng chính, rẽ trái và điềm tĩnh rảo bước hướng về phía xa lộ.

Hay không bằng hên. Mới đi được chừng năm trăm thước trên đoạn đường độc đáo vắng hoe này thì từ xa phía sau lưng có ánh sáng của cặp đèn pha xe hơi chiếu tới. Tôi mừng như mở cờ trong bụng, thản nhiên đứng lại, vẫy xe đúng theo kiểu cán ngố Bắc Kỳ, nghĩa là tay cứ nâng lên hạ xuống lia chia để chặn xe ngừng lại.

Mà ngừng lại thật. Người tài xế thò mặt ra cửa cất tiếng hỏi:

- Đồng chí đi đâu đấy?

- Mình muốn đi thành phố. Hôm nay xui quá, đóng đập, xe dân không có. Đồng chí cho tớ quá giang được đoạn nào hay đoạn ấy.

Leo lên xe, trò chuyện với người tài xế mới biết xe này chỉ chạy tới một ngọn đồi cách đây chừng mấy cây số thôi để lấy đất đá. Nhưng rất may, anh tài xế này lại tiết lộ cho biết là lát nữa sẽ có sáu chiếc xe của đoàn công tác 26 sẽ đi thành phố để lãnh xi măng.

- Đồng chí đừng lo, lát nữa tới trạm công an, đồng chí xuống đó đứng chờ, tôi sẽ nhờ công an nó chặn đoàn xe này lại cho đồng chí đi tiếp, còn xe này tôi đi vào chân núi để lấy đất đá chứ không đi thành phố đâu, chịu khó vậy nhé.

Đến trạm công an, người tài xế nói tôi xuống xe và ngoái cổ xuống dặn công an đúng như anh ta đã nói với tôi lúc nãy.

Chỉ chừng vài chục phút sau, quả là có sáu chiếc xe quét những luồng sáng chói lòa từ từ ngừng trước trạm. Chú bò vàng này lại hất đầu chỉ tôi lên chiếc xe đầu tiên.

Không đầy nửa giờ sau, xe ra tới xa lộ Biên Hòa. Mà nghề tài xế thì thường hay có máu kiếm chút cháo. Anh ta rề rề đến các trạm xăng “cục gạch” để bắt mối.

Tôi thoải mái xuống xe để cho họ làm ăn.

Đúng lúc đó, chiếc xe chở tù mà tôi quá quen thuộc từ trại B9 Biên Hòa lại đi về hướng Hố Nai 4, có lẽ là vào trại Trị An. Nhanh như cắt, tôi nép vào vách tường căn nhà bên đường ngay đó, quay lưng về phía xe tù này, và kìa, từ hướng ngã ba Vũng Tầu về Sài Gòn đang có xe đò tiến đến. Xe tù vừa vượt qua, tôi nhào ra vẫy xe đò và vội cám ơn người tài xế xe ben.

Leo lên xe đò, tôi đã nắm chắc trong tay phần thắng. Về đến ngã tư Hàng Xanh, tôi xuống xe, ngoắc xe ôm trực chỉ đường Sư Vạn Hạnh góc Lý Thái Tổ, nơi gia đình chị tôi ở đó.

Đứng trước cửa nhà mới hơn 6 giờ sáng, chị tôi trố mắt ngỡ ngàng hỏi tôi:

- Chú được tha về đấy à? mà sao giờ này đã về tới đây?

- Đâu có, em tự ký giấy cho em về đấy chứ.

Các cháu tôi lúc này mới lục tục bật dậy. Còn vợ con tôi thì bây giờ đang cư ngụ tại nơi mà đáng lẽ tôi phải về chung sống đã bị ghi rõ trong Giấy Ra Trại, bởi lẽ vợ tôi và 5 con nhỏ đã được thả về trước mấy tháng từ hồi còn ở trại tù Bà Rịa cùng lúc với gia đình của Vũ Tuấn Việt vì thuộc diện có con nhỏ. Riêng Vũ Tuấn Việt, ngay đêm bị công an rượt đuổi đã phóng xuống sông Thị Vải trốn thoát, một hành động vô cùng dũng cảm. Tôi rất khâm phục.

Mãi sau này, niên trưởng Phương (tôi quên họ) Khóa 12, đi cùng chuyến với tôi và mấy thanh niên cháu của Việt được thả về, gặp lại nhau tại Sài Gòn, các cháu mới kể cho tôi nghe là nếu bữa đó tôi không đón được xe mà phải đi bộ từ trại Trị An ra xa lộ thì đời tôi tiêu rồi. Chắc là ốm đòn.

Lý do là vì nếu tôi đi bộ trên đoạn đường độc đạo ấy, ít nhất cũng mất trên dưới 4 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, thằng công an trực phiên hôm ấy nó lại là vận động viên xe đạp, được tuyển chọn đại diện cho công an tỉnh Đồng Nai tham dự cuộc đua xe đạp toàn quốc, nếu nó đạp xe chỉ mất không tới một giờ.

Tôi đã không tính kỹ đầy đủ mọi chi tiết: sự thiếu sót của tôi là quên không để sẵn ca chia cơm ra vị trí thường lệ hàng ngày. Sáng dậy, khi chia cơm, anh em tù họ đếm mãi mà vẫn còn thiếu một ca. Hò hét hoài vẫn không ai bỏ thêm một ca nữa, họ bèn điểm danh. Thế là sự vắng mặt của tôi bị phát hiện sớm. Tên công an vận động viên này bèn đeo AK phóng xe đạp ra hướng xa lộ, nắm chắc trong tay là sẽ núm đầu “chú Hai hớt tóc” cho vào cũi sắt.

Nhưng hay không bằng hên.

Tôi đã cao chạy xa bay.

Tên công an vận động viên đạp xe đạp, còn tôi đi... xe hơi ! sang trọng hơn, quí phái hơn, và mau lẹ hơn nhiều. Hắn chậm hơn tôi một bước là lẽ đương nhiên, dù xe của tôi chỉ là xe ben chứ không phải li-mô-din.

Với sự thành công này mà yếu tố tiên quyết là nhờ sự may mắn và được phù trợ tối đa mà tôi đã rút ngắn thời gian do bọn Cộng phỉ ấn định cho tôi phải ngồi gỡ lịch 24 tháng xuống còn 6 tháng. Mười tám tháng được tự do sớm quả là quá lời.

Viết lại vài hàng vụn vặt, vui vui này nhân dịp họp mặt Khóa 20, mệnh danh là Đại Hội Khóa 20 Nguyễn Công Trứ - 52 Năm Hội Ngộ, tôi không dám sánh mình với những bạn rất anh hùng, can đảm sẵn sàng chấp nhận những gian lao, nguy hiểm hoặc những trận đòn thừa chết thiếu sống vẫn còn cương quyết thực hiện thêm lần thứ hai, thứ ba sau khi đã thất bại đắng cay. Tôi cũng không dám mảy may nghĩ dến việc nối thêm danh sách những người tù vượt ngục can trường của Khóa 20 ở hàng chót có thêm tên Phạm Văn Hồng.

Mà thực lòng, với đôi hàng mộc mạc này, tôi chỉ mong gửi đến các bạn cùng khóa một câu thơ của đại thi hào Tố Như tiên sinh mà tôi đã thuổng được từ khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường năm đệ tứ tại trường Trung Học Bán Công Lê quý Đôn, Nha Trang cách đây non 60 năm:

“Mua vui cũng được một vài trống canh.”

Phạm Văn Hồng

Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn